Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6264/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 10 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HÓA CHẤT CÔNG NGHIỆP VÀ PHÒNG CHỐNG CHÁY, NỔ LIÊN QUAN ĐẾN HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Hóa chất năm 2007; Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất; Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP; Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp; Nghị định số 54/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2009/NĐ-CP; Nghị định số 76/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất;

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại; Công văn số 1429/TTg-NC ngày 19 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn sản xuất, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất độc hại và Quyết định số 31/2015/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Nhằm phòng ngừa, hạn chế xảy ra các sự cố liên quan đến hóa chất, gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe con người và môi trường, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch kiểm tra quản lý nhà nước đối với hóa chất công nghiệp và phòng chống cháy, nổ liên quan đến hóa chất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Tăng cường quản lý nhà nước đối với hóa chất công nghiệp trên địa bàn Thành phố; Kiểm soát quá trình lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm hóa chất trên thị trường.

- Phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng hóa chất nguy hiểm; chủ động phòng ngừa các sự cố cháy, nổ liên quan đến hóa chất xảy ra trên địa bàn Thành phố.

- Tổng hợp, đánh giá thực trạng và tình hình chấp hành pháp luật của các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn; Từ đó tham mưu, đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả và an toàn.

2. Yêu cầu:

- Các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện phối hợp chặt chẽ triển khai công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất theo trách nhiệm được phân công đối với ngành, lĩnh vực quản lý.

- Kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật cho các cơ sở hoạt động hóa chất.

- Đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng và bảo quản hóa chất không đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định.

II. NỘI DUNG KIỂM TRA: Gồm 02 phần:

1. Về kiểm tra hồ sơ pháp lý của cơ sở hóa chất:

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- Các loại giấy phép: Giấy phép nhập khẩu tiền chất (tiền chất thuốc nổ và tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp); Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ; Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp; Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm;…

- Hồ sơ khai báo hóa chất (đối với cơ sở sản xuất và nhập khẩu hóa chất);

- Phiếu an toàn hóa chất, Phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc, Báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất;

- Hợp đồng mua bán, hoá đơn, chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hóa chất;

- Hồ sơ về điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường (Giấy chứng nhận thẩm duyệt và văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, Biên bản kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy của cơ quan cảnh sát Phòng cháy chữa cháy có thẩm quyền; Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Giấy xác nhận đề án bảo vệ môi trường; Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại của cơ sở hóa chất;…)

- Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của nhà xưởng, kho chứa hóa chất đã được phê duyệt hoặc xác nhận; Sổ theo dõi mua bán và xuất nhập kho tiền chất công nghiệp;

- Bằng đại học hoặc trung cấp chuyên ngành hóa, Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất của lãnh đạo, người quản lý, người phụ trách an toàn hóa chất và người lao động trực tiếp làm việc với hóa chất.

2. Về kiểm tra điều kiện thực tế của cơ sở hóa chất:

- Kiểm tra, thống kê danh mục, quy mô, khối lượng hóa chất sản xuất, kinh doanh, sử dụng và tồn trữ tại cơ sở;

- Công tác đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường (trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy; biểu trưng, biển cảnh báo nguy hiểm; công tác huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất cho người lao động làm việc trực tiếp với hóa chất; công tác diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại cơ sở);

- Đóng gói, phân loại và ghi nhãn hóa chất;

- Quy cách sắp xếp, bảo quản hóa chất; trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo yêu cầu của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5507:2002

- Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển;

- Việc chấp hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm.

III. ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN KIỂM TRA:

1. Đối tượng kiểm tra:

1.1. Đối tượng kiểm tra của Đoàn kiểm tra cấp Thành phố (đính kèm Danh sách):

- Các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, kinh doanh hóa chất trên địa bàn Thành phố;

- Các cơ sở sản xuất, kho chứa hóa chất (đặc biệt các hóa chất thuộc nhóm dễ cháy, nổ) có quy mô lớn đang hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

1.2. Đối tượng kiểm tra của Đoàn kiểm tra các quận, huyện:

Các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kho chứa hóa chất, các hộ kinh doanh hóa chất, đặc biệt là nhóm hóa chất dễ cháy, nổ trên địa bàn quản lý (không nằm trong danh sách kiểm tra của Đoàn kiểm tra cấp Thành phố).

2. Thời gian kiểm tra: tháng 10 và tháng 11 năm 2015.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đoàn kiểm tra cấp Thành phố:

1.1. Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành:

Thành phần Đoàn kiểm tra liên ngành cấp Thành phố gồm đại diện các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tại Quyết định số 31/2015/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể về quản lý hoạt động hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp, gồm:

- Lãnh đạo Sở Công Thương: Trưởng đoàn;

- Lãnh đạo Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố: Phó Trưởng đoàn;

- Lãnh đạo phòng chuyên môn thuộc Sở Công Thương: Phó Trưởng đoàn;

- Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường: Thành viên;

- Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ: Thành viên;

- Đại diện Công an Thành phố: Thành viên;

- Đại diện Cục Hải quan Thành phố: Thành viên;

- Phòng chuyên môn thuộc Sở Công Thương: Thành viên

- Phòng chuyên môn thuộc Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố: Thành viên;

- Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Thành phố: Thành viên;

- Đại diện Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố: Thành viên;

- Đại diện Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện: Thành viên.

1.2. Phân công thực hiện:

a) Sở Công Thương:

Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan cử nhân sự và trình Ủy ban nhân dân Thành phố thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành; chủ trì tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Lập danh sách các cơ sở hóa chất thuộc đối tượng kiểm tra trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành kèm theo Kế hoạch kiểm tra; chuẩn bị và cung cấp hồ sơ liên quan đến cơ sở hóa chất cho Đoàn kiểm tra; bố trí phương tiện đi lại phục vụ công tác kiểm tra.

Kiểm tra và đề xuất xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh, sử dụng và tồn trữ hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp.

Đầu mối tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch cho Ủy ban nhân dân Thành phố.

b) Các Sở, ngành thành viên:

Phối hợp cử nhân sự tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành; có ý kiến chuyên môn về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý.

Cung cấp thông tin chuyên ngành cho Trưởng đoàn và phối hợp kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở hóa chất vi phạm, cụ thể:

- Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố tham gia kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy; đề xuất xử lý vi phạm hành chính theo quy định đối với cơ sở hóa chất, phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy;

- Công an Thành phố tham gia kiểm tra, đề xuất xử lý tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền chất thuốc nổ, tiền chất ma túy vi phạm; điều tra, khởi tố các trường hợp có dấu hiệu phạm tội;

- Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia kiểm tra việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, đề xuất xử lý vi phạm hành chính theo quy định đối với cơ sở hóa chất gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường;

- Sở Khoa học và Công nghệ tham gia kiểm tra, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm về đóng gói, ghi nhãn hàng hóa; về Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm (các chất oxy hóa, các hợp chất oxit hữu cơ và các chất ăn mòn) đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

- Cục Hải quan Thành phố tham gia đoàn kiểm tra và đề xuất xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu, khai báo hóa chất nhập khẩu;

- Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố phối hợp kiểm tra các cơ sở hoạt động hóa chất nguy hiểm trong khu chế xuất, khu công nghiệp.

- Chi cục Quản lý thị trường Thành phố phối hợp thống kê danh mục, quy mô, khối lượng hóa chất sản xuất, kinh doanh, sử dụng và tồn trữ tại cơ sở; kiểm tra hóa đơn, chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hóa chất và đề xuất xử lý vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện phối hợp kiểm tra các cơ sở hoạt động hóa chất thuộc địa bàn quản lý.

2. Đoàn kiểm tra cấp quận, huyện:

Ủy ban nhân dân các quận, huyện chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành chức năng, cơ quan có liên quan thành lập Đoàn kiểm tra và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn hóa chất của các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất thuộc địa bàn quản lý.

3. Xử lý vi phạm:

- Xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm được phát hiện.

- Buộc các tổ chức, cá nhân vi phạm đình chỉ ngay hành vi vi phạm.

- Yêu cầu, hướng dẫn cơ sở hoạt động hóa chất nghiêm chỉnh chấp hành các quy định nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển và tồn trữ hóa chất.

4. Chế độ báo cáo:

- Các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được phân công nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch; đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm từ thực tế kiểm tra gửi về Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý; báo cáo sơ bộ tình hình triển khai Kế hoạch vào tháng 10 năm 2015 và báo cáo tổng kết cuối đợt kiểm tra vào tháng 12 năm 2015.

V. KINH PHÍ:

- Mỗi thành viên tham gia Đoàn kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính được bồi dưỡng, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

- Nguồn kinh phí cho hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính được lấy từ nguồn ngân sách thành phố. Sở Công Thương chủ trì lập dự trù kinh phí, quyết toán kinh phí gửi Sở Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- TTUB: CT các PCT;
- Các Sở, Ban, ngành Thành phố;
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện;
- VPUB: CPVP,
- Phòng CNN, PCNC, VX, THKH;
- Lưu: VT, (CNN-Đ) MH

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tất Thành Cang

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 6264/KH-UBND năm 2015 về kiểm tra quản lý nhà nước đối với hóa chất công nghiệp và phòng chống cháy, nổ liên quan đến hóa chất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 6264/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/10/2015
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Tất Thành Cang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản