Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 260/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 27 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN TRUYỀN THÔNG VỀ QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2023 - 2028 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam; Công văn số 5768/BTTTT-TTĐN ngày 28/11/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đẩy mạnh công tác truyền thông về quyền con người, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các quyền của con người; thông tin đầy đủ giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam; nâng cao uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người ở phạm vi trong nước, khu vực và trên thế giới.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2028

- 100% cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về công tác quyền con người theo quy định hiện hành để thông tin về tình hình và kết quả công tác quyền con người kịp thời và tương xứng với các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của các cơ quan chức năng nói riêng và cả nước nói chung.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) làm công tác quyền con người, 100% cán bộ làm công tác quản lý thông tin, truyền thông, 100% nhân sự tham gia công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan báo chí, 70% cán bộ chủ chốt của các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh được cập nhật thông tin tình hình công tác quyền con người ở Việt Nam, tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người. Qua đó, góp phần giảm thông tin sai lệch, tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng trong phạm vi quản lý của tỉnh.

II. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG

1. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt các tổ chức chính trị - xã hội; cán bộ làm công tác quyền con người, truyền thông, thông tin đối ngoại, công tác vận động quần chúng tại các sở, ngành, địa phương, các Hội, đoàn thể của tỉnh.

2. Các tầng lớp Nhân dân, các cộng đồng tôn giáo, dân tộc, đặc biệt là giới trí thức, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong các cộng đồng dân tộc thiểu số, thanh niên, sinh viên, học sinh, người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng mạng.

3. Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ xứ Lạng và các cơ quan, phóng viên báo chí Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh.

III. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG

1. Luật pháp quốc tế về quyền con người, trong đó đặc biệt quan tâm tới 07 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên gồm: (1) Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị; (2) Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa; (3) Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; (4) Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; (5) Công ước về Quyền Trẻ em; (6) Công ước về Quyền của Người khuyết tật; (7) Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo và thúc đẩy quyền con người.

2. Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền con người; kết quả nội luật hóa và triển khai thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, các cam kết quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên hoặc có kế hoạch gia nhập.

3. Tình hình, nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực, trong đó có công tác xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống của người dân, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương để không ai bị bỏ lại phía sau; những đánh giá, nhận định tích cực của dư luận, truyền thông quốc tế về kết quả công tác bảo đảm và phát triển quyền con người của Việt Nam. Các thông tin tích cực, đề cao các giá trị đạo đức, hướng thiện, lối sống nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

4. Các vụ việc, các đối tượng trong nước và nước ngoài, các hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, quyền con người để vi phạm pháp luật, phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, hình ảnh, uy tín quốc tế của Việt Nam.

5. Các ưu tiên trong đối ngoại về quyền con người của Việt Nam; về vị trí, vai trò, sáng kiến và đóng góp của Việt Nam trong các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người ở cấp độ khu vực và quốc tế.

IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người cho các lực lượng truyền thông

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề, tọa đàm chuyên gia nhằm nâng cao, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông về quyền con người cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, truyền thông, cán bộ thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở ở địa phương theo hướng dẫn chỉ đạo của Bộ.

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác tổ chức cho phóng viên báo chí trên địa bàn đi thực tế, viết bài về các nội dung truyền thông nêu tại Mục III của Kế hoạch theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ.

- Đơn vị thực hiện:

Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

Đơn vị phối hợp: các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan.

2. Sản xuất, đăng phát các sản phẩm truyền thông về quyền con người

a) Đẩy mạnh xây dựng và khai thác các tài khoản, kênh thông tin trên mạng xã hội đa ngôn ngữ, đa kênh phục vụ truyền thông về quyền con người.

- Đơn vị thực hiện:

Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông; các cơ quan báo chí.

Đơn vị phối hợp: các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

b) Sản xuất, phổ biến các xuất bản phẩm truyền thông đa phương tiện bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài về quyền con người, ưu tiên các sản phẩm có phong cách mới, cách nhìn mới để dễ tiếp cận và lan truyền trên mạng xã hội.

- Đơn vị thực hiện:

Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

Đơn vị phối hợp: các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan.

c) Triển khai xây dựng các sản phẩm truyền thông về quyền con người phù hợp với tình hình thực tế của địa phương (phóng sự phát thanh, kịch truyền thanh, tiểu phẩm, video...) để đăng phát trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã, bảng tin điện tử, cụm thông tin cơ sở và các loại hình thông tin cơ sở khác. Tổ chức tuyên truyền lưu động thông qua hình thức triển lãm tranh, ảnh tư liệu, tranh cổ động về quyền con người.

- Đơn vị thực hiện:

Đơn vị chủ trì: UBND các huyện, thành phố.

Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan.

d) Tổ chức truyền thông, lồng ghép truyền thông về quyền con người trong chương trình giáo dục chính khóa, ngoại khóa một cách phù hợp ở các cấp học và trình độ đào tạo.

- Đơn vị thực hiện:

Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.

Đơn vị phối hợp: UBND các huyện, thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan.

đ) Khai thác hiệu quả cơ chế đặt hàng các cơ quan báo chí sản xuất, phổ biến các xuất bản phẩm truyền thông về quyền con người bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài

- Đơn vị thực hiện:

Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

Đơn vị phối hợp: các cơ quan báo chí và các cơ quan có liên quan.

e) Lựa chọn các tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm có chất lượng tham gia các hoạt động thi đua, khen thưởng công tác tuyên truyền về quyền con người do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền chủ trì phát động.

- Đơn vị thực hiện:

Đơn vị chủ trì: các cơ quan báo chí.

Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông.

g) Lan tỏa các sản phẩm báo chí, xuất bản phẩm về quyền con người trên các hạ tầng và nền tảng truyền thông, chú trọng lan tỏa trên không gian mạng.

- Đơn vị thực hiện:

Đơn vị chủ trì: các cơ quan báo chí.

Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông.

3. Hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại về quyền con người

a) Phối hợp với các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài để trao đổi thông tin về chủ trương, chính sách và thành tựu quyền con người ở Việt Nam đăng phát trên báo chí nước ngoài.

b) Phối hợp Vụ Thông tin báo chí (Bộ Ngoại giao) và các cơ quan chức năng liên quan quản lý phóng viên báo chí nước ngoài đến tìm hiểu, đưa tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Lạng Sơn.

c) Cập nhật thông tin các điều ước quốc tế liên quan đến quyền con người mà Việt Nam là thành viên để gửi đến các cơ quan chức năng liên quan; theo dõi, tổng hợp, báo cáo các cơ quan chức năng Bộ Ngoại giao việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người tại địa phương.

- Đơn vị thực hiện:

Đơn vị chủ trì: Sở Ngoại vụ.

Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan.

4. Tổ chức các giải thưởng truyền thông về quyền con người

Phối hợp tổ chức phát động các cuộc thi viết, tìm hiểu kiến thức pháp luật về quyền con người tại địa phương theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Đơn vị thực hiện:

Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

Đơn vị phối hợp: các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Các cơ quan, đơn vị sử dụng dự toán kinh phí chi thường xuyên được giao hàng năm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước; các nguồn kinh phí lồng ghép từ các chương trình, đề án, dự án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện Kế hoạch.

Đối với các nội dung nhiệm vụ tại Kế hoạch không thuộc nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị: cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự toán kinh phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch, chủ trì tổng hợp , báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai xây dựng Kế hoạch cụ thể của đơn vị mình. Hằng năm định kỳ trước ngày 30/11 hoặc đột xuất, căn cứ kết quả triển khai thực hiện các cơ quan, đơn vị báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo LS, Đài PTTH tỉnh, Cổng TTĐT tỉnh;
- C, PCVP UBND tỉnh, các phòng CM, TTTT;
- Lưu: VT, KGVX(HTHT).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Xuân Huyên

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 260/KH-UBND năm 2022 triển khai Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

  • Số hiệu: 260/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 27/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Dương Xuân Huyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản