Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1868/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 15 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 16-NQ/TU NGÀY 03/6/2022 CỦA TỈNH ỦY VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2022 ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 03/6/2022 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện giai đoạn I: từ năm 2022 đến năm 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Quán triệt, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 03/6/2022 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2030 (Nghị quyết số 16-NQ/TU).

b) Xác định nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể và giải pháp, lộ trình, phân công trách nhiệm từng sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan đảm bảo thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 16-NQ/TU.

2. Yêu cầu:

a) Các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan xác định các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể gắn với vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình trong việc thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU.

b) Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và định kỳ tổ chức sơ kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (sau đây viết tắt là DTTS) so với bình quân chung của tỉnh; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các DTTS thiểu số gắn với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao và tạo niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào DTTS tối thiểu bằng 70% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh; hằng năm thu hút 3-5% lao động sang làm các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ.

b) Giải quyết cơ bản vấn đề về ổn định dân di cư tự do, thiếu đất ở, đất sản xuất; số hộ được cấp đất ở, nhà ở (hỗ trợ đất ở cho 94 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 276 hộ, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư cho trên 606 hộ tại các địa phương; hỗ trợ đất sản xuất cho 840 hộ, hỗ chuyển đổi nghề cho 3.188 hộ).

c) Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm trên 3,0%/năm.

d) Đầu tư, nâng cấp và mở rộng các tuyến đường đến trung tâm xã, đường giao thông nông thôn; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99,5% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

đ) Các chỉ tiêu phấn đấu đạt từ 95-99,5%, gồm: tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, số hộ sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường, học sinh trong độ tuổi học tiểu học, học sinh trung học cơ sở; tỷ lệ hộ tham gia bảo hiểm y tế và tiêm chủng mở rộng.

e) Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%, hỗ trợ dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng.

g) 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người đồng bào DTTS.

h) Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa, lễ hội truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; từ 70% số thôn trở lên có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

i) Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người đồng bào DTTS, nhất là người đồng bào DTTS tại chỗ; bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người đồng bào DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người đồng bào người DTTS ở từng địa phương theo quy định.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:

1. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt

1.1. Hỗ trợ đất ở:

- Số hộ dự kiến được hỗ trợ: 94 hộ trên địa bàn 12 huyện, thành phố;

- Thời gian hoàn thành: đến hết năm 2024.

1.2. Hỗ trợ nhà ở:

- Số hộ dự kiến được hỗ trợ: 276 hộ trên địa bàn 12 huyện, thành phố.

- Thời gian hoàn thành: đến hết năm 2024.

1.3. Hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề:

a) Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất:

- Thời gian hoàn thành: đến hết năm 2024.

- Số hộ dự kiến được hỗ trợ: 840 hộ (dự kiến 0,5 ha/hộ) trên địa bàn 12 huyện, thành phố.

b) Hỗ trợ chuyển đổi nghề:

- Số hộ dự kiến được hỗ trợ 3.188 hộ trên địa bàn 12 huyện, thành phố. - (bằng tiền mặt).

- Thời gian hoàn thành: đến hết năm 2025.

1.4. Hỗ trợ nước sinh hoạt:

a) Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán:

- Số hộ dự kiến được hỗ trợ: 3.013 hộ trên địa bàn 12 huyện, thành phố.

- Thời gian hoàn thành: đến hết năm 2025.

b) Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung:

- Các đối tượng thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao cư trú tập trung thì được nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung. Trường hợp đã có công trình nước tập trung (đầu tư 10 năm trở lên) nhưng nay đã hư hỏng, không sử dụng được thì được xem xét đầu tư.

- Số công trình dự kiến được đầu tư: 21 công trình/840 hộ thụ hưởng trên địa bàn 11 huyện và thành phố Bảo Lộc.

- Thời gian hoàn thành: đến hết năm 2025.

Phương thức, đối tượng hỗ trợ dự án 1: thực hiện theo Quyết định số 1920/QĐ-UBND ngày 21/10/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025 (Quyết định số 1920/QĐ-UBND); Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết

Ổn định và nâng cao đời sống cho khoảng 606 hộ, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự do; giải quyết sinh kế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh, quốc phòng, gồm:

- Hoàn thiện dự án định canh định cư thôn Suối Thông A2, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương (dự án dở dang); quy mô bố trí ổn định cho 50 hộ.

- Hoàn thiện dự án định canh định cư thôn 6 (thôn 3 cũ), xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên; quy mô ổn định cho 52 hộ (dự án dở dang).

- Hoàn thiện dự án định canh định cư thôn Con Ó, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh; quy mô ổn định cho 100 hộ (dự án dở dang).

- Dự án bố trí, ổn định dân cư còn nhiều khó khăn điểm dân cư K Nớ 5, xã Đưng K Nớ, huyện Lạc Dương; quy mô ổn định cho 87 hộ (dự án chuyển tiếp).

- Dự án bố trí ổn định dân cư thôn 4, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm; quy mô ổn định cho 80 hộ.

- Dự án ổn định dân cư thôn Đạ Xế, xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông; quy mô ổn định cho 100 hộ.

- Dự án bố trí, ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn Tiểu khu 72, xã Đạ Long, huyện Đam Rông; quy mô ổn định cho 50 hộ.

- Mở rộng và hoàn thiện dự án ổn định dân cư thôn Hàng Làng, xã Gung Ré, huyện Di Linh; quy mô ổn định cho 87 hộ.

3. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị

3.1. Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân:

- Hỗ trợ kinh phí quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cho các chủ rừng là ban quản lý rừng; các tổ chức khác được Nhà nước giao rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; UBND cấp xã đang quản lý diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

- Hỗ trợ bảo vệ rừng cho các chủ rừng là tổ chức được Nhà nước giao rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, UBND cấp xã đang quản lý diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

- Hỗ trợ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cho các đối tượng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng.

- Hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng sản xuất.

- Hỗ trợ trồng rừng phòng hộ, đặc dụng.

- Trợ cấp gạo cho hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung, trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ.

3.2. Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:

a) Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị:

Tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ, nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường: thực hiện theo Quyết định số 1920/QĐ-UBND; Nghị quyết số 118/2022/NQ-HĐND ngày 13/10/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định về nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

b) Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:

- Hỗ trợ xây dựng 24 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào DTTS.

- Tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS.

- Tổ chức các hội chợ, triển khai thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS.

4. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS:

4.1. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn:

- Đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn; trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh hoạt cộng đồng; trường, lớp học đạt chuẩn; các công trình thủy lợi nhỏ.

- Mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế xã bảo đảm đạt chuẩn; các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán để phục vụ nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Đề án và quy định của pháp luật; ưu tiên công trình có nhiều hộ nghèo, phụ nữ hưởng lợi.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm kết nối các xã đặc biệt khó khăn trên cùng địa bàn (hệ thống hạ tầng phục vụ giáo dục, y tế; hệ thống cầu, đường giao thông; hạ tầng lưới điện...); xây dựng cầu dân sinh để phục vụ sinh hoạt, tăng cường kết nối, tạo trục động lực phát triển đồng bộ trên cơ sở thúc đẩy liên kết giữa các xã đặc biệt khó khăn nhằm phát huy sức mạnh tiểu vùng giúp phát triển bền vững và góp phần xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS.

- Duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn và công trình cơ sở hạ tầng các xã, thôn đã đầu tư từ Chương trình của giai đoạn trước.

4.2. Đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào DTTS: thực hiện theo Quyết định số 1920/QĐ-UBND, Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

5.1. Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS:

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 8 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, có học sinh bán trú.

- Nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất cho 46 khối phòng/công trình phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh và phòng công vụ giáo viên.

- Nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất/khối phòng/công trình phục vụ học tập; bổ sung, nâng cấp các công trình phụ trợ khác.

- Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số giáo dục phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh đồng bào DTTS.

5.2. Bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS:

- Bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức nhóm đối tượng 2, 3 và 4; lực lượng công an, quân đội công tác, đóng quân trên địa bàn vùng đồng bào DTTS.

- Dạy tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã; lực lượng công an, quân đội công tác, đóng quân trên địa bàn vùng đồng bào DTTS.

5.3. Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS:

- Xây dựng các mô hình đào tạo nghề, đặt hàng đào tạo nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của vùng đồng bào DTTS gắn với giải quyết việc làm và hiệu quả việc làm sau đào tạo.

- Hỗ trợ đào tạo nghề.

- Hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Chuẩn hóa kỹ năng lao động và kết nối hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm. Cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động là người đồng bào DTTS.

- Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào DTTS.

- Tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài; kiểm tra, giám sát đánh giá các nội dung theo mục tiêu của tiểu dự án và đề xuất điều chỉnh trong quá trình thực hiện.

5.4. Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Kế hoạch ở các cấp:

- Xây dựng tài liệu và đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc; ưu tiên các nội dung giới thiệu về cách tiếp cận, phương pháp và các mô hình giảm nghèo thành công.

- Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh cho các đối tượng trực tiếp thực hiện Kế hoạch; tổ chức hội thảo, hội nghị chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương.

- Thực hiện nâng cao năng lực chuyên sâu phù hợp với điều kiện, đặc điểm của các nhóm địa bàn; ưu tiên các xã còn yếu về năng lực làm chủ đầu tư, về thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù; ưu tiên những thôn sẽ trực tiếp thực hiện những dự án, công trình cụ thể; tập trung vào các nội dung còn thiếu, còn yếu của cán bộ cơ sở, đại diện cộng đồng.

- Các nội dung khác theo thực tế triển khai của tỉnh.

6. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch

- Khảo sát, kiểm kê di sản văn hóa cồng chiêng tại 05 huyện: Lạc Dương, Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm và Đạ Tẻh.

- Sưu tầm, xuất bản sách giới thiệu về nghệ nhân ưu tú lĩnh vực văn hóa phi vật thể người K’Ho, Mạ, Churu trên địa bàn tỉnh.

- Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các DTTS K’Ho, Mạ, Churu, Tày, Nùng, Thái.

- Tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương và khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch: Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng; Lễ hội Cúng mừng gặt lúa (Mơ nhum hơ ma) của người Churu; Lễ hội Nhô dồng của người Mạ; Lễ Gùng làng của người K’Ho Srê;

- Tổ chức 50 lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, đàn tính, hát then, múa xoang, kỹ năng hướng dẫn và phục vụ du lịch cho các dân tộc: Mạ, K’ho, Churu, Tày, Nùng, H’Mông.

- Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian (các đội văn nghệ, đội, nhóm Cồng chiêng, hát Then, đàn tính) tại các thôn vùng đồng bào DTTS, vùng di dân tái định cư.

- Hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống (trang phục và các loại nhạc cụ như cồng chiêng, kèn, trống, đàn, bộ gõ,...) tại các thôn vùng đồng bào DTTS.

- Hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS tại các huyện: Lạc Dương (thôn Đưng K’si, xã Đạ Chai), Di Linh (xã Bảo Thuận), Đức Trọng (thôn Đarahoa, xã Hiệp An), Bảo Lâm (xã Lộc Bắc), Cát Tiên (xã Phước Cát).

- Hỗ trợ xây dựng cảnh quan vào làng nghề truyền thống: làng truyền thống của người dân tộc Churu (xã Pró, huyện Đơn Dương), đầu tư bảo tồn làng truyền thống (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh), làng dệt thổ cẩm và sản xuất cà phê K’Ho (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương), Làng Gà - dệt thổ Cẩm (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng).

- Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

7. Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

7.1. Chương trình chăm sóc 1.000 ngày đầu đời của trẻ em đồng bào DTTS:

- Thông tin, truyền thông và vận động thay đổi hành vi về chăm sóc, dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho đồng bào DTTS.

- Thực hiện chăm sóc sức khỏe và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi; định kỳ theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ.

- Tập huấn cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, đội ngũ y tế thôn bản về chăm sóc sức khỏe và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; hướng dẫn ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi; theo dõi tăng trưởng và phát triển trẻ em dưới 2 tuổi.

- Xây dựng mô hình triển khai thí điểm tại 02 xã khó khăn trên địa bàn huyện Đam Rông và Lạc Dương.

7.2. Chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên, thanh niên vùng DTTS:

- Tăng thời lượng truyền thông vận động về tầm quan trọng của sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục (SKTD) đối với vị thành niên, thanh niên cho các cấp lãnh đạo, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan/phương tiện thông tin đại chúng để cải tiến phương pháp, nội dung truyền thông về sự cần thiết và nhu cầu chăm sóc SKSS, SKTD cho vị thành niên, thanh niên.

- Truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức, thái độ, thay đổi hành vi.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho vị thành niên, thanh niên vùng đồng bào DTTS.

- Nâng cao năng lực chuyên môn SKSS, SKTD của vị thanh niên, thanh niên cho y tế các tuyến vùng đồng bào DTTS.

8. Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

8.1 Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em:

- Xây dựng các nhóm truyền thông tiên phong thay đổi trong cộng đồng.

- Thực hiện các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

- Tổ chức hội thi/liên hoan các mô hình sáng tạo và hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ và trẻ em.

- Triển khai 04 gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em.

8.2. Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em:

- Phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội tạo thu nhập và lồng ghép giới.

- Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS.

- Thí điểm và nhân rộng mô hình địa chỉ an toàn hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình.

- Thí điểm và nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người.

8.3. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị:

- Đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong các vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương.

- Đảm bảo tiếng nói và vai trò của trẻ em gái trong phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng thông qua mô hình Câu lạc bộ “thủ lĩnh của sự thay đổi”.

- Công tác giám sát và đánh giá về thực hiện bình đẳng giới trong thực hiện Kế hoạch.

- Nâng cao năng lực của phụ nữ DTTS tham gia ứng cử, vận động bầu cử vào các cơ quan dân cử.

8.4. Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng:

- Xây dựng chương trình phát triển năng lực thực hiện bình đẳng giới.

- Xây dựng đội ngũ giảng viên ToT về lồng ghép giới.

- Thực hiện các hoạt động phát triển năng lực cho các cấp.

- Đánh giá kết quả hoạt động phát triển năng lực.

9. Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS

9.1. Công tác truyền thông: Biên soạn, cung cấp tài liệu, tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình; tổ chức các hội nghị lồng ghép, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, nhằm tuyên truyền hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù và trong vùng đồng bào DTTS; tổ chức các hội thi tìm hiểu về pháp luật về hôn nhân, về kết hôn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

9.2. Tư vấn, can thiệp lồng ghép với các chương trình, dự án, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất có liên quan trong lĩnh vực hôn nhân nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

9.3. Duy trì và triển khai mô hình tại các xã/huyện/trường có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao; nhân rộng các mô hình phù hợp nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

9.4. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc tham gia thực hiện.

9.5. Kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện mô hình, dự án và thực hiện các chính sách.

10. Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Kế hoạch

10.1. Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào, phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

a) Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín.

- Xây dựng, phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn, quản lý, sử dụng lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cung cấp tài liệu, thông tin, gặp mặt, tọa đàm, hoạt động giao lưu, học tập kinh nghiệm, trang bị phương tiện nghe nhìn phù hợp cho lực lượng cốt cán, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS.

- Hỗ trợ, kịp thời động viên và có biện pháp bảo vệ phù hợp trong công tác vận động, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

- Biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS.

- Xây dựng, triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá hoạt động biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS.

b) Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS:

- Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền gồm các hoạt động: Tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo, hội thi, chuyên đề, xây dựng mô hình điểm, câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS; xây dựng chuyên trang, chuyên mục đặc thù (bằng tiếng phổ thông và tiếng DTTS), tiểu phẩm, câu chuyện pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn, phát hành tài liệu bằng chữ phổ thông hoặc song ngữ chữ phổ thông và chữ DTTS.

- Thực hiện việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện thông tin đối ngoại vùng đồng bào DTTS theo Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và nâng cao năng lực công tác thông tin tuyên truyền và thông tin đối ngoại góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

- Tuyên truyền, truyền thông, vận động nhân dân vùng đồng bào DTTS tham gia tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030.

10.2. Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS.

a) Đầu tư trang thiết bị cho phòng họp trực tuyến để tổ chức thực hiện các hoạt động hội nghị, buổi làm việc trực tuyến của Ban Chỉ đạo tỉnh và cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo tỉnh liên quan đến công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; triển khai thực hiện nâng cấp hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc.

b) Cung cấp dịch vụ thông tin công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gồm:

Phát hành xuất bản phẩm, báo chí trên cơ sở hợp tác với các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành.

Thiết lập, cung cấp dịch vụ phục vụ truy nhập internet băng rộng miễn phí.

Đầu tư trang bị thiết bị công nghệ thông tin tại các điểm phục vụ: máy vi tính, bộ phát sóng wifi.

c) Thiết lập mới, nâng cấp trạm truyền thanh xã:

- Thực hiện đầu tư trạm truyền thanh xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông đối với các xã chưa có trạm truyền thanh hoặc đã có trạm truyền thanh có dây/không dây FM nhưng đã hết thời hạn sử dụng và đã hư hỏng.

- Nâng cấp, mở rộng trạm truyền thanh xã: Đối với các xã đã có trạm truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông nhưng chưa đảm bảo cho người dân tất cả các thôn được nghe truyền thanh.

d) Hỗ trợ tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử:

- Hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số.

- Thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thông qua sàn thương mại điện tử và các kênh phân phối; thông tin thời tiết, mùa vụ, vật tư nông nghiệp.

- Cung cấp thông tin các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào có thương hiệu, đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhu cầu của hộ sản xuất nông nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

10.3. Kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn tổ chức thực hiện Kế hoạch:

- Nâng cao năng lực giám sát, đánh giá cho các địa phương (gồm cả cơ quan chủ trì và các sở, ban, ngành tham gia tổ chức thực hiện Kế hoạch).

- Tuyên truyền, biểu dương, thi đua, khen thưởng gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Kế hoạch.

- Tổ chức giám sát đầu tư của cộng đồng, huy động người dân tham gia giám sát cộng đồng; tổ chức giám sát, phản biện xã hội đối với các chính sách của Kế hoạch.

- Tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch ở cấp tỉnh và các cấp địa phương theo Thông tư số 01/2022/TT-UBDT ngày 26/5/2022 của Ủy ban dân tộc quy định quy trình giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Thông tư số 01/2022/TT-UBDT); Kế hoạch tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 1999/QĐ-UBND ngày 02/11/2022 của UBND tỉnh).

(Chi tiết các nhiệm vụ cụ thể tại Phụ lục đính kèm).

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Dự kiến kinh phí thực hiện: 1.734.713 triệu đồng

a) Kinh phí từ ngân sách: 1.264.846 triệu đồng

- Vốn sự nghiệp: 630.904 triệu đồng (ngân sách Trung ương 548.609 triệu đồng; ngân sách địa phương 82.295 triệu đồng).

- Vốn đầu tư phát triển: 633.942 triệu đồng (ngân sách Trung ương 551.254 triệu đồng; ngân sách địa phương 82.688 triệu đồng).

(Nguồn vốn phân bổ cho từng nội dung thực hiện theo Quyết định 1920/QĐ-UBND ngày 21/10/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2022 - 2025).

b) Vốn tín dụng chính sách: 452.319 triệu đồng.

c) Vốn huy động khác: 17.548 triệu đồng (dự kiến huy động, đóng góp của nhân dân, các tổ chức, cá nhân,..).

2. Lồng ghép nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh và bền vững để thực hiện Kế hoạch bảo đảm hiệu quả.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc tỉnh:

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2025 theo kế hoạch này.

b) Tham mưu xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện kế hoạch này trong giai đoạn 5 năm và hàng năm (bao gồm các nội dung hỗ trợ; kế hoạch về nguồn vốn, mục tiêu, nhiệm vụ gửi tổ chức thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung hỗ trợ thành phần của Chương trình, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan) đảm bảo kịp thời theo quy định.

c) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch và các dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đề xuất các chính sách đặc thù của địa phương để hỗ trợ cho đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh.

d) Theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, việc triển khai thực hiện; định kỳ 6 tháng, hàng năm (hoặc đột xuất khi có yêu cầu) tổng hợp tham mưu UBND tỉnh và các chủ Chương trình MTQG theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-UBDT.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, các cơ quan liên quan, UBND các địa phương tham mưu UBND tỉnh: tổng hợp nhu cầu, dự kiến phân bổ kinh phí, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể thực hiện kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

3. Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc và các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí Trung ương bổ sung có mục tiêu, nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp, phù hợp khả năng cân đối ngân sách tỉnh và đảm bảo theo quy định hiện hành.

4. Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan: Chủ động phối hợp triển khai thực hiện theo nội dung kế hoạch; đề xuất giải pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu các nội dung do đơn vị phụ trách; hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

5. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Lâm Đồng: chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan trong công tác kiểm tra, thanh tra việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thực hiện Chương trình trên địa bàn theo quy định.

6. UBND các huyện, thành phố:

a) Tổ chức quán triệt đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện của Kế hoạch; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội và nhân dân trên địa bàn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.

b) Chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng theo hướng dẫn của Trung ương và của các sở, ban, ngành có liên quan; xây dựng danh mục đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của địa phương và cụ thể hóa kế hoạch hàng năm, đảm bảo đúng yêu cầu, quy định của Luật Đầu tư công và các quy định có liên quan.

c) Cụ thể hoá các cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn tại địa phương để hỗ trợ, đầu tư cho vùng DTTS trên địa bàn; đồng thời, chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách huyện, lồng ghép với nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn huy động hợp pháp khác để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả cao.

d) Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ giám sát, đánh giá, báo cáo kết quả theo Thông tư số 01/2022/TT-UBDT và Quyết định số 1999/QĐ-UBND ngày 02/11/2022 của UBND tỉnh.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên: phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên nhất là đồng bào DTTS phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, ý thức tự lực tự cường; thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; chú trọng sơ kết, tổng kết, nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, các mô hình sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo có hiệu quả trong đồng bào dân tộc; tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch và các chính sách dân tộc tại địa phương.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc; đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Ban Dân tộc) để được xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Đài PT-TH, Báo Lâm Đồng;
- LĐVP;
- Lưu VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Hiệp

 

PHỤ LỤC:

TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NQ 16-NQ/TU NGÀY 03/6/2022 CỦA TỈNH ỦY
(Kèm theo Kế hoạch số: 1868/KH-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

TT

Nội dung

Sản phẩm

Phân công

Thời gian thực hiện

Chủ trì

Phối hợp

I

Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt

 

 

 

 

1

Hỗ trợ đất ở:

94 hộ được hỗ trợ

UBND các huyện, thành phố

Các Sở, ngành liên quan

Hoàn thành trong năm 2024

1.1

Hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung, tiểu dự án, dự án theo thẩm quyền

Văn bản hướng dẫn của Ban Dân tộc

Ban Dân tộc

Các Sở, ngành liên quan

Hoàn thành trong Quý I/2023

1.2

Hướng dẫn nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất

Văn bản hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành liên quan

Hoàn thành trong Quý I/2023

2

Nhà ở

276 căn nhà

UBND các huyện, thành phố

Các Sở ngành liên quan

Hoàn thành trong năm 2024

2.1

Hướng dẫn về hỗ trợ nhà ở, thiết kế mẫu cho các địa phương đảm bảo phù hợp với văn hóa truyền thống của từng dân tộc.

Văn bản của Sở Xây dựng

Sở Xây dựng

Các Sở ngành liên quan

Hoàn thành trong Quý I/2023

3

Hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề

840 hộ

UBND các huyện, thành phố

Các Sở ngành liên quan

Hoàn thành trong năm 2024

3.1

Quy định hạn mức bình quân giao đất ở, sản xuất nông nghiệp cho hộ DTTS thiếu đất (thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-UBND ngày 19/9/2014 của UBND tỉnh).

Quyết định của UBND tỉnh

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành liên quan

Hoàn thành trong Quý I/2023

4

Hỗ trợ nước sinh hoạt

Công trình và vật dụng liên quan

UBND các huyện, thành phố

Các Sở, ngành liên quan

Hoàn thành trong năm 2025

4.1

Nước sinh hoạt phân tán

3.013 hộ

UBND các huyện, thành phố

Các Sở, ngành liên quan

Hoàn thành trong năm 2025

4.2

Nước sinh hoạt tập trung

21 công trình/840 hộ

UBND các huyện, thành phố

Các Sở, ngành liên quan

Hoàn thành trong năm 2025

II

Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết

Ổn định và nâng cao đời sống cho khoảng 606 hộ ở 08 điểm ĐCĐC

UBND các huyện, thành phố

Các Sở, ngành liên quan

Hoàn thành trong năm 2025

1

Hướng dẫn tổ chức thực hiện

Văn bản hướng dẫn

Ban Dân tộc Sở NN&PTNT

Các Sở, ngành liên quan

Hoàn thành trong Quý I/2023

III

Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị

 

 

 

 

1

Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân:

Tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng.

Sở NN&PTNT. UBND các huyện, thành phố

Các Sở, ngành liên quan

Hoàn thành trong năm 2025

2

Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ, nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường

Sở NN&PTNT

Ngân hàng CSXH; Các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố.

Hoàn thành trong năm 2025

3

Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

24 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào DTTS.

Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố

Các Sở, ngành liên quan

Hoàn thành trong năm 2025

IV

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS

Nâng cao cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn.

Sở Công Thương, ban Dân tộc, UBND các huyện, thành phố

Các Sở, ngành liên quan

Hoàn thành trong năm 2025

V

Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

 

 

 

 

1

Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS

Thực hiện hoàn thành 4 nội dung tại tiết 5.1 Mục 5 Phần III của Kế hoạch.

Sở GD&ĐT

Ban dân tộc; UBND các huyện, thành phố.

Hoàn thành trong năm 2025

2

Bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS

100% đối tượng quy định được bồi dưỡng kiến thức dân tộc và được dạy tiếng dân tộc.

Sở Nội vụ; Ban Dân tộc; Sở GD&ĐT.

UBND các huyện, thành phố; Các Sở, ngành liên quan

Hoàn thành trong năm 2025

3

Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS:

Cơ bản thực hiện hoàn thành 6 nội dung tại tiết 5.3 Mục 5 Phần III của Kế hoạch.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

UBND các huyện, thành phố; Các Sở, ngành liên quan.

Hoàn thành trong năm 2025

4

Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Kế hoạch ở các cấp

100% đối tượng liên quan theo quy định được đào tạo

Ban Dân tộc

Các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố

Hoàn thành trong năm 2025

VI

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch

Hoàn thành 10 nội dung trong mục 4 Phần III của kế hoạch.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

Các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố

Hoàn thành trong năm 2025

VII

Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

- 100% trẻ em đồng bào DTTS được chăm sóc tốt 1.000 ngày đầu đời theo quy định.

- 100% trẻ vị thành niên, thanh niên vùng DTTS được chăm sóc SKSS.

Sở Y tế

Các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố

Hoàn thành trong năm 2025

VIII

Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

Hoàn thành 03 nội dung trong mục 8 Phần III của kế hoạch.

Hội LHPNVN tỉnh

Các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố

Hoàn thành trong năm 2025

IX

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS

Hoàn thành 05 nội dung trong mục 9 Phần III của kế hoạch.

Ban Dân tộc

Các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố

Hoàn thành trong năm 2025

X

Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS; Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Kế hoạch

 

 

 

 

1

Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào, phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch

 

 

 

Thực hiện từ năm 2023

1.1

Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín.

Hoàn thành 05 nội dung trong tiết 10.1 mục 10 Phần III của kế hoạch.

Ban Dân tộc

Các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố

1.2

Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS

Hoàn thành 03 nội dung trong tiết 10.1 mục 10 Phần III của kế hoạch (trừ thực hiện nội dung thông tin đối ngoại vùng đồng bào DTTS).

Ban Dân tộc

Các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố

Hướng dẫn tổ chức thực hiện nội dung thông tin đối ngoại vùng đồng bào DTTS

Văn bản hướng dẫn

Sở Thông tin truyền thông

 

Hoàn thành trong Quý I/2023

2

Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS

Thực hiện 04 nội dung trong tiết 10.2 mục 10 Phần III của kế hoạch

Ban Dân tộc

Các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố

Hoàn thành trong năm 2025

Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin tại xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự.

Thiết lập các điểm hỗ trợ tại các xã

Sở Thông tin truyền thông

3

Kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn tổ chức thực hiện Kế hoạch:

Thực hiện 04 nội dung trong tiết 10.3 mục 10 Phần III của kế hoạch

Ban Dân tộc

Các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố.

Thực hiện từ năm 2023

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1868/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030, giai đoạn I: từ năm 2022 đến năm 2025

  • Số hiệu: 1868/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 15/03/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Trần Văn Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/03/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản