Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 874/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 27 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRUYỀN THÔNG VỀ QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

Thực hiện Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam và Công văn số 5768/BTTTT-TTĐN ngày 28 tháng 11 năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Kạn xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về quyền con người; thông tin đầy đủ giúp người dân hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và trên địa bàn tỉnh.

2. Các hoạt động thông tin, truyền thông về quyền con người phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, với hình thức đa dạng để mọi tầng lớp Nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về quyền con người; đấu tranh, phê phán những quan điểm, luận điệu sai trái về quyền con người.

II. NỘI DUNG

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến Quyết định số 1079/QĐ-TTg và thông tin phục vụ việc triển khai Đề án

1.1. Nội dung: Phổ biến nội dung Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, trong đó cần tập trung tuyên truyền:

- Luật pháp quốc tế về quyền con người, trong đó đặc biệt quan tâm tới 07 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên gồm: (1) Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị; (2) Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa; (3) Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; (4) Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; (5) Công ước về Quyền Trẻ em; (6) Công ước về Quyền của Người khuyết tật; (7) Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo và thúc đẩy quyền con người.

- Chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền con người; kết quả nội luật hóa và triển khai thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, các cam kết quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên hoặc có kế hoạch gia nhập.

- Tình hình, nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực, trong đó có công tác xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống của người dân, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương để không ai bị bỏ lại phía sau; những đánh giá, nhận định tích cực của dư luận, truyền thông quốc tế về kết quả công tác bảo đảm và phát triển quyền con người của Việt Nam. Các thông tin tích cực, để cao các giá trị đạo đức, hướng thiện, lối sống nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

- Các vụ việc, các đối tượng trong nước và nước ngoài, các hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, quyền con người để vi phạm pháp luật, phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, hình ảnh, uy tín quốc tế của Việt Nam.

- Các ưu tiên trong đối ngoại về quyền con người của Việt Nam; về vị trí, vai trò, sáng kiến và đóng góp của Việt Nam trong các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người ở cấp độ khu vực và quốc tế.

- Tình hình, nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực, trong đó có công tác xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống của người dân, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương; những đánh giá, nhận định tích cực của dư luận, truyền thông quốc tế về kết quả công tác bảo đảm và phát triển quyền con người của Việt Nam và của tỉnh Bắc Kạn.

1.2. Hình thức tuyên truyền: Trên các phương tiện thông tin đại chúng; cổ động trực quan; tuyên truyền miệng; lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị, hội thảo, các buổi sinh hoạt chuyên đề; trang/cổng thông tin điện tử….

1.3. Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

1.4. Đơn vị phối hợp thực hiện: Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố; các cơ quan báo chí của tỉnh.

2. Tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí về công tác quyền con người

2.1. Nội dung: Cung cấp các thông tin về việc triển khai thực hiện công tác quyền con người trên địa bàn tỉnh cho các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

2.2. Thời gian thực hiện: Định kỳ hàng tháng.

2.3. Đơn vị chủ trì tham mưu: Sở Thông tin và Truyền thông.

2.4. Đơn vị phối hợp: Công an tỉnh; các cơ quan báo chí; UBND các huyện, thành phố.

3. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông về quyền con người

3.1. Nội dung: Bám sát 05 nhiệm vụ truyền thông nêu tại Quyết định số 1079/QĐ- TTg ngày 14 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam và các kỹ năng truyền thông phù hợp khác.

3.2. Đối tượng tập huấn, bồi dưỡng: Các lực lượng tham gia công tác thông tin đối ngoại trên địa tỉnh, trong đó ưu tiên phóng viên, biên tập viên báo chí, xuất bản; các lực lượng làm công tác nhân quyền, truyền thông các cấp; đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, tuyên truyền viên là cán bộ các tổ chức đoàn thể.

3.3. Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

3.4. Đơn vị phối hợp: Công an tỉnh và các đơn vị liên quan.

4. Xây dựng các sản phẩm truyền thông về quyền con người phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh để đăng phát trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã; bản tin điện tử, cụm thông tin...

4.1. Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

4.2. Đơn vị phối hợp: Công an tỉnh.

5. Theo dõi, tổng hợp thông tin báo chí, dư luận xã hội, xây dựng lập luận đấu tranh với các thông tin sai lệch về tình hình bảo đảm quyền con người trên địa bàn tỉnh

5.1. Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

5.2. Đơn vị phối hợp thực hiện: Các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố.

6. Các hoạt động truyền thông khác

6.1. Nội dung:

- Tổ chức tuyên truyền lưu động thông qua hình thức triển lãm tranh, ảnh tư liệu, tranh cổ động về quyền con người; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức Triển lãm thành tựu đảm bảo quyền con người ở địa phương.

- Tổ chức phát động các cuộc thi viết, tìm hiểu kiến thức pháp luật quyền con người; khen thưởng, động viên kịp thời, khuyến khích các tác giả, tác phẩm truyền thông về quyền con người có giá trị.

6.2. Đơn vị thực hiện: Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng Kế hoạch và dự toán chi tiết để triển khai thực hiện trong phạm vi dự toán được giao và các nguồn lực xã hội hóa theo quy định của pháp luật.

2. Đối với các nhiệm vụ đột xuất theo chỉ đạo của tỉnh và trung ương, các cơ quan, đơn vị gửi dự toán đến cơ quan tài chính cùng cấp để thẩm định dự toán chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao chủ trì đảm bảo chất lượng, hiệu quả; cung cấp đầy đủ nội dung truyền thông về quyền con người cho các cơ quan, đơn vị.

- Tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Triển lãm thành tựu đảm bảo quyền con người ở địa phương (khi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị).

- Tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn theo quy định.

2. Công an tỉnh

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng nội dung truyền thông về quyền con người; chủ động thực hiện công tác rà quét, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng không gian mạng xuyên tạc tình hình, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.

- Chủ động cung cấp, làm rõ thông tin liên quan đến công tác bảo đảm quyền con người trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng ngân sách, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông về quyền con người phát sinh đột xuất chưa được bố trí trong dự toán đầu năm của các cơ quan, đơn vị.

4. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố

- Chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh để triển khai các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức, lồng ghép công tác truyền thông về quyền con người trong kế hoạch công tác thông tin đối ngoại hằng năm của cơ quan, đơn vị.

- Chủ động báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn./.

 


Nơi nhận:
Gửi bản điện tử:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- CT, PCT UBND tỉnh (Ô. Hưng);
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP;
- Lưu: VT, Nhung

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 874/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

  • Số hiệu: 874/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 27/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Phạm Duy Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản