Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 798/KH-UBND

An Giang, ngày 05 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI VÀ DI CƯ TRÁI PHÉP, PHÒNG, CHỐNG TRẺ EM VIỆT NAM BỊ BÓC LỘT VÀ LẠM DỤNG Ở CHÂU ÂU

Thực hiện Công văn số 5533/BCA-C02 ngày 06/11/2019 của Bộ Công an, về việc tổ chức triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Công văn số 2670/VPCP ngày 20/9/2019 của Văn phòng Chính phủ) về tình hình trẻ em Việt Nam bị bóc lột và lạm dụng ở Châu Âu; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống mua bán người và di cư trái phép, nhất là phòng, chống trẻ em Việt Nam bị bóc lột và lạm dụng ở Châu Âu; như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Phòng, chống mua bán người, Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trong tình hình hiện nay, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh.

2. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập, cảnh trên cơ sở đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân xuất cảnh, di cư hợp pháp; đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể và nhân dân trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, phòng, chống mua bán người, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp và vi phạm pháp luật ở nước ngoài, nhất là phòng, chống trẻ em Việt Nam bị bóc lột và lạm dụng ở Châu Âu.

3. Việc triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý phải được tiến hành thường xuyên, đồng bộ; có trọng tâm, trọng điểm theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương và bám sát các yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, pháp luật và đối ngoại.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Hàng năm, ban hành kế hoạch chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PCTP, HIV/AIDS, TNXH và XDPTTDBV ANTQ, trong đó có thực hiện Chương trình 130/CP. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 05-KL/TW ngày 15-7-2016 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Kế hoạch về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch thực hiện Dự án 4 về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người; Kế hoạch thực hiện Đề án 2 về phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; Quyết định số 358/QĐ-TTg , ngày 02/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Bản Ghi nhớ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh về hợp tác phòng, chống mua bán người; tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” hằng năm…

2. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 44-KL/TW ngày 22-01-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01-12-2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Các cơ quan tuyên truyền, báo chí, phát thanh, truyền hình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với các hình thức, nội dung đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân đối với các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh và xuất khẩu lao động, cảnh báo những nguy cơ, tác hại, hệ lụy của hành vi xuất cảnh, di cư trái phép, nhất là các nước Châu Âu, chỉ ra các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, đường dây tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép để người dân cảnh giác, đồng thời tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tố giác tội phạm.

3. Tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các tổ chức, đối tượng phạm tội mua bán người, di cư trái phép nói chung và trẻ em Việt Nam bị bóc lột, lạm dụng ở Châu Âu nói riêng, tập trung vào các địa bàn trọng điểm về tình hình nhập cư trái phép (Anh, Pháp, Đức, Séc...) và các địa bàn trung chuyển (Nga, Ucraina, Hà Lan...) để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan.

4. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Công văn số 141/UBND-NC, ngày 20/6/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trong tình hình hiện nay. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ khẩu, hộ chiếu, kịp thời phát hiện, xử lý việc khai man, giả mạo hồ sơ để được cấp các loại giấy tờ nêu trên nhằm mục đích xuất cảnh trái phép. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập biên tại các cửa khẩu đường bộ, đường thủy nội địa, đường mòn, lối mở; phối hợp với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của Vương quốc Campuchia trong tuần tra song phương để ngăn chặn xuất cảnh, di cư trái phép.

5. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ, tập trung thu thập, kịp thời bổ sung, điều chỉnh thông tin về địa bàn, tuyến trọng điểm, các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người hoặc lợi dụng đưa người di cư trái phép để lừa bán. Phát hiện và kịp thời có các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn việc tổ chức đưa người đi nước ngoài du lịch, học tập, làm việc, lao động… trái phép hoặc được phép nhưng trốn ở lại cư trú, lao động trái phép.

6. Thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các văn bản hướng dẫn liên quan về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhất là tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm mua bán người và di cư trái phép xuyên quốc gia, có liên quan đến nạn nhân từ Việt Nam và các nước khu vực Châu Âu hoặc tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến mua bán người hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nói chung, địa bàn tỉnh nói riêng và các nước này.

7. Tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận song phương liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người mà nước ta đã ký kết với các nước, nhất là các nước thuộc Châu Âu có đông người Việt Nam di cư trái phép. Phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm, thiết bị, phương tiện nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật; trao đổi thông tin liên quan đến vụ việc, đối tượng phạm tội, nạn nhân bị mua bán để kịp thời điều tra, bắt giữ, đề xuất cơ quan có thẩm quyền dẫn giải, chuyển giao, truy nã, xử lý đối tượng phạm tội mua bán người và các đối tượng khác có liên quan; đề xuất giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ, bảo hộ nạn nhân bị mua bán, trẻ em bị bóc lột và lạm dụng ở nước ngoài.

8. Các cơ quan tiến hành tố tụng (Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân) phối hợp chặt chẽ trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm mua bán người và di cư trái phép, góp phần răn đe và phòng ngừa chung.

9. Tham dự các khóa tập huấn, đào tạo, hội thảo về kiến thức, kỹ năng chuyên sâu trong công tác hỗ trợ nạn nhân; các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề chuyên sâu, tập trung vào tuyến, địa bàn trọng điểm, các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm để bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, như: Xuất cảnh qua biên giới trái phép; thông qua hoạt động cho, nhận con nuôi, cho, hiến tạng; xuất khẩu lao động có yếu tố nước ngoài... do Trung ương tổ chức.

10. Thường xuyên rà soát, nghiên cứu, kịp thời phát hiện những vấn đề về pháp luật có khó khăn, bất cập trong thực tiễn quản lý, xử lý các hành vi liên quan đến tội phạm mua bán người và di cư trái phép để kiến nghị, đề xuất cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật (sau khi được Quốc hội thông qua).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Kế hoạch này, đề nghị các sở ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện cụ thể.

2. Kết quả thực hiện, các sở ngành, đoàn thể, địa phương phản ánh vào báo cáo định kỳ về công tác phòng, chống mua bán người gửi về Công an tỉnh (qua Phòng Cảnh sát hình sự, địa chỉ: Số 06 Tôn Đức Thắng, phường Mỹ Bình, TP.Long Xuyên) để tổng hợp chung.

3. Giao Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát hình sự) giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này và tổng hợp báo cáo về trên theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- VP Chính phủ;
- Văn phòng Bộ + Cục CSHS BCA;
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
- Phòng: NC, KGVX, TH;
- Lưu: HCTC, PV01-Công an tỉnh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 798/KH-UBND năm 2019 về phòng, chống mua bán người và di cư trái phép, phòng, chống trẻ em Việt Nam bị bóc lột và lạm dụng ở Châu Âu do tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 798/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 05/12/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/12/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản