Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 887/KH-UBND

Nghệ An, ngày 12 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 22/2022/NQ-HĐND NGÀY 12/11/2022 CỦA HĐND TỈNH NGHỆ AN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 13/2020/NQ-HĐND NGÀY 13/11/2020 QUY ĐỊNH VỀ MỨC HỖ TRỢ THƯỜNG XUYÊN ĐỐI VỚI CHỨC DANH ĐỘI TRƯỞNG, ĐỘI PHÓ ĐỘI DÂN PHÒNG VÀ TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI ĐỘI DÂN PHÒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 12/11/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND ngày 13/11/2020 quy định về mức hỗ trợ thường xuyên đối với chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy đối với Đội dân phòng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 13), Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 13 của Hội đồng nhân dân tỉnh, góp phần tăng cường nguồn lực, hỗ trợ hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn tỉnh.

2. Thông qua việc thực hiện Nghị quyết để đẩy mạnh thực hiện hiệu quả pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác PCCC và CNCH, gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm phát huy tối đa các nguồn lực đối với công tác PCCC và CNCH, góp phần bảo đảm tốt tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

3. Việc triển khai thực hiện phải kịp thời, đề ra lộ trình cụ thể để hỗ trợ chính sách và trang bị phương tiện PCCC và CNCH đối với Đội dân phòng theo đúng định mức quy định tại Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 13, bảo đảm điều kiện để lực lượng dân phòng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ PCCC và CNCH theo phương châm “4 tại chỗ”.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng đến các Sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt đối với lực lượng dân phòng và các ngành chức năng có liên quan về nội dung Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 13 để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai, thực hiện kịp thời, đúng quy định.

2. Xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai và áp dụng các nội dung tại Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 13 gắn với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, trong đó hướng dẫn cụ thể việc thành lập, kiện toàn Đội dân phòng tại các thôn, khối, xóm, bản trên địa bàn tỉnh.

3. Tham mưu dự trù kinh phí mua sắm phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo định mức và hướng dẫn trang bị phương tiện chữa cháy đối với các Đội dân phòng theo quy định tại Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 13.

4. UBND cấp xã chỉ đạo, hướng dẫn các Đội dân phòng trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện hiệu quả công tác nắm tình hình, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, biện pháp bảo đảm an toàn PCCC tại đơn vị, địa bàn được giao quản lý; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu chữa hiệu quả các vụ cháy, nổ theo phương châm “4 tại chỗ”.

5. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác PCCC và CNCH tại các đơn vị, địa phương, bảo đảm được huy động, quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng quy định và phát huy hiệu quả.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là lực lượng dân phòng và các ngành chức năng có liên quan về nội dung Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 13.

- Hàng năm, trên cơ sở tình hình thực tiễn công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh, căn cứ nội dung chính sách tại Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 13 để phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh dự toán và phân bổ kinh phí hỗ trợ thường xuyên đối với chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng; chủ trì tham mưu việc rà soát, mua sắm các trang thiết bị PCCC đối với Đội dân phòng các địa phương từ nguồn ngân sách của tỉnh.

- Chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp Công an các huyện, thành, thị thường xuyên huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với lực lượng dân phòng trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực, trình độ, khả năng xử lý tình huống và sử dụng hiệu quả các trang thiết bị được trang cấp phục vụ công tác chữa cháy.

- Chủ trì theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 13; tổng hợp tình hình, kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

2. Sở Tài chính

- Hàng năm, phối hợp Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách giao đầu năm để hỗ trợ thường xuyên đối với chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy đối với Đội dân phòng thuộc đối tượng của Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 13.

- Phối hợp kiểm tra việc bố trí kinh phí phân bổ đối với chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng và kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ chữa cháy tại các đơn vị, địa phương.

3. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức rà soát, thành lập, kiện toàn Đội dân phòng tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật. Bảo đảm kinh phí, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách hỗ trợ thường xuyên đối với Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng tại thôn, khối, xóm, bản nơi có trụ sở cơ quan hành chính cấp xã theo quy định.

- Căn cứ tình hình thực tế và khả năng bảo đảm ngân sách địa phương, quan tâm hỗ trợ thêm về vật chất cho lực lượng dân phòng và bố trí thêm các trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn UBND các xã triển khai thực hiện việc hỗ trợ kinh phí thường xuyên đối với Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng được thành lập tại thôn, khối, xóm, bản nơi có trụ sở cơ quan hành chính cấp xã và việc quản lý sử dụng, phương tiện chữa cháy được trang cấp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, ban hành văn bản triển khai thực hiện Kế hoạch này. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo.

2. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các sở, ngành chức năm tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh việc thực hiện Nghị quyết số 22 và Nghị quyết số 13 theo quy định; đôn đốc, hướng dẫn các ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- V01, C07 - Bộ Công an;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh VP, các PVP UBND tỉnh;
- Các sở, ngành cấp tỉnh liên quan;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Lưu: VTUB, NC (Vinh).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Vinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 887/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 22/2022/NQ-HĐND sửa đổi Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND quy định về mức hỗ trợ thường xuyên đối với chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy đối với Đội dân phòng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 887/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 12/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Lê Hồng Vinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản