Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN THƯỜNG VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 248/KH-UBTVQH15 | Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NĂM 2023
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 ngày 11/01/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội1, Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 06/6/2022 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 ngày 04/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 và tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tạo sự thống nhất và chủ động của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.
- Làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện các yêu cầu trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.
2. Yêu cầu
- Bám sát chủ trương của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và yêu cầu, nhiệm vụ của Quốc hội trong tình hình mới.
- Tập trung nguồn lực, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phối hợp chặt chẽ, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Quá trình triển khai cần bảo đảm tổ chức các đoàn công tác gọn, đủ năng lực làm việc; cương quyết giảm thiểu các thủ tục hành chính, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.
II. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
1. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội
1.1. Hội đồng Dân tộc
- Chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” trong tổ chức triển khai các hoạt động; chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội và các cơ quan khác của Quốc hội trong việc tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2023 trước khi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
- Chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện việc phân định miền núi, vùng cao để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2023
- Chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10/2023 và hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
1.2. Ủy ban Kinh tế
- Chủ trì, phối hợp tham mưu giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về nội dung giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2023 trước khi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
- Chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 5/2023 và hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
- Chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về: đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; tình hình thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 44/2022/QH15; tình hình thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 và Nghị quyết số 95/2019/QH14; tình hình thực hiện 05 dự án được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 32; tình hình triển khai công tác quy hoạch và kết quả thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10/2023 và hoàn thiện các báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
1.3. Ủy ban Tài chính, Ngân sách
- Chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” trong tổ chức triển khai các hoạt động; chủ trì, phối hợp với Ủy ban Xã hội và các cơ quan khác của Quốc hội trong việc tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 4/2023 trước khi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
- Chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về: tài chính nhà nước năm 2021, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2023; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 5/2023; hoàn thiện các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
- Chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về: đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024; tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10/2023 và hoàn thiện các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
1.4. Ủy ban Pháp luật
Chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về: việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2023 và hoàn thiện các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
1.5. Ủy ban Tư pháp
Chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng (căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Tư pháp tiến hành thẩm tra nội dung về tiêu cực được lồng ghép trong Báo cáo hàng năm của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng), công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác năm 2023, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2023 và hoàn thiện các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
1.6. Ủy ban Xã hội
- Chủ trì, phối hợp tham mưu giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; phối hợp tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 4/2023 trước khi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
- Chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về nội dung giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2023 trước khi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
- Chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về: việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; kết quả hoạt động và việc quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá 2 năm 2021 và năm 2022; kết quả 2 năm (2022, 2023) thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2022; tình hình thực hiện quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2022 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2023; kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10/2023; hoàn thiện các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
1.7. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục
Chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” trong tổ chức triển khai các hoạt động; xây dựng các dự thảo báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và Nghị quyết giám sát chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2023.
1.8. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” để tổ chức triển khai các hoạt động; xây dựng các dự thảo báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và Nghị quyết giám sát chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2023.
1.9. Các hoạt động giám sát khác
Ngoài các nội dung được giao cụ thể cho các cơ quan nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện một số nội dung khác như sau:
- Về giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chủ động nghiên cứu đề xuất đổi mới phương thức, tổ chức thực hiện giám sát bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, phù hợp với tình hình thực tế; tập trung nguồn lực, nâng cao trách nhiệm trong việc tham gia ý kiến về những nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách đối với các chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tạo điều kiện để đại diện cơ quan là Ủy viên Đoàn giám sát tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn giám sát và thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Đoàn giám sát.
- Về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4: Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, gửi về Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2023 trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (có kế hoạch riêng).
- Về giám sát văn bản quy phạm pháp luật: Tăng cường giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách, trong đó, tập trung giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, gửi Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2023 theo đúng quy định.
- Về kiến nghị giám sát: Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát; tổng hợp các kiến nghị giám sát thuộc lĩnh vực phụ trách chưa được các cơ quan thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt yêu cầu, gửi Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội3 (nếu có).
- Về giám sát thực hiện các nghị quyết do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành: Chủ động thường xuyên rà soát, theo dõi, giám sát việc thực hiện các nghị quyết do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thuộc lĩnh vực phụ trách để kịp thời báo cáo, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả.
- Về hoạt động giải trình: Tăng cường tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề nổi cộm, dư luận bức xúc thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo quy định của pháp luật4. Xây dựng kế hoạch hoạt động giải trình 06 tháng và gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện việc điều hòa5.
- Về thẩm tra các báo cáo: Nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội; chủ động và tăng cường công tác phối hợp thẩm tra đối với các nội dung thuộc lĩnh vực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phụ trách.
- Xây dựng báo cáo kết quả công tác của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban năm 2023 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 66.
- Về báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát:
Chậm nhất là ngày 25 hàng tháng, gửi báo cáo về kết quả hoạt động giám sát trong tháng đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chậm nhất là ngày 30/01/2024, gửi báo cáo về kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2023 đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Tổng Thư ký Quốc hội) để tổng hợp, báo cáo Quốc hội, làm cơ sở dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
2. Các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
2.1. Ban Công tác đại biểu
- Chủ trì tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai chuẩn bị công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; xem xét báo cáo hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2023.
- Chậm nhất là ngày 25 hàng tháng, gửi báo cáo về kết quả hoạt động tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát trong tháng kèm theo tập hợp các kiến nghị giám sát (nếu có) đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Chậm nhất là ngày 30/01/2024, gửi báo cáo về kết quả hoạt động tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Tổng Thư ký Quốc hội) để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.
2.2. Ban Dân nguyện
- Chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, cho ý kiến tại phiên họp tháng 5/2023 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, cho ý kiến tại phiên họp tháng 10/2023 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
- Chủ trì tổng hợp, xây dựng Báo cáo về công tác dân nguyện hàng tháng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổng hợp kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 10/2023 và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
- Chậm nhất là ngày 25 hàng tháng, gửi báo cáo về kết quả giám sát trong tháng kèm theo tập hợp các kiến nghị giám sát (nếu có) đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Chậm nhất là ngày 30/01/2024, gửi báo cáo về kết quả hoạt động tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Tổng Thư ký Quốc hội) để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.
3. Tổng Thư ký Quốc hội
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, thứ 6 của Quốc hội; tại các phiên họp tháng 3 và tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2023.
- Tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
- Chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng báo cáo, công tác năm 2023 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 67.
- Giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều hòa việc triển khai thực hiện kế hoạch giám sát năm 2023 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2023 của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
- Chủ trì tập hợp, tổng hợp và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có); xây dựng Báo cáo về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6 (nếu có).
- Căn cứ tình hình thực tế, chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng và tổ chức hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.
4. Văn phòng Quốc hội
- Chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng chương trình, kế hoạch trong quá trình triển khai các đoàn công tác; chủ trì, phối hợp tổ chức phục vụ và công tác bảo đảm các hoạt động của Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng Kế hoạch và yêu cầu của Đoàn giám sát.
- Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính, hậu cần phục vụ hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban theo quy định.
5. Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố
- Tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương, gửi báo cáo đến Đoàn giám sát và chịu trách nhiệm bước đầu trước Đoàn giám sát về kết quả giám sát (theo Kế hoạch cụ thể của từng Đoàn giám sát); cử đại diện làm việc và tham gia phục vụ Đoàn giám sát trong trường hợp Đoàn tổ chức giám sát, làm việc tại địa phương.
- Tổ chức giám sát những vấn đề nổi cộm, dư luận bức xúc tại địa phương thuộc phạm vi thẩm quyền giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát; tổng hợp, phân loại, giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị giám sát không được các cơ quan thực hiện để gửi đến các cơ quan liên quan theo quy định (nếu có).
- Chậm nhất là ngày 30/01/2024, gửi báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Tổng Thư ký Quốc hội) để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.
6. Các vị đại biểu Quốc hội
- Chủ động nghiên cứu, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, việc thi hành pháp luật tại địa phương; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; khảo sát, nắm chắc tình hình thực tế để tích cực tham gia thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội.
- Tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà mình là thành viên hoặc được Đoàn đại biểu Quốc hội cử tham gia.
- Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động chất vấn, bảo đảm nội dung chất vấn chính xác, khách quan, đi thẳng vào vấn đề; tích cực tranh luận đến cùng những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng.
- Tăng cường hoạt động giám sát của cá nhân đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật; tích cực, chủ động trong việc nêu kiến nghị giám sát để gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
7. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm báo cáo, phối hợp, cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết về nội dung giám sát và tham gia các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội khi có yêu cầu.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị và báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện.
8. Các cơ quan chịu sự giám sát
- Hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát.
- Báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của chủ thể giám sát.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan chịu sự giám sát, các cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương căn cứ Kế hoạch này để thực hiện./.
| TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |
1 Nghị quyết ban hành kèm theo Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội.
2 Các dự án gồm: (1) Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; (2) Đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; (3) Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; (4) Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; (5) Đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
3 Thực hiện theo quy định của Điều 20 và Điều 33 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
4 Thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
5 Theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Quy chế Tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội.
6 Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
7 Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội về Hội đồng nhân dân.
- 1Nghị quyết 09/2021/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 do Quốc hội ban hành
- 2Kế hoạch 80/KH-UBTVQH15 năm 2021 triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022
- 3Công văn 99/UBTVQH15-GS năm 2021 triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022
- 4Nghị quyết 90/2023/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024
- 1Hiến pháp 2013
- 2Nghị quyết 68/2013/QH13 đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân do Quốc hội ban hành
- 3Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Quốc hội ban hành
- 4Nghị quyết 94/2015/QH13 về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành do Quốc hội ban hành
- 5Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015
- 6Nghị quyết 334/2017/UBTVQH14 về Quy chế tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành
- 7Nghị quyết 51/2017/QH14 về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Quốc hội ban hành
- 8Nghị quyết 95/2019/QH14 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do Quốc hội ban hành
- 9Nghị quyết 09/2021/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 do Quốc hội ban hành
- 10Kế hoạch 80/KH-UBTVQH15 năm 2021 triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022
- 11Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành
- 12Nghị quyết 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 do Quốc hội ban hành
- 13Công văn 99/UBTVQH15-GS năm 2021 triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022
- 14Nghị quyết 47/2022/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023
- 15Nghị quyết 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 do Quốc hội ban hành
- 16Nghị quyết 23/2022/UBTVQH15 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023
- 17Nghị quyết 90/2023/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024
Kế hoạch 248/KH-UBTVQH15 năm 2022 thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023
- Số hiệu: 248/KH-UBTVQH15
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 04/08/2022
- Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
- Người ký: Trần Quang Phương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra