Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16/2007/CT-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2007 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM BUÔN BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM

Qua 2 năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2004 - 2010, công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em đã có những chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, bước đầu tạo lập cơ chế phối hợp đồng bộ trong phòng ngừa và trấn áp tội phạm, xây dựng quy trình tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về, từng bước hoàn thiện chính sách, pháp luật, mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ở nước ta đang diễn biến phức tạp  và có chiều hướng gia tăng, nhiều phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài, đưa vào các ổ mại dâm, bị ép buộc lấy chồng, lao động cưỡng bức, nhất là ở các địa phương trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung quốc, Việt Nam - Campuchia và một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Hải Dương, Hà Tây, Thanh Hóa, Nghệ An... ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục và là mối quan tâm, lo ngại của toàn xã hội. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là một số Bộ, ngành và địa phương chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, chưa coi đây là  một nhiệm vụ chính trị thường xuyên; việc tổ chức thực hiện còn hình thức, thiếu kế hoạch, biện pháp cụ thể, thiểu kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chưa huy động được các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh kiên quyết với loại tội phạm này.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan nganh Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau đây:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội chủ động phòng ngừa và tích cực đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

2. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranbh quyết liệt với bọn tội phạm, phấn đấu đến năm 2010 cơ bản chặn đứng và giảm tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

3. Chủ động hợp tác quốc tế và phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; kịp thời giải cứu, tiếp nhận số nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài, sớm đưa họ về  nước, ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng.

4. Tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản pháo luật hiện hành về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; đồng thời tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá để hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

II. CÁC CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP LỚN

1. Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và Chương trình "xóa đói, giảm nghèo", nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; thực hiện có hiệu quả 4 đề án theo Quyết định số 312/2005/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của Bộ, ngành và chính quyền địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực: xuất khẩu lao động, kết hôn và nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, xuất, nhập cảnh, du lịch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, khắc phục những sơ hở, thiểu sót về cơ chế, chính sách, pháp luật, kiên quyết không để bọn tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em lợi dụng hoạt động.

3. Đẩy nhanh công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em với phương châm "phòng ngừa là cơ bản", hướng về cơ sở, phát huy vai trò cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội ở phường, xã, thị trấn, thôn, bản. Kịp thời biểu dương những người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

4. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp, nắm chắc tình hình, tổ chức điều tra, khám phá, bóc gỡ tận gốc các đường dây, băng nhóm tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em hoạt động xuyên quốc gia, liên quan nhiều địa phương; kịp thời triệt xóa các hoạt động bất hợp pháp  về xuất khẩu lao động và môi giới kết hôn với nước ngoài. Tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc, nhất là các tuyến, các địa bàn trọng điểm, truy bắt số đối tượng bị truy nã đang lẩn trốn ngoài xã hội.

5. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về; tiếp tục hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục, chế độ, chính sách, phân công, phân cấp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp nhận và hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra  nước ngoài, sớm đưa họ về với gia đình, ổn định cuộc sống.

6. Nghiên cứu trình Quốc hội về dự Luật phòng, chống buôn bán người; đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng quy định đầy đủ các hành vi, tăng mức hình phạt đối với loại tội phạm này. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 141/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2005 và Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ; Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2005 và Quyết đinh số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

7. Tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em với các tổ chức quốc tế, các quốc gia, nhất là hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước có nhiều phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị buôn bán.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Công an:

- Chỉ đạo Công an các cấp xây dựng và thực hiện các kế hoạch đấu tranh quyết liệt, liên tục với bọn tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

- Phối hợp với Bộ quốc phòng tăng cường chỉ đạo công tác tuần tra biên giới, kiểm soát cửa khẩu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới.

- Chủ động hợp tác với lực lượng chức năng của Trung Quốc, Campuchia để thống nhất mở chiến dịch tấn công trân áp tội phạm trên 2 tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia. Sơ kết việc thực hiện quy chế phối hợp giữa lực lượng cảnh sát và trinh sát biên phòng về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả kế hoạch 2007 về hoạt động COMMIT tại Việt Nam; tham gia Hội nghị cấp cao 6 nước Tiểu vùng sông Mê Công về buôn bán người (đặc biệt là phụ nữ, trẻ em); ký kết và triển khai Hiệp định song phương Việt Nam - Thái Lan về buôn bán phụ nữ, trẻ em; thực hiện kế hoạch Hiệp định song phương Việt Nam - Campuchia về buôn bán phụ nữ, trẻ em; soạn thảo Hiệp định Việt Nam - Trung quốc về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, trình Thủ tướng Chính phủ.

- Nghiên cứu, xây dựng đề án tăng cường năng lực về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, trình Chính phủ.

2. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tăng cường tuần tra biên giới và đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; tổ chức tiếp nhận nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch và các văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về.

4. Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nắm chắc tình hình phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị buôn bán ra nước ngoài; phối hợp với cơ quan chức năng của nước sở tại làm tốt công tác bảo vệ và hồi hương nạn nhân bị buôn bán.

5. Bộ Tư pháp:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 68/2002/CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng văn bản hướng dẫn điều tra, truy tố, xét xử tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

6. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, thành viên tích cực tham gia phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

7. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc Chính phủ đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em để kịp thời và nghiêm minh.

8. Đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em cho mọi người dân; đặc biệt là hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; phối hợp với các cơ quan chức năng của Campuchia, Trung Quốc mở chiến dịch truyền thông chung trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc.

- Tổ chức nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em đến năm 2010; phải xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng để tập trung chỉ đạo thực hiện;

- Tỉnh, thành phố nào để xảy ra nhiều phụ nữ, trẻ em bán ra nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

10. Kiện toàn các Ban Chỉ đạo và các Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo về phòng, chống tội phạm; phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; phòng, chống ma túy ở trung ương và địa phương theo hướng đề cao trách nhiệm cá nhân, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối và coi trọng hiệu quả công tác.

11. Giao Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em của Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp báo cáo định kỳ tháng, quý, năm lên Thủ tướng Chính phủ.

12. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN,
  Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
  Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC.

KT.THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

 
 

 
 Trương Vĩnh Trọng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 16/2007/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.

  • Số hiệu: 16/2007/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 27/06/2007
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trương Vĩnh Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 470 đến số 471
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản