ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 70/KH-UBND | Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 05 tháng 05 năm 2023 |
PHÒNG, CHỐNG BỆNH CÚM GIA CẦM LÂY SANG NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU NĂM 2023
- Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2017;
- Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025;
- Công điện số 258/CĐ-BYT ngày 27/2/2023 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống Cúm gia cầm lây sang người;
1. Mục tiêu chung
Chủ động phát hiện và sẵn sàng ứng phó nhằm ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người và tác động bất lợi nếu vi rút Cúm A(H5N1) và các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm xâm nhập vào địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
2. Mục tiêu cụ thể
- Giảm thiểu nguy cơ vi rút Cúm A(H5N1) và các chủng vi rút cúm nguy hiểm xâm nhập vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do vận chuyển từ các địa phương khác, nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm.
- Phát hiện sớm, xử lý kịp thời ngay khi vi rút Cúm A(H5N1) và các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm xâm nhập.
- Giảm thiểu nguy cơ vi rút Cúm A(H5N1) và các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm lây nhiễm cho đàn gia cầm và lây sang người.
- Giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch cúm gia cầm đến kinh tế, xã hội, môi trường và sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
1. Các tình huống
- Phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế với các ngành khác như: Thú Y, Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Công an và Chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh; Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Chi cục Thú Y vùng VI và các tỉnh, thành phố lân cận nhằm triển khai các biện pháp toàn diện, hiệu quả nhất, đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra.
- Kế hoạch bao gồm các biện pháp, tình huống cụ thể làm cơ sở cho các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, Chính quyền địa phương triển khai thực, cụ thể:
+ Tình huống 1: Chưa phát hiện vi rút cúm A(H5N1) và các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm trên gia cầm và trên người; nhưng đã ghi nhận ca bệnh cúm gia cầm trên người tại Việt Nam.
+ Tình huống 2: Ghi nhận ca bệnh cúm gia cầm (trên đàn gia cầm) trên địa bàn tỉnh, nhưng chưa ghi nhận ca bệnh cúm gia cầm trên người.
+ Tình huống 3: Ghi nhận ca bệnh cúm gia cầm trên người trên địa bàn tỉnh.
2. Giải pháp chung
2.1. Tổ chức thực hiện.
- Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh cúm gia cầm tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh) trong đó Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với Cúm A(H5N1) và các chủng vi rút cúm nguy hiểm trên gia cầm. Thường xuyên cập nhật thông tin báo cáo tình hình Cúm A(H5N1) và các chủng vi rút cúm nguy hiểm và đề xuất các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch trong trường hợp cần thiết. Các Sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch có liên quan thuộc thẩm quyền.
- Ban Chỉ đạo tỉnh định kỳ tổ chức họp giao ban với Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố. Định kỳ cung cấp thông tin cập nhật về cúm A(H5N1) và các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm trong tỉnh cho các cơ quan báo chí.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo trong việc triển khai các hoạt động trong mỗi tình huống; xây dựng và phê duyệt kế hoạch của địa phương với các hoạt động cụ thể, tương ứng với các tình huống nêu trên; huy động toàn hệ thống chính trị cùng tham gia phòng, chống dịch.
2.2. Hoạt động
- Vi rút cúm gia cầm được phát hiện tại các chợ bán gia cầm và điểm thu gom, tập kết gia cầm được xác định là nơi lưu trữ và phát tán vi rút; gia cầm, sản phẩm gia cầm vẫn an toàn cho người nếu được giết mổ và chế biến đúng cách.
- Tiêm phòng:
+ Gia cầm nuôi phải được tiêm phòng đầy đủ đúng theo quy trình, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm chủng theo quy định.
+ Tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm theo quy định.
+ Cơ sở chăn nuôi gia cầm, hộ chăn nuôi có trách nhiệm thông báo với cơ quan thú y tiêm phòng cho toàn đàn gia cầm.
+ Khi có ổ dịch Cúm gia cầm xảy ra, cơ quan thú y phối hợp với Chính quyền địa phương và ngành Y tế khoanh vùng, giám sát, hạn chế thấp nhất bệnh Cúm gia cầm lây sang các đàn gia khác và sang người.
- Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng:
+ Sở NN&PTNT chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Khi dịch bệnh có nguy cơ cao phải hướng dẫn và tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các hộ chăn nuôi gia cầm.
