Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 82/KH-UBND | Quảng Ninh, ngày 22 tháng 3 năm 2023 |
THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; Nghị quyết số 128/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/12/2022 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 128/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 13/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kịch bản tăng trưởng (GRDP) năm 2023 tỉnh Quảng Ninh; Theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Văn bản số 109/TTr-STTTT ngày 23/02/203, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 lĩnh vực Thông tin và Truyền thông với nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ CÁC CHỈ TIÊU
1. Mục đích
Triển khai và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Chủ đề công tác năm 2023 của Tỉnh “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân”; Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/12/2022 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 128/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 13/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kịch bản tăng trưởng (GRDP) năm 2023 tỉnh Quảng Ninh
2. Yêu cầu
- Các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp phải đồng bộ, khả thi, xác định rõ lộ trình, tiến độ thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và từng địa phương, đơn vị để tổ chức, thực hiện đạt kết quả các nội dung của kế hoạch.
- Phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và thời gian tổ chức thực hiện của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố được giao chỉ trì hoặc phối hợp trong tham mưu, triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Kế hoạch. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Các chỉ tiêu theo Quyết định số 3636/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 lĩnh vực Thông tin và Truyền thông
3.1. Nhóm chỉ tiêu Công nghệ thông tin:
- Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các TTHC đủ điều kiện đạt: 100%.
- Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt: 12%.
- Thanh toán điện tử (Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử) đạt: 50%.
3.2. Nhóm chỉ tiêu Viễn thông:
- Thuê bao điện thoại cố định hữu tuyến: 300 thuê bao
- Thuê bao điện thoại di động trả sau: 32.000 thuê bao
- Thuê bao điện thoại di động trả trước: 180.000 thuê bao
- Thuê bao Internet cáp quang FTTH: 35.000 thuê bao
- Doanh thu: 3.100 tỷ đồng
3.3. Nhóm chỉ tiêu xuất bản, in, phát hành
- Phát hành báo in của tỉnh: 1.800.000 tờ, cuốn
- In, xuất bản phẩm của tỉnh: 17.000.000 tờ, cuốn
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Đối với nhóm chỉ tiêu Công nghệ thông tin
- Giải pháp: Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khi công bố thủ tục hành chính mới hoặc sửa đổi thủ tục hành chính cân xác định cung cấp dịch vụ công toàn trình hay một phần để người dân, doanh nghiệp, tổ chức biết thực hiện.
Ngày 20/12/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 3744/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục các thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; theo đó 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Để đảm bảo việc thực hiện chỉ tiêu này, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:
(1) Các cơ quan, đơn vị, địa phương khi công bố thủ tục hành chính mới hoặc sửa đổi thủ tục hành chính cần xác định cung cấp dịch vụ công toàn trình hay một phần để người dân, doanh nghiệp, tổ chức biết thực hiện.
(2) Rà soát, bổ sung, cập nhật, điều chỉnh kịp thời các thủ tục hành chính khi có sự điều chỉnh, thay thế các văn bản của Trung ương, của tỉnh.
- Đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện: Các sở, ngành có thủ tục hành chính; UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Đơn vị chủ trì theo dõi, tổng hợp: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Đơn vị phối hợp: Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông.
1.2. Chỉ tiêu Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP
1.2.1. Tính toán chỉ tiêu "Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP"
- Giải pháp: Cục Thống kê tỉnh hướng dẫn các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thống kê các chỉ tiêu theo lĩnh vực quản lý, kinh doanh để tính toán chỉ tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP trên địa bàn tỉnh; Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin thống kê chỉ tiêu kinh tế số để Cục thống kê tính chỉ tiêu "Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP" của tỉnh.
- Đơn vị chủ trì: Cục Thống kê tỉnh.
- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông; các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
1.2.2. Triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế số
Nhiệm vụ 1: Triển khai Nền tảng cửa khẩu số trên địa bàn tỉnh.
- Giải pháp: Cục Hải quan tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu và Sở Thông tin và Truyền thông để xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện theo lộ trình của Tổng cục Hải quan.
- Đơn vị chủ trì: Cục Hải quan tỉnh.
- Đơn vị phối hợp: UBND các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành, đơn vị có liên quan.
Nhiệm vụ 2: Xây dựng chương trình chuyển đổi số doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025; triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ số vào quản lý, quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm từ ứng dụng số. Xây dựng tổ chức các khoá đào tạo để nâng cao nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Giải pháp: Giao Sở Kế hoạch và Đầu Tư chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh để xây dựng chương trình chuyển đổi số doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025
- Đơn vị chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh.
Nhiệm vụ 3: Triển khai hợp đồng điện tử trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Giải pháp: Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà cung cấp dịch Hợp đồng điện tử trên địa bàn tỉnh (đã được Bộ Công Thương trao giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử) tích cực triển khai hợp đồng điện tử đến các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh; là đầu mối tham mưu, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai hợp đồng điện tử rộng rãi trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy mạnh mẽ thương mại số nói riêng và hoạt động thương mại trong tỉnh, trong nước và xuyên biên giới nói chung.
- Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương.
- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các nhà cung cấp dịch Hợp đồng điện tử trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm vụ 4: Tiếp tục duy trì triển khai hóa đơn điện tử: Đảm bảo 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể nộp thuế theo phương pháp kê khai, bắt buộc phải sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử để có thể thực hiện nghĩa vụ kê khai, sử dụng hóa đơn điện tử khi thành lập mới đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử, phổ cập chữ ký số đến 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Giải pháp: Tuyên truyền để triển khai hóa đơn điện tử đến 100% hộ kinh doanh cá thể và phát huy kết quả đạt được năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
- Đơn vị chủ trì: Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh
- Đơn vị phối hợp: Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Nhiệm vụ 5: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thương mại điện tử, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
- Giải pháp: Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về phát triển thương mại điện tử tại Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 02/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: (1) Xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ (công nghệ mã vạch, QR code, chip NFC, công nghệ blockchain...) để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm; (2) Hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong nước và thế giới; Hỗ trợ xây dựng giải pháp để xây dựng thương hiệu trực tuyến cho các hàng hóa, dịch vụ chủ lực của tỉnh; (3) Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất xây dựng phần mềm quản lý bán hàng, quản lý doanh nghiệp, marketing, logistic.
+ Nhận rộng mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” tại các chợ trên địa bàn các huyện thị xã, thành phố theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 25/3/2022.
- Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương
- Đơn vị phối hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Nhiệm vụ 6: Tiếp tục triển khai nhiệm vụ bổ sung Khu Công nghệ thông tin tập trung tại phường Tuần Châu, thành phố Hạ Long vào Quy hoạch Khu Công nghệ thông tin tập trung quốc gia.
- Giải pháp: Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt bổ sung Khu Công nghệ thông tin tập trung tỉnh vào quy hoạch quốc gia, vì hiện nay tỉnh đã trình Bộ Thông tin và Truyền thông hồ sơ bổ sung Khu Công nghệ thông tin tập trung tỉnh vào quy hoạch quốc gia.
- Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông
- Đơn vị phối hợp: UBND thành phố Hạ Long.
Nhiệm vụ 7: Triển khai các giải pháp công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế số ở một số ngành, lĩnh vực trọng tâm (Công nghiệp chế biến chế tạo, Du lịch, Nông nghiệp) tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế số.
(1) Về Công nghiệp: Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số, công nghệ số, giải pháp phần mềm thông minh, thiết bị IOT trong sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng, chế biến, chế tạo.
- Giải pháp: Sở Công Thương, chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp ngành Than tăng cường triển khai ứng dụng các nền tảng số, công nghệ số, giải pháp phần mềm thông minh, thiết bị IOT trong sản xuất.
- Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương.
- Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp liên quan.
(2) Về Du lịch: Tăng cường triển khai các ứng dụng số phục vụ du lịch thông minh như: Bản đồ số du lịch, số hóa điểm đến, số hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn, ứng dụng thuyết minh trên thiết bị di động thông minh...
- Đơn vị chủ trì: Sở Du lịch.
- Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp liên quan.
(3) Về Nông nghiệp
Tăng cường triển khai nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh, những sản phẩm đã ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap của tỉnh, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất; ứng dụng IOT để hỗ trợ theo dõi, giám sát và hỗ trợ tự động quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp.
Tham mưu phát triển các vùng nuôi biển tập trung công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; tổ chức lại chuỗi sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển bền vững.
- Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành; Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh liên quan.
Nhiệm vụ 8: Hỗ trợ doanh nghiệp trải nghiệm các nền tảng số, tham gia các sự kiện, hội thảo giới thiệu, quảng bá về các giải pháp, nền tảng số xuất sắc hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia.
- Giải pháp: Mời, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số đến các khu công nghiệp để giới thiệu, và quảng bá về các giải pháp, nền tảng số xuất sắc hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia.
- Đơn vị chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Đơn vị phối hợp: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Ban Quản lý các Khu kinh tế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Nhiệm vụ 9: Triển khai nền tảng số trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư để nâng cao chất lượng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
- Đơn vị chủ trì: Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư - IPA.
- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành, địa phương.
1.3. Chỉ tiêu Thanh toán điện tử (Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử)
- Nhiệm vụ: Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 25/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh "Triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025".
- Giải pháp:
+ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ninh chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị địa phương triển khai các nhiệm vụ đã được phân công tại Kế hoạch 97/KH-UBND; kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án, giải pháp tháo gỡ với Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo triển khai hoàn thành các chỉ tiêu được giao tại Kế hoạch 97/KH-UBND ngày 25/3/2022.
+ Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương: Chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch 97/KH-UBND ngày 25/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được giao.
- Đơn vị chủ trì: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ninh.
- Đơn vị phối hợp: (1) Các Sở: Tài chính, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Giao thông Vận tải, Du lịch, Thông tin và Truyền thông; (2) các cơ quan, đơn vị: Cục Thuế Quảng Ninh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Công ty Điện lực Quảng Ninh, Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh, Trung tâm phục vụ Hành chính công, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Trung tâm Truyền thông tỉnh; (3) các doanh nghiệp viễn thông; (4) UBND các huyện, thị xã, thành phố.
2. Đối với các chỉ tiêu Viễn thông
2.1. Chỉ tiêu điện thoại cố định hữu tuyến
- Triển khai các chương trình chăm sóc khách hàng, có chính sách giá cước ưu đãi nhằm mục tiêu giảm hủy thuê bao, giữ doanh thu, đặc biệt là khách hàng lâu năm.
- Tăng cường nắm thông tin, tiếp cận các doanh nghiệp mới thành lập để tư vấn sử dụng điện thoại cố định có dây để làm số hotline, số điện thoại liên hệ của Công ty.
- Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Đơn vị phối hợp: Các doanh nghiệp viễn thông.
- Thời gian hoàn thành: trước ngày 31/12/2023
2.2. Chỉ tiêu điện thoại di động trả sau, trả trước
(1) Nhiệm vụ 1: Phát triển hạ tầng viễn thông băng thông rộng di động chất lượng cao (giảm tỷ lệ trạm 2G hiện từ 21,8% xuống 8%, trạm 3G hiện từ 38,5% xuống 18,5%; tăng tỷ lệ trạm 4G hiện từ 39,6% lên 59 %, tăng tỷ lệ trạm 5G hiện tại là 0,02% lên 25% sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành việc quy hoạch và đấu thầu tần số dành cho mạng 5G) theo hướng xây dựng mô hình mẫu về hạ tầng số đáp ứng phục vụ sản xuất thông minh tại 01 khu công nghiệp, khu kinh tế có thể đáp ứng điều kiện sản xuất thông minh... phục vụ thu hút đầu tư.
- Giải pháp:
+ Sở Thông tin và Truyền thông: (1) Phối hợp với các địa phương nắm bắt nhu cầu đề xuất về địa điểm xây dựng trạm; phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế để xác định về nhu cầu, định hướng phát triển của Khu công nghiệp có thể đáp ứng điều kiện sản xuất thông minh. Thời gian hoàn thành: trước 20/3/2023; (2) Chỉ đạo và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các vùng sâu, vùng xa, khu đô thị mới. Nâng cao chất lượng dịch vụ, băng thông theo chỉ tiêu đề ra; Thời gian hoàn thành: trước 30/6/2023; (3) Chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông tăng cường phối hợp, chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để tăng hiệu quả đầu tư, sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông. Hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trong việc sử dụng hạ tầng kĩ thuật liên ngành (cột điện lực, tuyến cống bể giao thông, tuyến cống bể ngầm của các địa phương khi chỉnh trang đô thị...); Thời gian hoàn thành: Trong năm 2023.
+ Các doanh nghiệp viễn thông: Xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông báo đảm quy định; khẩn trương tập trung triển khai các trạm thu phát sóng di động (trạm BTS) đã được phê duyệt vị trí, bảo đảm điều kiện xây dựng; Thời gian hoàn thành: Cả năm 2023; chú trọng đầu tư lắp đặt các trạm BTS phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ mới (công nghệ 4G và 5G); tăng cường dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để tiết kiệm nguồn lực, tăng hiệu quả đầu tư.
(2) Nhiệm vụ 2: Nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường hoạt động bán hàng để giữ chân khách hàng.
- Giải pháp:
Các doanh nghiệp viễn thông: Tăng cường hoạt động bán hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm - dịch vụ, cụ thể là chất lượng mạng, đường truyền, tích hợp công nghệ vào các dịch vụ gia tăng của nhà mạng, đa dạng hóa danh mục sản phẩm - dịch vụ, hướng đến mở rộng thị trường hoạt động, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
(3) Nhiệm vụ 3: Xây dựng Kế hoạch phát triển hạ tầng sổ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 trình UBND tỉnh ban hành (các chỉ tiêu đảm bảo cho việc thực hiện Đề án Chuyển đổi số toàn diện của tỉnh Quảng Ninh xoay quanh 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số).
- Giải pháp:
+ Sở Thông tin và Truyền thông: (1) Đề nghị các doanh nghiệp viễn thông cung cấp kế hoạch phát triển; (2) Xây dựng dự thảo Kế hoạch, xin ý kiến các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, trình UBND tỉnh ban hành; Thời gian hoàn thành: trong quý I năm 2023.
+ Các doanh nghiệp Viễn thông: Cung cấp kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông của doanh nghiệp giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 gửi Sở Thông tin và Truyền thông.
- Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
2.3. Chỉ tiêu thuê bao Internet FTTH
(1) Nhiệm vụ 1: Phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ kết nối mạng Internet vạn vật (IoT). Xây dựng hạ tầng dịch vụ internet băng thông rộng được cung cấp đến 100% các hộ gia đình, trong đó hạ tầng mạng cáp quang cung cấp đến 88% hộ gia đình; nâng tỷ lệ người sử dụng dịch vụ di động có smartphone lên mức từ 95% trở lên.
- Giải pháp:
+ Sở Thông tin và Truyền thông: Rà soát, tổng hợp các vị trí, khu vực, các Khu kinh tế có phát sinh các điểm lõm internet băng rộng; đề nghị các doanh nghiệp viễn thông tiến hành triển khai phủ lõm; Chỉ đạo và hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông trong việc phát triển hạ tầng viễn thông nâng cao chất lượng dịch vụ, băng thông theo chỉ tiêu đề ra. Hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trong việc sử dụng hạ tầng kỹ thuật liên ngành (cột điện lực, tuyến cống bể giao thông, tuyến cống bể ngầm của các địa phương khi chỉnh trang đô thị...). Thời gian hoàn thành: trước 31/12/2023
+ Các doanh nghiệp viễn thông: Rà soát, tập trung triển khai hạ tầng tại các khu vực lõm chưa có hạ tầng Internet cáp quang tại các khu dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Thời gian hoàn thành: trước 31/12/2023
(2) Nhiệm vụ 2: Nâng cao chất lượng dịch vụ internet để thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng đã và đang sử dụng dịch vụ.
- Giải pháp: Các doanh nghiệp viễn thông có các giải pháp cung cấp có chất lượng các dịch vụ, sát với thị trường, đối tượng sử dụng.
- Đơn vị chủ trì các nhiệm vụ: Các doanh nghiệp viễn thông.
- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Nhiệm vụ: Các doanh nghiệp viễn thông nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường chăm sóc khách hàng, đổi mới hoạt động bán hàng để tăng doanh thu hoàn thành chỉ tiêu giao tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lĩnh vực ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023.
- Giải pháp: Các doanh nghiệp Viễn thông thực hiện theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị đã đề ra năm 2023, phấn đấu hoàn thành mục tiêu cao nhất.
3. Đối với các chỉ tiêu xuất bản, in, phát hành
3.1. Chỉ tiêu Phát hành báo in của tỉnh
- Nhiệm vụ: Bám sát chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh để tổ chức tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm; đồng thời quảng bá hình ảnh, thương hiệu của Tỉnh thông qua các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nổi bật của Tỉnh, của đất nước gắn với các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh, tạo sự đông thuận trong Nhân dân và xã hội.
- Giải pháp:
Tăng cường truyền thông chủ động; phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng, hấp dẫn, định hướng Nhân dân và dư luận xã hội.
Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền theo hướng chuyên sâu vào các vấn đề thời sự, tăng cường các tuyến bài mang tính chuyên luận và bình luận; tổ chức thực hiện các chiến dịch truyền thông, đổi mới toàn diện ấn phẩm truyền thông truyền thống, nâng cao chất lượng và sức mạnh cạnh tranh thông tin trên các sản phẩm báo chí.
- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Truyền thông tỉnh.
- Đơn vị phối hợp phát hành: Các cơ quan, đơn vị liên quan.
3.2. Chỉ tiêu In, xuất bản phẩm của tỉnh
- Nhiệm vụ: Các xuất bản phẩm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật... được in, xuất bản đảm bảo các quy định của pháp luật; tuyên truyền đầy đủ, toàn diện về các sự kiện, các vấn đề theo chủ trương, định hướng của tỉnh, của đơn vị, địa phương và nhu cầu thông tin của nhóm độc giả chuyên biệt.
- Giải pháp: Đổi mới nội dung, hình thức thể hiện trên các xuất bản phẩm, góp phần tạo sự đồng thuận, định hướng dư luận, đồng thời lan tỏa mạnh mẽ những thành tựu nổi bật của tỉnh, của đơn vị, địa phương.
Các cơ sở in, cơ sở phát hành thực hiện nghiêm túc việc xin cấp Giấy phép hoạt động in/Giấy xác nhận đăng ký hoạt động cơ sở in/ Giấy xác nhận cơ sở hoạt động phát hành và chỉ thực hiện việc in, xuất bản phẩm sau khi được cơ quan quản lý nhà nước cấp Giấy phép hoạt động In/ Giấy xác nhận hoạt động cơ sở phát hành xuất bản phẩm.
- Đơn vị chủ trì: Các cơ sở in và phát hành trên địa bàn tỉnh.
1. Sở Thông tin và Truyền thông
- Là cơ quan chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch, đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai đảm bảo yêu cầu chung về tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
- Chủ trì làm việc với các đơn vị bưu chính, viễn thông trên địa bàn, giao chỉ tiêu cụ thể về viễn thông, doanh thu để đảm bảo việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch; đôn đốc, theo dõi kết quả triển khai thực hiện từng tháng, quý của doanh nghiệp.
- Chủ trì tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu, khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện từ các doanh nghiệp, đơn vị, kịp thời báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Kế hoạch.
2. Các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị
- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về chỉ tiêu "Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP" tại mục 1.2 của Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Đối với thực hiện chỉ tiêu thanh toán điện tử: Các Sở: Tài chính, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Giao thông Vận tải, Du lịch, Thông tin và Truyền thông; các cơ quan, đơn vị: Cục Thuế Quảng Ninh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Công ty Điện lực Quảng Ninh, Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh, Trung tâm phục vụ Hành chính công, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 25/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về "Triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025" bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được giao.
- Đối với dịch vụ công trực tuyến toàn trình: Yêu cầu các sở, ngành, địa phương có thủ tục hành chính khi công bố thủ tục hành chính mới hoặc sửa đổi thủ tục hành chính phải xác định là cung cấp dịch vụ công toàn trình hay một phần để người dân, doanh nghiệp, tổ chức biết thực hiện.
3. Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh: Tiếp tục triển khai và thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử đến 100% hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh.
4. Trung tâm Truyền thông tỉnh: Bám sát chỉ tiêu phát hành báo in của tỉnh, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai; đầu tư nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng, hấp dẫn phát huy tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, là nguồn thông tin, tài liệu chính thống để các cơ quan báo chí khác quan tâm đến Quảng Ninh khai thác, nguồn để hệ thống thông tin cơ sở khai thác tuyên truyền.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc bàn giao mặt bằng, thủ tục xây dựng trong triển khai lắp đặt hạ tầng viễn thông trên địa bàn.
- Thông báo Kế hoạch chỉnh trang hạ tầng đô thị có liên quan đến hạ tầng dùng chung (Điện, nước, viễn thông, hạ ngầm...) theo quy định trước khi triển khai tới các doanh nghiệp Viễn thông, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông trong triển khai thực hiện và gửi thông báo Kế hoạch cho Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng chỉ đạo các doanh nghiệp Viễn thông nhằm đảm bảo việc chia sẻ, sử dụng hạ tầng liên ngành dùng chung, hạn chế việc mất thông tin liên lạc và thiệt hại khi địa phương triển khai.
- Đối với dịch vụ công trực tuyến toàn trình: Khi công bố thủ tục hành chính mới hoặc sửa đổi thủ tục hành chính phải xác định luôn là cung cấp dịch vụ công toàn trình hay một phần để người dân, doanh nghiệp, tổ chức biết thực hiện.
- Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 25/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về "Triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025" bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được giao.
- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về chỉ tiêu "Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP" tại mục 1.2 của Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
6. Các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông, Truyền hình cáp
- Tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu được giao, các nhiệm vụ, giải pháp tại kế hoạch này trong đó xác định cụ thể mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, tiến độ từng tháng. Giao kế hoạch rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được giao.
- Các doanh nghiệp Viễn thông đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng băng rộng di động chất lượng cao (4G/5G), băng rộng cố định tốc độ cao (Gb/s, Tb/s) trên phạm vi toàn tỉnh, tăng cường phát triển thuê bao băng rộng cố định FTTH tới hộ gia đình; thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ (2G/3G); Đẩy mạnh triển khai các nền tảng, giải pháp số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.
- Kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chỉ tiêu, đề xuất giải pháp, phương án thực hiện bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, tháo gỡ.
7. Các doanh nghiệp in trên địa bàn tỉnh
Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chỉ tiêu được giao về In, xuất bản phẩm của tỉnh, đảm bảo các xuất bản phẩm được cấp phép theo đúng quy định của pháp luật trước khi in.
V. VỀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO
1. Giao Sở Thông tin và Truyền thông là đầu mối theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp có liên quan triển khai nhiệm vụ tại Kế hoạch này và tổng hợp kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 lĩnh vực thông tin và truyền thông báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quý Quý III, 6 tháng, 9 tháng, cả năm.
2. Cục Thống kê định kỳ năm báo cáo kết quả chỉ tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP lồng ghép thành một nội dung trong báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 01/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 qua Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ninh định kỳ hàng quý báo cáo kết quả chỉ tiêu thanh toán điện tử lồng ghép thành một nội dung trong báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 01/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 qua Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo.
4. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, truyền hình cáp, các doanh nghiệp in trên địa bàn tỉnh báo cáo kết quả thực hiện về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh định kỳ hàng quý (trước ngày 10 của tháng cuối quý) báo cáo kết quả
Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để kịp thời tháo gỡ, chỉ đạo, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Báo cáo 102/BC-UBND về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2013 và chương trình công tác trọng tâm 3 tháng cuối năm 2013 do Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Kế hoạch 153/KH-UBND năm 2023 triển khai Nghị quyết 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 3Kế hoạch 1868/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030, giai đoạn I: từ năm 2022 đến năm 2025
- 4Kế hoạch 89/KH-UBND năm 2023 thực hiện nội dung về trợ giúp pháp lý của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025
- 1Kế hoạch 116/KH-UBND năm 2020 về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 2Kế hoạch 97/KH-UBND năm 2022 triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025
- 3Kế hoạch số 59/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- 4Báo cáo 102/BC-UBND về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2013 và chương trình công tác trọng tâm 3 tháng cuối năm 2013 do Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 5Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 do Chính phủ ban hành
- 6Nghị quyết 128/NQ-HĐND năm 2022 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 7Kế hoạch 07/KH-UBND về kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 tỉnh Quảng Ninh
- 8Kế hoạch 153/KH-UBND năm 2023 triển khai Nghị quyết 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 9Kế hoạch 1868/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030, giai đoạn I: từ năm 2022 đến năm 2025
- 10Kế hoạch 89/KH-UBND năm 2023 thực hiện nội dung về trợ giúp pháp lý của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025
- 11Quyết định 3744/QĐ-UBND năm 2022 về danh mục thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cổng dịch vụ công của tỉnh Quảng Ninh
Kế hoạch 82/KH-UBND thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 lĩnh vực Thông tin và Truyền thông do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- Số hiệu: 82/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 22/03/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
- Người ký: Nguyễn Thị Hạnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra