Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 17 tháng 5 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ CẦN THƠ LẦN THỨ XIII NHIỆM KỲ 2015-2020 VỀ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI THÀNH PHỐ CẦN THƠ THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI, HỢP LÝ VÀ GIẢM ÙN TẮC GIAO THÔNG

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Căn cứ Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 ngày 30 tháng 9 năm 2015.

II. THỰC TRẠNG KẾT CẤU HẠ TẦNG VÀ ÙN TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

1. Đánh giá tình hình phát triển kết cấu hạ tầng và tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Cần Thơ

a) Đánh giá tình hình phát triển kết cấu hạ tầng

- Thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng

+ Đường bộ: Tổng chiều dài mạng lưới đường bộ trên địa bàn thành phố Cần Thơ là 3.208,96 km, tỷ lệ cứng hóa đạt 66,8%. Trong đó:

* Quốc lộ (QL): Trên địa bàn thành phố hiện có 06 tuyến Quốc lộ (QL.1, QL.80, QL.91, QL.91B, QL.61C, đường Nam Sông Hậu) đi qua với tổng chiều dài 125,7km. Tất cả các tuyến hiện đều có kết cấu mặt bê tông nhựa hoặc nhựa, chất lượng tốt.

* Đường tỉnh (ĐT): Hiện có 11 tuyến đường tỉnh đóng vai trò trục chính kết nối giữa các trung tâm hành chính quận huyện, các khu công nghiệp, với tổng chiều dài 161,4km, trong đó nhựa hóa đạt 100%, hầu hết đạt cấp V, một số tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng như ĐT.919. Một số tuyến hệ thống thoát nước kém, khi trời mưa gây tình trạng ứ đọng dẫn đến xuống cấp nhanh như: ĐT.917, ĐT.918, ĐT.932.

* Đường đô thị

. Tổng chiều dài các tuyến đường đô thị trên địa bàn các quận, thị trấn là 1027,9km. trong đó có 318,8km đường bê tông xi măng (BTXM) 214,2km, đường nhựa và đường cấp phối là 494,8km. Tỷ lệ cứng hóa mặt đường còn thấp (51,9%).

. Tuy nhiên, đường đô thị theo đúng tiêu chuẩn thiết kế chỉ thực sự có ở quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy và một số phường trung tâm các quận (là thị trấn, huyện trước đây). Nhiều tuyến đường ở các quận: Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.

. Đường đô thị tập trung tại khu vực quận Ninh Kiều, Bình Thủy và bám theo các trục xương sống là các QL.1, QL.91, QL.91B và đầu tuyến đường Nam Sông Hậu.

* Đường xã (giao thông nông thôn): Với tổng chiều dài 1.686,5 km với 709 tuyến. Tỷ lệ cứng hóa được 76,6%. Hiện nay trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 709 tuyến đường xã, tổng chiều dài là 1.685,4 km, đường xã chủ yếu đạt loại B, C giao thông nông thôn. Chiều dài đường xã không đều giữa các huyện, cao nhất là huyện Cờ Đỏ (530,6 km), thấp nhất là huyện Phong Điền (304 km).

+ Đường thủy nội địa

. Thành phố Cần Thơ có một mạng lưới sông – kênh – rạch rất phong phú và đa dạng. Mạng lưới sông – kênh – rạch trải đều khắp trên địa bàn thành phố thuận lợi cho phát triển giao thông thủy, hình thành nhiều điểm du lịch sông nước đi miệt vườn, tạo điều kiện phát triển hoạt động du lịch. Có 150 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài là 762,79km.

. Mạng lưới đường thủy chính do thành phố quản lý gồm: 06 tuyến sông – kênh – rạch đạt cấp IV theo tiêu chuẩn đường thủy nội địa. Trong đó chỉ có tuyến kênh Thốt Nốt đã được đầu tư nạo vét, các kênh còn lại hiện chưa được nạo vét; việc lấn chiếm hai bên bờ, lòng sông, kênh còn phổ biến đã làm hạn chế khả năng lưu thông của các phương tiện.

. Mạng lưới đường thủy nội địa do các quận, huyện quản lý: Tổng cộng khoảng 641,69km. Ngoài ra, thành phố Cần Thơ còn có hàng nghìn km sông – kênh – rạch nhỏ tự nhiên và kinh thủy lợi nối liền các thôn, ấp phục vụ tốt cho vận tải nội đồng.

+ Hàng không

. Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Cần Thơ có vị trí tại quận Bình Thủy, kết nối với trung tâm thành phố bằng đường Võ Văn Kiệt, đường Lê Hồng Phong (QL.91).

. Cảng HKQT Cần Thơ có thể tiếp nhận các loại máy bay B777, B747 và các loại máy bay tương đương, công suất nhà ga là 3 triệu lượt hành khách/năm, đường cất hạ cánh dài 3.000m, rộng 45m.

+ Đường biển: Thành phố Cần Thơ có vị trí rất thuận lợi, nằm giáp dòng sông Hậu. Từ đây có thể đến các cảng Cần Thơ, Mỹ Thới và các cảng khác trên thượng lưu và là tuyến triển vọng nhất nối đến cảng Phnom Penh (Cam-pu-chia). Hiện tại, nhiều khu vực nước nông, các bãi cạn thường xuyên dịch chuyển theo động lực sông, làm thay đổi các luồng chạy tàu tại khu vực cửa sông (cửa Định An) là các trở ngại chính đối với giao thông thủy, gây cản trở đến việc ra vào cảng Cần Thơ và các cảng khác phía trên đối với các tàu tải trọng lớn hơn 10.000 tấn. Hiện nay trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 03 cảng hàng hóa là các cảng: Hoàng Diệu, Trà Nóc và Cái Cui.

+ Giao thông tĩnh: Trên địa bàn thành phố có 05 bến xe khách (BXK). Trong đó, 01 BXK tại trung tâm thành phố, BXK 91B đạt loại 2; BXK Ô môn đạt loại 4; 01 bến tạm tại huyện Cờ Đỏ; 01 bến đang xây dựng tại quận Thốt Nốt (bến tạm tại ngã 3 Lộ Tẽ) và BXK Nam Cần Thơ tại quận Cái Răng đạt loại 1 (đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác, đang thực hiện thủ tục đầu tư giai đoạn 2).

b. Đánh giá thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông

Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được tiến độ của quy hoạch giao thông vận tải (GTVT). Một số dự án phân kỳ đầu tư trong giai đoạn 2010 - 2015 đến nay vẫn chưa được tiến hành, do đó khi bắt đầu triển khai thì đã đến mốc quy hoạch như đường tỉnh 917, 918, 920, 922B, bến xe Ô Môn, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh,…

- Về đường bộ

+ Theo quy hoạch phát triển GTVT thành phố Cần Thơ, mạng lưới đường bộ gồm 02 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 62,7km, 06 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài là 163,91km, 24 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 416,3km, 06 tuyến trục trung tâm dài 35km và 04 tuyến trục chính khu công nghiệp (KCN) Hưng Phú dài 20,5km. Thực tế phát triển đến năm 2015, trên địa bàn thành phố có 06 tuyến quốc lộ dài 125,7km, 11 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 161,4km, 06 tuyến trục trung tâm dài 31,6km và 03 tuyến trục chính KCN Hưng Phú dài 4,2km.

+ Có 6/6 quốc lộ, 11/24 tuyến đường tỉnh, 6/9 tuyến đường trục chính trung tâm và 3/4 tuyến trục chính KCN Hưng Phú được đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch.

+ Một số tuyến đường tỉnh mặc dù đã được quan tâm và đầu tư tuy nhiên vẫn tồn tại một số cầu, cống chưa đồng bộ với cấp đường do đó chưa tạo được sự lưu thông liên hoàn và xuyên suốt. Mạng lưới đường chưa tạo được sự liên hoàn khép kín, các tuyến đường bộ chủ yếu phát triển ở khu vực trung tâm thành phố.

+ Việc duy tu bảo dưỡng hàng năm chưa đáp ứng kịp thời do nguồn vốn còn hạn hẹp, hệ thống cầu – đường xuống cấp nhanh cũng là nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông.

- Về đường thủy nội địa: Mạng lưới giao thông thủy của thành phố chưa khai thác và tận dụng hết tiềm năng sẵn có. Đã có sự kết nối giữa đường thủy nội địa và đường bộ tại các cảng khách, bến du lịch, dịch vụ taxi đã góp phần tăng cường kết nối.

- Về hàng không: Hiện nay Cảng HKQT Cần Thơ đang đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của thành phố cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hiện nay chỉ có mạng lưới đường bộ kết nối với cảng hàng không thông qua hoạt động vận tải bằng ô tô và taxi.

- Về đường biển: Cụm cảng Cần Thơ hiện nay mới chỉ khai thác được 50% công suất, nguyên nhân chủ yếu do cửa Định An bị bồi lấp, chỉ tiếp nhận được tàu 10.000DWT giảm tải ra vào. Chưa có hoạt động vận tải hành khách đường biển tại Cần Thơ.

- Về giao thông tĩnh: Mạng lưới bến xe còn thiếu và kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện (gồm 05 bến xe, 01 bến đang xây dựng giai đoạn 2 và 02 bến xe tạm). Công nghệ áp dụng quản lý khai thác thủ công, bán thủ công. Tiến độ xây dựng các BXK chậm. Các bến xe đang khai thác tại các quận, huyện chủ yếu ở dạng bến tạm, không đảm bảo yêu cầu về kết cấu hạ tầng.

c) Thực trạng ùn tắc giao thông

- Tình hình ùn tắc giao thông

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã tập trung chỉ đạo các giải pháp kìm chế ùn tắc giao thông như: Đẩy mạnh việc cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng, tổ chức sắp xếp và điều hành hướng dẫn giao thông, xử lý mạnh các vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT), tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp và các điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc có chiều hướng gia tăng.

Hiện nay trên địa bàn thành phố, vào giờ cao điểm hay khi mưa lớn, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ xảy ra tương đối phổ biến. Tuy chưa trầm trọng nhưng đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và hoạt động kinh tế, xã hội của người dân.

Một số khu vực thường xảy ra ùn tắc giao thông như

+ Khu vực trung tâm (quận Ninh Kiều): Mật độ lưu thông vào giờ cao điểm lớn vượt quá năng lực thông hành. Hệ thống thoát nước kém, mỗi khi mưa lớn hay triều cường thường bị ngập gây khó khăn cho di chuyển.

+ Các tuyến đường trục chính: Là tuyến lưu thông chủ yếu về các khu công nghiệp, khu cảng và các tỉnh lân cận nên lượng xe khách, xe tải và container lớn.

+ Khu vực các trường đại học tập trung nhiều xe của sinh viên lấn chiếm lòng đường.

+ Khu vực cửa ngõ ra vào trung tâm: Lượng dân ngoại tỉnh ra vào thành phố làm việc hàng ngày rất lớn, trong khi đó đường nhỏ hẹp và có nhiều công trình đang thi công.

+ Khu vực bến cảng và các khu công nghiệp: Là khu vực tập trung nhiều xe tải và container, nơi tập trung nhiều công nhân mỗi khi tan ca lượng phương tiện giao thông lưu thông rất lớn.

- Nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông

Ùn tắc giao thông chủ yếu tập trung trong khu vực quận trung tâm như: Ninh Kiều, Bình Thủy và các trục giao thông chính vào giờ cao điểm như: giờ tan ca tại các khu công nghiệp, các trường học, bệnh viện lớn,…Tuy nhiên, qua phân tích thực trạng cho thấy một số nguyên nhân chính gây ra ùn tắc giao thông như sau:

+ Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch còn chưa quyết liệt;

+ Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông hiệu quả chưa cao, các vi phạm về trật tự ATGT chưa được xử lý kiên quyết, kịp thời; chế tài xử lý một số hành vi vi phạm còn chưa đủ sức răn đe; lực lượng xử lý vi phạm còn mỏng dẫn đến ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế;

+ Công tác quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT ở cơ sở có lúc, có nơi còn buông lỏng; hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao;

+ Công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) chưa theo kịp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và nhu cầu đi lại của nhân dân; tình trạng phát triển xây dựng mới các khu đô thị nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được xây dựng đồng bộ gây khó khăn trong công tác tổ chức giao thông;

+ Mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chưa đáp ứng được yêu cầu, phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, gây áp lực lớn lên hệ thống KCHTGT;

+ Mật độ dân cư phân bố không đồng đều, chưa hợp lý, khu vực trung tâm quận Ninh Kiều có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông cao so với năng lực phục vụ của mạng lưới đường;

+ Do các yếu tố khách quan như điều kiện thời tiết (mưa lớn, triều cường,…). Khi mưa lớn, kết hợp với hệ thống thoát nước yếu kém ảnh hưởng đến việc lưu thông.

+ Hệ thống thông tin, tín hiệu cần phải được đầu tư hơn nữa, đặc biệt là các nút giao thông chính phải trang bị thêm camera nhằm hỗ trợ công tác tổ chức, phân luồng giao thông.

+ Lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, hiện nay trên địa bàn thành phố có 508.764 xe máy, 18.274 ô tô các loại (trong đó có 8.646 ô tô con). Giai đoạn 2011 – 2015 bình quân mỗi năm có 18.500 xe máy/năm và 1.300 ô tô đăng ký mới/năm là nguyên nhân chính gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2020

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

- Về kết cấu hạ tầng

+ Từng bước tạo ra hệ thống GTVT hiện đại, đồng bộ, liên hoàn và bền vững;

+ Đảm bảo lưu thông nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng gia tăng và đa dạng phục vụ chiến lược phát triển về KT- XH của thành phố, đảm bảo quốc phòng – an ninh;

+ Từng bước phát triển hệ thống giao thông công cộng nội thành;

+ Phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học – công nghệ (KH-CN) tiên tiến và tăng cường hợp tác quốc tế đối với phát triển GTVT thành phố;

+ Đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH và phát triển không gian đô thị;

+ Thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng;

+ Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để phát triển KCHTGT.