+ Tuyên truyền và vận động các cơ sở có hoạt động liên quan đến gia cầm, có nguy cơ về bệnh cúm gia cầm thường xuyên tự tổ chức thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo quy định nhằm cắt đứt nguồn lây của vi rút cúm gia cầm, ngăn chặn vi rút lây lan ra bên ngoài sang đàn gia cầm khác và lây lan sang người.
- Kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm; buôn bán, vận chuyển sản phẩm gia cầm.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, thú ý, nhân viên y tế thôn ấp, ban chỉ đạo các địa phương về phòng, chống bệnh cúm gia cầm.
- Đối với chợ có bán và giết mổ gia cầm cần phải phân tách riêng khu vực bán gia cầm sống và giết mổ gia cầm; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực bán và giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm sau mỗi buổi chợ; vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển, chứa đựng gia cầm, sản phẩm gia cầm. Người buôn bán, vận chuyển và người mua gia cầm cần sử dụng khẩu trang, găng tay, ủng khi tiếp xúc gia cầm. Các chợ chỉ được bán gia cầm đã giết mổ, có dấu kiểm soát của ngành Thú y.
- Đối với cơ sở giết mổ, điểm giết mổ gia cầm: sử dụng bảo hộ lao động theo khuyến cáo của ngành Y tế khi tiếp xúc và giết mổ gia cầm; không giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm ốm chết; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực giết mổ sau mỗi ca làm việc; vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm.
- Tại các lò mổ gia cầm có quy mô lớn cần có sổ sách theo dõi chi tiết về nguồn gốc gia cầm, khu nuôi nhốt chờ giết mổ, thời gian nhập, thời gian mổ, nơi tiêu thụ để phục vụ công tác truy vết, ứng phó khi cần thiết. Việc giết mổ gia cầm, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm phải qua kiểm dịch của Thú y. Gia cầm giết mổ phải thực hiện đúng kỹ thuật, phải tách riêng nội tạng.
- Khi phát hiện cúm trên đàn gia cầm, phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế, Thú Y, Chính quyền địa phương và cộng đồng xử lý ổ dịch cúm gia cầm. Theo dõi những người tiếp xúc với đàn gia cầm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
2.3. Công tác truyền thông
- Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu xây dựng các chương trình truyền thông, tuyên truyền phù hợp trong từng tình huống dịch; đảm bảo giảm thiểu nguy cơ cho cộng đồng, hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Tuyên truyền không gây hoang mang trong xã hội.
- Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan để triển khai công tác truyền thông về nguy cơ, tác hại của dịch Cúm A(H5N1) và các chủng vi rút cúm gia cầm khác gây nguy hiểm trong cộng đồng.
- Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố lân cận để theo dõi tình hình dịch bệnh khi có nguy cơ cao xảy ra dịch; thông tin, phối hợp với Cục Thú Y để có giải pháp phòng, chống phù hợp khi có nguy cơ cao xảy ra dịch hoặc khi có dịch.
a. Mục tiêu:
Giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm vi rút Cúm A(H5N1) và các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; phát hiện kịp thời nếu vi rút xâm nhập vào tỉnh.
b. Các hoạt động cụ thể
- Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh) theo quy định, và thực hiện các hoạt động cụ thể như sau:
+ Tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo giám sát các hoạt động phòng, chống dịch về cúm gia cầm nói chung; khi cần thiết thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương tổ chức ứng phó.
+ Xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn kỹ thuật cho lực lượng làm công tác thú y các tuyến;
+ Chuẩn bị đầy đủ máy móc, vật tư, trang thiết bị, hóa chất để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm;
+ Kiện toàn và thành lập các Đội phản ứng nhanh để xử lý khi phát hiện cúm gia cầm nguy hiểm trên địa bàn tỉnh.
+ Tổ chức tiêm phòng, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo các hướng dẫn, quy định hiện hành.
+ Phối hợp với Chi cục Thú Y vùng IV giám sát sự lưu hành chủng vi rút, thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ xâm nhập của vi rút cúm gia cầm vào địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng, chống cho phù hợp với tình hình thực tế.
+ Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế theo dõi, nắm bắt tình hình bệnh cúm trên người trên thế giới, trong nước, các địa phương lân cận và trên địa bàn tỉnh.
+ Tổ chức tuyên truyền, tập huấn việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học đối với trang trại chăn nuôi gia cầm, cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung.
+ Phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ gia cầm.
- Sở Y tế phối hợp với Sở NN&PTNT giám sát công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ bệnh cúm gia cầm trên người để cách ly và điều trị kịp thời.
- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức sắp xếp, bố trí và quản lý các chợ có buôn bán gia cầm sống theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi rút cho người.
- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, tích cực triển khai thực hiện truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép và vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên thông tin tuyên truyền với thời lượng thích hợp, có chuyên mục riêng về phòng, chống cúm gia cầm.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ triển khai công tác phòng, chống nhập khẩu trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm đưa vào địa bàn tỉnh tiêu thụ; không cho phép vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến trên phương tiện giao thông có chở người.
- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế xây dựng kế hoạch kinh phí phục vụ hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt cho công tác giám sát, phát hiện các chủng vi rút cúm gia cầm mới và dự phòng đủ kinh phí cho hoạt động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
+ Thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh do cúm gia cầm lây sang người.
+ Kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp phù hợp thực tiễn địa phương, đảm bảo tính linh hoạt, tích hợp nhiệm vụ; thành lập các tổ, đội công tác chuyên trách để ứng phó với Cúm gia cầm; sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với các tình huống khi phát hiện vi rút Cúm gia cầm.
+ Phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo việc rà soát các chợ, điểm trung chuyển, tập kết gia cầm sống, các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, đặc biệt các địa bàn có buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc để phát hiện và xử lý.
+ Chỉ đạo công an, quản lý thị trường, chính quyền các xã/phường tăng cường công tác tuyên truyền, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Tổ chức tiêu hủy tất cả gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
+ Chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Đài truyền thanh địa phương tăng cường công tác truyền thông về nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm gia cầm sang người; hướng dẫn các biện pháp phòng tránh lây nhiễm vi rút cúm cho người và các biện pháp sử dụng gia cầm an toàn.
+ Thành lập các đoàn kiểm tra giám sát, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng ngừa dịch bệnh cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao; chuẩn bị các phương án tiêu hủy gia cầm theo quy định khi có mẫu dương tính.
+ UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo cho các ấp, khu phố rà soát, cập nhật chi tiết tình hình nuôi gia cầm trên địa bàn, kể cả hộ nuôi nhỏ lẻ để tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi đăng ký tiêm phòng bệnh cúm gia cầm; thực hiện tiêu độc, khử trùng, vệ sinh phòng, chống dịch bệnh để có cơ sở đề ra kế hoạch ứng phó phù hợp, chính xác; phối hợp với thú y tăng cường giám sát gia cầm chăn nuôi trên địa bàn, theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm nhằm phát hiện sớm gia cầm nghi mắc bệnh và báo ngay cho ngành Thú Y, chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp kịp thời.
2.1. Mục tiêu:
Giảm thiểu nguy cơ lây lan cúm gia cầm lây lan trên địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất sự lây lan cúm gia cầm sang người.
2.2. Các hoạt động cụ thể:
Tiếp tục triển khai các hoạt động như tình huống 1, cần chú trọng thêm các hoạt động sau:
- Sở NN&PTNT tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức họp để chỉ đạo điều hành, thành lập các đoàn công tác chỉ đạo, giám sát chặt chẽ địa bàn có bệnh cúm trên đàn gia cầm và những nơi có liên quan về dịch tễ.
- Sở NN&PTNT cử Tổ Chỉ đạo phòng chống bệnh cúm gia cầm cùng phối hợp với các Sở, Ban, ngành tăng cường công tác giám sát, điều tra và khoanh vùng ổ dịch.
+ Chi cục Chăn nuôi và Thú Y phối hợp với Công an, Quản lý thị trường các địa phương lập chốt kiểm dịch, tổ chức trực chống dịch để nắm bắt thông tin, tình hình và báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo tỉnh; đồng thời báo cáo về Cục Thú y và Chi cục Thú y vùng IV để có ý kiến chỉ đạo phòng, chống dịch phù hợp.
+ Đội ứng phó nhanh chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, trang thiết bị để xử lý khi phát hiện vi rút cúm gia cầm.
+ Tăng cường vệ sinh tiêu độc tại các địa phương có cúm trên đàn gia cầm và các địa phương lân cận; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch tại gốc; tăng cường lấy mẫu giám sát đàn gia cầm và môi trường để xét nghiệm lưu hành chủng vi rút cúm; rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung.
- Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú Y, chính quyền địa phương điều tra dịch tễ, giám sát dịch các trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh cúm gia cầm trên người, các trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh cúm gia cầm trên người; triển khai và thực hiện quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; Chỉ đạo các đơn vị điều trị chuẩn bị các khu cách ly, tiếp nhận cách ly điều trị các trường hợp nghi ngờ cúm gia cầm lây sang người; tổ chức tập huấn và triển khai các hoạt động phòng, chống cúm gia cầm lây sang người cho nhân viên y tế.
- Sở Công Thương xem xét tình hình, chuẩn bị triển khai phương án cung cấp thực phẩm thay thế và bình ổn giá khi nguy cơ cao.
- Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y chính quyền địa phương, phân công rõ trách nhiệm, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, kinh phí, dụng cụ, hóa chất, địa điểm chôn hủy gia cầm trong trường hợp phát hiện động vật dương tính với cúm.
- Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với các địa phương tuyên truyền các thông điệp do ngành Y tế và Thú Y cung cấp, đảm bảo không gây hoang mang cho người dân cộng đồng.
- UBND huyện, thị xã, thành phố:
+ Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hoạt động, chỉ đạo các cấp, các ngành, áp dụng đồng bộ, triệt để các biện pháp phòng, chống lây nhiễm vi rút cúm gia cầm sang người tại địa phương.
+ Với các địa phương đang có bệnh cúm trên đàn gia cầm: Ban Chỉ đạo ở các địa phương có vi rút cúm gia cầm báo cáo tình hình về Ban Chỉ đạo tỉnh; tổ chức họp khẩn cấp để chỉ đạo công tác chống dịch.
+ Thường xuyên liên hệ với Ban Chỉ đạo tỉnh để nắm bắt tình hình và triển khai kịp thời các hoạt động.
+ Cơ quan Thú y huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế huyện để điều tra ổ dịch, triển khai các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của vi rút gia cầm sang gia cầm chưa mắc bệnh và sang người, gồm tăng tần suất vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn khu vực có người bệnh, giám sát các đàn gia cầm các địa phương đang có dịch.
- Đài Phát thanh huyện tăng cường thời lượng phát sóng tuyên truyền về phòng, chống dịch Cúm trên gia cầm và trên người, khuyến cáo các biện pháp vệ sinh cá nhân và sử dụng gia cầm an toàn. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng, ổn định trật tự xã hội, không tẩy chay sản phẩm gia cầm và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
- UBND huyện, thị xã, thành phố:
+ Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống cúm trên đàn gia cầm và trên người; kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn có bệnh cúm trên đàn gia cầm.
+ Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh; rà soát, thống kê tổng đàn gia cầm trên địa bàn, phối hợp với ngành thú y để tiêm phòng bao vây ổ dịch, vệ sinh khử trùng.
3. Tình huống 3: Ghi nhận ca bệnh cúm gia cầm trên gia cầm và người.
3.1. Mục tiêu:
Khoanh vùng, xử lý các ổ dịch cúm gia cầm trên đàn gia cầm và trên người; giảm thiểu nguy cơ lây lan từ các đàn gia cầm mắc bệnh sang người và sang các đàn gia cầm chưa mắc bệnh.
3.2. Các hoạt động cụ thể.
- Sở NN&PTNT tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức họp để chỉ đạo điều hành, phân công thành viên của Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm chỉ đạo các địa phương có phát hiện vi rút cúm gia cầm trên đàn gia cầm và trên người để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phòng, chống dịch tại địa phương; tổng hợp, báo cáo theo quy định. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chuyên môn:
+ Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú Y, các Tổ kiểm tra phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh phối hợp và hỗ trợ các địa phương có cúm gia cầm trên người và trên đàn gia cầm thực hiện tốt công tác dập dịch, khoanh vùng ổ dịch. Tham mưu cho UBND tỉnh công bố dịch khi đủ điều kiện theo quy định.
+ Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cấp bách tiếp theo và triển khai các biện pháp ứng phó dịch; triển khai quy mô rộng với các địa phương đang có dịch và các địa phương lân cận. Huy động tối đa nguồn nhân lực của ngành Thú Y và chuyên ngành phù hợp để triển khai các biện pháp ứng phó dịch.
+ Thực hiện điều tra dịch tễ, phối hợp xử lý tiêu diệt mầm bệnh; triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng hàng ngày đối với toàn bộ khu vực ghi nhận cúm trên đàn gia cầm và trên người để giảm thiểu phát tán vi rút, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; tăng cường lấy mẫu giám sát tại các chợ, cộng đồng có liên quan.
+ Lấy mẫu xét nghiệm thêm với các đàn gia cầm chưa mắc bệnh tại các địa phương lân cận để xác định mức độ lan truyền vi rút trong địa bàn; thông báo cho ngành Y tế để tiến hành giám sát bệnh trên người.
+ Thực hiện tiêm phòng bổ sung đầy đủ để nâng cao tỉ lệ miễn dịch đối với vi rút có vắc xin và triển khai ngay đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên những địa bàn nguy cơ cao.
+ Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh trên gia cầm, tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm sống tại các địa bàn có phát hiện vi rút cúm, đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tập trung triển khai các biện pháp ứng phó theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo tỉnh.
+ Tham mưu UBND tỉnh công bố dịch, công bố hết dịch khi đủ điều kiện theo quy định của Luật Thú Y.
- Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc:
+ Khoanh vùng, giám sát và xử lý triệt để ổ dịch cúm gia cầm trên người; lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với gia cầm mắc bệnh và người bệnh cúm gia cầm.
+ Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y để nắm bắt thông tin dịch bệnh, xử lý triệt để ổ dịch, triển khai các biện pháp ngăn ngừa vi rút lây nhiễm cho người, xây dựng thông điệp tuyên truyền về phòng tránh lây nhiễm vi rút cúm từ gia cầm, sử dụng gia cầm an toàn, không hoang mang, không tẩy chay sản phẩm gia cầm. Theo dõi và lấy mẫu xét nghiệm người có nhiều nguy cơ nhiễm vi rút từ gia cầm.
+ Chuẩn bị đầy đủ các phương án, thuốc, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.
+ Tham mưu UBND tỉnh báo cáo ca bệnh, công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của Bộ Y tế.
+ Thực hiện lấy mẫu ca bệnh nghi ngờ, bảo quản và vận chuyển mẫu về Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh thực hiện xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh.
- Sở Công Thương triển khai phương án khi có cúm trên đàn gia cầm phát hiện tại chợ. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tiêu hủy các gia cầm nghi ngờ/gia cầm mắc bệnh tại các chợ.
- Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở NN&PTNT xác định địa điểm chôn hủy gia cầm mắc bệnh, xử lý môi trường, tiêu diệt mầm bệnh.
- UBND huyện, thị xã, thành phố:
+ Ban Chỉ đạo các địa phương có người/gia cầm mắc bệnh cúm báo cáo tình hình về Ban Chỉ đạo tỉnh, tổ chức họp khẩn cấp để chỉ đạo công tác chống dịch. Triển khai các hướng dẫn các hoạt động chống dịch tại địa phương, đồng thời thường xuyên liên hệ với Sở NN&PTNT, Sở Y tế để nắm bắt tình hình, phối hợp và triển khai các hoạt động phù hợp.
+ UBND huyện, thị xã, thành phố quyết định tiêu hủy đàn gia cầm dương tính với vi rút cúm; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm, tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm sống tại các địa bàn có phát hiện vi rút cúm; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung triển khai các biện pháp ứng phó theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo tỉnh.
+ Tăng cường thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ môi trường, chuồng trại, khu vực chăn thả đàn gia cầm phát hiện có vi rút cúm gia cầm và chợ bán gia cầm, khu vực giết mổ gia cầm và những nơi có nguy cơ tồn tại vi rút cúm gia cầm tại địa phương.
+ Chỉ đạo và huy động các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành Y tế và Thú Y trong công tác phòng chống cúm gia cầm trên người và trên đàn gia cầm.
+ UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, thống kê tổng đàn gia cầm, phối hợp với ngành thú y để tiêm phòng bao vây ổ dịch, vệ sinh khử trùng, báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định, xử lý, chôn hủy gia cầm.
+ Những địa phương chưa phát hiện dịch, Ban Chỉ đạo các cấp, các ngành thành viên áp dụng đồng bộ, triệt để các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cúm gia cầm trên người và trên đàn gia cầm.
- Các Sở, Ban ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công phối hợp triển khai đồng bộ, thực hiện hiệu quả công tác khống chế, tiêu diệt ổ dịch nhanh, gọn, không để phát tán mầm bệnh, phát sinh ổ dịch mới, lây sang người. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành Y tế và Thú Y triển khai các biện pháp nêu trên.
1. Sở Y tế
- Là đầu mối chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống cúm trên người.
- Chủ trì tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh trong việc triển khai các hoạt động phòng chống bệnh cúm trên người.
- Trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị trực thuộc trong việc chuẩn bị vật tư trang thiết bị cần thiết để ứng phó dịch bệnh, các khu cách ly điều trị tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm gia cầm: kế hoạch ứng phó của địa phương, chuẩn bị nhân lực, vật lực và các phương án cụ thể trong mỗi tình huống dịch.
- Phối hợp với ngành Thú y, Chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trong công tác giám sát và xử lý cúm trên đàn gia cầm và trên người.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Là đầu mối chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống cúm trên đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh trong việc triển khai các hoạt động phòng chống bệnh cúm trên đàn gia cầm.
- Trực tiếp đôn đốc, kiểm tra UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó dịch: kế hoạch ứng phó của địa phương, chuẩn bị nhân lực, vật lực và các phương án cụ thể trong mỗi tình huống dịch.
- Kiện toàn lực lượng thú y cấp huyện, xã đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.
- Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, Chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trong công tác giám sát và xử lý cúm trên đàn gia cầm và trên người.
3. Sở Tài Chính
Phối hợp và hướng dẫn với Sở Y tế, Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan xây dựng, thẩm định kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt.
4. Sở Công Thương
Triển khai phương án khi có cúm trên đàn gia cầm phát hiện tại chợ. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tiêu hủy các gia cầm nghi ngờ/gia cầm mắc bệnh tại các chợ.
Thực hiện các chức năng và nhiệm vụ theo sự phân công của Ban Chỉ đạo tỉnh; giám sát và triển khai các hoạt động phòng chống cúm gia cầm tại các địa phương phụ trách.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở NN&PTNT xác định địa điểm chôn hủy gia cầm mắc bệnh, xử lý môi trường, tiêu diệt mầm bệnh.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Phân công trách nhiệm từng thành viên phụ trách chỉ đạo xã, phường.
- Xây dựng kế hoạch phòng, chống cúm gia cầm tại địa phương.
- Chỉ đạo, triển khai các hoạt động phòng, chống cúm gia cầm. Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, máy móc, vật tư, thuốc, hóa chất phục vụ phòng chống cúm gia cầm tại địa phương.
7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và các Tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và Sở NN&PTNT triển khai các hoạt động phòng chống cúm gia cầm.
- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền lồng ghép phòng, chống bệnh cúm gia cầm trong sinh hoạt hội.
- Phối hợp với ngành Nông nghiệp và Y tế xây dựng mô hình phòng ngừa và tập huấn kỹ năng phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh cho đoàn viên, hội viên thuộc tổ chức.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc củng cố, kiện toàn các đội, nhóm thanh niên xung kích, tình nguyện tại chỗ; phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội, Y tế xây dựng kế hoạch ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.
Trên đây là Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm lây sang người trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2023, đề nghị các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai, thực hiện bảo đảm hiệu quả. Sở Y tế, Sở NN&PTNT thường xuyên cập nhật và điều chỉnh kịp thời các phương án tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh cúm trên đàn gia cầm và trên người theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT; đồng thời tổ chức hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch này; định kỳ, đột xuất tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh, để có hướng chỉ đạo, giải quyết kịp thời./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 1115/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch Phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021-2025
- 2Công văn 572/UBND-KTN năm 2023 về tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội
- 3Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2023 về tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và Dịch tả heo Châu Phi do tỉnh An Giang ban hành
- 1Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007
- 2Luật thú y 2015
- 3Quyết định 172/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 1115/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch Phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021-2025
- 5Công điện 258/CĐ-BYT năm 2023 về tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người do Bộ Y tế điện
- 6Công văn 572/UBND-KTN năm 2023 về tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội
- 7Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2023 về tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và Dịch tả heo Châu Phi do tỉnh An Giang ban hành
Kế hoạch 70/KH-UBND về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm lây sang người trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023
- Số hiệu: 70/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 05/05/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Người ký: Đặng Minh Thông
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/05/2023
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định