Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
THANH TRA BỘ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 225/KL-TTrB

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2014

 

KẾT LUẬN

THANH TRA CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HÀNH NGHỀ Y, Y DƯỢC CỔ TRUYỀN TƯ NHÂN VÀ HÓA CHẤT, CHẾ PHẨM DIỆT CÔN TRÙNG, DIỆT KHUẨN DÙNG TRONG LĨNH VỰC GIA DỤNG VÀ Y TẾ TẠI TỈNH HẬU GIANG

Thực hiện Quyết định số 126/QĐ-TTrB ngày 01/8/2014 của Chánh Thanh tra Bộ Y tế về việc thành lập Đoàn thanh tra công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, y dược cổ truyền tư nhân và hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng của Sở Y tế tỉnh Hậu Giang. Trong thời gian từ ngày 13/8/2014 đến ngày 22/8/2014, Đoàn Thanh tra Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra tại Sở Y tế tỉnh Hậu Giang và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn.

Xét Báo cáo kết quả thanh tra ngày 27 tháng 10 năm 2014 của Đoàn thanh tra theo Quyết định số 126/QĐ-TTrB ngày 01/8/2014 của Chánh Thanh tra Bộ.

Kết luận thanh tra như sau:

I. TỔNG QUAN:

Hậu Giang là tỉnh ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh lỵ tọa lạc tại thành phố Vị Thanh, cách thành phố Hồ Chí Minh 240 km về phía Tây Nam, cách thành phố Cần Thơ 60 km theo Quốc lộ 61 và chỉ cách 40 km theo đường nối Vị Thanh - thành phố Cần Thơ. Trên địa bàn tỉnh có 2 trục giao thông huyết mạch quốc gia là quốc lộ 1A, quốc lộ 61; 2 trục giao thông thủy quốc gia kênh Xà No, kênh Quản lộ - Phụng Hiệp.

Tỉnh Hậu Giang phía bắc giáp thành phố Cần Thơ, phía nam giáp tỉnh Sóc Trăng; phía đông giáp sông Hậu và tỉnh Vĩnh Long, phía tây giáp tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu. Diện tích tự nhiên 1.602 km2, dân số của tỉnh năm 2013 là 780.800 người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân còn 10,8‰ mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Hậu Giang có khí hậu điều hòa, ít bão, quanh năm nóng ẩm, có hai mùa (không có mùa lạnh). Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau. Tỉnh Hậu Giang có Ba dân tộc: Kinh, Khmer và Hoa có truyền thống đoàn kết, cần cù lao động sáng tạo kiến thiết quê hương, đem đến sự đa dạng về văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán.

Hậu Giang hiện có 7 đơn vị hành chính, gồm 5 huyện: Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành, Châu Thành A, một thị xã Ngã Bảy và một thành phố Vị Thanh. Toàn tỉnh có 74 đơn vị xã, phường, thị trấn.

Hiện tại toàn Sở Y tế có 07 phòng/ban chuyên môn và 12 đơn vị trực thuộc tuyến tỉnh, 01 BVĐK khu vực, 06 BVĐK huyện/thành phố, 07 Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố, 7 Trung tâm DS-KHHGD huyện/thị xã/thành phố, 74 Trạm y tế xã và 8 Phòng khám đa khoa khu vực.

II. KẾT QUẢ THANH TRA:

A. Thanh tra công tác quản lý nhà nước của Sở Y tế về hành nghề y tư nhân

1- Thanh tra tại Sở Y tế:

1.1. Những văn bản chỉ đạo:

UBND tỉnh Hậu Giang và Sở Y tế Hậu Giang đã có những văn bản chỉ đạo về việc thực hiện cấp Chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề và cấp Giấy phép hoạt động cho các cơ sở hành nghề theo quy định của Luật Khám chữa bệnh.

1.2- Về tổ chức thực hiện:

Quy trình xét cấp Chứng chỉ hành nghề và Giấy phép hoạt động được thực hiện theo nguyên tắc “một cửa”:

- Bộ phận một cửa xem xét và tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, lập Phiếu tiếp nhận hồ sơ và gửi cho khách hàng, chuyển giao hồ sơ cho Phòng Nghiệp vụ y xử lý, thẩm định nội dung hồ sơ, trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ (sau khi đã thẩm định đủ điều kiện đối với cơ sở xin cấp Giấy phép hoạt động) trình Hội đồng để xét cấp Chứng chỉ hành nghề và Giấy phép hoạt động xem xét trình Giám đốc Sở Y tế ký cấp; kết quả trả Chứng chỉ hành nghề và Giấy phép hoạt động tại phòng bộ phận một cửa.

- Thời gian từ khi nhận hồ sơ xin cấp Chứng chỉ hành nghề và Giấy phép hoạt động đến khi cấp là 60 ngày. Các trường hợp không cấp, cấp lại đều được thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, bộ phận một cửa có văn bản thông báo cho khách hàng để hoàn chỉnh hồ sơ trong đó nêu rõ tài liệu, nội dung cần bổ sung.

- Gửi thông báo cho UBND quận, huyện thuộc tỉnh Hậu Giang danh sách các cơ sở KCB đã được cấp, cấp lại hoặc điều chỉnh Giấy phép hoạt động.

- Sở Y tế đã tổ chức tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật cho những người hành nghề khám chữa bệnh trên địa bàn. Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 30/7/2014, đã cấp được 512 Chứng chỉ hành nghề và 327 Giấy phép hoạt động trong đó có 61 cơ sở hành nghề y dược cổ truyền tư nhân.

1.3- Kết quả kiểm tra một số hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề và Giấy phép hoạt động đã và đang được xét cấp tại Sở Y tế (năm 2013 đến thời điểm thanh tra gồm 104 bộ Hồ sơ cấp CCHN và 104 bộ Hồ sơ cấp GPHĐ):

+ Những mặt làm được

- Sở Y tế tỉnh Hậu Giang đã thực hiện theo nguyên tắc “một cửa” trong công tác tiếp nhận, cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề KCB và Giấy phép hoạt động đối với các cơ sở KCB, việc quản lý đã từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật, thuận tiện và nhanh chóng.

- Danh mục hồ sơ xin cấp Chứng chỉ hành nghề KCB và Giấy phép hoạt động được quản lý trên máy vi tính bằng phần mềm do Bộ Y tế triển khai; danh mục được sắp xếp theo nội dung hành nghề (Y, Dược)...thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát.

- Hồ sơ được lưu giữ tại Phòng Nghiệp vụ y, nhìn chung hồ sơ được bảo quản theo quy định.

+ Những tồn tại:

- Biên bản thẩm định theo mẫu thống nhất của Bộ Y tế và Sở Y tế, nhưng việc ghi chép của Đoàn thẩm định chưa thể hiện hết các chi tiết về phạm vi chuyên môn, dụng cụ y tế, danh mục thuốc, xử lý rác thải, nước thải y tế...; không có nhận xét về tình hình nhân sự, cơ sở vật chất, hồ sơ pháp lý; Đoàn thẩm định của các Phòng y tế quận, huyện không ghi rõ chức danh những người tham gia thẩm định; Đoàn thẩm định của SYT chỉ có 02 người đi thẩm định cấp GPHĐ cho Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa là chưa đầy đủ thành phần và chưa đúng theo quy định tại Thông tư 41/2011/TT-BYT.

- SYT không ban hành Phạm vi hoạt động chuyên môn và danh mục kỹ thuật kèm theo Giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám, chữa bệnh là chưa chặt chẽ.

- Giấy khám sức khoẻ đều làm theo mẫu quy định tại Thông tư số 14/TT-BYT của Bộ Y tế. Tuy nhiên, một số Giấy khám sức khỏe của Trung tâm y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh không có kết quả khám cận lâm sàng, không ghi ngày tháng khám hoặc ngày tháng hết hạn.

- Một số bộ hồ sơ cấp Giấy phép hoạt động thiếu Hợp đồng lao động của những nhân viên phụ việc tại phòng khám.

- Hồ sơ lưu được sắp xếp riêng từng cơ sở, nhưng chưa khoa học (không lưu bản sao GPHĐ và CCHN trong bộ hồ sơ mà lưu riêng), hồ sơ lưu chưa đầy đủ (một số Hồ sơ không lưu Hợp đồng xử lý rác thải, hồ sơ nhân viên...) nên không thuận lợi cho việc kiểm tra.

+ Khó khăn

- Nhân sự của Phòng Nghiệp vụ y còn ít nên gặp nhiều khó khăn trong công tác thẩm định và hậu kiểm. Người phụ trách công tác cấp CCHN và GPHĐ phải kiêm nhiều công việc, do đó đôi lúc cũng khó đảm bảo đúng thời gian quy định về thủ tục cấp theo hướng dẫn tại Thông tư 41/2011/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động thành phần hồ sơ không có yêu cầu xác nhận thời gian tham gia khám bệnh, chữa bệnh, do đó không có cơ sở để xác định đối tượng có thời gian tham gia khám bệnh, chữa bệnh là 54 tháng để cấp giấy phép cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Đối với cơ sở công lập hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại có nhiều cơ sở chưa có trang thiết bị để xử lý, vì vậy xét về điều kiện để cấp GPHĐ cũng gặp khó khăn.

- Dược sỹ đang công tác tại khoa xét nghiệm thì không thuộc đối tượng cấp CCHN, nhưng Thông tư 41/2011/TT-BYT quy định người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật là bác sỹ hoặc cử nhân sinh học hoặc cử nhân hóa học hoặc dược sỹ đại học hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm (tốt nghiệp đại học).

- KTV Xquang (tốt nghiệp đại học) không được là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật trong khi kỹ thuật viên xét nghiệm (tốt nghiệp đại học) thì được là người đứng đầu chủ cơ sở phòng khám chuyên khoa.

2. Thanh tra việc thực hiện những quy định của pháp luật về hành nghề y tư nhân tại một số cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn.

2.1. Thanh tra tại Bệnh viện Đa khoa số 10 (Địa chỉ: Số 10, Quốc lộ 1A, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang).

2.1.1. Hồ sơ pháp lý:

Bệnh viện đa khoa số 10 có Giấy phép hoạt động số 158/BYT-GPHĐ do Bộ Y tế cấp từ ngày 19/9/2013; loại hình bệnh viện đa khoa.

Giám đốc Bệnh viện là Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, có CCHN số 000010/HAUG-CCHN do SYT Hậu Giang cấp ngày 28/9/2012 với hình thức hành nghề là khám chữa bệnh chuyên khoa Nội.

Phạm vi hoạt động chuyên môn: Theo Quyết định số 3546/QĐ-BYT ngày 19/9/2013 của Bộ Y tế; Bệnh viện đã được SYT Hậu Giang phê duyệt Danh mục kỹ thuật trong khám chữa bệnh tại bệnh viện tại Quyết định số 1026/QĐ-SYT ngày 16/6/2014.

Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số 6300140055 do Sở Kế hoạch đầu tư Hậu Giang cấp ngày 24/2/2011, thay đổi lần 04 ngày 23/9/2013.

Tại thời điểm thanh tra:

- Bệnh viện còn 5/29 bác sỹ và 15/35 điều dưỡng chưa có CCHN. Bệnh viện giải trình bệnh viện đang tiến hành các thủ tục xin cấp CCHN cho những người còn lại.

2.1.3. Hồ sơ quản lý lao động:

Bệnh viện có hồ sơ, hợp đồng lao động và đóng BHXH công nhân viên. Các bác sỹ Chủ nhiệm khoa chuyên môn có hồ sơ theo quy định.

2.1.4. Thực hiện quy chế chuyên môn trong khám chữa bệnh:

Đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại bệnh viện Đoàn có nhận xét chung như sau:

- Biển hiệu ghi chưa đầy đủ như: thiếu tên người phụ trách chuyên môn của bệnh viện và thời gian hoạt động trong ngày.

- Việc thực hiện quy chế về hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc: Bệnh án cơ bản làm theo mẫu của Bộ Y tế nhưng ghi chép trong bệnh án còn sơ sài, chưa đầy đủ cột mục, chữ viết xấu, khó đọc.

- Sổ ghi Biên bản hội chẩn và tờ trích biên bản hội chẩn dán trong bệnh án được làm theo mẫu của Bộ Y tế, việc ghi chép còn sơ sài không đầy đủ: thiếu chữ ký của chủ tọa hoặc bác sỹ tham gia hội chẩn.

+ Tại khoa xét nghiệm của bệnh viện có một số loại hóa chất dùng cho xét nghiệm đã quá hạn sử dụng. Tuy nhiên, số hóa chất này đã được để riêng một chỗ để chờ hủy.

+ Tủ thuốc cấp cứu của Phòng khám sản, Tai Mũi Họng không có danh mục thuốc theo quy định.

+ Bệnh viện đã tiến hành phân loại rác thải y tế ngay tại các khoa phòng có trang bị túi nilon với màu sắc theo quy định. Có Hợp đồng xử lý rác thải y tế.

2.1.5. Việc thực hiện quy chế chuyên môn về Dược:

Nhà thuốc bệnh viện:

- Nhà thuốc Bệnh viện đã được Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc số 100/HAU/GCNĐĐKKDT do SYT Hậu Giang cấp ngày 13/12/2013 và Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GPP số 050/GPP cấp ngày 25/3/2013 và do Dược sỹ đại học Thạch Thị Sự phụ trách có CCHN số 100/CCHND do SYT Hậu Giang cấp ngày 11/11/2013.

- Có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 64E8004123 cấp ngày 03/10/2012

- Cơ sở vật chất của nhà thuốc: khang trang sạch sẽ, kho thuốc có lắp đặt hệ thống điều hòa nhiệt độ đảm bảo yêu cầu bảo quản thuốc

- Kiểm tra ngẫu nhiên 10 loại thuốc đang bán tại nhà thuốc cho thấy: các thuốc này đều có nguồn gốc rõ ràng, thặng số bán lẻ đúng theo quy định.

Khoa dược bệnh viện:

- Bệnh viện có Dược sỹ đại học làm Trưởng khoa Dược và làm việc toàn thời gian.

- Khoa Dược đã đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh tại bệnh viện.

- Bệnh viện cơ bản thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng thuốc tại các khoa phòng.

- Hội đồng thuốc và điều trị của Bệnh viện đã xây dựng danh mục thuốc thiết yếu sử dụng tại bệnh viện.

2.2. Phòng khám Đa khoa Thanh Xuân (địa chỉ: Số 79, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 1, TP Vị Thanh, Hậu Giang):

2.2.1. Hồ sơ pháp lý:

- Phòng khám đa khoa Thanh Xuân có Giấy phép hoạt động số 0216/SYT-GPHĐ do Sở Y tế Hậu Giang cấp ngày 08/7/2013;

- Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật: Bác sỹ Huỳnh Thành Chiến, Chứng chỉ hành nghề số 000000/HUAG-CCHN do Sở Y tế Hậu Giang cấp ngày 28/9/2012; Phạm vi hoạt động là chuyên khoa Nội.

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 6300224026 do Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hậu Giang cấp, đăng ký lần đầu ngày 15/4/2014;

- Phạm vi hoạt động chuyên môn: SYT chưa phê duyệt phạm vi hoạt động chuyên môn và danh mục kỹ thuật của phòng khám;

- Tại thời điểm thanh tra Phòng khám không xuất trình được Biên bản thẩm định để cấp Giấy phép hoạt động. Phòng khám giải trình do SYT không cấp cho Phòng khám Biên bản thẩm định.

2.2.2. Hồ sơ quản lý lao động:

Phòng khám có hồ sơ, hợp đồng lao động cho người lao động.

2.2.3. Thực hiện quy chế chuyên môn trong khám, chữa bệnh:

Đoàn thanh tra đã kiểm tra thực tế tại phòng khám và có một số nhận xét như sau:

- Phòng khám có Hợp đồng xử lý rác thải y tế, có Giấy chứng nhận an toàn phòng cháy, chữa cháy...

- Tại thời điểm thanh tra, 4/4 bác sỹ đã được cấp Chứng chỉ hành nghề, 01 điều dưỡng của Phòng khám vẫn chưa được cấp chứng chỉ hành nghề;

Một số tồn tại:

- Biển hiệu ghi chưa đầy đủ như: thiếu tên người phụ trách chuyên môn của Phòng khám và thời gian hoạt động trong ngày.

- Không đầy đủ các phương tiện dùng cho cấp cứu theo quy định như: không có tủ thuốc cấp cứu, cáng, nẹp oxy.

- Bảng giá dịch vụ được niêm yết công khai nhưng chưa đầy đủ theo quy định.

2.3. Nhà hộ sinh Ngọc Thanh (địa chỉ: số 10-12, Hải Thượng Lãn Ông, phường 1, TP Vị Thanh, Hậu Giang)

- Nhà hộ sinh Ngọc Thanh hoạt động từ năm 2010, có diện tích rộng rãi và vệ sinh đảm bảo. Hiện tại cơ sở có 02 bác sỹ làm việc thường xuyên và 01 nữ hộ sinh trung học; có niêm yết công khai bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

- Cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 64A8003976 do UBND TP Vị Thanh cấp ngày 27/3/2013.

- Cơ sở có Giấy phép hoạt động số 0045/SYT-GPHĐ do Sở Y tế Hậu Giang cấp ngày 21/3/2013 với loại hình là Nhà hộ sinh;

- Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật: Bác sỹ Nguyễn Ngọc Thanh, có Chứng chỉ hành nghề số 000017/HAUG-CCHN do Sở Y tế Hậu Giang cấp ngày 02/11/2012; Phạm vi hoạt động là chuyên khoa sản phụ khoa.

- Phạm vi hoạt động chuyên môn: SYT chưa phê duyệt phạm vi hoạt động chuyên môn và danh mục kỹ thuật của phòng khám;

- Tại thời điểm thanh tra Phòng khám không xuất trình được Biên bản thẩm định để cấp Giấy phép hoạt động. Phòng khám giải trình do SYT không cấp cho Phòng khám Biên bản thẩm định.

- Có hợp đồng xử lý rác thải y tế.

- Có sổ theo dõi bệnh nhân đến khám, chữa bệnh nhưng không theo mẫu của Bộ Y tế, việc ghi chép không đầy đủ các cột mục;

- Tủ thuốc cấp cứu không có danh mục thuốc theo quy định.

B. Thanh tra công tác quản lý nhà nước về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế

Qua báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Sở Y tế Hậu Giang về công tác quản lý nhà nước về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế (HCCP), hiện nay trên địa bàn tỉnh không có đơn vị nào sản xuất HCCP. Có một số đơn vị sử dụng HCCP diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế như Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh, các TTYT thành phố, huyện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện tuyến huyện và các Trạm Y tế xã, phường. Ngoài ra có một số đơn vị kinh doanh và sử dụng HCCP diệt côn trùng và diệt khuẩn nhỏ lẻ Sở Y tế chưa quản lý được.

Đoàn đã thanh tra tại 6 đơn vị:

- Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh;

- Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Vị Thanh, Trạm Y tế phường 4, Trung tâm Y tế dự phòng Huyện Long Mỹ;

- Siêu thị của Công ty TNHH thương mại Sài Gòn - Hậu Giang (Siêu thị Coopmart), thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang;

1. Công tác quản lý nhà nước

1.1. Các văn bản chỉ đạo:

Sở Y tế Hậu Giang căn cứ vào những văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế và các Bộ, ngành đề ra những văn bản chỉ đạo về công tác quản lý nhà nước về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế tên địa bàn.

1.2. Tổ chức thực hiện:

- Công tác thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Sở Y tế trong lĩnh vực HCCB không triển khai riêng lẻ mà kết hợp với các Đoàn Thanh tra chuyên ngành khác do nguồn nhân lực hạn chế (3 người).

2. Công tác bảo quản, sử dụng và kinh doanh HCCP

a. Về cơ sở vật chất và nhân sự

- Về nhân sự, các đơn vị phân công một dược sĩ đại học, một dược sĩ trung học (TTYTDP tỉnh), nhân viên đại học hoặc trung cấp (tại TTYT TP Vị Thanh và Long Mỹ) phụ trách kho hóa chất, chế phẩm sử dụng cho công tác phòng chống dịch; Hoặc nhân viên y tế (Trạm Y tế Phường 4) đảm trách việc phân phối hóa chất phòng chống dịch.

- Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 01 Dược sĩ ĐH và 03 Dược sĩ TH phụ trách kho Dược bệnh viện bao gồm HCCP.

- Những cơ sở kinh doanh HCCP có bố trí nhân viên để kiểm soát hàng hóa chung, trong đó có HCCP.

b. Về thực hiện các quy định về kiểm nghiệm

- Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh (Siêu thị Coop-mart) không xuất trình được phiếu kiểm nghiệm chất lượng lô hàng HCCP đang kinh doanh.

- Bệnh viện tỉnh có phiếu kết quả thử nghiệm cồn công nghiệp 700.

c. Việc thực hiện các quy định về ghi nhãn hóa chất, chế phẩm

- Các chế phẩm gia dụng đều có đủ nhãn hàng hóa, với các yêu cầu về tên, thành phần định lượng, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất, hướng dẫn bảo quản.

- Một số hóa chất như Cồn 900, Cồn 700, Javel, Nước cất được sử dụng tại TTYTDP tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh, TTYT Huyện/Thành phố không có nhãn hàng hóa theo quy định tại Điều 24 Thông tư 29/2011/TT-BYT.

d. Việc thực hiện các quy định về bao gói, hóa chất chế phẩm

- Các loại bao bì dùng cho chế phẩm gia dụng dùng trong kinh doanh đạt chất lượng về độ bền chắc.

- Một số hóa chất như Cồn 900, Cồn 700, Javel, Nước cất được sử dụng tại TTYTDP tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh, TTYT Huyện/Thành phố đựng trong các can nhựa mỏng 30 lít không đảm bảo an toàn về bảo quản và vận chuyển theo quy định tại Điều 25 Thông tư 29/2011/TT-BYT.

e. Việc thực hiện các quy định trong vận chuyển hóa chất, chế phẩm

Trung tâm YTDP tỉnh có xe ô tô bán tải chuyên dùng để vận chuyển các loại HCCP, các cơ quan TTYT Huyện/Thành phố và tuyến phường/xã sử dụng các loại phương tiện vận chuyển thông thường.

f. Việc thực hiện các quy định về bảo quản hóa chất, chế phẩm

- Công tác tập huấn cho tuyến phường/xã về sử dụng hóa chất (khử khuẩn môi trường, rửa tay, khử khuẩn vật dụng trong nhà) trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, chân tay miệng, H5N1 được tổ chức phối hợp với Viện Pasteur TPHCM.

- TTYTDP tỉnh, Huyện/Thành phố/Thị xã chưa bố trí kho HCCP riêng biệt. Kho chưa đạt các yêu cầu như chống nóng, chống ẩm, biển hiệu, giá kệ, nội quy, pallet lót sàn, hệ thống báo hiệu mức độ nguy hiểm của từng loại hóa chất, để bảo quản HCCP (có nhiều dạng nước, bột để pha). Tuyến xã/phường không thành lập kho chứa do số lượng ít và sử dụng hết sau khi lĩnh về.

- Tại Bệnh viện do thời gian mới chuyển về khoảng 1 năm nên kho cũng không đạt một số yêu cầu như: giá kệ, nội quy an toàn hóa chất, hệ thống báo hiệu mức độ nguy hiểm của hóa chất.

- Phương tiện phòng cháy chữa cháy tại các đơn vị được thanh tra có theo quy định, nhưng các bình chữa cháy, phần bơm xịt đã bị rỉ sét (TTYTDP tỉnh).

- Tại siêu thị các kho để HCCP chung với các hàng hóa phi thực phẩm như đồ nhựa, xà phòng đạt yêu cầu về kho như thoáng, chống nóng, chống ẩm, biển hiệu.

g. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo

Hiện nay Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang thực hiện báo cáo hoạt động, số lượng HCCP (xuất, nhập, sử dụng, tồn) cho Viện Pasteur TPHCM, chưa thực hiện báo cáo đối với Sở Y tế, Cục Quản lý Môi trường Y tế.

h. Về sử dụng hóa chất, chế phẩm

- Tại TTYTDP tỉnh, về số lượng nhập, xuất, tồn HCCP, vào thời điểm thanh tra, số lượng sổ sách phù hợp với số lượng thực tế, khi kiểm tra ngẫu nhiên hóa chất Permethrin 50EC tổng số là 761 chai/lít, trong đó có lô 271210 đã quá hạn dùng từ ngày 27/12/2012. Nguyên nhân quá hạn là do TTYTDP tỉnh phải dự trữ một số HCCP nhất định để phòng chống dịch, ngoài ra còn chuyển đổi HCCP cận hạn cho các Huyện, Thành phố, Thị xã có nhu cầu để sử dụng trước nhằm tránh lãng phí nhưng không thể đổi hết.

- Tại Trung tâm Y tế Long Mỹ không có HCCP quá hạn dùng.

- Tại Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh có HCCP hết hạn dùng (Hantox, Permethrin), chưa thực hiện việc lập sổ xuất, nhập, theo dõi HCCP, tuy nhiên việc sử dụng HCCP và mục đích sử dụng được thực hiện theo quy trình chống dịch bằng các báo cáo thực hiện: kế hoạch phun hóa chất, biên bản xác nhận ổ dịch, biên bản xử lý ổ dịch nhỏ, do đó đã kiểm soát được số lượng nhập, xuất, tồn.

- Cơ sở kinh doanh tư nhân (Siêu thị Coop-mart) có lưu các chứng từ xuất nhập. Cơ sở sản xuất HCCP cung ứng có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế còn hiệu lực, tiêu chuẩn cơ sở). Siêu thị có giấy đăng ký kinh doanh nhưng chưa có đăng ký lĩnh vực chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng.

- Bệnh viện có lưu trữ đủ các chứng từ xuất nhập HCCP, có hợp đồng với công ty vệ sinh Bảo Quang để sử dụng hóa chất khử khuẩn để làm vệ sinh trong bệnh viện.

III. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN:

A. Về công tác quản lý nhà nước của Sở Y tế về hành nghề y, y học cổ truyền tư nhân

+ Những mặt làm được

- Sở Y tế tỉnh Hậu Giang đã thực hiện theo nguyên tắc “một cửa” trong công tác tiếp nhận, cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề KCB và Giấy phép hoạt động đối với các cơ sở KCB, việc quản lý đã từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật, thuận tiện và nhanh chóng.

- Danh mục hồ sơ xin cấp Chứng chỉ hành nghề KCB và Giấy phép hoạt động được quản lý trên máy vi tính bằng phần mềm do Bộ Y tế triển khai; danh mục được sắp xếp theo nội dung hành nghề (Y, Dược)... thuận tiện cho việc kiểm tra, kiểm soát.

- Hồ sơ được lưu giữ tại Phòng nghiệp vụ y, nhìn chung hồ sơ được bảo quản theo quy định.

+ Những tồn tại:

- Biên bản thẩm định theo mẫu thống nhất của Bộ Y tế và Sở Y tế, nhưng việc ghi chép của Đoàn thẩm định chưa thể hiện hết các chi tiết về phạm vi chuyên môn, dụng cụ y tế, danh mục thuốc, xử lý rác thải, nước thải y tế...; không có nhận xét gì về tình hình nhân sự, cơ sở vật chất, hồ sơ pháp lý; Đoàn thẩm định của các quận huyện không ghi rõ chức danh những người tham gia thẩm định; Đoàn thẩm định của SYT chỉ có 02 người đi thẩm định cấp GPHĐ cho Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa là chưa đầy đủ thành phần và chưa đúng theo quy định tại Thông tư 41/2011/TT-BYT.

- SYT chưa ban hành Phạm vi hoạt động chuyên môn và danh mục kỹ thuật kèm theo Giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám, chữa bệnh là chưa chặt chẽ.

- Giấy khám sức khoẻ đều làm theo mẫu quy định tại Thông tư số 14/TT-BYT của Bộ Y tế. Tuy nhiên, một số Giấy khám sức khỏe của Trung tâm y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh không có kết quả khám cận lâm sàng, không ghi ngày tháng khám hoặc ngày tháng hết hạn.

- Một số bộ hồ sơ cấp Giấy phép hoạt động thiếu Hợp đồng lao động của những nhân viên phụ việc tại phòng khám.

- Hồ sơ lưu được sắp xếp riêng từng cơ sở, nhưng chưa khoa học (không lưu bản sao GPHĐ và CCHN trong bộ hồ sơ mà lưu riêng), hồ sơ lưu chưa đầy đủ (một số Hồ sơ không lưu Hợp đồng xử lý rác thải, hồ sơ nhân viên...) nên không thuận lợi cho việc kiểm tra.

2. Việc thực hiện những quy định của pháp luật về hành nghề y tư nhân tại một số cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn.

+ Những mặt làm được

Hồ sơ pháp lý:

- Hiện tại hầu hết các cơ sở được thanh tra đều đã được cấp: Giấy phép hoạt động; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Chứng chỉ hành nghề của bác sỹ phụ trách chuyên môn của phòng khám và các bác sỹ phụ trách các chuyên khoa của phòng khám và Giấy chứng nhận của các cơ quan chức năng như: Giấy chứng nhận an toàn bức xạ phòng Xquang, Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường; Phòng cháy, chữa cháy; Hợp đồng xử lý chất thải y tế...

- Hồ sơ quản lý lao động: Các cơ sở được thanh tra đều có hồ sơ, Hợp đồng lao động và đóng BHXH cho nhân viên làm việc tại cơ sở. Các bác sỹ Chủ nhiệm khoa chuyên môn có hồ sơ theo quy định.

- Tại thời điểm thanh tra, hầu hết các cơ sở được thanh tra vẫn còn một số điều dưỡng đang làm việc tại cơ sở chưa có Chứng chỉ hành nghề. Cơ sở giải trình những điều dưỡng này đang làm thủ tục trình SYT cấp Chứng chỉ hành nghề.

Việc thực hiện các quy chế chuyên môn:

- Các cơ sở được thanh tra đều cơ bản thực hiện tốt các quy chế chuyên môn về khám, chữa bệnh theo quy định.

- Bệnh viện cung ứng đủ thuốc và vật tư y tế để phục vụ khám chữa bệnh chuyên khoa.

- Các cơ sở đều có Hợp đồng xử lý chất thải y tế và đã tiến hành phân loại rác thải y tế ngay tại các khoa phòng có trang bị túi nilon với màu sắc theo quy định.

- Hầu hết các cơ sở đều được trang bị một số máy móc trang thiết bị Xquang, siêu âm, xét nghiệm để phục vụ cho thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng.

+ Những tồn tại:

Bệnh viện Đa khoa số 10 (Địa chỉ: Số 10, Quốc lộ 1A, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang):

- Biển hiệu ghi chưa đầy đủ như: thiếu tên người phụ trách chuyên môn của bệnh viện và thời gian hoạt động trong ngày.

- Việc thực hiện quy chế về hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc:

+ Bệnh án ghi chép còn sơ sài, chưa đầy đủ cột mục, chữ viết xấu, khó đọc.

+ Số ghi Biên bản hội chẩn và tờ trích biên bản hội chẩn dán trong bệnh án việc ghi chép còn sơ sài không đầy đủ: thiếu chữ ký của chủ tọa hoặc bác sỹ tham gia hội chẩn.

+ Tủ thuốc cấp cứu của Phòng khám sản, Tai Mũi Họng không có danh mục thuốc theo quy định.

Phòng khám Đa khoa Thanh Xuân (địa chỉ: Số 79, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 1, TP Vị Thanh, Hậu Giang):

- Biển hiệu ghi chưa đầy đủ như: thiếu tên người phụ trách chuyên môn của Phòng khám và thời gian hoạt động trong ngày.

- Không đầy đủ các phương tiện dùng cho cấp cứu theo quy định như: không có tủ thuốc cấp cứu, cáng, nẹp oxy.

- Bảng giá dịch vụ được niêm yết công khai nhưng chưa đầy đủ theo quy định;

Nhà hộ sinh Ngọc Thanh (địa chỉ: số 10-12, Hải Thượng Lãn Ông, phường 1, TP Vị Thanh, Hậu Giang):

- Phạm vi hoạt động chuyên môn: SYT chưa phê duyệt phạm vi hoạt động chuyên môn và danh mục kỹ thuật của phòng khám;

- Tại thời điểm thanh tra Phòng khám không xuất trình được Biên bản thẩm định để cấp Giấy phép hoạt động. Phòng khám giải trình do SYT không cấp cho Phòng khám Biên bản thẩm định.

- Có sổ theo dõi bệnh nhân đến khám, chữa bệnh nhưng không theo mẫu của Bộ Y tế, việc ghi chép không đầy đủ các cột mục;

- Tủ thuốc cấp cứu không có danh mục thuốc theo quy định.

B. Về công tác quản lý nhà nước về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế

1. Ưu điểm

- Sở Y tế, Trung tâm YTDP tỉnh đã triển khai công tác quản lý về hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn, diệt côn trùng trong gia dụng và y tế, nhưng lồng ghép với các chương trình phòng chống dịch bệnh.

- Các Trung tâm Y tế huyện, thành phố, thị xã đảm bảo số lượng HCCP được cấp, sử dụng đúng mục đích phòng chống dịch bệnh.

2. Tồn tại

- Qua báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Sở Y tế Hậu Giang, công tác quản lý về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn (HCCP) dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế chưa được quan tâm: văn bản chỉ đạo chưa phân biệt rõ công tác quản lý HCCP, chưa tổ chức các đợt thanh tra chuyên đề riêng mà chỉ kết hợp với công tác kiểm tra định kỳ 6 tháng, một năm.

- Công tác báo cáo chưa thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 29/2011/TT-BYT (Bộ Y tế, Sở Y tế, Viện chuyên ngành)

- Tại TTYTDP tỉnh và Thành phố Vị Thanh số lượng HCCP còn nhiều loại để quá hạn, cận hạn như Permethrin, Hantox. Chưa xử lý các HCCP đã hết hạn sử dụng tại các kho của TTYTDP Tỉnh và cấp Huyện.

- Bao bì của cồn 900, 700 không đảm bảo an toàn, cồn, Javel không có nhãn hàng hóa.

IV. KIẾN NGHỊ

1. Đối với Bộ Y tế:

Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Môi trường y tế: tăng cường kiểm tra về công tác quản lý, bảo quản, sử dụng các loại hóa chất, chế phẩm để giúp các địa phương trong công tác quản lý, bảo quản, sử dụng các loại hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn, diệt côn trùng dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế theo các quy định pháp luật.

2. Đối với Sở Y tế tỉnh Hậu Giang:

- Sở Y tế tiếp tục phát huy những mặt mạnh để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về hành nghề y tư nhân;

- Về việc quản lý, lưu trữ hồ sơ cần lưu đầy đủ theo quy định;

- Việc cấp Chứng chỉ hành nghề và Giấy phép hoạt động: đề nghị Sở Y tế thực hiện cấp Chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề và Giấy phép hoạt động cho các cơ sở hành nghề trên địa bàn theo đúng các quy định tại Thông tư 41/TT-BYT.

- Tổ chức các lớp tập huấn về an toàn hóa chất, cho các đối tượng liên quan (thủ kho, người kinh doanh, cán bộ đi phun thuốc) đến bảo quản, sử dụng hóa chất, chế phẩm.

- Sở Y tế thực hiện xử lý các hóa chất, chế phẩm hết hạn theo quy định hiện hành.

3. Đối với các cơ sở được thanh tra:

Cần nghiêm túc kiểm điểm khắc phục các tồn tại nêu tại mục Nhận xét và Kết luận (mục III).

Sở Y tế chỉ đạo các phòng, ban chức năng giám sát việc khắc phục những tồn tại mà Đoàn thanh tra đã nêu tại Kết luận này và báo cáo kết quả bằng văn bản về Thanh tra Bộ Y tế (138A Giảng Võ, Hà Nội) trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký Kết luận này.

 

 

Nơi nhận:
- BT Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- TT Nguyễn Thị Xuyên (để báo cáo);
- Cục YTDP, Cục Quản lý MTYT (để phối hợp);
- Cổng thông tin điện tử BYT (để thông báo);
- SYT Hậu Giang (để thực hiện);
- Lưu: TTrB, Đoàn thanh tra.

CHÁNH THANH TRA BỘ




Đặng Văn Chính

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kết luận 225/KL-TTrB năm 2016 thanh tra công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, y dược cổ truyền tư nhân và hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng của Sở Y tế tỉnh Hậu Giang do Thanh tra Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 225/KL-TTrB
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/11/2014
  • Nơi ban hành: Thanh tra Bộ Y tế
  • Người ký: Đặng Văn Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản