Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 16 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật Người cao tuổi ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Y tế về phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025;

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi đến năm 2030, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH NGƯỜI CAO TUỔI HIỆN NAY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thành phố Cần Thơ là đô thị lớn, có vị trí trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, có 09 đơn vị hành chính cấp quận, huyện. Diện tích tự nhiên 1.389,60 km2, dân số 1,235 triệu người. Dân cư thành thị chiếm 51,2%; nông thôn chiếm 48,8%; dân cư nông nghiệp chiếm 64,50%; phi nông nghiệp chiếm 35,50%. Mật độ dân số bình quân 821/người/km2 (trong đó nội thành 1.745 người/km2; ngoại thành 568 người/km2). Là đô thị lớn, phát triển khá về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; có vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Theo thống kê số liệu: Người cao tuổi cả nước (người từ 60 tuổi trở lên) là 1,24 triệu người, chiếm 12% dân số. Dân số thành phố Cần Thơ là 1,235 triệu người, số Người cao tuổi thành phố Cần Thơ là 164.000 người, chiếm 13,27% dân số toàn thành phố. Trong đó có 4.899 là Đảng viên, 3.014 là hội viên Cựu chiến binh, 5.779 là cán bộ hưu trí. Số Người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên thuộc diện được trợ giúp xã hội là 23.200 người. Số Người cao tuổi còn trực tiếp tham gia công tác Hội tại cơ sở là 3.969 người các xã, phường, ấp, cụm dân cư. Quận, huyện có 1.050 ủy viên BCH. Số Người cao tuổi tham gia lao động sản xuất là 35.702 người, chiếm khoảng 29% trên tổng số Người cao tuổi. Từ khi có Luật Người cao tuổi, đời sống vật chất và tinh thần của Người cao tuổi được cải thiện rõ nét.

Tâm tư, tình cảm các cụ nói chung rất phấn khởi trước sự chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với Người cao tuổi thông qua việc ban hành Luật Người cao tuổi, các chính sách an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu Quốc gia về Người cao tuổi.

Những năm qua, công tác chăm sóc Người cao tuổi tại thành phố Cần Thơ được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp Ủy, Chính quyền địa phương; sự hỗ trợ, Việt Nam. Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động tình nghĩa, nâng cao hiểu biết về sức khỏe Người cao tuổi, quan tâm đặc biệt đến Người cao tuổi già yếu, cô đơn không nơi nương tựa, tàn tật, hộ nghèo, Người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số.

Các cấp Hội tích cực tham mưu đối với cấp Ủy, Chính quyền, các ngành chức năng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các chủ trương, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với Người cao tuổi; có kế hoạch chủ động kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện Luật Người cao tuổi và các văn bản Nghị định của Chính phủ, Thông tư các Bộ, Ngành hướng dẫn thực hiện Luật Người cao tuổi. Đến nay, Luật Người cao tuổi đã đi vào cuộc sống, đời sống vật chất và tinh thần của Người cao tuổi được quan tâm nhiều mặt như chế độ chăm sóc sức khỏe, chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng, chế độ chúc thọ, mừng thọ theo các độ tuổi đã được ghi nhận tại Điều 21 Luật Người cao tuổi... số Người cao tuổi có độ tuổi từ 80 trở lên được hưởng trợ cấp xã hội theo Luật Người cao tuổi đạt trên 90% (trung bình 270.000 đồng/tháng/người), được lập hồ sơ quản lý sức khỏe tại các trạm y tế cơ sở, được cấp thẻ BHYT, được tư vấn truyền thông giáo dục về sức khỏe theo định kỳ. Số Người cao tuổi từ 60 tuổi đến 79 tuổi là 83.913 người cũng được làm hồ sơ quản lý sức khỏe tại trạm y tế cơ sở.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chăm sóc, nâng cao sức khỏe Người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

a) 100% Cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi đến năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

b) Người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc Người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đạt 70% năm 2025; 85% năm 2030.

c) Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025; 100% năm 2030.

d) Người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ,...) đạt 70% năm 2025, 90% năm 2030.

e) Người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc được cung cấp các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe đạt 50% năm 2025, 90% năm 2030.

g) 100% Người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

h) Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của Người cao tuổi có nội dung chăm sóc sức khỏe đạt 80% năm 2025, 100% năm 2030.

i) Số xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi, có ít nhất 01 đội tình nguyện viên tham gia chăm sóc sức khỏe đạt 50% năm 2025; 90% năm 2030.

k) Số quận, huyện thí điểm, phát triển mô hình Trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày cho Người cao tuổi đạt 20% năm 2025; 50% năm 2030.

l) 100% Người cao tuổi khi bị bệnh được khám và điều trị vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

m) Người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được khám và điều trị tại nơi ở đạt 70% năm 2025; 100% năm 2030.

n) Số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí môi trường thân thiện với Người cao tuổi đạt ít nhất 20% năm 2025; 50% năm 2030.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy Đảng, Chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi

a) Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa những thách thức của già hóa dân số với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi.

b) Cấp ủy, Chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư kinh phí; huy động mọi nguồn lực phù hợp với điều kiện của địa phương để tổ chức thực hiện và giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch.

c) Đẩy mạnh truyền thông giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi và tham gia thực hiện các mục tiêu của kế hoạch.

2. Củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh không lây nhiễm khám chữa bệnh cho người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi

a) Nâng cao năng lực cho các bệnh viện (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) thực hiện khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi cho tuyến dưới.

b) Nâng cao năng lực cho trạm y tế cấp xã trong thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống các bệnh lây nhiễm cho Người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng.

c) Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho Người cao tuổi ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có dân tộc thiểu số.

d) Xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi; lồng ghép chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi vào Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của Người cao tuổi.

e) Xây dựng và phát triển mạng lưới tình nguyện viên tham gia các hoạt động: theo dõi, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, quản lý các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm tại gia đình cho Người cao tuổi.

g) Xây dựng, triển khai các mô hình: Trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày; xã, phường, thị trấn thân thiện với Người cao tuổi; Trung tâm dưỡng lão theo hình thức phù hợp, tiến tới xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi; ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi.

3. Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

a) Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi ở các tuyến: bệnh viện cấp thành phố, trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế xã, phường, thị trấn; cơ sở chăm sóc sức khỏe; cán bộ dân số và tình nguyện viên ở cơ sở.

b) Đưa nội dung lão khoa vào chương trình đào tạo cho sinh viên đại học và sau đại học trong các trường y, khoa y các trường đại học, cao đẳng y tế.

4. Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi

a) Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

b) Xây dựng hệ thống: thống kê, giám sát; thông tin, cơ sở dữ liệu điện tử quản lý công tác chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi.

5. Nghiên cứu, hợp tác quốc tế

a) Triển khai nghiên cứu khoa học cung cấp bằng chứng phục vụ hoạch định chính sách, biện pháp thực hiện các mục tiêu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, chuyển giao công nghệ y - sinh học tiên tiến về phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi.

b) Hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề ưu tiên; chuyên môn, kỹ thuật, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; tăng cường liên doanh, liên kết; huy động các nguồn vốn, tài trợ quốc tế để thực hiện nhanh, hiệu quả các mục tiêu của Chương trình.

6. Bảo đảm nguồn lực thực hiện Chương trình

a) Đa dạng hóa nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi và từng bước tăng mức đầu tư

- Bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện Chương trình. Kinh phí thực hiện Chương trình được lồng ghép trong các nhiệm vụ thường xuyên; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan, đơn vị, Bộ, ngành, địa phương; lồng ghép trong thực hiện của địa phương và lồng ghép trong các chương trình, dự án khác. Huy động sự đóng góp của tư nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và người sử dụng dịch vụ. Tranh thủ những hỗ trợ, chuyển giao và công nghệ của các tổ chức quốc tế, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, cá nhân người nước ngoài;

- Có lộ trình giảm phạm vi, đối tượng, mức độ bao cấp, tăng phần đóng góp, tự chi trả của khách hàng sử dụng dịch vụ. Từng bước tăng thị phần của khu vực tư nhân theo hướng mở rộng dần từ các khu vực đô thị, kinh tế - xã hội phát triển đến các khu vực khác; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng của các cơ sở cung cấp dịch vụ, kể cả khu vực ngoài công lập;

- Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư, cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện Chương trình; đầu tư, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phù hợp. Quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ của các cơ sở cung cấp dịch vụ; các cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc người cao tuổi hoạt động không vì lợi nhuận được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật;

- Bố trí các chương trình, dự án về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào chương trình, dự án đầu tư công. Nghiên cứu, thí điểm tiến tới hình thành quỹ dưỡng lão trên cơ sở đóng góp của người dân, bảo đảm mọi người đều được chăm sóc khi về già.

b) Huy động nguồn lực tham gia thực hiện Chương trình

Toàn bộ mạng lưới y tế, dân số; cán bộ, thành viên các ngành, đoàn thể từ trung ương tới cơ sở bao gồm cả người cao tuổi và hội viên Hội Người cao tuổi tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Chương trình do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, được bố trí trong dự toán chi của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình và dự án khác; bao gồm khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Trong đó:

a) Ngân sách được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và văn bản hướng dẫn liên quan.

b) Nguồn lực quốc tế tập trung thực hiện các mục tiêu ưu tiên của nhà tài trợ.

c) Các nguồn vốn huy động hợp pháp khác là nguồn lực chủ yếu để các tổ chức kinh tế, xã hội và cá nhân tham gia thực hiện Kế hoạch.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện

Chương trình được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030 và chia làm 2 giai đoạn:

a) Giai đoạn 1 (2021 - 2025):

- Tăng cường các hoạt động truyền thông, hướng dẫn người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe; nâng cao năng lực cho trạm y tế cấp xã; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho Người cao tuổi; tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho Người cao tuổi; xây dựng và duy trì hoạt động của câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi, lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi vào Câu lạc bộ liên thế hệ và các loại hình câu lạc bộ khác của Người cao tuổi; phát triển mạng lưới tình nguyện viên, tham gia chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi; xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng cơ sở chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi ban ngày; tổ chức triển khai mô hình trung tâm dưỡng lão có nội dung chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi theo phương thức xã hội hóa;

- Tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho phòng khám lão khoa, khoa lão khoa, khu giường điều trị người bệnh là Người cao tuổi thuộc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi);

- Xây dựng bộ tiêu chí cấp xã thân thiện với Người cao tuổi, triển khai mô hình; xây dựng, triển khai mô hình dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi (mạng xã hội, internet,...);

- Xây dựng các tài liệu, chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo, tập huấn; các quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật; hệ thống chỉ báo thống kê; đánh giá đầu vào; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, quản lý và theo dõi chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi.

b) Giai đoạn 2 (2026 - 2030):

- Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1;

- Lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của Chương trình đã triển khai có hiệu quả; bổ sung các giải pháp để thực hiện các hoạt động chưa đạt hiệu quả trong giai đoạn 1;

- Nhân rộng các mô hình đã triển khai thành công ở giai đoạn 1;

- Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc mở rộng các mô hình.

2. Trách nhiệm thực hiện

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các Sở ngành, địa phương, Đoàn thể tổ chức triển khai Kế hoạch chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi; lồng ghép các nội dung của Kế hoạch vào các Chương trình, Dự án khác về chăm sóc và phát huy vai trò Người cao tuổi; đồng thời, thành lập Trung tâm dưỡng lão có nội dung chăm sóc sức khỏe theo hình thức xã hội hóa; xây dựng môi trường thân thiện với Người cao tuổi;

- Tổ chức kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch; định kỳ báo cáo theo quy định.

b) Sở Y tế:

Nghiên cứu, xây dựng, vận hành Trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Người cao tuổi. Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở Người cao tuổi. Bố trí các dự án về chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi vào trong các chương trình, dự án đầu tư công trung hạn, hàng năm của Sở Y tế gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.

c) Sở Tài chính: có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch của các Sở, Ban ngành, Đoàn thể trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.

d) Sở Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp, bố trí các nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch; các dự án đầu tư công về chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi của Sở Y tế và địa phương trình Ủy ban nhân dân thành phố trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.

đ) Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tổ chức triển khai các nhiệm vụ, hoạt động của Kế hoạch; lồng ghép các nội dung của Kế hoạch chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi vào các Chương trình, Dự án khác có liên quan;

- Phối hợp với Sở Y tế và các ngành, đoàn thể liên quan và quận, huyện hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao cho Người cao tuổi; hướng dẫn và tổ chức các cuộc hội thao dành cho người cao tuổi; xây dựng môi trường thân thiện với Người cao tuổi.

e) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ngành, đoàn thể liên quan lồng ghép các hoạt động của Chương trình vào các chương trình, dự án về xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác có liên quan.

g) Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố:

- Phối hợp với Sở Y tế và các ngành, đoàn thể liên quan trong việc xây dựng kế hoạch; triển khai và giám sát việc thực hiện Kế hoạch;

- Lồng ghép các hoạt động của Chương trình chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi vào các nội dung của Chương trình nhân rộng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các chương trình, dự án khác về chăm sóc người cao tuổi;

- Phối hợp với chính quyền, Hội Người cao tuổi và các đoàn thể ở địa phương xây dựng Chương trình, Kế hoạch bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tổ chức huy động nguồn lực và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch.

h) Các Sở, Ban ngành, Đoàn thể: theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Kế hoạch;

i) Ủy ban nhân dân quận, huyện:

- Chỉ đạo bộ phận chuyên môn xây dựng kế hoạch, Chương trình chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi của Quận, Huyện theo hướng dẫn của Sở Y tế và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền; tổ chức triển khai thực hiện;

- Bố trí nhân lực, phương tiện, kinh phí thực hiện Kế hoạch và các hoạt động theo điều kiện đặc thù của địa phương trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước;

- Lồng ghép có hiệu quả Kế hoạch với các chương trình, đề án, dự án khác trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch theo quy định.

k) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân thành phố và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận, các tổ chức xã hội: trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong tổ chức mình; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và giám sát việc thực hiện chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi đến năm 2030. Yêu cầu các Sở, Ban ngành, Đoàn thể và địa phương có liên quan tổ chức thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TT.TU, HĐND, UBND TP ;
- UBMTTQVN TP;
- Các Sở, Ban ngành TP;
- Các Đoàn thể TP;
- UBND quận, huyện;
- VP UBND TP (3AC,7);
- Cổng TTĐT TP;
- Lưu: VT.TP

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Tấn Hiển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 58/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi đến năm 2030 do thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 58/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 16/03/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Dương Tấn Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản