Hệ thống pháp luật

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 80/KH-UBTVQH15

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NĂM 2022

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 ngày 11/01/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội1, Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Nghị quyết số 266/2021/UBTVQH15 ngày 05/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tạo sự thống nhất và chủ động của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

- Làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện các yêu cầu trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.

- Góp phần tiếp tục đổi mới, tạo dấu ấn, lan tỏa cảm hứng hành động, sáng tạo, chuyên sâu trong hoạt động giám sát; giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và kiến nghị, đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước.

2. Yêu cầu

- Bám sát chủ trương của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, yêu cầu, nhiệm vụ của Quốc hội trong tình hình mới:

- Tập trung nguồn lực, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phối hợp chặt chẽ, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Quá trình triển khai cần cương quyết giảm thiểu các thủ tục hành chính, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.

II. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

1. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội

1.1. Ủy ban Kinh tế

- Chủ trì tham mưu Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức triển khai các hoạt động; xây dựng báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 4/2022 trước khi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

- Chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 5/2022 và hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp 3.

- Chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10/2022 và hoàn thiện các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

1.2. Ủy ban Tài chính, Ngân sách

- Chủ trì tham mưu Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức triển khai các hoạt động; xây dựng báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 8/2022 trước khi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

- Chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về: công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2022; báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 5/2022; hoàn thiện các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

- Chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10/2022 và hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

1.3. Ủy ban Pháp luật

- Chủ trì tham mưu Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức triển khai các hoạt động; xây dựng báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021” và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2022.

- Chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về: tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2022 và hoàn thiện các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

1.4. Ủy ban Tư pháp

Chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác năm 2022, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2022 và hoàn thiện các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

1.5. Ủy ban Xã hội

- Chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các biện pháp cấp bách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

- Chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về: việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; tình hình quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; tình hình thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội trong năm 2021 và 2022 về phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các biện pháp cấp bách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2022 và hoàn thiện các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

1.6. Các hoạt động giám sát khác

Ngoài các nội dung được giao cụ thể cho các cơ quan nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện một số nội dung khác như sau:

- Về giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nâng cao trách nhiệm trong việc tham gia ý kiến về những nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách đối với các chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tạo điều kiện để đại diện cơ quan là ủy viên Đoàn giám sát tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn giám sát và thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Đoàn giám sát.

- Về Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội: Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia ý kiến về các nội dung của dự thảo Đề án, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Tạo điều kiện để đại diện cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo Đề án tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Ban, bảo đảm mục đích, yêu cầu, chất lượng và tiến độ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua Đề án.

- Về giám sát văn bản quy phạm pháp luật: Tăng cường giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách, trong đó, tập trung giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, gửi Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp chung để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2022 (có kế hoạch riêng).

- Về kiến nghị giám sát: Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát; tổng hợp các kiến nghị giám sát thuộc lĩnh vực phụ trách chưa được các cơ quan thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt yêu cầu, gửi Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội2 (nếu có).

- Về giám sát thực hiện các nghị quyết do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành: Chủ động thường xuyên rà soát, theo dõi, giám sát việc thực hiện các nghị quyết do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thuộc lĩnh vực phụ trách để kịp thời báo cáo, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả.

- Về hoạt động giải trình: Tăng cường tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề nổi cộm, dư luận bức xúc thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo quy định của pháp luật3, nhất là những nội dung liên quan đến các chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Về thẩm tra các báo cáo: Nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội; chủ động và tăng cường công tác phối hợp thẩm tra đối với các nội dung thuộc lĩnh vực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phụ trách. Xây dựng báo cáo kết quả công tác của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban năm 2022 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 44.

- Về báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát:

Chậm nhất là ngày 25 hàng tháng, gửi báo cáo về kết quả hoạt động giám sát trong tháng kèm theo tập hợp các kiến nghị giám sát (nếu có) đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chậm nhất là ngày 30/01/2023, gửi báo cáo về kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2022 đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Tổng Thư ký Quốc hội) để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.

2. Các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

2.1. Ban Công tác đại biểu

- Chủ trì tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia ý kiến về các nội dung thuộc trách nhiệm của Ban cũng như các nội dung khác thuộc phạm vi Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội; tạo điều kiện để đại diện cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo Đề án tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Ban, bảo đảm mục đích, yêu cầu, chất lượng và tiến độ.

- Chậm nhất là ngày 25 hàng tháng, gửi báo cáo về kết quả hoạt động tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát trong tháng kèm theo tập hợp các kiến nghị giám sát (nếu có) đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Chậm nhất là ngày 30/01/2023, gửi báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Tổng Thư ký Quốc hội) để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.

2.2. Ban Dân nguyện

- Chủ trì tham mưu Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức triển khai các hoạt động; xây dựng báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, to từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề để trình ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2022.

- Chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, cho ý kiến tại phiên họp tháng 5/2022 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, cho ý kiến tại phiên họp tháng 10/2022 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

- Chủ trì tổng hợp, xây dựng Báo cáo về công tác dân nguyện hàng tháng theo quy định để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổng hợp kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thương vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 10/2022 và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

- Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia ý kiến về các nội dung thuộc trách nhiệm của Ban cũng như các nội dung khác thuộc phạm vi Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội; tạo điều kiện để đại diện cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo Đề án tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Ban, bảo đảm mục đích, yêu cầu, chất lượng và tiến độ.

- Chậm nhất là ngày 25 hàng tháng, gửi báo cáo về kết quả hoạt động tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát trong tháng kèm theo tập hợp các kiến nghị giám sát (nếu có) đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Chậm nhất là ngày 30/01/2023, gửi báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Tổng Thư ký Quốc hội) để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.

3. Tổng Thư ký Quốc hội

- Chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng chương trình, kế hoạch trong quá trình triển khai các đoàn công tác.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 và kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; tại các phiên họp tháng 3 và tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Phối hợp với Tổ biên tập giúp Ban Chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 01 và tháng 04/2022 trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3.

- Chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch và tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2022.

- Chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng báo cáo công tác năm 2022 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 45.

- Giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều hòa việc triển khai thực hiện kế hoạch giám sát năm 2022 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2022 của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

- Chủ trì tập hợp, tổng hợp và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có); xây dựng Báo cáo về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 (nếu có).

4. Văn phòng Quốc hội

- Chủ trì, phối hợp tổ chức phục vụ và công tác bảo đảm các hoạt động của Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng Kế hoạch và yêu cầu của Đoàn giám sát.

- Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính, hậu cần phục vụ hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban theo quy định.

5. Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố

- Tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương, gửi báo cáo đến Đoàn giám sát và chịu trách nhiệm trước Đoàn giám sát về kết quả giám sát (theo Kế hoạch cụ thể của từng Đoàn giám sát); cử đại diện tham gia phục vụ Đoàn giám sát trong trường hợp Đoàn tổ chức giám sát, làm việc tại địa phương.

- Tổ chức giám sát những vấn đề nổi cộm, dư luận bức xúc tại địa phương thuộc phạm vi thẩm quyền giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội; tổng hợp, phân loại, giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị giám sát không được các cơ quan thực hiện để gửi đến các cơ quan liên quan theo quy định (nếu có).

- Chậm nhất là ngày 30/01/2023, gửi báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Tổng Thư ký Quốc hội) để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.

6. Các vị đại biểu Quốc hội

- Chủ động nghiên cứu, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, việc thi hành pháp luật tại địa phương; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; khảo sát, nắm chắc tình hình thực tế để tích cực tham gia thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội.

- Tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà mình là thành viên hoặc được Đoàn đại biểu Quốc hội cử tham gia.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động chất vấn, bảo đảm nội dung chất vấn chính xác, khách quan, đi thẳng vào vấn đề; tích cực tranh luận đến cùng những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng.

- Tăng cường hoạt động giám sát của cá nhân đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật; tích cực, chủ động trong việc nêu kiến nghị giám sát để gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan

- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm báo cáo, phối hợp, cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết về nội dung giám sát và tham gia các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội khi có yêu cầu.

- Thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị và báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện.

8. Các cơ quan chịu sự giám sát

- Hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát.

- Báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của chủ thể giám sát.

- Thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội theo quy định.

*

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan chịu sự giám sát, các cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương căn cứ Kế hoạch này để thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTVQH;
- Chính phủ;
- Ủy ban TW MTTQVN;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- TANDTC; VKSNDTC; KTNN;
- HĐDT, UB của QH; cơ quan thuộc UBTVQH;
- VPTWĐ, VPCTN, VPQH, VPCP;
- Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND các tỉnh, TPTTTƯ;
- Các vụ, đơn vị của VPQH;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố:
- VP UBND các tỉnh, thành phố;
- Lưu: HC, GS.
E-pas: 83882

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Quang Phương

 



1 Nghị quyết ban hành kèm theo Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội

2 Thực hiện theo quy định của Điều 20 và Điều 33 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

3 Thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

4 Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

5 Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 80/KH-UBTVQH15 năm 2021 triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022

  • Số hiệu: 80/KH-UBTVQH15
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/11/2021
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Người ký: Trần Quang Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/11/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản