Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 55/KH-UBND | Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2022 |
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2025
Căn cứ Kế hoạch 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về thực hiện Chương trình 06/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 với nội dung như sau:
1. Mục đích
- Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của xã hội, các chủ thể văn hóa và tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.
- Huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thành phố.
2. Yêu cầu
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đơn vị và chính quyền địa phương, cộng đồng thực hành di sản trong việc triển khai các giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Giới thiệu, quảng bá những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hà Nội tới nhân dân trong nước và quốc tế. Góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
- Kết hợp lồng ghép các hoạt động của Kế hoạch với các nhiệm vụ thường xuyên của mỗi địa phương, đơn vị.
- Các hoạt động triển khai đúng yêu cầu thực tiễn, có tính trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và hiệu quả.
1. Nội dung thực hiện từng năm
- Xây dựng 03-04 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
- Biên soạn 01 đầu sách chuyên đề về di sản văn hóa phi vật thể.
- Xây dựng 02 phim phục vụ tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội.
- Thực hiện tư liệu hóa bằng các hình thức ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, tư liệu viết đối với 10 di sản văn hóa phi vật thể.
- Tổ chức 02-03 lớp truyền dạy cơ bản và nâng cao về kỹ năng trình diễn, thực hành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có nguy cơ mai một.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cho đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản văn hóa, chủ thể văn hóa, chức sắc tôn giáo.
- Tổ chức 01-02 cuộc tọa đàm, hội nghị chuyên sâu nhằm trao đổi chuyên môn về các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thành phố.
- Tổ chức Liên hoan trình diễn, giao lưu, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội và tham gia các Liên hoan quốc gia tổ chức.
2. Nội dung thực hiện trọng tâm các năm
* Năm 2022
- Ban hành Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
- Ban hành Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân Thành phố về chính sách hỗ trợ Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hà Nội.
- Biên soạn cuốn sách giới thiệu Nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội.
* Năm 2023
- Biên soạn tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn, kế hoạch, chương trình hành động... trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể phục vụ công tác tuyên truyền.
- Biên soạn cuốn sách song ngữ Việt - Anh giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu thành phố Hà Nội.
* Năm 2024
Đánh giá, kiểm kê bổ sung Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội.
* Năm 2025
Tổ chức tổng kết 05 năm thực hiện Kế hoạch; tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, nhóm cộng đồng, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
- Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; tổ chức các chương trình, hoạt động tương tác, xã hội hóa trong công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
- Ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới các hình thức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trở thành nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa.
- Xây dựng Chương trình, Kế hoạch phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thành phố Hà Nội xây dựng các chuyên trang, chuyên đề; đưa tin, viết bài, dựng phóng sự tuyên truyền; in sách, tờ giới thiệu; tổ chức triển lãm... nhằm giới thiệu, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc thực hành, bảo vệ, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; đồng thời huy động sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể
- Tham gia nghiên cứu, rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hà Nội.
- Tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên môn các cấp, chủ thể văn hóa, chức sắc tôn giáo; tổ chức các cuộc thi, hoạt động chuyên môn, chuyên ngành di sản văn hóa nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong thời kỳ mới.
- Triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: rà soát, kiểm kê, phân loại; nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa; in ấn, xuất bản; tổ chức các lớp truyền dạy thực hành di sản di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng; phối hợp tổ chức các chương trình giáo dục di sản; phổ biến, giới thiệu, trình diễn, phục dựng... các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; nghiên cứu, rà soát, lựa chọn các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức, cộng đồng, cá nhân tham gia thực hành, sưu tầm, lưu giữ và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể...
- Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn và quản lý ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; tư liệu hóa, số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội.
- Tôn vinh, khen thưởng những tổ chức, nhóm cộng đồng, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức, hướng dẫn lập hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ, xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cấp Thành phố trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Tăng cường giao lưu giữa các tỉnh, thành phố; thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm quảng bá, giới thiệu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;
- Tăng cường hiệu quả khai thác các tiềm năng du lịch đối với loại hình di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, các tour, tuyến du lịch tại các điểm di sản văn hóa phi vật thể.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thực hành di sản văn hóa phi vật thể nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi trái pháp luật khác.
3. Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội
3.1. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh
* Đối với di sản hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh:
- Triển khai Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, các nội dung đã cam kết với UNESCO khi đăng ký ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
- Ban hành và tổ chức triển khai Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
- Xây dựng Báo cáo định kỳ về hiện trạng bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
(Phụ lục 01- Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh)
* Đối với di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia:
- Ban hành Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Các địa phương có di sản xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo nội dung Đề án.
(Phụ lục 02- Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia kèm theo)
3.2. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, cần ưu tiên bảo vệ
Ưu tiên các nguồn lực cho việc triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, cần ưu tiên bảo vệ:
- Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản; ghi hình, xây dựng phim tư liệu nhằm nhận diện giá trị di sản; phục dựng, hỗ trợ truyền dạy, thực hành góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản có nguy cơ mai một, cần ưu tiên bảo vệ.
- Biên soạn và xuất bản sách giới thiệu, tài liệu truyền dạy về di sản nhằm lưu giữ và trao truyền lại di sản cho thế hệ sau.
(Phụ lục 03: Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một; phụ lục 04: Danh mục Di sản cần ưu tiên bảo vệ)
3.3. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo các loại hình di sản văn hóa phi vật thể
* Loại hình lễ hội truyền thống:
- Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định của pháp luật; thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân.
- Phát huy tính chủ động, tích cực của cộng đồng trong tổ chức, quản lý và thực hành lễ hội truyền thống.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về ý nghĩa, nội dung các giá trị tiêu biểu, độc đáo của lễ hội truyền thống; giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; Tôn vinh người có công với dân, với nước; bảo vệ, phát huy, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của Thăng Long - Hà NộI.
- Nghiên cứu, bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị của các lễ hội tôn giáo trong đời sống cộng đồng. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng trong việc quản lý và thực hành di sản, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng quy định và không làm sai lệch di sản.
* Loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian:
- Tổ chức nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn, phục dựng các di sản văn hóa phi vật thể loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như: âm nhạc dân gian, nghệ thuật múa, hát đối, trò chơi dân gian truyền thống, ... tại địa phương.
- Chính quyền địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ để cộng đồng có môi trường và không gian văn hóa để thực hành, truyền dạy và bảo vệ di sản.
- Hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ; tổ chức hội thi, liên hoan; phục dựng, khai thác nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu của địa phương nhằm phục vụ phát triển du lịch, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống bằng chính di sản mà cộng đồng nắm giữ.
* Loại hình nghề thủ công truyền thống:
- Khuyến khích việc duy trì, phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu.
- Chính quyền địa phương phối hợp với cộng đồng tổ chức các lớp truyền dạy nghề, giáo dục giá trị văn hóa làng nghề cho thế hệ trẻ tại địa phương.
- Tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống rộng rãi trong nước và quốc tế bằng nhiều hình thức phù hợp, phong phú.
- Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển nghề thủ công truyền thống với xây dựng môi trường, cảnh quan sinh thái.
* Loại hình ngữ văn dân gian:
- Tiếp tục tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật, tư liệu hóa: sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đối, .... và các biểu đạt khác được truyền tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết để lưu giữ và làm phong phú thêm kho tàng ngữ văn dân gian thành phố Hà Nội.
- Tạo điều kiện xuất bản, quảng bá kho tàng ngữ văn dân gian của Hà Nội đến đông đảo độc giả trong và ngoài nước, khai thác phục vụ phát triển du lịch tại địa phương.
* Loại hình tri thức dân gian:
- Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, tuyên truyền, phổ biến và vận dụng tri thức dân gian về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục ... của các cộng đồng dân cư để phục vụ cuộc sống đương đại, phát triển du lịch, nâng cao sinh kế cho cộng đồng.
* Loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng:
- Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian tại địa phương; bảo vệ, gìn giữ, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, lạc hậu, trái với thuần phong, mỹ tục.
- Nghiên cứu hoàn thiện, phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước, các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.
4. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
- Huy động sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và xã hội đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
- Khuyến khích liên doanh, liên kết với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước trong việc đầu tư cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
- Vận động sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhằm đa dạng nguồn lực thực hiện Kế hoạch thông qua các dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
1. Sở Văn hóa và Thể thao
1.1. Là cơ quan thường trực, tổng hợp giúp Ủy ban nhân dân Thành phố công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội.
1.2. Xây dựng dự thảo Nghị quyết, Đề án trình Ủy ban nhân dân Thành phố
- Chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân Thành phố về chính sách, hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hà Nội.
- Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương, cộng đồng nắm giữ di sản xây dựng Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành làm căn cứ tổ chức thực hiện. Xây dựng báo cáo định kỳ về tình trạng các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Chủ trì xây dựng Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể thuộc Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành.
1.3. Phối hợp với các đơn vị liên quan, thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá và huy động các nguồn lực của tổ chức, cá nhân nhằm bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội.
1.4. Chủ trì xây dựng Kế hoạch Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hàng năm của ngành, triển khai, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đảm bảo chất lượng và hiệu quả, phù hợp với các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
- Rà soát, kiểm kê bổ sung, điều chỉnh danh mục Di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội.
- Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố về hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Là đơn vị thường trực trong tổ chức, hướng dẫn lập hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ, triển khai xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Tổ chức các cuộc trình diễn, liên hoan, giao lưu với các tỉnh, thành phố; tham gia các hoạt động do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội.
- Triển khai tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
- Tổ chức các cuộc thi, giới thiệu, trình diễn, phục dựng ...; mở các lớp truyền dạy nhằm nâng cao chất lượng truyền dạy, kỹ năng thực hành di sản văn hóa phi vật thể đối với những di sản tiêu biểu và có nguy cơ mai một.
- Tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội nghị chuyên sâu nhằm trao đổi chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thành phố.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trong việc sưu tầm, ghi hình, tư liệu hóa di sản; xây dựng phóng sự tuyên truyền, triển lãm, xuất bản sách, tờ giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể...
1.5. Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giao lưu giữa các tỉnh, thành phố; thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm quảng bá, giới thiệu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
1.6. Tổng hợp, đề xuất tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân đạt thành tích trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố.
1.7. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc triển khai thực hiện; kịp thời tháo dỡ những khó khăn, vướng mắc, tổng kết báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.
2. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí kinh phí sự nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân Thành phố giao tại Kế hoạch trên cơ sở đề xuất của các Sở, ban, ngành.
3. Sở Giáo dục và đào tạo
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng chương trình giáo dục di sản lồng ghép vào các môn học, các hoạt động ngoại khóa tham quan, giới thiệu, cung cấp cho học sinh các kiến thức về di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội.
4. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì phối hợp với Sở Công thương xây dựng Kế hoạch Bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025; ưu tiên bảo vệ các giá trị văn hóa phi vật thể tại các làng nghề truyền thống tiêu biểu, làng nghề truyền thống; ưu tiên phát huy không gian sáng tạo sản phẩm tại các làng nghề; hỗ trợ các nghệ nhân làng nghề trong công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề để bảo tồn, phát triển nghề truyền thống.
6. Sở Công Thương
Là cơ quan Thường trực, phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức, hướng dẫn lập, tiếp nhận hồ sơ, triển khai xét tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội trình Ủy ban nhân dân Thành phố; tổ chức, hướng dẫn lập, tiếp nhận hồ sơ, triển khai xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ trình Bộ Công Thương xem xét, thẩm định.
7. Sở Ngoại vụ
Tăng cường thúc đẩy hợp tác quốc tế, phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
9. Sở Du lịch
Chủ trì, xây dựng Kế hoạch, Chương trình, Đề án nhằm tăng cường hiệu quả khai thác các tiềm năng du lịch đối với loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thành phố Hà Nội; chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, các tour, tuyến du lịch tại các điểm di sản văn hóa phi vật thể.
10. Các cơ quan báo đài Thành phố: Tuyên truyền, giới thiệu, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội;
11. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã
- Các địa phương có di sản phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn đã được UNESCO ghi danh và Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Xây dựng Kế hoạch Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với những di sản có trên địa phương theo các nội dung trong Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt để triển khai thực hiện.
- Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến di sản; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng hồ sơ khoa học báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với những di sản có giá trị tiêu biểu của địa phương.
- Phối hợp, hướng dẫn nghệ nhân lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
- Tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, thực hành, bảo vệ, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn đảm bảo quy định, chất lượng và hiệu quả; tham gia các hoạt động do Thành phố tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.
- Hỗ trợ, tạo các điều kiện để các nghệ nhân, các câu lạc bộ tại địa phương thực hành, hoạt động và phát huy hiệu quả công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
- Phối hợp với Sở Du lịch thực hiện các Kế hoạch, Chương trình, Đề án nhằm tăng cường hiệu quả khai thác các tiềm năng du lịch đối với loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Hàng năm xây dựng kế hoạch và cân đối, bố trí ngân sách cho công tác Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Ưu tiên nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị đối với những di sản thuộc Danh mục: di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản có nguy cơ mai một cần ưu tiên bảo vệ. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ cộng đồng tổ chức thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.
11. Các tổ chức, cộng đồng tham gia thực hành di sản
- Tham gia, đóng góp, phát huy sức mạnh và trách nhiệm của cộng đồng thực hành trong bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy nguồn lực di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.
- Tuân thủ các quy định pháp luật của Nhà nước, thực hiện các văn bản hướng dẫn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của đơn vị được giao nhiệm vụ theo phân cấp ngân sách hiện hành; nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và nguồn hợp pháp khác.
Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các đơn vị được phân công trong Kế hoạch chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc kịp thời tập hợp gửi Sở Văn hóa và Thể thao tổng hợp, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét chỉ đạo, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
DANH MỤC CÁC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐƯỢC UNESCO GHI DANH
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 18 tháng 02 năm 2022 của UBND thành phố Hà Nội)
STT | TÊN DI SẢN | LOẠI HÌNH | ĐỊA ĐIỂM | DANH MỤC |
1 | Hát ca trù | Nghệ thuật trình diễn | Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hà Đông, Đông Anh, Phú Xuyên, Hoài Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng. | Cần bảo vệ khẩn cấp |
2 | Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng | Lễ hội truyền thống | Sóc Sơn, Gia Lâm | Đại diện nhân loại |
3 | Nghi lễ và trò chơi Kéo co | Nghệ thuật trình diễn | Long Biên, Sóc Sơn | Đại diện nhân loại |
4 | Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt | Tập quán xã hội và tín ngưỡng | Thành phố Hà Nội | Đại diện nhân loại |
DANH MỤC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐÃ ĐƯỢC ĐƯA VÀO DANH MỤC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 18 tháng 02 năm 2022 của UBND thành phố Hà Nội)
TT | DI SẢN | LOẠI HÌNH | ĐỊA ĐIỂM |
1 | Lễ hội Bình Đà | Lễ hội truyền thống | Thanh Oai |
2 | Lễ hội bơi Đăm | Lễ hội truyền thống | Bắc Từ Liêm |
3 | Lễ hội Cổ Loa | Lễ hội truyền thống | Đông Anh |
4 | Lễ hội đền Hai Bà Trưng | Lễ hội truyền thống | Mê Linh |
5 | Lễ hội đền Hát Môn | Lễ hội truyền thống | Phúc Thọ |
6 | Lễ Hội đền Và | Lễ hội truyền thống | Sơn Tây |
7 | Lễ hội đình Chèm | Lễ hội truyền thống | Bắc Từ Liêm |
8 | Lễ hội đình Lưu Xá | Lễ hội truyền thống | Chương Mỹ |
9 | Lễ hội đình Trường Lâm | Lễ hội truyền thống | Long Biên |
10 | Lễ hội kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai | Lễ hội truyền thống | Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm |
11 | Lễ hội làng Chử Xá | Lễ hội truyền thống | Gia Lâm |
12 | Lễ hội làng Lệ Mật | Lễ hội truyền thống | Long Biên |
13 | Lễ hội làng Triều Khúc | Lễ hội truyền thống | Thanh Trì |
14 | Lễ hội năm làng Mọc | Lễ hội truyền thống | Thanh Xuân Nam Từ Liêm |
15 | Lễ hội thổi cơm thị Cấm | Lễ hội truyền thống | Nam Từ Liêm |
16 | Hát và múa Ải lao | Nghệ thuật trình diễn dân gian | Long Biên |
17 | Múa rối cạn Tế Tiêu | Nghệ thuật trình diễn dân gian | Mỹ Đức |
18 | Nghề cốm Mễ Trì | Nghề thủ công truyền thống | Nam Từ Liêm |
19 | Nghề dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ | Nghề thủ công truyền thống | Gia Lâm |
20 | Nghề gốm sứ làng Bát Tràng | Nghề thủ công truyền thống | Gia Lâm |
21 | Nghề thêu truyền thống ở Đông Cứu | Nghề thủ công truyền thống | Thường Tín |
22 | Kéo co ngồi | Tập quán xã hội và tín ngưỡng | Long Biên |
23 | Kéo mỏ | Tập quán xã hội và tín ngưỡng | Sóc Sơn |
24 | Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh | Tập quán xã hội và tín ngưỡng | Ba Vì |
DANH MỤC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CÓ NGUY CƠ MAI MỘT
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 18 tháng 02 năm 2022 của UBND thành phố Hà Nội)
STT | TÊN DI SẢN | LOẠI HÌNH | ĐỊA ĐIỂM |
1 | Tiếng lóng Đa Chất | Ngữ văn dân gian | Phú xuyên |
2 | Hát Dô | Nghệ thuật trình diễn | Quốc Oai |
3 | Hát trống quân | Nghệ thuật trình diễn | Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ |
4 | Hát tuồng cổ Cốc Thượng | Nghệ thuật trình diễn | Chương Mỹ |
5 | Hát ví | Nghệ thuật trình diễn | Quốc Oai |
6 | Hát xẩm | Nghệ thuật trình diễn | Thành phố Hà Nội |
7 | Múa cồng chiêng của người Mường | Nghệ thuật trình diễn | Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất |
8 | Múa rối nước | Nghệ thuật trình diễn | Quốc Oai, Thạch Thất |
DANH MỤC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ƯU TIÊN BẢO VỆ
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 18 tháng 02 năm 2022 của UBND thành phố Hà Nội)
STT | TÊN DI SẢN | LOẠI HÌNH | ĐỊA ĐIỂM |
1 | Lễ hội đền Voi Phục | Lễ hội truyền thống | Ba Đình |
2 | Lễ hội đình Hào Nam | Lễ hội truyền thống | Đống Đa |
3 | Lễ hội gò Đống Đa | Lễ hội truyền thống | Đống Đa |
4 | Lễ hội đình Kim Liên | Lễ hội truyền thống | Đống Đa |
5 | Lễ hội đền Đồng Nhân | Lễ hội truyền thống | Hai Bà Trưng |
6 | Lễ hội đình Kim Ngân | Lễ hội truyền thống | Hoàn Kiếm |
7 | Lễ hội đình Yên Thái | Lễ hội truyền thống | Hoàn Kiếm |
8 | Lễ hội Cầu Bây | Lễ hội truyền thống | Long Biên |
9 | Lễ hội Thượng Đồng | Lễ hội truyền thống | Long Biên |
10 | Lễ hội đình Miêu Nha | Lễ hội truyền thống | Nam Từ Liêm |
11 | Lễ hội giao hiếu Ngọc Trục - Trung Văn | Lễ hội truyền thống | Nam Từ Liêm |
12 | Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ | Lễ hội truyền thống | Tây Hồ |
13 | Lễ hội đình Vòng | Lễ hội truyền thống | Thanh Xuân |
14 | Lễ hội đền Măng Sơn | Lễ hội truyền thống | Sơn Tây |
15 | Lễ hội đền Ngô Quyền | Lễ hội truyền thống | Sơn Tây |
16 | Lễ hội đình Phùng Hưng | Lễ hội truyền thống | Sơn Tây |
17 | Lễ hội làng Tây Đằng | Lễ hội truyền thống | Ba Vì |
18 | Lễ hội Chùa Trầm | Lễ hội truyền thống | Chương Mỹ |
19 | Lễ hội làng Ninh Sơn | Lễ hội truyền thống | Chương Mỹ |
20 | Lễ hội chùa Trăm Gian | Lễ hội truyền thống | Chương Mỹ |
21 | Lễ hội làng Đường Yên | Lễ hội truyền thống | Đông Anh |
22 | Lễ hội Đền Sái | Lễ hội truyền thống | Đông Anh |
23 | Lễ hội làng Sủi | Lễ hội truyền thống | Gia Lâm |
24 | Lễ hội chùa Keo | Lễ hội truyền thống | Gia Lâm |
25 | Lễ hội chùa Nành | Lễ hội truyền thống | Gia Lâm |
26 | Lễ hội đền Vật | Lễ hội truyền thống | Hoài Đức |
27 | Lễ hội đình La Phù | Lễ hội truyền thống | Hoài Đức |
28 | Lễ hội Rước Giá | Lễ hội truyền thống | Hoài Đức |
29 | Lễ hội chùa Hương | Lễ hội truyền thống | Mỹ Đức |
30 | Lễ hội chạy lợn thôn Duyên Yết | Lễ hội truyền thống | Phú Xuyên |
31 | Lễ hội đình Tường Phiêu | Lễ hội truyền thống | Phúc Thọ |
32 | Lễ hội chùa Thầy | Lễ hội truyền thống | Quốc Oai |
33 | Lễ hội đền Sọ Tam Tổng | Lễ hội truyền thống | Sóc Sơn |
34 | Lễ hội Húc Cầu | Lễ hội truyền thống | Sóc Sơn |
35 | Lễ hội chùa Tây Phương | Lễ hội truyền thống | Thạch Thất |
36 | Nghề làm bánh cốm | Nghề thủ công truyền thống | Ba Đình |
37 | Nghề đúc đồng Ngũ Xá | Nghề thủ công truyền thống | Ba Đình |
38 | Nghề làm cốm Vòng | Nghề thủ công truyền thống | Cầu Giấy |
39 | Nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc | Nghề thủ công truyền thống | Hà Đông |
40 | Nghề rèn Đa Sỹ | Nghề thủ công truyền thống | Hà Đông |
41 | Nghề kim hoàn Định Công | Nghề thủ công truyền thống | Hoàng Mai |
42 | Nghề làm bánh cuốn Thanh Trì | Nghề thủ công truyền thống | Hoàng Mai |
43 | Nghề bún Phú Đô | Nghề thủ công truyền thống | Nam Từ Liêm |
44 | Nghề ướp chè sen làng Quảng Bá | Nghề thủ công truyền thống | Tây Hồ |
45 | Nghề làm nón làng Chuông | Nghề thủ công truyền thống | Thanh Oai |
46 | Nghề làm giò chả thôn Ước Lễ | Nghề thủ công truyền thống | Thanh Oai |
47 | Nghề mây tre giang đan Phú Vinh | Nghề thủ công truyền thống | Chương Mỹ |
48 | Nghề gốm sứ Kim Lan | Nghề thủ công truyền thống | Gia Lâm |
49 | Nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng | Nghề thủ công truyền thống | Đông Anh |
50 | Nghề Điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng | Nghề thủ công truyền thống | Hoài Đức |
51 | Nghề khảm trai làng Chuôn Ngọ | Nghề thủ công truyền thống | Phú Xuyên |
52 | Nghề nặn tò he Xuân La | Nghề thủ công truyền thống | Phú Xuyên |
53 | Nghề sơn mài Hạ Thái | Nghề thủ công truyền thống | Thường Tín |
54 | Nghề làm đàn Đào Xá | Nghề thủ công truyền thống | Thường Tín |
55 | Nghề may áo dài truyền thống làng Trạch Xá | Nghề thủ công truyền thống | Ứng Hòa |
56 | Múa rối nước Đào Thục | Nghệ thuật trình diễn dân gian | Đông Anh |
57 | Hát chèo Tàu tổng Gối | Nghệ thuật trình diễn dân gian | Đan Phượng |
58 | Hát dân ca Xa Mạc | Nghệ thuật trình diễn dân gian | Mê Linh |
59 | Hát Dô | Nghệ thuật trình diễn dân gian | Quốc Oai |
60 | Hò cửa đình và múa hát bài bông thôn Phú Nhiêu | Nghệ thuật trình diễn dân gian | Phú Xuyên |
61 | Múa rối nước làng Ra | Nghệ thuật trình diễn dân gian | Thạch Thất |
62 | Tri thức làm bánh chưng xã Tranh Khúc | Tri thức dân gian | Thanh Trì |
- 1Quyết định 1450/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2030
- 2Kế hoạch 125/KH-UBND năm 2021 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử, Hò Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 3Kế hoạch 421/KH-UBND năm 2021 triển khai nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh sách của UNESCO giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Lào Cai ban hành
- 4Quyết định 686/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030”
- 5Kế hoạch 125/KH-UBND năm 2022 triển khai Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa và Số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030
- 6Kế hoạch 155/KH-UBND năm 2022 về triển khai Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 7Quyết định 406/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”
- 8Kế hoạch 209/KH-UBND năm 2022 triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2027
- 9Quyết định 2442/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn đến năm 2035” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 10Kế hoạch 13/KH-UBND năm 2023 về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025
- 1Quyết định 1450/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2030
- 2Kế hoạch 125/KH-UBND năm 2021 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử, Hò Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 3Kế hoạch 176/KH-UBND năm 2021 về thực hiện Chương trình 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" do thành phố Hà Nội ban hành
- 4Kế hoạch 421/KH-UBND năm 2021 triển khai nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh sách của UNESCO giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Lào Cai ban hành
- 5Quyết định 686/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030”
- 6Kế hoạch 125/KH-UBND năm 2022 triển khai Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa và Số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030
- 7Kế hoạch 155/KH-UBND năm 2022 về triển khai Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 8Quyết định 406/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”
- 9Kế hoạch 209/KH-UBND năm 2022 triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2027
- 10Quyết định 2442/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn đến năm 2035” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 11Kế hoạch 13/KH-UBND năm 2023 về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025
Kế hoạch 55/KH-UBND năm 2022 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025
- Số hiệu: 55/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 18/02/2022
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Chu Ngọc Anh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra