Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/KH-UBND | Bến Tre, ngày 06 tháng 01 năm 2021 |
ỨNG PHÓ THẢM HỌA CHÁY RỪNG TỈNH BẾN TRE
Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định 83/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy;
Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự;
Thực hiện Kế hoạch số 2756/KH-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Ứng phó thảm họa cháy rừng tỉnh Bến Tre với các nội dung cụ thể như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH, NGUYÊN TẮC VÀ YÊU CẦU
1. Sự cần thiết
- Theo Quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc công bố hiện trạng rừng tỉnh Bến Tre năm 2019. Theo đó, tỉnh Bến Tre có diện tích tự nhiên là 239.481 ha. Tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp là 7.833 ha; trong đó, diện tích đất có rừng là 4.402,01 ha, bao gồm rừng tự nhiên là 1.177,46 ha và rừng trồng là 3.224,55 ha.
- Rừng của tỉnh Bến Tre chủ yếu là rừng ngập mặn với các loài cây như bần, mấm, đước, đưng,… sống trên nền đất ngập triều ẩm ướt nên khả năng xảy ra cháy rất thấp; chỉ có những dãy rừng trồng phi lao trên đất giồng cát ven biển với diện tích là 112,25 ha và Khu rừng phòng hộ Tân Mỹ thuộc huyện Ba Tri (diện tích 49,78 ha) với các loài cây hỗn giao: Tre bụi, tràm bông vàng, đước, chà là, lau sặc,… là có khả năng xảy ra cháy cao.
- Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết khu vực vùng ven biển diễn biến ngày càng phức tạp. Vào mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau) tình trạng khô hạn kéo dài nhiều ngày, các ao, hồ chứa nước trong khu rừng trồng phi lao bị cạn kiệt, thảm thực bì cây cỏ dưới tán rừng bị khô nỏ, dễ đồng thời với tác động cộng hưởng của gió Đông - Đông Bắc (gió Chướng) thổi theo hướng từ biển vào (từ tháng 10 đến cuối mùa khô) làm tăng cao nguy cơ cháy rừng trong khu vực.
- Mặt khác, phần lớn các khu rừng phi lao được trồng trên đất giồng cát trãi dài ven biển, địa hình bị chia cắt bởi sông rạch; lực lượng bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy khi có thảm họa cháy rừng với diện tích lớn xảy ra. Tuy nhiên, để công tác PCCCR đạt hiệu quả cao nhằm đáp ứng yêu cầu ứng phó sự cố cháy rừng với diện tích lớn xảy ra, việc xây dựng Kế hoạch Ứng phó thảm họa cháy rừng tỉnh Bến Tre là rất cần thiết.
2. Mục đích
- Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, góp phần hạn chế tối đa tình trạng cháy rừng nhằm đảm bảo an ninh môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh.
- Bảo đảm chủ động và hiệu quả trong công tác chỉ đạo, chỉ huy và điều động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng khi xảy ra thảm họa cháy rừng vượt quá tầm kiểm soát của địa phương cấp xã, huyện tại các khu rừng có khả năng xảy ra cháy nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài nguyên rừng và tài sản do cháy rừng gây ra.
- Xác định cụ thể về trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng có liên quan và chủ rừng trong công tác PCCCR; đồng thời là cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ được phân công, như:
Tiến hành xây dựng và triển khai kế hoạch hành động PCCCR.
Có phương án tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kỹ thuật để phục vụ công tác PCCCR.
Triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân nhằm chủ động ứng phó có hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra.
3. Nguyên tắc và yêu cầu
- Cơ quan chỉ huy thống nhất điều hành công tác ứng phó sự cố cháy rừng trên địa bàn tỉnh là Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.
- Kế hoạch thực hiện phương châm lấy hoạt động phòng ngừa là chính; chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả khi có cháy rừng xảy ra.
- Thống nhất trong điều hành chỉ huy và huy động lực lượng, phương tiện, hậu cần ứng phó thảm họa cháy rừng. Trong mọi trường hợp có cháy rừng xảy ra thì người chỉ huy PCCCR cao nhất được ủy quyền điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của các đơn vị, cá nhân hiện có trên địa bàn tham gia ứng cứu.
- Các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng có liên quan và chủ rừng thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác PCCCR; quá trình thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng.
II. MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP CHUNG ỨNG PHÓ THẢM HỌA CHÁY RỪNG
1. Mục tiêu
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm nâng cao hiệu lực của công tác PCCCR và khả năng kiểm soát cháy rừng, giảm thiểu tối đa số vụ và thiệt hại do cháy rừng gây ra.
2. Giải pháp chung
a) Giải pháp về thể chế, chính sách và tổ chức
- Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, ban ngành đoàn thể và nhân dân các địa phương; thông qua công tác: Củng cố các Ban Chỉ huy PCCCR các cấp, hàng năm xây dựng và triển khai thực hiện các phương án PCCCR cho từng khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy; củng cố và thành lập thêm các đội PCCCR cơ sở.
- Tăng cường nguồn vốn đầu tư cho công tác PCCCR.
b) Giải pháp tuyên truyền về công tác PCCCR
- Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng quy định của Nhà nước về công tác PCCCR, in ấn và phát hành các tài liệu phổ biến về PCCCR.
- Tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng về PCCCR cho lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng, các đội PCCCR cơ sở và cộng đồng dân cư sinh sống gần rừng.
- Xây dựng các bảng nội quy bảo vệ rừng và PCCCR, biển cấm lửa và biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng cho từng khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy.
c) Giải pháp khoa học công nghệ
- Phân vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng; dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; phát hiện điểm cháy rừng; truyền tin, xử lý thông tin và chỉ huy chữa cháy rừng; huy động lực lượng và tổ chức chữa cháy rừng.
- Đầu tư xây dựng các công trình, trang thiết bị phục vụ PCCCR: Hệ thống đường giao thông; đường băng trắng cản lửa; hệ thống kênh mương, ao, hồ chứa nước; chòi canh lửa; hệ thống thông tin liên lạc; trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng … đảm bảo yêu cầu PCCCR cho từng khu rừng.
III. KẾ HOẠCH, GIẢI PHÁP CỤ THỂ ỨNG PHÓ THẢM HỌA CHÁY RỪNG
1. Công tác phòng cháy
a) Xác định các khu vực có nguy cơ cháy rừng
Tổng diện tích rừng có khả năng xảy ra cháy của tỉnh là 162,03 ha, phân chia theo đơn vị hành chính như sau:
- Tại huyện Bình Đại có tổng diện tích là 54,1 ha; bao gồm các khu vực: xã Thừa Đức có diện tích là 29,47 ha; trong đó: khu vực cồn Tàu (tiểu khu 4) là 13,64 ha và khu vực cồn Nghêu (tiểu khu 5) là 15,83 ha; xã Thới Thuận có diện tích là 24,63 ha; trong đó: khu vực cồn Chài Mười (tiểu khu 6) là 21,1 ha và tại tiểu khu 7 là 3,53 ha.
- Tại huyện Ba Tri có tổng diện tích là 62,83 ha; bao gồm các khu vực: xã Bảo Thuận có diện tích là 4,53 ha (cồn Nhàn; tiểu khu 9); xã An Thủy có diện tích là 8,52 ha (cồn Tròn; tiểu khu 10); xã Tân Mỹ có diện tích là 49,78 ha (Khu rừng phòng hộ Tân Mỹ).
- Tại huyện Thạnh Phú có tổng diện tích là 45,1 ha; bao gồm các khu vực: xã An Điền có diện tích là 5,51 ha (Tiểu khu 13; hiện Bộ CHQS tỉnh quản lý); xã Thạnh Hải có diện tích là 11,09 (cồn Bửng; khoảnh 8a, tiểu khu 19); xã Thạnh Phong có diện tích là 28,5 ha (cồn Ngô Năm; các khoảnh: 5, 6 và 8b tiểu khu 19).
Với tổng diện tích rừng có khả năng xảy ra cháy của tỉnh là 162,03 ha, phân chia theo chủ quản lý như sau: Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng quản lý 106,74 ha; Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri quản lý 49,78 ha (Khu rừng phòng hộ Tân Mỹ) và Bộ Chỉ huy Quân sự tình quản lý 5,51 ha.
Kế hoạch này sẽ tổ chức xây dựng bản đồ PCCCR chi tiết các khu vực có khả năng xảy ra cháy rừng trên địa bàn từng xã, huyện và toàn tỉnh. Bản đồ thể hiện vị trí, diện tích các khu vực rừng có khả năng xảy ra cháy, biển báo chỉ dẫn đường giao thông, đường mòn hướng dẫn cho các lực lượng, phương tiện vào tham gia chữa cháy rừng kịp thời và nhanh nhất.
b) Kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR các cấp
- Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh. Kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện và cấp xã. Xây dựng, bổ sung quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy; phân công, phân nhiệm cụ thể cho các thành viên trong Ban Chỉ huy nhằm tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy rừng; theo dõi, chỉ đạo, điều hành công tác PCCCR trên địa bàn quản lý.
- Hàng năm thành lập thêm hoặc củng cố các đội PCCCR cơ sở hiện có; ban hành quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và các điều kiện cần thiết để duy trì hoạt động của các đội PCCCR cơ sở.
c) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCCCR
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến những quy định và kiến thức về PCCCR và bảo vệ rừng đến tất cả các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng dân cư trên địa bàn các huyện và các xã có rừng. Nội dung tuyên truyền, giáo dục đúng quy định của pháp luật nhưng ngắn gọn, dễ nhớ, bằng nhiều hình thức, như: Phát thanh trên đài truyền thanh huyện và xã; phát tờ rơi, tờ gấp; lồng ghép với công tác tuyên truyền Luật Lâm nghiệp năm 2017 trên từng địa bàn các xã có rừng; tuyên truyền trực tiếp đến cộng đồng dân cư thông qua các chuyến tuần, kiểm tra rừng và các đợt họp ấp, tổ nhân dân tự quản; xây dựng và bố trí các bảng nội quy bảo vệ rừng và PCCCR, biển cấm lửa tại cửa rừng, ven rừng có khả năng xảy ra cháy.
d) Xây dựng kế hoạch ứng phó thảm họa cháy rừng, phương án PCCCR
- Trên cơ sở Kế hoạch Ứng phó thảm họa cháy rừng của tỉnh, các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú tổ chức xây dựng Kế hoạch Ứng phó thảm họa cháy rừng trên địa bàn quản lý (theo quy định của Nghị định số 02/2019/NĐ-CP và Kế hoạch số số 2756/KH-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2020 của UBND tỉnh Bến Tre).
- Hàng năm, tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện phương án PCCCR (theo quy định của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP) cho từng khu vực rừng có khả năng xảy ra cháy.
đ) Dự báo, cảnh báo cháy rừng, tuần tra canh gác lửa rừng
- Tổ chức dự báo, cảnh báo cháy rừng đảm bảo trong suốt mùa khô hanh.
- Duy trì chế độ trực ban tại cơ quan thường trực PCCCR từ tỉnh đến huyện, xã và chủ rừng.
- Thường xuyên phối hợp tổ chức các đợt tuần tra bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn quản lý.
e) Tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ và diễn tập về PCCCR
- Tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng và các Đội PCCCR cơ sở.
- Tổ chức diễn tập theo phương án PCCCR (đã được phê duyệt) cho từng khu vực rừng có khả năng xảy ra cháy. Có thể tổ chức diễn tập kết hợp với tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về PCCCR.
2. Công tác chữa cháy rừng
a) Nguyên tắc chữa cháy
Phát hiện cháy sớm, dập tắt đám cháy kịp thời, triệt để không để xảy ra cháy lớn, lây lan; khắc phục hậu quả do cháy rừng gây ra hiệu quả.
b) Dự báo tình huống xảy ra thảm họa cháy rừng
- Vào mùa khô hàng năm (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau), tại các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy, tình trạng khô hạn kéo dài nhiều ngày làm các ao, hồ, mương chứa nước trong khu rừng bị cạn kiệt, thảm thực bì dưới tán rừng khô nỏ, dễ bắt lửa; sinh khối của rừng ngày càng tăng theo thời gian; và với tác động cộng hưởng của gió Đông - Đông Bắc (gió Chướng) thổi theo hướng từ biển vào (từ tháng 10 đến cuối mùa khô) làm tăng cao nguy cơ cháy rừng trong khu vực;
- Tình huống xảy ra thảm họa cháy rừng có thể xảy ra là do việc sử dụng lửa bất cẩn, không đúng quy định về PCCCR của một số hộ kinh doanh du lịch tự phát ven rừng, khách tham quan du lịch hay hoạt động sản xuất nông nghiệp (đốt cỏ) của người dân ven các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy.
c) Báo cháy cháy rừng
- Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng hoặc người phát hiện phải báo ngay cho đội PCCCR cơ sở nơi đó và mọi người xung quanh được biết; đồng thời thông tin vụ cháy rừng cho chính quyền địa phương, cơ quan Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Biên phòng gần nhất.
- Sau khi nhận được thông tin cháy rừng, các đơn vị khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, công cụ tham gia chữa cháy rừng. Trường hợp nguy cơ xảy ra cháy lớn, lan rộng, vượt khả năng cứu chữa của lực lượng tại chỗ thì người chỉ huy chữa cháy cao nhất báo cáo lên Ban Chỉ huy PCCCR cấp trên để được hỗ trợ lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng.
d) Các biện pháp chỉ đạo điều hành và chữa cháy rừng
- Ban Chỉ huy PCCCR các cấp có trách nhiệm xây dựng phương án chỉ huy và phối hợp tác chiến giữa các lực lượng tham gia chữa cháy rừng cùng cấp cho phù hợp cho từng cấp độ cháy rừng.
- Xây dựng lực lượng và tổ chức đội hình chữa cháy rừng: Lực lượng chữa cháy phải được phân chia thành tổ từ 10 - 15 người, nhóm từ 3 - 5 người, có người chỉ huy thống nhất và phải được tập huấn nghiệp vụ về chữa cháy rừng. Lực lượng tham gia chữa cháy được tổ chức thành những bộ phận chủ yếu gồm: bộ phận chữa cháy, bộ phận hỗ trợ, bộ phận cứu hộ và bộ phận hậu cần.
- Tùy theo tình hình cụ thể của mỗi vụ cháy rừng, yêu cầu về lực lượng và phương tiện chữa cháy có khác nhau. Được phân theo 4 cấp độ như sau:
Cấp độ I (cấp cơ sở): Tổ chức phối hợp chữa cháy rừng tại đơn vị cơ sở. Khi xảy ra tình huống cháy rừng, đội PCCCR cơ sở chủ động huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ tham gia chữa cháy trong khi chờ lực lượng tiếp ứng.
- Cấp độ II:
Tổ chức phối hợp chữa cháy rừng quy mô cấp xã khi mặt lửa đã lan rộng vượt quá khả năng cứu chữa của đội PCCCR cơ sở hoặc xảy ra cháy trong điều kiện thời tiết dự báo cháy rừng ở cấp II (cấp trung bình), thực bì chưa khô nỏ, tốc độ lan tràn lửa chậm; cháy ở lô rừng bất kỳ, trong điều kiện thời tiết dự báo cháy rừng ở cấp III (cấp cao), thời tiết khô hanh, khả năng cháy lan trên diện rộng.
Lực lượng phối hợp chữa cháy gồm: Công an, Quân sự xã; Trạm Biên phòng; Hạt Kiểm lâm; lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng; các đội PCCCR cơ sở và nhân dân địa phương.
- Cấp độ III:
Tổ chức phối hợp chữa cháy rừng quy mô cấp huyện khi xảy ra một trong những tình huống cháy rừng sau: Cháy tại những khu rừng tập trung, liền lô có diện tích lớn trên 01 ha; trong điều kiện thời tiết dự báo cháy rừng ở cấp III (cấp cao), cấp xã đã tổ chức chữa cháy nhưng không kiểm soát được đám cháy, cần có sự tiếp ứng của cấp huyện; điều kiện thời tiết ở cấp dự báo cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm), cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) thời tiết khô hanh, tốc độ lửa lan nhanh.
Lực lượng phối hợp chữa cháy gồm: Công an huyện; Quân sự huyện; Đồn Biên phòng; Công an, Quân sự xã; Trạm Biên phòng; Chi cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm; lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng; các đội PCCCR cơ sở của xã và các xã lân cận, nhân dân địa phương.
- Cấp độ IV:
Tổ chức phối hợp chữa cháy rừng quy mô cấp tỉnh, khi xảy ra một trong những tình huống cháy rừng sau: Trong cùng thời điểm xảy ra cháy rừng ở nhiều vùng tiếp giáp nhau, trong điều kiện thời tiết ở cấp IV, cấp V của cấp dự báo cháy rừng, thời tiết khô, hanh, tốc độ lửa lan nhanh; trong trường hợp cấp huyện đã tổ chức triển khai chữa cháy, nhưng không khống chế được đám cháy và đám cháy có chiều hướng phát triển vượt quá tầm kiểm soát, cần có sự ứng cứu của lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng cấp tỉnh và liên huyện.
Lực lượng phối hợp chữa cháy gồm: Công an, Quân sự và Biên phòng các cấp tỉnh, huyện và xã; Chi cục Kiểm lâm và các Hạt Kiểm lâm trực thuộc; lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng; các đội PCCCR cơ sở của xã và các xã lân cận, nhân dân địa phương.
- Trong mọi trường hợp xảy ra cháy rừng, khi người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy. Mọi thành viên của Ban chỉ huy PCCCR các cấp có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy và chịu sự phân công của người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC.
- Trường hợp tại nơi xảy ra cháy lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chưa đến kịp, người chỉ huy chữa cháy được quy định như sau:
Quy mô cấp độ I: Người có chức vụ cao nhất của chủ rừng nơi đó hoặc Đội trưởng Đội PCCCR cơ sở là người chỉ huy và tổ chức chữa cháy; Trưởng ấp tại nơi xảy ra cháy rừng có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy.
Quy mô cấp độ II trở lên: Do Trưởng Ban chỉ huy PCCCR cấp tương ứng hoặc người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp đó ủy quyền là người chỉ huy và tổ chức chữa cháy.
- Khi xảy ra cháy rừng tùy tình hình thực tế có thể quyết định sử dụng các biện pháp chữa cháy thích hợp:
Biện pháp chữa cháy trực tiếp: Sử dụng tất cả các phương tiện từ thủ công đến cơ giới hiện đại tác động trực tiếp vào đám cháy để dập tắt lửa đối với những đám cháy nhỏ diện tích dưới 1 ha.
Biện pháp chữa cháy gián tiếp: dùng phương tiện, lực lượng để giới hạn đám cháy, thường được áp dụng cho các đám cháy lớn, diện tích trên 1 ha và diện tích của khu rừng còn lại rất lớn.
đ) Khắc phục hậu quả do cháy rừng gây ra
- Lực lượng Công an, Kiểm lâm các cấp có trách nhiệm phối hợp với chủ rừng điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy.
- Chủ rừng phối hợp với các cơ quan liên quan xác định thiệt hại (diện tích, loại rừng, địa điểm...) do cháy rừng gây ra.
- Chủ rừng xây dựng phương án, kế hoạch chỉ đạo, giám sát phục hồi rừng bị thiệt hại do cháy.
3. Đầu tư kinh phí cho công tác PCCCR
- Tăng cường đầu tư xây dựng các công trình (mới, bổ sung), mua sắm phương tiện và trang thiết bị (mới, bổ sung) phục vụ công tác PCCCR đảm bảo theo yêu cầu của từng khu rừng có khả năng xảy ra cháy để sẵn sàng ứng phó khi có thảm họa cháy rừng xảy ra.
- Hỗ trợ tiền công trực, đi lại cho lực lượng PCCCR cơ sở (đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước); thanh quyết toán tiền công hỗ trợ cho người tham gia chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật.
- Dự trù kinh phí cho công tác khắc phục hậu quả sau cháy rừng theo quy định của pháp luật.
- Nguồn kinh phí được phân bổ hàng năm cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng (chủ rừng) thực hiện công tác PCCCR.
- Nguồn ngân sách nhà nước chi cho thảm họa cháy rừng (nếu có xảy ra).
Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Kế hoạch, Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện và xã (có rừng có nguy cơ xảy ra cháy) tổ chức triển khai và xây dựng kế hoạch cụ thể hóa để tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này, trong đó quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ được giao, như sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tổ chức triển khai, thực hiện, theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện nội dung Kế hoạch này, định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
- Đề xuất với Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh điều động, huy động lực lượng, phương tiện PCCCR;
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện và các xã có rừng, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến những quy định và kiến thức về PCCCR và bảo vệ rừng đến tất cả các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng dân cư trên địa bàn.
- Chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong việc chỉ huy, huy động lực lượng, phương tiện kịp thời ứng cứu chữa cháy rừng khi vượt quá khả năng chữa cháy của cấp huyện.
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm: Tổ chức theo dõi, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng của tỉnh (thông qua hệ thống cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm); tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết tại các khu rừng có khả năng xảy ra cháy, tiếp nhận tổng hợp tình hình, xử lý mọi thông tin về công tác PCCCR; đề xuất những phương án, xử lý cháy rừng hiệu quả; phối hợp các ngành liên quan tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCCR .
- Chỉ đạo chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng thực hiện các nội dung: Xây dựng, thực tập và triển khai thực hiện phương án PCCCR cho từng khu vực rừng có khả năng xảy ra cháy; phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã (có rừng dễ cháy) có trách nhiệm thành lập hoặc củng cố các đội PCCCR cơ sở; ban hành quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và các điều kiện cần thiết để duy trì hoạt động của các đội PCCCR cơ sở; tổ chức lực lượng thường trực tại các khu rừng có khả năng xảy ra cháy; phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ cháy rừng và khắc phục hậu quả sau cháy rừng.
- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú thực hiện các chính sách mới của pháp luật Lâm Nghiệp.
2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 1155/QCPH-QS-CA-BP-NN PTNT ngày 12 tháng 10 năm 2020 giữa Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trong thực hiện Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ.
- Chỉ đạo lực lượng thuộc ngành quản lý tại ba huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Đảm bảo an toàn về người và tài sản, an ninh trật tự khu vực xảy ra cháy rừng.
- Riêng Công an tỉnh chỉ đạo Công an ba huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú phối hợp với Kiểm lâm, chủ rừng tổ chức thực hiện các công tác sau:
Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCCR.
Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCCR cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (của chủ rừng) và các đội PCCCR cơ sở.
Hướng dẫn chủ rừng xây dựng phương án PCCCR hàng năm cho từng khu vực rừng có khả năng xảy ra cháy; hướng dẫn, kiểm tra việc thực tập phương án PCCCR đã được phê duyệt.
3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp tham mưu cấp thẩm quyền cân đối nguồn và bố trí vốn cho công tác PCCCR hàng năm; nguồn vốn cho đề xuất nâng cao năng lực PCCCR của lực lượng Kiểm lâm và chủ rừng.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú thực hiện các chính sách mới của pháp luật Lâm Nghiệp.
4. Ủy ban nhân dân các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng Kế hoạch Ứng phó thảm họa cháy rừng giai trên địa bàn quản lý; trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt để triển khai thực hiện.
- Kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn chủ rừng xây dựng, triển khai thực hiện phương án PCCCR hàng năm; tổ chức kiểm tra công tác diễn tập phương án PCCCR và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác cho công tác PCCCR.
- Duy trì chế độ trực ban tại cơ quan thường trực (Hạt Kiểm lâm), đảm bảo thông tin liên lạc khi có cháy rừng xảy ra.
- Huy động các lực lượng ứng cứu chữa cháy rừng khi vượt quá khả năng chữa cháy của lực lượng tại chỗ.
5. Ủy ban nhân dân các xã có rừng
- Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR cấp xã. Phối hợp chủ rừng củng cố các đội PCCCR cơ sở.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức về PCCCR, bảo vệ rừng cho nhân dân trong xã; duy trì chế độ thường trực PCCCR tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã.
- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc chủ rừng, các đội PCCCR cơ sở thực hiện phương án PCCCR theo quy định.
- Huy động lực lượng tại chỗ ứng cứu chữa cháy rừng; báo cáo và đề xuất kịp thời đến Ủy ban nhân dân huyện về các biện pháp ứng cứu chữa cháy khi vụ cháy rừng vượt khả năng của xã. Phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân, truy tìm thủ phạm để xử lý và khắc phục hậu quả sau cháy rừng.
Trên đây là Kế hoạch ứng phó thảm họa cháy rừng tỉnh Bến Tre. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị kịp thời phản hồi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2020 về phòng chống hạn, mặn và cháy rừng năm 2021 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 2Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2020 về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 3Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2020 về tăng cường biện pháp phòng, chống hạn, nhiễm mặn và cháy rừng trong mùa khô năm 2021 do tỉnh Bình Dương ban hành
- 4Kế hoạch 3237/KH-UBND năm 2021 về ứng phó thảm họa cháy rừng tỉnh Kon Tum
- 1Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi
- 2Luật Lâm nghiệp 2017
- 3Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp
- 4Nghị định 02/2019/NĐ-CP về phòng thủ dân sự
- 5Nghị định 83/2020/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp
- 6Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2020 về phòng chống hạn, mặn và cháy rừng năm 2021 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 7Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2020 về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 8Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2020 về tăng cường biện pháp phòng, chống hạn, nhiễm mặn và cháy rừng trong mùa khô năm 2021 do tỉnh Bình Dương ban hành
- 9Kế hoạch 3237/KH-UBND năm 2021 về ứng phó thảm họa cháy rừng tỉnh Kon Tum
Kế hoạch 51/KH-UBND năm 2021 về Ứng phó thảm họa cháy rừng tỉnh Bến Tre
- Số hiệu: 51/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 06/01/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
- Người ký: Nguyễn Trúc Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/01/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra