Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 20 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

2. Bám sát các nội dung của Chiến lược và các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; rà soát các chương trình, đề án khác đã ban hành có liên quan, trong đó có Đề án phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến 2025, định hướng đến 2030 theo Quyết định số 607/QĐ-UBND ngày 29/3/2019 của UBND tỉnh để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, gắn với trách nhiệm thực hiện của từng sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan; đảm bảo việc tổ chức chỉ đạo điều hành và triển khai, thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, đạt hiệu quả cao.

II. MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA

1. Mục tiêu phát triển

1.1. Mục tiêu tổng quát

Thúc đẩy phát triển các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh ổn định và bền vững; phát huy lợi thế của tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc để đẩy mạnh, thu hút các hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm nâng cao đời sống người dân, ổn định an ninh, an toàn, trật tự xã hội khu vực miền núi biên giới. Nâng cao chất lượng, hàm lượng chế biến, chế tạo, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu đối với hàng hóa có tiềm năng xuất khẩu.

Thực thi hiệu quả các cam kết, khai thác tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường truyền thống.

1.2. Mục tiêu cụ thể

Giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 8 - 9%/năm, trong đó: nhóm sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt và lâm nghiệp) xuất khẩu chiếm khoảng 85% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm sản phẩm công nghiệp lắp ráp, chế biến chiếm 5 - 6%; khoáng sản xuất khẩu chiếm 3 - 4%; nhóm hàng xuất khẩu khác chiếm khoảng 5%.

Giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 8%/năm; trong đó: tập trung nâng cao chất lượng, thương hiệu của các sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt và lâm nghiệp) xuất khẩu, đây vẫn là nhóm sản phẩm chủ đạo với trên 80% tỷ trọng hàng xuất khẩu; tăng tỷ trọng của nhóm sản phẩm công nghiệp lắp ráp, chế biến đạt 8 - 10% tỷ trọng hàng xuất khẩu; khoáng sản xuất khẩu chiếm khoảng 4%; nhóm hàng khác chiếm khoảng 6%.

Kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu, tạo điều kiện thúc đẩy nhập khẩu các nguyên liệu, nhiên liệu, dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại để phục vụ hoạt động sản xuất trên địa bàn. Mở rộng thị trường nhập khẩu, không phụ thuộc vào một số thị trường nhập khẩu truyền thống, đảm bảo nguồn cung ổn định cho các nguyên, vật liệu đầu vào.

2. Định hướng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa

2.1. Định hướng xuất khẩu hàng hóa

2.1.1. Định hướng thị trường xuất khẩu

Phát huy tối đa lợi thế để duy trì, đẩy mạnh hợp tác với thị trường xuất khẩu truyền thống Trung Quốc. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vào các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN, quan tâm mở rộng thị trường tiềm năng như EU, Ấn Độ, Trung Đông… trên cơ sở nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông sản xuất khẩu, phát triển nền sản xuất hàng hóa đáp ứng thị hiếu, nhu cầu và theo tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu một cách ổn định, lâu dài.

Thị trường xuất khẩu tại chỗ: trên cơ sở phát triển du lịch địa phương, thu hút khách du lịch nước ngoài, tiếp tục nâng cao chất lượng cung ứng hàng hóa cho nhu cầu của các đối tác và khách nước ngoài, trong đó chủ yếu là nhu cầu thực phẩm, đồ uống, hàng công nghiệp tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ tại các khu du lịch, các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Thị trường truyền thống Trung Quốc: tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng của tỉnh Lạng Sơn với nhu cầu tiêu thụ rất lớn đối với các mặt hàng như hoa Hồi, Thạch đen, ván bóc, gỗ ép, nhựa Thông, dầu thực vật... Trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cụ thể là Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, và dần dần mở rộng hợp tác, xúc tiến thương mại với các địa phương khác của Trung Quốc.

Thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (đã có hợp tác về thương mại, xuất khẩu hàng hóa với tỉnh Lạng Sơn): tiếp tục tận dụng tối đa các ưu đãi từ các hiệp định đa phương và song phương để đẩy mạnh hợp tác sản xuất, xuất khẩu, nhất là các mặt hàng colophan (chế biến từ nhựa thông), dăm gỗ, ván ép, chè, ớt…

Tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy xuất khẩu sang các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, với mặt hàng xuất khẩu là nông sản, thực phẩm, xe đạp/máy điện, máy bơm…

Thị trường Tây Á, Nam Á: tiếp tục xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ, Pakistan một số mặt hàng như Ớt, bột Thạch, hoa Hồi, Quế.

Thị trường châu Âu như Anh, Pháp, Italia, Đức và các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu: tiếp tục nghiên cứu, phát triển thị trường, xúc tiến hợp tác thương mại để xuất khẩu tinh dầu (Hồi, Quế) phục vụ sản xuất mỹ phẩm, phụ gia thực phẩm, dầu thực vật (Lạc, Sở), ngoài ra đây cũng là thị trường tiềm năng đối với các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường như gỗ viên, củi ép viên, thực phẩm hữu cơ.

Thị trường Trung Đông, Nam Phi là thị trường tiềm năng đối với sản phẩm gia vị, do vậy cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại và thông tin thị trường, lựa chọn các sản phẩm phù hợp có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu như hoa Hồi khô, Ớt, tinh dầu, dầu thực vật.

2.1.2. Định hướng hàng hóa xuất khẩu

Tiếp tục duy trì và tăng kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm nông sản chủ lực có lợi thế của tỉnh (đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, có khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá thành, đã có thị trường xuất khẩu). Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học - công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, thân thiện với môi trường. Phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu dựa trên sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến với các nhóm hàng chủ lực như: thực phẩm chế biến (bánh kẹo, dầu thực vật, hạt sấy), sản phẩm lắp ráp (xe đạp/máy điện, máy bơm…) và các sản phẩm gắn với các khu công nghiệp của tỉnh, cụ thể như sau:

- Nhóm hàng nông sản xuất khẩu tập trung vào hoa Hồi, Thạch đen, Ớt, Chè, nhựa Thông, gỗ; đến năm 2030 phát triển thêm một số sản phẩm như hạt Mác ca, Quế, Chanh Leo, dầu Sở.

- Nhóm hàng gỗ và dược liệu tập trung vào sản phẩm nhựa Thông, ván bóc, gỗ dăm, gỗ ván ép, đến năm 2030 mở rộng sản xuất và xuất khẩu một số mặt hàng như viên gỗ nén, viên trấu nén, củi viên… làm nhiên liệu đốt.

- Công nghiệp nặng: hiện tại chủ yếu là sản xuất clanke, giai đoạn đến 2025 trung bình đạt 80.000 - 100.000 tấn xuất/năm; tiếp tục tạo điều kiện, đảm bảo hoạt động khai thác, sản xuất bền vững, phù hợp với mục tiêu phát triển, giai đoạn đến 2030 trung bình xuất 100.000 - 120.000 tấn/năm.

- Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp: chế biến gỗ, lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện, máy bơm, công nghiệp thực phẩm; ngoài ra sẽ có nhóm sản phẩm mới như cơ khí, điện tử… khi các doanh nghiệp đến đầu tư, hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới thành lập trên địa bàn tỉnh và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh...

2.2. Định hướng nhập khẩu hàng hóa

2.2.1. Định hướng thị trường nhập khẩu

Chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu theo hướng giảm nhập khẩu từ các thị trường công nghệ thấp, công nghệ trung gian, tăng cường hợp tác thương mại, nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn.

Tận dụng tối đa các ưu thế đối với thị trường Trung Quốc để nhập khẩu hiệu quả các hàng hóa thiết yếu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh và các hàng hóa khác. Đồng thời thúc đẩy nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu từ các thị trường tiềm năng khác như các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực để đa dạng thị trường cung ứng, duy trì hoạt động nhập khẩu thông suốt, là cơ sở để các hoạt động sản xuất, chế biến diễn ra ổn định.

2.2.2. Định hướng mặt hàng nhập khẩu

Ưu tiên nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Nhập khẩu nguyên liệu, dây chuyền sản xuất, thiết bị công nghệ cao, thân thiện với môi trường mà trong nước chưa sản xuất được để phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tại các cơ sở sản xuất hiện có và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hình thành trong thời gian tới.

Tăng cường quản lý các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, qua đó ngăn chặn hiệu quả việc nhập khẩu các công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung hàng hóa bền vững cho xuất khẩu

1.1. Phát triển, đổi mới sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại

Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, kết hợp phát triển du lịch và ẩm thực; hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường theo Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 12/4/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 và Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Chủ động rà soát, sửa đổi, xây dựng mới các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh, sản phẩm OCOP.

Tăng cường liên kết, phát huy vai trò các tổ chức kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, liên hiệp hợp tác xã) trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiếp cận thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản.

Khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất, chế biến nông sản, tạo giá trị gia tăng và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm; đẩy mạnh việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản xuất khẩu.

Tăng cường nghiên cứu, lựa chọn loại nông sản thích hợp để hình thành vùng sản xuất tập trung đảm bảo quy mô theo quy hoạch nhằm phát triển sản phẩm chủ lực, nông sản đặc trưng, phát triển thương hiệu đi cùng với các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

1.2. Phát triển sản xuất công nghiệp

Tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TU ngày 01/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; các quy hoạch, đề án đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chương trình được tích hợp trong Quy hoạch chung của tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Tạo điều kiện phát triển những ngành ít phụ thuộc vào khai thác tài nguyên khoáng sản tại địa phương, tăng cường thu hút các dự án đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm, chế phẩm từ gỗ, hoa Hồi, nhựa Thông, Thạch đen, chè…, thực phẩm, hàng tiêu dùng xuất khẩu. Kết nối các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với các cửa khẩu.

Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu, trong đó chú trọng đến các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, in 3D, vật liệu mới...). Khuyến khích các dự án, các nghiên cứu về vật liệu mới, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao.

2. Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn

Tiếp tục triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế; tuyên truyền, quán triệt về Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2030, cập nhật tiến trình đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, kịp thời xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các Kế hoạch thực thi các hiệp định thương mại tự do trên địa bàn tỉnh nhằm củng cố, phát triển hợp tác kinh tế thương mại với các đối tác thuộc các nước thành viên Hiệp định.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sau khi được phê duyệt; Kế hoạch số 251/KH-UBND ngày 19/12/2022 của UBND tỉnh triển khai Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng, phát triển môi quan hệ hợp tác trong sản xuất, xuất khẩu với các mạnh phân phối nước ngoài, hướng tới mô hình sản xuất - xuất khẩu - phân phối ổn định, bền vững.

Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế, chú trọng thu hút tài trợ, đầu tư nước ngoài vào sản xuất và chế biến nông sản; tăng cường công tác thông tin thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa nông sản sang Trung Quốc; tăng cường các hoạt động đối ngoại, giao lưu, hợp tác, hội đàm về thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu và thương mại biên giới giữa chính quyền các cấp, cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.

Đẩy mạnh hoạt động và nâng cao năng lực của tổ chức xúc tiến thương mại. Tăng cường phối hợp, kết nối với các Thương vụ, Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, Văn phòng Xúc tiến thương mại, trung tâm giới thiệu sản phẩm tại nước ngoài để được hỗ trợ quảng bá, giới hiệu sản phẩm hàng của của tỉnh tại các quốc gia khác. Kết hợp có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, văn hóa, du lịch... Tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch hành động số 30/KH-UBND ngày 14/02/2022 về việc thực hiện Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022 - 2025, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại trên các nền tảng thương mại điện tử.

Tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh; tăng cường các biện pháp hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ, đăng ký chỉ dẫn địa lý của sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của tỉnh và hỗ trợ và giải quyết các phát sinh của doanh nghiệp khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm tại thị trường quốc tế.

Nâng cao năng lực và tăng cường công tác theo dõi, nghiên cứu, thông tin tuyên truyền về thị trường xuất nhập khẩu, dự báo, cập nhật các thay đổi về chính sách thương mại, các rào cản phi thuế quan tại các thị trường xuất khẩu.

3. Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xây dựng, khuyến khích môi trường đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu cạnh tranh lành mạnh, khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động công vụ, khai thác hiệu quả Nền tảng cửa khẩu số. Tăng cường kiểm soát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các thông tin xấu, sai sự thật về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình tiếp tục tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 22/4/2022 của UBND tỉnh triển khai Kết luận số 503-KL/TU ngày 28/3/2022 của Thường trực Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo hoạt động quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cửa khẩu, và các chương trình, kế hoạch có liên quan.

Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chứng chỉ xanh, bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu; tăng cường quản lý các vùng trồng tập trung, mã số truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xử lý nghiêm các vi phạm gây ảnh hưởng tới chất lượng, uy tín của sản phẩm.

Tăng cường quản lý, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, mở rộng các hình thức thanh toán trên nền tảng ngân hàng số, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đảm bảo hoạt động thanh toán quốc tế được thực hiện đúng quy định.

Kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về gian lận thương mại, vi phạm về môi trường trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xử lý kịp thời các vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, đặc biệt là khu vực cửa khẩu; phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới thương mại biên giới và các hành vi vi phạm pháp luật khác nhằm tạo môi trường xã hội ổn định, đảm bảo an sinh và công bằng trong hoạt động xuất nhập khẩu.

4. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics

Tiếp tục tổ chức thực hiện Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 20/6/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai Quyết định số 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Kêu gọi thu hút các nguồn vốn xã hội tham gia đầu tư các dự án sản xuất phục vụ xuất khẩu, ưu tiên những dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sản phẩm có tính cạnh tranh cao và có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; thu hút đầu tư mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp và trong khu kinh tế cửa khẩu.

Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới đồng bộ với kế hoạch phát triển, nâng cấp các cửa khẩu; đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, chợ cửa khẩu, trung tâm thương mại, bến bãi tập kết phương tiện và hàng hóa, kho ngoại quan… đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa.

Phối hợp với Tổng cục Hải quan trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về hải quan, gắn cải cách, đổi mới hoạt động nghiệp vụ hải quan trong thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh với việc thực hiện Nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn, tự động hóa thực hiện các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu... nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tiến tới xử lý triệt để tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu; tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo, thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao, đội ngũ quản lý doanh nghiệp có kiến thức, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường hợp tác, triển khai các chương trình hợp tác quốc tế về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

5. Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý

Tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình thu thập thông tin và xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại; tuyên truyền về phòng vệ thương mại cho các cán bộ quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội và các tổ chức liên quan.

Phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu thông qua các biện pháp phù hợp với các cam kết quốc tế. Xúc tiến nhập khẩu, thu hút đầu tư từ một số đối tác trọng điểm, nhất là các đối tác có thể giúp tăng cường năng lực công nghệ, đồng thời lành mạnh hóa, hợp lý hóa cán cân thương mại.

Phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, tham gia ý kiến đối với thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) theo nguyên tắc khuyến khích nhập khẩu hàng hóa trong nước chưa đáp ứng nhu cầu, lĩnh vực công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, góp phần định hướng xuất nhập khẩu bền vững.

Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường nhập khẩu để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, nguồn cung hàng hóa, giảm thiểu các rủi ro trong kinh doanh; chủ động triển khai các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.

6. Nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn

Tiếp tục triển khai đồng bộ các đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm… trên địa bàn tỉnh. Quan tâm phát triển, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp tư nhân.

Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, tạo tính lan tỏa, cùng liên kết, hợp tác và phát triển.

Nâng cao vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã, nghiên cứu xây dựng Chi hội các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (trực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh), là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, qua đó triển khai các hoạt động tuyên truyền, thông tin đến các hội viên về những kiến thức, kỹ năng giúp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, khai thác hiệu quả các cam kết ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do, kịp thời trao đổi với các cơ quan quản lý để hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong các tranh chấp thương mại quốc tế.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí thực hiện Chiến lược được bố trí từ các nguồn: ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, tài trợ, viện trợ và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; thực hiện lồng ghép các nội dung tại các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình khoa học và công nghệ, các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan; trong đó nguồn ngân sách nhà nước mang tính hỗ trợ một phần theo khả năng cân đối. Nguồn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung tại Kế hoạch; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện gửi UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương liên quan.

2. Giao Sở Tài chính trên cơ sở dự toán kinh phí xây dựng của các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ, căn cứ khả năng nguồn ngân sách, phối hợp với Sở Công Thương thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung trong Kế hoạch theo phân cấp ngân sách hiện hành.

3. Căn cứ nội dung, nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan chủ động triển khai thực hiện; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền; phối hợp thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo đột xuất (nếu có) và báo cáo định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ gửi về Sở Công Thương trước ngày 20/12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương theo quy định. Kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công Thương (B/cáo);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- C, PVP UBND tỉnh,
các phòng CM, Trung tâm Thông tin;
- Lưu: VT, KT(NTA).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Đoàn Thu Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch hành động 41/KH-UBND 2023 thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

  • Số hiệu: 41/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 20/02/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Đoàn Thu Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/02/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản