Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 692/KH-UBND

An Giang, ngày 16 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG ĐIỀU KIỆN PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TỈNH AN GIANG

Đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ tư với biến chủng Delta đã tác động rất nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nhiều tỉnh, thành cả nước, trong đó có An Giang. Sau hơn gần 6 tháng thực hiện giãn cách xã hội ở mức độ khác nhau để tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh, kinh tế tỉnh An Giang tăng trưởng rất chậm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 ước chỉ đạt 2,15% thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 là 2,46%).

Trước tình hình đó, việc mở cửa khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh để từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu rất cấp bách, nhưng việc mở cửa, phục hồi nền kinh tế cần phải được tính toán kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, có cách tiếp cận và phương thức phù hợp, nếu không sẽ càng làm tổn hại đến doanh nghiệp, người dân và cả nền kinh tế.

Trên cơ sở Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 128/NQ-CP) và tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ PHƯƠNG ÁN TIẾP CẬN

1. Căn cứ pháp lý

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19;

Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV;

Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”;

Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 03/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19;

Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ;

Quyết định số 1811/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2021 của Bộ Giao thông vận tải về ban hành Hướng dẫn tạm thời về hoạt động thi công các dự án, công trình giao thông đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19;

Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2021 của Bộ Giao thông vận tải về ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19;

Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL ngày 18/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong hoạt động Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Và các văn bản quy định, hướng dẫn khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương.

2. Phương án tiếp cận

Qua tham khảo, nghiên cứu các tỉnh, thành phố, có nhiều cách tiếp cận để mở cửa phục hồi kinh tế. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, do vậy, Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang chọn cách tiếp cận dựa vào cấp độ dịch bệnh trên phạm vi của từng địa phương (cấp xã), từng khu vực (dưới cấp xã), đồng thời dựa trên năng lực y tế để quyết định và công bố phạm vi mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo nguyên tắc “linh hoạt, an toàn, hiệu quả”.

II. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC MỞ CỬA PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Kiên trì với mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” nhưng đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, hài hòa, hợp lý giữa phòng, chống dịch với các hoạt động kinh tế - xã hội;

2. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với doanh nghiệp/cơ sở sản xuất, kinh doanh theo các phương châm “An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”, “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “Lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ”, lấy người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh làm trung tâm phục vụ, đồng thời là chủ thể tham gia phòng, chống dịch.

3. Tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt vì mục tiêu ưu tiên cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các hoạt động kinh tế theo lộ trình từng bước với các giải pháp phù hợp, hiệu quả tương ứng với từng cấp độ rủi ro, an toàn với dịch COVID-19;

4. Tùy theo tình hình kiểm soát và cấp độ nguy cơ của dịch bệnh của từng địa bàn, từng khu vực mà mở cửa các hoạt động kinh tế tương ứng, đảm bảo tính linh hoạt, an toàn, sáng tạo, chắc chắn, không nóng vội cũng không cầu toàn, luôn luôn bám sát tình hình dịch bệnh và đặc điểm của từng địa bàn, từng thời điểm để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện.

III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thúc đẩy phục hồi các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng nhân dân; vừa duy trì hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh ổn định góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội;

- Không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa, nhất là hàng hóa phục vụ cho nhu cầu đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân, nguồn nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động đầu tư xây dựng công trình;

- Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời, triệt để các khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa số dự án, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ngưng hoạt động, giải thể hoặc phá sản do tác động của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Các nhiệm vụ và giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh phải linh hoạt theo tín hiệu an toàn của ngành y tế; việc khôi phục các hoạt động kinh tế phải gắn liền với công tác tiêm vắc xin và kết quả tầm soát của tỉnh;

- Chủ động, khẩn trương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đẩy mạnh tầm soát, xét nghiệm, tiêm vắc xin, nâng cao khả năng thu dung, điều trị để mở rộng vùng cấp 1, thu hẹp vùng cấp 2 và xóa vùng cấp 3/cấp 4 tiến tới bình thường hóa toàn tỉnh;

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ được phép hoạt động khi có Kế hoạch và phương án xử trí khi có ca nghi mắc hoặc mắc Covid-19, đồng thời chịu trách nhiệm và cam kết triển khai các biện pháp đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch tương ứng với ngành, nghề, lĩnh vực và tại các địa bàn, khu vực tương ứng với từng cấp độ dịch;

- Các nhà thầu thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng phải có “Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 tại công trường” được Chủ đầu tư phê duyệt dựa trên từng cấp độ dịch sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan y tế cấp huyện nơi có dự án, công trình và chịu trách nhiệm triển khai phương án, biện pháp phòng, chống dịch trên công trường xây dựng;

- Quá trình tổ chức thực hiện phải được triển khai đồng bộ các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp, có sự phân công trách nhiệm, phân cấp cụ thể cho từng Sở, Ban, ngành và địa phương; có kiểm tra, giám sát để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh với tinh thần hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh.

IV. VỀ PHÂN LOẠI ĐÁNH GIÁ, XÁC ĐỊNH CẤP ĐỘ DỊCH

Việc phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế. Một số quy định chính như sau:

1. Về phân loại, có 04 cấp độ dịch:

- Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh.

- Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng.

- Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam.

- Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

2. Về phạm vi đánh giá cấp độ dịch: Đánh giá từ quy mô cấp xã. Căn cứ tình hình thực tế, Tỉnh sẽ đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.

3. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế về đánh giá và xác định cấp độ dịch và tình hình dịch trên địa bàn, Tỉnh quyết định chuyển đổi cấp độ dịch. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.

4. Sở Y tế công bố, cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn và vùng cách ly y tế (phong tỏa) thuộc tỉnh và các biện pháp áp dụng tương ứng trên Cổng thông tin điện tử của địa phương; cập nhật cấp độ dịch, vùng cách ly y tế (phong tỏa) trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

V. BIỆN PHÁP ÁP DỤNG THEO CẤP ĐỘ DỊCH ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ VÀ ĐI LẠI CỦA NGƯỜI DÂN

1. Đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp

2. Đối với cá nhân

(Theo Phụ lục đính kèm)

VI. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Lĩnh vực y tế

a) Nhiệm vụ

- Khẩn trương triển khai thực hiện kịp thời các nội dung theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế dựa trên tình hình thực tế địa phương đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, không làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động kinh tế - xã hội khác của tỉnh;

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông sử dụng công nghệ thông tin, phần mềm, chứng nhận xét nghiệm cho công dân theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Theo dõi ứng phó theo từng cấp độ của dịch bệnh, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; chủ động các phương án, kịch bản để ứng phó; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng;

- Hướng dẫn xét nghiệm Covid-19 đối với người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Y tế;

- Đề xuất, trình UBND tỉnh ban hành chế độ phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch nói chung; các phụ cấp đặc thù chuyên môn cùng chế độ ăn và sinh hoạt đối với lực lượng y tế; chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở và cán bộ y tế làm công tác dự phòng với những điều khoản về hỗ trợ, đào tạo, thu hút cán bộ y tế, nhất là cán bộ y tế có trình độ đại học trở lên;

- Nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh cho phép áp dụng chế độ trong thời gian tình nguyện tham gia phòng chống dịch Covid-19 đối với học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp khối ngành y dược, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách gồm chế độ bồi dưỡng chống dịch và chế độ tiền ăn, chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong thời gian ở lại nơi tình nguyện...

b) Giải pháp

* Về xét nghiệm tầm soát

- Công tác xét nghiệm tầm soát phải xác định đúng, chính xác mức độ nguy cơ để tham mưu linh hoạt các cấp độ dịch, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế nhưng vẫn đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các vùng, khu vực, địa bàn xung quanh;

- Thực hiện truyền thông giúp người dân có kiến thức và khả năng phòng, chống dịch Covid-19, khuyến khích tự test nhanh, tự khai báo y tế khi nghi ngờ mắc bệnh. Duy trì hoạt động đường dây nóng, sẵn sàng tư vấn và giải đáp mọi thắc mắc của người dân trong công tác phòng, chống dịch, cách ly, điều trị.

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai ứng dụng nền tảng xét nghiệm để thực hiện thông báo kết quả đến người dân.

* Về vắc xin

- Bên cạnh công tác xét nghiệm tầm soát, cần đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin đúng kế hoạch được phê duyệt hoặc sớm hơn để mở rộng mở rộng vùng cấp 1, thu hẹp vùng cấp 2 và xóa vùng cấp 3/cấp 4 tiến tới kiểm soát dịch hoàn toàn và “đạt miễn dịch cộng đồng”;

- Kịp thời tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh sớm hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin ngay sau khi được Bộ Y tế phân bổ hoặc nhận tài trợ.

- Rà soát hồ sơ thủ tục, quy trình triển khai về việc cho phép doanh nghiệp chủ động đàm phán tìm nguồn vắc xin phòng Covid-19 để tiêm miễn phí cho người lao động của doanh nghiệp và hỗ trợ, hướng dẫn tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh Covid-19 cho người lao động của doanh nghiệp sau khi tiếp nhận vắc xin từ đơn vị cung cấp.

- Thực hiện kiểm tra và phê duyệt danh sách người dân, tổ chức đã thực hiện đăng ký tiêm chủng tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn hay trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, phối hợp nhập đầy đủ dữ liệu người đã tiêm Vaccine.

* Về điều trị

- Tiếp tục thực hiện mô hình điều trị theo tháp 3 tầng (bệnh nhân nhẹ, trung bình và nặng). Chỉ đạo các cơ sở điều trị duy trì tốt hoạt động khám, chữa bệnh và hướng đến sự hài lòng của người bệnh; tổ chức phân luồng việc khám, chữa bệnh phù hợp, an toàn;

- Hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện mô hình Trạm y tế lưu động với chức năng quản lý, hỗ trợ, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, xét nghiệm Covid-19 tại cộng đồng, tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, khám bệnh, sơ cấp cứu các bệnh thông thường khác để bảo đảm người dân trong vùng dịch vẫn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản kịp thời.

- Xây dựng kế hoạch, dự trù cơ số thuốc, vật tư y tế cần thiết để sử dụng trên địa bàn tỉnh và cung cấp cho huyện, thị xã, thành phố theo yêu cầu xét nghiệm, tiêm chủng, khám và điều trị các ca nhiễm, kể cả các bệnh khác.

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai ứng dụng nền tảng theo dõi cách ly tại nhà đối với các trường hợp F0, F1, F2.

c) Chủ trì thực hiện: Sở Y tế

2. Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông

a) Nhiệm vụ

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế khẩn trương tham mưu UBND tỉnh sử dụng công nghệ thông tin, phần mềm, chứng nhận xét nghiệm cho công dân theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm tạo thuận lợi cho người dân tham gia các hoạt động kinh tế;

- Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ do Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia xây dựng và phát triển vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh;

- Tham gia phối hợp triển khai bản đồ xác định nguy cơ dịch tễ đến cấp xã, phường, thị trấn, cập nhật và công bố công khai phục vụ cho công tác phòng, chống dịch và hoạt động phục hồi kinh tế;

- Tham mưu các giải pháp kết hợp Camera và trí tuệ nhân tạo trong công tác phòng chống dịch: cảnh báo tiếp xúc gần, nhận diện khuôn mặt, phát hiện sốt, quét mã QRCode vào/ra …

- Tiếp tục thông tin tuyên truyền các chủ trương, giải pháp phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác;

- Vận động các nhà mạng (VNPT, Viettel, MobiFone,…) hỗ trợ cước phí truy cập dữ liệu cho học sinh, sinh viên và giáo viên liên quan đến các chương trình học trực tuyến của ngành giáo dục và đào tạo; hỗ trợ miễn phí DATA cho các thuê bao di động đang cách ly y tế tại nhà để thực hiện khai báo y tế theo quy định.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

b) Giải pháp

- Phối hợp Đài Phát thanh và truyền hình An Giang, Báo An Giang, các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài tỉnh tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng, mở mới chuyên mục để thông tin về tình hình, diễn biến của dịch bệnh trong và ngoài nước; cung cấp số liệu, kết quả phòng chống dịch kịp thời, chính xác; các giải pháp khôi phục kinh tế, sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội để người dân an tâm, tin tưởng vào công tác chỉ đạo điều hành, các giải pháp phòng, chống dịch của chính quyền, khích lệ tinh thần lạc quan, đẩy mạnh khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh;

- Cải tạo, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị kết nối đến toàn bộ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đảm bảo thông tin thông suốt từ tỉnh đến cơ sở;

- Đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và tham gia hiệu quả vào quá trình phục hồi và tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất; từng bước chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần truyền thống sang số hóa như: thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy các nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và y tế;

- Kết nối, tổ chức cho doanh nghiệp tham gia các buổi hội thảo, tập huấn trực tuyến về chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi số, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số phù hợp với tình hình dịch bệnh;

- Tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin - điện tử - bưu chính - viễn thông đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển mở rộng mạng lưới, hạ tầng và dịch vụ công nghệ thông tin - truyền thông, bưu chính chuyển phát để phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong tình hình mới.

c) Chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông

3. Lĩnh vực giao thông vận tải:

a) Nhiệm vụ

- Phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan ban hành hướng dẫn về hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Trung ương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, liên tỉnh bằng xe ô tô nhằm tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố và khu vực; kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách; góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Hướng dẫn tổ chức giao thông vận tải bằng đường bộ, đường thủy cho các đơn vi vận tải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đồng thời triển khai hướng dẫn cho các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh cấp giấy nhận diện phương tiện thông qua mã QR code được thực hiện tự động trên phần mềm (không qua phê duyệt của Sở Giao thông vận tải) đường links https://vantai.drvn.gov.vn đến các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân tham gia vận tải hành khách công cộng (kể cả xe dịch vụ) phải có mã QRcode trên từng các phương tiện để hành khách thực hiện quét mã QRCode khi sử dụng dịch vụ."

- Tiếp tục cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh và thông báo hướng dẫn từ Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam để kịp thời thông tin đến các đơn vị kinh doanh vận tải xây dựng, cập nhật kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp;

b) Giải pháp

- Khuyến khích hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường thủy trong tình hình mới hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, giảm tải cho đường bộ nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động vận chuyển nguyên liệu, vật tư, trang thiết bị phục vụ cho các công trình xây dựng, xưởng sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh;

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố khác tổ chức lại hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh, liên tỉnh bằng xe ô tô phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch

- Phối hợp với Công an tỉnh thường xuyên duy trì hoạt động tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19 gắn với bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

- Tiếp tục thực hiện triển khai quét mã QRCode tại các bến tàu, bến xe, hợp tác xã vận tải, các xe vận tải, xe khách công cộng, xe dịch vụ, xe hợp đồng...để quản lý ra/vào (lên/xuống xe) giúp công tác truy vết thuận lợi.

c) Chủ trì thực hiện: Sở Giao thông vận tải

4. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp

a) Nhiệm vụ

- Xác định ngành nông nghiệp là “trụ đỡ” của tỉnh trong phục hồi và phát triển kinh tế trước, trong và sau Covid-19. Phát huy tối đa lợi thế của ngành nông nghiệp để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, bù đắp sự sụt giảm chỉ số tăng trưởng kinh tế;

- Xây dựng kịch bản, định hướng kế hoạch sản xuất Nông nghiệp triển khai tới cấp xã đáp ứng 04 yếu tố: (1) sản xuất theo chuỗi ngành hàng trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19; (2) thích ứng với biến đổi khí hậu; (3) đáp ứng theo yêu cầu thị trường, và (4) đảm bảo kết nối tiêu thụ;

- Tập trung triển khai nhanh dự án, chương trình phát triển vùng nguyên liệu ổn định và mô hình liên kết tiêu thụ, phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững gắn doanh nghiệp đảm bảo sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra được tiêu thụ;

- Thống kê, đánh giá cụ thể về diện tích trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản thích ứng với diễn biến nguy cơ của dịch Covid-19 gắn với từng vùng theo địa giới hành chính hoặc theo khu vực, hạn chế và khắc phục tình trạng phải giải cứu nông sản;

- Triển khai thực hiện Kế hoạch sản xuất ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang trong tình hình dịch Covid-19. Giải quyết tiêu thụ nhanh lượng hàng nông, thủy sản ứ đọng (nếu có) do tác động của dịch bệnh.

b) Giải pháp

- Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của ngành và phấn đấu thực hiện đạt hoặc vượt kế hoạch đã đề ra; kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; rà soát, chuẩn bị các điều kiện, phương tiện cần thiết, xây dựng các phương án để sẵn sàng ứng phó với thiên tai, dịch bệnh

- Chuyển mạnh chăn nuôi sang hình thức trang trại, tăng cường tính liên kết giữa các gia trại vào tổ hợp tác hoặc hợp tác xã. Kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường; tập trung nguồn lực ngăn chặn sự lây lan, phát tán dịch bệnh; không để tái nhiễm dịch tả lợn Châu Phi.

- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ giống (cây trồng, vật nuôi, thủy sản) cho nông dân để khôi phục sản xuất tại các địa phương theo Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21/09/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

- Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trước mắt tập trung vào một số mặt hàng đang có nhu cầu lớn, giá trị cao để thu hút đầu tư.

- Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu trong đại dịch trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng cơ sở dữ liệu về sản xuất Nông nghiệp và ứng dụng công nghệ thực hiện kiểm soát, kiểm tra đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ tổ chức cá nhân cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm Nông nghiệp của tỉnh để thúc đẩy hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

c) Chủ trì thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

5. Lĩnh vực công nghiệp

5.1. Đối với các hoạt động sản xuất, chế biến nằm ngoài khu công nghiệp, các khu chức năng của khu kinh tế

a) Nhiệm vụ

- Hướng dẫn cơ sở sản xuất xây dựng Kế hoạch và phương án xử trí khi có trường hợp nghi mắc hoặc mắc COVID-19 tại nơi sản xuất tương ứng với từng cấp độ dịch gửi Sở Công thương và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt cơ sở để kiểm tra, giám sát;

- Khuyến khích trao quyền tự chủ cho đơn vị sản xuất, kinh doanh áp dụng linh hoạt và triển khai các mô hình sản xuất phù hợp của đơn vị trong điều kiện thực tế và chịu trách nhiệm về các yêu cầu kiểm soát an toàn phòng chống dịch và có phương án, kịch bản ứng phó tình trạng khẩn cấp theo quy định;

- Rà soát, thống kê các doanh nghiệp/nhà máy/cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp, các khu chức năng của khu kinh tế để nắm bắt nhu cầu tái sản xuất, nhu cầu nguyên liệu đầu vào, số lượng, chủng loại sản phẩm đầu ra để xây dựng kế hoạch cung ứng và tiêu thụ phù hợp;

- Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tái sản xuất, ổn định hoạt động trong điều kiện đảm bảo kiểm soát an toàn dịch Covid-19.

b) Giải pháp

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp chế biến và địa phương xây dựng kế hoạch thu mua nguyên liệu và sản xuất, đảm bảo cung ứng đầy đủ nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến hoạt động ổn định, phù hợp với năng lực sản xuất;

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư và triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp, các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ.

- Tiếp tục thực hiện triển khai quét mã QRCode tại các đơn vị/cơ sở doanh nghiệp để quản lý và hỗ trợ truy vết khi phát hiện trường hợp F0, F1...

c) Chủ trì thực hiện: Sở Công thương

5.2. Đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến trong các khu công nghiệp, khu chức năng khu kinh tế cửa khẩu

Ngoài các nội dung và giải pháp như vừa được nêu tại Mục 5.1 còn thực hiện các nội dung và giải pháp sau:

a) Nhiệm vụ

- Hướng dẫn cơ sở sản xuất xây dựng Kế hoạch và phương án xử trí khi có trường hợp nghi mắc hoặc mắc COVID-19 tương ứng với từng cấp độ dịch gửi Ban Quản lý khu kinh tế và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt cơ sở để kiểm tra, giám sát đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt các nội dung và phương án phòng, chống dịch.

- Tổ chức khảo sát, đánh giá toàn diện tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp và khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu để đề xuất các giải pháp hỗ trợ, phục hồi sản xuất, kinh doanh;

- Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu chức năng khu kinh tế cửa khẩu tổ chức lại sản xuất, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo các điều kiện và tiêu chí về an toàn phòng chống dịch Covid-19.

- Giải quyết kịp thời, nhanh chóng về thủ tục hành chính, cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động;

b) Giải pháp

- Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Công Thương, UBND huyện, thị xã, thành phố động phối hợp với các doanh nghiệp khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp và khu chức năng khu kinh tế cửa khẩu theo quy định và cho phép các doanh nghiệp sớm hoạt động nếu kế hoạch và phương án sản xuất, kinh doanh đã đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 theo quy định;

- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kế hoạch và phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo an toàn, không để xảy ra dịch bệnh, bùng phát, lây lan trong các khu công nghiệp và khu chức năng khu kinh tế cửa khẩu làm gián đoạn sản xuất, nhất là đối với các doanh nghiệp đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh;

- Thành lập và củng cố bộ phận y tế trong doanh nghiệp theo quy định Luật An toàn, vệ sinh lao động và Nghị định số 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động, thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình an toàn dịch bệnh bộ phận y tế và cán bộ đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Ban Quản lý khu kinh tế và hoặc UBND huyện, thị xã, thành phố);

 - Phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét trình UBND tỉnh quyết định giảm mức phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh (nếu có) cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có hoạt động xuất, nhập khẩu theo tình hình thực tế của dịch Covid-19 và lùi thời gian bắt đầu thu phí tại khu vực cửa khẩu đối với địa phương chưa thực hiện thu phí để hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh;

- Tiếp tục bắt buộc thực hiện triển khai quét mã QRCode tại các đơn vị/cơ sở doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, các khu chức năng của khu kinh tế để quản lý và hỗ trợ truy vết khi phát hiện trường hợp F0, F1...

c) Chủ trì thực hiện: Ban Quản lý Khu kinh tế

6. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ

6.1. Thương mại nội địa

a) Nhiệm vụ

- Hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ (siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, chợ đầu mối…) trên địa bàn tỉnh An Giang hoạt động theo nguyên tắc vừa phòng, dịch hiệu quả, vừa đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy;

- Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh việc ứng dụng và thực hiện đa dạng hóa các phương thức kinh doanh như: thương mại điện tử, thương mại điện tử kết hợp với các loại hình thương mại truyền thống;

- Tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Chương trình bình ổn thị trường” đưa hàng hoá, dịch vụ đến các khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, các địa bàn nông thôn, miền núi…;

b) Giải pháp

- Hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung ứng hàng hóa (siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, chợ đầu mối) trên địa bàn tỉnh An Giang hoạt động trên nguyên tắc vừa phòng dịch, vừa đảm bảo khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, gây hoang mang dư luận và tăng giá bất hợp lý. Tiếp tục hướng dẫn, phối hợp các ngành, địa phương và doanh nghiệp thực hiện phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng; Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát thị trường chống hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, đẩy giá;…

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh An Giang; Hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử (Lazada, Shopee, Tiki, Postmart, Voso,....). Hỗ trợ doanh nghiệp/CSSX tham gia Tuần lễ khuyến mại mua sắm online trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

- Tiếp tục triển khai các hoạt động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng dịch mua hàng trực tuyến, thanh toàn không dùng tiền mặt. Khuyến khích doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh nông nghiệp đổi mới phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và tăng cường ứng dụng thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt.

- Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt nam” giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở phát triển thị trường nội địa, ưu tiên hàng hóa nông sản tỉnh An Giang được ban hành kèm theo Quyết định số 2231/QĐ-UBND ngày 28/9/2021 của UBND tỉnh nhằm giải quyết đầu ra, tạo nguồn thu cho ngân sách.

- Hỗ trợ doanh nghiệp/cơ sở sản xuất/ hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử (Lazada, Shopee, Tiki, Postmart, Voso....), kết nối giao thương với các hệ thống siêu thị lớn thông qua nền tảng kỹ thuật số; Hỗ trợ tham gia Tuần lễ khuyến mại mua sắm online trên sàn giao dịch thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp và đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ, kịp thời trong tình hình dịch bệnh;

- Phối hợp ngành Nông nghiệp triển khai thực hiện Kế hoạch sản xuất Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai Kế hoạch liên ngành hỗ trợ người dân trong quá trình thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục bắt buộc thực hiện triển khai quét mã QRCode tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống để hỗ trợ truy vết khi phát hiện trường hợp F0, F1..."

c) Chủ trì thực hiện: Sở Công thương

6.2. Xuất khẩu, thương mại biên giới

a) Nhiệm vụ

- Tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, nhất là đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh;

- Tổ chức hội nghị đối thoại trực tuyến (hoặc trực tiếp) giữa Sở Công thương, các cơ quan liên quan với Doanh nghiệp để bàn giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời nắm bắt khó khăn để đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

- Chủ động làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổ công tác 970) đề nghị hỗ trợ tỉnh An Giang mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước EU vừa ký Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA, RCEP, EKVFTA,… tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của nước nhập khẩu, các cam kết về thuế,… thông tin đến doanh nghiệp của tỉnh tham khảo, nghiên cứu đưa vào kế hoạch xúc tiến thương mại của đơn vị;

- Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu; khai thác tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm giới thiệu, quảng bá và xúc tiến xuất khẩu cho những nhóm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh của tỉnh (lúa, cá tra, cây ăn trái, củ quả đã qua sơ chế); kết nối các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong tỉnh với các sàn thương mại điện tử nước ngoài (Amazon, Ebay, Alibaba, Walmart…)

- Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh An Giang, vừa đảm bảo việc lưu thông hàng hóa, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu trong tỉnh An Giang;

- Đảm bảo bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thông quan nhanh chóng, liên tục, an toàn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu cho công tác phòng, chống dịch, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vắc xin,….

- Tiếp tục kết nối với các Tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan xúc tiến, cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam rà soát thị trường, tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của nước nhập khẩu, các cam kết về thuế…

b) Giải pháp

- Chủ động phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ thị trường thuộc Bộ Công Thương thực hiện kết nối thương mại trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa và nông sản của tỉnh.

- Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua nông, thủy sản của nông dân để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký trước. Tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước;

- Tăng cường triển khai đa dạng các giải pháp ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin, kỹ thuật số để hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xử lý các chứng từ, thủ tục thông cho công tác xuất nhập khẩu hàng hóa, thiết bị, vật tư ... trên hệ thống điện tử; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các danh mục hàng hóa được cho phép theo quy định ... đảm bảo thông quan nhanh, không làm ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu.

- Chủ động liên hệ Cục Xúc tiến thương mại nghiên cứu triển khai chuỗi gian hàng của các doanh nghiệp tỉnh An Giang theo mô hình "Triển lãm từ xa" tại các hội chợ triển lãm có quy mô lớn và uy tín. Ưu tiên các doanh nghiệp thuộc ngành hàng nông sản, thực phẩm chế biến.

- Theo dõi diễn biến tình hình của dịch bệnh, kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế của từng quốc gia cụ thể và nhu cầu hợp tác kinh tế của tỉnh, kịp thời thông tin, tham mưu các kế hoạch, lộ trình nối lại hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước.

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh An Giang đảm bảo việc lưu thông trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Chủ động, phối hợp các cơ quan liên quan để theo dõi kịp thời diễn biến giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục hỗ trợ địa phương huyện biên giới đẩy mạnh hoạt động giao thương hàng hoá qua biên giới, phát triển kinh tế biên mậu.

c) Chủ trì thực hiện: Sở Công thương

7. Lĩnh vực du lịch:

a) Nhiệm vụ

- Khẩn trương hướng dẫn cơ sở kinh doanh du lịch, cơ sở lưu trú du lịch xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch covid-19 và phương án xử trí khi có trường hợp nghi mắc hoặc mắc COVID-19, có cam kết và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại đơn vị gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND cấp huyện nơi đặt cơ sở để theo dõi, giám sát dựa trên từng cấp độ dịch theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Y tế;

 - Xác định du lịch nội địa (nội tỉnh) với các hình thức du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh là chủ đạo trong cơ cấu du lịch trong bối cảnh chưa có khả năng mở cửa với thị trường quốc tế và khu vực.

- Sớm khôi phục lại hoạt động kinh doanh du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch, địa điểm tham quan có ban quản lý hoặc có đơn vị tổ chức quản lý, cơ sở lưu trú du lịch sau khi đã có Kế hoạch và phương án đảm bảo an toàn, kiểm soát dịch bệnh gửi các cơ quan có thẩm quyền;

- Hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, chương trình truyền thông “Du lịch Việt Nam an toàn”.

- Phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh du lịch; nghiên cứu, đề xuất và áp dụng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch bị tác động, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo quy định của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương

- Triển khai các hệ thống du lịch thông minh, cung cấp thông tin du lịch,…

b) Giải pháp

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch tỉnh An Giang dựa trên nguồn khách hàng nội tỉnh (An Giang) và khu vực (ĐBSCL) kết nối các điểm bán sản phẩm OCOP, khai thác các tuyến liên kết theo trục đường bộ.;

- Phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Báo An Giang quảng bá các sự kiện văn hóa, thể thao của tỉnh với thông điệp “An Giang điểm đến an toàn thân thiện”. Khuyến khích người dân trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động du lịch nếu đã đủ điều kiện về chuyên môn y tế như: vắc xin, xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Chủ động xây dựng các kịch bản và chuẩn bị chu đáo điều kiện để triển khai ngay các gói kích cầu du lịch nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế ngay sau khi kiểm soát được tình hình đại dịch Covid-19 và được phép mở cửa đón khách du lịch trở lại.

- Đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch, cung cấp những kiến thức cơ bản về ứng phó, thích ứng với dịch bệnh để phát triển du lịch trong tình hình mới, giữ chân lực lượng này để sẵn sàng kích hoạt lại hoạt động du lịch tương ứng với từng cấp độ dịch;

- Tiếp tục thực hiện triển khai mã QRCode tại các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn, nhà trọ.... để quản lý du khách vào/ra tại địa điểm và hỗ trợ truy vết khi cần thiết.

c) Chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

8. Lĩnh vực về đầu tư (huy động và giải phóng nguồn lực đầu tư)

8.1. Đầu tư công

a) Nhiệm vụ

- Khẩn trương hướng dẫn các nhà thầu thi công xây dựng Kế hoạch và phương án xử trí khi có trường hợp nghi mắc hoặc mắc COVID-19 tại công trường trình Chủ đầu tư phê duyệt dựa trên từng cấp độ dịch sau khi có ý kiến của cơ quan y tế cấp huyện nơi có dự án, công trình theo quy định Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và Bộ Y tế;

- Xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt trên 70% kế hoạch được giao;

- Các Chủ đầu tư tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, đôn đốc, phối hợp với các nhà thầu tập trung nguồn nhân lực và máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu cho các dự án đã có mặt bằng sạch, không vướng các thủ tục đầu tư. Công tác tổ chức thi công công trình, triển khai dự án phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn, phòng chống dịch, gắn với bảo vệ sức khỏe và an toàn của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân và người lao động theo quy định của ngành và cơ quan y tế;

- Ủy ban nhân dân cấp huyện tập trung công tác thẩm định và phê duyệt các hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng theo phân cấp; đồng thời tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư đảm bảo phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư của các dự án trọng điểm, có tính động lực, tỉnh liên kết cao, các dự án thuộc hệ thống phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021-2025 của tỉnh;

b) Giải pháp

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt của chủ đầu tư, nhà thầu phù hợp với tình hình thực tế để giải ngân đạt tỉ lệ cao nhất có thể, vừa phải kịp tiến độ, vừa phải nâng cao chất lượng, hiệu quả của đầu tư công, siết chặt kỷ luật kỷ cương, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, chống lãng phí trong đầu tư công;

- Xác định các vướng mắc, khó khăn, xây dựng lộ trình cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng Sở, Ban, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh;

- Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công để đẩy mạnh hơn việc giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương;

- Rà soát, kiên quyết cắt giảm mạnh vốn đầu tư của các dự án chưa thật sự cấp bách hoặc các dự án còn gặp vướng mắc chưa thể triển khai đầu tư và giải ngân sớm sang các nhiệm vụ chi thường xuyên để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua các thách thức, khó khăn của dịch COVID-19;

- Kiểm soát giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát san lắp, cát xây dựng, sắt thép, hạn chế tình trạng điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư do điều chỉnh tổng mức đầu tư bị tác động bởi trượt giá;

- Các chủ đầu tư chủ động phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính; Kho bạc Nhà nước - Chi nhánh An Giang rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng ngân sách nhằm tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

c) Chủ trì thực hiện:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án đầu tư công;

- Sở Giao thông vận tải hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong các hoạt động thi công, xây dựng công trình giao thông để áp dụng trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;

- Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong các hoạt động thi công, xây dựng các công trình còn lại để áp dụng trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ Xây dựng và điểm a khoản 11 Mục VI của Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” ban hành kèm theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và quy định của Bộ Xây dựng;

- Các chủ đầu tư chịu trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ thi công thực hiện dự án;

8.2. Đầu tư kinh doanh ngoài ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp

a) Nhiệm vụ

- Tập trung hướng dẫn các nhà đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nghiên cứu dự án để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc nghiên cứu, lập dự án, phê duyệt quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư làm cơ sở triển khai thực hiện dự án;

- Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, công tác tạo quỹ đất, giải phóng mặt bằng…

- UBND huyện, thị xã, thành phố chủ động lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư trên địa bàn (không sử dụng vốn ngân sách) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư làm cơ sở để mời gọi nhà đầu tư thực hiện dự án, nhất là các dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị (trên 20ha hoặc trên 4.000 dân), các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực Y tế, Giáo dục....

- Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện rà soát, tổng hợp, phân nhóm các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, dịch vụ, vận tải, doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp vật liệu xây dựng... để lập phương án tháo gỡ, giải quyết kịp thời theo thẩm quyền hoặc đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp;

- Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 theo Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ và các chính sách khác sau khi Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương ban hành phù hợp với điều kiện và nguồn lực của tỉnh;

- Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư, trong đó vốn đầu tư công phải đóng vai trò dẫn dắt và kích hoạt đầu tư của mọi thành phần kinh tế, huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển.

b) Giải pháp

- Kịp thời tháo gỡ hoặc mạnh dạn tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc về các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, các thủ tục hành chính khác cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi triển khai dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh trên nguyên tắc “những quy định nào đã rõ, đã tương thích và được thực tiễn chứng minh là đúng, là phù hợp thì cần tiếp tục mạnh dạn áp dụng để tránh tình trạng thận trọng quá mức cần thiết làm xáo trộn môi trường đầu tư của tỉnh, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp, nhà đầu tư vốn đã bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Những quy định nào chưa rõ, còn chồng chéo, mâu thuẫn thì kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện”. Nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh không phù hợp với quy định của pháp luật.

- Sớm ban hành Đề án hoặc kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để thực hiện từ năm 2022 sau khi cân đối được nguồn lực;

- Tập trung tối đa nguồn lực tại địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các Tổ chức quốc tế để đầu tư và chuẩn bị tốt về điều kiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch, quy hoạch và tạo vùng nguyên liệu để hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư muốn đầu tư kinh doanh tại tỉnh An Giang.

- Khuyến khích phát triển khu công nghiệp theo mô hình mới đa chức năng, kết hợp khu đô thị, nhà ở công nhân, cơ sở y tế, trường học và các dịch vụ tiện ích khác phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, công nhân, người lao động khu công nghiệp, để công nhân sinh sống và làm việc tại chỗ, đảm bảo an toàn sản xuất của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp;

- Chuyển trọng tâm từ các biện pháp hỗ trợ sang cơ chế kích cầu, khuyến khích sản xuất, kinh doanh để phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế bị tổn hại do đại dịch bằng cách ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ một cách linh hoạt, sáng tạo và phù hợp;

- Loại bỏ triệt để tư duy quen biết, lợi ích nhóm, làm trong sạch bộ máy công quyền, tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch, công bằng cho tất cả nhà đầu tư;

- Trong từng khâu, từng công đoạn cần phải làm thật chắn chắn, khoa học, đồng bộ có sự phối hợp chặt chẽ, liên thông giữa các cấp, các ngành và địa phương nhằm đem đến nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh mới hơn, tốt hơn cho nhà đầu tư;

c) Chủ trì thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư

9. Lĩnh vực tài chính - tín dụng - thuế

9.1. Tài chính công - thuế

a) Nhiệm vụ

- Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu, phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu, phân tích cụ thể các nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực, từ đó tổng hợp báo cáo kịp thời, đề xuất các giải pháp có hiệu quả, đảm bảo hoàn thành và phấn đấu đạt mức chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước hằng năm;

- Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19;

- Tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra đến từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế (NNT), tổng hợp mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách để kịp thời tham mưu đề xuất các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho NNT, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN. Đồng thời, qua đó có cơ sở đánh giá đúng khả năng phát sinh nguồn thu NSNN trên địa bàn tỉnh phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành thu NSNN các cấp;

- Triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế đối với các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 về miễn giảm thuế VAT, TNDN, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hoãn giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; các loại phí, lệ phí nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân như Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ; Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các chính sách khác.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế theo phương thức điện tử phù hợp trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế cải thiện, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh góp phần tăng thu cho NSNN;

- Tăng cường, khuyến khích các hình thức, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt;

b) Giải pháp

- Về thu ngân sách nhà nước:

Bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, Nghị quyết HĐND tỉnh và sự chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, triển khai đồng bộ các biện pháp, chống thất thu ngân sách. Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu, phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu, phân tích cụ thể các nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực, từ đó tổng hợp báo cáo kịp thời, đề xuất các giải pháp có hiệu quả. Trên cơ sở dự toán thu NSNN năm 2021 được HĐND tỉnh giao phấn đấu thu đạt và vượt dự toán thu được giao năm 2021. Chủ động xây dựng các kịch bản thu chi ngân sách Nhà nước trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19;

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh. Tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra đến từng ngành, lĩnh vực, từng NNT, tổng hợp mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách để kịp thời tham mưu đề xuất các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho NNT, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN. Đồng thời, qua đó có cơ sở đánh giá đúng khả năng phát sinh nguồn thu NSNN trên địa bàn phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành thu NSNN các cấp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế theo phương thức điện tử phù hợp trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế, không để xảy ra tình trạng DN lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của Nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế. Tập trung thanh tra, kiểm tra đối với DN có rủi ro cao về thuế, không để DN lợi dụng chủ trương hỗ trợ DN của Nhà nước để vi phạm pháp luật, đồng thời không gây phiền hà, sách nhiễu cho NNT.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát chủ động hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế cải thiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh góp phần tăng thu cho NSNN; khai thác tốt các nguồn thu về đất để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị.

- Về chi ngân sách địa phương:

Các địa phương chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên trong quá trình thực hiện; không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết;

Các địa phương chủ động sử dụng các nguồn lực hợp pháp của mình, cắt giảm các khoản chi thường xuyên không thật sự cần thiết để dành nguồn cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế;

Chủ động rà soát, giãn giảm các nhiệm vụ chi đầu tư chưa bức xúc để ưu tiên tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng chặt chẽ, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật về ngân sách, tài sản công, nhất là đất đai, trụ sở cơ quan... Triển khai phong trào tiết kiệm tại các cơ quan, đơn vị trong bối cảnh dịch Covid-19;

- Về quản lý thuế, phí, lệ phí:

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh Covid-19;

Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ chính sách pháp luật về thuế bằng nhiều hình thức cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh sớm phục hồi, trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh;

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hệ thống thuế, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh góp phần vào việc vừa thu hút đầu tư kinh doanh, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thuế. Tăng cường triển khai nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tích hợp các thủ tục hành chính thuế trên cơ sở dữ liệu quốc gia, tại trụ sở cơ quan thuế các cấp và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục thuế để doanh nghiệp, người nộp thuế dễ dàng tra cứu và thực hiện;

Đẩy mạnh thực hiện điện tử hóa tối đa ở tất cả các khâu quản lý thuế, từ khâu đăng ký, kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, đảm bảo hệ thống thông tin thông suốt 24/7 nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế tiếp cận các quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế ngay trên Cổng thông tin điện tử như các quyền: tiếp cận thông tin, được hỗ trợ giải đáp vướng mắc, khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục khai, nộp, hoàn thuế, đề nghị gia hạn thuế và các quyền khác có liên quan đến thuế;

Tập trung tuyên truyền, hỗ trợ cho người nộp thuế về chính sách hỗ trợ của Nhà nước để doanh nghiệp, người dân được tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hiểu và thực hiện đúng các chính sách, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người dân; giải quyết kịp thời các trường hợp đề nghị miễn, giảm, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và gia hạn thuế của các hộ cá nhân kinh doanh, giảm tiền thuê đất, hướng dẫn hạch toán các khoản đóng góp ủng hộ trong các hoạt động chống dịch Covid-19 vào chi phí hợp lý được khấu trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ khác theo hướng dẫn, quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục thuế;

Phối hợp với các Sở, Ngành liên quan giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc các thủ tục đối với các dự án liên quan đến đất đai, tài nguyên, khoáng sản,… Rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu cho NSNN như thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản và thu khác để đôn đốc thu kịp thời vào ngân sách, bù đắp các khoản hụt thu do ảnh hưởng của dịch Covid-19;

Triển khai các giải pháp hiệu quả để khai thác tăng thu từ các nguồn thu tiềm năng, các nguồn thu mới như: lĩnh vực hoạt động thương mại điện tử, hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng số đối với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh,…

Xây dựng chương trình, kế hoạch và các giải pháp để triển khai thành công hóa đơn điện tử, góp phần tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, đồng thời góp phần tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Giới thiệu áp dụng các giải pháp thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt;

c) Chủ trì thực hiện:

- Sở Tài chính đối với lĩnh vực quản lý và sử dụng ngân sách;

- Cục thuế tỉnh đối với lĩnh lực thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước;

9.2. Tài chính ngân hàng, tín dụng

a) Nhiệm vụ

- Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh tỉnh An Giang chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: đơn giản hóa thủ tục, điều kiện tiếp cận tín dụng, tăng mức cho vay phục vụ nhu cầu sản xuất, mua sắm đổi mới trang thiết bị, máy móc, công nghệ phục vụ tái sản xuất

- Chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, vận tải, sản xuất chế biến, xuất nhập khẩu…

- Thực hiện tốt các giải pháp tiền tệ, tín dụng theo tinh thần chỉ đạo và chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng nhà nước.

b) Giải pháp

- Tổ chức triển khai thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13 tháng 3 năm 2020, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02 tháng 4 năm 2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07 tháng 9 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương

- Đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình bình ổn giá; nắm bắt thông tin tình hình khó khăn doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương.

- Chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi, miễn/giảm mức phí khi thanh toán/chuyển khoản để khuyến khích người dân mở tài khoản thực hiện thanh toán học phí, viện phí; hóa đơn điện, nước; cước phí internet; truyền hình cáp, mua hàng hóa tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

- Tiếp tục bắt buộc thực hiện triển khai quét mã QRCode tại các máy ATM để hỗ trợ truy vết khi cần thiết.

c) Chủ trì thực hiện: Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh An Giang

10. Lĩnh vực khoa học và công nghệ

a) Nhiệm vụ

- Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ phục vụ bảo quản, chế biến nông sản, chế biến sâu thực phẩm, chăm sóc sức khỏe

- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương hướng dẫn, triển khai quy định hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các tổ chức và cá nhân thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, ưu tiên sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp.

- Nâng cao năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Mạng lưới kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ SME (Small and Medium Enterprise) Việt Nam.

b) Giải pháp

- Tổ chức tập huấn và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, áp dụng các công cụ cải tiến năng suất xuất (5S, Kaizen, COQ, IE, KPIs…) trên cơ sở các nguồn lực hiện có của doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất;

- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với các quy chuẩn của thị trường xuất khẩu.

- Phối hợp Sở Công thương xây dựng chuyên mục hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Technical Barriers to Trade - TBT) và hệ thống quản lý thông tin tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh hoạt động của sàn giao dịch công nghệ, phổ biến bản tin khoa học công nghệ của tỉnh.

- Phối hợp Tỉnh đoàn An Giang tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp” theo hình thức trực tuyến nhằm lựa chọn các ý tưởng khởi nghiệp có tính khả thi để hỗ trợ công nghệ, tư vấn xây dựng thương hiệu. Phổ biến chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh đến tất cả cá nhân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

c) Chủ trì thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ

11. Lĩnh vực an sinh xã hội

a) Nhiệm vụ

- Đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ, Nghị quyết 126/NQ-Cp ngày 08/10/2021 về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch 437/KH-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2021 của UBND tỉnh; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các đối tượng hỗ trợ;

- Thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đúng thời gian; đúng chế độ, đúng đối tượng đảm bảo không bị gián đoạn do dịch bệnh;

- Thu thập thông tin cung cầu lao động, kịp thời nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề;

- Quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại địa phương thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc trong các khu công nghiệp, các khu chức năng của khu kinh tế, các cơ sở sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp;

- Chủ động xây dựng phương án hỗ trợ và giải quyết việc làm cho người lao động từ các địa phương khác trở về tỉnh An Giang góp phần đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn, an sinh xã hội;

- Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người lao động tại các khu vực đang thực hiện giãn cách để đề xuất giải pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp.

b) Giải pháp

- Tiếp tục nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ cho người lao động làm việc, vượt qua khó khăn, thách thức;

- Tổ chức thực hiện thu thập, cập nhật thông tin Cung - Cầu lao động hằng năm, kịp thời kết nối doanh nghiệp và người lao động;

- Tổ chức triển khai kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; đào tạo nâng cao tay nghề, đào tạo lại lao động gắn với nhu cầu của thị trường lao động địa phương; ưu tiên đào tạo, đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hỗ trợ người lao động thích ứng với các điều kiện, hoàn cảnh thay đổi trong điều kiện dịch bệnh;

- Kịp thời giải quyết tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp được chuyển đổi nghề nghiệp. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường các phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố để kết nối việc làm giữa người lao động với doanh nghiệp được thuận lợi;

- Tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc tại địa phương, rà soát toàn bộ các cơ sở, doanh nghiệp đang sử dụng lao động là người nước ngoài tại địa phương. Áp dụng thống nhất quy định cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Kiên quyết không để sót, để lọt người nhập cảnh trái phép lao động trong cơ sở, doanh nghiệp; kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc tại địa phương đúng quy định.

- Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì thực hiện chính sách hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” theo quy định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam;

- Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai thực hiện việc hỗ trợ cho doanh nghiệp được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn và đoàn viên công đoàn được miễn đóng đoàn phí theo các văn bản quy định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam;

c) Chủ trì thực hiện: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

12. Lĩnh vực quản lý nhà nước

a) Nhiệm vụ

- Tập trung các nguồn lực để triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác phòng, chống dịch nhằm sớm đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường mới. Hạn chế các cuộc họp, hội nghị chưa cần thiết để tập trung cho công tác phòng, chống dịch và giải quyết các công việc thường xuyên, cấp bách của cơ quan, đơn vị;

- Tổ chức phương án làm việc phù hợp đảm bảo kiểm soát an toàn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị theo phương châm 3 sẵn sàng (chủ động tham mưu, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương), bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không để chậm trễ nhất là các công việc có thời hạn, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp…

- Xây dựng cho được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức có tư duy đổi mới, sáng tạo, nhạy bén với thời cuộc; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có Tâm, có Tầm và có nhân cách khát vọng để xây dựng An Giang ngày càng phát triển, thịnh vượng, bay cao và vươn xa sau đại dịch Covid-19;

- Tiếp tục cải tiến quy trình thực hiện các TTHC liên thông, rút ngắn trình tự, thời hạn thực hiện TTHC; xây dựng video đồ họa hướng dẫn TTHC; đồng thời đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, dịch vụ bưu chính công ích trong việc thực hiện TTHC...

- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả, cắt giảm các loại giấy tờ, thủ tục không cần thiết, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân;

b) Giải pháp

- Phát động phong trào thi đua trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Vận động các cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội.

- Phát huy tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường trong cuộc chiến chống Covid-19, tăng cường đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI.

c) Chủ trì thực hiện: Sở Nội vụ

13. Lĩnh vực Ngoại vụ

a) Nhiệm vụ

- Tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác với các cơ quan ngoại giao, lãnh sự các nước có mối quan hệ hợp tác với tỉnh thông qua nhiều hình thức hợp tác phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh.

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối địa phương, doanh nghiệp xúc tiến kinh tế đối ngoại thích ứng với kịch bản chung sống an toàn với dịch Covid-19.

b) Giải pháp

- Tham mưu UBND tỉnh trong vòng 03 ngày kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc doanh nghiệp, kèm theo danh sách nhập cảnh vào Việt Nam phải có văn bản trả lời

- Hướng dẫn các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật được nhập cảnh phải thực hiện việc cách ly tập trung dưới sự giám sát của chính quyền, cơ quan y tế nơi tổ chức cách ly và phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam thực hiện công tác lãnh sự khi phát sinh nhu cầu

c) Chủ trì thực hiện: Sở Ngoại vụ

14. Lĩnh vực an ninh trật tự

a) Nhiệm vụ

- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh trật tự trong thời gian dịch bệnh, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống với phương châm “Giữ ổn định chính trị xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm yên dân, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân; không để xảy ra bất ổn chính trị - xã hội, tuyệt đối không để xảy ra xung đột xã hội” để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;

- Công an xã, phường, thị trấn và khu vực tăng cường công tác nắm hộ, nắm người; bám cơ sở, bám dân để tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tất cả các cấp độ, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền hỗ trợ, đảm bảo đời sống của nhân dân…;

- Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tập trung trấn áp tội phạm có tổ chức liên quan đến "tín dụng đen", lợi dụng những thời điểm khó khăn do dịch bệnh để cho vay nặng lãi và thực hiện hành vi phạm tội khác;

- Điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách phòng, chống dịch COVID-19 và việc quyên góp, ủng hộ của nhân dân để trục lợi, các vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19...

- Ứng dụng các giải pháp công nghệ trong quản lý trật tự, an toàn giao thông;

b) Giải pháp

- Công an tỉnh phối hợp Sở Thông tin và truyền thông và các đơn vị có liên quan kịp thời rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tung tin giả, xuyên tạc, không đúng sự thật trên không gian mạng liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Công an tỉnh tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập cơ sở cách ly, điều trị cho bị can, phạm nhân tại các cơ sở tạm giam; thực hiện đúng, đủ, công khai, minh bạch chế độ chính sách cho cán bộ, chiến sỹ tham gia công tác phòng, chống dịch.

- Phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố điều chỉnh, bổ sung, cập nhật các Kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 cho phù hợp với từng cấp độ dịch bệnh; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, phát huy các mặt tích cực, kết quả đạt được để bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.

- Ứng dụng, khai thác triệt để hệ thống camera trong quản lý trật tự, an toàn giao thông.

- Tiếp tục thực hiện triển khai mã QRCode tại các cơ sở do đơn vị quản lý và hỗ trợ truy vết khi cần.

c) Chủ trì thực hiện: Công an tỉnh

VII. ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP, CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH

Đề nghị mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ nêu cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường có sự hỗ trợ của nhà nước, tự chịu trách nhiệm trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo kiểm soát an toàn, phòng chống dịch hiệu quả, cụ thể như sau:

- Chủ động xây dựng Kế hoạch và phương án xử trí khi có trường hợp nghi mắc hoặc mắc COVID-19 tại nơi sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan quản lý chuyên ngành, lĩnh vực và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh để kiểm tra, giám sát tương ứng với từng cấp độ dịch, đồng thời chịu trách nhiệm cam kết tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch và phương án đó;

- Việc tổ chức sản xuất cần có lộ trình từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao phù hợp với điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo tính khả thi, an toàn, bền vững.

- Có sự cam kết với cơ quan nhà nước nếu để xảy ra rủi ro dịch bệnh do yếu tố chủ quan. Thiết lập hệ thống y tế tại cơ sở gồm 3 trụ cột: 1) Xây dựng hệ thống cảnh báo rủi ro y tế; 2) Xét nghiệm; 3) Thành lập bộ phận y tế cơ sở theo dõi sức khỏe người lao động. Kịp thời trao đổi thông tin 2 chiều giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý các rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động.

VIII. KIỂM TRA, GIÁM SÁT

1. Quan điểm chỉ đạo

Việc triển khai các nội dung và giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải được kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục đảm bảo công tác phối hợp được chặt chẽ, nhịp nhàng, các nội dung và giải pháp phải được thực hiện đồng bộ cả về không quan và thời gian nhằm đảm bảo thực hiện kế hoạch một cách sớm nhất, hiệu quả nhất.

Trong từng khâu, từng công đoạn, từng nội dung, từng lĩnh vực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ được giao cho 01 cơ quan, đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy và UBND tỉnh về nội dung đó. Đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, linh hoạt, sáng tạo các nội dung và giải pháp phục hồi kinh tế.

2. Phân công thực hiện

2.1. Văn phòng UBND tỉnh: Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch này, báo cáo đề xuất kịp thời cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phục hồi, phát triển kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang (theo Quyết định số 2316/QĐ-UBND ngày 11/10/2021 của UBND tỉnh).

2.2. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các Sở, Ban, ngành thực hiện các nội dung kiểm tra, giám sát như sau:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh kiểm tra, giám sát toàn diện các nội dung, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế đã giao cho các Sở, Ban, ngành chủ trì thực hiện tại Kế hoạch này;

- Sở Tài chính thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các tập thể và cá nhân vi phạm pháp luật trong công tác thu chi ngân sách nhà nước.

- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về y tế, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, thực phẩm nhập khẩu có nguy cơ lây nhiễm Covid-19; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thuốc, hóa chất, thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch; các cơ sở khám chữa bệnh;

- Sở Giao thông vận tải phối hợp Công an tỉnh triển khai kiểm tra, kiểm soát các hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh đảm bảo yêu cầu về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả;

- Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh, cơ quan y tế cấp huyện kiểm tra việc thực hiện kế hoạch và phương án sản xuất, kiểm soát an toàn dịch bệnh tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, các khu chức năng của khu kinh tế; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành theo quy định pháp luật về phòng chống dịch Covid -19;

- Sở Công thương chủ trì phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh, cơ quan y tế cấp huyện kiểm tra việc thực hiện kế hoạch và phương án sản xuất, kiểm soát an toàn dịch bệnh tại các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, các khu chức năng khu kinh tế; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành theo quy định pháp luật về phòng chống dịch Covid -19;

- Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương duy trì hoạt động tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19 gắn với bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phòng chống, trấn áp tội phạm;

- Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường quản lý địa bàn, giám sát thị trường, kiểm soát chặt hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa. Chủ trì hoặc phối kết hợp kịp thời với các lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý các điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; gian lận thương mại; tập trung kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng đang được dư luận xã hội quan tâm (xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lương thực, nhóm hàng hóa thiết yếu đối với sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân), đặc biệt là các vi phạm liên quan đến quy định về giá, bình ổn giá (như không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý, gian lận về giá…). Có giải pháp giám sát hiệu quả các loại hình kinh doanh thương mại mới như: thương mại điện tử, kinh doanh trên không gian mạng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Ngoài các nội dung đã nêu trên, các Sở, Ban ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn xây dựng Kế hoạch thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát gắn với chuyên môn riêng của từng ngành, lĩnh vực, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp, báo cáo Thường trực UBND tỉnh.

2.3. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

- Khẩn trương quán triệt đầy đủ nội dung của Kế hoạch này đến từng địa bàn xã, phường, thị trấn, khu dân cư để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và giám sát các hoạt động nêu trên trên địa bàn quản lý.

 - Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định phòng chống dịch của người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… trên địa bàn.

- Chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ, giải pháp từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, đồng thời giám sát, thực hiện công tác phòng chống dịch theo từng địa bàn, từng mức độ nguy cơ.

IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo phục hồi, phát triển kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo toàn diện việc triển khai thực hiện Kế hoạch này.

2. Các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh tùy theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chi tiết cho từng ngành, lĩnh vực được phân công với mục tiêu, giải pháp cụ thể, đồng thời lồng ghép nội dung kiểm tra, giám sát như nêu tại Mục VIII (nếu có). Thời gian hoàn thành trước ngày 26/11/2021 gửi về UBND tỉnh và Tổ phục hồi, phát triển kinh tế (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để cho ý kiến trước khi phê duyệt và triển khai thực hiện.

Sau khi Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chi tiết cho từng ngành, lĩnh vực được cấp thẩm quyền phê duyệt, cơ quan nào được giao chủ trì xây dựng kế hoạch đó thì tiếp tục theo dõi, kiểm tra tiến độ, báo cáo định kỳ hàng tháng (trước ngày 15 hàng tháng), kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Tổ phục hồi, phát triển kinh tế; trường hợp có vướng mắc thì báo cáo ngay để kịp thời có ý kiến chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh.

3. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

a) Khẩn trương quán triệt đầy đủ nội dung của Kế hoạch này đến từng địa bàn xã, phường, thị trấn, khu dân cư để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và giám sát các hoạt động nêu trên trên địa bàn quản lý;

b) Xây dựng kế hoạch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó quán triệt quan điểm sản xuất phải an toàn, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong sản xuất an toàn, phát huy tính chủ động, tự chủ và nêu cao tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân với cộng đồng, xã hội.

c) Chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ, giải pháp từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, đồng thời giám sát, thực hiện công tác phòng chống dịch trên địa bàn quản lý

4. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp:

Bên cạnh trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện Covid-19, đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tham gia xây dựng và tham vấn chính sách, chia sẻ, đồng hành với chính quyền, đồng thời tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để cùng với các Sở, Ban, ngành và địa phương bàn bạc giải pháp tháo gỡ hoặc đề xuất cấp thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả.

5. Các cấp chính quyền, các Sở, Ban ngành địa phương cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, cơ sở khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đồng hành, chia sẻ cùng với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tháo gỡ triệt để các rào cản, khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh an tâm sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định và phát triển;

6. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, Ban, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch này đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

7. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực, theo dõi tình hình thực hiện của các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh giải quyết các vấn đề phát sinh khi triển khai Kế hoạch này.

8. Giao Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch này, báo cáo đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo đề xuất UBND tỉnh và Tổ phục hồi, phát triển kinh tế (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để tổng hợp, tham mưu điều chỉnh bổ sung cho phù hợp./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

PHỤ LỤC

BIỆN PHÁP ÁP DỤNG THEO CẤP ĐỘ DỊCH ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ VÀ ĐI LẠI CỦA NGƯỜI DÂN
(Kèm theo Kế hoạch số 692/KH-UBND ngày 16/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

1. Đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp

STT

Hoạt động kinh tế - xã hội

Biện pháp áp dụng đối với từng cấp độ dịch

Điều kiện khác/Ghi chú

Cấp 1

Cấp 2

Cấp 3

Cấp 4

1

Tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch

Không hạn chế số người

Hạn chế, có điều kiện

Không tổ chức/Hạn chế, có điều kiện

Không tổ chức/Hạn chế, có điều kiện

 

1.1

Tổ chức hoạt động tập trung trong nhà như: hội họp, tập huấn, hội thảo,…

Hoạt động bình thường, không hạn chế số người

Giảm 30% số người tham dự theo kế hoạch được duyệt hoặc giảm 30% sức chứa của nơi tổ chức

Giảm 50% số người tham dự theo kế hoạch được duyệt hoặc giảm 50% sức chứa của nơi tổ chức

Dừng hoạt động

Đơn vị tổ chức và người tham gia phải tuân thủ các điều kiện chuyên môn y tế như vắc xin, xét nghiệm, khử khuẩn, 5K theo hướng dẫn của ngành Y tế

1.2

Tổ chức hoạt động tập trung ngoài trời như: hội chợ, triển lãm, hội nghị-sự kiện kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm); đám cưới, đám tang…

Hoạt động bình thường, không hạn chế số người

Không quá 50 người/hoạt động tại 1 địa điểm

Không quá 20 người/hoạt động tại 1 địa điểm

Dừng hoạt động

Đơn vị tổ chức và người tham gia phải tuân thủ các điều kiện chuyên môn y tế như vắc xin, xét nghiệm, khử khuẩn, 5K theo hướng dẫn của ngành Y tế

2

Vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19

Hoạt động

Hoạt động/Hoạt động có điều kiện

Không hoạt động/Hoạt động hạn chế, có điều kiện

Không hoạt động/Hoạt động hạn chế, có điều kiện

Hoạt động theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải

2.1

Vận tải hành khách công cộng đường bộ

Hoạt động với tần suất bình thường, tuân thủ 5K

Hoạt động theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải

Sở Giao thông vận tải theo dõi, cập nhật và hướng dẫn chi tiết hoạt động này

2.2

Vận tải hành khách công cộng đường thủy nội địa

Hoạt động với tần suất bình thường, tuân thủ 5K

Hoạt động theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh

Sở Giao thông vận tải theo dõi, cập nhật và hướng dẫn chi tiết hoạt động này

3

Lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh

Hoạt động

Hoạt động

Hoạt động

Hoạt động

 

3.1

Hoạt động lưu thông vận chuyển hàng hóa, thi hài, chất thải nội tỉnh, liên tỉnh

Hoạt động theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch

Sở Giao thông vận tải theo dõi, cập nhật và hướng dẫn chi tiết hoạt động này

3.2

* Đối với Người vận chuyển hàng bằng xe máy sử dụng công nghệ có đăng ký (bao gồm nhân viên của doanh nghiệp bưu chính)

Hoạt động bình thường, phải tuân thủ các điều kiện chuyên môn y tế như vắc xin, xét nghiệm, khử khuẩn, 5K theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải

Giảm 70% số lượng người đăng ký tham gia lưu thông trong cùng một thời điểm.

 

4

Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

 

 

 

 

 

4.1.

Cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng

Hoạt động

Hoạt động

Hoạt động

Hoạt động

Phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

a

Cơ sở sản xuất

- Được phép hoạt động ở tất cả các cấp độ dịch (trừ khu vực phong tỏa) nhưng phải có Kế hoạch và phương án xử trí khi có trường hợp nghi mắc hoặc mắc COVID-19 tại nơi sản xuất dựa trên từng cấp độ dịch gửi cơ quan quản lý chuyên ngành, lĩnh vực và UBND cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất.

- Có cam kết và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19.

Tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động sản xuất phải tuân thủ các điều kiện chuyên môn y tế như vắc xin, xét nghiệm, 5K theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Bộ Công thương (nếu có)

b

Đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng

- Được phép hoạt động ở tất cả các cấp độ dịch (trừ khu vực phong tỏa) nhưng phải có Kế hoạch và phương án xử trí khi có trường hợp nghi mắc hoặc mắc COVID-19 tại công trường được Chủ đầu tư phê duyệt dựa trên từng cấp độ dịch sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan y tế cấp huyện nơi có dự án, công trình.

- Nhà thầu thi công phải có cam kết và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19.

Thực hiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải (đối với dự án, công trình giao thông), Bộ Xây dựng (đối với các dự án, công trình còn lại)

4.2

Cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối trừ các cơ sở quy định tại Điểm 4.3, 4.4

Được phép hoạt động nhưng người đứng đầu (chủ cơ sở) kinh doanh dịch vụ phải xây dựng Kế hoạch, có cam kết và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp an toàn, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19

Được hoạt động tối đa 50% công suất thiết kế (quầy, kiot) nhưng phải đảm bảo bố trí mật độ tối thiểu đủ 4m2/người tại một thời điểm giao dịch

Tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động giao dịch phải tuân thủ các điều kiện chuyên môn y tế như vắc xin, xét nghiệm, 5K theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Bộ Công thương (nếu có)

4.3

Nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống

Hoạt động

Hoạt động

Hoạt động

Hoạt động hạn chế

 

a

Nhà hàng/quán ăn

Được phép hoạt động nhưng chủ quán ăn/nhà hàng phải xây dựng Kế hoạch, có cam kết và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp an toàn, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh phù hợp với từng thời điểm và cấp độ dịch

Giảm 50% công suất (quy mô) phục vụ, nhưng phải đảm bảo bố trí mật độ tối thiểu đủ 4m2/người tại một thời điểm phục vụ

Tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động giao dịch phải tuân thủ các điều kiện chuyên môn y tế như vắc xin, xét nghiệm, 5K theo quy định của Bộ Y tế và UBND cấp huyện tùy theo từng cấp độ dịch

b

Chợ truyền thống

Được phép hoạt động nhưng mỗi đơn vị kinh doanh phải cam kết và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp an toàn, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh phù hợp với từng thời điểm và cấp độ dịch

Giảm 50% quy mô nhưng ưu tiên phục vụ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt tối thiểu của người dân

Tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động giao dịch phải tuân thủ các điều kiện chuyên môn y tế như vắc xin, xét nghiệm, 5K theo quy định của Bộ Y tế và UBND cấp huyện tùy theo từng cấp độ dịch

4.4

Cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm tóc, làm đẹp, phố đi bộ, chợ đêm.

Được phép hoạt động tối đa 70% công suất phục vụ nhưng phải bố trí mật độ đủ 3m2/người tại cùng một thời điểm trong cùng một không gian hoặc 1 phòng (không áp dụng đối với dịch vụ cắt tóc)

Được phép hoạt động tối đa 50% công suất phục vụ nhưng phải bố trí mật độ đủ 4m2/người tại cùng một thời điểm trong cùng một không gian hoặc 1 phòng (không áp dụng đối với dịch vụ cắt tóc, làm tóc)

Ngừng hoạt động

Ngừng hoạt động

Tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt về y tế như: vắc xin (đủ liều và khỏi bệnh Covid trong vòng 6 tháng), xét nghiệm, khử khuẩn, khai báo y tế, quét mã QR,…Chủ cơ sở kinh doanh phải có kế hoạch, cam kết và phải bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư, thiết bị đảm bảo an toàn, phòng chống dịch

4.5

Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo,...

Hoạt động bình thường, tuân thủ 5K

Hoạt động bình thường, tuân thủ 5K

Được phép hoạt động nhưng người bán phải tiêm ít nhất 1 liều sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng

Ngừng hoạt động

 

5

Hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp

Hoạt động theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, tùy theo điều kiện cụ thể và cấp độ dịch Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quyết định áp dụng biện pháp dạy và học linh hoạt, phù hợp

Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn theo quy định

6

Hoạt động cơ quan, công sở

Hoạt động bình thường, tuân thủ 5K

Hoạt động bình thường, tuân thủ 5K

Được phép đi làm không quá 70% tổng số nhân sự tại đơn vị, số nhân sự còn lại làm việc tại nhà, ưu tiên bố trí nhân sự tiêm đủ liều vắc xin.

Được phép đi làm không quá 50% tổng số nhân sự tại đơn vị, số nhân sự còn lại làm việc tại nhà, ưu tiên bố trí nhân sự tiêm đủ liều vắc xin.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị mình theo quy định

7

Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự

Hoạt động theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nội vụ và Bộ Y tế, đồng thời linh hoạt áp dụng quy định tại Mục 1 (hoạt động trong nhà và ngoài trời) của Bảng Phụ lục này

Ngừng hoạt động

Sở Nội vụ chịu trách nhiệm cập nhật và hướng dẫn theo quy định của Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh phù hợp từng thời điểm và cấp độ dịch

8

Hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao

Hoạt động

Hoạt động

Hoạt động hạn chế

Ngừng hoạt động/Hoạt động hạn chế

 

8.1

Cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ; khu, điểm tham quan du lịch

Được phép hoạt động bình thường, tuân thủ 5K

Được phép hoạt động bình thường, tuân thủ 5K

Được phép hoạt động không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm nhưng không quá 25 người trong cùng một không gian, phương tiện đưa đón không được sử dụng quá 50% số ghế

Ngừng hoạt động tham quan du lịch, riêng cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống trong cơ sở kinh doanh du lịch được hoạt động không quá 30% công suất tại cùng một thời điểm

Chủ cơ sở phải xây dựng kế hoạch, có cam kết và chịu trách nhiệm triển khai các điều kiện, biện pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19 khác theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện hoạt động này

8.2

Bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao,...

Hoạt động

Hoạt động hạn chế

Hoạt động hạn chế

Ngừng hoạt động

 

a

Bảo tàng, hoạt động triển lãm và lễ hội

Hoạt động bình thường, tuân thủ 5K

- Giảm 30% công suất hoặc số lượng khách mời, đại biểu theo kế hoạch được duyệt.

- Bảo tàng chỉ đón tiếp, phục vụ các đoàn tham quan không quá 30 người/đoàn

- Giảm 50% công suất hoặc số lượng khách mời, đại biểu theo kế hoạch được duyệt. Chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội đối với lễ hội.

- Bảo tàng chỉ đón tiếp, phục vụ các đoàn tham quan không quá 10 người/đoàn

 

Dừng hoạt động

Chủ cơ sở hoặc đơn vị tổ chức hoạt động phải xây dựng kế hoạch, có cam kết và chịu trách nhiệm triển khai các điều kiện, biện pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19 khác theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (bao gồm cả việc tự tổ chức xét nghiệm cho nhân viên, người lao động, điều kiện đối với người thăm quan, khán thính giả và phương án xử lý khi có ca nghi mắc hoặc mắc Covid-19 mới).

b

Thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật

Hoạt động bình thường, tuân thủ 5K

Giảm 50% công suất, số lượng khách, khán giả, độc giả phục vụ

Giảm 70% công suất, số lượng khách, khán giả, độc giả phục vụ

Dừng hoạt động

c

Hoạt động thể dục, thể thao

Hoạt động

Hoạt động hạn chế

Hoạt động hạn chế

Ngừng hoạt động

 

 

- Ngoài trời

Hoạt động bình thường, tuân thủ 5K

Không quá 50 người/nhóm/không gian, đảm bảo duy trì mật độ tối thiểu 4m2/người

Không quá 20 người/nhóm/không gian, đảm bảo duy trì mật độ tối thiểu 6m2/người

Dừng hoạt động

Người hướng dẫn, đứng ra tổ chức hoạt động thể dục thể thao ngoài trời phải đáp ứng điều kiện đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng

 

- Trong nhà

Hoạt động bình thường, tuân thủ 5K

Giảm quy mô phòng tập (công suất tối đa 70%)

Giảm quy mô phòng tập (công suất tối đa 30%)

Dừng hoạt động

Cơ sơ cung ứng dịch vụ thể dục thể thao trong nhà phải xây dựng kế hoạch, có cam kết và chịu trách nhiệm triển khai các điều kiện, biện pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19 khác theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (bao gồm cả việc tự tổ chức xét nghiệm cho người hướng dẫn, điều kiện đối với người tham gia tập luyện và phương án xử lý khi có ca nghi mắc hoặc mắc Covid-19 mới).

 

9

Ứng dụng công nghệ thông tin

 

 

 

 

 

9.1

Cập nhật thông tin về tiêm chủng vắc xin, kết quả xét nghiệm COVID-19, kết quả điều trị COVID-19

Áp dụng

Áp dụng

Áp dụng

Áp dụng

 

9.2

Quản lý thông tin người vào/ra địa điểm công cộng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, các địa điểm sản xuất, kinh doanh, sự kiện đông người bằng mã QR.

Áp dụng

Áp dụng

Áp dụng

Áp dụng

 

2. Đối với cá nhân

Hoạt động

Cấp độ dịch/Biện pháp áp dụng

Điều kiện áp dụng

Đơn vị thực hiện

Cấp 1

Cấp 2

Cấp 3

Cấp 4

1. Tuân thủ 5K

Áp dụng

Áp dụng

Áp dụng

Áp dụng

 

 

2. Ứng dụng công nghệ thông tin

Áp dụng

Áp dụng

Áp dụng

Áp dụng

Sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định để khai báo y tế, đăng ký tiêm chủng vắc xin, khám chữa bệnh (nếu có điện thoại thông minh). Sử dụng mã QR theo quy định của chính quyền và cơ quan y tế.

Sở Thông tin và Truyền Thông tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn.

3. Đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau

 

Không hạn chế

Không hạn chế

Không hạn chế, có điều kiện*

Hạn chế**

* Tuân thủ điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh tùy theo diễn biến của cấp độ dịch

** Tuân thủ các điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế và UBND tỉnh

Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn thực hiện nội dung này

4. Điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19

Áp dụng

Áp dụng

Áp dụng

Áp dụng

Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và quyết định của UBND tỉnh phù hợp với điều kiện thu dung, điều trị tại địa phương và điều kiện ăn ở, sinh hoạt, nguyện vọng của người nhiễm COVID-19.

Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn.

* Ghi chú:

- Quy định này được áp dụng thống nhất trong toàn tỉnh. Các nội dung quy định nào đã rõ, đủ điều kiện thực hiện thì các Sở, Ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị, thành phố tổ chức triển khai thực hiện ngay không cần hướng dẫn thêm. Các nội dung nào chưa chi tiết, chưa cụ thể thì đề nghị các Sở, Ban ngành khẩn trương ban hành hướng dẫn cụ thể, chi tiết, phù hợp đặc điểm và tình hình địa phương áp dụng linh hoạt theo các quy định và hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương để tổ chức triển khai thực hiện.

- Căn cứ vào quy định của Chính phủ, các hướng dẫn của Bộ Y tế và các Bộ, ngành trung ương và tình hình thực tế của tỉnh, UBND tỉnh sẽ quyết định các biện pháp hành chính phù hợp theo từng thời điểm nhưng đảm bảo không trái với quy định của Trung ương.

- Các điều kiện chuyên môn về y tế, ứng dụng công nghệ thông tin đối với từng loại hoạt động kinh tế - xã hội được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, Bộ, ngành Trung ương và tại văn bản khác của UBND tỉnh./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 692/KH-UBND năm 2021 về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang

  • Số hiệu: 692/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 16/11/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/11/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản