ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/KH-UBND | Lào Cai, ngày 26 tháng 01 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN TRẺ EM, CHĂM SÓC TRẺ EM MỒ CÔI TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2024 - 2030
Căn cứ Quyết định số 1591/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023 - 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát: Trẻ em được chăm sóc sức khỏe tâm thần, trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ em mồ côi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phù hợp nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.
2. Mục tiêu cụ thể
- Phấn đấu 80% trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ cao rối loạn sức khỏe tâm thần được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng.
- Phấn đấu 100% trẻ em mồ côi được chăm sóc thay thế bởi người thân thích, cá nhân, gia đình không phải là người thân thích, được nhận làm con nuôi hoặc được chăm sóc nuôi dưỡng tạm thời, tại các cơ sở trợ giúp xã hội, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ phù hợp.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THỰC HIỆN
1. Đối tượng áp dụng
- Trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần; trẻ em mồ côi.
- Các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan.
2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2024 đến năm 2030.
3. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
III. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Rà soát, đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi với các hình thức, mô hình đa dạng, linh hoạt, trong đó chú trọng chăm sóc thay thế cho trẻ em tại gia đình, các chính sách, dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại các cơ sở nuôi dưỡng tập trung.
2. Truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, bảo vệ và chăm sóc trẻ em mồ côi, chú trọng cung cấp các thông tin về quyền trẻ em, kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc, người nhận chăm sóc thay thế trẻ em về chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc, nuôi dưỡng và chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi.
3. Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, phát triển đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành đặc biệt là cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, giáo viên làm công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, đội ngũ nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội tại cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tại cộng đồng về hỗ trợ, cung cấp và kết nối dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, nuôi dưỡng và chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi.
4. Phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em toàn diện và liên tục thông qua các hoạt động.
- Tăng cường các dịch vụ y tế; cải tạo, nâng cấp các dịch vụ sẵn có tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em.
- Phát triển dịch vụ hỗ trợ phòng ngừa, phát hiện sớm, tư vấn, tham vấn cho trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ rối loạn tâm thần tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng.
- Xây dựng mạng lưới dịch vụ, đẩy mạnh hoạt động kết nối, chuyển tuyến; tư vấn, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần.
- Phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học; triển khai giáo dục chăm sóc SKTT cho học sinh; phát triển mạng lưới giáo viên, nhân viên, cộng tác viên, nhóm học sinh/trẻ em nòng cốt có kiến thức, kỹ năng chăm sóc SKTT cho học sinh tại các các cơ sở giáo dục phổ thông.
5. Phát triển dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi
- Trẻ em mồ côi được chăm sóc nuôi dưỡng, chăm sóc thay thế phù hợp và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu để phát triển toàn diện. Ưu tiên chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi tại gia đình bởi người thân thích, người không thân thích, nhận con nuôi.
- Phát triển mạng lưới dịch vụ tìm gia đình chăm sóc thay thế, tư vấn, hỗ trợ. Hướng dẫn tiêu chuẩn chăm sóc, nuôi dưỡng, cung cấp các dịch vụ cho trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định pháp luật.
- Tăng cường tuyên truyền, vận động, kết nối gia đình, cá nhân có đủ điều kiện để tham gia nhận con nuôi, nhận chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em tập trung.
- Phát động, duy trì phong trào xã hội tham gia chăm sóc, hỗ trợ trẻ em mồ côi, gia đình, cá nhân nhận chăm sóc thay thế, nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi.
6. Tăng cường phối hợp liên ngành, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi phù hợp với từng đối tượng.
7. Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá thực hiện Kế hoạch.
8. Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường hợp tác quốc tế, vận động mọi nguồn lực xã hội, kinh nghiệm, sáng kiến để chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc trẻ em mồ côi.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương chủ động lập dự toán chi hằng năm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Vận động các nguồn lực xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em và chăm sóc trẻ em mồ côi.
- Chủ trì tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi. Hướng dẫn thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, chăm sóc thay thế cho trẻ em mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa theo chức năng nhiệm vụ được giao.
- Phát triển các dịch vụ tư vấn, tham vấn cho trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ rối loạn tâm thần tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng; phát triển mạng lưới dịch vụ và kết nối chuyển tuyến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em; triển khai chương trình tư vấn, hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về chăm sóc sức khỏe tâm thần.
- Phát triển dịch vụ tư vấn và hướng dẫn các gia đình có nhu cầu về chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
- Kiểm tra, theo dõi, thu thập số liệu, khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch. Tổ chức sơ kết, tổng kết và xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn tiếp theo.
2. Sở Y tế
- Chủ trì triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phát triển, cải tạo, nâng cấp hệ thống dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em.
- Hướng dẫn cơ quan chuyên môn tăng cường biện pháp phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng cho trẻ em có nguy cơ và trẻ em rối loạn tâm thần. Thực hiện sàng lọc phát hiện sớm trẻ em, học sinh mắc rối loạn tâm thần trong trường học, như: trầm cảm, nghiện game, mạng xã hội, rối nhiễu tâm trí, trẻ tự kỷ, các vấn đề về tình cảm, hành vi... nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu trong phòng ngừa và phát hiện sớm các rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ em.
- Nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên y tế, cộng tác viên y tế về chăm sóc sức khỏe tâm thần; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện quy trình can thiệp đối với trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi, cung cấp các dịch vụ y tế cần thiết.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, địa phương triển khai các hoạt động của kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, học sinh trong trường học. Triển khai giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh, cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong trường học. Lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em trong các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh của các cơ sở giáo dục.
- Hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành lập đội ngũ cán bộ đầu mối làm công tác xã hội để triển khai các dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em mồ côi, trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần và các đối tượng trẻ em khác có nhu cầu về dịch vụ công tác xã hội tại các trường học.
- Hướng dẫn, cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi khả năng học tập và học nghề cho học sinh có vấn đề sức khỏe tâm thần; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ về giáo dục đối với trẻ em mồ côi.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở ngành, địa phương triển khai các hoạt động của kế hoạch.
4. Sở Tư pháp: Hướng dẫn, triển khai thực hiện việc chăm sóc thay thế bằng hình thức nhận con nuôi cho trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật.
5. Sở Tài chính: Bố trí kinh phí, hướng dẫn sử dụng kinh phí để triển khai Kế hoạch theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
6. Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống thông tin cơ sở triển khai công tác tuyên truyền, tăng cường tuyên truyền trên các nền tảng số, hệ thống truyền thanh cơ sở về các chế độ, chính sách, dịch vụ, các mô hình hiệu quả về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc thay thế, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi.
7. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch vào các chương trình, kế hoạch liên quan hàng năm của cơ quan, đơn vị.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn Lào Cai, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động tổ chức thực hiện kế hoạch. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các ngành, địa phương, các cấp hội, đoàn thể, hội viên, nhân dân tích cực tham gia chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em và quan tâm chăm sóc trẻ em mồ côi.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và bố trí nguồn lực, nhân lực, huy động nguồn xã hội hóa thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu của kế hoạch đảm bảo phù hợp, hiệu quả, đúng quy định.
- Thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện kế hoạch đảm bảo trẻ em được chăm sóc sức khỏe tâm thần, trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ em mồ côi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phù hợp, kịp thời nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.
- Theo dõi, đánh giá, sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tại địa phương.
Trên đây là kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2024 - 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 28/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2024-2030
- 2Kế hoạch 440/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 3Quyết định 145/QĐ-UBND năm 2024 về Kế hoạch Thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2030
- 4Kế hoạch 809/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2024-2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 1Quyết định 1591/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Kế hoạch 28/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2024-2030
- 3Kế hoạch 440/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 4Quyết định 145/QĐ-UBND năm 2024 về Kế hoạch Thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2030
- 5Kế hoạch 809/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2024-2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Kế hoạch 52/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi tỉnh Lào Cai giai đoạn 2024-2030
- Số hiệu: 52/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 26/01/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Người ký: Giàng Thị Dung
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/01/2024
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định