Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6064/KH-SYT

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH Y TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025;

Căn cứ công văn số 2760/BYT-KH-TC ngày 20/05/2020 của Bộ Y tế về xây dựng kế hoạch phát triển y tế 5 năm 2021-2025.

Căn cứ Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 16/07/2020 của Ủy ban nhân dân TP.HCM về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Sở Y tế lần thứ IX nhiệm kỳ 2020-2025.

Sở Y tế lập kế hoạch hoạt động của ngành y tế 5 năm giai đoạn 2021-2025, như sau:

PHẦN 1: Kết quả thực hiện 5 năm 2016-2020

I. Tình hình thực hiện các chỉ tiêu

Stt

Nội dung

Đơn vị tính

Thực hiện năm 2016

Thực hiện năm 2017

Thực hiện năm 2018

Thực hiện năm 2019

Ước thực hiện năm 2020

1

Số bác sĩ trên 10.000 dân

bác sĩ

16

17

18

19,88

20

2

Số giường bệnh trên 10.000 dân (không tính giường của trạm y tế)

giường

42,3

42,1

42,8

42,7

42

3

Tỷ số giới tính khi sinh

Số bé trai/ bé gái

1,07

1,06

1,05

1,054

1,07

4

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi

8,4

7,7

7,7

7,53

≤ 9

5

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi

8,3

8,3

8,1

7,82

≤ 10

6

Tỷ suất tử vong mẹ

2,45

3,45

2,5

1,1

≤ 4

7

Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ

%

95,8

98,3

95,6

95,2

95

8

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi)

%

4,1

4,9

4,9

<5

<8

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (chiều cao theo tuổi)

%

6,9

6,8

6,8

<7

<7

9

Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế

%

100

97

100

99,7

100

10

Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ

%

100

100

100

100

100

11

Nước thải bệnh viện được xử lý đạt quy chuẩn môi trường

%

100

92,57

95

98

100

II. Các chương trình mục tiêu dân số

1. Dự án Phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm

1.1. Hoạt động phòng chống bệnh lao

Hoạt động xét nghiệm được đầu tư đúng mức, đáp ứng được nhu cầu và nâng chất lượng chẩn đoán, giúp phát hiện nhanh người bệnh có mắc lao và lao kháng thuốc, cụ thể cuối năm 2015 thành phố có 3 máy Gene Xpert và đến nay đã trang bị được 13 máy Gen Xpert. Về hoạt động phát hiện, triển khai nhiều giải pháp nhàm tăng cường phát hiện bệnh nhân sớm trong cộng đồng, các trường thuộc TT06, các Trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. HCM, ...do đó tỷ lệ người xét nghiệm đàm phát hiện bệnh lao trên dân số tăng từ 0,97% đến trên 1,9% và vượt chỉ tiêu kế hoạch chiến lược. Về thu nhận điều trị lao, tổng số bệnh nhân lao các thể được thu nhận vào chương trình dao động từ 14.500 bệnh nhân đến 17.500 bệnh nhân, tỷ lệ mắc lao trên 100.000 dân đến nay là 194/100.000 dân chưa đạt được mục tiêu chiến lược quốc gia là 131/100.000 dân.

1.2. Hoạt động phòng, chống phong

Trong 5 năm qua, tình hình bệnh phong trên địa bàn TP.HCM có xu hướng giảm mạnh trong 3 năm gần đây. 100% bệnh nhân phong dị hình tàn tật được chăm sóc y tế, tại TP.HCM, tất cả các trường hợp dị hình tàn tật đều ở thể nhẹ, do đó 100% bệnh nhân tàn tật nặng được phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng. Dự ước đến cuối năm 2020, toàn thành phố có 24/24 quận huyện đạt 4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong tuyến huyện. Bên cạnh đó, định kỳ hàng năm, có tổ chức huấn luyện và đào tạo - truyền thông giáo dục sức khoẻ cho cán bộ phụ trách chương trình.

1.3. Hoạt động phòng, chống sốt rét

Trong 5 năm qua, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 61 bệnh nhân sốt rét đều là bệnh nhân từ nơi khác đến. So với năm 2016 thì số bệnh nhân sốt rét năm 2019 giảm 31,8% và không có trường hợp sốt rét ác tính. Số lam xét nghiệm thực hiện tổng cộng 142.639 lam và đều giảm hàng năm, có thể do phạm vi vùng sốt rét lưu hành của TP.HCM đã được thu hẹp, số lam năm 2019 giảm 43,6% (20.807 lam) so với năm 2016.

1.4. Phòng chống sốt xuất huyết

Hiện nay, sốt xuất huyết được xem như bệnh truyền nhiễm lưu hành tại Việt Nam, theo báo cáo hàng năm của Viện Pasteur TP. HCM, TP.HCM là một trong những tỉnh thành có số mắc cao nhất và chiếm khoảng 40% số ca mắc của 20 tỉnh phía Nam. Trong các năm qua, trung bình mỗi năm ghi nhận có khoảng từ 50.000 - 62.000 trường hợp được chẩn đoán sốt xuất huyết (45% chẩn đoán xác định dựa vào lâm sàng và xét nghiệm NS1 và 55% dựa vào dấu hiệu lâm sàng). Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã triển khai một số hoạt động nổi bật trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết gồm: ứng dụng công nghệ thông tin (phần mềm trực tuyến ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý trong quản lý bệnh truyền nhiễm), áp dụng Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 về việc Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, phối hợp với các Sở ban ngành trong phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe được triển khai liên tục.

1.5. Hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần

Số phường xã quản lý bệnh nhân tâm thần phân liệt đạt 100%, 100% số phường xã quản lý bệnh nhân động kinh, 10% số phường xã quản lý bệnh nhân rối loạn trầm cảm. Quản lý, điều trị và phục hồi chức năng tại cộng đồng cho 100% số bệnh nhân tại các phường xã đã được triển khai. Trung bình hàng năm có khoảng 450 bệnh nhân tâm thần phân liệt mới được phát hiện và khoảng 200 bệnh nhân tâm thần thể động kinh. Ước tính số tích lũy đến cuối năm 2020, quản lý được 11.182 bệnh nhân tâm thần phân liệt và 7.608 bệnh nhân tâm thần động kinh.

1.6. Hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập của thành phố tổ chức tốt hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, vận động xã hội về phòng chống bệnh không lây nhiễm mạn tính (100% cơ sở). 100% cán bộ y tế thực hiện công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm tuyến huyện, xã được đào tạo, tập huấn về dự phòng, giám sát, phát hiện, chẩn đoán, quản lý, điều trị theo quy định. 100% trạm y tế phường, xã, thị trấn có đủ nhân lực, được cung cấp trang thiết bị và thuốc thiết yếu theo quy định phục vụ cho dự phòng, phát hiện, chẩn đoán, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm (trước mắt tập trung vào bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường). 100% trạm y tế phường, xã, thị trấn tổ chức hoạt động tư vấn dự phòng, sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý đối với bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản theo đúng quy định và hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Y tế.

Đối với Bệnh Đái tháo đường: đã tổ chức sàng lọc đái tháo đường tại cộng đồng cho 136.472 đối tượng nguy cơ nhằm phát hiện sớm người bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường; tiến hành điều tra, giám sát dịch tễ học bệnh đái tháo đường; số bệnh nhân đái tháo đường được quản lý tại trạm y tế là 8.492 bệnh nhân và 8.869 người tiền đái tháo đường.

Bệnh tim mạch (tăng huyết áp): đã triển khai hoạt động phối dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý đối với người có nguy cơ, người tiền bệnh và người mắc bệnh không lây mạn tính tại bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện và trạm y tế phường, xã, thị trấn; thiết lập quy trình chuyển thông tin người bệnh tại các bệnh viện về trạm y tế để quản lý, theo dõi điều trị. Kết quả, số bệnh nhân tăng huyết áp được quản lý tại trạm y tế tăng lên so với những năm trước, cụ thể trong năm 2018 số bệnh nhân tăng huyết áp được quản lý tại trạm y tế là 6.015 đến nay quản lý được 12.368 trường hợp, tất cả các trạm y tế đều triển khai phần mềm trực tuyến quản lý bệnh tăng huyết áp.

Bệnh ung thư: chương trình phòng chống bệnh ung thư được triển khai nhiều năm nay, trong những năm đầu phần lớn tập trung vào hoạt động ghi nhận ung thư, đây là hoạt động được duy trì thực hiện hàng năm theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Phòng chống các rối loại thiếu Iốt: định kỳ hàng năm chương trình đã tổ chức giám sát ngẫu nhiên 1.440 hộ của 96 phường xã thuộc 24 quận huyện đánh giá tình hình sử dụng muối và các gia vị có bổ sung iốt và mức độ thiếu iốt trong cộng đồng qua định lượng iốt trong mẫu nước tiểu, kết quả ghi nhận có đến 90,9% hộ gia đình sử dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ gia đình dùng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ đạt 83,4% năm 2019 và mức iốt niệu trung vị chỉ đạt 8,0 mcg/dl, thấp hơn mục tiêu là ≥ 10 mcg/dl vào năm 2020; Tổ chức định kỳ tập huấn và tăng cường truyền thông, xây dựng tài liệu truyền thông hướng dẫn phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.

Hoạt động phòng, chống Bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính và Hen phế quản: từ năm 2016 đến năm 2020, ước thực hiện tỷ lệ Bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính được phát hiện chẩn đoán điều trị giai đoạn sớm (giai đoạn A và B) tăng từ 75,6% - 81,8% và tỷ lệ người bệnh Hen phế quản được quản lý điều trị đạt kiểm soát hen tăng từ 91,5% - 95,5%. 100% cán bộ phụ trách tuyến tỉnh, huyện và xã được đào tạo liên tục về Chương trình Bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính và Hen phế quản để nâng cao năng lực về dự phòng, giám sát, phát hiện, quản lý điều trị.

1.7. Hoạt động y tế trường học

100% các trường học phối hợp tốt với y tế địa phương triển khai công tác phòng chống dịch trong trường học. 98% học sinh trong các trường học và các cơ sở giáo dục được truyền thông giáo dục sức khỏe với các nội dung về phòng, chống bệnh tật học đường, chăm sóc răng miệng. 100% các trường hợp mắc bệnh được phát hiện đều thông báo cho gia đình để phối hợp chuyển tuyến điều trị. 100% các trường học có tổ chức bếp ăn bán trú, nội trú đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Trên 95% nữ sinh trung học phổ thông bổ sung sắt/thuốc bổ máu phòng ngừa thiếu máu dinh dưỡng theo phác đồ dự phòng.

2. Dự án Tiêm chủng mở rộng

Đến nay trên địa bàn Thành phố có tổng cộng 500 cơ sở tự công bố tiêm chủng. Định kỳ hàng năm, Sở Y tế thành lập đoàn giám sát, kiểm tra và hậu kiểm các cơ sở tiêm chủng. Nhìn chung các cơ sở tiêm chủng thực hiện chuyên môn đạt yêu cầu. 100% cơ sở tiêm chủng nhập liệu thông tin trên phần mềm hệ thống tiêm chủng bao gồm các cơ sở tiêm chủng công lập và ngoài công lập.

Về triển khai chiến dịch tiêm vét, đây là hoạt động được Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo quyết liệt cho phòng Giáo dục phối hợp với Trung tâm y tế triển khai đã đóng góp lớn trong việc nâng cao độ bao phủ vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong cộng đồng, bên cạnh đó là cơ hội để y tế cơ sở rà soát, quản lý trẻ hiện cư ngụ trên địa bàn. Đối với chiến dịch uống vắc xin bại liệt tOPV (týp 1,2,3) và chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella (MR) cho trẻ 1-5 tuổi đều đạt được chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên đối với chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella: điều tra trẻ không đi học trong cộng đồng không thật sự hiệu quả tại TP.HCM, chủ yếu là do địa bàn rộng, dân cư phức tạp, mạng lưới cộng tác viên rời rạc và nhiều người không nhiệt tình hỗ trợ mặc dù đã có chỉ đạo của Ủy ban nhân dân phường, xã. Dẫn đến số trẻ điều tra không đi học trong cộng đồng rất thấp. Hoạt động tổ chức tiêm chủng tại trường, nhiều phụ huynh dù được tư vấn, vận động nhưng vẫn không cho trẻ tiêm chủng chiến dịch nhưng cũng không cung cấp tiền sử tiêm sởi của trẻ nên trong thời gian triển khai chiến dịch từ tháng 12/2018 đến 30/01/2019 thành phố chỉ đạt 85.8%. Tuy nhiên, thành phố đã tích cực rà soát, vận động và mời các trẻ chưa tiêm sởi - rulella ra cơ sở y tế để được tiêm chủng ngày 01/02/2019 đến 31/05/2019 kết quả đã được nâng lên là 97,2%.

3. Dự án Dân số và phát triển

Tuổi thọ trung bình từ lúc sinh tiếp tục tăng hàng năm, từ 73,3 tuổi năm 2015 (70,7 tuổi ở nam và 76,1 tuổi ở nữ) lên 76,6 tuổi; Tỷ số giới tính khi sinh hàng năm được duy trì ở mức hợp lý từ 106 đến 107 trẻ trai/100 trẻ gái. Trên 90% thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được truyền thông, tư vấn về nội dung sức khỏe Tiền hôn nhân; Tỷ lệ bà mẹ đang mang thai được Sàng lọc trước sinh chiếm 86,2% (chỉ tiêu 80%) và tỷ lệ trẻ sơ sinh đạt 83,6% (chỉ tiêu 70%). Trong giai đoạn 2016-2020, với tỷ suất sinh của thành phố Hồ Chí Minh là 1,39 con/1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì không đạt được mức sinh thay thế.

Truyền thông Giáo dục sức khỏe về công tác dân số: Phối hợp Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố và Đài Truyền hình Thành phố xây dựng thực hiện phát sóng phim dưới dạng spot, phim tuyên truyền, phim phóng sự, đưa tin thời sự, tọa đàm với các chuyên đề như: Bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh, Sức khỏe tiền hôn nhân, Sức khỏe sinh sản, Tư vấn tâm sinh lý vị thành niên, ...; Phân phối hơn 1 triệu tờ rơi mỗi năm với 21 chủ đề về DS-KHHGĐ, hỗ trợ các hoạt động Truyền thông tại các đơn vị Thành phố và 24 quận, huyện.

Cung cấp các dịch vụ Dân số/ sức khỏe sinh sản / kế hoạch hóa gia đình: 100% số trạm y tế phường, xã, thị trấn đảm bảo sự có mặt thường xuyên của bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 100% khu phố - ấp có cộng tác viên DS-KHHGĐ. Cán bộ chuyên trách và cộng tác viên DS-KHHGĐ được tập huấn về kiến thức, kỹ năng và thực hiện cung cấp các dịch vụ tư vấn, biện pháp tránh thai phi lâm sàng tại cộng đồng. Tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các biện pháp tránh thai và đa dạng hóa việc cung ứng phương tiện tránh thai và dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ, cung cấp dịch vụ tránh thai miễn phí với kết quả: 4.802 người triệt sản mới, đặt dụng cụ tử cung 146.220 người mới áp dụng; tiêm tránh thai 62.388 lượt người. Tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai, hàng năm có trên 25.000 người sử dụng các phương tiện tránh thai.

Mô hình Điểm Tư vấn Sức khỏe sinh sản - tiền hôn nhân: Thành phố đã triển khai 09 điểm Tư vấn với 98 tư vấn viên đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn và kỹ năng truyền thông, tư vấn. Tư vấn miễn phí cho 27.918 lượt người trong đó, tư vấn trực tiếp 19.916 lượt, tư vấn qua điện thoại 6.351 lượt, tư vấn qua email 1.651 lượt, giới thiệu 7.999 nam, nữ tham gia khám Sức khỏe Tiền hôn nhân; Tổ chức 775 cuộc truyền thông nói chuyện chuyên đề cho 123.810 lượt (học sinh các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, các cặp thanh niên nam, nữ sắp kết hôn và người dân trên địa bàn Thành phố).

4. Dự án Phòng chống HIV

Chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã hoàn thành một số mục tiêu kế hoạch đề ra, gồm khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,55% (mục tiêu 0,6%) và khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV mới trong cộng đồng dân cư ở mức 0,03% (mục tiêu 0,03%). Với mục tiêu 90-90-90, ước tính đến cuối năm 2020, thành phố sẽ đạt được kết quả như sau: 90% số người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng vi rút (ARV); 96% số người điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV thấp dưới ngưỡng ức chế. Ước tính đến cuối năm 2020 có 80% người nghiện chích ma túy được tiếp cận chương trình dự phòng HIV, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy dưới 20%, 80% tỷ lệ phụ nữ bán dâm được tiếp cận chương trình dự phòng HIV, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm ở mức 5%, 70% người quan hệ tình dục đồng giới nam có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận với các chương trình dự phòng HIV.

Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành chính sách cho công tác phòng chống HIV/AIDS, hướng đến bảo hiểm chi trả thuốc ARV và các dịch vụ y tế liên quan cho người nhiễm HIV, hướng đến kết thúc đại dịch vào năm 2030. Hoạt động phối hợp liên ngành là một trong những điểm nổi bật và thành công của Thành phố trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Về công tác dự phòng: chương trình truyền thông, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn Thành phố thông qua mạng lưới truyền thông giáo dục phòng, chống AIDS từ Thành phố đến các quận, huyện, phường, xã, thị trấn với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo người dân. Chương trình can thiệp, giảm tác hại cho các nhóm nguy cơ cao: ước tính chương trình đã tiếp cận 57.702 lượt phụ nữ mại dâm; 229.902 lượt nam có quan hệ tình dục đồng giới, đã cấp phát 12.833.466 bao cao su đạt 196% so với 5 năm giai đoạn 2011-2015 là 6.522.673 bao cao su, cấp phát 11.829.859 bơm kiêm tiêm đạt 248% so với giai đoạn 2011 - 2015 là 4.763.286 bơm kim tiêm. Từ năm 2016, chương trình phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện bán trợ giá bao cao su và bơm kiêm tiêm cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao, tuyên truyền, khuyến khích các đối tượng tự mua để dự phòng lây nhiễm HIV... Chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone: ước tính đến cuối năm 2020, lũy tích tổng số bệnh nhân điều trị Methadone là 10.676 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân đang duy trì uống Methadone là 5.038 bệnh nhân.

Về công tác chăm sóc, hỗ trợ và điều trị: Chương trình tư vấn xét nghiệm HIV, hiện nay, thành phố có tổng cộng 145 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV (tăng 13 cơ sở so với năm 2016 - 131 cơ sở), trong đó có 24 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho các đối tượng nguy cơ cao (VCT) tại 24 Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng quận, huyện; 120 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV do cán bộ y tế đề xuất (PITC), trong đó có 109 bệnh viện, cơ sở y tế công lập, 6 bệnh viện tư nhân, 5 phòng khám đa khoa tư nhân. Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: hàng năm, chương trình tư vấn xét nghiệm cho hơn 100.000 thai phụ, tỷ lệ thai phụ nhiễm HIV được điều trị dự phòng luôn đạt 95%, 98% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm được điều trị dự phòng sau sinh. Nhờ đó đã hạ thấp tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con từ 7% năm 2005 xuống còn 1.7% trong những năm gần đây. Chương trình chăm sóc, điều trị: đến hết tháng 5 năm 2020, thành phố đang điều trị bằng thuốc điều trị kháng vi rút ARV cho 39.892 bệnh nhân (số bệnh nhân của các tỉnh, thành phố khác đến điều trị chiếm 25%).

III. Chương trình sức khỏe thành phố

1. Chương trình Nâng cao sức khỏe nơi làm việc, Chương trình phòng chống bệnh nghề nghiệp và chương trình Sức khỏe của người lao động nhập cư

Hàng năm chương trình tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về quản lý an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; cập nhật các kiến thức pháp luật an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ quản lý tuyên quận huyện; thực hiện tuyên truyền kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh lao động đến các cơ sở doanh nghiệp...Triển khai xây dựng mô hình Nâng cao sức khỏe Nơi làm việc tại các cơ sở kinh doanh - sản xuất trên địa bàn thành phố, gồm xây dựng mô hình phòng chống bệnh điếc nghề nghiệp ở 24 quận huyện và triển khai mô hình Nâng cao sức khỏe nơi làm việc ở các cơ sở y tế.

2. Chương trình tai nạn thương tích

Trong giai đoạn 2016-2020, chương trình tập trung triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ mắc, tử vong và tàn tật do tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn giao thông, đuối nước, tai nạn lao động, bạo lực gia đình...

3. Chương trình hoa liễu

100% quận, huyện có cán bộ phụ trách chương trình phòng chống STI. Tất cả các trường hợp STI được chẩn đoán và điều trị đúng theo hướng dẫn quốc gia. Trong 5 năm qua, ghi nhận 100% thai phụ tại tuyến huyện được xét nghiệm sàng lọc giang mai; về cung ứng vật tư hóa chất thì 100% đơn vị Da liễu quận/huyện được cung ứng đủ thuốc, hoá chất sinh phẩm và các trang thiết bị thiết yếu phục vụ chẩn đoán và điều trị STI.

4. Chương trình y tế học đường (Nha học đường, Mắt học đường và Vệ sinh học đường)

100% trường học phối hợp tốt với y tế địa phương triển khai công tác phòng chống dịch trong trường học. 98% học sinh trong các trường học và các cơ sở giáo dục được truyền thông giáo dục sức khỏe với các nội dung về phòng, chống bệnh tật học đường, chăm sóc răng miệng. Nhìn chung công tác y tế trường học trong 5 năm qua đã triển khai đồng bộ và đạt được mục tiêu đề ra.

5. Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá

Trong 5 năm qua, hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá được triển khai mạnh hơn từ cấp thành phố đến quận huyện, phường xã. Đến nay, 100% cơ sở y tế triển khai xây dựng cơ sở y tế không khói thuốc, tham gia thực hiện hoạt động truyền thông cho bệnh nhân, cộng đồng dân cư, trên 80% các cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục đã thực hiện và tuân thủ tốt việc xây dựng cơ quan không khói thuốc. Ngành y tế đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh hoạt động truyền thông về những tác hại của thuốc lá rộng rãi đến từng người dân. Hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá không chỉ triển khai trong cơ sở y tế mà còn triển khai rộng đến các Sở, Ban, Ngành đoàn thể trên địa bàn thành phố, qua đó ghi nhận 90% các cơ quan nhà nước đã xây dựng và ban hành quy chế, nội quy trong đó có nội dung cấm hút thuốc lá, thực hiện treo biến cấm hút thuốc lá tại các khu vực dễ quan sát.

6. Chương trình Phòng chống nhiễm khuẩn

Định kỳ hàng năm, Sở Y tế tổ chức tập huấn và tái tập huấn công tác phòng chống nhiễm khuẩn đến tất cả cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Triển khai các thông tư quy định về công tác chống nhiễm khuẩn đến các cơ sở y tế; phối hợp với hội Phòng chống nhiễm khuẩn Thành phố thực hiện giám sát công tác phòng chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế.

IV. Công tác khám chữa bệnh

1. Số liệu khám chữa bệnh

Số lượt khám ngoại trú và số lượt điều trị nội trú tăng dần mỗi năm. Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân số lượt bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám bệnh đạt 40 triệu lượt/năm, số bệnh nhân điều trị nội trú đạt 2 triệu lượt/ năm.

Số lượt KCB ngoại trú

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

BV bộ, ngành

5,924,645

5,646,300

5,656,870

6,217,151

BV thành phố

16,011,967

17,921,274

18,423,993

19,538,651

BV quận huyện

8,415,363

9,920,504

10,790,797

11,356,565

BV tư nhân

3,385,113

3,760,423

4,495,141

4,756,443

TTYT và TYT

2.135.626

2.752.538

2.816.277

2.417.512

PKĐK tư nhân

2,381,726

2,850,144

3,182,231

5,809,751

Tổng số lượt khám

38.254.440

42.851.183

45.365.309

50.096.073

 

Số lượt điều trị nội trú

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

BV bộ, ngành

357.646

496.742

519.556

445.483

BV thành phố

1.277.525

1.346.161

1.337.929

1.374.062

BV quận huyện

296.026

340.355

375.692

411.324

BV tư nhân

237.175

269.387

314.497

336.625

Tổng số lượt điều trị nội trú

2.168.372

2.452.645

2.547.674

2.567.494

2. Hoạt động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Không ngừng cải tiến chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng phục vụ người bệnh, hướng đến 5 mục tiêu chất lượng của ngành y tế thành phố: “An toàn hơn, tốt hơn, nhanh hơn, chi phí hợp lý hơn, hài lòng hơn”. Ngành y tế thành phố đã tổ chức bình chọn giải thưởng chất lượng với chuyên đề “Y tế thông minh”, qua đó ghi nhận nhiều công trình ứng dụng công nghệ thông tin của các bệnh viện rất có ý nghĩa trong công tác quản lý, chuyên môn và tiện ích của người bệnh. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã triển khai nhiều kênh thông tin nhằm chủ động nắm bắt những vấn đề người bệnh còn chưa hài lòng khi tiếp cận dịch vụ tại các bệnh viện.

Chất lượng bệnh viện được củng cố, công tác cải cách hành chính của ngành y tế đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ khám, chữa bệnh được cải thiện. Qua đánh giá theo tiêu chí chất lượng của Bộ Y tế, điểm trung bình về chất lượng các bệnh viện thành phố tăng từ 3,49 (năm 2015) đến 3,83 (năm 2019); điểm trung bình của các bệnh viện quận huyện tăng từ 3,15 (2015) đến 3,39 (năm 2019).

Nâng cao chất lượng đội ngũ y tế về kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử, chú trọng hoạt động đường dây nóng, đánh giá chất lượng các cơ sở khám chữa bệnh và công khai kết quả cho người dân biết để chọn lựa bệnh viện. Phát huy hiệu quả của quy trình báo động đỏ trong cấp cứu người bệnh nguy kịch, nhân rộng trên phạm vi cả nước. Hình thành mạng lưới với 32 trạm cấp cứu vệ tinh bao phủ toàn bộ địa bàn thành phố. Số cuộc gọi cấp cứu 115 tăng dần từ 8.787 cuộc gọi (năm 2015) đến 31.081 cuộc gọi (năm 2019), số bệnh nhân được cấp cứu cũng tăng từ 4.364 lượt (năm 2015) đến 18.175 lượt (năm 2019).

Củng cố năng lực khám chữa bệnh của bệnh viện quận huyện trở thành tuyến tiếp nhận điều trị đầu tiên; đổi mới hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, thu hút người dân đến khám chữa bệnh ban đầu; góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến thành phố. Triển khai mô hình khoa vệ tinh của bệnh viện Thành phố đặt tại bệnh viện quận/huyện, mô hình hỗ trợ toàn diện của bệnh viện Thành phố cho các bệnh viện quận/huyện còn hạn chế năng lực nhằm nâng cao năng lực các bệnh viện quận/huyện trở thành tuyến tiếp nhận điều trị đầu tiên, số liệu khám bệnh, chữa bệnh của bệnh quận/huyện tăng rõ rệt qua các năm, góp phần giảm tải cho các bệnh viện Thành phố - các bệnh viện quận/huyện hoạt động ngày càng tốt hơn, hầu hết được bổ sung nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở vật chất hoặc đầu tư xây dựng mới tạo niềm tin cho Nhân dân trong khu vực khi đến khám chữa bệnh.

Tăng thêm tiện ích cho người dân khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe (xây dựng ứng dụng Tra cứu nơi khám chữa bệnh), đăng ký khám qua mạng, qua tổng đài 1080; Mô hình tự đăng ký khám bệnh, tự tra cứu giá dịch vụ kỹ thuật, thanh toán điện tử, triển khai Ki ốt “Khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh” giúp các bệnh viện chủ động có giải pháp cải tiến, triển khai trải nghiệm người bệnh nội trú nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ và khám chữa bệnh. Xây dựng phần mềm quản lý danh mục kỹ thuật.

Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (ứng dụng Telemedicine), ứng dụng trí tuệ nhân tạo, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử hướng đến xây dựng “Bệnh viện không giấy”.

3. Phát triển các kỹ thuật chuyên sâu

Các Bệnh viện chuyên khoa, đa khoa của thành phố triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước trong khu vực đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân thành phố và cả khu vực phía Nam. Hiện nay, ngành y tế đã triển khai nhiều kỹ thuật, bao gồm sử dụng trí tuệ nhân tạo Davanci trong phẫu thuật tiết niệu; phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson; Oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể trong điều trị suy hô hấp tuần hoàn trẻ em; tiêm nội nhãn chất ức chế yếu tố tăng trưởng nội mạch (VEGF inhibitors) trong điều trị bệnh lý võng mạc ở trẻ sanh non (ROP); phẫu thuật Hybrid chuyển vị các nhánh động mạch tạng và não - đặt ống ghép nội mạch điều trị phình động mạch chủ bụng trên thận và quai động mạch chủ; phẫu thuật nội soi điều trị ung thư họng miệng thanh quản bằng laser; phẫu thuật vi phẫu nối mạch chi bằng bộ nối mạch máu nhỏ Anastomotic Coupler; ứng dụng các thuật toán tiên tiến giúp xạ trị trúng đích; xác định HLA độ phân giải cao bằng kỹ thuật NGS; sử dụng Laser Fotona Ebrium Yag trong hỗ trợ điều trị tiểu không kiểm soát khi gắng sức.

V. Công tác dược

Thực hiện công tác đấu thầu thuốc, cung ứng thuốc, đặc biệt thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu điều trị. Năm 2017, ngành y tế đã xây dựng khuyến cáo Dược lâm sàng cho các cơ sở điều trị.

Duy trì Chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu là một trong những biện pháp hữu hiệu để bình ổn giá thuốc. Chương trình được thực hiện từ nhiều năm nay và đã đi vào ổn định phục vụ công tác điều trị.

Trong 5 năm qua, ngành y tế đã tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo chất lượng thuốc, luôn chú trọng công tác hậu kiểm, phối hợp trong cấp phép các cơ sở hành nghề dược và công tác thanh kiểm tra các cơ sở trên địa bàn.

Chỉ đạo các phòng y tế quận huyện và các doanh nghiệp cung ứng phần mềm đảm bảo tiến độ kết nối mạng tất cả các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn, tỷ lệ kết nối đạt 100% trên tổng số cơ sở bán lẻ thuốc.

Triển khai Luật dược 105/2016/QH13, Nghị Định 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư liên quan trong lĩnh vực dược.

VI. Đào tạo nguồn nhân lực

Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế của thành phố trong 05 năm qua đã đạt và vượt các chỉ tiêu theo quy định của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân thành phố, số bác sĩ trên vạn dân tăng từ 16,07 năm 2016 lên 20 năm 2020; sồ điều dưỡng trên vạn dân tăng từ 33,34 năm 2016 lên 35 năm 2020; 40/40 bệnh viện hạng II trở lên có dược sĩ lâm sàng; 100% trạm y tế có 02 bác sĩ, hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; số cán bộ, công chức, viên chức y tế có trình độ sau đại học tăng từ 6.385 năm 2016 lên 6.835 năm 2019; số cán bộ, công chức, viên chức y tế trình độ quốc tế tăng từ 63 năm 2016 lên 95 năm 2019. Số bác sĩ có trình độ chuyên môn sau đại học tăng từ 3.565 năm 2010 lên 5.537 năm 2015 và 7.164 người năm 2019, trong đó: 304 tiến sĩ (chiếm 4,25%); 1.157 chuyên khoa II (chiếm 16,15%); 2.164 thạc sĩ (chiếm 30,20%); 3.539 chuyên khoa I (chiếm 49,40%); 100% cán bộ, công chức, viên chức y tế được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức đáp ứng tiêu chuẩn đối với từng loại chức danh theo quy định đã trực tiếp nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân, kéo giảm tình trạng quá tải bệnh viện.

VII. Các hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xã hội hóa, tự chủ và bảo hiểm y tế

- Trong 5 năm qua, ngành y tế thành phố có 94 dự án xây mới, cải tạo, mua sắm trang thiết bị, trong đó 52 dự án đã hoàn thành, 42 dự án đang thi công. Nhiều bệnh viện và các trung tâm y tế với cơ sở hạ tầng mới, khang trang đã đi vào hoạt động, các dự án xây dựng Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC). Nhiều công trình bệnh viện mới được khởi công như Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Trung tâm Xét nghiệm Y khoa (thuộc Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), Trung tâm Pháp Y, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện An Bình, trong đó nổi bật nhất là Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố theo tiêu chuẩn quốc tế đi vào hoạt động năm 2017 và Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tại quận 9 sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020.

- Từ năm 2015 đến năm 2019, ngành y tế thành phố đã có 25 dự án đầu tư thuộc chương trình vay kích cầu để đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện, hệ thống xử lý nước thải, trang thiết bị y tế với tổng vốn đầu tư là 3.637 tỷ đồng, số vốn được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 1.344 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn từ 5 đến 7 năm. Đây là hình thức vay vốn tối ưu nhất vì được ngân sách thành phố trả lãi vay, giá thu dịch vụ do đơn vị tự quyết định, người bệnh không phải trả chi phí lãi vay, tài sản sau khi trả nợ thuộc về đơn vị và tiếp tục tạo nguồn thu, ngoài ra đây còn là cầu nối giúp khơi thông nguồn vốn cho các ngân hàng an toàn mà hiệu quả.

- Đến năm 2020 đã có 109 đề án thực hiện hình thức đối tác lắp đặt trang thiết bị, bệnh viện tổ chức cung cấp dịch vụ với tổng giá trị là 1.100 tỷ đồng, trong đó vốn của đối tác là 997 tỷ đồng. Ưu điểm của hình thức này góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách, cơ sở y tế được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị. Tuy nhiên, hình thức này vẫn còn một số hạn chế như chưa có cơ sở pháp lý hướng dẫn việc xác định giá trị góp vốn của đơn vị về năng lực, chất lượng và uy tín nên việc xác định tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa đơn vị và đối tác thường là cảm tính chưa tương xứng với giá trị góp vốn của hai bên; Mong muốn phải thu hồi vốn nhanh trong liên doanh, liên kết sẽ dẫn đến tình trạng có đơn vị lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật, người bệnh phải thực hiện các kỹ thuật không cần thiết, tốn kém chi phí. Sở Y tế đã khuyến khích các đơn vị tự đi vay (nhất là vay kích cầu) để giảm chi phí cho người bệnh vì không phải gánh lãi suất sinh lời từ nhà đầu tư và các chỉ định thực hiện dịch vụ kỹ thuật do không cần thiết.

- Đã có 45/55 bệnh viện công lập tự chủ toàn phần về chi thường xuyên, tiết kiệm trên 1.150 tỷ đồng cho ngân sách thành phố. Với mô hình tự chủ các bệnh viện có điều kiện tuyển được nhân lực chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, thu nhập cán bộ viên chức được tăng thêm, có điều kiện hợp tác, liên doanh, liên kết với cơ sở y tế tư, vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở mới để chuyển lên mô hình tự chủ tài chính tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Tuy được giao tự chủ chi thường xuyên nhưng giá dịch vụ KCB mới chỉ kết cấu 4/7 yếu tố chi phí do đó nhiều bệnh viện nhất là các bệnh viện quận, huyện rất khó khăn trong việc đảm bảo bảo chi phí hoạt động, thu nhập tăng thêm rất thấp, đa số dưới 1 lần lương.

- Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, nếu năm 2014, số người tham gia BHYT là 5.429.977 người, đạt độ bao phủ 69,34% dân số thì đến năm 2019 số người tham gia BHYT là 7.541.585 người, đạt 89,1%, vượt 1,2% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định 1167/QĐ-TTg và vượt 1,1% so với Nghị quyết số 40/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố. Dự kiến đến hết năm 2020, số người tham gia BHYT là 7.810.411 người, đạt độ bao phủ BHYT là 90% dân số. Số lượt người KCB BHYT 2014 là 14,5 triệu, năm 2019, là 22 triệu lượt (nội trú 1,8 triệu lượt, ngoại trú 20,2 triệu lượt) tăng 7,5 triệu lượt KCB so với 2014.

VIII. Hoạt động cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin

Được xem là hoạt động trọng tâm, mang tính sáng tạo của Ngành Y tế thành phố hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả công việc của cán bộ, công chức Sở Y tế và nhân viên y tế tại các cơ sở trực thuộc, hướng đến sự hài lòng của người dân. Sở Y tế đã triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia. Hiện nay số thủ tục hành chính đã thực hiện triển khai ISO điện tử/số thủ tục hành chính đã công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp ISO 9001 la 122/122 thủ tục.

Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành Y tế được triển khai có hiệu quả hướng đến xây dựng y tế thông minh gồm có:

Xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành Y tế, đồng thời đóng góp cho big data của thành phố (Cơ sở dữ liệu về chứng chỉ hành nghề Y, giấy phép hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh, danh mục kỹ thuật của các cơ sở y tế và kê khai giá).

Tăng thêm tiện ích cho người dân khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe (Xây dựng ứng dụng “Tra cứu nơi khám, chữa bệnh”, đăng ký khám qua mạng, qua tổng đài 1080; Mô hình tự đăng ký khám bệnh, tự tra cứu giá dịch vụ kỹ thuật, thanh toán điện tử, Triển khai Ki ốt “Khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh”.

Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (ứng dụng telemedicine kết nối bác sĩ khám chữa bệnh ban đầu với bác sĩ chuyên khoa), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại các bệnh viện, Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các bệnh viện, hướng đến xây dựng “Bệnh viện không giấy”,

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và quản lý ngành: Xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến của Ngành Y tế thành phố liên thông với Cổng dịch vụ công của thành phố, hiện nay có 50 thủ tục hành chính công đã được triển khai thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ( chiếm tỷ lệ 50% số thủ tục hành chính giải quyết tại Sở Y tế); Kết nối cơ sở cung ứng thuốc tại thành phố Hồ Chí Minh vào cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia; Xây dựng hệ thống điều hành thông minh mạng lưới cấp cứu 115; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố; Triển khai ứng dụng cảnh báo tự chủ tài chính cho các bệnh viện.

Từ năm 2016, Sở Y tế đã xây dựng phần mềm khảo sát hài lòng của các cơ sở y tế đối với hoạt động quản lý, điều hành và cải cách thủ tục hành chính của các phòng ban chức năng thuộc Sở. Phần mềm khảo sát hài lòng này được tích hợp trong Cổng thông tin điện tử của Ngành Y tế để tăng cường công tác cải cách hành chính, đổi mới hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công liên quan tới hoạt động khám, chữa bệnh của Sở Y tế và lượng giá các hoạt động cải tiến chất lượng khám chữa bệnh của Sở Y tế.

Sở Y tế đã triển khai hoạt động khảo sát “Trải nghiệm người bệnh” ở khu vực nội trú thông qua “Phiếu khảo sát trải nghiệm người bệnh trong thời gian điều trị nội trú tại bệnh viện”. Bộ câu hỏi dùng để khảo sát trải nghiệm người bệnh đã được nhóm nghiên cứu của Sở Y tế phối hợp với trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xây dựng, thử nghiệm, hiệu chỉnh sau thời gian nghiên cứu. Hoạt động khảo sát “Trải nghiệm người bệnh” là hoạt động mới, thiết thực, là một công cụ quản lý giúp cho bệnh viện biết được cảm nhận thật của người bệnh về bệnh viện từ lúc nhập viện đến lúc xuất viện sau thời gian nằm điều trị tại bệnh viện. Kết quả khảo sát sẽ cung cấp các thông tin có giá trị thiết thực giúp bệnh viện phát huy những trải nghiệm tích cực và có giải pháp cải tiến chất lượng, kịp thời chấn chỉnh đối với những trải nghiệm theo chiều hướng tiêu cực của người bệnh nhằm đáp ứng mong đợi và kỳ vọng của người bệnh đối với bệnh viện, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, tạo dựng niềm tin của người bệnh về bệnh viện.

Tổ chức thành công Hội thảo Quốc tế Y tế thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019. Hội thảo đã tôn vinh 20 sản phẩm đạt giải chất lượng của ngành y tế điều đó cho thấy các đơn vị y tế của thành phố đã tiếp cận và triển khai rất hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 trong công tác quản lý y tế. Năm 2019 được Ủy ban Nhân dân thành phố tặng bằng khen là đơn vị tiêu biểu trong ứng dụng Công nghệ thông tin.

Sở Y tế đã triển khai thí điểm mô hình Trung tâm điều hành y tế, đây là Trung tâm điều hành y tế thông minh đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh và của cả nước. Nhằm xây dựng hệ thống dự báo, điều hành, giám sát tổng thể các hoạt động của ngành y tế góp phần nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh đem lại lợi ích cho bệnh nhân, người dân, đồng thời đóng góp vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố, góp phần xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

IX. Về hạn chế và nguyên nhân

- Công tác phòng, chống dịch bệnh, dù không để bùng phát các ổ dịch bệnh và khống chế được các dịch bệnh mới nổi (COVID-19, Zika, Cúm H1N1, ...) nhưng nhìn chung các dịch bệnh lưu hành (sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, sởi) vẫn chưa kéo giảm hoàn toàn như mong muốn. Sự biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm và tốc độ đô thị hóa nhanh, người từ các vùng miền, các quốc gia, châu lục khác là điều kiện thuận lợi để các tác nhân bệnh truyền nhiễm xâm nhập làm phức tạp thêm mô hình bệnh tật của Thành phố. Bên cạnh đó nhận thức của một bộ phận người dân về vai trò và trách nhiệm tự giác thực hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm để bảo vệ bản thân và những người xung quanh còn hạn chế. Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành chưa có vắc xin (như bệnh tay chân miệng), dự phòng chủ yếu qua các biện pháp không dùng thuốc phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác của mỗi cá nhân cũng là thách thức cho hệ thống phòng chống dịch bệnh của toàn Thành phố. Ngoài ra, nguồn nhân lực làm công tác phòng chống dịch bệnh ở quận/huyện, phường/xã không đồng đều về trình độ chuyên môn dân đến không ít khó khăn trong việc triển khai hiệu quả các hoạt động kiểm soát dịch bệnh.

- Công tác dân số, thành phố đang xảy ra tình trạng mức sinh liên tục giảm trong các năm, tổng tỷ suất sinh năm 2019 là 1,33 con, hiện ở mức thấp so với mức sinh thay thế 2,1 con. Xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng, do những áp lực trong trong cuộc sống và công việc, do gánh nặng chi phí để nuôi dạy, chăm sóc trẻ em tại một đô thị lớn, phát triển nhanh về kinh tế - văn hóa như Thành phố.

- Bên cạnh nhiều bệnh viện thành phố đã được xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng góp phần giải quyết tình trạng quá tải và phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu, vẫn còn một số bệnh viện còn gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng như bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, bệnh viện Tâm thần, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Nguyễn Tri Phương... gây ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực nâng cao chất lượng phục người bệnh, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: chưa được cấp đất mở rộng bệnh viện, đã được cấp đất nhưng chưa được giải phóng mặt bằng, đã có mặt bằng nhưng phải điều chỉnh lại quy hoạch,...

- Tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến thành phố đã được khắc phục một phần nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tuy nhiên tình trạng giảm tải vẫn chưa thật bền vững do các nguyên nhân sau: đổi mới hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu vẫn còn một vài bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối đang trong tình trạng quá tải chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng mới, chính sách liên thông thẻ bảo hiểm y tế tuyến huyện và sắp tới là tuyến tỉnh làm số lượt người bệnh có khuynh hướng đổ dồn về các bệnh viện thành phố lớn để khám, chữa bệnh, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh.

- Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và trong công tác điều hành, quản lý của ngành y tế hướng tới xây dựng y tế thông minh vẫn còn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân do cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin của ngành y tế nói chung và giữa các cơ sở y tế chưa được đầu tư một cách đồng bộ, tiến độ triển khai và hiệu quả đạt được chưa thật sự đồng đều giữa các cơ sở y tế.

- Một số bệnh viện công lập, nhất là bệnh viện quận, huyện còn gặp khó khăn về phát triển nguồn nhân lực do khó tuyển được nhân viên và khó giữ chân được nhân viên có năng lực chuyên môn giỏi. Nguyên nhân chính là do bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên nhưng mức viện phí vẫn chưa được tính đúng tính đủ, hiện nay giá khám chữa bệnh chỉ mới kết cấu 4/7 yếu tố chi phí trong khi bệnh viện vẫn phải đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng khám chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành.

- Việc giao dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ giúp các bệnh viện chủ động hơn với dự toán được giao, không còn bị động do phải chuyển quỹ đa tuyến đi như trước đây, nhưng lại phát sinh tăng chi phí đa tuyến đến đối với các bệnh viện tuyến cuối của thành phố do các bệnh viện tuyến dưới chuyển người bệnh có bệnh nặng và phức tạp lên các bệnh viện tuyến trên, tuy biết sẽ vượt dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng các bệnh viện tuyến trên không thể từ chối người bệnh.

- Số cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân gia tăng rõ rệt góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập, bên cạnh các bệnh viện và phòng khám tư đã có cải thiện rõ rệt về chất lượng điều trị và chất lượng phục vụ người bệnh, nhưng vẫn còn xảy ra những bức xúc của người dân do không đảm bảo an toàn cho người bệnh, do lạm dụng kỹ thuật và một số hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khám, chữa bệnh ở một số phòng khám, nhất là các phòng khám có yếu tố nước ngoài. Nguyên nhân: do công tác kiểm tra, giám sát hành nghề khám, chữa bệnh trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn, cả về số lượng và loại hình hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân. Ngoài ra, quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ nước ngoài cần được kiến nghị Bộ Y tế bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp yêu cầu của thực tiễn và theo hướng hội nhập quốc tế.

- Công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị còn nhiều sai sót như chậm xây dựng kế hoạch đấu thầu, dự toán số lượng mua sắm không chính xác, còn áp dụng hình thức mua sắm tiếp và chỉ định thầu, không thành lập Bên mời thầu, không hủy thầu đối với các mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu,... Nguyên nhân do danh mục thuốc, vật tư, trang thiết bị sử dụng tại các bệnh viện rất lớn, đa dạng nhưng không có phần mềm quản lý, công tác dự báo hàng tồn kho thiếu chính xác nên phải mua sắm nhiều lần, thiếu nhân sự chuyên môn về đấu thầu.

- Việc tổ chức các hoạt động tiện ích phục vụ cho người bệnh, người nuôi bệnh như bãi xe, căn tin, cửa hàng bách hóa, hoạt động mua sắm, liên doanh, liên kết, thuê trang thiết bị chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Nguyên nhân do Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công ra đời còn nhiều vướng mắc chưa được Ủy ban Nhân dân và các Sở, Ngành giải quyết. Các Đề án sử dụng tài sản công phục vụ căn tin, bãi xe, bách hóa, nhà thuốc,...của các bệnh viện chưa được Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất Thành phố phê duyệt.

PHẦN 2: Kế hoạch 5 năm 2021-2025

Kế hoạch phát triển y tế 5 năm 2021-2025 xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn giai đoạn trước; đặc biệt là biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ; dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là các tác động rất lớn của đại dịch Covid-19 làm thay đổi sâu sắc, toàn diện tới các lĩnh vực đời sống xã hội và trật tự kinh tế thế giới. Trong nước, giai đoạn 2021-2025 kinh tế sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ những yếu kém cơ cấu kinh tế nội tại, các vấn đề xã hội, môi trường, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô kinh tế lớn; tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng; mật độ dân số cao nhất cả nước; tiếp tục chịu áp lực gia tăng dân số cơ học lớn nhất và bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu, môi trường, thiên tai, dịch bệnh.

I. Mục tiêu

- Chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức khống chế dịch bệnh hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng trên địa bàn Thành phố, tăng cường quản lý bệnh không lây và phòng chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

- Phát triển và nâng cao năng lực y tế cơ sở trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đảm bảo độ bao phủ chăm sóc sức khoẻ cho mọi người dân Thành phố, hướng đến mỗi người dân đều có một hồ sơ sức khoẻ điện tử.

- Tiếp tục phát triển kỹ thuật chuyên sâu, đầu tư cơ sở hạ tầng phấn đấu trở thành trung tâm y tế chuyên sâu cả nước và trong khu vực.

- Phát triển nguồn nhân lực y tế, cả về số lượng và chất lượng, cả về chuyên môn và quản lý đáp ứng yêu cầu tự chủ tài chính trong tình hình mới.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế hướng đến sự hài lòng người dân.

II. Các chỉ tiêu

Stt

Nội dung

Đơn vị tính

Kế hoạch năm 2025

1

Số bác sĩ trên 10.000 dân

bác sĩ

21

2

Số giường bệnh trên 10.000 dân

giường

42

 

Diện tích sàn xây dựng bình quân trên 1 giường bệnh

m2

60

3

Tỷ lệ xử lý chất thải y tế và nước thải y tế

%

100

4

Tổng tỷ suất sinh (phụ nữ tuổi sinh đẻ)

con

≥ 1,4

5

Tỷ lệ dân số được lập hồ sơ quản lý sức khoẻ điện tử

%

> 90

6

Tỷ lệ người dân hài lòng khi đến khám bệnh, chữa bệnh

%

>80

 

Tỷ lệ người dân hài lòng với hồ sơ dịch vụ công của ngành y tế

%

>90

7

Tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng 12 loại bệnh có vắc xin phòng ngừa

%

>95

8

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi

< 10

 

Tỷ suất tử vong sơ sinh

< 5

9

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi

%

< 8

10

Tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành

%

< 20

11

Tỷ suất tử vong mẹ

< 4

12

Phấn đấu tỷ lệ trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình

%

≥ 50

13

Phấn đấu tỷ lệ tăng dân số tự nhiên

%

> 1,1

III. Các nhiệm vụ và giải pháp

1. Phát triển y tế cộng đồng, đẩy mạnh hoạt động phòng chống bệnh truyền nhiễm, quản lý bệnh không lây nhiễm và các chương trình mục tiêu Y tế - Dân số

1.1 Kiện toàn mạng lưới tuyên truyền và tăng cường hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động xã hội tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe

- Củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực nhân sự cũng như hoạt động của mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe từ thành phố (khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe - Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố) đến các BV/PK/TTYT QH, các TYT PX, CQ, XN, trường học và mạng lưới NVSK cộng đồng. Đảm bảo tuyển dụng đủ nhân sự thực hiện hoạt động truyền thông cho toàn mạng lưới. Thiết lập đội ngũ cộng tác viên truyền thông giáo dục sức khỏe là các chuyên gia y tế theo từng lĩnh vực.

- Phát triển mạng lưới thông tin ngành Y tế, thiết lập hệ thống lưu trữ dữ liệu truyền thông giáo dục sức khỏe. Xây dựng thư viện điện tử về tài liệu truyền thông, giáo dục sức khỏe và các thông tin y tế tạo điều kiện cho người dân, cộng đồng và các cơ sở y tế truy cập tham khảo, sử dụng; trang bị phương tiện, thiết bị truyền thông tại cơ sở y tế để đưa thông tin, thông báo của ngành y tế đến với người dân, đưa nội dung giáo dục, hướng dẫn từ các chuyên gia đến với người dân, người bệnh.

- Xây dựng khung chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe hàng năm lồng ghép với các chương trình sức khỏe, các chiến dịch truyền thông các ngày, sự kiện sức khỏe trong năm và các sự kiện liên quan khác.

- Phát triển các mô hình truyền thông hiệu quả tại cộng đồng; mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và mọi người dân về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong chăm sóc sức khoẻ với quan điểm “Mọi người vì sức khỏe”; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, các phong trào thi đua, các cuộc vận động liên quan tới công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ.

- Bên cạnh trang thông tin điện tử của ngành, chú trọng phát triển các kênh truyền thông gián tiếp phổ biến, thu hút đại chúng như mạng xã hội để lan tỏa nhanh thông điệp và sản phẩm truyền thông; tạo điều kiện tương tác trong cộng đồng.

- Phát triển sản xuất các ấn phẩm, tài liệu truyền thông giáo dục sức khỏe bằng những hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng truyền thông, phát triển hình thức truyền thông đa phương tiện như xây dựng video clip về giáo dục sức khỏe, thiết kế đồ họa nội dung thông tin (infographic).

- Phối hợp với các báo đài, mạng lưới truyền thông GDSK để phổ biến các sản phẩm truyền thông giáo dục sức khỏe rộng rãi cho người dân có thể tiếp nhận; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các hội nghề nghiệp để thực hiện các chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp với từng đối tượng.

1.2 . Tổ chức hoạt động y tế dự phòng theo hướng dựa vào cộng đồng; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình chăm sóc, nâng cao sức khoẻ, chất lượng dân số theo chiến lược, kế hoạch quốc gia, chú trọng các chương trình can thiệp trực tiếp đến những vấn đề sức khỏe đặc thù của người dân Thành phố

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên từng địa bàn dân cư, chủ động ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài và kiểm soát dịch bệnh lưu hành tại thành phố, không để dịch bệnh lớn xảy ra:

Thiết lập hệ thống theo dõi thông tin dịch bệnh mới nổi trong khu vực và trên thế giới, kết nối với Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Y tế công cộng tiếp nhận kịp thời thông tin, dự báo khả năng xâm nhập và lập kế hoạch chủ động ứng phó cho thành phố

Thiết lập hệ thống kết nối các cơ sở y tế (dự phòng, điều trị) để tổ chức hoạt động giám sát dựa vào sự kiện: phát hiện, ghi nhận và thông báo về các dấu hiệu cảnh báo từ cộng đồng, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng phòng xét nghiệm và từ mạng lưới thông tin truyền thông để sàng lọc, xác minh và đáp ứng kịp thời, phù hợp với sự kiện.

Củng cố và nâng cao năng lực các đội đáp ứng nhanh cấp thành phố, quận huyện để ứng phó kịp thời với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp: tập huấn, đào tạo chuyên môn về dịch tễ học thực địa, điều tra xử lý dịch bệnh; trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phục vụ công tác

Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành thông qua quản lý các điểm nguy cơ phát sinh dịch bệnh, các ổ dịch đang hoạt động để dự báo quy mô, xu hướng lây lan, từ đó xử lý kịp thời, triệt để; phát triển, bổ sung các phân hệ phần mềm để thao tác vận hành, quản lý giám sát, phân tích thống kê, theo dõi dự báo dịch bệnh

Củng cố vững chắc hệ thống tiêm chủng, tổ chức quản lý chặt chẽ đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng để thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng không bị gián đoạn, đạt mục tiêu đảm bảo tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phòng ngừa các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

- Xây dựng bộ chỉ số sức khỏe - y tế công cộng của Thành phố; tiến hành các điều tra, khảo sát về tình trạng dinh dưỡng, thể lực tầm vóc, bệnh tật học đường, bệnh mạn tính không lây, bệnh nghề nghiệp tạo cơ sở dữ liệu nền về tình hình sức khỏe, mô hình bệnh tật, yếu tố nguy cơ.

- Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS, lao, viêm gan...: phát triển các mô hình phối hợp công tư, xã hội hóa và dựa vào cộng đồng để dự phòng mắc bệnh, phát hiện sớm người bệnh trong cộng đồng đưa vào điều trị với phác đồ phù hợp; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý sự tuân thủ của người bệnh, đảm bảo hiệu quả điều trị và không xảy ra kháng thuốc; kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm cho người khác; triển khai hiệu quả cơ chế chi trả thông qua BHYT.

- Triển khai đồng bộ, lồng ghép các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chú trọng dự phòng các yếu tố nguy cơ mắc bệnh cho người dân, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật, quản lý điều trị tại y tế cơ sở và tại cộng đồng trên nền tảng phát huy quyền làm chủ của chính người bệnh.

- Nghiên cứu xây dựng các chương trình, dự án và các mô hình can thiệp đặc hiệu góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao thể lực và thể chất của người dân thành phố

- Tăng cường công tác y tế học đường để quản lý sức khỏe học sinh, phát hiện và can thiệp kịp thời các vấn đề bệnh tật liên quan đến môi trường học đường; phối hợp ngành giáo dục tổ chức chương trình giáo dục dinh dưỡng và thể chất trong hệ thống trường học, triển khai hiệu quả chương trình dinh dưỡng học đường (áp dụng thực đơn tiết chế dinh dưỡng và sữa học đường cho lứa tuổi mầm non, tiểu học).

- Phối hợp các sở, ngành liên quan tập trung thực hiện công tác phòng, chống và cai nghiện ma tuý; phòng chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; xây dựng các mô hình tư vấn và điều trị cai nghiện hiệu quả, phù hợp nhu cầu thực tế; triển khai các chương trình, đề án phối hợp liên ngành để chăm sóc sức khỏe cho các nhóm đối tượng đặc thù như người lao động, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em...

- Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống thảm họa, giám sát môi trường y tế, môi trường lao động, bảo đảm an toàn lao động; phòng, chống tai nạn, thương tích, bệnh nghề nghiệp; bảo đảm người dân được tiếp cận sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh; xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải y tế đúng quy định, quy chuẩn.

- Đẩy mạnh chương trình chăm sóc sức khoẻ bà mẹ - trẻ em thiết thực, phù hợp nhu cầu, đặc biệt đối với khu vực ngoại thành, xa cơ sở y tế: quản lý và theo dõi thai kỳ, sàng lọc trước sinh - sơ sinh, chăm sóc sức khỏe 1000 ngày đầu đời....

- Tăng cường thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh và các đối tượng ưu tiên; phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp, lồng ghép với các hoạt động quản lý bệnh không lây mạn tính, khám chữa bệnh tại nhà và huy động nguồn lực cộng đồng cùng tham gia.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng công tác quản lý bệnh truyền nhiễm, quản lý bệnh không lây, phòng chống dịch bệnh hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ cao để dự phòng bệnh tật nhất là các bệnh mạn tính không lây, bệnh di truyền.

1.3. Đổi mới hệ thống, kiện toàn cơ cấu tổ chức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao năng lực, chất lượng cung cấp dịch vụ y tế dự phòng

- Nâng cao vai trò và năng lực quản lý, lập kế hoạch y tế cả ở tuyến thành phố và quận, huyện thông qua ban hành các tiêu chí và công cụ đánh giá kế hoạch, tổ chức các khóa đào tạo về quản lý hệ thống y tế; tăng cường hỗ trợ các đơn vị trong xây dựng kế hoạch hoạt động, đặc biệt các kế hoạch liên quan đến việc thực hiện mục tiêu phát triển y tế công cộng

- Tiếp tục nâng cao năng lực triển khai hoạt động cho các trung tâm, đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng của thành phố và quận huyện, hình thành hệ thống kiểm soát bệnh tật đồng bộ ở tất cả các cấp và kết nối với mạng lưới kiểm soát bệnh tật toàn quốc; tăng cường phát huy năng lực, vai trò đầu ngành của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố trong hệ thống y tế dự phòng, y tế công cộng tại Thành phố

- Xây dựng cơ sở xét nghiệm phục vụ hoạt động giám sát y tế công cộng: giám sát bệnh truyền nhiễm, yếu tố vi khí hậu - môi trường y tế - môi trường lao động - nước sinh hoạt...

- Kiện toàn hệ thống phục hồi chức năng của thành phố, tổ chức các dịch vụ phục hồi chức năng phù hợp tại tuyến y tế cơ sở để đáp ứng nhu cầu, tăng khả năng tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi, người mắc di chứng bệnh tật, chấn thương; triển khai mô hình và các hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng để tận dụng nguồn lực xã hội.

- Xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính và từng bước tăng mức đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng; quản lý và điều phối có hiệu quả nguồn lực tài chính, bảo đảm sự công bằng và bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách cho các chương trình, hoạt động y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe.

- Củng cố hệ thống thông tin y tế nhằm tạo nguồn dữ liệu đầy đủ, chính xác cho các chương trình can thiệp, chương trình hành động hoạt động hiệu quả. Tổ chức các lớp tập huấn về tổng hợp, phân tích và xử lý số liệu cho các tuyến. Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị tổ chức các cuộc điều tra hàng năm để có được số liệu chính xác hơn và phân tích chi tiết đến từng đơn vị quận, huyện nhằm theo dõi tiến độ và phục vụ cho công tác dự báo, xây dựng kế hoạch.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thống kê y tế điện tử để từng bước hình thành trung tâm dữ liệu y tế của thành phố: Hoàn thành cơ sở dữ liệu các danh mục dùng chung; Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, đảm bảo việc quản lý, lưu trữ, khai thác dữ liệu y tế tập trung tại Sở Y tế.

2. Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu của tuyến y tế cơ sở, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần giảm quá tải bệnh viện

- Kiện toàn mô hình trung tâm y tế tuyến huyện theo hướng dẫn của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ, quy định về chức năng nhiệm vụ của trung tâm y tế tuyến huyện và quy định về trạm y tế xã, phường, thị trấn của Bộ Y tế; đảm bảo bố trí đầy đủ nhân sự lãnh đạo, quản lý và thực hiện chuyên môn cho đơn vị.

- Đổi mới cơ chế và phương thức hoạt động của trạm y tế phường, xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ, thu hút người dân đến với tuyến y tế cơ sở: thiết lập mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình để chăm sóc ban đầu và quản lý sức khỏe cho người dân trên địa bàn một cách toàn diện, liên tục với sự hỗ trợ chuyên môn của bệnh viện quận huyện và thành phố; triển khai các dịch vụ y tế phù hợp với đặc thù của tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân như điều trị bệnh thông thường, chăm sóc sức khỏe tại nhà, phục hồi chức năng - vật lý trị liệu, y học cổ truyền…; tổ chức đánh giá chất lượng hoạt động của trạm y tế theo các tiêu chuẩn thiết yếu trong hoạt động khám chữa bệnh ban đầu.

- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất hoàn chỉnh, trang thiết bị y tế thiết yếu cho trạm y tế đáp ứng chức năng, nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

- Triển khai đồng bộ, thống nhất hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động trạm y tế, quản lý bệnh tật, tiêm chủng, quản lý hồ sơ sức khoẻ người dân gắn với quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; áp dụng các phần mềm kết nối trạm y tế - bệnh viện, bác sĩ - người bệnh để tổ chức hoạt động tư vấn chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa và chăm sóc sức khỏe tại nhà.

- Phát triển, mở rộng mô hình hỗ trợ chuyên môn của bệnh viện tuyến trên đối với trạm y tế thành hoạt động thường quy, dưới hình thức dịch vụ khám chữa bệnh từ xa do bệnh viện tuyến trên cung cấp cho người dân đang được trạm y tế quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu.

- Đẩy mạnh quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm mạn tính, tổ chức chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở. Kết nối y tế cơ sở với các phòng khám tư nhân để phối hợp chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân.

- Thiết lập hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân: lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân và kết nối với các hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu y tế khác để thực hiện cập nhật thông tin, chỉ số sức khoẻ khi người dân đi khám sức khoẻ, khám chữa bệnh; cơ sở y tế quản lý, theo dõi các vấn đề sức khỏe, yếu tố nguy cơ của mỗi cá nhân và lập kế hoạch thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ để chủ động chăm sóc, phòng ngừa bệnh tật, biến chứng. Tổng hợp dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử và phân tích, đánh giá tình hình sức khỏe người dân, dự báo xu hướng diễn biến, phát sinh bệnh tật để kịp thời xây dựng kế hoạch, chiến lược can thiệp phù hợp của ngành y tế và của Thành phố.

- Triển khai và nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tất cả các trạm y tế để khuyến khích người dân, người bệnh đến khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở.

- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cho y tế cơ sở đảm trách tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân trên địa bàn.

3. Công tác dân số

- Nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, đẩy mạnh chuyển tải thông điệp truyền thông “Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con”

Tổng tỷ suất sinh đạt 1,4 (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 1,4 con, hướng tới 2030 là 1,6 con), quy mô dân số thành phố khoảng 10,6 triệu người.

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên phấn đấu trên 1,1% vào năm 2025.

Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15-49 tuổi) đang sử dụng BPTT hiện đại trên 60%.

Giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn.

- Thực hiện việc kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý

Tỷ số giới tính khi sinh ≤ 107 bé trai/100 bé gái.

Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 10%; tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 45%.

- Tập trung triển khai thực hiện mở rộng các hoạt động can thiệp nâng cao chất lượng Dân số

Tỷ lệ thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được truyền thông, tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt ≥ 90%.

≥ 85% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; ≥ 85% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

Tuổi thọ bình quân đạt 76,8 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 67 năm.

Chiều cao trung bình của thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,0 cm.

Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì nằm trong nhóm 03 tỉnh dẫn đầu của cả nước.

- Thúc đẩy phân bố dân số hợp lý

Bố trí, phân bố dân số hợp lý, bảo đảm người nhập cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Tỷ lệ Dân số đô thị duy trì ổn định ở mức 80%.

- Đẩy mạnh khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu chuyên ngành Dân số, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố Dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc.

80% ngành, lĩnh vực sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

- Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của Thành phố

Tiếp tục thực hiện tốt các chiến lược, chương trình về chăm sóc sức khỏe, xây dựng các chiến lược, chương trình về chăm sóc sức khỏe cho giai đoạn đến năm 2030.

- Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Ít nhất 20% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi.

Khoảng 60% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất.

100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Phấn đấu duy trì và mở rộng hoạt động 144 Câu lạc bộ Người cao tuổi giúp Người cao tuổi và 144 Tổ tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi già yếu neo đơn tại cộng đồng ở 144 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố.

4. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh

4.1. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng lấy người bệnh làm trung tâm, đảm bảo quy định pháp luật và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh

- Tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm tình trạng quá tải bệnh viện tại các bệnh viện tuyến cuối và một số chuyên khoa như xây dựng mới một số bệnh viện cửa ngõ; thực hiện chuyển giao kỹ thuật; Phát triển mô hình khoa Điều trị trong ngày nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, giảm tải nội trú của bệnh viện và giảm chi phí cho người bệnh. Tập trung triển khai khoa điều trị ban ngày tại một số bệnh viện tuyến cuối thường xuyên quá tải người bệnh nội trú như: bệnh viện chuyên khoa Nhi, chuyên khoa Sản, Ung Bướu, Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 và bệnh viện Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương,...

- Tăng cường công tác quản lý nhả nước về tuân thủ các quy định trong quản lý danh mục kỹ thuật tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tiến tới bảo đảm chất lượng kỹ thuật đồng đều giữa các tuyến. Tăng cường công tác giám sát việc tuân thủ phác đồ điều trị, quy trình kỹ thuật.

- Tiếp tục nâng cao năng lực bệnh viện tuyến huyện góp phần thu hút người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh giảm tải cho các bệnh viện tuyến thành phố. Thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế, chú trọng công tác khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách và người nghèo.

- Tăng cường chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới. Hỗ trợ toàn diện chuyên môn kỹ thuật đối với một số bệnh viện quận, huyện còn yếu nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

- Các bệnh viện tiếp tục rà soát thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành, nâng cao hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh thông qua hoạt động khảo sát ý kiến hài lòng, ý kiến không hài lòng, khảo sát trải nghiệm người bệnh nội trú theo hướng lấy người bệnh làm trung tâm.

- Tiếp tục cập nhật Bộ tiêu chí chất lượng áp dụng đối với phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt,...triển khai đến các phòng khám, tổ chức tập huấn để các phòng khám thực hiện tự đánh giá nhằm tăng cường nâng cao hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo các quy định của pháp luật. Tổ chức triển khai, đánh giá việc tuân thủ các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt. Công khai điểm đánh giá của các phòng khám trên Cổng thông tin điện tử ngành y tế để người dân biết, lựa chọn khi có nhu cầu.

- Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật tại các bệnh viện, như Bộ tiêu chí chất lượng đánh giá mức độ an toàn phẫu thuật; các nội dung khuyến cáo của Sở Y tế...nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện quận, huyện trong việc phát triển chất lượng khám, chữa bệnh nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật của ngành.

- Tiếp tục tổ chức Hội thi Điều dưỡng trưởng giỏi hằng năm nhằm tạo cơ hội giao lưu, trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ điều dưỡng trưởng của các bệnh viện trong quản lý, chăm sóc người bệnh, góp phần vào hoạt động cải tiến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của ngành y tế thành phố.

- Tăng cường phối hợp với Bảo hiểm xã hội giải quyết khó khăn vướng mắc về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các đơn vị, thúc đẩy các cơ sở khám chữa bệnh tăng tỷ lệ đẩy dữ liệu lên cổng BHXH; định kỳ hoặc đột xuất họp Tổ Bảo hiểm y tế với Bảo hiểm xã hội Thành phố để kịp thời giải quyết những vướng mắc có liên quan đến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

- Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, triển khai các ứng dụng phần mềm trong quản lý, thẩm định danh mục kỹ thuật; khảo sát ý kiến không hài lòng, trải nghiệm người bệnh nội trú...

- Tiếp tục phát huy hiệu quả quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện tại các bệnh viện, kết hợp hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện một cách chuyên nghiệp

- Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại cơ sở khám, chữa bệnh, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà....

- Xây dựng và phát triển y học cổ truyền, tăng cường kết hợp y học hiện đại trong khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng.

- Nâng cao năng lực thực hiện xét nghiệm, tiến tới liên thông kết quả xét nghiệm.

4.2. Tiếp tục phát triển kỹ thuật tế chuyên sâu, phấn đấu trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực phía Nam và khu vực Đông Nam Á

- Phát triển kỹ thuật mới, chuyên sâu tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.

- Hình thành Trung tâm Y tế chuyên sâu của thành phố bao gồm: các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối trên địa bàn Thành phố; Trung tâm khám sức khoẻ và tâm soát bệnh bằng công nghệ cao; Trung tâm cấp cứu 115 và mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh với hệ thống điều phối thông minh.

- Phát triển du lịch y tế thu hút khách trong và ngoài nước đến Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp du lịch và khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế thấp nhất số lượng người dân ra nước ngoài điều trị. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tra cứu nơi khám bệnh, chữa bệnh cho người dân và khách du lịch. Hình thành mạng lưới điều phối viên du lịch y tế giúp tư vấn cho khách du lịch về các loại hình dịch vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe khác kết hợp về du lịch nghỉ dưỡng. Kết nối cơ sở, đơn vị y tế hợp tác với doanh nghiệp du lịch triển khai, ứng dụng và phát triển sản phẩm du lịch y tế.

- Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị tại các trung tâm điều trị chuyên sâu như: trung tâm đột quỵ của bệnh viện Nhân dân 115, trung tâm Thận nhân tạo của bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Trung tâm ghép tạng tại bệnh viện Nhi đồng 2, Đơn vị thụ tinh nhân tạo tại bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hùng Vương và một số bệnh viện ngoài công lập. Hình thành mới trung tâm tim mạch nhi tại bệnh viện Nhi đồng 1, trung tâm y học hạt nhân tại bệnh viện Nhi đồng thành phố. Đưa vào hoạt động toàn diện Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2.

- Triển khai các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng theo hướng phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác và can thiệp điều trị đặc hiệu ngang tầm các nước có nền y học phát triển trong khu vực, đảm bảo bao phủ mô hình bệnh tật của người dân Thành phố và khu vực.

- Phát triển mô hình khoa Điều trị trong ngày nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, giảm tải nội trú của bệnh viện và giảm chi phí cho người bệnh. Tập trung triển khai khoa điều trị ban ngày tại một số bệnh viện tuyến cuối thường xuyên quá tải người bệnh nội trú như: bệnh viện chuyên khoa Nhi, chuyên khoa Sản, Ung Bướu, Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 và bệnh viện Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương,...

4.3. Hoàn thiện và phát triển mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện

- Xây dựng cơ sở mới cho Trung tâm cấp cứu 115 theo hướng có cấu trúc hạ tầng hiện đại phù hợp với nhiệm vụ và chức năng theo hướng chuyên nghiệp, có hệ thống điều hành thông minh hoạt động của toàn bộ các trạm cấp cứu vệ tinh theo hướng hiện đại, được tích hợp trong Trung tâm điều hành đô thị thông minh của thành phố. Xây dựng mô hình chuỗi cung ứng cho hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện.

- Phát triển cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực tham gia hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện, đào tạo liên tục chương trình cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng Paramedic, bổ sung loại hình nhân viên y tế “Chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện” (được đào tạo chính quy từ các trường đại học) vào mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện của thành phố.

- Đa dạng hóa các phương tiện vận chuyển cấp cứu phù hợp với đặc điểm đô thị của thành phố. Phối kết hợp với các trung tâm cấp cứu của các bệnh viện đâu ngành triển khai các phương tiện vận chuyển cấp cứu hiện đại theo hướng mở rộng địa bàn cấp cứu cho cả các tỉnh, thành trong khu vực.

- Phát triển mạng lưới các chuyên gia tư vấn chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực và chuyên khoa khác nhau, có sự hỗ trợ của công nghệ truyền thông, góp phần nâng cao hiệu quả trong xử trí cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch tại hiện trường và trên đường vận chuyển người bệnh đến các bệnh viện.

- Tăng cường phối kết hợp với các trung tâm y tế quận, huyện, các trạm y tế, và các cơ sở y tế tư nhân trong công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn. Tăng cường phối kết hợp với các Sở, Ngành, đoàn thể trong công tác phổ cập kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu trong cộng đồng.

4.4. Đảm bảo thực thi sách pháp luật trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại TP.HCM, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bệnh và của cơ sở y tế

- Phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Thành phố trong công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế tại các đơn vị;

- Phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ Bảo hiểm y tế Sở Y tế. Duy trì giao ban hàng quý giữa Tổ Bảo hiểm y tế của Sở và Lãnh đạo của Bảo hiểm xã hội thành phố nhằm giải quyết các hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trực thuộc nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh BHYT.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Tiếp tục hoàn thiện phần mềm quản lý các dữ liệu khám chữa bệnh BHYT để đưa ra các hướng dẫn, cảnh báo kịp thời đến cơ sở giúp giám đốc các bệnh viện chủ động hơn trong việc phân bổ, cân đối dự toán chi cho hợp lý và hiệu quả.

- Tăng cường giám sát tuân thủ phác đồ điều trị tại các đơn vị. Giám sát chặt chẽ việc chỉ định thuốc, chỉ định cận lâm sàng phù hợp với chẩn đoán bệnh lý.

- Tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc giao dự toán chi cho Thành phố. Xem xét lại việc giao dự toán chi BHYT cho Thành phố vì có tỷ lệ người bệnh (nhất là bệnh nặng, chi phí cao) đến từ các tỉnh. Nhất là đến năm 2021, sẽ thực hiện chính sách liên thông tuyến tỉnh sẽ tạo áp lực cho Thành phố vì có tỷ lệ thẻ bảo hiểm từ các tỉnh khác đến khám chữa bệnh dự kiến sẽ rất cao.

5. Phát triển nhân lực y tế

- Tiếp tục thực hiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; bố trí công chức, viên chức đúng yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn vị trí việc làm.

- Tiếp tục triển khai thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ chính trị.

- Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của ngành y tế thành phố đảm bảo đủ số lượng và chất lượng; đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định và đề án vị trí việc làm.

- Nâng cao kiến thức quản lý nhà nước, lý luận chính trị và kiến thức về pháp luật, kỹ năng giao tiếp cho công chức, viên chức và người lao động ngành y tế.

- Đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ công chức, viên chức và người lao động; tập trung đào tạo có chọn lọc, có trọng tâm, định hướng đối với một số chức danh chuyên môn và quản lý.

- Phối hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và các trường đại học tại các nước tiên tiến trên thế giới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế đối với sinh viên y khoa.

- Chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho trạm y tế: Đội ngũ nhân viên y tế tại trạm y tế có ít nhất 1 bác sĩ đa khoa được đào tạo Y học gia đình, 1 cử nhân y tế công cộng; luân phiên, biệt phái nhân sự 02 chiều giữa bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện đối với trạm y tế; huy động nhân viên y tế đã nghỉ hưu tham gia công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; tăng cường hoạt động tập huấn, đào tạo liên tục nâng cao trình độ và tay nghề khám chữa bệnh đa khoa, công tác y tế cộng đồng và năng lực quản lý trạm y tế cho nhân viên trạm y tế.

- Phối hợp với cơ sở đào tạo chuyên ngành y tổ chức đào tạo nguồn nhân lực về y tế công cộng, chăm sóc sức khỏe ban đầu để phân công về làm việc tại các đơn vị y tế quận, huyện. Đào tạo bổ sung, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế dự phòng, y tế công cộng đặc biệt là kiến thức, kỹ năng về dịch tễ học, dịch tễ học thực địa.

- Đào tạo nhân viên y tế chuyên sâu làm công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng (điều dưỡng chăm sóc bệnh mạn tính, điều trị chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, dinh dưỡng cộng đồng...); củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên chăm sóc sức khỏe ở tuyến cơ sở. Nâng cao năng lực quản lý điều hành các chương trình hoạt động dinh dưỡng cho nhân viên y tế phụ trách chương trình ở các cấp thành phố, quận, huyện và phường, xã.

- Nhân viên y tế thực hiện công tác cấp cứu ngoài bệnh viện được đào tạo theo hướng chuyên nghiệp (paramedic) và điều phối viên chuyên nghiệp.

- Cử nhân viên y tế tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cần được phân bố đồng đều các lĩnh vực, chuyên ngành (Y, dược, điều dưỡng, y tế dự phòng . . .), các chuyên khoa (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Y học Gia đình, Y tế công cộng, phục hồi chức năng, y học cổ truyền,...). Các nhân viên y tế thực hiện chuyên khoa sâu được đào tạo theo ê kíp, có trình độ chuyên khoa cấp 2 trở lên.

- Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, quản trị theo khoa học đối với từng cấp lãnh đạo, quản lý: yêu cầu nội dung đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực tiễn lãnh đạo, quản lý như kiến thức về khoa học quản lý nhà nước, về nghiệp vụ hành chính, lý luận chính trị, am hiểu chính sách và pháp luật...; kỹ năng về lập kế hoạch, ngân sách, tổ chức, biên chế, kiểm tra, phân tích vấn đề và ra quyết định, phân tích tài chính, kỹ năng giải quyết vấn đề trong công việc... Cử nhân lực lãnh đạo, quản lý tham gia một số lớp bồi dưỡng về quản lý như Quản lý nhà nước, Quản lý bệnh viện, Quản lý trung tâm y tế, Quản lý lãnh đạo cấp phòng ...

- Tiếp tục chương trình đào tạo liên tục nguồn nhân lực chất lượng cao đối với cán bộ làm công tác chuyên môn, công tác quản lý tại các nước phát triển.

- Đối với các vị trí chức danh nghề nghiệp trong ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật vật lý trị liệu, xét nghiệm, dược hạng IV phải chuẩn hóa lên trình độ Cao đẳng trở lên theo quy định.

- Tham mưu xây dựng chính sách để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa và trong các lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong,...; chính sách thu hút nguồn bác sĩ nước ngoài, Việt kiều có trình độ, tài năng, tay nghề cao tham gia làm việc tại các đơn vị y tế.

- Bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin.

- Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới; luân phiên nhân viên y tế giữa các tuyến; biệt phái viên chức y tế để khắc phục những bất cập trong phân bố nhân lực y tế hiện nay.

6. Cung ứng dược và mỹ phẩm

- Đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, nhất là thiết yếu, thuốc quý hiếm phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân.

- Triển khai giai đoạn 1 và 2 của Kế hoạch Phát triển ngành dược trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030.

- Xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng thuốc để quản lý hiệu quả nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và giá thuốc từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, phân phối và cả khi thuốc đến tay người sử dụng.

- Tăng cường giám sát hoạt động đấu thầu, cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đảm bảo hoạt động đấu thầu tuân thủ các quy định của pháp luật.

- Quản lý việc kê đơn và bán thuốc kê đơn, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc, ngăn chặn tình trạng vi khuẩn đề kháng kháng sinh.

- Xây dựng Đề án phát triển hệ thống dược lâm sàng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các cơ sở bán lẻ thuốc. Phấn đấu đạt 75% bệnh viện tuyến Thành phố có bộ phận dược lâm sàng, 50% bệnh viện tuyến quận - huyện, bệnh viện tư nhân có bộ phận dược lâm sàng hoạt động có hiệu quả với mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, hợp lý; tránh tình trạng lạm dụng thuốc, nhất là kháng sinh trong điều trị.

- Xây dựng hoạt động chăm sóc dược. Phát triển hệ thống dược cộng đồng để tư vấn, theo dõi việc sử dụng thuốc cho người bệnh nhằm đảm bảo việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

- Tăng cường kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng mỹ phẩm lưu hành.

7. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cải cách hành chính

7.1. Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử

- Triển khai phần mềm tin học về hồ sơ sức khỏe điện tử đến trạm y tế.

- Xây dựng chuẩn kết nối vào hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) hoặc hệ thống quản lý thông tin tại bệnh viện (HIS) để truyền tải dữ liệu chọn lọc vào kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử.

- Xây dựng kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử đảm bảo lưu trữ cơ sở dữ liệu về hồ sơ sức khỏe.

- Xây dựng công cụ truyền dữ liệu từ hồ sơ sức khỏe điện tử đến phần mềm quản lý khám chữa bệnh, hồ sơ bệnh án điện tử để các cơ sở y tế được cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình sức khỏe, các dữ liệu y khoa sẵn có của người bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng điều trị, đồng thời giảm bớt chi phí y tế do không phải thực hiện lại các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh...

- Xây dựng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với hồ sơ sức khỏe điện tử để cung cấp công cụ cho người dân tự theo dõi, quản lý sức khỏe cá nhân, tiến tới thiết lập hồ sơ sức khỏe cá nhân (PHR).

- Xây dựng phần mềm phân tích, giám sát chỉ số sức khỏe người dân từ dữ liệu lớn về sức khỏe để báo cáo, đánh giá về mô hình bệnh tật, tình hình sức khỏe người dân thành phố; đồng thời nghiên cứu, dự báo những xu hướng diễn tiến của sức khỏe người dân làm cơ sở đề ra các giải pháp, chiến lược can thiệp phù hợp nhằm cải thiện sức khỏe, đáp ứng những nhu cầu mới về chăm sóc sức khỏe nhân dân.

7.2. Xây dựng hệ thống khám chữa bệnh thông minh; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các bệnh viện; ứng dụng các công nghệ mới trong công nghiệp 4.0 vào công tác khám chữa bệnh

- Xây dựng hạ tầng cơ sở thông tin đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn, an ninh, đáp ứng yêu cầu vận hành và trao đổi thông tin.

- Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các bệnh viện: Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý BV (HIS); Triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm (LIS); Triển khai hệ thống lưu trữ và luân chuyển hình ảnh (PACs) và quản lý thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS); Tích hợp hệ thống HIS, LIS, PACs/RIS, kết nối các dữ liệu từ HIS, LIS, PACs/RIS cho từng hồ sơ bệnh nhân; Xây dựng bệnh án điện tử.

- Xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh thông minh: Xây dựng các ứng dụng như Đăng ký khám bệnh qua mạng; Cổng tra cứu thông tin y tế; phần mềm tư vấn từ xa, KCB tại nhà; Thẻ khám bệnh thông minh; thanh toán điện tử, phần mềm Tra cứu nơi khám bệnh trên thiết bị cầm tay thông minh phục vụ cho người dân thành phố và khách du lịch y tế, ứng dụng khảo sát hài lòng, không hài lòng, ứng dụng khảo sát trải nghiệm người bệnh; Xây dựng hệ thống điều hành thông minh mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh phục vụ kịp thời nhu cầu cấp cứu của người dân thành phố và khách du lịch; ứng dụng các thuật toán về máy học, xây dựng các hệ thống nhắc tự động, hệ thống cảnh báo, dự báo thời gian chờ khám, chờ xét nghiệm; Triển khai thẻ KCB thông minh được tích hợp nhiều tiện ích cho phép người bệnh có thể sử dụng tất cả các dịch vụ của trong bệnh viện từ bãi giữ xe thông minh cho đến thanh toán chi phí KCB, thanh toán điện tử; Xây dựng bệnh viện thông minh theo Mức 6 của Thông tư 54.

- Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động chuyên môn tăng hiệu quả điều trị: ứng dụng Telemedicine trong hội chẩn từ xa giữa bệnh viện tuyến cuối của thành phố với các chuyên gia của các nước trong khu vực; các chuyên gia của bệnh viện tuyến cuối với bệnh viện tuyến dưới, giữa bệnh viện với Trạm y tế; ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động chẩn đoán và điều trị, tiếp cận Y học cá thể; phẫu thuật bằng Robot.

- Tiếp tục các hoạt động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ người dân, không ngừng cải tiến chất lượng phục vụ và chất lượng khám, chữa bệnh dựa trên phần mềm khảo sát sự không hài lòng của người bệnh thông qua hệ thống ki-ốt khảo sát đặt tại khoa Khám bệnh của các bệnh viện, khảo sát hài lòng người bệnh và kết quả khảo sát trải nghiệm người bệnh nội trú.

7.3. Xây dựng hệ thống phòng chống dịch bệnh thông minh, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn

- Tin học hóa hoạt động Trạm y tế: bảo đảm kết nối và chia sẻ thông tin với các hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống giám định và thanh toán bảo hiểm y tế, hệ thống thống kê y tế điện tử quốc gia.

- Xây dựng hệ thống phần mềm quản lý các hoạt động tiêm chủng, phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh truyền nhiễm mạn tính, bệnh mạn tính không lây, chăm sóc sức khỏe người dân tích hợp với Trung tâm dữ liệu sức khỏe và dịch bệnh.

- Xây dựng hệ thống phòng chống dịch bệnh thông minh tích hợp với Trung tâm dữ liệu Sở Y tế và hệ thống GIS của thành phố.

- Quản lý Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tổng hợp số liệu thống kê và báo cáo về tình hình dân số, kế hoạch hóa gia đình tại thành phố.

- Quản lý giám định y khoa, giám định pháp y và hệ thống thông tin quản lý phục hồi chức năng.

7.4. Xây dựng Trung tâm điều hành thông minh của ngành Y tế Thành phố

- Xây dựng hệ thống dự báo, điều hành, giám sát tổng thể các hoạt động của ngành y tế.

Xây dựng các phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước: Hệ thống báo cáo số liệu KCB; Hệ thống quản lý nguồn nhân lực; Hệ thống quản lý cơ sở hành nghề; Hệ thống quản lý trang thiết bị y tế; Hệ thống thông tin quản lý dược phẩm, mỹ phẩm (phần mềm quản lý bán thuốc theo đơn liên thông dữ liệu với hệ thống dữ liệu dược Quốc gia; Hệ thống kết nối mạng giữa cơ sở khám bệnh và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra và việc bán thuốc theo đơn trên toàn quốc. Hệ thống quản lý thực hiện công tác quản lý tồn kho, logistic, đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc); Hệ thống thông tin quản lý ngân sách, tài chính; Hệ thống quản lý các công trình nghiên cứu khoa học.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính: cải cách thủ tục hành chính công như đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4; xây dựng và triển khai Cổng dịch công trực tuyến ngành y tế; triển khai các dịch vụ tiện ích như dịch vụ bưu chính công ích (nhận và nộp hồ sơ tại nhà); dịch vụ thanh toán phí trực tuyến; phần mềm tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính; duy trì và phát triển phần mềm khảo sát không hài lòng, khảo sát hài lòng, khảo sát trải nghiệm tại các cơ sở y tế, khảo sát hài lòng cán bộ ngành y tế thành phố đối với các phòng chức năng Sở Y tế.

- Xây dựng Hệ thống điều hành thông tin mạng lưới các trạm cấp cứu ngoài bệnh viện: Quản lý và điều hành mạng lưới cấp cứu ngoại viện trực thuộc Trung tâm cấp cứu 115 thành phố Hồ Chí Minh nhằm điều phối mạng lưới cấp cứu, có khả năng kết nối và chia sẻ thông tin bệnh nhân cho lực lượng cấp cứu ngoại viện đáp ứng nhu cầu điều hành mạng lưới cấp cứu ngoại viện phục vụ người dân và khách du lịch; Hệ thống tiếp nhận cuộc gọi, điều hành hoạt động cấp cứu ngoại viện đối với trạm cấp cứu trung tâm và các trạm vệ tinh thuộc mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện của thành phố, điều phối chuyển viện cấp cứu đến các bệnh viện trên địa bàn thành phố đối với xe chuyển bệnh cấp cứu của các bệnh viện khu vực phía Nam, đồng thời tích hợp trong Hệ thống trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp của thành phố; Xây dựng Hệ thống camera trong lĩnh vực y tế và hệ thống điều phối lưu lượng bệnh nhân cấp cứu để giảm tải các khoa cấp cứu của các bệnh viện; Ứng dụng công nghệ thông tin (camera thông minh) trong ngành Y tế: lắp đặt camera thông tin tại tất cả khoa cấp cứu của các bệnh viện, kết nối liên thông dữ liệu về Trung tâm điều hành thông tin mạng lưới các trạm cấp cứu ngoài bệnh viện để điều tiết chuyển bệnh cấp cứu và kết nối Trung tâm giám sát camera của thành phố.

7.5. Xây dựng dữ liệu lớn của ngành Y tế

- Phát triển kho dữ liệu lớn của ngành Y tế Thành phố bảo đảm có thể lưu trữ, quản lý đủ các số liệu tập trung của ngành y tế.

- Triển khai số hóa các văn bản, tài liệu lưu trữ của Sở Y tế.

- Xây dựng phần mềm kết nối, công cụ chuẩn hóa dữ liệu tích hợp kho dữ liệu dùng chung của thành phố.

8. Hoạt động xây dựng cơ bản và trang thiết bị y tế

- Hoàn thành dự án trọng điểm về xây dựng của ngành y tế: Xây dựng mới cơ sở hạ tầng cho 3 bệnh viện đa khoa khu vực ở cửa ngõ của thành phố (Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức); Xây dựng mới cơ sở 2 của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tại cụm y tế kỹ thuật cao Tân Kiên- Bình Chánh, hình thành mô hình viện trường theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố đảm bảo đạt chuẩn quốc tế đưa vào hoạt động các công trình mới Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện An Bình, Bệnh viện Bình Dân. Tiếp tục đầu tư xây dựng mới các bệnh viện chuyên khoa và hình thành cụm y tế kỹ thuật cao tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.

■ Giai đoạn 1: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (đã hoạt động); Bệnh viện Truyền máu Huyết học cơ sở 2 (đang thực hiện), Trung tâm Pháp Y (đang thực hiện), Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Thạch (quý I/2021 khởi công).

■ Giai đoạn 2 (Các dự án khu 21ha); Ngân hàng Máu, Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm, Trung tâm Cấp cứu 115 (cơ sở 2), Bệnh viện Bình Dân 300 giường cơ sở 2, Bệnh viện thực hành Trường Phạm Ngọc Thạch 500 giường, các khu phụ trợ (khu cây xanh tập trung, khu tập trung rác thải, trạm điện), Dự án hạ tầng kỹ thuật (khu 19 ha), Trung Tâm đào tạo nhân lực theo yêu cầu (Trường Phạm Ngọc Thạch), Bệnh viện thực hành 500 giường (Trường Phạm Ngọc Thạch), Bệnh viện chuyên khoa sâu 200 giường (Đông Y), Bệnh viện chuyên khoa sâu 200 giường (Bệnh viện Tai Mũi Họng), Bệnh viện chuyên khoa sâu 200 giường (Bệnh viện Răng Hàm mặt), Bệnh viện chuyên khoa sâu 200 giường (Bệnh viện Cột sống), Bệnh viện chuyên khoa sâu 200 giường (Khoa tim), Các khu phụ trợ (bãi xe công cộng, ký túc xá, khu ở chuyên gia, khu dịch vụ công cộng, trường mầm non).

■ Giai đoạn 3 (Các dự án khu 19ha): Đang lấy ý kiến người dân về Quy hoạch.

- Đầu tư các trang thiết bị tương ứng với việc triển khai các kỹ thuật chuyên sâu tại từng bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối. Phấn đấu đạt chuẩn chất lượng bệnh viện Việt Nam mức khá trở lên (theo quy định của Bộ Y tế) và chuẩn chất lượng quốc tế theo các chuyên khoa.

- Tổ chức đấu thầu trang thiết bị theo đúng hướng dẫn của các Thông tư cho Bộ Y tế ban hành.

- Phối hợp các Sở, ngành triển khai, hướng dẫn Luật đầu tư công, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công trong hoạt động mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, đầu tư có sử dụng vốn đầu tư công.

- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các bệnh viện quận, huyện đảm trách tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân trên địa bàn.

- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trạm y tế để hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

- Đầu tư xe cứu thương hiện đại cho Trung tâm cấp cứu 115 và bổ sung xe cứu thương cho các trạm cấp cứu vệ tinh đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.

- Đảm bảo tất cả bệnh viện phải có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường.

- Xây dựng phần mềm quản lý trang thiết bị tại cơ sở y tế đáp ứng công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị: danh mục, số lượng, đơn giá mua, thời hạn bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa,...

- Các cơ sở y tế tăng cường quản lý, khai thác sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng và sửa chữa trang thiết bị và hạ tầng y tế.

- Đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử về giá trúng thầu mua sắm trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế nhà nước trên địa bàn thành phố.

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác trang thiết bị y tế.

9. Tài chính y tế

- Ưu tiên ngân sách chi thường xuyên và đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở.

- Triển khai phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ (thay phương thức giao dự toán) đối với dịch vụ KCB phong, lao, tâm thần, giám định, kiểm nghiệm.

- Khuyến khích các bệnh viện có mức tự chủ chi thường xuyên cao lên tự chủ chi thường xuyên và đầu tư. Tham mưu UBND triển khai giá dịch vụ y tế tính đủ chi phí để đầu tư phát triển và gắn với chất lượng dịch vụ (do các đơn vị này được thực hiện trước lộ trình giá DVSNC thay vì phải đến 2025)

- Nhân rộng các mô hình, giải pháp, sáng kiến hướng tới tiết kiệm chi phí y tế hợp lý, hiệu quả.

- Huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế, khuyến khích các đơn vị tự đi vay (nhất là vay kích cầu) để giảm chi phí cho người bệnh vì không phải gánh lãi suất sinh lời từ nhà đầu tư và hạn chế các chỉ định thực hiện dịch vụ kỹ thuật do không cần thiết. Đa dạng hoá các hình thức hợp tác công - tư, bảo đảm minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng.

- Triển khai phương thức thanh toán chi phí BHYT theo định suất và nhóm chẩn đoán liên quan (DRG).

- Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài chính; Nâng cao năng lực quản lý tài chính, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị cho các đơn vị.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước (khuyến cáo, cảnh báo, kiểm tra, giám sát) về tự chủ tài chính, KCB BHYT, liên doanh, liên kết, đấu thầu trang thiết bị nhất là các sai phạm, sai sót qua thanh tra, kiểm toán.

- Đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

- Phối hợp các Sở, ngành triển khai, hướng dẫn Luật đầu tư công, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công trong hoạt động mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, đầu tư có sử dụng vốn đầu tư công.

10. Chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế

- Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ.

- Chủ động tăng cường nghiên cứu, áp dụng những tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế về y tế, những mô hình tổ chức hệ thống y tế công cộng tiến bộ và phù hợp, khả thi.

- Tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế và trong nước khác để được hỗ trợ về kỹ thuật, đào tạo và tài chính, tạo cơ hội thúc đẩy triển khai thực hiện các hoạt động y tế của thành phố; lồng ghép các dự án hợp tác quốc tế với hoạt động trong các chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành y tế thành phố nhàm huy động nguồn lực thực hiện, đạt được các mục tiêu sức khỏe; tiến hành các nghiên cứu khoa học mang tầm quốc tế.

- Tăng cường học hỏi các bài học kinh nghiệm quốc tế, áp dụng các mô hình, phương thức tiên tiến trên thế giới trong việc triển khai các chương trình, hoạt động để đạt các mục tiêu sức khỏe cho người dân.

- Tăng cường kết nối với mạng lưới kiểm soát bệnh tật thế giới.

- Xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và các nước có nền công nghiệp dược phát triển nhằm nghiên cứu, đầu tư sản xuất các sản phẩm thuốc mới, các kỹ thuật bào chế hiện đại.

- Giới thiệu các doanh nghiệp có tiềm năng của Thành phố để nhận chuyển giao của các nhà sản xuất sở hữu các thuốc Biệt dược gốc để thực hiện sản xuất tại Thành phố.

11. Quản lý hành nghề

- Tiếp tục triển khai cải cách hành chính trong công tác xử lý hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận.

- Hoàn chỉnh phần mềm quản lý nhân sự hành nghề trong lĩnh vực y tế.

- Xây dựng và sử dụng phần mềm quản lý cơ sở hành nghề Dược, Mỹ phẩm nhàm mục đích quản lý cơ sở dữ liệu (CCHN, GCNĐĐKKD Mỹ phẩm, Phiếu công bố sản phẩm Mỹ phẩm) góp phần hình thành dữ liệu lớn (big data) về y tế của Thành phố.

- Tiếp tục triển khai dịch vụ công trực tuyến và số hóa toàn bộ các dữ liệu, thông tin cần thiết trong quá trình thực hiện cũng như đảm bảo việc liên thông, kết nối dữ liệu giữa các phần mềm nhằm giảm thời gian khi xử lý hồ sơ góp phần hướng đến sự hài lòng người dân.

12. Công tác thanh tra

- Nâng cao trách nhiệm của Người đứng đầu cơ sở y tế (thủ trưởng) trong công tác tiếp công dân; chú trọng xem xét, giải quyết từng vụ việc kịp thời, hiệu quả các đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh tại đơn vị, đảm bảo thực hiện đúng thẩm quyền, giải quyết dứt điểm theo đúng quy định và phù hợp thực tiễn; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp.

- Ứng dụng công nghệ thông tin, tổng hợp các kênh truyền thông, phương tiện nhanh chóng phát hiện:

Các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực y tế không phép, cá nhân tham gia khám chữa bệnh không chứng chỉ hành nghề và không tuân thủ các quy định khác của pháp luật.

Các cơ sở thực hiện quảng cáo khi chưa được cá nhân, tổ chức cơ quan có thẩm quyền cấp phép, quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn.

Các cá nhân, tổ chức hoạt động lĩnh vực y tế không thực hiện kê khai giá, thu giá dịch vụ y tế cao hơn giá niêm yết.

Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế có hành vi sai phạm đúng theo các quy định của pháp luật và được công khai trên cổng thông tin điện tử theo đúng các quy định.

- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra, ứng dụng công nghệ thông tin vào phần mềm “y tế trực tuyến”, ứng dụng CNTT vào quản lý các cơ sở sai phạm, nhanh chóng tra cứu các cơ sở vi phạm và được công khai các cơ sở sai phạm trên trang thông tin điện tử.

- Triển khai và xây dựng các quy trình thống nhất, đồng bộ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khám chữa bệnh, dự phòng, dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, giải quyết đơn thư KN-TC và phòng chống tham nhũng tránh gây phiền hà cho người dân.

- Xây dựng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra Sở Y tế có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, có tính chuyên nghiệp, có chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm, tận tụy, trong sáng, công tâm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trong tình hình mới, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Y tế nhiệm kỳ 2021-2025 và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2025.

13. Phát triển y tế thành phố Thủ Đức

Xây dựng tiêu chí và kế hoạch phát triển y tế Khu đô thị sáng tạo phía Đông Thành phố (Khu Đô thị sáng tạo) để sẵn sàng triển khai khi Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố được chấp thuận thành lập. Tiêu chí và kế hoạch phát triển y tế của Khu Đô thị sáng tạo sẽ bao gồm các nội dung:

- Xây dựng một trung tâm điều hành y tế “thông minh” của Khu Đô thị sáng tạo bao gồm các lĩnh vực dự phòng và điều trị đều phát triển theo hướng số hoá để kết hợp dữ liệu, tạo nên nguồn dữ liệu mở, phục vụ tốt cho công tác quản lý xã hội, cung ứng tốt các dịch vụ y tế, giảm phiền hà, rủi ro, tạo thuận tiện nhất cho người dân, phát huy vai trò của người dân trong quá trình vận hành, quản lý nhà nước của ngành y tế, chia sẻ kết nối với trung tâm điều hành y tế của Sở Y tế TP.HCM; Xây dựng chuỗi cung ứng (Logistics) tập trung cho các bệnh viện và các cơ sở y tế của Khu Đô thị sáng tạo.

- Người dân của Khu Đô thị sáng tạo được lập hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý bệnh tật trên hồ sơ và khi khám chữa bệnh sẽ được ghi nhận trên hồ sơ sức khỏe điện tử.

- Hoàn chỉnh mạng lưới trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình (bao gồm cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị y tế..), đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh ban đầu và quản lý bệnh mạn tính tại cộng đồng.

- Hiện đại hoá trung tâm y tế của Khu Đô thị sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, quản lý sức khoẻ cộng đồng.

- Xây dựng các bệnh viện mới, sửa chữa cải tạo các bệnh viện hiện hữu hiện đại (theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế), thực hiện công tác chẩn đoán, điều trị, quản trị bệnh viện theo tiêu chí “thông minh”; Xây dựng Trung tâm chẩn đoán, tầm soát bệnh bằng công nghệ cao phục vụ người dân trên địa bàn Khu Đô thị sáng tạo, người dân thành phố và các vùng lân cận cũng như khách đến làm việc, du lịch.

- Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện với trung tâm điều hành cấp cứu hiện đại, mạng lưới trạm cấp cứu vệ tinh phủ khắp Khu Đô thị sáng tạo với lực lượng cấp cứu viên chuyên nghiệp, phương tiện cấp cứu đa dạng phù hợp với sự phát triển của Khu đô thị.

IV. Kinh phí

1. Nguồn vốn đầu tư:

1.1 Tổng vốn 20 dự án nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 chuyển tiếp giai đoạn 2021-2025: 14.130 tỷ đồng

Trong đó:

- Vốn ngân sách TP.HCM

: 13.359 tỷ đồng.

- Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp

: 27 tỷ đồng.

- Vốn từ các nguồn huy động hợp pháp khác

: 744 tỷ đồng.

1.2 Tổng vốn các dự án mới nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch đầu tư trung hạn 05 năm giai đoạn 2021-2025: 49.915 tỷ đồng

Trong đó:

- Vốn trung ương

: 4.500 tỷ đồng.

- Vốn ngân sách TP.HCM

: 26.954 tỷ đồng.

- Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp

: 1.992 tỷ đồng.

- Vốn từ các nguồn huy động hợp pháp khác

: 16.469 tỷ đồng.

1.3. Tổng vốn các dự án ngoài nguồn ngân sách nhà nước (hình thức đối tác công tư, xã hội hóa, liên doanh, liên kết) kế hoạch trung hạn 05 năm giai đoạn 2021- 2025: 18.504,379 tỷ đồng.

2. Nguồn vốn chi thường xuyên

 

Nguồn ngân sách:

: 8.835 tỷ đồng

(Căn cứ theo Quyết định số 5225/QĐ-UBND ngày 10/12/2019 v/v giao chỉ tiêu dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020.)

- Chi khám, chữa bệnh

: 3.100 tỷ đồng

- Chi hoạt động dự phòng

: 4.500 tỷ đồng

- Chi chương trình mục tiêu y tế dân số

: 600 tỷ đồng

- Chi mua sắm, sửa chữa cho Trạm Y tế

: 205 tỷ đồng

- Chi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Người cao tuổi

: 105 tỷ đồng

- Chi mua thẻ và KCB BHYT cho hộ nghèo

: 325 tỷ đồng

Nguồn thu đơn vị

 

- Từ hoạt động dự phòng

:

- Từ hoạt động khám, chữa bệnh

: 125.000 tỷ đồng

V. Tổ chức thực hiện

1. Các phòng ban Sở y tế

- Căn cứ kế hoạch 5 năm 2021-2025 của ngành y tế các phòng ban xây dựng kế hoạch 5 năm của phòng theo chức năng nhiệm vụ được giao. Phòng Kế hoạch-Tài chính chủ trì phối hợp các phòng xây dựng kế hoạch hàng năm của ngành.

- Định kỳ hàng năm, các phòng có báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm. Phòng Kế hoạch-Tài chính chủ trì phối hợp các phòng tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm của ngành.

2. Các đơn vị trực thuộc

- Căn cứ kế hoạch 5 năm 2021-2025 của ngành y tế các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm của đơn vị.

- Định kỳ hàng năm, các đơn vị có báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- UBND TP.HCM;
- Sở KHĐT TP.HCM;
- Ban Giám đốc SYT;
- Các đơn vị trực thuộc;
- Các phòng ban chức năng Sở;
- Lưu: KHTC (LHL/VNT/10b)

GIÁM ĐỐC




Nguyễn Tấn Bỉnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 6064/KH-SYT năm 2020 hoạt động của ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh 5 năm giai đoạn 2021-2025 do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 6064/KH-SYT
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 13/10/2020
  • Nơi ban hành: Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Tấn Bỉnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/10/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản