Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 87/KH-UBND

Lào Cai, ngày 02 tháng 03 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI NĂM 2021

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Chương trình hành động số 218-CTr/TU ngày 10/8/2018 của Tỉnh ủy Lào Cai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Kế hoạch số 340/KH-UBND ngày 29/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

- Tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm xã hội trong hệ thống an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động, giảm tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia.

2. Yêu cầu

- Triển khai có hiệu quả các kế hoạch và chương trình của trung ương và địa phương về bảo hiểm xã hội, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

II. MỤC TIÊU

Phấn đấu đến hết năm 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 90.332 người, chiếm 20% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 9.400 người, chiếm 2% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 76.777 người, chiếm 17% lực lượng lao động trong độ tuổi. (Chi tiết tại phụ lục kèm theo)

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội

- Đổi mới công tác tuyên truyền về hình thức và nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo các đối tượng được tiếp cận đầy đủ thông tin, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm xã hội trong hệ thống an sinh xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.

- Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với các sở, ban, ngành, địa phương và cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm xã hội.

- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên các cấp.

2. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước về bảo hiểm xã hội; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương về bảo hiểm xã hội.

- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế...) với cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc chia sẻ dữ liệu về quản lý doanh nghiệp, tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để khai thác mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

- Tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; kiến thức, kỹ năng cho hệ thống đại lý thu bảo hiểm xã hội.

- Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại các đơn vị sử dụng lao động, xử lý nghiêm các đơn vị có hành vi vi phạm nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động.

3. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội

- Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện quy trình, thủ tục tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội

- Tăng cường việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội thông qua giao dịch điện tử, dịch vụ bưu chính công ích tại trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện.

- Nâng cao năng lực, nghiệp vụ, ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, hướng đến sự hài lòng của cá nhân, tổ chức.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Lồng ghép hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các đơn vị có hành vi vi phạm nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp về bảo hiểm xã hội.

- Chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh: Thực hiện tiếp nhận, giải quyết chế độ BHTN cho người lao động thất nghiệp đúng quy định, đúng đối tượng; phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh rà soát, truy thu số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Cung cấp danh sách doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới, đơn vị phá sản, giải thể, ngừng hoạt động cho bảo hiểm xã hội tỉnh để quản lý, mở rộng đối tượng tham gia

3. Sở Tài chính

Thẩm định dự toán kinh phí và tham mưu bố trí kinh phí thực hiện các nội dung hoạt động về BHXH, BHTN thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh; hướng dẫn và thực hiện thanh quyết toán theo quy định.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan báo, đài phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đến người dân trên địa bàn tỉnh.

5. Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh duy trì và xây dựng các chuyên trang, chuyên mục; tăng cường đưa tin, bài viết, phóng sự phản ánh kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.

6. Công an tỉnh

Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh đấu tranh, xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

7. Thanh tra tỉnh

Hằng năm căn cứ kế hoạch thanh tra, kiểm tra, trao đổi, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các đơn vị có liên quan để thống nhất chương trình và nội dung thanh tra tại các đơn vị sử dụng lao động đặc biệt là các đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền lớn, thời gian nợ đọng kéo dài và các đơn vị có số lao động lớn nhưng chưa thực hiện đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hoặc đăng ký chưa đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia.

8. Cục Thuế tỉnh

Định kỳ hàng quý cung cấp thông tin về doanh nghiệp đang nộp thuế, số lao động quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại các doanh nghiệp để cơ quan Bảo hiểm xã hội có căn cứ đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

9. Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức đối thoại chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội với người sử dụng lao động, người lao động; phối hợp với Bưu điện tỉnh, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng chuyên trang, chuyên mục, bài viết, phóng sự tuyên truyền pháp luật, tình hình thực hiện công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- In ấn, phát hành tài liệu, lắp đặt pano, treo băng rôn tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội.

- Tập huấn, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm xã hội và hệ thống đại lý thu.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế tỉnh rà soát số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa tham gia để tập trung phát triển, yêu cầu đơn vị tham gia cho người lao động theo quy định.

- Thực hiện thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội tại các đơn vị sử dụng lao động, xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội.

- Tiếp tục đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội.

- Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và quản lý bảo hiểm xã hội.

10. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp làm việc trong các Khu công nghiệp, Khu kinh tế; xác định đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp để yêu cầu các đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định.

11. Liên minh hợp tác xã tỉnh

Quản lý lao động trong các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác; phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tuyên truyền pháp luật về bảo hiểm xã hội để tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp trong các hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác; vận động xã viên hợp tác xã không hưởng tiền lương, tiền công tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi hết tuổi lao động.

12. Bưu điện tỉnh

Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, khai thác, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

13. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh

Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội đến người sử dụng lao động, đoàn viên công đoàn và người lao động.

Phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị có sử dụng lao động.

14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội

Tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, chủ động tham gia bảo hiểm xã hội theo đúng đối tượng.

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội và các quy định của pháp luật có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

15. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội, Bưu điện tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động người dân, hội viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý doanh nghiệp, tình hình sử dụng lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý để có cơ sở khai thác, mở rộng đối tượng tham gia.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn.

16. Chế độ báo cáo

Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện báo cáo tình hình phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định sau: Trước ngày 05/7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 10/01 năm sau đối với báo cáo năm về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trên đây là Kế hoạch phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021, yêu cầu các sở, ngành, địa phương, tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TBXH;
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Lào Cai, Đài PT - TH tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- CVP, PCVP3;
- Lưu: VT, TH3, VX2,3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Giàng Thị Dung

 

PHỤ LỤC

CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BHXH, BHTN NĂM 2021
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 02/03/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai)

STT

Đơn vị

BHXH

BHTN

BHXH
Bắt buộc

BHXH
Tự nguyện

I

Số người tham gia

80.932

9.400

76.777

1

Thành phố Lào Cai

29.196

2.673

27.327

2

Huyện Bảo Thắng

11.743

1.690

10.980

3

Huyện Bảo Yên

5.415

1.056

5.138

4

Huyện Bát Xát

6.736

720

6.512

5

Huyện Bắc Hà

5.707

773

5.504

6

Huyện Mường Khương

4.714

448

4.572

7

Thị xã Sa Pa

7.694

883

7.423

8

Huyện Si Ma Cai

3.909

357

3.742

9

Huyện Văn Bàn

5.818

800

5.579

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 87/KH-UBND về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2021

  • Số hiệu: 87/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 02/03/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Giàng Thị Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản