Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9837/KH-UBND | Đồng Nai, ngày 17 tháng 8 năm 2020 |
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20/11/2012;
Căn cứ Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.
Căn cứ Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 -2020.
Căn cứ Kế hoạch số 9836/KH-UBND ngày 17/8/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai về Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025.
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2020
A/ TÌNH HÌNH KINH TẾ TẬP THỂ 2020
1. Về số lượng, doanh thu và thu nhập của Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, LH HTX, THT)
1.1. Về tổ hợp tác, câu lạc bộ năng suất cao
Toàn tỉnh hiện có 1.161 CLB - THT, ước cuối năm 2020 đạt 1.197 CLB - THT (tăng 40 THT so với năm 2019), với tổng số thành viên là 33.362 trong đó THT trồng trọt là 752 THT chiếm 64.7%, THT chăn nuôi là 280 THT chiếm 24,1%, THT thủy sản là 30 THT chiếm 2,58%, THT dịch vụ là 99 THT chiếm 8,5%. Hiện nay các THT đang chuyển đổi hoạt động theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ thay thế Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ.
- Số thành viên THT tại thời điểm 31/12/2020 ước đạt là 34.713 thành viên (tăng 1.096 thành viên, tỷ lệ tăng 3,26% so với thời điểm 31/12/2019); số lao động làm việc trong khu vực THT tại thời điểm 31/12/2020 ước khoảng 40.267 (tăng 935 lao động, tỷ lệ tăng 2,37% so với thời điểm 31/12/2019).
- Doanh thu bình quân của một THT ước đạt là 1.040 triệu đồng/năm, lãi bình quân một THT đạt 256 triệu đồng/năm.
Nhìn chung, xuất phát từ nhu cầu phát triển của kinh tế hộ và điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, THT được thành lập với hình thức tổ chức, quy mô và nội dung hoạt động khá đa dạng. Hoạt động của THT chủ yếu hướng vào mục đích giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống thành viên; THT đã khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ đơn lẻ, như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất; giúp kinh tế tổ viên tăng sức cạnh tranh thị trường và nâng cao năng lực hoạt động kinh tế; giúp các hộ tổ viên sử dụng có hiệu quả hơn về đất đai, lao động, vật tư và tiền vốn; tiếp nhận những thông tin, tiến bộ khoa học - kỹ thuật góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của kinh tế hộ; số THT được thành lập mới theo hướng dựa trên nhu cầu thực tế của thành viên, phát huy tinh thần giúp đỡ nhau trong sản xuất; các THT hoạt động trên nhiều lĩnh vực ngành nghề như nông nghiệp, dịch vụ, thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, đúc gang, hàng mộc xuất khẩu...
Tuy nhiên, số lượng các THT hoạt động hiệu quả chưa cao (chiếm khoảng 50%); số THT phát triển thành hợp tác xã chưa nhiều; mặc dù việc tuyên truyền Nghị định số 151/2007/NĐ-CP và Nghị định số 77/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động THT được thực hiện đến tận xã, phường, khu phố, ấp nhưng đến nay một số THT vẫn chưa thực hiện theo quy định vì hoạt động thiếu ổn định, theo mùa vụ, các THT hoạt động còn hình thức; chưa cung cấp các dịch vụ thiết thực cho tổ viên; một số THT chưa thực hiện việc đăng ký với chính quyền địa phương theo quy định nên gặp nhiều khó khăn trong giao dịch kinh tế và giải quyết vấn đề tranh chấp trong nội bộ tổ hợp tác; giữa tổ hợp tác với các thành phần kinh tế khác... Khó khăn nhất vẫn là trình độ và kinh nghiệm quản lý, điều hành của ban điều hành THT còn yếu, do đó hoạt động của tổ hợp tác chưa thực sự là nền tảng để phát triển thành hợp tác xã thể hiện qua số lượng hợp tác xã được thành lập mới từ các THT có hoạt động hiệu quả còn ít và khiêm tốn. Việc theo dõi tình hình và hỗ trợ THT gặp nhiều khó khăn do cán bộ kinh tế tập thể ở các xã, phường, thị trấn thường là bán chuyên trách, hoặc luân chuyển, thay đổi và kiêm nhiệm nhiều việc, vì vậy việc vận dụng và hỗ trợ các THT tiếp cận các chính sách hỗ trợ còn hạn chế.
1.2. Về hợp tác xã (HTX), Liên hiệp HTX, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND):
- Trong 06 tháng đầu năm 2020 đã thành lập mới 17 HTX (14 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 2 HTX TMDV, 01 VSMT) đạt 54% kế hoạch năm. Tổng vốn điều lệ đăng ký thêm: 27.440 triệu đồng và 136 thành viên tham gia. Bình quân vốn điều lệ một HTX đăng ký mới là 1.524 triệu đồng và 8 thành viên một HTX; đã tiến hành giải thể 01 HTX ngưng hoạt động (HTX TMDV tổng hợp Long Đức thuộc huyện Long Thành). Lũy kế đến ngày 30/6/2020 toàn tỉnh có 421 HTX; Quỹ TDND và 01 liên hiệp HTX (ước đến 31/12/2020 đạt 448 HTX). Trong đó: Có 394 HTX, Quỹ TDND đang hoạt động với tổng vốn điều lệ là 1.226,852 tỷ đồng và 79.909 thành viên.
- Số thành viên HTX dự kiến đến thời điểm 31/12/2020 là 112.296 thành viên (tăng 13.742 thành viên, tỷ lệ tăng 13,9% so với thời điểm 31/12/2019) trong đó số thành viên là cá nhân 106.681, hộ gia đình 5.615; số lượng thành viên mới tham gia vào HTX là 368; số lao động làm việc trong khu vực HTX tại thời điểm 31/12/2020 là 10.596 lao động (tăng 658 lao động, tỷ lệ tăng 6,6% so với thời điểm 31/12/2019).
- Đóng góp của khu vực KTTT, HTX vào GDP ước tại thời điểm 31/12/2020 đạt 0,52%; đóng góp của HTX tới kinh tế hộ thành viên: ước giảm chi phí đầu vào 20%.
- Tổng số vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2020 ước đạt 1.657,533 tỷ đồng, tăng 9% so với thời điểm 31/12/2019.
- Doanh thu bình quân của một HTX là 13.300 triệu đồng/năm, tăng 9% so với thời điểm 31/12/2019; lãi bình quân một HTX đạt 1.018 triệu đồng/năm, giảm 0,1% so với thời điểm 31/12/2019; thu nhập bình quân của thành viên và lao động HTX năm 2020 ước đạt khoảng 78,08 triệu đồng/năm, tăng 3% so với thời điểm 31/12/2019.
- Số HTX hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã 2012: Phân loại hợp tác xã hoạt động khá, giỏi đạt 62%; hợp tác xã hoạt động trung bình, đạt 28%; hợp tác xã hoạt động yếu cần củng cố chiếm 10%.
Nhìn chung các hợp tác xã mới được thành lập, hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực; nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động, trong đó xuất hiện một số điển hình tiên tiến, hợp tác xã khá giỏi chiếm tỷ trọng ngày càng cao; thành viên tham gia hợp tác xã có chiều hướng tăng lên; vốn điều lệ của hợp tác xã ngày càng lớn; lĩnh vực hoạt động ngày càng rộng, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động. Liên kết giữa các hợp tác xã với nhau và với các tổ chức kinh tế khác bước đầu có sự phát triển. Các tổ chức kinh tế tập thể đã từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, hoạt động kinh tế tập thể vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài. Nhiều hạn chế, yếu kém của kinh tế tập thể mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 02/01/2008 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đã chỉ ra, đến nay vẫn chưa được khắc phục. Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể chậm, tỷ lệ đóng góp vào GRDP của tỉnh thấp. Phần lớn các hợp tác xã hoạt động với quy mô nhỏ, vốn ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, không có tài sản thế chấp khi vay các tổ chức tín dụng, công nghệ lạc hậu; nội dung hoạt động còn đơn điệu, còn có những biểu hiện hình thức, xa rời bản chất các nguyên tắc và giá trị hợp tác xã; sự liên kết, hợp tác của các hợp tác xã chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả thấp; đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn chưa được đào tạo... từ đó khó thu hút và huy động vốn góp của thành viên; chưa thực sự trở thành “bà đỡ” cho thành viên và thành viên cũng chưa gắn bó với hợp tác xã; còn nhiều tổ hợp tác hoạt động mang tính tự phát, hình thức, chưa đúng với quy định của Nghị định 77/2019/NĐ-CP; do đó hoạt động của tổ hợp tác chưa thực sự là nền tảng để phát triển thành HTX; kinh tế tập thể chưa thể hiện và đảm nhiệm vai trò cùng với kinh tế Nhà nước làm nền tảng vững chắc của nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn tỉnh.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế, yếu kém trên là do nhận thức về phát triển kinh tế tập thể của một số cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu chưa đầy đủ, chưa thống nhất; đánh giá về kinh tế tập thể chưa toàn diện, chưa thấy hết vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh, quốc phòng. Năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể còn yếu. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế, bộ máy phân tán, hoạt động kém hiệu quả; khung pháp luật và chính sách phát triển kinh tế tập thể còn nhiều bất cập; các cấp chính quyền chưa làm tốt việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của kinh tế tập thể, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để đẩy mạnh phát triển của khu vực kinh tế tập thể.
2. Về trình độ cán bộ quản lý HTX
- Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành những chính sách hỗ trợ và phát triển đối với khu vực KTTT được thực thi, tạo ra sự động viên, khích lệ và niềm tin đối với các HTX khi đã lựa chọn mô hình HTX để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh cho đơn vị mình. Qua đó, hàng năm, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các sở, ngành mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho các đối tượng trong HTX. Chủ trương này được các HTX đánh giá rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu của những người đang hoạt động trong lĩnh vực HTX bởi họ cần nắm vững các kiến thức cơ bản về HTX để duy trì, mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình góp phần vào sự phát triển chung của khu vực KTTT.
- Tổng số cán bộ quản lý HTX toàn tỉnh cuối năm 2020 ước khoảng 1.726 người (năm 2019 là 1.610 người), trong đó, số cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo đạt trình độ sơ, trung cấp là 947 người đạt tỷ lệ 55%; số cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 483 người, đạt tỷ lệ 28%. Hầu hết đội ngũ cán bộ quản lý HTX, QTDND đều tham dự các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo theo quy định.
II. Đánh giá hoạt động của các HTX theo từng lĩnh vực
1. Lĩnh vực nông nghiệp
Ước đến cuối năm 2020 có 185 HTX và 01 LHTX (tăng 29 HTX so với 2019). Trong đó 160 HTX đang hoạt động với tổng vốn điều lệ đăng ký 316.358 triệu đồng và 3.427 thành viên, 2.432 lao động; 02 HTX và 01 Liên hiệp HTX và 6 HTX ngưng hoạt động và làm thủ tục chờ giải thể.
Nhiều hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ cho kinh tế hộ thành viên như dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu, thu mua nông sản, mua bán cây con giống, thức ăn gia súc, gia cầm; quản lý công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, nước sạch nông thôn; thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt; trồng rừng... Một số HTX đã ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu trong thời kỳ hội nhập, đã chủ động đăng ký thương hiệu hàng hóa, phát huy hiệu quả của thương hiệu trên thị trường; đầu tư và thực hiện liên kết đa dạng với các thành phần kinh tế khác để phát huy tiềm năng theo định hướng phát triển bền vững.
2. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Ước đến cuối năm 2020 có 34 HTX (tăng 3 HTX so với năm 2019). Trong đó 29 HTX đang hoạt động với tổng vốn điều lệ 250.385 triệu đồng; 375 thành viên. 01 HTX ngưng hoạt động; 01 HTX đang làm thủ tục chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp khác. Các HTX chủ yếu hoạt động các ngành nghề sản xuất, gia công các mặt hàng đan lát xuất khẩu, cơ khí.
Nhiều HTX đã cố gắng khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động, tạo nhiều việc làm cho thành viên và lao động nhàn rỗi ở nông thôn, đặc biệt là lao động vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương như: Hợp tác xã Hiệp Lực ở Biên Hòa; Hợp tác xã Thủ công Mỹ nghệ Hố Nai ở Vĩnh Cửu; HTX Tiểu thủ công nghiệp Định Quán..
3. Lĩnh vực thương mại dịch vụ
Ước đến cuối năm 2020 có 78 HTX (tăng 06 HTX so với năm 2019). Trong đó có 66 HTX đang hoạt động với tổng vốn điều lệ 108.582 triệu đồng, 2.306 thành viên và 1.338 lao động; 03 HTX ngưng hoạt động và 03 HTX chờ làm thủ tục chuyển đổi sang loại hình khác.
Các HTX tiếp tục hoạt động có hiệu quả, đổi mới phương thức kinh doanh; mở rộng mạng lưới bán lẻ, mở thêm dịch vụ du lịch sinh thái vườn, cấp nước sinh hoạt, đầu tư, quản lý và khai thác chợ, kết nạp thêm nhiều thành viên; cải tạo, nâng cấp từ nguồn vốn của HTX và thành viên... Một số HTX làm tốt công tác bình ổn giá, tổ chức bán hàng lưu động trong các dịp tết.
Tuy nhiên, vẫn còn HTX chưa quan tâm kết nạp thành viên mới, công tác đầu tư nâng cấp chợ còn hạn chế; các hợp tác xã quản lý, kinh doanh, khai thác chợ chưa chủ động tập trung thực hiện dịch vụ phân phối nguồn hàng.
4. Lĩnh vực giao thông vận tải
Ước đến cuối năm 2020 có 44 HTX Hợp tác xã và 05 Chi nhánh Hợp tác xã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải. So với cùng kỳ năm 2019 không tăng giảm. Tổng số xe tham gia HTX là: 42.997 xe.
- Vận tải khách cố định: Có 223 tuyến đang khai thác đối lưu với 30 tỉnh, thành (trong đó mở mới 07 tuyến). Tổng số phương tiện khai thác là 355 xe/10.115 chỗ, tổng số chuyến 11.966 chuyến/tháng, hàng ngày có 398 chuyến xe hoạt động đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Các hợp tác xã của tỉnh khai thác 141 tuyến/252 xe/9.052 chỗ (=63% về tuyến), hàng ngày có 178 chuyến xe hoạt động. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 17 tuyến ( 13%).
- Về vận tải khách công cộng bằng xe buýt: Duy trì hoạt động 23 tuyến, so với cùng kỳ năm 2019, giảm 02 tuyến. Tổng số phương tiện khai thác là 353 xe/18.064 chỗ. Hàng ngày có 1.416 chuyến xe hoạt động từ 03 giờ 40 phút đến 20 giờ 50 phút. Trong đó, các hợp tác xã khai thác 16/23 tuyến (=69,6%).
- Vận tải khách theo hợp đồng: Tổng số 5.448 xe trọng tải từ 15 đến 52 ghế tham gia HTX.
- Về vận tải hàng hóa: Tổng số 36.944 xe. Trong đó, xe tham gia HTX là 33.600 xe.
- Những hạn chế, khó khăn và vấn đề mới phát sinh của hợp tác xã dịch vụ vận tải hiện nay: Mặc dù Hợp tác xã chiếm tỷ trọng lớn trong việc cung cấp dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, mối liên kết giữa các HTX với các thành viên với nhau còn hạn chế; Công tác quản lý của HTX đối với thành viên còn nhiều lỏng lẻo, bất cập, chưa thực hiện đúng quy định về điều kiện kinh doanh vận tải; Đa số các HTX chỉ cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên, chưa trực tiếp điều hành và đầu tư phương tiện sản xuất kinh doanh nên hiệu quả kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận) của HTX không cao; vốn góp điều lệ thấp, mang tính tượng trưng và trả lại cho xã viên nếu ra khỏi hợp tác xã, các HTX chưa sử dụng vốn điều lệ để hoạt động kinh doanh, đầu tư tài sản chung.
5. HTX xây dựng
Hiện có 16 HTX (không tăng so với năm 2019). Trong đó có 10 HTX đang hoạt động với tổng vốn điều lệ 69,35 tỷ đồng, 74 thành viên và 128 lao động, 02 HTX ngưng hoạt động và 04 HTX chờ làm thủ tục chuyển đổi sang loại hình khác.
Các HTX hoạt động ổn định, đã chủ động liên doanh liên kết với các thành phần kinh tế khác, tạo lợi thế cạnh tranh trong việc nhận thầu thi công các công trình; qua đó tạo việc làm và thu nhập ổn định cho xã viên và người lao động. Tuy nhiên, nhiều HTX thành lập trong những năm gần đây nên gặp nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu do quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu, chưa đáp ứng được điều kiện để tham gia đấu thầu, thi công những công trình có giá trị đầu tư lớn trong và ngoài địa bàn.
6. HTX xếp dỡ hàng hóa
Hiện có 3 HTX (không tăng so với năm 2019) với tổng vốn điều lệ 3,031 tỷ đồng, 139 thành viên và 599 lao động. Nhìn chung hoạt động của các HTX có hiệu quả, địa bàn hoạt động tập trung ở các khu công nghiệp và các bến cảng ven sông Đồng Nai, đã góp phần giải quyết được việc làm cho thành viên, nhất là lao động phổ thông, đảm bảo trật tự trong lĩnh vực bốc xếp. Các hợp tác xã mạnh dạn đầu tư các thiết bị máy móc hỗ trợ và thay thế dần sức người ở một số khâu nặng nhọc và độc hại; mở rộng một số dịch vụ như vệ sinh văn phòng, chăm sóc cây xanh trong các doanh nghiệp...
7. HTX môi trường
Hiện có 42 HTX (tăng 01 HTX so với 2019). Trong đó có 38 HTX đang hoạt động với tổng vốn điều lệ 205.605 triệu đồng, 337 thành viên và 415 lao động; 03 HTX ngưng hoạt động và 01 HTX chờ làm thủ tục chuyển đổi sang loại hình khác.
Các HTX chủ yếu thu gom, vận chuyển rác thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại kết hợp với kinh doanh phế liệu qua đó giải quyết nhiều việc làm nông thôn không có tay nghề. Tuy nhiên, năng lực và quy mô còn hạn chế khó khăn khi tham gia đấu thầu thu gom, vận chuyển rác.
8. HTX Giáo dục
Đến 31/12/2019 có 1 HTX (ước đến 31/12/2020 có 1 HTX), với vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng, 10 thành viên, 9 lao động và hoạt động ổn định trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ bậc mầm non. Hiện tại HTX chỉ có 1 cơ sở nuôi dạy trẻ, quy mô diện tích vừa phải, nên số lượng trẻ không nhiều do đó chưa thể phát triển thành trường mầm non. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị vẫn cố gắng tạo điều kiện cho các trẻ được nuôi dạy theo đúng tiêu chuẩn quy định chung, hàng năm hỗ trợ cho một số con em công nhân nghèo, chính sách được miễn, giảm học phí. Qua đó tạo dựng được niềm tin của người dân đối với mô hình này.
9. Quỹ tín dụng nhân dân
Đến ngày 30/6/2020 trên địa bàn tỉnh có 34 Quỹ TDND được cấp phép hoạt động trên địa bàn 122/171 phường, xã, thị trấn. Trong đó có 28 Quỹ đang hoạt động, 05 Quỹ đang thực hiện kiểm soát đặc biệt và 01 Quỹ đang chờ thủ tục giải thể,
- Về thành viên: Có 41.498 thành viên (bình quân 1.482 thành viên/Quỹ) chủ yếu là những hộ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ buôn bán nhỏ, hoạt động trên địa bàn 122/171 phường, xã, thị trấn. So với 31/12/2019 giảm 178 thành viên, tỷ lệ tăng 0,42%.
- Về nguồn vốn: Tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ TDND đang hoạt động trên địa bàn đạt 1.697,319 tỷ đồng (bình quân 60.618 triệu đồng/quỹ); so với 31/12/2019 giảm 23.336 triệu đồng, tỷ lệ giảm 1,35%.
Vốn huy động tiền gửi khách hàng đạt 1.391.564 triệu đồng, chiếm 82% so với tổng nguồn vốn (bình quân 49.699 triệu đồng/quỹ), so với 31/12/2019 tăng 16.796 triệu đồng, tỷ lệ tăng 1,22%. vốn huy động tiền gửi trong 05 tháng đầu năm tăng chậm, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và ảnh hưởng kiểm soát đặc biệt của các Quỹ gây giảm niềm tin của dân chúng đối với hệ thống Quỹ TDND; Tuy nhiên, nguồn vốn vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn của thành viên trên địa bàn.
Vốn vay Ngân hàng Hợp tác xã của các QTDND đến 31/5/2020 là 97.042 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 5,7% trên tổng nguồn vốn, so với 31/12/2019 giảm 36.693 triệu đồng, tỷ lệ giảm 17,4%.
- Về sử dụng vốn vay:
Tổng dư nợ cho vay đến 31/5/2020 đạt 1.315.476 triệu đồng (dư nợ bình quân 46.981 triệu đồng/quỹ), so với 31/12/2019 giảm 59.670 triệu đồng, tỷ lệ giảm 4,34%. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn là 779.533 triệu đồng, chiếm 59,3% tổng dư nợ, dư nợ cho vay trung dài hạn là 535.943 triệu đồng, chiếm 40,7% tổng dư nợ. Tình hình cho vay của các Quỹ TDND cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và ảnh hưởng từ một số Quỹ TDND bị kiểm soát đặc biệt đối với hệ thống.
Tổng nợ xấu đến 31/5/2020 của các Quỹ TDND là 12.741 triệu đồng, chiếm 0,97% so với tổng dư nợ, trong đó có 20/28 Quỹ TDND phát sinh nợ xấu (không tính 06 Quỹ TDND kiểm soát đặc biệt); so với 31/12/2019 tăng 480 triệu đồng, tỷ lệ tăng 3,92%.
- Về kết quả kinh doanh: 23/28 QTDND kết quả kinh doanh lãi 9.449 triệu đồng, 05/28 Quỹ TDND có kết quả kinh doanh lỗ 1.329 triệu đồng (gồm các Quỹ TDND Trung Dũng, Hòa Bình, Cây Gáo, An Bình, Trảng Bom). Nguyên nhân chủ yếu các Quỹ có kết quả kinh doanh lỗ là do thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định dẫn đến ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
1. Đối với phát triển kinh tế
Năm 2020 với sự nỗ lực của tỉnh Đồng Nai nhất là sau 8 năm thực hiện Luật HTX năm 2012; Kế hoạch số 195-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Kế hoạch số 5110/KH-UBND ngày 03/7/2015 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể 05 năm (2016-2020). Lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh đã đạt được những chuyển biến khá tích cực, đó là:
- Các THT phát triển tương đối ổn định về số lượng, đa dạng về hình thức hoạt động, rộng khắp cả tỉnh và từng bước nâng chất lượng hoạt động. Mô hình THT phù hợp với nhu cầu của người nông dân, lao động nghèo, đặc biệt ở vùng nông thôn. THT đã khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ đơn lẻ, như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất; giúp kinh tế tổ viên tăng sức cạnh tranh thị trường và nâng cao năng lực hoạt động kinh tế; giúp các hộ tổ viên sử dụng có hiệu quả hơn về đất đai, lao động, vật tư và tiền vốn; tiếp nhận những thông tin, tiến bộ khoa học - kỹ thuật góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của kinh tế hộ.
- Kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển trên địa bàn cả tỉnh và ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và từng bước có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của tỉnh, số lượng các tổ chức kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã ngày càng phát triển khá mạnh. Người dân đã liên kết để khai thác và vận dụng được các chính sách, điều kiện tự nhiên - xã hội, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương để tổ chức sản xuất theo xu hướng phát triển mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở khắp các vùng của tỉnh. HTX tham gia chuỗi giá trị (nhất là các HTX nông nghiệp) đã chủ động tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại và xuất khẩu trực tiếp tăng lên. Cán bộ quản lý HTX có xu hướng trẻ hóa, có năng lực quản trị, tinh thần khởi nghiệp, năng động, tích cực tìm kiếm và huy động nguồn lực về vốn, công nghệ cao, quan tâm xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm của HTX. Quá trình tái cơ cấu HTX được quan tâm và đẩy mạnh phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của HTX. Đã tập trung đầu tư chiều sâu, tăng vốn, tài sản, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động; sản phẩm hàng hóa của các tổ chức kinh tế tập thể ngày càng nhiều và đa dạng, chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả chiếm trên 62% tổng số hợp tác xã trên địa bàn; trình độ quản lý, trình độ sản xuất - kinh doanh và từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
2. Đối với chính trị, văn hóa, xã hội
- Công tác tuyên truyền xây dựng kinh tế tập thể thường xuyên, liên tục, nhiều hình thức sinh động, thể hiện quyết tâm chính trị cao của toàn hệ thống chính trị tham gia xây dựng kinh tế tập thể; nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về vị trí, vai trò và tính tất yếu khách quan của việc phát triển kinh tế tập thể trong điều kiện đất nước hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới không ngừng được nâng cao.
- Vai trò KTTT, HTX tham gia các Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới: Đóng góp của khu vực HTX thể hiện qua hai kênh: đóng góp trực tiếp của khu vực HTX vào tăng trưởng kinh tế; đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên, đem lại giá trị gia tăng cho kinh tế hộ thành viên, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình.
- Mô hình HTX tác động đến kinh tế thành viên thông qua tạo việc làm, giảm chi phí, tăng giá bán, góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương. Thực tế cho thấy, giữa hộ thành viên HTX so với hộ không phải là thành viên HTX về năng suất lao động không chênh nhau nhưng giá thành thì có sự chênh lệch rõ rệt.
- Mô hình THT đã phát huy giá trị tinh thần về xã hội, văn hóa như: Khuyến khích tinh thần tương thân, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống, là cầu nối giữa chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội với người nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
- Tổ chức kinh tế tập thể đã từng bước khai thác, huy động được các nguồn lực to lớn trong nhân dân và xã hội; góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi ở nông thôn, phát triển nhiều ngành nghề mới và khai thác được tiềm năng, thế mạnh sẵn có ở các địa phương, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường nông thôn, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội... góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Nai.
IV. Một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị
Triển khai thực Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 560/QĐ-UBND ngày 20/02/2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND; lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 132 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của 67 doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến; 52 hợp tác xã và 18 tổ hợp tác tham gia. Cụ thể gồm:
- Có 85 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt với quy mô 12.718,64 ha, trong đó chủ yếu là các chuỗi cây ăn quả với 37 chuỗi; có 07 chuỗi cây lương thực; 21 chuỗi cây công nghiệp; 7 chuỗi rau; 13 chuỗi dược liệu và các loại cây trồng khác. Trong 85 chuỗi này có 16 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lĩnh vực trồng trọt được UBND tỉnh phê duyệt và hưởng chính sách theo quyết định số 162/2013/QĐ-TTg (được thay thế tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP) do 12 doanh nghiệp và 18 hợp tác xã tham gia với tổng diện tích được duyệt là 5.160,07 ha; trong đó có: 06 chuỗi cây ăn quả với 721,11 ha (chiếm 13,97%); 06 chuỗi cây công nghiệp với 3.840,91 ha (chiếm 74%); 03 chuỗi cây lương thực với 620 ha (chiếm 12,01%); 01 chuỗi cây rau 20 ha.
- Có 28 chuỗi liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi với quy mô 1,2 triệu quả trứng/năm và 388,58 nghìn tấn với 12 chuỗi chăn nuôi heo, 08 chuỗi gia cầm, 04 chuỗi trứng, 03 sản phẩm chế biến từ thịt heo và 01 sản phẩm chế biến từ sữa bò.
- Có 04 chuỗi thủy sản và 15 chuỗi chợ an toàn thực phẩm.
Từ đó đã giúp cho nông dân ổn định trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có tính chất bền vững, lâu dài góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân tham gia dự án.
Tuy nhiên, hiện nay lĩnh vực HTX nông nghiệp vẫn còn một số tồn tại: Quy mô hoạt động của HTX còn nhỏ, thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, nội dung hoạt động còn đơn điệu, chưa mở thêm dịch vụ phục vụ đời sống hộ thành viên, sự liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với doanh nghiệp chưa nhiều. Một số HTX dù đã được củng cố nhiều lần nhưng hoạt động vẫn không hiệu quả.
B/ KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ
1. Công tác triển khai Luật Hợp tác xã 2012
- Trong 6 tháng đầu năm 2020, Thường trực Ban Chỉ đạo Xây dựng và phát triển kinh tế tập thể tỉnh đã tổ chức ký kết và triển khai Chương trình phối hợp hoạt động “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn năm 2020” với Thường trực cấp ủy các huyện, thành phố trên cơ sở đó triển khai đến các Đảng ủy, UBND các phường, xã, thị trấn, các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện chỉ đạo thực hiện, đặc biệt trong công tác thành lập mới, củng cố, giải thể và hỗ trợ HTX.
- Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện Luật HTX 2012, Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 195-KH/TU ngày 20/8/2014 của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020, Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012; Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
- Ban Chỉ đạo Xây dựng và phát triển kinh tế tập thể tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030.
- Các thành viên Ban Chỉ đạo với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ Ban Chỉ đạo giao. Đến nay tất cả các xã trên địa bàn Đồng Nai đều có HTX, 100% đơn vị cấp xã và cấp huyện đạt và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
2. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể
- Công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể được quan tâm hơn, UBND tỉnh đã duy trì hoạt động Ban Chỉ đạo Xây dựng và phát triển kinh tế tập thể cấp tỉnh và cấp huyện; UBND tỉnh giao Liên minh HTX tỉnh làm thường trực Ban chỉ đạo Xây dựng và phát triển kinh tế tập thể của tỉnh làm đầu mối quản lý, tổng hợp tình hình về kinh tế tập thể; giao các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp với Liên minh HTX thực hiện; tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý kinh tế tập thể ở các cấp huyện, xã; phối hợp kiểm tra các HTX thành lập chưa hoạt động để hỗ trợ triển khai hoạt động hoặc tiến hành giải thể theo quy định. Giải thể bắt buộc đối với những HTX không củng cố được; rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị kinh tế tập thể để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát triển sản xuất kinh doanh và chấn chỉnh hoạt động theo đúng Luật; thực hiện công tác chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012; tuyên truyền, phổ biến về mô hình HTX điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng; Liên minh HTX tỉnh định kỳ phát hành bản tin; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức chuyên mục phát sóng để tuyên truyền về mô hình kinh tế hợp tác, HTX sản xuất kinh doanh giỏi, giới thiệu gương người tốt việc tốt nhằm nhân rộng mô hình.
3. Kết quả triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp tác xã
3.1. Công tác hỗ trợ, khuyến khích thành lập HTX
Trong 06 tháng đầu năm 2020, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn Luật HTX và những chính sách liên quan, hướng dẫn kỹ năng vận động thành lập mới HTX đến tổ chức cá nhân có nhu cầu thành lập HTX và đã thành lập mới 17 HTX.
Căn cứ Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 28/02/2019 của UBND tỉnh công bố các văn bản hết hiệu lực trong đó có Quyết định số 34/2012/QĐ-UBND ngày 07/6/2012. Thực hiện Công văn số 1350/UBND-KT ngày 31/01/2019 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ hợp tác xã. Trong đó, UBND tỉnh đã thống nhất không ban hành chi tiết quy định mức chi hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, mà áp dụng chính sách đã quy định tại Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính. Do vậy kể từ năm 2019 trở đi sẽ hỗ trợ Hợp tác xã thành lập mới theo Thông tư số 340/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong 6 tháng đầu năm 2020 đã hỗ trợ cho 02 Hợp tác xã với tổng số tiền là 28.010.000 đồng.
3.2. Công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng
Thực hiện kế hoạch tuyên truyền về Luật Hợp tác xã năm 2012 của UBND tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đã chủ trì và phối hợp Ban Chỉ đạo Xây dựng và phát triển kinh tế tập thể các huyện và Hội Nông dân tỉnh tổ chức 11 lớp với tổng số 812 học viên tham dự. Các lớp tuyên truyền tập trung tại các xã để tuyên truyền về Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012 và các chủ trương, chính sách khuyến khích hỗ trợ xây dựng và phát triển kinh tế tập thể cho cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã và hội viên một số đoàn thể chính trị - xã hội các xã: Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tỉnh... Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về mô hình kinh tế tập thể nói chung, hợp tác xã nói riêng; trên cơ sở đó phối hợp với chính quyền địa phương vận động thành lập hợp tác xã, THT. Qua công tác tuyên truyền đến tận cơ sở, khu, ấp đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân và cán bộ, công chức các cấp về mô hình hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các Trường tổ chức 02 lớp (ước cuối năm 2020 đạt 7 lớp) đào tạo ngắn hạn bồi dưỡng kiến thức quản lý HTX cho cán bộ quản lý HTX.
3.3. Hoạt động hỗ trợ về tài chính - tín dụng
Trong 06 tháng đầu năm 2020, Quỹ trợ vốn phát triển HTX giải ngân là 11.315 triệu đồng cho 53 lượt pháp nhân và thể nhân là thành viên, tổ viên, người lao động trong các hợp tác xã, tổ hợp tác. Trong đó: Đã trợ vốn cho 11 lượt pháp nhân với số tiền giải ngân là 10.500 triệu đồng; 42 lượt phương án thể nhân. Trong đó ưu tiên cho các HTX vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng dịch Covid-19 và các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, nhằm giúp các hợp tác xã giải quyết được một phần nhu cầu về vốn đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết việc làm cho thành viên và người lao động.
- Đối với chương trình bình ổn giá: Sau khi nhận nguồn tiền từ Sở Tài chính, Quỹ trợ vốn đã hỗ trợ 04 Hợp tác xã thực hiện 10 điểm bán hàng bình ổn giá cố định và 81 chuyến hàng lưu động về vùng sâu vùng xa tại các địa bàn huyện Xuân Lộc, Trảng Bom, Tân Phú. Thực hiện công tác theo dõi giám sát, tổng hợp báo cáo định kỳ và tiếp tục kiểm tra sau giải ngân đối với các HTX bán hàng bình ổn cố định. Dư nợ hiện nay của 04 HTX được vay vốn là 1,2 tỷ đồng.
3.4. Hoạt động xúc tiến thương mại
Thực hiện kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2020 của tỉnh, các sở, ngành liên quan đã lập kế hoạch hướng dẫn cho các HTX tham gia hội chợ triển lãm trong nước từ Quỹ xúc tiến thương mại (XTTM) của tỉnh và Trung ương; Liên minh HTX tỉnh xây dựng kế hoạch hoạt động xúc tiến thương mại chi tiết năm 2020. Tổng hợp báo cáo đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình XTTM giai đoạn 2017-2019. Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam rà soát HTX tham gia xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị và chọn ra 01 HTX (HTX Nông sản sạch Thanh Bình thuộc huyện Trảng Bom) đăng ký tham gia. Phối hợp với Sở Công Thương tổ chức 3 đợt hội nghị kết nối giao thương giữa THT, HTX trên địa bàn các huyện, TP với chợ Đầu mối nông sản Dầu Giây với 3 huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Cẩm Mỹ, tham gia chương trình có 30 HTX, 17 tổ hợp tác tham gia; thông tin đến các HTX để tham gia hội nghị giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam -Trung Quốc (tỉnh Vân Nam)... Bên cạnh đó, các đơn vị phối hợp với Trung tâm XTTM tỉnh để thông tin, giới thiệu cho HTX, THT tham gia các hội chợ; phối hợp thông tin, giới thiệu tham gia Hội nghị giao thương kết nối các HTX, THT với các doanh nghiệp chế biến nông sản; hội nghị kết nối doanh nghiệp đưa sản phẩm an toàn vào siêu thị tại TP. Biên Hòa; tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể; tổ chức các đoàn theo từng lĩnh vực và cán bộ quản lý KTTT học tập mô hình HTX làm ăn có hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Trên cơ sở đó nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn tại địa phương...
3.5. Hỗ trợ về đất đai
- Về hỗ trợ giao đất, cho thuê đất: Theo Điều 110 và Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 quy định về việc giao đất không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và việc miễn, giảm đối tiền thuê đất đối với các trường hợp của Hợp tác xã nông nghiệp “sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối”. Kết quả hỗ trợ đến nay như sau:
Đối với đất làm trụ sở văn phòng: Đến nay có 126 Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã có văn phòng làm việc ổn định, với diện tích 26.665m2 (diện tích bình quân là 221 m2 trên 01 đơn vị) chiếm tỷ lệ 42% trên tổng số các Hợp tác xã, trong đó có 40 Hợp tác xã được giao đất, cho thuê đất, các trường hợp còn lại phải thuê đất của các hộ gia đình, cá nhân hoặc mượn đất để làm trụ sở văn phòng.
Đất để sản xuất (bao gồm cả sản xuất nông nghiệp): Đến nay, toàn tỉnh có 64 Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã được nhà nước cho thuê đất, các địa phương cho mượn đất để sản xuất với diện tích 574,4 ha (trong đó 23 Hợp tác xã thuộc trường hợp được nhà nước cho thuê đất). Ngoài ra, có một số Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản được các địa phương hỗ trợ bằng hình thức giao quản lý khai thác mặt hồ với diện tích 463 ha.
- Về cấp giấy chứng nhận cho Hợp tác xã: Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp 2.947 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 27 Hợp tác xã với tổng diện tích là 2.529.139,9 m2.
3.6. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của cộng đồng thành viên và tham gia các chương trình kinh tế - xã hội
Đến nay, các HTX tiếp tục quản lý, khai thác hiệu quả 33 chợ, 10 công trình nước sạch nông thôn, 3 mặt nước hồ thủy lợi, 4 công trình dịch vụ vệ sinh môi trường và 2 công trình cây xanh nội ô do các địa phương giao. Sau khi nhận chuyển giao các HTX đã tổ chức quản lý chặt chẽ hơn, do đó nâng cao hiệu quả khai thác các công trình đã nhận chuyển giao. Đồng thời đến nay đã có 29 chợ nông thôn đã được UBND tỉnh chấp thuận hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng/nâng cấp, sửa chữa với tổng số tiền hơn 33 tỷ đồng.
3.7. Hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ
Các sở, ngành tiếp tục hướng dẫn các HTX thực hiện xây dựng website, nhãn hiệu hàng hóa, tiêu chuẩn GAP; chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ xây dựng đề án sản xuất thử sản phẩm như: Sầu riêng Xuân Định, Xoài Phú Lý, Bưởi Tân Triều... Triển khai thực hiện chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2016 - 2020.
Trong năm, tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành chuyên môn hỗ trợ hỗ trợ cho 13 lượt hợp tác xã xây dựng Website, 35 lượt hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, 08 hợp tác xã xây dựng tiêu chuẩn VietGAP, 03 hợp tác xã xây dựng kiểu dáng công nghiệp và 02 hợp tác xã được công nhận bằng sáng chế. Ngoài ra, các hợp tác xã đã được chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, cây con, giống; hỗ trợ xây dựng đề án sản xuất thử sản phẩm mới (nấm mèo); ứng dụng khoa học kỹ thuật mới (lò sấy nông sản, hệ thống tưới phun và lưới chống côn trùng...). Triển khai Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập. Trong đó hỗ trợ và hướng dẫn các hợp tác xã tham gia thực hiện Chương trình chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm cho các hợp tác xã. Tổ chức hội nghị ở các huyện, thành phố để tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2016 - 2020; tổ chức khóa đào tạo về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong doanh nghiệp, HTX.
3.8. Chính sách ưu đãi về tín dụng
- Hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác: Các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, tín dụng trên địa bàn như ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngân hàng chính sách xã hội cũng có chính sách cho các HTX vay vốn với lãi suất ưu đãi.
- Quỹ bảo vệ môi trường đã ưu tiên hỗ trợ tài chính với lãi suất ưu đãi cho các hợp tác xã có nhu cầu vay vốn để đầu tư công trình bảo vệ môi trường, đầu tư xe ép rác chuyên dùng phục vụ công tác thu gom rác thải; Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh đã cho vay đối với các HTX với lãi suất ưu đãi để HTX đầu tư đổi mới phương tiện vận chuyển và đã hỗ trợ lãi suất sau đầu tư với số tiền 1.015 triệu đồng.
- Quỹ trợ vốn phát triển HTX được UBND tỉnh ủy thác từ ngân sách tỉnh thực hiện công tác bình ổn giá của tỉnh hỗ trợ cho các hợp tác xã tham gia chương trình bình ổn giá năm 2019-2020 vay với lãi suất 0% với số tiền 1.200 triệu đồng.
3.9. Chính sách hỗ trợ mô hình cơ giới hóa, bảo quản chế biến sản phẩm
Việc hỗ trợ chế biến sản phẩm đối với HTX theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, các địa phương đã vận dụng các chính sách hiện hành như khuyến nông, chính sách hỗ trợ chế biến và ngành nghề nông thôn... để thực hiện hỗ trợ cho các HTX. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ mô hình cơ giới hóa, bảo quản nông sản cho 10 HTX nông nghiệp. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ khoảng 735 triệu đồng.
Chương trình hỗ trợ này được HTX đánh giá cao, hỗ trợ kịp thời cho HTX trong việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động giảm chi phí giá thành sản xuất.
3.10. Chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác
a) Chính sách ưu đãi về thuế, phí và lệ phí
Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ thuế, phí và lệ phí cho HTX và được quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13, Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ, Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài...
Ngoài việc giảm thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20% thì ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức khá cao và ngày càng quy định rõ ràng, minh bạch (miễn thuế, giảm thuế, áp dụng thuế suất 10%, 15%). Đối với sản phẩm nông nghiệp của HTX khi xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%. Các sản phẩm trồng trọt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, ở khâu kinh doanh thương mại áp dụng thuế suất GTGT 5% (mức thuế suất thông thường là 10%). HTX cũng được ưu đãi, miễn, giảm lệ phí trước bạ khi sử dụng đất nông nghiệp, miễn lệ phí môn bài khi hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc khi HTX kinh doanh tại địa bàn miền núi...
Chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí đối với HTX trong thời gian qua đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần cho phù hợp với thực tế. Tỉnh Đồng Nai đã triển khai thực hiện đúng và đủ các quy định về ưu đãi thuế, phí, lệ phí đối với HTX. Tuy nhiên, các chính sách về thuế đối với HTX còn phân tán và được lồng ghép theo chính sách thuế của doanh nghiệp. Bản thân các HTX chưa hạch toán riêng biệt phần thu nhập được miễn thuế. Công tác quản lý thuế hiện nay chủ yếu tập trung cho khối doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, trong khi quản lý thuế đối với HTX chưa được quan tâm chú trọng đúng mức.
b) Chính sách hỗ trợ thông tin, tư vấn
Hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương phối hợp với Liên minh HTX, các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các HTX trên địa bàn; qua đó thông tin các nhu cầu của các doanh nghiệp để HTX tìm hiểu xây dựng mối liên kết cung ứng sản phẩm. Ngoài ra, hàng tháng Liên minh HTX xuất bản bản tin kinh tế tập thể với các nội dung như: chính sách pháp luật, thị trường, khoa học công nghệ kỹ thuật, những HTX điển hình, những thành tựu đạt được của khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh... Qua đó giúp các HTX có điều kiện để tìm hiểu, đặt quan hệ hợp tác kinh tế với nhau; giới thiệu những mô hình tổ chức và hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả của HTX.
Liên minh HTX giao Trung tâm hỗ trợ HTX đã thực hiện công tác tư vấn về chính sách, pháp luật về đào tạo, xúc tiến thương mại, thuế, đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ; trong lập dự án đầu tư, phương án kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị tài chính HTX, chế độ kế toán...; trong liên kết, liên doanh giữa các HTX với HTX và giữa các HTX với các thành phần kinh tế khác...
c) Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX với doanh nghiệp
Tỉnh Đồng Nai đã tích cực triển khai, hỗ trợ các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị và HTX áp dụng công nghệ cao. Đã triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, đến nay đã hình thành các chuỗi liên kết bền vững, với kết quả đã báo cáo ở phần trên. Các HTX đã chủ động, tích cực tổ chức triển khai thực hiện dự án cánh đồng lớn, thể hiện bằng việc hỗ trợ cho nông dân trồng mới, phát triển diện tích vùng nguyên liệu, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện mô hình có hiệu quả là mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh... đã giúp cho nông dân ổn định trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có tính chất bền vững, lâu dài góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân tham gia dự án.
C. CÁC VẤN ĐỀ TỒN TẠI, HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN
1. Tồn tại, hạn chế
Mặc dù đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, nhưng nhìn chung công tác triển khai các chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã, đặc biệt là việc hỗ trợ về vốn và đất đai còn chậm; Bản thân các tổ chức kinh tế tập thể, phần lớn các hợp tác xã hoạt động với quy mô nhỏ, vốn ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, không có tài sản thế chấp vay ngân hàng, công nghệ sản xuất lạc hậu; nội dung hoạt động chưa thiết thực,... từ đó khó thu hút và huy động vốn từ thành viên; thị trường đầu ra đối với sản phẩm của tổ hợp tác và hợp tác xã chưa ổn định; chất lượng sản phẩm, số lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu... do vậy chưa đủ sức cạnh tranh trong kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Quy mô tăng trưởng của các HTX trong tất cả các ngành, lĩnh vực còn chậm; khả năng tích lũy vốn, huy động nguồn lực, mở rộng sản xuất kinh doanh, hợp tác liên kết với doanh nghiệp rất hạn chế. Tỷ lệ HTX gắn với chuỗi giá trị còn ít. Một số ít hợp tác xã đã có hiện tượng chạy theo mục đích gia tăng thu nhập mà xem nhẹ nhiệm vụ hỗ trợ kinh tế hộ thành viên, chưa coi trọng thu hút thành viên và giải quyết lao động cho xã hội. Một số tổ hợp tác còn mang tính tự phát, hình thức; chưa đăng ký hoạt động, chưa hoàn tất các thủ tục pháp nhân nên gặp nhiều khó khăn trong giao dịch kinh tế và giải quyết vấn đề tranh chấp trong nội bộ tổ hợp tác; giữa tổ hợp tác với các thành phần kinh tế khác... Do đó, hoạt động của tổ hợp tác chưa thực sự là bước đệm để phát triển thành hợp tác xã.
* Nguyên nhân tồn tại, hạn chế
(1) Nguyên nhân khách quan
- Do nhận thức về phát triển kinh tế tập thể của một số cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa thống nhất cao; đánh giá về kinh tế tập thể chưa toàn diện, chưa thấy hết vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chưa sâu rộng, hình thức tổ chức và biện pháp thực hiện chưa đủ sức để làm chuyển biến nhận thức và hành động trong đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân. Một số địa phương chỉ đạo về phát triển kinh tế tập thể, có nơi tích cực hỗ trợ củng cố, phát triển hợp tác xã, có nơi không quan tâm.
- Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo dõi, quản lý về kinh tế tập thể từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã có nhiều thay đổi; nhiều địa phương, sở, ngành chưa được kịp thời bổ sung, đặc biệt là khối cán bộ chuyên trách cấp huyện và bán chuyên trách cấp xã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc theo dõi thường xuyên để kịp thời phản ánh, hỗ trợ và thiếu kinh nghiệm trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
- Mặc dù chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành tương đối đầy đủ, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho kinh tế tập thể như đất đai, tài chính - tín dụng, chế độ bảo hiểm bắt buộc, đào tạo cán bộ, khoa học công nghệ, tiếp thị, mở rộng thị trường, phát triển cơ sở hạ tầng,... cũng đã có chỉ đạo thông qua Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ, nhưng đến nay nhiều Bộ, ngành vẫn chưa có Thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện hoặc có hướng dẫn nhưng khó thực hiện; kinh phí đào tạo cán bộ hợp tác xã và kinh phí chương trình xúc tiến thương mại dành cho các hoạt động của kinh tế tập thể còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức kinh tế tập thể trong thời gian qua; Một số chính sách hỗ trợ quy định mức tối đa khi thực hiện, do vậy các địa phương có khả năng vận dụng nguồn lực nhưng lại không thực hiện được.
(2) Nguyên nhân chủ quan
- Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng các tổ chức kinh tế tập thể, chưa chủ động phối hợp với các ngành liên quan trong thực hiện nhiệm vụ của ngành mình trong công tác hỗ trợ kinh tế tập thể; sự phối hợp thiếu đồng bộ, nhiều chính sách hỗ trợ chậm thực hiện; một số địa phương chưa tin tưởng năng lực quản lý, phát triển sản xuất kinh doanh của hợp tác xã, chưa mạnh dạn vận dụng các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là vấn đề chính sách đất đai, chuyển giao các công trình công ích cho hợp tác xã quản lý, khai thác và đầu tư... do vậy các chính sách hỗ trợ chưa phát huy được hiệu quả; Việc bố trí cán bộ bán chuyên trách theo dõi lĩnh vực kinh tế tập thể ở cấp huyện, xã chậm và thiếu ổn định đã ảnh hưởng đến việc nắm thông tin, theo dõi hoạt động và hỗ trợ kinh tế tập thể trên địa bàn.
- Phương thức sản xuất tự do, nhỏ lẻ đã trở thành thói quen, giữ vai trò chủ đạo trong tư duy sản xuất của người nông dân. Trong khi đó, có rất ít mô hình liên kết sản xuất thành công, có hiệu quả để tuyên truyền, nhất là các chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa.
3. Những hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể
- Về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực: Mặc dù đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn, qua đó đã góp phần nâng cao năng lực quản lý điều hành cho cán bộ quản lý hợp tác xã. Tuy nhiên do trình độ, độ tuổi của các đối tượng được cử đi tập huấn không đồng đều nên khả năng tiếp thu kiến thức của một số cán bộ còn hạn chế. Một số cán bộ quản lý hợp tác xã sau khi được đào tạo, tập huấn đã không còn làm việc cho hợp tác xã mà chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp với mức lương cao hơn.
- Hỗ trợ về đất đai: Một số địa phương không còn quỹ đất công và trong kỳ quy hoạch tổng thể chưa tính đến quy hoạch đất phát triển hợp tác xã; do vậy khi hợp tác xã thành lập, địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ văn phòng, đất sản xuất. Mặt khác một số hợp tác xã được giao đất xây dựng văn phòng, đầu tư các dự án nhưng do hạn chế về tài chính nên triển khai chậm, không hiệu quả. Nhiều hợp tác xã chưa chủ động liên hệ với chính quyền địa phương để được hỗ trợ đất.
- Hỗ trợ về tài chính - tín dụng: Nhìn chung, việc tiếp cận vốn vay của các tổ chức kinh tế tập thể còn rất khó khăn, khó tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại, do không có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của đa số các hợp tác xã là hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế hộ, nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao. Do đó, hợp tác xã lại càng khó tiếp cận các nguồn vốn vay. Quỹ trợ vốn phát triển hợp tác xã quy mô còn nhỏ nên chỉ tập trung cho vay vốn lưu động với thời hạn vay ngắn (12 tháng) nên chưa thực sự đáp ứng được nguyện vọng của các hợp tác xã; đặc biệt là các hợp tác xã cần vốn để đầu tư dài hạn. Một số hợp tác xã khi được tiếp cận vốn vay chậm thanh toán khi đáo hạn nên không tạo niềm tin đối với các tổ chức tín dụng và ngân hàng.
- Hỗ trợ xúc tiến thương mại: Kinh phí hỗ trợ cho kinh tế tập thể tham gia các chương trình xúc tiến thương mại còn thấp, nên chưa khuyến khích nhiều hợp tác xã tham gia hoạt động này.
- Hỗ trợ ứng dụng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư và khuyến công: Trong những năm qua, công tác hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện chương trình Viet GAP, Global GAP,... đã được các cấp, các ngành quan tâm, nhưng sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương còn chưa chặt chẽ; đơn vị được chọn thiếu năng lực quản lý điều hành, thiếu kinh phí thực hiện, nên không thể đầu tư mở rộng diện tích để nâng cao mức sản lượng cung cấp theo yêu cầu của đơn vị tiêu thụ hàng hóa. Bên cạnh đó còn có một số hợp tác xã không đủ kinh phí để thực hiện tái chứng nhận chất lượng hàng hóa theo định kỳ nên cũng đã làm ảnh hưởng đến công tác hỗ trợ.
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ trên cơ sở tổng kết thực hiện Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025 và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho địa phương để triển khai hỗ trợ đến các HTX.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025 nên quy định khung mức hỗ trợ tối thiểu, còn mức tối đa để tùy thuộc các địa phương vận dụng nguồn lực thực hiện, quy định này để tạo điều điện cho các địa phương mạnh dạn có chính sách, vận dụng nguồn lực mang tính đột phá hỗ trợ cho KTTT, HTX được tốt hơn.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển HTX để hoàn thiện hệ thống các quỹ từ Trung ương đến địa phương, từ đó có căn cứ pháp lý thống nhất đối với việc thành lập, tổ chức hoạt động của các quỹ hỗ trợ HTX địa phương; các Quỹ để mở rộng hơn nữa các hoạt động hỗ trợ HTX, tổ hợp tác và liên hiệp HTX, góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ bổ sung Nghị định số 193/2013 NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định về xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ HTX thực hiện “kiểm toán kết hợp tư vấn phát triển HTX” từng năm đối với tất cả các HTX sau chuyển đổi về tổ chức và hoạt động theo Luật HTX 2012; Đề nghị Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi về thuế riêng đối với các HTX.
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2021 VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH THỰC HIỆN
I. Bối cảnh chung và dự báo những thuận lợi, khó khăn
1. Bối cảnh chung
Trong năm 2021, bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều yếu tố và điều kiện thuận lợi đan xen với những khó khăn, thách thức cho phát triển kinh tế tập thể:
- Tình hình thế giới ngày càng phức tạp. Khí hậu ngày càng khắc nghiệt; thiên tai, dịch bệnh Covid -19 diễn ra phức tạp và khó lường. Kinh tế thế giới ngày càng phát triển, các chuỗi cung ứng toàn cầu tạo sự liên kết chặt chẽ của nền kinh tế thế giới. Đồng thời với nó là sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Cuộc chiến thương mại giữa 2 nước lớn, Mỹ - Trung Quốc và xu hướng xoay trục tìm kiếm đồng minh thương mại mới của Mỹ vừa là cơ hội cũng là thách thức lớn đối với các quốc gia và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến toàn bộ thế giới.
- Tình hình trong nước: Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và Hội nhập kinh tế quốc tế. Vị thế của Việt Nam ngày càng được tăng cường với sự chủ động tham gia trong các hoạt động quốc tế tại Liên Hiệp quốc, ASEAN và các tổ chức quốc tế đa phương khác; trong lĩnh vực kinh tế, ngoài các mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, Việt Nam còn tham gia vào các tổ chức kinh tế, thương mại khu vực và thế giới, ký kết các hiệp định hợp tác kinh tế đa phương. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế theo những hiệp định Mậu dịch tự do, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cho nước ta nhiều cơ hội cũng như thách thức. Tuy nhiên, bên cạnh đó nền kinh tế nước ta cũng gặp phải một số khó khăn, như ảnh hưởng dịch Covid - 19; kinh tế Việt Nam đã và đang tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng nên sẽ chịu ảnh hưởng nhiều chiều và mạnh hơn từ những biến động phức tạp, khó lường và chứa đựng nhiều rủi ro của tình hình quốc tế;
- Tình hình của tỉnh: năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc khởi đầu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh (khóa IX) về mục tiêu giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 5 năm 2021-2025. Với những lợi thế về địa lý kinh tế, những thành tựu đạt được về phát triển kinh tế; sự ổn định về chính trị xã hội; mở rộng quan hệ đối ngoại trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tỉnh cũng đối mặt với những khó khăn và thách thức, đó là hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; quy mô dân số lớn; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động còn thấp; trình độ công nghệ, năng lực quản trị kinh doanh các doanh nghiệp trong nước còn kém; thách thức ứng phó với biến đổi khí hậu theo chiều hướng khắc nhiệt, thiên tai và dịch bệnh Covid -19 sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế nói chung và kinh tế tập thể nói riêng.
2. Thuận lợi và khó khăn
a) Thuận lợi:
- Văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ về thi hành Luật HTX được triển khai. Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Chính phủ sẽ ban hành Chương trình hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hợp tác xã phát triển của các Bộ, ngành được ban hành cụ thể hơn; UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ cho các HTX; chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
- Việc phân công cán bộ chuyên trách, cán bộ bán chuyên về quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể được thực hiện ở một số sở, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã.
b) Khó khăn:
- Mặc dù đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, nhưng nhìn chung công tác triển khai các chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã, đặc biệt là việc hỗ trợ về vốn và đất đai còn chậm.
- Nhận thức về bản chất hợp tác xã kiểu mới của cán bộ, thành viên, người lao động trong hợp tác xã và cán bộ quản lý nhà nước về hợp tác xã còn hạn chế;
- Việc HTX sau chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 vẫn còn khó khăn. Phần lớn các Hợp tác xã đều rơi vào tình trạng thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, đất để xây dựng trụ sở; trình độ ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất của các HTX lạc hậu, thiếu khả năng để đổi mới hoặc nhận chuyển giao công nghệ mới; trình độ quản lý còn nhiều hạn chế.
II. Định hướng chung về phát triển KTTT, HTX
- Khuyến khích phát triển KTTT trên các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, trên mọi vùng lãnh thổ; các hình thức mở rộng quy mô thành viên; ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp; bảo đảm lợi ích thành viên...
- Tiếp tục củng cố mở rộng và phát triển hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực; củng cố phải đảm bảo các quy định của Luật Hợp tác xã 2012, trước hết là nguyên tắc tự nguyện, đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của thành viên tham gia HTX, đảm bảo nguyên tắc về góp vốn, công tác tổ chức và chiến lược hoạt động. Tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tăng cường các hoạt động “liên doanh”, “liên kết” giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác để vừa mở rộng phạm vi hoạt động, quy mô sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường và đảm bảo sự phát triển bền vững.
- Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, nhất là đối với HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể trên địa bàn; đảm bảo các tổ chức kinh tế tập thể ngày càng phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh, chính trị, đặc biệt là vùng nông thôn; gắn phát triển kinh tế tập thể với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng và thực hiện mô hình liên kết chuỗi ở các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, tạo điều kiện hỗ trợ cho hợp tác xã chăn nuôi liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến thực phẩm và các đơn vị tiêu thụ; hỗ trợ hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, liên kết, hợp tác, sáp nhập thành hợp tác xã quy mô lớn; tập trung xây dựng một số mô hình điển hình tiên tiến, hiện đại để tạo điều kiện cho việc phổ biến, nhân rộng.
- Khuyến khích xây dựng và phát triển mô hình KTTT, HTX nhanh và bền vững; phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; phát triển thành viên thông qua thu hút ngày càng nhiều nhân dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia KTTT, HTX. Vận động thành viên góp thêm vốn, mở rộng liên doanh, liên kết giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; Ưu tiên phát triển tổ chức KTTT gắn với chuỗi giá trị, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và có tác động lớn với thành viên, cộng đồng.
1. Hợp tác xã:
1.1 Tổng số HTX đạt 464. Trong đó, thành lập mới 31 HTX.
1.2. Tổng số thành viên HTX đạt 112.766, trong đó thành viên mới là 470 người.
1.3 Doanh thu bình quân HTX: Doanh thu của các HTX đều tăng so với năm 2021, phấn đấu đạt 13.699 triệu đồng/HTX.
1.4. Thu nhập bình quân: thu nhập của người lao động trong HTX đều tăng so với năm 2020, phấn đấu đạt 81,2 triệu đồng/người.
1.5. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX qua đào tạo:
- Trình độ trung cấp đạt 53,9%.
- Trình độ Đại học, trên Đại học đạt 28,9%.
2. Tổ hợp tác:
2.1. Tổng số Tổ hợp tác 1.233 tổ. Trong đó thành lập mới 55 tổ.
2.2. Tổng số thành viên THT đạt 34.521, trong đó thành viên mới là 1.320 người.
2.3. Doanh thu của THT: đều tăng so với năm 2020, phấn đấu đạt 1.092 triệu đồng/THT.
2.4. Thu nhập của THT: đều tăng so với năm 2020, phấn đấu đạt 262 triệu đồng/THT.
V. Giải pháp phát triển kinh tế tập thể năm 2021
1. Tham gia thực hiện công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể
1.1. Tham gia hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể
- Triển khai đến các sở, ngành, UBND các cấp tập trung rà soát lại tất cả các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể; kịp thời đề xuất và giải quyết những khó khăn cho từng vấn đề cụ thể ở các cơ sở, thông qua đó đề xuất UBND Tỉnh kịp thời ban hành, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các quy định cho phù hợp với tình hình thực tế, hoặc kiến nghị với Trung ương những vấn đề bất cập về cơ chế, chính sách trong thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX; các sở, ngành, UBND các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương triển khai, cụ thể hóa chính sách; Tập trung triển khai thực hiện hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, THT theo quy định tại Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ.
- Triển khai Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đối mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; triển khai Luật hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 20/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật hợp tác xã năm 2012.
1.2. Tham mưu củng cố bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế của các sở, ngành, địa phương. Phát huy hoạt động Ban chỉ đạo cấp tỉnh và cấp địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo quá trình phát triển kinh tế tập thể; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Văn phòng Liên minh HTX; đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế tập thể.
1.3. Phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát thi hành Luật hợp tác xã và việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
1.4. Tổ chức tuyên dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào xây dựng phát triển kinh tế tập thể; xây dựng mô hình HTX hoạt động hiệu quả, điển hình tiên tiến để nhân rộng ra địa bàn.
2. Tuyên truyền, tập huấn Luật Hợp tác xã năm 2012 và nâng cao năng lực nguồn nhân lực hợp tác xã
Tiếp tục phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế tập thể, các Nghị quyết khác có liên quan và Luật Hợp tác xã, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã, các văn bản về chính sách phát triển kinh tế tập thể, phát triển HTX. Qua đó, nâng nhận thức cho các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về vị trí, vai trò, tính tất yếu khách quan của việc phát triển kinh tế tập thể và phát triển HTX. Cụ thể:
2.1. Tổ chức tuyên truyền bằng hình thức thông qua tổ chức các lớp tuyên truyền tập trung: Tổ chức lớp tập huấn tại các xã được công nhận nông thôn mới; Tổ chức các lớp tuyên truyền dành cho cán bộ quản lý Hợp tác xã: Tổ trưởng Tổ hợp tác.
2.2. Tuyên truyền bằng hình thức thông qua bản tin, trang thông tin điện tử (Website) của Liên minh Hợp tác xã và của các sở, ngành, địa phương.
2.3. Tuyên truyền bằng hình thức thông qua Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai: Liên minh HTX tỉnh phối hợp Đài Phát thanh Truyền hình ĐN thực hiện phát sóng 24 chuyên đề trên Đài phát thanh Truyền hình ĐN, kênh ĐN1 và ĐN2; các tọa đàm định kỳ hàng quý.
2.4. Tuyên truyền bằng hình thức thông qua các HTX tự tổ chức tuyên truyền tại đơn vị
- Tạo điều kiện, hỗ trợ cho các HTX đưa thông tin, hình ảnh, sản phẩm, quảng bá thương hiệu của mình trên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc bằng các hoạt động hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường theo chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh...
- Hỗ trợ cung cấp tài liệu, báo cáo viên tuyên truyền.
- Hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật tổ chức buổi tập huấn để các tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX tổ chức công tác tuyên truyền cho chính thành viên và thành viên của mình trong cộng đồng dân cư nơi HTX đóng trụ sở để các thành viên, người lao động và người dân nơi đây hiểu rõ thêm về HTX theo Luật Hợp tác xã 2012, tin tưởng và cùng nhau xây dựng HTX ngày càng vững mạnh.
2.5. Nâng cao năng lực nguồn nhân lực hợp tác xã
Để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý HTX giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và tiếp tục thực hiện Nghị quyết trung ương 5 (khóa IX) theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-BBT của Ban Bí thư; công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX năm 2021 phải được thật sự coi trọng, là một trong những yếu tố có ý nghĩa trực tiếp quyết định đưa hợp tác xã ra khỏi tình trạng yếu kém.
Căn cứ trình độ cụ thể đội ngũ cán bộ quản lý HTX, để xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với từng đối tượng. Ngoài việc bồi dưỡng về quan điểm phát triển kinh tế tập thể của Đảng, Luật HTX, chính sách hỗ trợ khuyến khích kinh tế hợp tác xã, cần tập trung bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cụ thể; đặc biệt coi trọng việc tham quan nghiên cứu thực tế các mô hình điển hình tiên tiến trong và ngoài tỉnh. UBND tỉnh giao Liên minh HTX phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện và thành phố thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX.
3. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX, THT theo quy định tại Nghị định 193/20I3/NĐ-CP; Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh
3.1. Hỗ trợ thành lập mới
Tổng số hợp tác xã dự kiến thành lập trong năm 2021 là: 31 HTX.
- Giao Liên minh HTX thực hiện chi hỗ trợ trực tiếp cho số Hợp tác xã được thành lập. Mức chi cụ thể căn cứ căn cứ Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính.
- Liên minh HTX giao Trung tâm hỗ trợ Hợp tác xã thực hiện công tác tư vấn hỗ trợ thành lập hợp tác xã; xây dựng điều lệ; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cho các HTX.
3.2. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thành viên HTX
Số lượng cán bộ dự kiến đào tạo: 350 lượt người. Nội dung đào tạo: Các chuyên đề kiến thức quản lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX, Quỹ TDND, Luật HTX năm 2012; Luật các tổ chức tín dụng, kỹ năng xúc tiến thương mại; học tập nghiên cứu tại các HTX, Quỹ TDND trong và ngoài tỉnh. Thời gian: 07 ngày.
3.3. Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế tập thể
Đối tượng: các cán bộ bán chuyên trách về kinh tế tập thể cấp xã, huyện, cấp tỉnh. Số lượng học viên: 70-80 học viên/lớp. Nội dung: Những kiến thức quản ký nhà nước về kinh tế tập thể, kỹ năng phát triển HTX, THT, khảo sát thực tế tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Thời gian: 05 ngày. Hình thức đào tạo: Tập trung tại hội trường 03 ngày; 02 ngày đi học tập, khảo sát thực tế tại cơ sở. Số lượng lớp: dự kiến mở 02 lớp.
3.4. Hỗ trợ xúc tiến thương mại
- Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại hàng năm của tỉnh. Trong đó tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác kết nối giao thương với các doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
- Giao Liên minh HTX chủ trì thực hiện Kế hoạch xúc tiến thương mại của Liên minh HTX Việt Nam về tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại Hợp tác xã năm 2020 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó có hỗ trợ cho các HTX, THT có nhu cầu tham gia hội chợ; mở các lớp kỹ năng xúc tiến thương mại, bán hàng; hội nghị kết nối giao thương cho các HTX, THT.
3.5. Hỗ trợ tín dụng
- Giao Liên minh HTX tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ trợ vốn phát triển hợp tác xã Đồng Nai; UBND tỉnh sẽ xem xét chuyển số vốn tạm ứng từ ngân sách tỉnh hiện tại sang cấp vốn, đồng thời trong năm 2021 cấp thêm 50 tỷ đồng cho Quỹ sau khi thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo Nghị định của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.
- UBND tỉnh giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong tỉnh thực hiện các quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường chỉ đạo Ngân hàng phát triển, Quỹ đầu tư, Quỹ bảo vệ môi trường và các quỹ khác để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX và thành viên THT, HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh
3.6. Hỗ trợ về ứng dụng Khoa học - Công nghệ
Thực hiện hỗ trợ HTX ứng dụng, đổi mới, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ cụ thể: Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Liên minh HTX triển khai chương trình hỗ trợ về ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới.
3.7. Triển khai thực hiện hỗ trợ chính sách đất đai
- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát nhu cầu sử dụng đất; hoàn chỉnh thủ tục và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX đã có đất làm trụ sở, đất sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị có liên quan phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, các huyện, thành phố và các đơn vị thuộc sở thực hiện hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX được thuê đất và các thủ tục về môi trường.
- Tập trung hỗ trợ cho các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện hỗ trợ thủ tục về giao đất, thuê đất làm trụ sở, nhà kho HTX. Những HTX chưa có đất làm trụ sở, đất làm nơi sản xuất kinh doanh, đề nghị UBND các huyện, thành phố rà soát, chỉ đạo cấp xã tiến hành quy hoạch đất cho các HTX. Việc quy hoạch, bố trí đất cho các HTX, nhất là địa điểm sản xuất kinh doanh được thuận lợi để tạo điều kiện cho HTX phát triển.
3.8. Tham gia các chương trình phát triển kinh tế -xã hội khác
Căn cứ các chương trình phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh, Liên minh HTX phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn các THT, HTX, liên hiệp HTX xây dựng dự án thực hiện và nhận các công trình do nhà nước chuyển giao quản lý, khai thác tại địa bàn các xã điểm nông thôn mới như: đường, điện, nước, trường, trạm, chợ, nước sạch nông thôn, vệ sinh môi trường, thủy lợi kênh mương nội đồng... để phát triển THT, HTX gắn với phát triển nông nghiệp nông thôn. Một số chương trình đã giao cho HTX thì phối hợp cơ quan quản lý chương trình thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các phát sinh trong quá trình thực hiện cho hiệu quả hơn.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể HTX thụ hưởng về chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng theo Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT về hướng dẫn điều kiện tiêu chí thụ hưởng về chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Các chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ về bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch của các HTX.
Đề nghị Sở Tài chính cân đối kinh phí cho các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các chương trình trên.
3.9. Công tác tập huấn, tuyên truyền Luật HTX
a) Tổ chức lớp tuyên truyền tại các xã:
Đối tượng: các thành viên HTX, thành viên tổ hợp tác, câu lạc bộ năng suất cao; các sáng lập viên thành lập THT, HTX; các cán bộ, hội viên các đoàn thể chính trị trên địa bàn tỉnh, số lượng dự kiến: 2.000 người. Nội dung đào tạo: Luật HTX và các chính sách hỗ trợ. Thời gian: không quá 01 ngày. Hình thức đào tạo: Tập trung, số lượng lớp: dự kiến mở 25 lớp.
b) In tài liệu tuyên truyền: In 2.000 cuốn sách hỏi đáp về Luật HTX, THT.
c) Tuyên truyền bằng hình thức thông qua Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai
Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai thực hiện các nội dung của năm 2021 tại đề án “Chương trình tuyên truyền về kinh tế tập thể của tỉnh trên sóng Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai giai đoạn 2018-2023” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Văn bản số 10674/UBND- KT ngày 09/10/2018 và giao nhiệm vụ hàng năm.
3.10. Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề
Đối tượng: Cán bộ HTX (mỗi đơn vị 2-3 người), số lượng: 02 hội thảo (mỗi hội thảo khoảng 70 người). Thời gian: 01 ngày. Địa điểm: Hội trường Liên minh HTX. Nội dung: hướng dẫn xây dựng mô hình và giải pháp tổ chức hoạt động HTX theo từng lĩnh vực.
3.11. Triển khai thực hiện một số hoạt động hỗ trợ khác
a) Chương trình phát hành bản tin kinh tế tập thể
Đối tượng: các HTX, THT, sở, ban, ngành, UBND các cấp của tỉnh, Liên minh HTX các tỉnh bạn. Nội dung: Thông tin về chính sách pháp luật có liên quan đến HTX và doanh nghiệp; thông tin thị trường, khoa học công nghệ; các hoạt động của HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, số lượng: 700 bản/tháng.
b) Nâng cấp và Quản lý hoạt động trang thông tin điện tử (Website) của Liên minh HTX
- Nâng cấp trang thông tin điện tử (Website) của Liên minh HTX. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kinh tế tập thể. Mục đích để quản lý thông tin LHHTX, HTX, THT; quản lý Thông tin thành viên của HTX; quản lý người dùng ở các cấp; tạo lập thống kê, báo cáo theo mẫu quy; hỗ trợ cho hợp tác xã, tổ hợp tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, xúc tiến thương mại
- Quản lý và duy trì hoạt động trang thông tin điện tử (Website) của Liên minh HTX. Thông tin giới thiệu một cách khoa học đến các HTX, THT, doanh nghiệp thành viên và các khách hàng về những hoạt động của toàn hệ thống Liên minh HTX tỉnh; thông tin về chính sách, kiến thức pháp luật; cung cấp và giải thích các văn bản pháp luật về thuế, đất đai, tín dụng... Hướng dẫn lập dự án đầu tư và phương án vay vốn các tổ chức tín dụng, hướng dẫn ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính; các chương trình đào tạo có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác quảng bá các sản phẩm, bán hàng qua mạng đến khách hàng, người tiêu dùng có thể tìm hiểu về các sản phẩm một cách nhanh chóng, tạo điều kiện thuận tiện trong kinh doanh cho HTX, Tổ hợp tác.
- Quản lý và duy trì hoạt động cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu kinh tế tập thể: Liên minh HTX phối hợp các huyện, thành phố để cập nhật dữ liệu về Liên hiệp Hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác; Quản lý thông tin thành viên của HTX; Quản lý người dùng ở các cấp; Tạo lập thống kê, báo cáo theo mẫu quy định; Hỗ trợ cho Hợp tác xã, Tổ hợp tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, xúc tiến thương mại được tốt hơn.
3.12. Thực hiện hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh
Tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo, Tổ chuyên viên, khảo sát các HTX; đôn đốc các thành viên thực hiện nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế tập thể;
Liên minh Hợp tác xã tỉnh tăng cường phối hợp giữa các thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh và cấp huyện, tổ chức họp giao ban tình hình Kinh tế tập thể tại các xã còn yếu, hoặc xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục ký kết chương trình phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã Long Khánh và TP. Biên Hòa năm 2021.
a) Hội nghị tổng kết (01 lần/năm): Thành phần: gồm các thành viên BCĐ, tổ chuyên viên, các ban, ngành liên quan, các đơn vị kinh tế tập thể. Số lượng: dự kiến khoảng 100 người.
b) Hội nghị sơ kết 6 tháng và tổ chuyên viên (04 lần/năm): Thành phần: gồm các thành viên BCĐ, tổ chuyên viên, và các bộ phận liên quan. Số lượng: dự kiến khoảng 50 người/ lần).
* Kinh phí: công việc Ban chỉ đạo KTTT các huyện, thành phố đảm nhiệm do ngân sách cấp huyện và thành phố; Kinh phí công việc do Thường trực Ban chỉ đạo PTKTTT tỉnh (Liên minh HTX) thực hiện do ngân sách cấp tỉnh cấp (Sở Tài chính bố trí).
3.13. Học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình HTX
a) Học tập thực tế xây dựng mô hình HTX tại tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng
Đối tượng: Thành viên và Tổ chuyên viên Ban chỉ đạo KTTT tỉnh và Ban chỉ đạo các huyện, TP. Long Khánh và TP. Biên Hòa; cán bộ, viên chức Văn phòng Liên minh HTX; các HTX, QTD trên địa bàn tỉnh. Số lượng: 15 người. Thời gian: 7 ngày. Dự kiến tổ chức: Quý 3/2021.
b) Học tập thực tế xây dựng mô hình HTX tại tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận
Đối tượng: Thành viên và Tổ chuyên viên Ban chỉ đạo KTTT tỉnh, cấp huyện và cấp xã; cán bộ, viên chức Văn phòng Liên minh HTX; các HTX, QTD trên địa bàn tỉnh, số lượng: 20 người. Thời gian: 6 ngày. Dự kiến tổ chức: từ Quý 3/2021.
c) Học tập thực tế xây dựng mô hình HTX tại tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau
Đối tượng: Thành viên và Tổ chuyên viên Ban chỉ đạo KTTT tỉnh, cấp huyện và cấp xã; cán bộ, viên chức Văn phòng Liên minh HTX; các HTX, QTD trên địa bàn tỉnh, số lượng: 20 người. Thời gian: 6 ngày. Dự kiến tổ chức: từ Quý 4/202.
3.14. Triển khai các hoạt động của Trung tâm hỗ trợ Hợp tác xã và doanh nghiệp
Liên minh HTX giao Trung tâm hỗ trợ Hợp tác xã và doanh nghiệp phối hợp các chuyên gia tư vấn các cộng tác viên từ các sở ngành và các tổ chức khác thực hiện tư vấn hỗ trợ các HTX, THT:
- Tổ chức và thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn hỗ trợ thành lập hợp tác xã; xây dựng điều lệ; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cho các HTX.
- Hướng dẫn, cung cấp dịch vụ liên quan đến pháp luật như hướng dẫn giải đáp pháp luật; cung cấp dịch vụ pháp lý, tư vấn pháp luật có liên quan đến HTX.
- Hướng dẫn, cung cấp dịch vụ liên quan đến tài chính, kế toán như dịch vụ liên quan đến thuế và pháp luật, dịch vụ kế toán và kiểm toán.
V. DỰ TOÁN NGÂN SÁCH THỰC HIỆN NĂM 2021
Tổng dự dù kinh phí là: 50.407.000.000 đồng (đính kèm bảng chi tiết).
1. Giao Liên minh HTX tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể. Tổng hợp kết quả thực hiện và đề xuất kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX phát triển.
2. Giao Sở Tài chính cân đối kinh phí cho nội dung hỗ trợ theo kế hoạch trên và cân đối kinh phí cho các huyện, thành phố thực hiện kế hoạch.
3. Giao các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố phối hợp Liên minh HTX tỉnh thực hiện Kế hoạch này; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình hoạt động, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc của các hợp tác xã, liên hiệp HTX, tổ hợp tác thuộc lĩnh vực ngành, địa phương quản lý./.
| KT. CHỦ TỊCH |
TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2021
(Đính kèm Kế hoạch số 9837/KH-UBND ngày 17/8/2020 của UBND tỉnh)
STT | Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Thực hiện năm 2019 | Năm 2020 | Kế hoạch năm 2021 | |
Kế hoạch | Ước thực hiện cả năm | |||||
I | Hợp tác xã |
|
|
|
|
|
1 | Tổng số hợp tác xã | HTX | 408 | 448 | 448 | 464 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
| Số hợp tác xã đang hoạt động | HTX | 382 | 433 | 433 | 464 |
| Số hợp tác xã thành lập mới | HTX | 39 | 40 | 40 | 31 |
| Số hợp tác xã giải thể | HTX | 18 | 11 | 11 | 15 |
| Số hợp tác xã hoạt động hiệu quả | HTX | 307 | 336 | 336 | 348 |
2 | Tổng số thành viên hợp tác xã | Người | 98.554 | 112.296 | 112.296 | 112.766 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
| Số thành viên mới | Thành viên | 397 | 368 | 368 | 470 |
| Số thành viên ra khỏi hợp tác xã | Thành viên |
|
|
|
|
3 | Tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã | Người | 9.938 | 10.596 | 10.596 | 11.350 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
| Số lao động thường xuyên mới | Người | 1.006 | 658 | 658 | 564 |
| Số lao động thường xuyên là thành viên hợp tác xã | Người | 8.932 | 9.938 | 9.938 | 10.786 |
4 | Tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã | Người | 1.610 | 1.726 | 1.726 | 2.090 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
| Số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ sơ, trung cấp | Người | 702 | 947 | 947 | 1.087 |
| Số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên | Người | 342 | 483 | 483 | 585 |
5 | Doanh thu bình quân một hợp tác xã | Tr đồng/năm | 12.667 | 13.300 | 13.300 | 13.699 |
| Trong đó: Doanh thu của hợp tác xã với thành viên | Tr đồng/năm | 7.600 | 7.980 | 7.980 | 8.220 |
6 | Lãi bình quân một hợp tác xã | Tr đồng/năm | 1.019 | 1.018 | 1.018 | 1.038 |
7 | Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã | Tr đồng/năm | 76 | 78 | 78 | 81,2 |
II | Liên hiệp hợp tác xã |
|
|
|
|
|
1 | Tổng số liên hiệp hợp tác xã | LH HTX | 1 | 1 |
| 1 |
| Trong đó: Số liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động |
| 1 | 1 |
| 1 |
2 | Tổng số hợp tác xã thành viên | HTX |
|
|
|
|
3 | Tổng số lao động trong liên hiệp HTX | Người |
|
|
|
|
4 | Doanh thu bình quân của một liên hiệp HTX | Tr đồng/năm |
|
|
|
|
5 | Lãi bình quân của một liên hiệp HTX | Tr đồng/năm |
|
|
|
|
III | Tổ hợp tác |
|
|
|
|
|
1 | Tổng số tổ hợp tác | THT | 1.157 | 1.197 | 1.197 | 1.233 |
| Trong đó: Số THT có đăng ký hoạt động với chính quyền xã/phường/thị trấn | THT | 729 | 766 | 766 | 801 |
2 | Tổng số thành viên tổ hợp tác | Thành viên | 33.617 | 34.713 | 34.713 | 34.521 |
3 | Doanh thu bình quân một tổ hợp tác | Tr đồng/năm | 1025 | 1040 | 1040 | 1092 |
4 | Lãi bình quân một tổ hợp tác | Tr đồng/năm | 252 | 256 | 256 | 262,08 |
SỐ LƯỢNG HỢP TÁC XÃ, LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC PHÂN LOẠI THEO NGÀNH NGHỀ NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2021
(Đính kèm Kế hoạch số 9837/KH-UBND ngày 17/8/2020 của UBND tỉnh)
STT | Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Thực hiện năm 2019 | Năm 2020 | Kế hoạch năm 2021 | |
Kế hoạch | Ước thực hiện cả năm | |||||
1 | HỢP TÁC XÃ |
|
|
|
|
|
| Tổng số hợp tác xã | HTX | 408 |
|
| 464 |
| Chia ra: |
|
|
|
|
|
| Hợp tác xã nông - lâm - ngư - diêm nghiệp | HTX | 156 | 185 | 185 | 190 |
| Hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp | HTX | 31 | 34 | 34 | 34 |
| Hợp tác xã xây dựng | HTX | 16 | 16 | 16 | 17 |
| Hợp tác xã tín dụng | HTX | 34 | 34 | 34 | 34 |
| Hợp tác xã thương mại | HTX | 72 | 78 | 78 | 79 |
| Hợp tác xã vận tải | HTX | 52 | 52 | 49 | 52 |
| Hợp tác xã môi trường | HTX | 41 | 42 | 42 | 43 |
| Hợp tác xã khác | HTX | 6 | 7 | 7 | 15 |
2 | LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ |
|
|
|
|
|
| Tổng số LH hợp tác xã | LHHTX | 1 | 1 | 1 | 1 |
| Chia ra: |
|
|
|
|
|
| LH hợp tác xã nông - lâm - ngư - diêm nghiệp | LHHTX |
|
|
|
|
| - tiểu thủ công nghiệp | LHHTX |
|
|
|
|
| LH hợp tác xã xây dựng | LHHTX |
|
|
|
|
| LH hợp tác xã tín dụng | LHHTX |
|
|
|
|
| LH hợp tác xã thương mại | LHHTX |
|
|
|
|
| LH hợp tác xã vận tải | LHHTX |
|
|
|
|
| LH hợp tác xã khác | LHHTX |
|
|
|
|
3 | TỔ HỢP TÁC |
|
|
|
|
|
| Tổng số tổ hợp tác | THT | 1.157 | 1.197 | 1.197 | 1.232 |
| Chia ra: |
|
|
|
|
|
| Tổ hợp tác nông - lâm - ngư - diêm nghiệp | THT | 1.017 | 1.017 | 1.017 | 1047 |
| Tổ hợp tác công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp | THT | 48 | 48 | 48 | 49 |
| Tổ hợp tác xây dựng | THT |
|
|
|
|
| Tổ hợp tác tín dụng | THT |
|
|
|
|
| Tổ hợp tác thương mại | THT |
|
|
|
|
| Tổ hợp tác vận tải | THT |
|
|
|
|
| Tổ hợp tác khác | THT | 92 | 132 | 132 | 136 |
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2021
(Đính kèm Kế hoạch 9837/KH-UBND ngày 17/8/2020 của UBND tỉnh)
STT | Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Thực hiện năm 2019 | Ước thực hiện năm 2020 | Kế hoạch năm 2021 | ||||||
Tổng số | Trong đó | Tổng số | Trong đó | Tổng số | Trong đó | ||||||
CTMTQG XD Nông thôn mới | Nguồn vốn khác | CTMTQG XD Nông thôn mới | Nguồn vốn khác | CTMTQG XD Nông thôn mới | Nguồn vốn khác | ||||||
(1) | (2) | (3) | (4)= | (5) | (6) | (7)= | (8) | (9) | (10)= | (11) | (12) |
15 | HỖ TRỢ CHUNG ĐỐI VỚI CÁC HTX |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1 | Số người được cử đi đào tạo | Người | 370 |
|
| 390,0 |
|
| 350 |
|
|
| Tổng kinh phí hỗ trợ | Tr đồng | 803 |
|
| 803,0 |
|
| 1.318,4 |
|
|
| Trong đó |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách trung ương | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách địa phương | Tr đồng | 803 |
|
| 803,0 |
|
| 1.318 |
|
|
1.2 | Số người được tham gia bồi dưỡng | Người | 1470 |
|
| 1.500,0 |
|
| 2.000 |
|
|
| Tổng kinh phí hỗ trợ | Tr đồng | 901,4 |
|
| 901,4 |
|
| 702 |
|
|
| Trong đó |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách trung ương | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách địa phương | Tr đồng | 901,4 |
|
| 901 |
|
| 702 |
|
|
1.3 | Thí điểm số cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã | Người |
|
|
| 3 |
|
| 6 |
|
|
| Tổng kinh phí hỗ trợ | Tr đồng |
|
|
| 150 |
|
| 300 |
|
|
| Trong đó |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách trung ương | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách địa phương | Tr đồng |
|
|
| 150 |
|
| 300 |
|
|
2 | Hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Số hợp tác xã được hỗ trợ | HTX | 30 |
|
| 34 |
|
| 40 |
|
|
| Tổng kinh phí hỗ trợ | Tr đồng | 176 |
|
| 236 |
|
| 306 |
|
|
| Trong đó |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách trung ương | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách địa phương | Tr đồng | 176 |
|
|
|
|
| 306 |
|
|
3 | Hỗ trợ về ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Số hợp tác xã được hỗ trợ | HTX | 63 |
|
| 65 |
|
| 50 |
|
|
| - Tổng kinh phí hỗ trợ | Tr đồng | 184 |
|
| 366 |
|
| 342 |
|
|
| Trong đó |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách trung ương | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách địa phương | Tr đồng | 184 |
|
|
|
|
| 342 |
|
|
4 | Hỗ trợ về tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Số hợp tác xã được hỗ trợ | HTX | 26 |
|
| 21 |
|
| 50 |
|
|
| Tổng số vốn được vay | Tr đồng | 29.993 |
|
| 40.000 |
|
| 45.000 |
|
|
5 | Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Số hợp tác xã được hỗ trợ | HTX | 52 |
|
| 52 |
|
| 52 |
|
|
6 | Hỗ trợ thành lập mới |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Số hợp tác xã được hỗ trợ | HTX | 20 |
|
| 18 |
|
| 31 |
|
|
| - Tổng kinh phí hỗ trợ | Tr đồng | 271,3 |
|
| 394 |
|
| 955 |
|
|
| Trong đó |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách trung ương | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách địa phương | Tr đồng | 271,3 |
|
|
|
|
| 955 |
|
|
II | HỖ TRỢ RIÊNG ĐỐI VỚI HTX NÔNG, LÂM, NGƯ, DIÊM NGHIỆP |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Số hợp tác xã được hỗ trợ | HTX | 30 |
|
| 30 |
|
|
|
|
|
| - Tổng kinh phí hỗ trợ | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Trong đó |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách trung ương | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách địa phương | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Hỗ trợ giao đất, cho thuê đất |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.1 | Số hợp tác xã được hỗ trợ giao đất | HTX | 41 |
|
| 41 |
|
| 41 |
|
|
| Tổng diện tích đất được giao | ha | 463 |
|
| 464 |
|
| 463 |
|
|
2.2 | Số hợp tác xã được hỗ trợ cho thuê đất | HTX | 10 |
|
| 2 |
|
| 9 |
|
|
| Tổng diện tích đất được cho thuê | ha | 53,92 |
|
| 0,42 |
|
| 6 |
|
|
2.3 | Số hợp tác xã được miễn, giảm tiền thuê đất | HTX |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng số tiền thuê đất được miễn, giảm | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Ưu đãi về tín dụng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3.1 | Số hợp tác xã được vay tổ chức tín dụng | HTX | 5 |
|
| 9 |
|
| 20 |
|
|
| Số tiền được vay tổ chức tín dụng | Tr đồng | 28.700,0 |
|
| 63.000 |
|
| 20.000 |
|
|
3.2 | Số hợp tác xã được hỗ trợ lãi suất vay | HTX | 11 |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Số tiền được hỗ trợ lãi suất | Tr đồng | 714,4 |
|
|
|
|
|
|
|
|
4 | Hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Số hợp tác xã được hỗ trợ | HTX |
|
|
|
|
|
| 5 |
|
|
| - Tổng kinh phí hỗ trợ | Tr đồng |
|
|
|
|
|
| 100 |
|
|
| Trong đó |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách trung ương | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách địa phương | Tr đồng |
|
|
|
|
|
| 100 |
|
|
5 | Hỗ trợ về chế biến sản phẩm |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Số hợp tác xã được hỗ trợ | HTX | 10 |
|
|
|
|
| 3 |
|
|
| - Tổng kinh phí hỗ trợ | Tr đồng | 735 |
|
|
|
|
| 240 |
|
|
| Trong đó |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách trung ương | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách địa phương | Tr đồng | 735 |
|
|
|
|
| 240 |
|
|
6 | Hỗ trợ khác | Tr đồng |
|
|
|
|
|
| 2.099 |
|
|
| Kinh phí Bản tin kinh tế tập thể | Tr đồng |
|
|
|
|
|
| 370 |
|
|
| Kinh phí duy trì Website và cập nhật dữ liệu KTTT | Tr đồng |
|
|
|
|
|
| 198 |
|
|
| Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo PTKTTT tỉnh | Tr đồng |
|
|
|
|
|
| 145 |
|
|
| Kinh phí đào tạo CB KTTT | Tr đồng |
|
|
|
|
|
| 381 |
|
|
| Kinh phí tuyên truyền trên Đài truyền hình Đồng Nai | Tr đồng |
|
|
|
|
|
| 523 |
|
|
| Kinh phí hội nghị, hội thảo chuyên đề | Tr đồng |
|
|
|
|
|
| 72 |
|
|
| Kinh phí xây dựng mô hình mới | Tr đồng |
|
|
|
|
|
| 410 |
|
|
| Tổng dự trù kinh phí hỗ trợ năm 2021 | Tr đồng |
|
|
|
|
|
| 50.407 |
|
|
- 1Nghị định 151/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác
- 2Chỉ thị 20-CT/TW năm 2008 về tăng cường lãnh đạo thực hiện nghị quyết hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể do Ban Bí thư ban hành
- 3Luật các tổ chức tín dụng 2010
- 4Luật hợp tác xã 2012
- 5Quyết định 34/2012/QĐ-UBND quy định mức chi hỗ trợ, khuyến khích phát triển Hợp tác xã, Tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 6Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013
- 7Kết luận 56-KL/TW năm 2013 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
- 8Quyết định 62/2013/QĐ-TTg chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 68/2013/QĐ-TTg chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Luật đất đai 2013
- 11Nghị định 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật hợp tác xã
- 12Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014
- 13Quyết định 2261/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài
- 15Thông tư 15/2016/TT-BNNPTNT hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với hợp tác xã nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 16Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ
- 17Thông tư 340/2016/TT-BTC hướng dẫn về mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực của hợp tác xã, thành lập mới hợp tác xã, tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 18Nghị định 77/2019/NĐ-CP về tổ hợp tác
- 19Chỉ thị 12/CT-TTg năm 2018 về tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 20Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
- 21Nghị quyết 143/2018/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 22Quyết định 626/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018
- 23Kết luận 70-KL/TW năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 24Kế hoạch 63/KH-UBND năm 2020 về phát triển kinh tế tập thể tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025
- 25Kế hoạch 64/KH-UBND năm 2020 về phát triển kinh tế tập thể tỉnh Bình Định năm 2021
- 26Kế hoạch 2937/KH-UBND năm 2020 về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 27Kế hoạch 9836/KH-UBND năm 2020 về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Đồng Nai ban hành
Kế hoạch 9837/KH-UBND năm 2020 về phát triển kinh tế tập thể năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- Số hiệu: 9837/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 17/08/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
- Người ký: Nguyễn Quốc Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra