Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 797/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 21 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ HUYỆN ĐẮK GLONG TỈNH ĐẮK NÔNG THOÁT KHỎI TÌNH TRẠNG NGHÈO, ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2022-2025

Căn cứ Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Thực hiện Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025;

Thực hiện Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025;

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông xây dựng Kế hoạch hỗ trợ huyện Đắk Glong tỉnh Đắk Nông thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các xã, các thôn, bon; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng cho các xã, thôn, bon nghèo nhằm thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững, nhằm hướng đến việc thực hiện đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh Đắk Nông tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, đưa Đắk Nông “Trở thành tỉnh trung bình khá năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên”.

- Hỗ trợ huyện Đắk Glong phấn đấu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn đến năm 2025 theo quy định tại Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vung bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

a) Chỉ tiêu của tỉnh: Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.

b) Chỉ tiêu của huyện Đắk Glong:

- Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện Đắk Glong bình quân hằng năm giảm trên 7%, từ 39,99% cuối năm 2021 xuống còn dưới 10% cuối năm 2025; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 59,06% cuối năm 2021 xuống còn 35,00% cuối năm 2025.

- Phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Đắk Glong giảm từ 6/7 xã thuộc xã vùng III, với tỷ lệ 85,71% theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, xuống còn 4/7 xã, chiếm tỷ lệ 57,14%.

- Phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người tại huyện Đắk Glong từ 1,8 lần so với năm 2020.

- Phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện và tiếp cận các dịch vụ về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

- Triển khai chính sách xã hội đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận chính sách.

II. PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi thực hiện: Thực hiện trên phạm vi toàn huyện Đắk Glong.

2. Thời gian thực hiện: Năm 2023-2024.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nội dung hỗ trợ trực tiếp (danh mục đầu tư kèm theo)

Trên cơ sở nội dung quy định tại Tiểu dự án 2, Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025: Hỗ trợ đầu tư trọng tâm, trọng điểm và duy tu, bảo dưỡng một số công trình giao thông liên xã trên địa bàn huyện phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa nhằm tạo sự đột phá, tạo động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, cụ thể:

1.1. Dự án Đường giao thông liên xã Quảng Khê (thôn 7) - xã Đắk Plao

a) Quy mô đầu tư:

- Cấp công trình: Cấp IV.

- Cấp thiết kế: Đường giao thông cấp VI (miền núi).

- Tổng chiều dài tuyến khoảng: L = 9,0 km.

b) Kinh phí thực hiện: 60.000 triệu đồng; trong đó: Ngân sách trung ương 54.545 triệu đồng, ngân sách địa phương 5.455 triệu đồng (ngân sách tỉnh 3.818 triệu đồng, ngân sách huyện 1.637 triệu đồng).

c) Hiệu quả công trình

- Xã Đắk Plao và xã Quảng Khê huyện Đắk Glong có địa giới giáp nhau nhưng hiện nay chỉ có một tuyến đường nhựa để kết nối trung tâm của 02 xã, các khu vực còn lại của hai xã chưa được kết nối giao thông với nhau. Việc giao thương đi lại để phát triển kinh tế của các khu vực giáp ranh hai xã hết sức khó khăn, do không có đường giao thông thuận lợi để đi lại phục vụ sản xuất, trao đổi hàng hóa.

- Đường giao thông liên xã Quảng Khê (thôn 7) - xã Đắk Plao có điểm đầu thuộc thôn 2 xã Đắk Plao và điểm cuối tuyến thuộc thôn 7 xã Quảng Khê. Đây là tuyến đường liên kết khu vực phía Tây Bắc của xã Đắk Plao với khu vực phía Đông của xã Quảng Khê, khu vực này có hơn 800 hộ dân, đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh phía Bắc vào làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường này là đường mòn, chỉ lưu thông đi lại bằng xe máy vào mùa khô, vào mùa mưa tất cả các loại phương tiện không thể lưu thông.

- Việc đầu tư tuyến đường giao thông liên xã Quảng Khê (thôn 7) - xã Đắk Plao là rất cần thiết và cấp bách, nhằm khắc phục sự cô lập về giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, liên kết vùng giữa hai xã Đắk Plao - xã Quảng Khê và Trung tâm huyện Đắk Glong, góp phần vào việc ổn định dân cư, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, phù hợp nhu cầu cấp bách của người dân.

1.2. Dự án Nâng cấp, sửa chữa đường liên xã Quảng Sơn - xã Đắk R’Măng (đoạn qua trung tâm xã Quảng Sơn)

a) Quy mô đầu tư:

- Cấp công trình: Cấp IV.

- Cấp thiết kế: Đường giao thông cấp IV (miền núi).

- Tổng chiều dài tuyến khoảng: L = 1,8 km.

b) Kinh phí thực hiện: 22.000 triệu đồng; trong đó: Ngân sách trung ương 20.000 triệu đồng, ngân sách địa phương 2.000 triệu đồng (ngân sách tỉnh 1.400 triệu đồng, ngân sách huyện 600 triệu đồng).

c) Hiệu quả công trình

- Tuyến đường liên xã Quảng Sơn - xã Đắk R’Măng có tổng chiều dài 27km (vị trí Km0 00 là tại ngã ba xã Quảng Sơn giao với quốc lộ 28; Km27 00 là tại xã Đắk R’Măng), đoạn từ Km0 1,86÷ Km27,0 đã được đưa vào kế hoạch đầu tư nâng cấp sửa chữa năm 2022-2024. Còn lại, đoạn tuyến đi qua trung tâm xã Quảng Sơn dài khoảng 1,86 km hiện nay nền mặt đường đã xuống cấp và hư hỏng nặng. Xuất hiện hư hỏng cục bộ như bong bậc, sình lún, ổ gà. Gây trở ngại cho việc đi lại của các phương tiện lưu thông trên tuyến, trong khi nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất của người dân qua khu vực này rất lớn.

- Hệ thống thoát nước cũ đã xuống cấp, không phát huy tác dụng, vào mùa mưa nước thường xuyên ứ đọng trên diện rộng làm hư hỏng kết cấu nền, mặt đường, nước đọng lâu ngày gây ô nhiễm môi trường và gây mất mỹ quan đô thị. Dọc đoạn tuyến đường liên xã (đoạn qua trung tâm xã Quảng Sơn) có các nhánh đường giao cắt và chưa có hệ thống thoát nước dọc. Nhằm đảm đồng bộ hệ thống thoát nước và tăng hiệu quả đầu tư dự án, cần đầu tư hệ thống thoát nước dọc tuyến chính và một số đoạn hệ thống thoát nước tuyến nhánh đấu nối tuyến chính bằng rãnh hộp bê tông có nắp đậy kín.

1.3. Dự án Nâng cấp hạng mục vỉa hè, điện chiếu sáng tuyến đường xã Quảng Khê kết nối Quốc lộ 28 đi xã Đắk Som (đoạn qua xã Quảng Khê).

a) Quy mô đầu tư:

- Công trình giao thông: Công trình cấp III.

- Hạng mục: Điện chiếu sáng, vỉa hè và cây xanh.

b) Kinh phí thực hiện: 14.492 triệu đồng; trong đó: Ngân sách trung ương 13.174 triệu đồng, ngân sách địa phương 1.317 triệu đồng (ngân sách tỉnh 922 triệu đồng, ngân sách huyện 395 triệu đồng).

c) Hiệu quả công trình: Khu Trung tâm hành chính huyện Đắk Glong được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch năm 2006 gồm 10 trục đường chính. Đến nay đã đầu tư được 08 trục đường, sau khi hoàn thành xong 08 trục đường trên, các trụ sở hành chính được hình thành, các công trình xây dựng, nhà ở khu dân cư nhanh chóng phát triển dọc theo hai bên tuyến, các cơ sở kinh doanh tư nhân như nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, khu ăn uống, dịch vụ... phát triển theo. Khu trung tâm trở nên khang trang, sầm uất.

1.4. Dự án Nâng cấp, sửa chữa các trục đường liên xã Quảng Sơn nối đường liên xã Quảng Sơn - Đắk R’Măng (Đoạn qua trung tâm xã Quảng Sơn)

a) Quy mô đầu tư:

- Cấp công trình: Cấp IV.

- Cấp thiết kế: Giao thông nông thôn loại A.

- Tổng chiều dài tuyến dự kiến khoảng: L = 1,4 km.

b) Kinh phí thực hiện: 9.170 triệu đồng; trong đó: Ngân sách trung ương 8.336 triệu đồng, ngân sách địa phương 834 triệu đồng (ngân sách tỉnh 584 triệu đồng, ngân sách huyện 250 triệu đồng).

c) Hiệu quả công trình

- Các trục đường quanh trung tâm xã Quảng Sơn được đầu tư xây dựng, theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp giao thông nông thôn từ nhiều chương trình dự án trước đây. Nền đường rộng Bnền = 6,0m không có rãnh dọc, bề rộng mặt đường 3,5m, mặt đường láng nhựa.

- Hiện nay các trục đường quanh trung tâm xã Quảng Sơn đã xuống cấp rất nhiều, mặc dù đã được nâng cấp sửa chữa. Hệ thống thoát nước dọc của các trục đường chưa được đầu tư, dân cư sinh sống hai bên các trục đường đông đúc, thường xuyên xả nước ra đường và vào mùa mưa, nước thường xuyên ứ đọng trên diện rộng làm mất mỹ quan, làm hư hỏng kết cấu mặt đường, xuất hiện nhiều ổ gà, hạn chế khả năng lưu thông của các phương tiện giao thông trên các trục đường này, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.

- Việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa các trục đường trung tâm xã Quảng Sơn là rất cần thiết và được người dân hiện nay rất mong đợi. Qua đó, hoàn thiện đồng bộ mạng lưới giao thông khu vực trung tâm xã, đáp ứng nhu cầu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội xã Quảng Sơn nói riêng và huyện Đắk Glong nói chung, hướng tới mục tiêu xây dựng xã Quảng Sơn đạt chuẩn nông thôn mới.

2. Nội dung hỗ trợ ưu tiên lồng ghép

2.1. Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 triển khai thực hiện trên địa bàn huyện

a) Dự án 1: Tiểu dự án 1 - Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nghèo

- Nội dung thực hiện: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, thiết yếu trên địa bàn huyện nghèo (công trình đầu tư cấp huyện, liên xã) phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

- Kinh phí: Tổng mức đầu tư 208.162 triệu đồng.

- Kết quả đầu ra: Thực hiện đầu tư 10 công trình trường học; 01 nhà văn hóa; 03 công trình giao thông và 01 công trình thủy lợi. Xây dựng cơ sở hạ tầng liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn các huyện nghèo; tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các cơ sở giáo dục, điểm sinh hoạt văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

b) Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo

- Nội dung thực hiện: Triển khai các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo.

- Kinh phí: Tổng mức đầu tư 6.500 triệu đồng.

- Kết quả đầu ra: Xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất; xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan. Tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng và mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

c) Dự án 3: Tiểu dự án 1 - Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp

- Nội dung thực hiện: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao năng lực cho người dân trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; gắn với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa.

- Kinh phí: Tổng mức đầu tư 4.500 triệu đồng.

- Kết quả đầu ra: Hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; gắn với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững.

d) Dự án 3: Tiểu dự án 2 - Cải thiện dinh dưỡng

- Nội dung thực hiện: Hỗ trợ tiếp cận, can thiệp trực tiếp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo; Tăng cường hoạt động cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; can thiệp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng; bảo vệ, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ học đường (trẻ từ 05 đến dưới 16 tuổi).

- Kinh phí: Tổng mức đầu tư 2.500 triệu đồng.

- Kết quả đầu ra: Hỗ trợ tiếp cận, can thiệp trực tiếp phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 05 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. Tăng cường hoạt động cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; can thiệp phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng; bảo vệ, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ học đường (trẻ từ 05 đến dưới 16 tuổi); giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi tại các xã xuống dưới 31,4%.

đ) Dự án 4: Tiểu dự án 1 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn

- Nội dung thực hiện: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn về quy mô cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo; hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

- Kinh phí: Tổng mức đầu tư 15.000 triệu đồng.

- Kết quả đầu ra: Phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

e) Dự án 4: Tiểu dự án 2 - Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

- Nội dung thực hiện: Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

- Kinh phí: Tổng mức đầu tư 1.500 triệu đồng.

- Kết quả đầu ra: Phấn đấu đưa 50 người/năm thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; ít nhất 90% hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo.

g) Dự án 4: Tiểu dự án 3 - Hỗ trợ việc làm bền vững

- Nội dung thực hiện: Hỗ trợ việc làm bền vững, cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động cho người lao động.

- Kinh phí: Tổng mức đầu tư 1.500 triệu đồng.

- Kết quả đầu ra: Hộ nghèo, hộ cận nghèo có lao động trong độ tuổi và có khả năng làm việc có ít nhất một thành viên có việc làm bền vững. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Tạo việc làm tại huyện cho trên 1.500 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đưa trên 1.752 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đi làm việc ở ngoài tỉnh (trong đó ít nhất 350 người được hỗ trợ kết nối việc làm thành công qua các tổ chức dịch vụ việc làm). Góp phần giảm số hộ nghèo có chỉ số thiếu hụt về việc làm xuống còn dưới 10% vào cuối năm 2025.

h) Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo

- Nội dung thực hiện: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

- Kinh phí: Tổng mức đầu tư 20.000 triệu đồng.

- Kết quả đầu ra: Thực hiện có hiệu quả về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong việc huy động các nguồn lực lồng ghép hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở nhà tạm, dột nát được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở. Phấn đấu đến hết năm 2025, có ít nhất 279 hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, trong đó hỗ trợ làm mới và sửa chữa từ các nguồn lực huy động xã hội hóa là 15 hộ; hỗ trợ làm mới cho 174 hộ nghèo hộ cận nghèo, sửa chữa cho 94 hộ.

i) Dự án 6: Tiểu dự án 1 - Giảm nghèo về thông tin

- Nội dung thực hiện: Giảm nghèo về thông tin hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin.

- Kinh phí: Tổng mức đầu tư 250 triệu đồng.

- Kết quả đầu ra: Nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông; cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin cơ sở (bao gồm cơ sở vật chất cho hoạt động của Đài truyền thanh cấp xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Phấn đấu 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn huyện được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.

k) Dự án 6: Tiểu dự án 2 - Truyền thông về giảm nghèo đa chiều

- Nội dung thực hiện: Truyền thông về giảm nghèo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.

- Kinh phí: Tổng mức đầu tư 280 triệu đồng.

- Kết quả đầu ra: Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, sự kiện, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, ấn phẩm truyền thông về giảm nghèo bền vững. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác giảm nghèo. Hỗ trợ các cơ quan báo chí, xuất bản thực hiện việc thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo, kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững. Tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; biểu dương, khen thưởng các địa phương, cộng đồng, hộ nghèo và tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực giảm nghèo.

l) Dự án 7: Tiểu dự án 1 - Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình

- Nội dung thực hiện: Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp nhằm hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo; phòng ngừa, hạn chế người dân rơi vào tình trạng nghèo đói; bảo đảm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hiệu quả, bền vững.

- Kinh phí: Tổng mức đầu tư 900 triệu đồng.

- Kết quả đầu ra: Xây dựng tài liệu và đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho 1.500 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo. Nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý, công tác xã hội, bình đẳng giới nhằm hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo, đối tượng yếu thế có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước; tổ chức hội thảo, hội nghị và các hoạt động khác về công tác giảm nghèo.

m) Dự án 7: Tiểu dự án 2 - Giám sát, đánh giá Chương trình

- Nội dung thực hiện: Thiết lập quy trình, hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đảm bảo Chương trình trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện đúng mục tiêu, đúng đối tượng và quy định của pháp luật.

- Kinh phí: Tổng mức đầu tư 1.200 triệu đồng.

- Kết quả đầu ra: Hằng năm, tổ chức từ 01-02 đợt kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo và công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổ chức điều tra, đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ ở các cấp. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý dữ liệu giảm nghèo ở các cấp.

2.2. Thực hiện lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia

Thực hiện lồng ghép Kế hoạch giảm nghèo của tỉnh với Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực lồng ghép khác trong tỉnh cho công tác giảm nghèo bền vững.

2.3. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn

Đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi và đô thị theo hướng hiện đại. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Đẩy mạnh xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; mời gọi đầu tư, tăng cường xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp để phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ. Tập trung tuyên truyền, vận động, làm cho người nghèo tự ý thức, xác định quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

IV. NGUỒN VỐN VÀ CƠ CHẾ HUY ĐỘNG NGUỒN VỐN THỰC HIỆN TIỂU DỰ ÁN 2 VỀ HỖ TRỢ HUYỆN ĐẮK GLONG THOÁT KHỎI TÌNH TRẠNG NGHÈO, ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2022-2025

1. Tổng kinh phí thực hiện: 105.662 triệu đồng.

2. Ngân sách trung ương: 96.056 triệu đồng; trong đó:

- Vốn đầu tư phát triển: 87.720 triệu đồng

- Vốn sự nghiệp là: 8.336 triệu đồng

3. Ngân sách đối ứng địa phương: 9.606 triệu đồng (ngân sách tỉnh 6.724 triệu đồng và ngân sách huyện 2.882 triệu đồng).

V. DỰ KIẾN KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Đến năm 2025, huyện Đắk Glong thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.

2. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện Đắk Glong bình quân hằng năm giảm trên 7%, từ 39,99% cuối năm 2021 xuống còn dưới 10% cuối năm 2025; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 59,06% cuối năm 2021 xuống còn 35,00% cuối năm 2025.

3. Sau khi các công trình giao thông nâng cấp, duy tu được hoàn thành sẽ tạo điều kiện lưu thông thuận lợi cho 74.180 nhân khẩu sống trực tiếp trên địa bàn huyện có nhu cầu lưu thông qua các tuyến giao thông được xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất hàng hóa từ những sản phẩm nông sản của các hộ dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là các xã có tuyến đường được nâng cấp sửa chữa, tạo ra thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng người dân và của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Đắk Glong, thu nhập bình quân tăng 1,8 lần so với năm 2020. Đặc biệt thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa người dân trên địa bàn huyện và bằng mức thu nhập bình quân chung của người dân trên địa bàn tỉnh.

4. Giao thông được nâng cấp, tu sửa lưu thông thuận tiện là điều kiện lớn để thay đổi về văn hóa giáo dục trên địa bàn huyện.

VII. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về công tác tuyên truyền, vận động: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về ưu tiên tập trung, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ huyện nghèo phấn đấu hoàn thành mục tiêu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 trên toàn huyện Đắk Glong và toàn tỉnh.

2. Ưu tiên lồng ghép triển khai các dự án giảm nghèo nhằm tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân: Triển khai các dự án giảm nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn huyện theo các mô hình tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư) phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương; các dự án giảm nghèo cần chú trọng gắn với nhu cầu thị trường, phát huy lợi thế địa phương, sản xuất sản phẩm đặc sản của địa phương và có lộ trình xây dựng thương hiệu sản phẩm; đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động phải gắn với doanh nghiệp, thị trường lao động và giải quyết việc làm bền vững; hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho người lao động có nhu cầu.

3. Huy động nguồn lực: Huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, người dân và cộng đồng tham gia đóng góp bằng tiền, tài sản, hiện vật hoặc ngày công lao động theo nguyên tắc tự nguyện; khuyến khích các địa phương áp dụng hình thức việc làm công để tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập khi tham gia thi công công trình trên địa bàn huyện; vốn huy động hợp pháp khác.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện theo quy định.

- Chủ trì xây dựng phương án phân bổ cụ thể nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện hằng năm; gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục đầu tư cơ sở hạ tầng quy định tại Tiểu dự án 1, Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Đắk Glong.

- Chủ trì tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện sơ kết, tổng kết việc thực hiện hàng năm và giai đoạn.

- Chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ huyện Đắk Glong tỉnh Đắk Nông thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tổng hợp và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển hằng năm theo đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng, nội dung đầu tư.

3. Sở Tài chính: Căn cứ văn bản hướng dẫn của trung ương, các nhiệm vụ được phê duyệt và đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao dự toán vốn sự nghiệp duy tu bảo dưỡng để thực hiện.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới ưu tiên những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.

- Hướng dẫn thực hiện các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để huyện Đắk Glong tổ chức lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình theo quy định.

- Bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ khuyến nông cơ sở trong việc giúp đỡ, hướng dẫn các hộ gia đình vay vốn, sử dụng nguồn vốn, tổ chức sản xuất.

- Thực hiện việc lồng ghép các chương trình của ngành với Chương trình giảm nghèo bền vững.

5. Ban Dân tộc tỉnh: Hướng dẫn thực hiện các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 để huyện Đắk Glong tổ chức lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình theo quy định.

6. Các Sở, Ban, ngành, đơn vị có liên quan: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tập trung lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn huyện nghèo để thực hiện.

7. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh

- Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các nội dung của Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025; tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện.

- Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”; Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội”. Vận động các nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững; xây dựng và nhân rộng các mô hình tiên tiến về giảm nghèo bền vững; tổ chức giám sát và phản biện xã hội về giảm nghèo bền vững.

- Các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch, đưa ra các giải pháp, huy động nguồn lực để hỗ trợ, giao trách nhiệm cho từng hội viên, đoàn viên giúp đỡ hội viên, đoàn viên là hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

8. Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong

- Xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể của địa phương đảm bảo yêu cầu, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch này.

- Kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện đối với các xã. Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vào cuối năm và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch triển khai hỗ trợ huyện Đắk Glong thực hiện giảm nghèo bền vững, thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025; đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, yêu cầu các Sở, Ban, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong triển khai thực hiện; định kỳ 6 tháng (trước ngày 20/6), hằng năm trước 20/12, các đơn vị và Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐ-TB&XH (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn ĐBQH tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- TT. Huyện ủy Đắk Glong (P/h chỉ đạo);
- UBND các huyện, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX(Hp).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Trọng Yên

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC ĐẦU TƯ TIỂU DỰ ÁN 2: TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN HỖ TRỢ HUYỆN NGHÈO THOÁT KHỎI TÌNH TRẠNG NGHÈO, ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2022-2025 THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
(Kèm theo Kế hoạch số 797/KH-UBND ngày 21/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông)

TT

Tên công trình/dự án

Quy mô đầu tư

Địa điểm

Thời gian khởi công - hoàn thành

Lý do đầu tư

Tổng mức thực hiện giai đoạn 2023-2024 (Tr.đ)

Ghi c

Tổng cộng

Trong đó

Ngân sách TW

Ngân sách tỉnh

Ngân sách huyện

 

TỔNG CỘNG

 

 

 

 

105.662

96.056

6.724

2.882

I

Hoạt động 1. Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2023-2024

96.492

87.720

6.140

2.632

 

1

Đường giao thông liên xã Quảng Khê (Thôn 7) - xã Đắk Plao

* Công trình giao thông: Công trình cấp IV; cấp thiết kế: Cấp VI miền núi: Bm=3,5m; Bn=6m, Bl= 1,25x2. Chiều dài dự kiến 9,0 Km

Xã Quảng Khê -xã Đắk Plao

2023-2024

Phục vụ phát triển KT-XH

60.000

54.545

3.818

1.637

 

2

Nâng cấp, sửa chữa đường liên xã Quảng Sơn - xã Đắk R’Măng (đoạn qua trung tâm xã Quảng Sơn)

* Công trình giao thông: Công trình cấp IV; cấp thiết kế: cấp IV miền núi: Bm=5,5m; Bn=7,5m, Bl=1,0x2. Chiều dài tuyến dự kiến khoảng 1,8 km; hệ thống thoát nước (thiết kế rãnh hộp) dọc 2 bên tuyến và một số đoạn rãnh thoát nước dọc tuyến đường nhánh chiều dài dự kiến 5,0 km

Xã Quảng Sơn

2023-2024

Phục vụ phát triển KT-XH

22.000

20.000

1.400

600

 

3

Nâng cấp hạng mục vỉa hè, điện chiếu sáng tuyến đường xã Quảng Khê nối Quốc lộ 28 đi xã Đắk Som (Đoạn qua xã Quảng Khê)

* Công trình giao thông: Công trình cấp III

Xã Quảng Khê

2023-2024

Phục vụ phát triển KT-XH

14.492

13.174

922

395

 

II

Hoạt động 2. Vốn sự nghiệp duy tu bảo dưỡng

9.170

8.336

584

250

 

4

Nâng cấp, sửa chữa các trục đường xã Quảng Sơn nối đường liên xã Quảng Sơn - xã Đắk R’Măng (đoạn qua trung tâm xã Quảng Sơn)

* Công trình giao thông: Công trình cấp IV; cấp thiết kế: GTNT loại A: Bm=3,5m; Bn=6m, Bl=1,25x2; hệ thống thoát nước. Chiều dài dự kiến 1,4km

Xã Quảng Sơn

2023-2024

Phục vụ phát triển KT-XH

9.170

8.336

584

250

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 797/KH-UBND năm 2022 hỗ trợ huyện Đắk Glong tỉnh Đắk Nông thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025

  • Số hiệu: 797/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 21/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Lê Trọng Yên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản