Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Hà Tĩnh, ngày 06 tháng 05 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HÓA CHẤT VÀ CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT ĐỘC HẠI

Những năm qua, việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung ngày càng đi vào nề nếp, số lượng doanh nghiệp hoạt động hóa chất, số lượng hóa chất sử dụng ngày càng tăng. Tuy vậy, vẫn còn một số doanh nghiệp liên quan đến hoạt động hóa chất chưa chấp hành nghiêm các quy định trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng con người, môi trường sinh thái,...; bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất của các sở, ban, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Để thực hiện nghiêm Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 05/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Sở Công Thương

a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành, địa phương liên quan, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, hiểu biết về nguy cơ, tác hại và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, đặc biệt là việc quản lý an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất theo quy định của pháp luật về hóa chất.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở hóa chất trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất, kinh doanh, sử dụng và đặc tính của từng loại hóa chất; kiểm tra năng lực ứng phó sự cố hóa chất của các cơ sở hoạt động hóa chất theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Bộ Công Thương (Báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/5/2013).

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất theo đúng quy định hiện hành.

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm trong ứng phó sự cố hóa chất, trình UBND tỉnh xem xét, ban hành (hoàn thành trước ngày 30/5/2013).

e) Chỉ đạo Thanh tra Sở xử phạt hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất trên địa bàn tỉnh có hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 90/2009/NĐ-CP ngày 20/10/2009 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động hóa chất.

g) Định kỳ tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất cho người lao động liên quan của các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh theo quy định.

2. Công an tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, hướng dẫn, tuyên truyền trong việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng hóa chất của các tổ chức, cá nhân; chỉ đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ chuẩn bị lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố hóa chất; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất xây dựng phương án ứng phó với sự cố hóa chất, phương án sơ tán người ra khỏi vùng nguy hiểm và tham gia cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố hóa chất theo quy định.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan, lập phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ: ứng cứu các tình huống khẩn cấp về sự cố hóa chất, thực hiện tìm kiếm, cứu nạn và tham gia ứng cứu khi có sự cố hóa chất xảy ra.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Chi cục Môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường và các địa phương liên quan tăng cường kiểm tra việc đảm bảo môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, hiểu biết về nguy cơ, tác hại và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, đặc biệt là việc quản lý an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất.

6. Các sở, ban, ngành liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do sự cố hóa chất gây ra trong phạm vi quản lý của đơn vị, địa phương mình; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia ứng phó sự cố hóa chất theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

7. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

a) Chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình huyện... tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật hiện hành về hóa chất nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về việc chấp hành các quy định của pháp luật;

b) Chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất, vật liệu nổ của các cơ sở, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý theo đúng quy định của Luật Hóa chất và Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn; không để các sự cố về hóa chất, cháy nổ xảy ra.

c) Phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về hoạt động hóa chất theo quy định của pháp luật trên địa bàn mình quản lý.

7. Các đơn vị hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm:

a) Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về công tác an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất nguy hiểm.

b) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật trong kinh doanh và sử dụng hóa chất, nhất là hóa chất nguy hiểm.

c) Xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hóa chất. Đảm bảo có đủ các trang thiết bị an toàn, phòng chống cháy, nổ, phòng chống rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại theo quy định và đảm bảo khả năng ứng phó tại chỗ khi sự cố hóa chất xảy ra.

d) Phải lưu giữ đầy đủ phiếu an toàn hóa chất cho tất cả các hóa chất nguy hiểm tồn tại trong cơ sở của mình, các phiếu an toàn hóa chất có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và lưu giữ tại những nơi thuận tiện để đảm bảo tất cả các đối tượng có liên quan đến hóa chất nguy hiểm có thể truy cập, nắm được các thông tin trong phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm đó.

e) Xây dựng, cải tạo nâng cấp kho chứa hóa chất nguy hiểm đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại TCVN 5507:2002 và các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan.

g) Định kỳ tổ chức huấn luyện hoặc cử người tham gia các lớp huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất cho người làm việc liên quan đến các hoạt động hóa chất.

h) Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động hóa chất để kịp thời phát hiện và xử lý các tồn tại.

i) Trong trường hợp xảy ra sự cố hóa chất phải kịp thời thông báo đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để phối hợp thực hiện.

k) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất của đơn vị về Sở Công Thương trước ngày 20 tháng 6 (đối với báo cáo 6 tháng) và ngày 20 tháng 12 (đối với báo cáo năm) hàng năm.

Giao Sở Công Thương theo dõi tình hình và kết quả triển khai của các đơn vị, định kỳ 06 tháng tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương và UBND tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Công Thương (b/c);
- TTr. Tỉnh ủy, TTr. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND huyện, thành phố, thị xã;
- Đài PT và TH tỉnh, Bào Hà Tĩnh;
- Các đơn vị hoạt động hóa chất trên địa bàn (giao Sở Công Thương gửi);
- Chánh VP, PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TM, CN1;
- Gửi: VB giấy và điện tử.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Minh Kỳ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2013 về tăng cường công tác quản lý hoạt động hóa chất và công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

  • Số hiệu: 09/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/05/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Trần Minh Kỳ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản