Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 18 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO CÁN BỘ QUÂN SỰ BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ ĐẾN NĂM 2025 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 72/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ;

Căn cứ Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 87/2011/TT-BQP ngày 27/6/2011 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Đề án đào tạo cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở đến năm 2020 và những năm tiếp theo;

Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 03/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc phê chuẩn Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ chính sách cho Dân quân tự vệ tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025.

Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở đến năm 2025 và những năm tiếp theo đạt mục tiêu Chính phủ quy định, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và góp phần củng cố nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở.

2. Yêu cầu

- Phù hợp với quy hoạch cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm và nhu cầu thực tế của tỉnh.

- Phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp, vai trò tham mưu của cơ quan quân sự địa phương về nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân sự cơ sở.

II. NỘI DUNG

1. Số lượng đào tạo

- Tổng số cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn toàn tỉnh theo quy định là 138 x 02 = 276 đồng chí (bố trí 01 Chỉ huy trưởng, 01 Phó Chỉ huy trưởng).

- Hiện đã sắp xếp 267 đồng chí (Chỉ huy trưởng 132 đồng chí, Phó Chỉ huy trưởng 135 đồng chí).

- Còn thiếu 09 đồng chí (Chỉ huy trưởng 06 đồng chí, Phó Chỉ huy trưởng 03 đồng chí).

- Dự kiến số lượng cán bộ biến động, thay đổi vị trí công tác đến năm 2025 và những năm tiếp theo là 28 đồng chí (trong đó: Nghỉ hưu 03 đồng chí; thay đổi vị trí công tác, lý do khác 25 đồng chí).

- Số lượng cần đào tạo bổ sung thay thế đến năm 2025 và những năm tiếp theo là 37 đồng chí (trong đó: Số hiện thiếu 09 đồng chí; số biến động thay đổi 28 đồng chí).

2. Đối tượng đào tạo

a) Đào tạo chính quy

- Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã chưa qua đào tạo.

- Cán bộ chỉ huy, chiến sỹ dân quân tự vệ nòng cốt hoặc đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt.

- Hạ sỹ quan, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ.

- Sỹ quan dự bị chưa xếp vào các đơn vị dự bị động viên.

- Cán bộ đoàn viên, thanh niên, đảng viên đang công tác tại cơ sở.

b) Đào tạo liên thông

Cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự quân sự cấp xã, thôn đội trưởng đã có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở hoặc cao đẳng quân sự cơ sở.

3. Điều kiện tuyển sinh

a) Đào tạo chính quy

- Đã tốt nghiệp trung học phổ thông.

- Lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Là đảng viên, hoặc có đủ điều kiện phát triển thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

- Đang thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt có thời gian ít nhất 01 năm; cán bộ, đoàn viên, thanh niên, đảng viên đang công tác tại cơ sở có thời gian công tác ít nhất 1 năm.

- Tuyển sinh người có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng quy định về việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

- Là nguồn quy hoạch cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã thông qua quy trình xét tuyển, trúng tuyển được Ủy ban nhân dân các cấp quyết định cử đi đào tạo.

b) Đào tạo liên thông

Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học.

- Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã đang công tác có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở hoặc cao đẳng quân sự có nhu cầu đào tạo trình độ cao đẳng, đại học.

- Đối với đào tạo liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp quân sự cơ sở lên cao đẳng, đại học quân sự cơ sở, học viên tốt nghiệp đạt loại khá trở lên được xét tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất 1 năm công tác, vẫn trong quy hoạch nguồn cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã.

- Đối với liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp quân sự cơ sở lên cao đẳng hoặc từ cao đẳng lên đại học quân sự cơ sở, người có bằng trung cấp phải có ít nhất 3 năm công tác, vẫn trong quy hoạch nguồn cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã mới được tham gia dự tuyển.

c) Độ tuổi tính đến năm tuyển sinh

- Đào tạo từ nguồn quy hoạch: Không quá 31 tuổi.

- Đào tạo liên thông vừa làm vừa học: Trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ cao đẳng quân sự cơ sở từ 22 tuổi đến 45 tuổi, cao đẳng quân sự cơ sở lên đại học quân sự cơ sở trên 24 tuổi đến dưới 45 tuổi.

d) Học viên nghỉ học tạm thời, quy định tại điểm d, Khoản 1, Phần IV, Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ; trở lại học tiếp, độ tuổi như quy định tại điểm c, Khoản 1, Phần IV, Quyết định số 799/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và không quá 44 tuổi đối với đào tạo liên thông vừa làm, vừa học từ trình độ cao đẳng quân sự lên trình độ đại học quân sự.

4. Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh

a) Thực hiện theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Là dân quân tự vệ nòng cốt được khen thưởng từ Bằng khen trở lên.

c) Cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; chiến sỹ dân quân tự vệ đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt.

5. Ngành đào tạo: Quân sự cơ sở.

6. Hình thức đào tạo

a) Chính quy tập trung

b) Liên thông, liên kết

c) Vừa làm, vừa học

7. Thời gian đào tạo, văn bằng được cấp

a) Thời gian đào tạo

- Đào tạo trình độ đại học: Thời gian 48 tháng.

- Đào tạo trình độ cao đẳng: Thời gian 36 tháng.

- Đào tạo liên thông cán bộ có trình độ trung cấp chuyên nghiệp quân sự cơ sở lên cao đẳng quân sự: Thời gian 18 tháng.

- Đào tạo liên thông cán bộ có trình độ cao đẳng quân sự cơ sở lên đại học quân sự cơ sở: Thời gian 18 tháng.

- Đào tạo trung cấp chuyên nghiệp quân sự cơ sở: Thời gian 18 tháng.

- Đào tạo văn bằng 2: Thời gian 36 tháng.

- Đào tạo hình thức vừa làm, vừa học chỉ áp dụng cho đào tạo liên thông; mỗi năm học tập trung 02 đến 03 kỳ, mỗi kỳ ít nhất 03 tháng; thời gian hoàn thành chương trình theo hình thức vừa làm, vừa học dài hơn so với chương trình đó ở cùng trình độ hệ chính quy từ 06 tháng đến 01 năm.

b) Văn bằng được cấp

Học viên học hết chương trình cao đẳng, đại học, đủ điều kiện thì được dự thi tốt nghiệp và nếu đạt yêu cầu theo quy định thì được cấp bằng trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở.

8. Cơ sở đào tạo

a) Đào tạo trình độ cao đẳng, đại học chính quy ngành quân sự cơ sở tại Trường quân sự Quân khu 2, sau khi tốt nghiệp được Trường Sĩ quan Lục quân 1 (Đại học Trần Quốc Tuấn) cấp bằng tốt nghiệp.

b) Đào tạo liên thông trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học ngành quân sự cơ sở tại Trường quân sự Quân khu 2, sau khi tốt nghiệp được Trường Sĩ quan Lục quân 1 (Đại học Trần Quốc Tuấn) cấp bằng tốt nghiệp .

c) Đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở tại Trường quân sự Quân khu 2, sau khi tốt nghiệp được Hiệu trưởng Trường quân sự Quân khu 2 cấp bằng tốt nghiệp.

9. Tuyển sinh các loại hình đào tạo

a) Đào tạo cao đẳng, đại học chính quy; đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở: Tổ chức thi tuyển theo quy chế tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng.

b) Đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở: Tổ chức xét tuyển.

* Số lượng đào tạo hằng năm như sau:

Năm

Đại học chính quy

Đại học liên thông

Cao đẳng chính quy

Cao đẳng liên thông

Đào tạo trung cấp

Tổng số
(người)

2022

04

01

 

 

03

08

2023

02

02

01

01

03

09

2024

02

01

01

01

04

09

2025

02

02

02

01

04

11

Cộng

10

06

04

03

14

37

III. CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI HỌC VIÊN

1. Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học là tiêu chuẩn cơ bản, bắt buộc, là tiêu chí để xem xét, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã theo mục tiêu đào tạo quy định tại Luật Dân quân tự vệ.

2. Thời gian đào tạo được tính thời gian công tác liên tục; trong thời gian đào tạo được giữ nguyên chức vụ và được xem xét đề bạt, bổ nhiệm theo quy hoạch, quy trình công tác cán bộ của địa phương; đối với đào tạo liên thông, sau đào tạo được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận, bố trí sử dụng từ chức danh trước khi đi đào tạo trở lên; bố trí cán bộ đào tạo từ nguồn theo quy hoạch cán bộ quân sự cấp xã.

3. Học viên được đào tạo cán bộ ngành quân sự cơ sở phải có ít nhất 5 năm công tác trong Ban chỉ huy quân sự cấp xã mới được bố trí công tác khác.

4. Học viên vì lý do sức khỏe hoặc lý do chính đáng khác, được cơ sở đào tạo cho phép nghỉ học tạm thời, thì được cấp giấy chứng nhận bảo lưu kết quả đã học theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và giới thiệu trả về cấp xã nơi học viên có hộ khẩu thường trú; việc tiếp nhận, bố trí công tác, trở lại học tiếp do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

5. Học viên là cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, cán bộ chỉ huy Dân quân tự vệ trong thời gian đào tạo được hưởng nguyên lương và các chế độ phụ cấp theo quy định do ngân sách địa phương bảo đảm (tại Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ chính sách đối với Dân quân tự vệ, Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định phụ cấp hằng tháng đối với Thôn đội trưởng và mức trợ cấp ngày công lao động đối với Dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang).

Học viên hưởng chế độ phụ cấp đã bằng hoặc chưa bằng 0,5 mức lương tối thiểu chung của cán bộ công chức thì được địa phương hỗ trợ phụ cấp, mức khởi điểm bằng 0,5 mức lương tối thiểu và tăng dần theo từng năm.

- Năm thứ 2 bằng 0,52 mức lương tối thiểu (0,53 đối với học viên đạt kết quả học tập loại giỏi).

- Năm thứ 3 bằng 0,53 mức lương tối thiểu (0,54 đối với học viên đạt kết quả học tập loại giỏi).

- Năm thứ 4 bằng 0,54 mức lương tối thiểu (0,55 đối với học viên đạt kết quả học tập loại giỏi).

6. Học viên nhập học có mức chế độ phụ cấp bằng 0,5 lương tối thiểu, các năm học tiếp theo được địa phương bảo đảm như quy định tại khoản 5, phần III của kế hoạch này.

7. Được hỗ trợ tiền bù giá lương thực, hỗ trợ tiền ăn thường xuyên, ăn thêm ngày lễ, tết như học viên đào tạo Sĩ quan chỉ huy tham mưu Binh chủng hợp thành cấp phân đội, được hỗ trợ tiền bảo hiểm xã hội.

8. Được bảo đảm trang phục Dân quân tự vệ, trang phục dùng chung, quần áo dã ngoại và các vật dụng cần thiết khác tương đương tiêu chuẩn quân trang học viên đào tạo Sĩ quan chỉ huy tham mưu Binh chủng hợp thành cấp phân đội, được bảo đảm nơi ăn, nghỉ, hỗ phương tiện hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi, về trong một năm. theo quy định của luật Dân quân tự vệ.

9. Được bảo đảm tài liệu, giáo trình, văn phòng phẩm và một số vật chất khác trong quá trình học tập.

10. Học viên đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì thời gian học tập được tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách địa phương bảo đảm; học viên chưa tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì được mua bảo hiểm y tế bằng ngân sách nhà nước; học viên trong thời gian đào tạo bị ốm, bị tai nạn, bị chết, bị thương, hy sinh thực hiện theo quy định tại Điều 35, Luật Dân quân tự vệ năm 2019.

11. Học viên tốt nghiệp ra trường, nếu có đủ điều kiện theo quy định thì được phong, thăng quân hàm Sĩ quan dự bị theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; được bố trí sử dụng tại cơ sở cử đi đào tạo theo quy hoạch cán bộ quân sự cấp xã hoặc thực hiện chế độ luân chuyển cán bộ theo quy định.

12. Học viên trong thời gian đào tạo, nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cơ sở đào tạo khen thưởng các hình thức theo các văn bản quy phạm pháp luật về khen thưởng.

13. Học viên trong thời gian đào tạo vi phạm kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm, cơ sở đào tạo quyết định hình thức kỷ luật theo quy chế đào tạo hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; khi học viên có quyết định buộc thôi học, cơ sở đào tạo phải thông báo về cấp xã nơi học viên có hộ khẩu thường trú; việc bố trí sử dụng, hay không sử dụng, theo từng trường hợp cụ thể, do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

14. Mức bồi hoàn, cách tính bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Học viên phải bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo trong các trường hợp:

- Bị kỷ luật buộc thôi học hoặc tự thôi học không có lý do chính đáng.

- Không chấp hành sự phân công công tác của cấp có thẩm quyền.

- Bị kỷ luật không được phân công công tác sau khi tốt nghiệp hoặc bị thôi việc trong thời gian đang chấp hành sự phân công công tác.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí

- Sử dụng ngân sách địa phương hằng năm theo quy định của Luật Dân quân tự vệ, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

- Dự kiến kinh phí chi trả phí đào tạo từ năm 2023 đến năm 2025 là 4.040.121.840 đồng (Tạm tính theo hợp đồng đào tạo giữa Trường quân sự Quân khu 2 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang, bảng giá thời điểm tháng 12 năm 2022); cụ thể như sau:

Đối tượng không có phụ cấp (Học viên đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, liên thông từ cao đẳng lên đại học chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở): 09 người x 3.132.680đ x 18 tháng = 507.494.160 đồng.

Đối tượng có phụ cấp:

Học viên đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở: 14 người x 4.032.680đ x 18 tháng = 1.016.235.360 đồng.

Học viên đào tạo cao đẳng chính quy chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở: 04 người x 4.032.680đ x 36 tháng = 580.705.920 đồng.

Học viên đào tạo đại học chính quy chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở: 10 người x 4.032.680đ x 48 tháng = 1.935.686.400 đồng.

- Thời gian tính chi phí đào tạo được tính từ tháng học viên nhập học đến hết tháng tốt nghiệp ra trường (có phụ lục định mức tính chi phí cho 01 học viên kèm theo).

- Hằng năm, căn cứ vào số lượng, đối tượng đi đào tạo, loại hình đào tạo cụ thể và giá cả hợp đồng đào tạo với các nhà trường, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh lập dự toán kinh phí chi trả phí đào tạo trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2. Nội dung trả phí đào tạo các trường

- Bảo đảm tiền vé tàu xe một lần đi, về trong một năm.

- Bảo đảm phụ cấp và các khoản khác (đối với đối tượng hưởng phụ cấp).

- Bảo đảm tiền ăn như học viên đào tạo Sĩ quan theo quy định của Bộ Quốc phòng, tiền ăn thêm ngày lễ, ngày tết, bù giá gạo.

- Bảo đảm tiền điện, nước sinh hoạt, học tập.

- Bảo đảm doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt, vệ sinh, thuốc quân y.

- Bảo đảm tiêu chuẩn trang phục dã chiến, chăn màn, chiếu, ba lô, quần áo lót, khăn mặt, giầy, dép, mũ, phù hiệu.

- Bảo đảm các khoản chi khác hợp lý được nhà trường và địa phương thống nhất.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh

- Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch bảo đảm chặt chẽ.

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng quy hoạch đào tạo cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã của địa phương và thực hiện tuyển sinh, xét tuyển, cử tuyển đi đào tạo cán bộ quân sự cơ sở theo quy chế và chỉ tiêu được giao; tổ chức tiếp nhận và đề xuất bố trí sử dụng cán bộ sau đào tạo.

- Phối hợp với Trường Sĩ quan Lục quân 1 (Đại học Trần Quốc Tuấn), Trường quân sự Quân khu 2 hợp đồng đào tạo, giải quyết các vấn đề liên quan đến học viên trong quá trình đào tạo.

- Lập dự toán ngân sách địa phương hằng năm chi cho nhiệm vụ đào tạo cán bộ ngành quân sự cơ sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2. Sở Nội vụ

Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh kiểm tra, giám sát Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh bảo đảm ngân sách thực hiện kế hoạch đào tạo trong dự toán ngân sách địa phương hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

4. Công an tỉnh

Chỉ đạo cơ quan Công an các cấp phối hợp với cơ quan Quân sự cùng c ấp thẩm định, xét tuyển về chính trị, đạo đức các đối tượng tuyển sinh đào tạo cán bộ quân sự cơ sở.

5. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xây dựng quy hoạch đào tạo cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã của địa phương và thực hiện công tác tuyển sinh, xét tuyển, cử tuyển đi đào tạo cán bộ quân sự cơ sở theo quy chế và chỉ tiêu được giao.

- Tổ chức tiếp nhận và bố trí sử dụng cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã sau đào tạo đúng quy định, đạt hiệu quả.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, các cơ quan, đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) để xem xét, giải quyết theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Quốc phòng; Báo cáo
- Quân khu 2; Báo cáo
- Thường trực Tỉnh ủy; Báo cáo
- Thường trực HĐND tỉnh; Báo cáo
- Chủ tịch UBND tỉnh; Báo cáo
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Ủy ban nhân dân huyện, thành phố;
- Lưu: VT, NC(Ng).

T.M ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Việt Phương

 

PHỤ LỤC

ĐỊNH MỨC TÍNH CHI PHÍ ĐÀO TẠO CHO MỘT HỌC VIÊN TRONG MỘT THÁNG
(Bảng giá theo hợp đồng đào tạo giữa Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh với Trường quân sự Quân khu 2 thời điểm tháng 12 năm 2022)

Đơn vị tính: Đồng

STT

Nội dung

Định mức

Thành tiền

Ghi chú

1

Bảo đảm tiền phụ cấp, tiền vé xe

 

 

 

-

Tiền phụ cấp năm đầu (0,5 mức lương tối thiểu)

1.800.000

900.000

 

-

Tiền vé xe (02 lượt/năm)

150.000đ/lượt

300.000

 

2

Bảo đảm tiền ăn

 

 

 

-

Tiền ăn thường xuyên

31 ngày x 81.000

2.511.000

 

-

Tiền ăn thêm ngày lễ

01 ngày x 65.000

65.000

 

-

Bù giá gạo

31 ngày x 1.000

31.000

 

3

Bảo đảm tiền điện, nước sinh hoạt

 

 

 

-

Tiền điện sinh hoạt hàng tháng (32KW/tháng)

2.200đ/KW

70.000

 

-

Tiền nước sinh hoạt (4,2m3/tháng)

14.550đ/m3

61.110

 

4

Bảo đảm doanh cụ, doanh trại (01 người)

 

 

 

-

Tiền dụng cụ cấp dưỡng, tạp chi cấp dưỡng

Tháng

41.620

 

-

Tiền doanh cụ (01 chậu giặt, 02 chậu rửa mặt, 02 xô múc nước/06 người/năm)

Tháng

5.000

 

5

Bảo đảm quân y (01 người)

 

 

 

-

Thuốc y tế, phòng dịch, khám sức khỏe

Tháng

10.850

 

-

Tạp chi vệ sinh (vệ sinh chung, giấy vệ sinh, xử lý chất thải)

Tháng

12.100

 

6

Bảo đảm văn hóa tinh thần (01 người)

Tháng

25.000

 

*

Cộng (có phụ cấp)

 

4.032.680

 

*

Cộng (không có phụ cấp)

 

3.132.680

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 88/KH-UBND năm 2023 về đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã đến năm 2025 và những năm tiếp theo do tỉnh Tuyên Quang ban hành

  • Số hiệu: 88/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 18/04/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Hoàng Việt Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/04/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản