ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/KH-UBND | Đắk Lắk, ngày 03 tháng 02 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2023 - 2025
Căn cứ các Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: số 4205/QĐ-BVHTTDL ngày 19/12/2014 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ngữ văn dân gian Khan (Sử thi) của người Êđê tỉnh Đắk Lắk số 1840/QĐ-BVHTTDL ngày 04/8/2022 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ngữ văn dân gian Lời nói vần của người Êđê huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk; số 1841/QĐ-BVHTTDL ngày 04/8/2022 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M’nông huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Bảo vệ, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc của 03 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Khan (Sử thi) của người Êđê; Lời nói vần của người Êđê và Lễ mừng thọ của người M’nông đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia một cách bền vững, tạo nguồn lực để phát triển du lịch, góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức của cộng đồng đối với di sản văn hóa phi vật thể, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân; đồng thời, thu hút, huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch của tỉnh Đắk Lắk.
- Nâng cao nhận thức, lòng tự hào dân tộc và tôn vinh các giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước, góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc.
2. Yêu cầu
- Các hoạt động triển khai thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải đúng yêu cầu thực tiễn, có tính trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chất lượng và hiệu quả; công tác triển khai thực hiện Kế hoạch có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương và cá nhân liên quan.
- Đảm bảo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc tổ chức triển khai các nội dung của Kế hoạch và vai trò, ý nghĩa của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong tình hình hiện nay.
- Kế hoạch được triển khai đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh, nhất là các địa phương có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Nhiệm vụ
1.1. Tuyên truyền, phổ biến, quảng bá, giới thiệu giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch
- Nâng cao chất lượng và hình thức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về 03 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội gắn với phát triển du lịch.
- Biên soạn, xuất bản, phát hành các video clip giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh (01 - 03 video clip/loại hình di sản dân tộc).
- Xuất bản các ấn phẩm về nghệ thuật trình diễn của các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác lưu giữ, truyền dạy, phổ biến và quảng bá du lịch.
- Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phục vụ phát triển du lịch; thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản phi vật thể nói chung và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nói riêng.
- Tuyên truyền quảng bá thông qua các hội thi, hội diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại các sự kiện văn hóa du lịch quy mô vùng, miền, toàn quốc; phối hợp với các công ty lữ hành trong xây dựng tour, tuyến, sản phẩm du lịch gắn với địa phương có loại hình di sản văn hóa phi vật thể để tiếp cận các thị trường khách du lịch.
1.2. Tổ chức phục dựng, trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch
- Hỗ trợ và tổ chức phục dựng các cuộc trình diễn, phổ biến giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong cộng đồng, gia đình, trường học và các khu, điểm du lịch. Lựa chọn phục dựng không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu tại các buôn, buôn du lịch cộng đồng, trong các dịp tết, ngày lễ lớn của đất nước, lễ hội truyền thống… nhằm giao lưu, trình diễn, tạo môi trường thực hành và trao truyền các loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các loại hình dân ca, dân vũ,… tạo ra các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa…
- Xây dựng các mô hình câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, hiệu quả phục vụ phát triển du lịch để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại địa phương.
- Hỗ trợ nghệ nhân tổ chức thực hành trình diễn di sản để bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngay chính trong đời sống cộng đồng; phát huy vai trò của các quy ước, hương ước trong bảo tồn các giá trị văn hóa.
- Nghiên cứu, phục hồi, sưu tầm về di sản văn hóa phi vật thể để tổ chức thực hành, biểu diễn định kỳ hàng năm gắn với hoạt động phát triển du lịch của địa phương.
- Tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu văn hóa nghệ quần chúng; trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong các Ngày lễ, Sự kiện Ngày Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam... và trong hoạt động lễ hội truyền thống tại địa phương.
1.3. Tổ chức các lớp truyền dạy và đưa hoạt động giáo dục ngoại khóa tại các nhà trường
- Hàng năm, tiếp tục mở các lớp truyền dạy (ít nhất mở 01 lớp/di sản/năm) di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại các địa phương. Giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phục vụ phát triển du lịch, quảng bá giới thiệu tuyên truyền trong các chương trình hội nghị, sự kiện xúc tiến du lịch của tỉnh.
- Nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Êđê, M’nông vào các cấp học, chú trọng tới những trường dân tộc nội trú, bán trú phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ cho học sinh, sinh viên nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp nói chung và giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với thế hệ trẻ.
- Tích hợp các hoạt động thực hành/thực tập trình diễn di sản vào sinh hoạt tại câu lạc bộ trong các nhà trường với các hình thức phong phú, sáng tạo và thiết thực.
- Phối hợp các nghệ nhân, những người nắm giữ di sản để tổ chức trình diễn và trải nghiệm, kết hợp với việc truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong các trường học trên địa bàn tỉnh.
1.4. Hỗ trợ chính sách cho các nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Hỗ trợ cá nhân, những người có uy tín, có kỹ năng biểu diễn nghệ thuật dân gian phấn đấu trở thành đội ngũ nghệ nhân trao truyền bí quyết, kiến thức thực hành các di sản văn hóa phi vật thể nói chung và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nói riêng tham gia hoạt động truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ trong nhà trường, cộng đồng và tại địa phương.
- Có cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư, khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào hoạt động kinh tế, du lịch tại địa phương.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù đối với nghệ nhân đóng góp trong hoạt động duy trì, giữ gìn, trao truyền bí quyết, kiến thức thực hành di sản văn hoá phi vật thể đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được ghi danh Danh sách của UNESCO.
1.5. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ văn hóa và các chủ thể văn hoá (nghệ nhân, người có uy tín...) trong công tác quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại địa phương
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, về khai thác, xây dựng dịch vụ, sản phẩm du lịch văn hoá cho đội ngũ công chức văn hóa tại cơ sở.
- Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực thực hành, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho các nghệ nhân, người có uy tín...; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức văn hóa và các chủ thể văn hoá về kiến thức du lịch, kỹ năng ứng xử giao tiếp phục vụ du lịch.
1.6. Xây dựng các hành trình kết nối di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch
- Kết nối các khu vực có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào các tour, tuyến du lịch của tỉnh.
- Kết nối các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và các loại hình di sản tiêu biểu (các lễ hội cồng chiêng, dân ca, dân vũ dân nhạc…) để xây dựng thành hành trình di sản.
- Tổ chức các khoá tập huấn về du lịch và dịch vụ du lịch gắn với di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo đặc thù loại hình của dân tộc Êđê, M’nông.
1.7. Ứng dụng khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch
- Ứng dụng khoa học, công nghệ để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Số hóa dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và các loại hình di sản truyền thống khác để phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch.
- Khai thác, phát huy tài nguyên số dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên các nền tảng không gian mạng qua: Facebook, Zalo, Youtube, Fanpage, Tiktok… gắn kết với thị trường, đối tượng, sản phẩm du lịch.
- Kết nối với các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch trong hoạt động xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù.
2. Giải pháp thực hiện
2.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các chủ nhân của di sản nhận thức một cách sâu sắc về trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương tuyên truyền về các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên các phương tiện thông tin đại chúng; giới thiệu, quảng bá các di sản trong nước và quốc tế bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế.
2.2. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với di sản văn hóa cồng chiêng nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán các hiện vật liên quan đến di sản, có các biện pháp để bảo vệ và xử lý các hành vi trộm cắp, hủy hoại di sản; ban hành các văn bản để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay.
2.3. Cấp tỉnh mở các lớp truyền dạy về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ít nhất mở 01 lớp/năm), nhằm khơi gợi lòng đam mê và xây dựng đội ngũ kế cận đảm bảo có sự kế thừa và phát huy di sản từ thế hệ này sang thế hệ khác để duy trì, bảo tồn và phát huy.
2.4. Các huyện, thị xã, thành phố có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chủ động xây dựng các Chương trình, Kế hoạch thực hiện bảo tồn, phát huy di sản gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mỗi năm tổ chức (ít nhất từ 01 đến 02) lớp truyền dạy đánh chiêng, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn; tổ chức phục dựng, tái hiện ít nhất 01 nghi lễ, lễ hội/năm liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
2.5. Xây dựng và tổ chức hoạt động các mô hình điểm về phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch cộng đồng; thường xuyên tổ chức các hoạt động trình diễn di sản trong sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, trong các hoạt động du lịch văn hóa. Hàng năm, tổ chức tham gia các cuộc Liên hoan cấp tỉnh; cấp khu vực để trình diễn di sản.
2.6. Hàng năm, có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân, những người nắm giữ di sản nhằm tạo điều kiện duy trì tập luyện, tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại địa phương.
2.7. Phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tích cực vận động xã hội hóa; tăng cường nguồn lực đối với công tác bảo tồn, phát huy, đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho nhà văn hóa cộng đồng của buôn đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương nhằm hỗ trợ có hiệu quả việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
2.8. Tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, trải nghiệm về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dành cho các đối tượng là sinh viên, học sinh các cấp thông qua các hoạt động như hội thi, hội diễn, liên hoan cồng chiêng, thi trình diễn trang phục truyền thống trong các trường học, nhất là các Trường Dân tộc nội trú và bán trú.
III. KINH PHÍ
Kinh phí thực hiện Kế hoạch do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.
- Nghiên cứu để định hướng xây dựng đề cương dự án chi tiết quy mô nhỏ (dưới 02 tỷ đồng) nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gửi Sở Ngoại vụ để làm cơ sở dữ liệu vận động tài trợ từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hoá để tài trợ cho công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương.
- Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện hàng năm.
- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo tình hình triển khai thực hiện kế hoạch; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.
2. Sở Tài chính căn cứ nhu cầu kinh phí do cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và khả năng cân đối ngân sách, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện Kế hoạch theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đưa nội dung giáo dục bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào giảng dạy trong chương trình giáo dục địa phương và lồng ghép tích hợp các môn học.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực.
4. Sở Ngoại vụ chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan giới thiệu các di sản phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh đến với bạn bè quốc tế thông qua các hoạt động đối ngoại nói chung; lồng ghép quảng bá, tuyên truyền trong công tác ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế, thông tin đối ngoại; tranh thủ vận động nguồn lực bên ngoài cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Đắk Lắk, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh thực hiện truyền thông về nội dung, mục tiêu, nhiệm của kế hoạch về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi đưa nội dung thông tin sai lệch không phù hợp, thiếu khách quan, trái với pháp luật.
6. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (địa phương có di sản) thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy; công tác nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh trên Tạp chí Chư Yang Sin.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết hàng năm để tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo nội dung kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (có di sản) triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Hàng năm, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí triển khai thực hiện.
- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch của địa phương.
- Định kỳ hàng năm, trước ngày 15/11 báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, tham mưu theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023 - 2025, đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện; kịp thời báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các khó khăn, vướng mắc phát sinh để được hướng dẫn xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Kế hoạch 55/KH-UBND năm 2022 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025
- 2Kế hoạch 209/KH-UBND năm 2022 triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2027
- 3Quyết định 121/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030” do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 4Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2023 về tổng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025
- 5Nghị quyết 14/2023/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ đối với người trực tiếp trông coi di tích và nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 6Quyết định 57/2023/QĐ-UBND về Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Quần thể Di tích Huế do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 7Quyết định 09/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025
- 8Kế hoạch 736/KH-UBND năm 2024 quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia Linga vàng do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 1Quyết định 4205/QĐ-BVHTTDL năm 2014 công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 2Kế hoạch 55/KH-UBND năm 2022 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025
- 3Kế hoạch 209/KH-UBND năm 2022 triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2027
- 4Quyết định 121/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030” do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 5Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2023 về tổng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025
- 6Nghị quyết 14/2023/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ đối với người trực tiếp trông coi di tích và nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 7Quyết định 57/2023/QĐ-UBND về Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Quần thể Di tích Huế do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 8Quyết định 09/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025
- 9Kế hoạch 736/KH-UBND năm 2024 quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia Linga vàng do tỉnh Bình Thuận ban hành
Kế hoạch 13/KH-UBND năm 2023 về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025
- Số hiệu: 13/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 03/02/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
- Người ký:
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/02/2023
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định