Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO 130/CP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 52/BCĐ 130/CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2004 

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM BUÔN BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM TỪ NĂM 2004 ĐẾN NĂM 2010
(theo Quyết định số 130/2004/QĐ-TTg ngày 14 tháng 07 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ)

 

Ngày 14 tháng 07 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 130/2004/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến năm 2010. Mục tiêu của Chương trình (gọi tắt là Chương trình 130/CP) là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội về công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và giảm cơ bản vào năm 2010 tình trạng phụ nữ và trẻ em bị buôn bán.

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình 130/CP (trước hết là hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn I: từ năm 2004 – 2006), Ban Chỉ đạo Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (BCĐ 130/CP) đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

I. CÁC CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

1. Tổ chức điều tra, rà soát tình hình phụ nữ và trẻ em bị buôn bán trên từng xã, phường, thị trấn nhằm đánh giá đúng tình hình và đề xuất các biện pháp giải quyết. Bộ Công an chủ trì xây dựng kế hoạch, thống nhất chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong toàn xã hội về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em bằng nhiều hình thức phù hợp. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì xây dựng, triển khai đề án đã được giao (đề án thứ nhất); các Bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương phối hợp thực hiện.

3. Tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng, ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và các tội phạm khác có liên quan. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) xây dựng đề án (đề án thứ 2) và các tiểu dự án theo sự phân công của Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện; coi trọng các biện pháp phòng ngừa xã hội; xác định các địa bàn trọng điểm trong nội địa và khu vực biên giới để tập trung chỉ đạo.

4. Tổ chức tốt việc tiếp nhận và hỗ trợ những phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành hữu quan xây dựng và triển khai đề án (đề án thứ 3), báo cáo đề xuất Chính phủ giải quyết những vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc trong công tác này.

5. Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng các nạn nhân bị buôn bán. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các ngành liên quan xây dựng và thực hiện đề án thứ 4, tham mưu cho Chính phủ trong việc tham gia ký kết các Công ước quốc tế, các Nghị định thư và các Hiệp định, thỏa thuận song phương liên quan đến phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

6. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ các cơ quan hành pháp và tư pháp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Thành lập các đơn vị chuyên trách về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em thuộc Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phố trọng điểm phức tạp về tội phạm này; quan tâm hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị cho lực lương này để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ nội dung Chương trình 130/CP, các Bộ, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương có kế hoạch, biện pháp chỉ đạo thực hiện cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động dự trù và bố trí kinh phí để thực hiện một cách có hiệu quả.

2. Về công tác tổ chức điều hành

- Ở Trung ương: Xây dựng cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 130/CP; thành lập cơ quan đầu mối chuyên trách thuộc Bộ Công an (Tổng cục Cảnh sát) làm nhiệm vụ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo 130/CP và trực tiếp tham mưu cho Bộ Công an hướng dẫn, chỉ đao lực lượng công an tiến hành các biện pháp đấu tranh, phòng, chống tội phạm đấu tranh, phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trên phạm vi toàn quốc.

- Ở địa phương: thành lập Tiểu ban chỉ đạo thực hiện chương trình ở cấp tỉnh, thành phố do 01 đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố là Trưởng ban, đồng chí lãnh đạo công an tỉnh, thành phố làm Phó trưởng ban, các ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Bộ đội Biên phòng (ở địa phương có Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng), Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cử 01 đồng chí lãnh đạo là thành viên. Tiểu ban ở địa phương có cơ quan thường trực giúp việc thuộc công an tỉnh, thành phố. Các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, chọn các địa bàn trọng điểm để tập trung chỉ đạo.

3. Xây dựng và thực hiện các Đề án:

Các bộ, ngành: Công an, Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ Đội Biên phòng), Lao động – Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẩn trương xây dựng các đề án và tiểu dự án đã nêu trong Chương trình 130/CP theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, báo cáo Ban Chỉ đạo 130/CP phê duyệt trong quý I – 2005. Thành lập Ban Chủ nhiệm đề án (do Bộ, ngành chủ quản quyết định) để chỉ đạo thực hiện đề án có hiệu quả.

4. Tổ chức Hội nghị nhằm quán triệt và triển khai Chương trình 130/CP ở Trung ương và các tỉnh, thành phố. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị của Chính phủ vào cuối năm 2004.

5. Ban Chỉ đạo 130/CP tổ chức chỉ đạo điểm việc thực hiện Chương trình 130/CP tại 04 địa phương là: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tây Ninh và An Giang, tập trung vào các đề án 1, 2, 3. Thời gian làm điểm là một năm, sau đó rút kinh nghiệm để chỉ đạo chung.

6. Ban chỉ đạo 130/CP phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch dự trù kinh phí hỗ trợ việc thực hiện các đề án và các nội dung trọng tâm của Chương trình này.

7. Hàng năm các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình 130/CP gửi về Ban chỉ đạo 130/CP và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO 130/CP




Phạm Gia Khiêm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch số 52/BCĐ 130/CP về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến năm 2010 do Ban chỉ đạo 130/CP ban hành

  • Số hiệu: 52/BCĐ130/CP
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 13/12/2004
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Gia Khiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 13/12/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản