Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 11 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP NĂM 2022

Thực hiện Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 03/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; căn cứ kết quả thực hiện năm 2021 và kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về ATTP năm 2021 của Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2021

1. Về công tác chỉ đạo, điều hành

Kịp thời ban hành và chỉ đạo triển khai đồng bộ các kế hoạch, đề án: Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp 2021, các Đề án sản xuất vụ mùa; văn bản chỉ đạo chỉ đạo bổ cứu sản xuất, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19, khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau Covid-19; tăng cường công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản....

2. Về công tác thông tin truyền thông giáo dục

Tổ chức 21 lớp tập huấn/buổi tuyên truyền hướng dẫn nghiệp vụ công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP cho cán bộ cấp huyện, cấp xã; hướng dẫn sản xuất đảm bảo ATTP, theo hướng VietGAP... cho hơn 2.000 lượt người; cấp phát gần 13.000 tờ rơi/tờ dán/sổ tay phổ biến, tuyên truyền các quy định về sản xuất kinh doanh VTNN, ATTP nông lâm thủy sản; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng, phát sóng trực tiếp Chương trình “Đồng hành với nhà nông” từ ngày 07/11/2021 với tần suất 1 lần/tuần, duy trì phát sóng Chương trình truyền hình nông nghiệp, nông thôn hàng tuần; xây dựng nhiều tin, bài hướng dẫn thực hiện quy định về chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản.

3. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, ATTP gắn với kết nối, tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện dịch bệnh.

- Thông qua các chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh, gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã lồng ghép hỗ trợ, phát triển, mở rộng các vùng/cơ sở sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), thực hành sản xuất tốt (GMP), hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, tiêu chuẩn IS022000...)). Đến nay có 438 cơ sở được chứng nhận đặt VietGAP, VietGAHP, GMP, HACCP, ISO... gồm: 401 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 2.524,61ha cây trồng các loại; 10 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP; 16 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận HACCP; 06 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận GMP; 04 cơ sở chế biến giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO và 25 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận vái các sản phẩm: Bưởi Phúc Trạch, cam chanh, rau củ quả, chè, thịt lợn, thịt gà, nhung hươu, thủy sản, gạo;

- Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; 150 cơ sở chế biến thực phẩm nông nghiệp đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 270 sản phẩm, cùng với tiến trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, các cơ sở này đã được chọn để thí điểm số hóa thông tin về quy trình, nhật ký sản xuất đưa lên các hệ thống phần mềm quản lý như: Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, chuyển đổi số Chương trình OCOP Hà Tĩnh...;

- Đã triển khai thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất, tiêu thụ đối với trên cây bưởi Phúc Trạch và cây ăn quả có múi, thu thập thông tin, xử lý, số hóa dữ liệu cho 2.609 hộ sản xuất, kinh doanh bưởi Phúc Trạch với diện tích là 899 ha; số hóa dữ liệu đối với 1.873ha của 1.611 hộ dân sản xuất cam chanh, cam bù theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ; xây dựng Web thông tin, App bưởi Phúc Trạch, cam Hà Tĩnh;

- Hỗ trợ số hóa dữ liệu cho 11.000m2 nhà màng ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh kết nối, điều khiển tự động trong quá trình tưới nước và bón phân của 99 hộ và 12 HTX, THT với diện tích 109 ha, sản lượng 4.473 tấn rau các loại;

- Hỗ trợ tập huấn kỹ năng bán hàng và xây dựng các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn (Sendo, Voso, Postmart, Hatiplaza) cho các cơ sở sản xuất, đến nay đã kết nối đưa sản phẩm Cam Vũ Quang vào bán trong hệ thống siêu thị Co.op mart toàn quốc; cam Khe Mây đang ký hợp đồng lâu dài vào hệ thống Vinmart toàn quốc, nước mắm Phú Khương, Luận Nghiệp... lên các sàn thương mại điện tử.

4. Thanh tra, kiểm tra chất Iượng hàng hóa vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông sản

4.1. Cấp giấy chứng nhận

- Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa VTNN (đối với các cơ sở thuộc diện phải cấp giấy): năm 2021, đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho 268 cơ sở kinh doanh VTNN. Lũy kế đến nay việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh VTNN đạt 100%, bao gồm: 575/575 cơ sở kinh doanh phân bón, 489/489 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, 263/263 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, 06 cơ sở chăn nuôi, sản xuất giống lợn;

- Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP: công tác thẩm định, xếp loại cơ sở đủ điều kiện ATTP được duy trì hiệu quả. Tiến hành rà soát, cập nhật thông tin của 546 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản thuộc diện cấp Giấy chứng nhận ATTP, đã kiểm tra, đánh giá phân loại đối với 500 cơ sở (đạt tỷ lệ 91,57%), 100% cơ sở được xếp loại A, B đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm/520 cơ sở thẩm định. Lũy kế đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 468 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP còn hiệu lực;

- Ký cam kết ATTP: Tổ chức ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn cho 19.926/19.970 cơ sở sản xuất, kinh doanh không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đạt tỷ lệ 99,78%).

4.2. Thanh tra, kiểm tra

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa VTNN, an toàn thực phẩm được triển khai bài bản, có hiệu quả, số vụ vi phạm nghiêm trọng về chất lượng, ATTP phát hiện rất ít, các hành vi vi phạm về sản xuất kinh doanh VTNN, ATTP được phát hiện và xử lý nghiêm.

Toàn Ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với 1.126 lượt cơ sở SXKD VTNN, thực phẩm nông lâm thủy sản, lấy 408 mẫu để giám sát chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 56 trường hợp với số tiền 149,79 triệu đồng, cụ thể:

- Đối với VTNN: Lấy 140 mẫu VTNN các loại để kiểm nghiệm chất lượng. Qua kết quả kiểm nghiệm phát hiện 02 mẫu không đảm bảo chất lượng (01 mẫu TĂCN, 01 mẫu lúa giống) tương ứng với tỷ lệ mẫu không đặt là 1,43% (2/140 mẫu). Phát hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với 26 cơ sở số tiền 97,65 triệu đồng (các hành vi vi phạm chủ yếu: Kinh doanh thuốc BVTV ngoài danh mục, hàng hết hạn sử dụng, điều kiện kinh doanh, chất lượng sản phẩm...);

- Về ATTP nông lâm thủy sản: Lấy 268 mẫu sản phẩm các loại (gồm: 114 mẫu sản phẩm có nguồn gốc thực vật; 98 mẫu sản phẩm có nguồn gốc động vật; 56 mẫu có nguồn gốc Thủy sản) để kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng, ATTP (100% mẫu kiểm tra đều đạt chất lượng theo tiêu chuẩn công bố). Xử phạt vi phạm hành chính 30 trường hợp với số tiền 52,14 triệu đồng (các hành vi vi phạm chủ yếu: sử dụng nguyên liệu thịt lợn để chế biến giò chả không có hồ sơ chứng minh đã qua kiểm tra vệ sinh thú y, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, vi phạm về điều kiện chế biến thực phẩm, bao bì, nhãn mác...).

5. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm

- Công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm tiếp tục được các cấp quan tâm cao chỉ đạo thực hiện, tỷ lệ gia súc giết mổ tập trung bình quân đạt trên 70%. Trong năm 2021 do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc và dịch Covid 19, số lượng gia súc đưa vào cơ sở giết mổ, số người hành nghề giết mổ cũng giảm so với năm trước. Hiện có, 07/39 cơ sở giết mổ tập trung đang dừng hoạt động tại các địa phương, cụ thể Hương Khê (03 cơ sở), Hương Sơn (01 cơ sở), Vũ Quang (01 cơ sở), Đức Thọ (01 cơ sở), Cẩm Xuyên (01 cơ sở);

- Công tác kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật ra ngoài tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, đúng quy trình. Trong năm 2021 thực hiện cấp 7.157 giấy kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.

6. Một số tồn tại, khó khăn.

- Việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuy có nhiều tiến bộ so với thời gian trước, tuy nhiên vẫn còn một số tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm về kinh doanh thuốc ngoài danh mục, sản phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng để chế biến thực phẩm, sử dụng các dụng cụ trái quy định để khai thác thủy sản (khai thác bất hợp pháp), vi phạm về thương hiệu sản phẩm, bao bì nhãn mác, điều kiện sản xuất kinh doanh…làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng;

- Sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương vẫn còn hạn chế;

Đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp tại các xã, thị trấn còn mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu đối với chức năng nhiệm vụ được giao;

Công tác tuyên truyền, tập huấn chưa đa dạng, chủ yếu đang tuyên truyền bằng hình thức tuyên truyền miệng, qua loa phát thanh, chưa tận dụng các hình thức tuyên truyền qua hệ thống các mạng xã hội facebook, zalo...;

Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan cấp huyện, cấp xã phần lớn chưa quyết liệt, việc rà soát, cập nhật danh sách các cơ sở kinh doanh đủ điều kiện còn bị động, chưa thường xuyên;

- Do ảnh hưởng của dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, đặc biệt tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2021: Công tác tuyên truyền pháp luật chưa sâu rộng, hoạt động thanh tra, kiểm tra có giai đoạn phải tạm hoãn...;

- Hiện nay một số lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bị xuống cấp, nước sử dụng chưa đảm bảo vệ sinh phục vụ giết mổ, nằm sát khu dân cư không đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Phần II

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI NĂM 2022

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát

Đảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản tỉnh nhà, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và hướng đến thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan; đảm bảo mục tiêu chung của toàn Ngành nông nghiệp về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và phát triển bền vững.

Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý về chất lượng, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- 100% cán bộ quản lý các cấp được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ kiểm tra, giám sát chất lượng, ATTP; trên 85% các cơ sở chế biến thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chất lượng, ATTP;

- Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B đạt trên 99%; tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP đạt từ 85% trở lên; tỷ lệ các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đặt từ 90% trở lên;

- Tổ chức, kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa VTNN, ATTP nông sản thực phẩm, phấn đấu tỷ lệ mẫu VTNN vi phạm về chất lượng <5% số mẫu được kiểm tra, mẫu thực phẩm vi phạm về ATTP <2% số mẫu được kiểm tra;

- Xây dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn gắn với Chương trình Mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP).

2. Các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm

2.1. Tiếp tục chỉ đạo, điều hành, gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, Chương trình Mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP), Đề án Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid 19 theo chỉ đạo của Trung ương.

2.2. Rà soát, ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định của Trung ương và tỉnh cho các huyện, thành phố, thị xã về lĩnh vực quản lý chất lượng VTNN và ATTP nông, lâm, thủy sản phù hợp với công tác phòng chống dịch Covid 19; chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất các loại cây trồng vật nuôi đảm bảo quy trình kỹ thuật, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch hại trên cây trồng, vật nuôi, sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đảm bảo kỹ thuật.

2.3. Nhân rộng, phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; cải thiện điều kiện ATTP trong giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh nông sản, thủy sản tươi sống. Đẩy mạnh, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn.

2.4. Đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật quy định về chất lượng VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản: Phối hợp với Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh, Hội nông dân, Hội phụ nữ phổ biến pháp luật, thông tin quản lý chất lượng VTNN, đảm bảo ATTP; truyền thông quảng bá các mô hình sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP... Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.

2.5. Tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 (sau đây gọi tắt là Thông tư 38) và Thông tư số 17/2018/TT- BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ NN&PTNT (sau đây gọi tắt là Thông tư 17) để quản lý tổng thể, toàn diện điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn; chuyển từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang hậu kiểm, thanh tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý nghiệm đối với các cơ sở vi phạm.

2.6. Duy trì triển khai các chương trình giám sát vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản; kịp thời phát hiện, cảnh báo, tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường quản lý giống, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn.

2.7. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xây dựng cơ sở dữ liệu số về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là dữ liệu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm trong các chuỗi giá trị nông sản, gắn với Chương trình OCOP đề phát triển các mô hình sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19.

3. Thời gian và kinh phí thực hiện

3.1. Thời gian triển khai một số nội dung chính, trọng tâm

- Các địa phương ban hành kế hoạch triển khai trên địa bàn, hoàn thành trước 10/3/2022;.

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật: triển khai thường xuyên, phù hợp với công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19;

- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh: Theo kế hoạch cụ thể của từng đơn vị, địa phương (bắt đầu từ tháng 02/2022 và hoàn thành trước ngày 25/12/2022);

- Kiểm tra công tác quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa VTNN và ATTP nông, lâm, thủy sản tại các địa phương: Đợt 1, tháng 5-6/2022; đợt 2, tháng 12/2022 - 01/2023;

- Tổ chức thực hiện Thông tư 38 và Thông tư 17 của Bộ NN&PTNT (bắt đầu từ tháng 02/2022 và hoàn thành trước ngày 25/12/2022);

- Xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn gắn với Chương OCOP của các địa phương: triển khai thường xuyên.

3.2. Kinh phí:

Kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch được sử dụng từ nguồn ngân sách địa phương giao trong dự toán hàng năm của các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp quản lý hiện hành và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

4. Tổ chức thực hiện

4.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Là cơ quan thường trực, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ công tác quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa VTNN, ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời triển khai các nhiệm vụ cụ thể sau:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất các loại cây trồng vật nuôi đảm bảo quy trình kỹ thuật, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch hại trên cây trồng, vật nuôi; xây dựng và mở rộng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và các sản phẩm chủ lực của tỉnh; nhân rộng mô hình Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, hướng đến nông nghiệp hữu cơ và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng, ATTP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

- Phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trực thuộc và phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế các huyện, thành phố, thị xã; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lĩnh vực chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản đến các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi quản lý; tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, thực phẩm nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn;

- Phối hợp Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp số 01/GTPH-GP-HNDVN-HLHPNVN về “Tuyên truyền; vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe bền cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025”;

- Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách của Trung ương, của tỉnh, chương trình khuyến nông,... hướng dẫn và hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, VietGAHP...), thực hành sản xuất tốt (GMP), hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO, HACCP,... trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản; xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; đầu tư cải thiện điều kiện ATTP trong giết mổ, sơ chế, bảo quản, bày bán nông sản, thủy sản tươi sống...; tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm thông qua bao gói, ghi nhãn, dán tem truy xuất điện tử;

- Tổ chức thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở có chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứng nhận đầu tư do Trung ương hoặc cấp tỉnh cấp (bao gồm cả tàu cá có chiều dài trên 15m) theo Thông tư 38 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức kiểm soát chất lượng VTNN và ATTP các sản phẩm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ đạo các phòng, chi cục, đơn vị trực thuộc: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát trên diện rộng sản phẩm nông lâm thủy sản rủi ro cao; tổ chức thanh tra, kiểm tra trong đó ưu tiên thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh sản lượng lớn giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh nông sản, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn...; phối hợp các địa phương, đơn vị lấy mẫu các loại hàng hóa VTNN, sản phẩm nông sản thực phẩm được sản xuất, cung ứng trên địa bàn để kiểm tra các chỉ tiêu về chất lượng, ATTP. Xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm theo quy định của pháp luật; công khai rộng rãi các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên các phương tiện truyền thông như báo, đài, chuyên mục an toàn thực phẩm trên Website ngành Nông nghiệp để các tổ chức, cơ quan, nhân dân biết và giám sát thực hiện;

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp theo các chương trình, kế hoạch được phê duyệt;

- Định kỳ tổ chức kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các hành vi buông lỏng quản lý, không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao;

- Tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch, báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh theo quy định.

4.2. Các sở, ngành liên quan

- Sở Y tế: Chủ động tăng cường công tác quản lý ATTP theo lĩnh vực được phân công theo Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong các trường hợp có yêu cầu của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc khi có đề nghị của các ngành, cơ quan chức năng.

- Sở Công thương: Chủ động tăng cường công tác quản lý ATTP theo lĩnh vực được phân công theo Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, thực phẩm an toàn để mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho thực phẩm an toàn của tỉnh. Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đưa các sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

- Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh

Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, các lực lượng chức năng, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động vận chuyển, lưu thông, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường.

- Sở Khoa học và Công nghệ:

Trên cơ sở các Nghị quyết của HĐNĐ tỉnh đã ban hành, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, thực phẩm trên địa bàn tỉnh xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu, khả năng cạnh tranh với sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế.

Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch trong sản xuất, kinh doanh nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

- Sở Tài chính: Cân đối, tham mưu bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 và kinh phí phục vụ công tác quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa VTNN và ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp theo phân công, phân cấp của UBND tỉnh.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với cơ quan liên quan xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh VTNN và sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường trong sản xuất nông nghiệp; phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc tiêu hủy sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn.

- Sở Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo chất lượng VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản; kịp thời thông tin các vụ việc phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, hành vi phạm pháp luật về chất lượng VTNN, ATTP; phản hồi các thông tin phản ánh thiếu khách quan, sai sự thật làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Văn hóa - Thông tin và Trung tâm Văn hóa - Truyền thông cấp huyện thực hiện tuyên truyền các nội dung về đảm bảo chất lượng VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản trên hệ thống truyền thanh cơ sở và các phương tiện truyền thông khác của địa phương.

- Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP; chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa, xác minh, điều tra, làm rõ các vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển các loại hàng hóa VTNN, thực phẩm nông, lâm, thủy sản là hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo ATTP, nguy hại đến cộng đồng.

- Cục Hải quan: Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa trái phép tại khu vực cửa khẩu, cảng biển và địa bàn kiểm soát của hải quan nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thực phẩm nông, lâm, thủy sản, VTNN qua biên giới; chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng nhập khẩu, trong đó tập trung vào các mặt hàng là VTNN và thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

- Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp hội triển khai phối hợp tuyên truyền, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, trọng điểm là các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp số 01/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025” theo hướng dẫn của các cơ quan cấp trên.

4.3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã.

- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa VTNN, ATTP theo phân công, phân cấp của UBND tỉnh (tại Quyết định 58/2015/QĐ-UBND ngày 23/11/2015 ban hành quy định Quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Hà Tĩnh; Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 ban hành Quy định quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh);

- Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để xây dựng và ban hành kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, Ủy ban nhân dân cấp xã về công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản. Đồng thời chỉ đạo các phòng; Ủy ban nhân dân cấp xã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thường xuyên rà soát, thống kê, cập nhật danh sách các cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản vào Hệ thống phần mềm quản lý chất lượng nông lâm thủy sản theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT; công khai danh sách các cơ sở kinh doanh hàng hóa VTNN, cơ sở đủ điều kiện ATTP trên địa bàn tại các địa điểm công cộng, trên hệ thống loa truyền thanh, mạng nội bộ để người dân biết;

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về lĩnh vực quản lý chất lượng, ATTP trong sản xuất, kinh doanh VTNN, thực phẩm nông, lâm, thủy sản với các phương pháp phù hợp trong điều kiện phòng chống dịch Covid 19, chú trọng đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã;

Theo dõi, kiểm soát chặt chẽ danh mục sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, bao bì nhãn mác, hồ sơ chất lượng các loại hàng hóa VTNN kinh doanh trên địa bàn; kịp thời nắm bắt thông tin, thông báo và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành chức năng để lấy mẫu phân tích chất lượng trong trường hợp cần thiết. Đặc biệt đối với các loại phân bón, giống cây trồng... do các HTX, các hiệp hội đưa về cung ứng trực tiếp cho người dân (không qua kênh cung ứng chính thống trên địa bàn) thì cơ quan chuyên môn cấp huyện phối hợp với chính quyền cấp xã chủ động kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, bao bì nhãn mác, hồ sơ quản lý chất lượng (đối với các loại giống cây trồng nông nghiệp phải tiến hành lấy mẫu thử tỷ lệ nẩy mầm) trước khi đưa vào sản xuất. Thanh tra, kiểm tra việc duy trì các điều kiện kinh doanh của các cơ sở, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, kiến nghị cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật;

Hướng dẫn, củng cố, nhân rộng các mô hình áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, GMP, HACCP, ISO... Lựa chọn, xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn có xác nhận, đảm bảo truy xuất gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phối hợp với các sở, ngành liên quan kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm an toàn cho người dân;

Tổ chức thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP theo Thông tư 38 đối với các cơ sở do Ủy ban nhân dân huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, phù hợp với công tác phòng chống dịch Covid 19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh; quản lý điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với các cơ sở không có (hoặc chưa có) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đóng trên địa bàn; tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo Thông tư 17 (đối với các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP) và kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở; tăng cường quản lý công tác giết mổ tại địa phương, có chính sách hỗ trợ di dời, nâng cấp các cơ sở giết mổ xuống cấp, không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, ATTP. Chủ động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP trên địa bàn, công khai kịp thời kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng, ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm mục đích khuyến cáo đối với người tiêu dùng, răn đe các đối tượng vi phạm;

- Định kỳ tổ chức kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm túc đối với các hành vi buông lỏng quản lý, không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao;

- Phát động các tổ chức chính trị - xã hội đóng trên địa bàn tham gia tuyên truyền, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh VTNN, sản phẩm nông, lâm, thủy sản và công tác bảo đảm ATTP;

- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về chất lượng hàng hóa VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý.

Trên đây là Kế hoạch Hành động bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 của tỉnh, yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả, đúng quy định; định kỳ báo cáo quý trước ngày 20 tháng cuối quý, báo cáo 6 tháng trước ngày 15/6/2022, báo cáo năm trước ngày 05/12/2022 hoặc đột xuất khi có yêu cầu (theo mẫu do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn), gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục QLCL Nông lâm sản và Thủy sản;
- TTr: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBMTTQ tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh, các cơ quan đoàn thể cấp tỉnh;
- Các sở, ngành: NNPTNT, Y tế, Công thương, Tài chính, KHĐT, TTTT, KHCN, Công an tỉnh, KBNN tỉnh, Hội LH Phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh, Cục Hải quan, Cục QLTT;
- Hội BVQL người tiêu dùng tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Hà Tĩnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Chánh, các PCVP UBND tỉnh;
- Trung tâm CB-TH tỉnh;
- Lưu: VT, VX, NL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Sơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 59/KH-UBND về bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

  • Số hiệu: 59/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 11/03/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Đặng Ngọc Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản