Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 10 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC CÔNG THƯƠNG NĂM 2021

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực Công Thương năm 2021 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (sau đây viết tắt là ATTP) nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP đối các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kiến thức về ATTP đối với người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn.

- Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương; thông qua công tác kiểm tra, giám sát phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về ATTP, không để thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông trên thị trường. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATTP, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

- Tăng cường công tác phối hợp trong quản lý ATTP giữa tuyến tỉnh và tuyến huyện, xã về quản lý ATTP ngành Công Thương; Đánh giá tình hình về ATTP đối với nhóm thực phẩm thuộc thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương nhằm định hướng giải pháp quản lý.

2. Yêu cầu

- Công tác kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất thực phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật địa phương (mè xửng Huế), các sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, kiểm soát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm sử dụng nhiều trong các dịp cao điểm (Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán...) như các sản phẩm bánh, mứt, kẹo, rượu thủ công...

- Kết hợp kiểm tra với lấy mẫu giám sát thực phẩm, gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP, hướng dẫn hồ sơ tự công bố sản phẩm, trình tự công bố, phiếu kết quả kiểm nghiệm, ghi nhãn hàng hóa và chỉ tiêu an toàn cơ sở tự công bố.

- Tích cực phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng trong thanh tra, kiểm tra về công tác bảo đảm ATTP; Chủ động phát hiện, ngăn chặn và phối hợp xử lý kịp thời việc kinh doanh các loại hàng hóa, văn hóa phẩm, đồ chơi, trò chơi có tính chất bạo lực, phản giáo dục, kém chất lượng, độc hại, nguy hiểm, không phù hợp với lứa tuổi trẻ em.

- Làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP nhằm nâng cao nhận thức và ý thức thực hành về ATTP của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP; đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.

II. KẾT QUẢ VÀ CHỈ SỐ CẦN ĐẠT

1. 100% nhiệm vụ kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông về ATTP ngành Công Thương được thực hiện.

2. Lấy mẫu 100% cơ sở sản xuất kẹo mè xửng được lấy mẫu giám sát nhằm đánh giá việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật địa phương - mè xửng Huế;

3. Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết đảm bảo sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên 50%.

4. 20% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo ATTP được giới thiệu tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

III. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM

1. Ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành:

- Ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch triển khai công tác quản lý chất lượng, ATTP theo yêu cầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

- Tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý nhà nước về chất lượng ATTP với các nhiệm vụ quảng bá, xuất khẩu, xúc tiến thương mại hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn tiếp diễn.

2. Công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm:

- Gia tăng số lượng và đa dạng thông tin, tuyên truyền vận động cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương tuân thủ pháp luật ATTP; phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông phổ biến pháp luật, truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng, an toàn.

- Tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt tổ chức thực hiện Quyết định số 46/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phân cấp quản lý ATTP thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

- Hình thức tuyên truyền, phổ biến: Phối hợp với các địa phương tổ chức 2- 3 hội nghị; xây dựng 03-05 phóng sự tuyên truyền công tác đảm bảo ATTP phát sóng trên TRT vào khung giờ cao điểm; xây dựng 03-05 bài báo tuyên truyền đăng trên Báo Thừa Thiên Huế, Báo Công Thương....

3. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm

a) Đối tượng kiểm tra, giám sát và phương pháp kiểm tra

Đối tượng kiểm tra, giám sát: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh. Tập trung vào các cơ sở sản xuất thực phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật địa phương, các sản phẩm thuộc diện tự công bố như: kẹo mè xửng, bánh, mứt, rượu thủ công...

b) Phương pháp kiểm tra, giám sát

- Đoàn kiểm tra, giám sát gửi thông báo thời gian, nội dung kiểm tra, giám sát đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trước 3 ngày trước khi Đoàn đến làm việc.

- Kiểm tra, giám sát, hướng dẫn trực tiếp việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại cơ sở, lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP (nếu thấy cần thiết)

- Đối với các trường hợp vi phạm về ATTP, phát hiện sản phẩm thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm hoặc cơ sở không thực hiện biện pháp khắc phục sự cố, Đoàn kiểm tra, giám sát lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý theo quy định.

c) Thời gian dự kiến kiểm tra, giám sát

- Thời gian: Trong các dịp cao điểm về ATTP như: Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán.

- Địa điểm: Trên địa bàn tỉnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động bảo đảm ATTP lĩnh vực Công Thương năm 2021 trên địa bàn tỉnh đạt kết quả thiết thực.

- Chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc kế hoạch hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực Công Thương năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, cơ quan thông tấn, báo chí, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế và các đơn vị có liên quan tổ chức thông tin, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng ATTP nói chung và thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý nói riêng

- Chủ trì thành lập Đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị về xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm an toàn và quảng bá sản phẩm an toàn.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh, lưu thông các sản phẩm nông lâm thủy sản, đặc biệt chú trọng quản lý ATTP tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Sở Y tế

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm các sản phẩm ngành Công Thương tại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế, xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm về vệ sinh ATTP theo quy định.

- Phối hợp với Sở Công Thương trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi có các dấu hiệu, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm ngành Công Thương theo phân công tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm các sản phẩm ngành Công Thương tại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm về vệ sinh ATTP theo quy định.

- Phối hợp với Sở Công Thương trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi có các dấu hiệu, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm ngành Công Thương theo phân công tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP.

4. Sở Tài chính

Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện kế hoạch. Hướng dẫn, giám sát việc sử dụng, quyết toán kinh phí, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện kế hoạch hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực Công Thương năm 2021 trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.

5. Công an tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan theo dõi, điều tra xử lý và hỗ trợ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.

6. Cục Quản lý thị trường tỉnh

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc lưu thông thực phẩm nông lâm thủy sản kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh ATTP.

7. Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế (TRT), Đài VTV8, Báo Thừa Thiên Huế

- Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân hiểu rõ, hiểu đúng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Phối hợp với Sở Công Thương thường xuyên đưa tin phản ánh các hoạt động đảm bảo chất lượng ATTP trong lĩnh vực Công Thương.

8. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế

- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực Công Thương năm 2021 trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã;

- Phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành Công Thương tổ chức thực hiện cơ chế chính sách pháp luật trong giám sát ATTP ngành Công Thương tại các địa phương.

- Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về vệ sinh ATTP trên địa bàn được phân cấp quản lý, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về ATTP.

9. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh căn cứ nội dung các chương trình phối hợp, tuyên truyền, vận động, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn đã ký kết của cấp Trung ương, chủ trì xây dựng chương trình phối hợp và kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp tại địa phương.

10. Sở Công Thương chủ trì tổ chức sơ kết và tổng kết để đánh giá kết quả triển khai kế hoạch hành động; thống nhất giải pháp, biện pháp khắc phục các khó khăn vướng mắc trong thực hiện làm cơ sở cho việc triển khai kế hoạch giai đoạn tiếp theo.

Trước ngày 05/6/2021 và ngày 05/12/2021, các cơ quan, đơn vị báo cáo UBND tỉnh (báo cáo kết quả 6 tháng và tổng kết năm - qua Sở Công Thương) các kết quả thực hiện, trong đó nêu rõ những việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện.

UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức triển khai Kế hoạch đảm bảo hiệu quả./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở: CT, NN&PTNT, TC, YT, TT&TT;
- Công an tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Cục Quản lý thị trường tỉnh;
- Các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế;
- Đài PT&TH tỉnh;
- Báo Thừa Thiên Huế;
- VP: LĐ và các CV: KH, TH, TC, YT, NN;
- Lưu: VT, CT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 82/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực Công Thương năm 2021 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 82/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 10/03/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản