Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 97/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 30 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện nội dung Công văn số 2184/BKHĐT-QLKTTW ngày 16/4/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc gửi Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước (gọi tắt: QLNN) trong phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhằm mục đích đến năm 2030, phương thức QLNN đối với khu vực kinh tế tư nhân được đổi mới theo hướng chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo, từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm, sang giám sát theo nguyên tắc quản lý rủi ro; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

2. Yêu cầu

Các cơ chế, chính sách của tỉnh hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân được ban hành trên nguyên tắc tôn trọng các quy luật của thị trường, đảm bảo thống nhất, toàn diện, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật; thúc đẩy sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong cung ứng dịch vụ công, xây dựng kết cấu hạ tầng; đảm bảo tính công khai, minh bạch, đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế; đổi mới công tác thanh kiểm tra, quản lý thị trường theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm, giảm chi phí cho doanh nghiệp; bộ máy QLNN của tỉnh ngày càng hoàn thiện theo nguyên tắc Chính phủ số hiện đại, thống nhất, liên thông và hiệu quả; nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy QLNN.

II. NHÓM KẾ HOẠCH CỤ THỂ

Căn cứ mục đích, yêu cầu, Kế hoạch này quy định các nội dung triển khai thực hiện Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cụ thể như sau:

1. Đổi mới phương thức QLNN trong vai trò định hướng và điều tiết phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

2. Tạo lập cơ chế, chính sách; phát triển khoa học-công nghệ và năng lực đổi mới sáng tạo của kinh tế tư nhân.

3. Đổi mới phương thức can thiệp và phân bổ nguồn lực của Nhà nước cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

4. Đổi mới QLNN trong vai trò quản lý thị trường, thanh kiểm tra và giám sát hiệu quả thực hiện chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

5. Đổi mới, nâng cao phương thức tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan QLNN cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

III. THỰC HIỆN CÁC NHÓM GIẢI PHÁP

Xuất phát từ nội dung kế hoạch, UBND tỉnh ban hành các Nhóm giải pháp và phân công cụ thể một số sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Nhóm giải pháp đổi mới phương thức QLNN trong vai trò định hướng và điều tiết phát triển khu vực kinh tế tư nhân

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Rà soát, đánh giá lại các chỉ tiêu phát triển các thành phần kinh tế để phù hợp hơn với thực tế và các chủ trương, chính sách, pháp luật hiện hành, nhất là các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội. Các chỉ tiêu, tầm nhìn về sự phát triển các thành phần kinh tế cần được nhấn mạnh nhiều hơn các nội dung về chất lượng và tính khả thi.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đánh giá vai trò của các doanh nghiệp tư nhân cỡ vừa và lớn trong việc dẫn dắt các ngành kinh tế, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (khi có tiêu chí đánh giá của Trung ương).

b) Các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Khi ban hành các mục tiêu, giải pháp phát triển các thành phần kinh tế phải được cụ thể hóa vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương và phải được rà soát, điều chỉnh bổ sung, để đảm bảo phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi thời kỳ.

- Thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách nêu tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

2. Nhóm giải pháp tạo lập cơ chế, chính sách; phát triển khoa học-công nghệ và năng lực đổi mới sáng tạo của kinh tế tư nhân

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị nhằm khuyến khích, động viên tinh thần kinh doanh, ý chí khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh (ít nhất 01 lần/năm).

b) Sở Tài chính:

Tiếp tục rà soát, kiến nghị Bộ, ngành Trung ương điều chỉnh các quy định về chế độ kế toán, kiểm toán đơn giản hơn, phù hợp với các DNNVV, xây dựng các chính sách về thuế, phí nhằm khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

c) Sở Khoa học và Công nghệ:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Đẩy mạnh đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh.

- Tham mưu xây dựng Nghị quyết Hội đồng nhân dân về nội dung và mức hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đổi mới thiết bị, công nghệ; phát triển tài sản trí tuệ; nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa.

- Tham mưu UBND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh cho ý kiến xây dựng Nghị quyết cơ chế chính sách thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

d) Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (khi có hướng dẫn của Trung ương).

đ) Cục Thuế tỉnh:

Tiếp tục triển khai đầy đủ các chính sách miễn, giảm thuế của Trung ương và địa phương đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; các chính sách về thuế, phí nhằm khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

e) Các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Trong quá trình chủ trì xây dựng cơ chế, chính sách của địa phương phải có sự tham gia của các bên có liên quan, nhất là các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu tác động, nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp của đối tượng tham gia để các quy định phù hợp với thực tiễn, dễ hiểu, dễ áp dụng và dễ tuân thủ.

Quan tâm, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức kinh tế hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực mà pháp luật không cấm; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn lực Nhà nước trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành tập đoàn doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh.

Tiếp tục rà soát, kiến nghị Bộ, ngành Trung ương đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, quy định kiểm tra chuyên ngành không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi, chồng chéo, trùng lặp về đối tượng, phạm vi và thẩm quyền.

3. Nhóm giải pháp đổi mới phương thức can thiệp và phân bổ nguồn lực của Nhà nước cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Hỗ trợ DNNVV của tỉnh nhằm đổi mới phương thức hỗ trợ DNNVV; nâng cao hiệu quả triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV và các Nghị định hướng dẫn, thực hiện phân bổ nguồn lực phát triển hiệu quả, đảm bảo cho kinh tế tư nhân được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển.

b) Sở Tài chính:

- Thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa DNNN, nâng cao hiệu quả hơn nữa trong việc định giá tài sản của các DNNN để cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không cần duy trì vốn Nhà nước nhằm tạo cơ hội kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan tham mưu công tác chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định số 150/NĐ-CP ngày 25/12/2020 của Chính phủ (khi có hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương).

c) Sở Khoa học và Công nghệ:

Tham mưu các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi: như vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp...

d) Sở Công Thương:

Nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ giữa doanh nghiệp tư nhân với DNNN, Hợp tác xã và các doanh nghiệp FDI để tạo nên các cụm công nghiệp, mạng sản xuất, chuỗi giá trị hướng xuất khẩu hoặc đầu tư ra nước ngoài, nâng cao hiệu quả, năng suất, giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

4. Nhóm giải pháp về đổi mới QLNN trong vai trò quản lý thị trường, thanh kiểm tra và giám sát hiệu quả thực hiện chính sách phát triển kinh tế tư nhân

a) Thanh tra tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác thanh kiểm tra doanh nghiệp; tránh việc chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp không bị thanh tra, kiểm tra quá 01 lần trong 01 năm theo kế hoạch, tăng cường tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành nhằm phối, kết hợp nhiều nội dung thanh tra, kiểm tra, giảm số lượng các Đoàn thanh tra, giảm thời gian tiến hành thanh tra, kiểm tra trong 01 cuộc thanh tra, kiểm tra.

b) Các sở, ban ngành, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh

Nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là hệ thống văn bản pháp quy về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản quản lý chất lượng của các bộ, ngành (nếu có) để làm cơ sở cho hậu kiểm. Việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm không có nghĩa là tạo sự lỏng lẻo, dễ dàng trong kiểm định, thanh tra, kiểm tra, mà để nâng cao tính tự chủ, gắn ý thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với quyền lợi của người tiêu dùng.

c) Các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao năng lực trình độ, đạo đức và trách nhiệm công vụ, đảm bảo công khai, minh bạch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ diệu về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội.

- Không được hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và can thiệp vào các vấn đề quản trị nội bộ của doanh nghiệp hoặc quan hệ pháp lý giữa các doanh nghiệp, để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

5. Nhóm giải pháp đổi mới, nâng cao phương thức tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan QLNN

a) Sở Nội vụ:

- Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, cải cách tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, công chức, công vụ.

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút, trọng dụng nhân tài, nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức trong bộ máy QLNN.

b) Sở Thông tin và Truyền thông

- Tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền các nội dung: Đổi mới tư duy trong quản lý để khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế; theo đó Nhà nước lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, đối tác để phát triển kinh tế; nâng cao ý thức, trách nhiệm và tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp tiếp nhận, xử lý các công việc, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp; chuyển đổi số thông qua các kênh truyền thông, chuyên trang, chuyên mục trên các chương trình truyền thanh, truyền hình.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch Gồm: Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Hằng năm, trên cơ sở Kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu cấp có thẩm quyền giao dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.

2. Căn cứ Mục III (Mục thực hiện các nhóm giải pháp) của Kế hoạch này, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện hoặc tham mưu UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện nhằm Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, bảo đảm đạt hiệu quả.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện nội dung Kế hoạch này, hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện của các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (b/cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/cáo);
- CT. PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành;
- Các cơ quan TW trên địa bàn tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VPUB: CVP, PCVP, các P.N/cứu, CBTH;
- Lưu: VT, TH.

CHỦ TỊCH




Đặng Văn Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 97/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

  • Số hiệu: 97/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 30/06/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Đặng Văn Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/06/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản