Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 11-CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 1968

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC KHEN THƯỞNG GIA ĐÌNH QUÂN NHÂN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào sắc lệnh số 216-SL ngày 20-8-1948 đặt ra huân chương Kháng chiến và sắc lệnh số 43-SL ngày 22-3-1950 sửa đổi thể lệ khen thưởng huân chương Kháng chiến,
Căn cứ vào sắc lệnh số 129-SL ngày 16 tháng 12 năm 1952 đặt ra các Bảng vàng danh dự và Bảng gia đình vẻ vang để khen thưởng các gia đình có người tòng quân,
Căn cứ vào nghị định số 017-TTg ngày 09 tháng 01 năm 1958 về việc ban hành điều lệ tặng thưởng các Bảng gia đình vẻ vang, Bảng vàng danh dự và huân chương Kháng chiến cho những gia đình có người tòng quân chống thực dân Pháp,
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành bản điều lệ mới khen thưởng gia đình quân nhân chống Mỹ, cứu nước kèm theo nghị định này.

Điều 2. Bản điều lệ mới được thi hành kể từ ngày ký nghị định.

Điều 3. Các ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Viện Huân chương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

ĐIỀU LỆ

KHEN THƯỞNG GIA ĐÌNH QUÂN NHÂN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC
(Ban hành kèm theo nghị định số 11-CP ngày 13-01-1968 của Hội đồng Chính phủ)

Nhân dân ta đang tiến hành cuộc kháng chiến vĩ đại nhất và quyết liệt nhất trong lịch sử chống đế quốc xâm lược nước ta. Đây là cuộc kháng chiến thứ hai trong khoảng thời gian từ hơn 20 năm lại đây.

Dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng và Hồ Chủ Tịch, nhân dân ta đoàn kết một lòng; quyết chiến và quyết thắng quân xâm lược. Phong trào nhân dân tham gia xây dựng các lực lượng vũ trang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hiện nay cũng như cuộc kháng chiến, cứu nước chống thực dân Pháp trước kia luôn luôn sôi nổi, mọi người đều sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập tự do và thống nhất của Tổ quốc thân yêu.

Quân đội anh hùng của ta là con em công nông, xuất thân từ những gia đình có truyền thống đấu tranh cách mạng, cha hy sinh thì con nối gót, cha mẹ tòng quân, con cũng tòng quân, nhiều chiến sĩ liên tục chiến đấu suốt cả hai cuộc kháng chiến, công việc ở hậu phương đều phó thác cho gia đình đảm nhiệm.

Để biểu dương những gia đình có nhiều cống hiến cho Tổ quốc, cho việc xây dựng các lực lượng vũ trang hùng mạnh và nhằm phát huy hơn nữa chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta, ra sức thi đua giết giặc lập công, đồng thời xây dựng hậu phương vững chắc, bảo đảm cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mau đi đến thắng lợi hoàn toàn, bản điều lệ khen thưởng này quy định các chi tiết như sau:

I. HÌNH THỨC VÀ TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG

A. Bảng gia đình vẻ vang thưởng những gia đình có 1 hoặc 2 người tòng quân.

B. Bảng vàng danh dự thưởng những gia đình có số quân nhân như sau:

- 2 người trong đó có 1 liệt sĩ, từ trần hoặc 1 thương binh loại A, hạng 6, 7, 8;

- 2 người đều là thương binh loại A, hạng 6, 7, 8;

- 2 cha con hoặc 2 mẹ con;

- chỉ có 2 con đẻ đều tòng quân;

- chỉ có 1 con đẻ duy nhất là liệt sĩ;

- có cháu là con liệt sĩ được ông bà nuôi và ở chung một hộ với ông bà.

C. Huân chương Kháng chiến.

Huân chương Kháng chiến hạng ba thưởng những gia đình có số quân nhân như sau:

- 5 hoặc 6 người;

- 4 người gồm cha (hoặc mẹ) và 3 con;

- 3 người trong đó có 1 liệt sĩ hoặc từ trần, và 1 thương binh loại A, hạng 6, 7, 8;

- 3 người trong đó có 2 liệt sĩ hoặc 2 thương binh loại A hạng 6, 7, 8;

- 3 người đều là thương binh loại A hạng 6, 7, 8 hoặc 1 là thương binh loại A hạng 6, 7, 8 và 1 từ trần;

- 3 người gồm cha (hoặc mẹ) và 2 con, trong đó có 1 liệt sĩ, hoặc 1 thương binh loại A, hạng 6, 7, 8;

- 3 người gồm hai cha mẹ và 1 con;

- chỉ có 3 con đẻ đều tòng quân, trong đó có 1liệt sĩ, hoặc 1 thương binh loại A, hạng 6, 7, 8;

- chỉ có 2 con đẻ đều là liệt sĩ hoặc 1 liệt sĩ hoặc từ trần và 1 thương binh loại A hạng 6, 7, 8.

Huân chương Kháng chiến hạng nhì thưởng những gia đình có số quân nhân như sau:

- 7 người;

- 6 người trong đó có 1 liệt sĩ, từ trần hoặc thương binh loại A hạng 6, 7, 8;

- 5 người trong đó có 2 liệt sĩ, từ trần hoặc 1liệt sĩ, từ trần và 1 thương binh loại A hạng 6, 7, 8;

- 5 người gồm cha (hoặc mẹ) và 4 con trong đó có 1 liệt sĩ, từ trần hoặc thương binh loại A hạng 6, 7, 8 hoặc 2 cha mẹ và 3 con;

- chỉ có 5 con đẻ đều tòng quân;

- chỉ có 4 con đẻ đều tòng quân, trong đó có 2 liệt sĩ hoặc 1 liệt sĩ, 1 từ trần hoặc 1 thương binh loại A hạng 6, 7, 8;

- 4 người gồm cha (hoặc mẹ) và 3 con, trong đó có 2 liệt sĩ hoặc 1 liệt sĩ và 1 thương binh loại A hạng 6, 7,8;

- 4 người gồm 2 cha mẹ và 2 con, trong đó có 1 liệt sĩ, từ trần hoặc 1 thương binh loại A, hạng 6, 7, 8;

- 4 người trong đó có 2 liệt sĩ và 1 thương binh loại A hạng 6, 7, 8;

- 4 người trong đó có 3 liệt sĩ, hoặc 1 liệt sĩ và 2 thương binh loại A hạng 6, 7, 8;

- 3 người đều là liệt sĩ;

- chỉ có 3 con đẻ đều tòng quân, trong đó có 2 liệt sĩ và 1 thương binh loại A hạng 6, 7, 8 hoặc 1 liệt sĩ và 2 thương binh loại A hạng 6, 7, 8;

Huân chương Kháng chiến hạng nhất thưởng những gia đình có số quân nhân như sau:

- 8 người trở lên;

- 7 người trong đó có 1 liệt sĩ, từ trần hoặc thương binh loại A hạng 6, 7, 8;

- 6 người, trong đó có 2 liệt sĩ, hoặc 1 liệt sĩ và 1 thương binh loại A hạng 6, 7, 8;

- 6 người gồm cha (hoặc mẹ) và 5 con, trong đó có 1 liệt sĩ hoặc 1 thương binh loại A hạng 6, 7, 8;

- 6 người gồm 2 cha mẹ và 4 con, trong đó có 1 liệt sĩ hoặc 1 thương binh loại A hạng 6, 7, 8;

- 5 người trong đó có 3 liệt sĩ hoặc 2 liệt sĩ và 1 thương binh loại A hạng 6, 7, 8;

- 5 người gồm cha (hoặc mẹ) và 4 con, trong đó có 2 liệt sĩ hoặc 1 liệt sĩ và 1 thương binh loại A hạng 6, 7, 8;

- chỉ có 5 người con đẻ đều tòng quân, trong đó có 2 liệt sĩ hoặc 1 liệt sĩ và 1 thương binh loại A hạng 6, 7, 8;

- chỉ có 4 người con đẻ đều tòng quân trong đó có 3 liệt sĩ hoặc 2 liệt sĩ và 1 thương binh loại A hạng 6, 7, 8 hoặc chỉ có 4 người đều là liệt sĩ.

II. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC XÉT KHEN THƯỞNG VÀ ĐIỀU KIỆN PHẢI CÓ

A. Về gia đình:

1. Những người được khen thưởng là cha mẹ đẻ của quân nhân, không phân biệt người quân nhân đã ở riêng hay còn ở chung hộ với cha mẹ.

Nếu cha mẹ mất từ khi người quân nhân còn nhỏ được ông bà nội hay ngoại, hoặc chú, bác, cô, dì, anh chị em thân thích, hay người ngoài nuôi dưỡng như con đẻ cho đến lúc trưởng thành rồi tòng quân thì người nuôi ấy được khen thưởng như cha mẹ đẻ. Đối với trường hợp từ nhỏ đến lớn được nhiều người nuôi, thì người có công nuôi nhiều nhất được khen thưởng. Trong trường hợp này phải có ý kiến của người quân nhân tham gia và sự thỏa thuận giữa những người đã nuôi quân nhân ấy.

2. Những gia đình được khen thưởng phải là những gia đình đã đồng tình hoặc khuyến khích con em mình tòng quân, tuân theo pháp luật và chấp hành các chính sách của Nhà nước.

3. Những gia đình trước kia thuộc thành phần cải tạo xã hội chủ nghĩa, mà nay đã tự cải tạo tốt được chính quyền xác nhận và đã được thay đổi thành phần cũng được xét khen thưởng.

4. Những gia đình kiều dân nước ngoài có con em tham gia hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam đã luôn luôn tuân theo pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong thời gian cư trú ở Việt nam cũng được xét khen thưởng.

Nói chung, những người được khen thưởng nếu đã mất thì sẽ được truy tặng.

B. Về người quân nhân:

1. Quân nhân thuộc diện xét khen thưởng cho gia đình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hiện nay bao gồm các thành phần sau đây:

- Kể từ ngày 05-8-1964 (ngày đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu leo thang đánh phá miền Bắc) trở đi, những quân nhân thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, công an nhân dân vũ trang hiện đang phục vụ trong quân đội, hoặc đã hy sinh, từ trần, hay thương binh, bệnh binh đã xuất ngũ, chuyển ngành và là con đẻ (trai, gái), con dâu (tòng quân sau khi lấy chồng) hoặc là con nuôi, cháu nuôi, em nuôi coi như con đẻ, em ruột.

- Liệt sĩ hoặc thương binh loại A hạng 6, 7, 8 thuộc lực lượng dân quân, tự vệ (cũng tính từ ngày 05-8-1964 trở đi).

- Liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, quân nhân từ trần thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, công an nhân dân vũ trang trong khoảng thời gian từ 20-7-1954 đến ngày 05-8-1964. Liệt sĩ và thương binh loại A hạng 6, 7, 8 thuộc lực lượng dân quân, tự vệ trong khoảng thời gian ấy cũng thuộc diện tính để khen thưởng gia đình.

- Đối với các liệt sĩ, thương binh hạng đặc biệt, hạng 1, 2, 3 thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, công an cảnh vệ, du kích địa phương trong cuộc kháng chiến chống Pháp trước đây nếu hiện nay gia đình có người tòng quân chống Mỹ, cứu nước cũng được cộng vào mà xét thưởng gia đình theo các tiêu chuẩn đã quy định nói trên.

2. Các điều kiện về người quân nhân:

- Phải có quân tịch rõ ràng;

- Không phạm sai lầm nghiêm trọng trong việc thực hiện kỷ luật của quân đội, của công an nhân dân vũ trang, chấp hành các chính sách và tuân theo pháp luật của Nhà nước;

- Phải có đủ tuổi quân, theo quy định sau đây:

a) Kể từ ngày 05-8-1964 cho đến ngày đánh giặc Mỹ xâm lược, người tòng quân trước cũng như sau đều phải có 6 tháng tuổi quân;

b) Đối với số quân nhân chưa đủ 6 tháng tuổi quân, nhưng đã là liệt sĩ hoặc thương binh thì được miễn tính tuổi quân;

c) Những quân nhân phục vụ liên tục trong quân đội suốt 2 cuộc kháng chiến không phải tính tuổi quân;

d) Những quân nhân tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp trước đây đã xuất ngũ, chuyển ngành, nay tái ngũ, và những quân nhân làm xong nghĩa vụ quân sự từ ngày 05-8-1964 về trước cũng như từ ngày 5-8-1964 về sau mà tái đăng thì chỉ cần 3 tháng tuổi quân;

đ) Những quân nhân mới nhập ngũ chưa đủ 6 tháng mà chiến tranh đã kết thúc thắng lợi, gia đình cũng được khen thưởng nếu tuổi quân đã được 3 tháng trở lên. Còn lớp dưới 3 tháng trở xuống, thì sẽ được tính để thưởng khi quân nhân ấy đủ 6 tháng tuổi quân như quy định;

e) Đối với những quân nhân nhập ngũ sau ngày 5-8-1964 trở đi, vì bị thương tật hoặc bị bệnh, kém sức khỏe, phải xuất ngũ, chuyển ngành nếu đã đủ 6 tháng tuổi quân thì gia đình được xét thưởng;

g) Đối với những quân nhân nhập ngũ trước ngày 05-8-1964 và có mặt trong quân đội sau ngày 05-8-1964 từ 3 tháng trở lên vì bị thương tật hoặc kém sức khỏe mà đã xuất ngũ, chuyển ngành, nếu đã đủ 6 tháng tuổi quân thì gia đình cũng được xét thưởng.

III. NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC KHEN THƯỞNG VÀ NHỮNG TRƯỜNG HỢP TẠM HOÃN KHEN THƯỞNG

I. Nhũng trường hợp không được khen thưởng.

a) Về gia đình quân nhân:

- Chủ gia đình (cha hoặc mẹ) đã và đang bị án tù ngồi, tù treo, bị tước quyền công dân, bị quản chế trong các trại cải tạo.

- Chủ gia đình là địa chủ cường hào gian ác đã quy sau khi sửa sai về cải cách ruộng đất, hoặc là tư sản phản động.

- Chủ gia đình kể từ ngày cánh mạng tháng 8 và ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp về sau đã có những sai phạm lớn, làm tổn hại đến nhiều tính mệnh, tài sản của nhân dân, của Nhà nước mà đến nay nhân dân vẩn còn oán ghét.

Đối với những trường hợp trên đây thì chỉ thưởng bảng gia đình vẻ vang cho vợ hoặc chồng người quân nhân.

b) Về quân nhân:

- Đã phạm kỷ luật bị khai trừ ra khỏi quân đội.

- Đã bị án tù.

- Đã bỏ ngũ, không trở lại quân đội qua nhiều lần giáo dục của đơn vị và của địa phương.

- Khi mất liên lạc, không tìm lại đơn vị, cố tình về nhà hoặc đi nơi khác sinh sống.

- Đã tiết lộ bí mật, hại đến kế hoạch quân sự, quốc phòng và kháng chiến.

2. Những trường hợp tạm hoãn khen thưởng.

a) Về gia đình:

- Chủ gia đình (cha hoặc mẹ) hoặc vợ hay chồng quân nhân đang liên quan đến một vấn đề về chính trị hoặc hình sự mà tòa án chưa xét xử xong.

- Chủ gia đình có những biểu hiện xấu đối với vấn đề tòng quân chống Mỹ, cứu nước hoặc có những hành động có hại đến việc thi hành các chính sách ở địa phương nhưng chưa đến mức bị truy tố.

b) Về quân nhân:

- Đã phạm kỷ luật nhiều lần, đã được giáo dục nhưng chưa hối cải rõ rệt.

- Đang liên quan đến một vấn đề quan trọng chưa giải quyết xong.

Đối với các trường hợp tạm hoãn kể trên, Ủy ban hành chính xã, thị xã, khu phố, đơn vị bộ đội, công an nhân dân vũ trang phải báo cáo cụ thể lên cấp trên quyết định. Cứ 6 tháng một lần Ủy ban hành chính địa phương và đơn vị quân đội phải xem xét lại, nếu thấy gia đình người quân nhân hoặc bản thân người quân nhân đã hối cải rõ rệt, có nhiều tiến bộ thì xét khen thưởng.

IV. MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC

- Nữ quân nhân chỉ được tính thưởng trong một gia đình, nếu tòng quân khi chưa lấy chồng thì tính thưởng ở gia đình cha mẹ đẻ, nếu tòng quân sau khi lấy chồng thì tính thưởng ở gia đình cha mẹ chồng.

- Thiếu sinh quân đang đi học, chưa phục vụ trong quân đội, chưa có quân tịch, thì chưa thưởng gia đình.

- Đối với cán bộ người miền Nam tập kết nay tòng quân nếu không có cha mẹ đẻ ở miền Bắc thì tạm hoãn việc khen thưởng cha mẹ. Nếu có vợ cùng đi tập kết thì xét thưởng cho vợ. Trường hợp khi tập kết chưa có vợ, sau cưới vợ ở miền Bắc được chính quyền và đoàn thể thừa nhận thì vợ cũng được xét thưởng.

- Đối với quân nhân người nước ngoài không có cha mẹ ở Việt Nam thì xét thưởng cho vợ quân nhân ấy.

- Những gia đình tự nguyện nuôi thương binh loại A hạng 6, 7, 8 suốt đời như con đẻ trong gia đình, có sự cam kết thỏa thuận giữa cha mẹ nuôi và người thương binh, có chính quyền địa phương chứng nhận, cũng được khen thưởng như cha mẹ đẻ.

Các hợp tác xã hoặc đoàn thể nuôi thương binh sẽ được khen thưởng theo một quy định riêng.

- Những chị em phụ nữ kết hôn với thương binh loại A, hạng 6, 7, 8 chưa có vợ, có giấy hôn thú rõ ràng sẽ được xét thưởng Bảng gia đình vẻ vang.

V. NGUYÊN TẮC CHUNG TRONG VIỆC VẬN DỤNG CHÍNH SÁCH TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG

Việc khen thưởng gia đình quân nhân chống Mỹ, cứu nước hiện nay tiến hành trong quá trình cuộc kháng chiến đang tiếp diễn, người tòng quân còn có thể phải tăng thêm theo yêu cầu của cuộc kháng chiến, vì vậy trong các gia đình quân nhân còn có thể có sự thay đổi: số người tòng quân sẽ tăng thêm hoặc bị thương vong. Bản Điều lệ này không thể quy định được hết các trường hợp, cũng như không thể quy định được công bằng một cách tuyệt đối, do đó nguyên tắc chung trong việc vận dụng tiêu chuẩn khen thưởng là:

Khi gia đình quân nhân có sự thay đổi về lượng hoặc về chất, thì mức khen thưởng sẽ thay đổi theo, căn cứ vào lượng và chất đã đạt và theo tỉ lệ so sánh cân xứng giữa các mức độ mà vận dụng tiêu chuẩn một cách hợp tình hợp lý đúng với tinh thần của chính sách khen thưởng.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp trường hợp nào mới, chưa có quy định trong điều lệ thì Ủy ban hành chính địa phương phải báo cáo và xin ý kiến của cấp trên.

Cứ 6 tháng một lần các Ủy ban hành chính địa phương phải nắm lại tình hình các gia đình quân nhân, nếu có sự thay đổi mới thì xét và đề nghị mức khen mới. Khi được khen lần thứ hai, gia đình quân nhân vẫn được giữ các hình thức đã được khen lần trước.

VI. VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Quyền hạn và nhiệm vụ của các ngành, các cấp.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (Bộ tư lệnh công an nhân dân vũ trang) phải thường xuyên (3 tháng hoặc 6 tháng) thông báo những tin tức về người quân nhân trực tiếp liên quan đến việc vận dụng tiêu chuẩn khen thưởng cho các Ủy ban hành chính địa phương nơi sinh quán hoặc trú quán của gia đình quân nhân đó.

- Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các khu tự trị Việt Bắc, Tây Bắc có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện chính sách, phối hợp chặt chẽ và giúp đỡ các ngành, các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Viện Huân chương có trách nhiệm xem xét lại các đề nghị khen thưởng của địa phương, trình Hội đồng Chính phủ xét và quyết định, thường xuyên theo dõi tình hình, sơ kết, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chính sách.

- Để thích ứng với thời chiến, Hội đồng Chính phủ ủy quyền cho các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh ra quyết định khen thưởng Bảng gia đình vẻ vang. Cứ 3 tháng một lần, phải báo cáo tình hình và số liệu khen thưởng lên Chính phủ.

- Ủy ban hành chính xã, thị trấn, thị xã, khu phố, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm xét và xác nhận các điều kiện về gia đình quân nhân, lập danh sách, hồ sơ và đề nghị khen thưởng lên Ủy ban hành chính cấp trên trực tiếp.

- Ủy ban hành chính huyện phải kiểm tra, xét duyệt các đề nghị của Ủy ban hành chính xã, thị trấn lập danh sách, hồ sơ, đề nghị lên Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương.

- Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương duyệt lần cuối cùng, lập danh sách, hồ sơ và đề nghị lên Hội đồng Chính phủ (về các đề nghị khen Bảng vàng danh dự, huân chương Kháng chiến).

- Các Bộ, các ngành chuyên môn ở cấp trung ương cũng như ở tỉnh, thành, các công, nông, lâm trường, nhà máy, bệnh viện, trường học không trực tiếp đề nghị khen thưởng cho gia đình quân nhân hiện ở miền Bắc.

Hễ khi nào có cán bộ, công nhân, viên chức, học sinh, sinh viên thuộc cơ quan mình quản lý đi tòng quân thì đơn vị cơ sở một mặt phải trực tiếp thông báo cho Ủy ban hành chính xã, thị xã, khu phố nơi sinh quán hoặc trú quán của gia đình quân nhân ấy biết về ngày nhập ngũ, kèm theo bản tóm tắt lý lịch của cán bộ, công nhân viên ấy và giấy chứng nhận nhập ngũ của xã đội, thị đội dân quân nơi tuyển quân, mặt khác phải báo cáo lên cấp trên của ngành mình.

- Riêng đối với cán bộ miền Nam tập kết công tác trong cơ quan, xí nghiệp, công, nông, lâm trường, trường học, bệnh viện đi tòng quân hoặc có con tòng quân thì cơ quan quản lý cán bộ ấy phụ trách lập hồ sơ, danh sách đề nghị lên cấp trên trực tiếp của ngành mình để trình lên Chính phủ xét thưởng.

- Đối với gia đình quân nhân là kiều bào về nước, hoặc cán bộ miền Nam tập kết đã về hưu trí hoặc đang sản xuất, công tác ở các thôn xã, khu phố thì Ủy ban hành chính nơi cư trú của gia đình ấy có trách nhiệm lập hồ sơ, danh sách và đề nghị lên cấp trên.

- Đối với gia đình quân nhân người miền xuôi lên tham gia xây dựng kinh tế, văn hóa ở miền núi thì do Ủy ban hành chính địa phương nơi quê hương mới của các gia đình ấy chịu trách nhiệm xét và đề nghị.

2. Lập Ban xét khen thưởng gia đình quân nhân.

Để giúp Ủy ban hành chính các cấp thực hiện nhanh chóng và đúng đắn việc khen thưởng này, ở mỗi cấp chính quyền từ tỉnh thành đến xã, khu phố cần thành lập Ban xét khen thưởng.

Ban này là ban chuyên môn đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban hành chính các cấp, có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, lập danh sách và xét các đề nghị khen thưởng trình Ủy ban hành chính cùng cấp giải quyết, thường xuyên theo dõi phong trào tòng quân, sơ kết, tổng kết công tác, báo cáo lên cấp trên, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện, lập các sổ sách cần thiết ghi chép đầy đủ để quản lý tốt việc khen thưởng.

Ban xét khen thưởng ở các cấp đều gồm các thành phần như sau:

- Đại diện Ủy ban hành chính: trưởng ban,

- Đại diện Ban chỉ huy dân quân: phó trưởng ban,

- Đại diện Ban tổ chức dân chính: ủy viên thư ký thường trực,

- Đại diện Ban chấp hành đoàn thanh niên lao động: ủy viên.

- Đại diện Ban chấp hành hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam: ủy viên .

Ở xã, thị trấn nếu chưa có Ban tổ chức và dân chính thì Ủy viên Ủy ban hành chính phụ trách công tác nội chính làm thư ký thường trực của Ban xét khen thưởng.

Việc ban hành bản điều lệ khen thưởng gia đình quân nhân chống Mỹ, cứu nước hiện nay có tầm quan trọng và ý nghĩa chính trị rộng lớn đối với cuộc kháng chiến. Đây là một sự cổ vũ hết sức mạnh mẽ toàn quân và toàn dân ta phát huy hơn nữa chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, trong sản xuất và công tác, vì vậy Ủy ban hành chính và đoàn thể các cấp phải coi trọng đúng mức, nhận rõ mục đích, yêu cầu, tổ chức lãnh đạo thực hiện tốt bản điều lệ này để đẩy mạnh phong trào chống Mỹ, cứu nước mau đi đến thắng lợi hoàn toàn.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 11-CP năm 1968 về việc khen thưởng gia đình quân nhân chống Mỹ, cứu nước do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 11-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 13/01/1968
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 13/01/1968
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản