ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 71/KH-UBND | Cà Mau, ngày 17 tháng 12 năm 2015 |
Căn cứ Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016 - 2020.
Căn cứ Công văn số 4311/LĐTBXH-BVCSTE ngày 26/10/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 1235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 với những nội dung như sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu liên quan đến trẻ em ngày càng đầy đủ các quyền cơ bản của trẻ em. Nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp; nhà trường, gia đình, cộng đồng và xã hội về quyền tham gia của trẻ em. Tạo điều kiện để các em tham gia vào những vấn đề liên quan đến trẻ em; tạo cơ hội để các em phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần.
2. Mục tiêu cụ thể
- 100% về chính sách, pháp luật chương trình, kế hoạch có liên quan đến trẻ em đều tổ chức lấy ý kiến của trẻ em.
- 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em ở nhà trường, cộng đồng, xã hội đều tham vấn ý kiến của trẻ em.
- 9/9 huyện, thành phố Cà Mau đều triển khai ít nhất là 03 mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào những vấn đề có liên quan đến trẻ em.
- 90% cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp; tại địa bàn thí điểm triển khai mô hình phải có chuyên môn, hiểu biết kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
- 100% cán bộ đoàn, đội, giáo viên phụ trách tại địa bàn thí điểm mô hình triển khai phải hiểu biết về kỹ năng các quyền cơ bản tham gia của trẻ em.
- 90% cán bộ Đoàn, Đội, giáo viên tại địa bàn triển khai mô hình thí điểm được tập huấn; 70% cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em xã, phường, thị trấn và mạng lưới cộng tác viên ấp, khóm để tập huấn nâng cao năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
- 80% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em tại địa bàn triển khai thí điểm phải hiểu biết kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
- 75% sinh viên năm cuối của các trường sư phạm, cao đẳng, sinh viên năm cuối chuyên ngành công tác xã hội được tiếp cận chuyên đề về quyền tham gia của trẻ em.
- 100% xã, phường, thị trấn thành lập câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em.
II. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN
1. Đối tượng: Trẻ em từ 6 tuổi trở lên; các cơ quan quản lý, các tổ chức có liên quan để triển khai thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
2. Thời gian và phạm vi thực hiện:
- Thời gian: giai đoạn 2016 - 2020.
- Phạm vi thực hiện chương trình: Các huyện, thành phố trong tỉnh Cà Mau. Hàng năm mỗi huyện, thành phố Cà Mau chọn 02 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
1. Phối hợp thực hiện các dự án do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai (03 Dự án theo Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ).
2. Chủ động thực hiện các nội dung do địa phương tổ chức:
- Tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các nội dung của Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề có liên quan đến trẻ em.
- Tăng cường công tác truyền thông, vận động xã hội về quyền tham gia của trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Cà Mau, Đài Truyền thanh huyện, thành phố, trạm truyền thanh xã, phường, thị trấn hoặc các hình thức tuyên truyền trực quan như: pa nô, áp phích, băng rôn. Vận động các tổ chức, cán bộ, giáo viên, học sinh trong nhà trường, đoàn thể xã hội, gia đình và cộng đồng dân cư về nhận thức, nhằm tạo sự đồng thuận của người dân hưởng ứng thực hiện chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
- Tổ chức khảo sát, đánh giá việc xây dựng các mô hình thí điểm để thực hiện các quyền thúc đẩy tham gia của trẻ em. Trong đó quyền được tiếp cận và bày tỏ ý kiến, lắng nghe, phản hồi tại gia đình, nhà trường và cộng đồng đã được triển khai các mô hình thí điểm để thực hiện việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quyền tham gia của trẻ em cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em các cấp; mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở. Đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên, hội viên, cán bộ Đoàn, Đội ở trường học và ngoài xã hội.
- Hàng năm tổ chức Diễn đàn trẻ em 2 cấp (tỉnh và cấp huyện), để trẻ em đối thoại với các cấp lãnh đạo; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình, hoặc để các cơ quan, tổ chức tham vấn ý kiến của trẻ em về những vấn đề có liên quan đến trẻ em. Qua những hoạt động đó, để tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện các mô hình tham khảo ý kiến của trẻ em.
- Định kỳ hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Hội đồng trẻ em; trong đó đại diện trẻ em để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, đối thoại, trao đổi với đại diện Hội đồng nhân dân các cấp về các vấn đề có liên quan đến trẻ em.
- Củng cố và thành lập mới các câu lạc bộ, nhóm trẻ nòng cốt trong trường học và ngoài cộng đồng dân cư để các em tổ chức tuyên truyền, sinh hoạt nhóm, hỗ trợ các mô hình hay, hiệu quả do các em xây dựng và khởi xướng.
- Tăng cường chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; từng bước nâng cao kỹ năng, kiến thức để thực hiện quyền tham gia của trẻ em cho các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của từng thành viên trong gia đình, nhà trường và xã hội thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
- Các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch, chương trình, quyết định có liên quan đến trẻ em, tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị ở trong nhà trường, cộng đồng và xã hội với nhiều hình thức khác nhau để tham vấn, có sự đóng góp ý kiến của trẻ em đến các vấn đề có liên quan.
- Huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng trong việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Lồng ghép các chương trình, kế hoạch, dự án để tạo nguồn lực cho việc triển khai các hoạt động, hỗ trợ các mô hình thí điểm để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, tạo môi trường an toàn cho trẻ em được bày tỏ nguyện vọng trên cơ sở phù hợp với chương trình, kế hoạch đề ra.
- Tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm các ngành địa phương và các tổ chức, đoàn thể trong hoạt động quyền tham gia của trẻ em. Tạo cơ hội và điều kiện cho trẻ em được nói lên tiếng nói của mình và được tham gia vào các hoạt động xã hội thông qua “Diễn đàn trẻ em”.
- Lồng ghép việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em với xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, chương trình hành động vì trẻ em. Xây dựng các mô hình: Cộng đồng an toàn; Trường học an toàn; ngôi nhà an toàn, thân thiện với trẻ em, bảo đảm cho tất cả trẻ em đều được bảo vệ an toàn và có cơ hội phát triển một cách toàn diện cả về thể chất, nhận thức và nhân cách.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thu thập thông tin và đánh giá tình hình thực hiện thí điểm mô hình quyền tham gia của trẻ em; có sự chỉ đạo kịp thời đảm bảo đạt chỉ tiêu đã đề ra.
1. Nguồn kinh phí được Trung ương hỗ trợ (nếu có).
2. Nguồn kinh phí của địa phương phân bổ hàng năm theo quy định.
3. Nguồn vận động xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện và điều phối các hoạt động của Chương trình; tổ chức thực hiện các dự án đã được phân công trong Kế hoạch theo quy định của pháp luật.
- Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền tham gia của trẻ em.
- Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, địa phương tổ chức tham vấn ý kiến trẻ em khi xây dựng pháp luật, chính sách, kế hoạch, đề án có liên quan đến trẻ em.
- Đề xuất tổ chức sơ, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ phụ trách Đoàn, Đội trong trường học về việc xây dựng và áp dụng phương pháp giáo dục gắn liền với sự tham gia của trẻ em.
- Lồng ghép các nội dung có sự tham gia của trẻ em vào các môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa phù hợp với cấp học, trình độ đào tạo và năng lực, sự phát triển của trẻ em.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy các hoạt động tham gia của trẻ em trong gia đình; chủ động tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
4. Sở Tài chính: Hàng năm, căn cứ khả năng Ngân sách chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật; phối hợp hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền xây dựng chương trình, kế hoạch và dành thời lượng, chuyên trang, chuyên mục hợp lý để tuyên truyền kiến thức về quyền tham gia của trẻ em.
6. Sở Tư pháp: Chủ trì xem xét, thẩm định, hướng dẫn các văn bản pháp luật liên quan đến quyền tham gia của trẻ em, phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
7. Tỉnh đoàn: Hàng năm triển khai bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách đoàn, đội, nhà thiếu nhi, xây dựng chương trình kế hoạch lồng ghép với các hoạt động ngoại khóa phù hợp, có sự tham gia và phát triển của trẻ em. Đồng thời xây dựng kế hoạch và chỉ đạo hệ thống ngành dọc triển khai Kế hoạch quyền tham gia của trẻ em trong phạm vi hoạt động của ngành mình. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên, trẻ em và cộng đồng về sự tham gia của trẻ em.
8. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh: Khi xây dựng chương trình, kế hoạch, quyết định chính sách có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nên có tham vấn ý kiến trẻ em phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ được quy định.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quyền tham gia của trẻ em; huy động đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện kế hoạch thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau
- Trên cơ sở Kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020 và căn cứ tình hình thực tế của địa phương, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động hằng năm về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; lồng ghép việc thực hiện Kế hoạch với các chương trình khác có liên quan trên địa bàn.
- Chỉ đạo các phòng, ban, hội đoàn thể liên quan, UBND cấp xã triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch trên địa bàn. Cơ quan, tổ chức khi xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, đề án có liên quan đến trẻ em phải tham vấn ý kiến trẻ em.
- Chủ động bố trí ngân sách để thực hiện Chương trình theo quy định.
- Kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương và thực hiện chế độ báo cáo hằng năm về kết quả triển khai thực hiện Chương trình gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trên đây là nội dung Kế hoạch triển khai thực hiện thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đề nghị Thủ trưởng các đơn vị triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 4458/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch rà soát, đánh giá việc giải quyết vấn đề quốc tịch, hộ tịch của trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 2Quyết định 3848/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020
- 3Kế hoạch 83/KH-UBND năm 2015 thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020
- 1Quyết định 1235/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 4458/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch rà soát, đánh giá việc giải quyết vấn đề quốc tịch, hộ tịch của trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 3Quyết định 3848/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020
- 4Kế hoạch 83/KH-UBND năm 2015 thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020
Kế hoạch 71/KH-UBND năm 2015 thực hiện Quyết định 1235/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 do tỉnh Cà Mau ban hành
- Số hiệu: 71/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 17/12/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
- Người ký: Trần Hồng Quân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/12/2015
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định