- Về giảm ùn tắc giao thông

+ Tập trung triển khai đồng bộ quyết liệt các giải pháp để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm; trên các trục hướng tâm chính ra, vào thành phố; các khu vực đầu mối giao thông (bến xe, cảng biển,…)

+ Huy động sự tham gia mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó có gắn trách nhiệm của các cấp ủy, cấp chính quyền, các sở, ngành có liên quan trong việc đảm bảo trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền để tạo được sự đồng thuận, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông, thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giao thông; từng bước xây dựng văn hóa giao thông; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông.

+ Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, siết chặt kỷ cương, trật tự trong đảm bảo trật tự ATGT trong hoạt động vận tải, thực hiện quản lý chặt chẽ tải trọng phương tiện; quản lý các bến bãi đỗ xe; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua việc ứng dụng KH-CN trong quản lý, điều hành giao thông, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên địa bàn thành phố.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Về kết cấu hạ tầng

+ Gắn kết mạng lưới giao thông thành phố với mạng lưới giao thông quốc gia, Vùng đảm bảo tính liên thông và chuyển tiếp liên tục giữa hệ thống giao thông đối nội (trong thành phố) với hệ thống giao thông đối ngoại, tạo điều kiện để thành phố Cần Thơ tiếp cận nhanh và trực tiếp với thị trường trong vùng ĐBSCL và quốc tế;

+ Cải tạo, nâng cấp các đầu mối giao thông đảm bảo nhu cầu lưu thông thông suốt. Xây dựng kế hoạch nhằm hoạch định việc dự trữ quỹ đất để cải tạo các đầu mối vận tải theo quy hoạch trong tương lai;

+ Nâng cấp các tuyến quốc lộ và một số tuyến đường tỉnh hiện hữu đạt quy mô tối thiểu cấp III đồng bằng, các cầu mới xây dựng đáp ứng tải trọng thiết kế HL-93. Đối với đoạn đi qua khu vực đô thị xây dựng theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt;

+ Xây dựng các tuyến đường kết nối trung tâm huyện đến trung tâm xã đạt quy mô tối thiểu cấp V, cấp VI;

+ Nạo vét định kỳ các tuyến đường thủy do thành phố quản lý;

+ Triển khai hệ thống VTHKCC đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Nghiên cứu xây dựng thí điểm một vài tuyến BRT nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ của loại hình VTHKCC;

+ Tăng cường khai thác các tuyến bay nội địa và quốc tế;

+ Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hạ tầng hệ thống cảng; bến trên địa bàn thành phố đáp ứng nhu cầu vận tải.

- Về giảm ùn tắc giao thông

+ Giải quyết những khu vực ùn tắc giao thông và có nguy cơ ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố;

+ Tập trung triển khai thực hiện đề án Tăng cường VTHKCC, kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân và tổ chức giao thông theo hướng phân luồng từ xa các phương tiện nhằm giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành.

+ Hoàn thiện Chiến lược đảm bảo an toàn giao thông thành phố Cần Thơ.

2. Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2020

a) Định hướng phát triển đường bộ

- Cao tốc: Giai đoạn 2016 - 2020, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đầu tư tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 23,6km.

- Quốc lộ: Đến năm 2020, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đầu tư hoàn thành Quốc lộ 91 (đoạn Km0-Km7) theo quy hoạch được duyệt.

- Đường tỉnh:

+ Đối với các tuyến hiện hữu: tiến hành duy tu, bảo dưỡng hàng năm. Nâng cấp một số tuyến đường (917, 918, 921, 922, 923) đạt quy mô cấp III đồng bằng. Các cầu trên tuyến xây dựng đạt tải trọng HL-93;

+ Đối với các tuyến đường mới: đầu tư xây dựng mới tuyến nối QL.91B- Thới Lai đạt quy mô tối thiểu cấp III đồng bằng, hệ thống cầu trên tuyến đạt tải trọng thiết kế HL-93.

- Đường trục chính đô thị: Trong giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện đầu tư xây dựng các công trình như: (1) tuyến nối đường Cách mạng Tháng Tám - đường tỉnh 918, (2) cầu và đường Trần Hoàng Na, (3) đơn nguyên 02 của cầu Quang Trung, (4) đường Hoàng Quốc Việt, (5) đường sau kè sông Cần Thơ, (6) đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam – thị trấn Phong Điền), (7) đường Vành đai sân bay (đoạn Sân Bay Cần Thơ – QL.91B).

b) Định hướng phát triển giao thông tĩnh: Trong giai đoạn 2016-2020

Xây dựng hoàn thành 3 BXK: Bến xe trung tâm Nam Cần Thơ, Bến xe Ô Môn, Bến xe Thốt Nốt và Bến tổng hợp (hành khách, hàng hóa và du lịch) Cần Thơ theo hình thức xã hội hóa.

c) Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt: Đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị sẽ tập trung nghiên cứu và đầu tư xây dựng sau năm 2020.

d) Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đường biển

- Luồng sông Hậu qua cửa Định An: Đến năm 2020 đảm bảo cho tàu có tải trọng 20.000 DWT (giảm tải, lợi dụng thủy triều) hàng hải đi vào hoạt động.

- Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển: phát triển cụm cảng biển trung tâm đầu mối Cần Thơ là cụm cảng đầu mối thương mại hàng hải chính của toàn khu vực ĐBSCL, bao gồm 3 khu Hoàng Diệu, Trà Nóc và Cái Cui với các khu bến tổng hợp và chuyên dùng (chủ yếu cho xăng dầu, khí hoá lỏng và các bến phục vụ cho các cơ sở công nghiệp dịch vụ nằm ven sông), cụ thể:

+ Khu bến tổng hợp Hoàng Diệu: giai đoạn 2016 - 2020, củng cố nâng cấp khu bến hiện có, chủ yếu làm hàng tổng hợp, container cho tàu đến 10.000 DWT. Công suất khai thác khoảng 3 - 3,5 triệu tấn/năm;

+ Sắp xếp, di dời các bến chuyên dùng tại khu Bình Thủy, chỉ để lại bến kết hợp phục vụ quốc phòng - an ninh và đóng sửa tàu thật cần thiết;

+ Khu bến tổng hợp Cái Cui: Giai đoạn 2016 - 2020, nâng cấp hạ tầng có thể tiếp nhận tàu đến 20.000 DWT. Công suất bến đạt 6,0 - 7,0 triệu tấn/năm. Ngoài cảng tổng hợp, tại khu vực còn có các cảng chuyên dùng tiếp nhận, cung ứng xăng dầu, nguyên vật liệu và sản phẩm đặc thù cho các cơ sở sản xuất, chế biến thuộc khu công nghiệp;

+ Khu bến tổng hợp Trà Nóc: Gồm bến tổng hợp, chuyên dùng phục vụ các cơ sở công nghiệp, dịch vụ ven sông, tiếp nhận tàu 5.000-10.000 DWT. Giai đoạn 2016- 2020 công suất khai thác khoảng 2,5-3,0 triệu tấn/năm.

đ) Định hướng phát triển mạng lưới đường thủy nội địa

- Đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn phục vụ các nhà máy, các KCN dọc bờ sông trong thành phố Cần Thơ và trong khu vực ĐBSCL. Vận chuyển hành khách du lịch; kết hợp chặt chẽ phát triển giao thông với thủy lợi, kiểm soát lũ, phát triển mạng lưới đô thị, điểm dân cư nông thôn.

- Đảm bảo khai thác vận tải phù hợp với thông số kỹ thuật luồng cửa sông trong điều kiện hiện trạng, về lâu dài, cải tạo, chỉnh trị các luồng cửa sông đảm bảo có độ sâu chạy tàu tương đồng với cấp kỹ thuật của luồng tàu trong sông; tiến tới xây dựng hoàn chỉnh hệ thống luồng cửa sông đáp ứng nhu cầu vận tải ven biển.

e) Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đường hàng không: Đến năm 2020: đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO và sân bay quân sự cấp II, đảm bảo phục vụ 24/24 giờ loại máy bay B777 hoặc tương đương. Công suất cảng 2 triệu hành khách/năm và 100.000 tấn hàng hóa/năm.

g) Định hướng phát triển giao thông đô thị và giảm ùn tắc giao thông

- Phát triển giao thông đô thị của thành phố Cần Thơ thỏa mãn các yếu tố:

+ Bảo đảm được yêu cầu kết nối các tuyến nội ô và đáp ứng được nhu cầu vận chuyển của hành khách và chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý;

+ Giảm ùn tắc và đảm bảo ATGT. Phát triển VTHKCC đô thị đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân;

+ Phối hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển GTVT và quy hoạch phát triển đô thị của thành phố;

+ Giao thông đô thị phải được lập quy hoạch riêng phù hợp với quy hoạch xây dựng chung để giải quyết cụ thể các vấn đề về tổ chức, điều tiết giao thông trong khu vực đô thị;

+ Đảm bảo được yêu cầu kết nối các tuyến nội ô và đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân với chất lượng cao và giá thành hợp lý. Hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng của môi trường và cảnh quan của thành phố.

- Giai đoạn 2016 - 2020

+ Tập trung xây dựng và hoàn thiện các trục vành đai, hướng tâm, nâng cấp các tuyến đường ở trung tâm quận, huyện đúng tiêu chuẩn đường đô thị, mở mới các tuyến đường đô thị. Mật độ đường ô tô toàn thành phố đạt 2 - 2,5km/km2;

+ Các tuyến giao thông trục chính (tuyến buýt nhanh, trục đường đô thị liên quận) phải được quy hoạch với quy mô đủ lớn cho tương lai;

+ Giao thông tĩnh phải được chú trọng dành quỹ đất ngay trong giai đoạn này. Quy hoạch và xây dựng các bãi đậu xe, dừng xe trong nội ô để phục vụ phương tiện chở khách du lịch đến thành phố Cần Thơ;

+ Phát triển VTHKCC với các phương thức hiệu quả gồm xe buýt, xe buýt nhanh đáp ứng tỷ lệ từ 10%-15% nhu cầu đi lại tại các quận.

IV. CÁC GIẢI PHÁP, CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN

1. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

a) Về quản lý nhà nước

- Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành - đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án để sớm đưa vào khai thác sử dụng;

- Phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện để làm tốt công tác quản lý nhà nước về chuyên ngành và triển khai các dự án trên địa bàn;

- Tập trung quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết, tuân thủ quy hoạch chuyên ngành GTVT, quy hoạch vùng;

- Tăng cường phối hợp giữa Trung ương và địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công đảm bảo đúng tiến độ.

b) Về nguồn nhân lực

- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức viên chức;

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức có phẩm chất, trình độ và năng lực để thực hiện tốt những công việc được phân công;

- Áp dụng chính sách ưu đãi trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực;

- Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho lực lượng chuyên ngành tổ chức quản lý vận tải, quản lý giao thông đô thị, đầu tư KCHTGT.

c) Khuyến khích thu hút đầu tư

- Tập trung xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu phát triển KCHTGT theo hình thức xã hội hóa (theo hình thức đối tác công tư PPP);

- Khuyến khích phát triển VTHKCC đô thị, đặc biệt tập trung mở các tuyến kết nối, tuyến vòng tròn nội ô đồng thời phát triển các tuyến BRT hỗ trợ.

d) Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư

- Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, ưu tiên đầu tư phát triển những công trình có tính đột phá tạo liên kết vùng;

- Đấu giá quyền sử dụng đất để có vốn đầu tư phát triển KCHTGT;

- Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA của các nước, các tổ chức tài chính quốc tế với các hình thức đa dạng;

- Sửa đổi bổ sung các quy định về hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền để tăng tính thương mại của các dự án giao thông và trách nhiệm đóng góp của người sử dụng, đảm bảo lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư.

đ) Về khoa học công nghệ

- Triển khai áp dụng các quy trình, quy phạm trong xây dựng, quản lý, bảo trì công trình giao thông; khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới vào; xây dựng các trung tâm kiểm định, quản lý chất lượng xây lắp công trình phù hợp với điều kiện địa chất công trình vùng ĐBSCL;

- Không ngừng cải tiến phương tiện vận tải, thiết bị xếp dỡ ngày càng thuận lợi, tiện nghi cho khách hàng, an toàn, tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải.

2. Giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Cần Thơ

a) Về công tác tuyên truyền

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, chỉ đạo Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố, các cấp ủy và chính quyền cơ sở cùng các sở, ban ngành thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng nội dung của Kế hoạch đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ nhằm tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông;

- Tập trung tuyên truyền, quán triệt đối với từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan nhà nước từ thành phố đến các xã, phường, thị trấn phải nêu cao tính gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, xây dựng và thực hiện văn hóa giao thông để lôi kéo người dân chung tay tham gia xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn thành phố.

b) Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

- Tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng từ thành phố đến cơ sở tập trung thực hiện việc đổi mới phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Từng bước thiết lập trật tự, kỷ cương về lĩnh vực GTVT; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiêp gây ra ùn tắc giao thông, qua đó có tác động mạnh trong phòng ngừa, răn đe với mọi đối tượng vi phạm trật tự ATGT.

- Áp dụng hình thức xử phạt nguội các hành vi vi phạm về trật tự giao thông thông qua hình ảnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

c) Huy động vốn đầu tư

- Các dự án, nội dung công việc thuộc Kế hoạch là những dự án cấp bách, có ý nghĩa quan trọng để giảm thiểu ùn tắc giao thông cần được ưu tiên bố trí đủ vốn và tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện đúng tiến độ.

- Ngoài nguồn vốn ngân sách thành phố, cần tranh thủ huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư. Đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác các bến, bãi đỗ xe và cung cấp các dịch vụ VTHKCC.

d) Về khoa học công nghệ

Tăng cường ứng dụng KH-CN trong tổ chức điều hành giao thông, từng bước thiết lập hệ thống giao thông thông minh ITS trên địa bàn thành phố gồm hệ thống kiểm soát phương tiện và tải trọng phương tiện; hệ thống giám sát hành trình cho xe tải, xe khách.

đ) Về nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chức năng khi thực thi công vụ

- Nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của lực lượng cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các lực lượng phối hợp khác của chính quyền địa phương, đảm bảo mỗi cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ phải trung thực, khách quan, công minh và là tấm gương để người dân noi theo và tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực của các lực lượng thực thi pháp luật như: Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông,… trong thi hành công vụ.

e) Chống ùn tắc giao thông khi mưa lớn, triều cường

Khi thời tiết mưa lớn, triều cường gây ngập úng cục bộ tại nhiều khu vực, nhiều tuyến phố và giao thông đi lại trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, nhiều tuyến phố bị ngập sâu, không lưu thông được gây chia cắt mạng lưới giao thông, gây cản trở đi lại.

Để khắc phục tình tạng này, cần triển khai thực hiện các giải pháp sau:

- Xây dựng bản đồ úng ngập khi mưa và thiết lập hệ thống cung cấp thông tin kịp thời đến người dân để thông báo cụ thể, đầy đủ về các điểm úng ngập, phạm vi úng ngập (chiều dài, chiều sâu,…) đồng thời tổ chức tốt việc hướng dẫn giao thông đi lại hợp lý để giảm thiểu tối đa tình trạng ùn tắc giao thông thi mưa lớn, triều cường;

- Các sở, ban ngành có liên quan (Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Công an thành phố,…), các đơn vị quản lý (đường, thoát nước), chính quyền địa phương phải phối hợp xây dựng kế hoạch để bố trí lực lượng trực, điều hành và tổ chức giao thông tại các điểm ngập úng;

- Nghiên cứu để xây dựng các phương án tổ chức giao thông, phân luồng từ xa khi xảy ra tình trạng ngập nặng, tránh bị động, lúng túng trong công tác xử lý.

g) Phát triển vận tải hành khách công cộng

- Thành lập Trung tâm quản lý điều hành VTHKCC, hiện đại hóa công nghệ quản lý như triển khai hệ thống vé điện tử dùng chung, tổ chức quản lý, giám sát hành trình xe bằng thiết bị định vị GPS; tổ chức đảm bảo an ninh trật tự trên xe buýt. Thông tin, tuyên truyền, quảng bá luồng tuyến, hoạt động vận tải hành khách công cộng;

- Điều chỉnh, tổ chức lại, phát triển mạng lưới tuyến buýt (giảm hệ số trùng tuyến, điều chỉnh phương tiện, tần suất, lộ trình phù hợp với từng giai đoạn,…); khớp nối hạ tầng kỹ thuật và các điểm kết nối, điểm trung chuyển giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng để trung chuyển hành khách, thu hút hành khách sử dụng phương tiện VTHKCC;

- Cải thiện và phát triển kết cấu hạ tầng xe buýt: xây dựng các điểm đầu và điểm cuối, các điểm trung chuyển, các làn đường dành riêng, cải tạo hệ thống nhà chờ,… Các doanh nghiệp vận tải phải quan tâm bổ sung và đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt, đáp ứng nhu cầu đi lại người dân;

- Trợ giá hoặc hỗ trợ chi phí cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt; trợ giá cho người sử dụng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt;

- Khuyến khích và ban hành chính sách để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ chi phí đi lại bằng VTHKCC cho cán bộ, viên chức, người lao động;

- Ưu đãi về thuế nhập khẩu phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động VTHKCC bằng xe buýt.

h) Tăng cường quản lý sử dụng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tham gia giao thông

- Nghiên cứu triển khai mô hình phố đi bộ, khu vực phi cơ giới (phát triển dịch vụ xe đạp công cộng tại trung tâm thành phố và các điểm, khu du lịch: Bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng,...;

- Rà soát, xóa bỏ các bãi đỗ xe dưới lòng đường trên các trục giao thông chính có lưu lượng lớn;

- Bố trí các điểm gửi xe cho hành khách sử dụng VTHKC. Miễn phí gửi xe tại các điểm đầu, điểm cuối các tuyến buýt trong giai đoạn đầu nhằm thu hút nhu cầu sử dụng dịch vụ;

- Khuyến khích chủ các phương tiện cá nhân thực hiện sang tên đổi chủ để hỗ trợ công tác quản lý phương tiện và xử phạt nguội;

- Nghiên cứu phương án hạn chế một số loại phương tiện lưu thông trên các tuyến trục giao thông có lưu lượng lớn vào giờ cao điểm: xe taxi, xe hợp đồng,…

i) Giải pháp, chính sách hỗ trợ

- Ưu tiên giao đất, cho thuê đất để triển khai các dự án khác thực hiện hoàn vốn đối với các công trình giao thông trọng điểm thực hiện theo hình thức BT. Đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất nhằm khai thác quỹ đất đô thị để tạo vốn cho phát triển KCHTGT;

- Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư cho hệ thống bến bãi đỗ xe thông qua hình thức xã hội hóa các bến bãi đỗ xe. Xây dựng các chính sách vé, thực hiện cơ chế giá cung cấp dịch vụ đỗ xe thay cho phí trông giữ xe như hiện nay nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển mạng lưới giao thông tĩnh của thành phố;

- Đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù nhằm tăng thêm thẩm quyền xử lý của lực lượng Thanh tra giao thông, Thanh tra xây dựng và Cảnh sát giao thông trong việc xử lý các vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị. Tăng mức xử lý vi phạm trật tự ATGT, trật tự đô thị, đặc biệt là các hành vi tái phạm, hành vi trực tiếp gây ùn tắc để nâng cao hiệu quả răn đe, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông;

- Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý vận tải, quản lý KCHTGT để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT;

- Xây dựng các cơ chế, chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư nhằm tạo được sự đồng thuận cao của người dân, tạo thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình giao thông trọng điểm;

V. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG VÀ GIẢM ÙN TẮC GIAO THÔNG

Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư phát triển KCHTGT thành phố Cần Thơ đến năm 2020 nhằm hợp lý các phương thức vận tải, giảm ùn tắc giao thông được đề xuất trong Kế hoạch gồm:

1. Các tuyến đường tỉnh: Tập trung nâng cấp cải tạo các tuyến đường tỉnh ĐT.917; ĐT.918; ĐT.921; ĐT.922; ĐT.923; tuyến nối QL.91B-Thới Lai đạt quy mô cấp III đồng bằng, các cầu trên tuyến đạt tải trọng thiết kế HL.93.

2. Các tuyến trục chính đô thị: Ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến trục chính đô thị phù hợp với định hướng quy hoạch gồm: (1) tuyến nối đường Cách mạng Tháng Tám - đường tỉnh 918, (2) cầu và đường Trần Hoàng Na, (3) đơn nguyên 02 của Cầu Quang, (4) đường Hoàng Quốc Việt, (5) đường sau kè sông Cần Thơ, (6) đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ thuyền Viện Trúc Lâm – thị trấn Phong Điền), (7) đường Vành Đai Sân Bay (đoạn Sân Bay Cần thơ – QL.91B).

3. Hệ thống giao thông tĩnh: Xây dựng hoàn thành 3 BXK: Bến xe trung tâm Nam Cần Thơ, Bến xe Ô môn, Bến xe Thốt Nốt và Bến tổng hợp (hành khách, hàng hóa và du lịch) Cần Thơ theo hình thức xã hội hóa.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông vận tải

a) Là cơ quan Thường trực; phối hợp với UBND quận, huyện và các sở, ban ngành thành phố triển khai các nội dung của Kế hoạch.

b) Chủ trì tổ chức thực hiện các giải pháp được đề ra nhằm phát triển hợp lý các phương thức vận tải trên địa bàn thành phố, từng bước hạn chế sự gia tăng của phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.

c) Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm về KCHTGT nhằm hình thành mạng lưới GTVT đồng bộ, hiện đại. Đồng thời nhanh chóng triển khai các đề án, nhiệm vụ nhằm tăng cường phát triển đột phá VTHKCC bằng xe buýt và hình thành Trung tâm quản lý điều hành VTHKCC.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Tham mưu cho UBND thành phố cân đối, bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện các nội dung của Kế hoạch, lồng ghép trong kế hoạch tổng thể KT-XH hàng năm.

b) Xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT. Đối với các dự án xây dựng cơ bản, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND thành phố phê duyệt theo Luật Đầu tư công.

3. Công an thành phố

a) Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm, phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông hướng dẫn tổ chức phân luồng giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông.

b) Tham mưu cho UBND thành phố về việc bố trí, lắp đặt hệ thống camera giao thông tại các nút giao thông trọng yếu phục vụ công tác quản lý, điều hành và xử lý vi phạm về trật tự ATGT.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020 về Phát triển giao thông vận tải thành phố Cần Thơ theo hướng hiện đại, hợp lý và giảm ùn tắc giao thông, đề nghị Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân dân quận, huyện tổ chức thực hiện các nội dung tại Kế hoạch này. Giao Sở Giao thông vận tải (cơ quan thường trực) thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện; trường hợp có vướng mắc, đề nghị các đơn vị có văn bản gửi về cơ quan thường trực tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, giải quyết ./.

 

 

Nơi nhận:
- TT. Thành ủy;
- TT. HĐND TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- Sở, ban ngành TP;
- UBND quận, huyện;
- VP UBND TP (3B);
- Lưu: VT.QT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Anh Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 60/KH-UBND năm 2016 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020 về Phát triển giao thông vận tải thành phố Cần Thơ theo hướng hiện đại, hợp lý và giảm ùn tắc giao thông

  • Số hiệu: 60/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 17/05/2016
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Đào Anh Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản