Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4886/KH-UBND | Ninh Thuận, ngày 15 tháng 9 năm 2021 |
Khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; đã có nhiều đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội; là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị và là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải, vật chất xã hội. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động hết sức nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vẫn phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, quyết tâm, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động; đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ, đồng hành cùng các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội.
Trong thời gian qua, Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo tinh thần các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, sau đợt dịch thứ tư bùng phát ở các tỉnh phía Nam và các tỉnh lân cận, xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh, phải thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vốn đã khó khăn, tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề và đang trong điều kiện rất khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh, sức chống chịu tiếp tục suy giảm.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới. Thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh donah trong bối cảnh dịch Covid-19, Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh ban hành Kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, cụ thể như sau:
A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP
1. Về tình hình đăng ký, hoạt động doanh nghiệp:
Tính đến 31/8/2021, có 261 DN thành lập mới/2.219 tỷ đồng, giảm 47,2% số doanh nghiệp và giảm 36,5% số vốn so cùng kỳ; một số lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh, như: dịch vụ du lịch, lưu trú và ăn uống, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản v.v... số doanh nghiệp giải thể tăng 19,6% (55 DN); doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 45,6% cùng kỳ (131 DN). Tổng số đến tháng 8/2021, có 3.739 DN đang hoạt động, trong đó có khoảng 3.400 DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp; đồng thời, có trên 11 nghìn hộ kinh doanh phải ngừng kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng rõ rệt, cụ thể:
- Về ngành công nghiệp: Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 34,11%; tuy nhiên, do tình hình dịch bùng phát, nên chỉ số công nghiệp tháng 7 giảm 5,4%, tháng 8 tiếp tục giảm 8,5%, trong điều kiện dịch bệnh kéo dài thì sản xuất công nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội phải giảm số lượng nhân công để đảm bảo công tác phòng, chống dịch (đối với các dự án đã vận hành thương mại thực hiện phương án 3 tại chỗ (trung bình từ 15 - 20 người); 8 dự án điện gió, điện mặt trời đang thi công theo phương án 03 tại chỗ áp dụng giảm số lượng lao động (mỗi dự án còn khoảng 200 lao động, giảm hơn 50%) nên tiến độ chậm lại.
- Về nhóm ngành dịch vụ: Dịch vụ thương mại, du lịch, lưu trú, ăn uống giảm sâu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 giảm 26,3%, tháng 8/2021 tiếp tục giảm 26,32% so với cùng kỳ, lũy kế 8 tháng tăng 2,52% so cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây; lượng khách lưu trú giảm sâu, tháng 7 giảm 86,01%, tháng 8/2021 tiếp tục giảm 97,7% so cùng kỳ.
- Hoạt động doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp cơ bản được duy trì, nhưng quy mô sản xuất thu hẹp, có 13 doanh nghiệp cắt giảm số lượng lao động làm việc còn 40 - 50%1, trong đó có 03 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”, với tổng số 267 lao động; có 04 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động; một số doanh nghiệp chỉ hoạt động 1/3 công suất.
2. Khó khăn, vướng mắc chủ yếu:
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đã tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cụ thể đó là:
Thứ nhất, tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40-50%, nặng nề nhất là ngành vận chuyển hành khách, hàng hóa, du lịch, lưu trú, ăn uống nhu cầu giảm đến 70-80%.
Thứ hai, hoạt động dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, ngành du lịch hầu như không phát sinh doanh thu; các nhà hàng, khách sạn bị dừng hoạt động; hiện chỉ có 19/183 cơ sở lưu trú du lịch được hoạt động để phục vụ một số chuyên gia người nước ngoài và người ở các địa phương khác đang công tác, làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, các cơ sở lưu trú du lịch còn lại phải tạm ngừng hoạt động.
Thứ ba, dòng tiền vào của doanh nghiệp gặp khó khăn nên không đủ trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như: các khoản chi phí cho người lao động (trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn); trả lãi vay ngân hàng; chi phí thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng v.v...
Thứ tư, nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch như: chi phí xét nghiệm; chi trang trải thiết yếu phục vụ người lao động theo phương án “3 tại chỗ”; chi hỗ trợ người lao động; chi đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh tại doanh nghiệp.
Thứ năm, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất nhập khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do khách hàng thay đổi chuỗi cung ứng, nhất là lĩnh vực dệt may, nhân điều, chế biến tôm.
Thứ sáu, khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia: Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động; Các doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh và việc gia hạn hoặc cấp giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài. Một số dự án đầu tư đang thi công không thực hiện được công tác tăng cường nhân lực, điều chuyển nhân lực từ các địa phương, các tỉnh khác đến dự án đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công của Dự án.
Thứ bảy, cắt giảm lao động và công suất: Việc cắt giảm 50% lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thi công xây dựng các công trình công nghiệp và dân dụng đã không đảm bảo được tiến độ theo hợp đồng đơn hàng đã ký kết, dẫn đến tình trạng hủy đơn hàng, giãn tiến độ dự án.
Thứ tám, đứt gãy vận chuyển: Việc thực hiện Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15/CT- TTg giữa các huyện, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm không đồng nhất nên khâu vận chuyển vật tư xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón… đến các công trình, trang trại sản xuất nông nghiệp bị hạn chế, gián đoạn, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, tăng chi phí doanh nghiệp.
Thứ chín, khó khăn về tiêu thụ nông sản: Nông sản (rau củ quả, tôm giống, cá nuôi, heo, gà,…) đến kỳ thu hoạch không có thị trường tiêu thụ, phải hủy bỏ hoặc tiếp tục kéo dài chu kỳ nuôi trồng làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp, gây nhiều khó khăn cho cơ sở sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân.
Thứ mười, khó khăn về tiếp cận tiêm vaccine cho người lao động, nhất là doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông thủy sản, nhân điều, may mặc, năng lượng, xây dựng, kinh doanh vận tải,…
Qua nắm bắt tình hình hoạt động của một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến công nghiệp, có sử dụng nhiều lao động, đều tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp đều có phương thức bố trí lao động khác nhau theo loại hình sản xuất của từng doanh nghiệp, như Công ty May Tiến Thuận, bố trí lao động làm việc theo ca, chia 50% lao động cho mỗi ca (từ 06h00’ - 14h00’; từ 14h00’ - 22h00’); Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty Thông Thuận, bố trí 50% lao động làm việc trong giờ hành chính (do đặc thù ngành sản xuất tôm đông lạnh phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, theo chuỗi khép kín, liên tục, không thể giãn thời gian sản xuất và khoảng cách vị trí làm việc); Nhà máy chế biến nhân điều (Công ty Long Sơn BLB) bố trí lao động làm việc “3 tại chỗ” trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; Nhà máy chế biến điều xuất khẩu của Công ty Phú Thủy, Nhà máy may của Công ty Tân Tiến, bố trí làm việc 50% lao động, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng, không đảm bảo tiến độ theo đơn hàng ký kết2.
1. Mục đích:
- Xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, giảm bớt thiệt hại, tác động tiêu cực cho doanh nghiệp, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trên cơ sở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những tháng cuối năm 2021, thực hiện “mục tiêu kép" đề ra.
2. Yêu cầu:
- Quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại các Thông báo kết luận số 295-TB/TU ngày 01/9/2021 và số 300-TB/TU ngày 11/9/2021, tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, giữ vững “vùng xanh” chuyển nhanh “vùng cam”, “vùng vàng” thành “vùng xanh”, sớm đạt mục tiêu cả tỉnh là “vùng xanh”, đưa các hoạt động trở lại trạng thái “bình thường mới”.
- Nâng cao vai trò và tăng cường trách nhiệm của từng Sở, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan, tập trung triển khai thực hiện khẩn trương, quyết liệt “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, xuyên suốt từ nay cho đến cuối năm 2021.
II. ĐỊNH HƯỚNG PHỤC HỒI HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH
1. Quan điểm chung:
(1) Kiên trì, quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “Chống dịch như chống giặc”; đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh; “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “An toàn mới sản xuất và sản xuất thì phải an toàn”; lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh làm trung tâm phục vụ, đồng thời là chủ thể tham gia chống dịch.
(2) Tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên nguyên tắc khó khăn, vướng mắc ở cấp nào, địa phương nào thì cấp đó, địa phương đó phải chủ động, kịp thời, tháo gỡ, giải quyết, đề cao trách nhiệm cá nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, gây ùn tắc trong lưu thông hàng hóa; trường hợp vượt thẩm quyền, phải chủ động báo cáo cấp trên trực tiếp xem xét, xử lý; tập trung triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân.
(3) Hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhưng phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, có lộ trình, kế hoạch cụ thể để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại, theo hướng tăng dần tỷ lệ lao động làm việc tại doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm điều kiện công tác phòng, chống dịch phù hợp với từng địa bàn, năng lực của doanh nghiệp, từng bước thích ứng an toàn với dịch bệnh.
(4) Mở rộng và bảo vệ chặt chẽ vùng an toàn dịch bệnh nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; kiểm soát dịch bệnh và sớm ổn định sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, xuất nhập khẩu kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động.
(5) Cho phép doanh nghiệp từng bước mở rộng sản xuất, kinh doanh phù hợp với từng cấp độ dịch và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch phù hợp từng đối tượng, từng lĩnh vực, ngành nghề, từng vùng, từng địa bàn; theo nguyên tắc trao quyền tự chủ cho đơn vị sản xuất, kinh doanh triển khai mô hình hoạt động phù hợp đặc thù của đơn vị và chịu trách nhiệm về các yêu cầu an toàn phòng chống dịch; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhưng phải an toàn phòng, chống dịch.
(6) Doanh nghiệp phải tự xây dựng phương án bảo đảm vùng xanh (doanh nghiệp an toàn) và nâng cao ý thức của người lao động trong việc chấp hành quy định bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; có trách nhiệm xây dựng địa phương nơi đặt trụ sở, nhà máy, cơ sở sản xuất thành vùng xanh.
2. Mục tiêu:
(1) Tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
(2) Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19.
(3) Đến hết năm 2021 phấn đấu đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể sau:
- Lũy kế ít nhất khoảng 8.000 lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh3.
- Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động,... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
3.1 . Biện pháp ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ tiêm vaccine cho người lao động và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch:
a) Sở Y tế chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương:
- Phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vắc xin phòng Covid-19 được Trung ương cấp, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm, bao gồm người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đang có đơn hàng sản xuất, hoạt động xuất, nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa; người làm việc tại các công trình trọng điểm của tỉnh; người lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao.
- Tiếp tục rà soát, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phù hợp, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động để tăng độ bao phủ vắc xin, sớm xây dựng doanh nghiệp thành doanh nghiệp an toàn, doanh nghiệp xanh, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh phù hợp điều kiện, tình hình thực tế của Tỉnh.
b) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp về việc xét nghiệm và các điều kiện cần thiết đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong tình hình mới.
3.2. Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng
a) Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành, địa phương, cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn quy định về giao nhận, vận tải trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19; không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất; không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
b) Sở Công Thương tăng cường cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của các nước; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến; kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trên môi trường số; tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng tổng hợp tình hình sản xuất, tiêu thụ, hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; chủ động, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ, không để đứt gãy sản xuất, đảm bảo cung ứng, tiêu thụ sản phẩm.
3.3. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
a) Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, phổ biến, hướng dẫn cụ thể đến từng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng chính phủ. Tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
b) Cục Thuế tỉnh tiếp tục rà soát, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký kê khai các thủ tục để được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định; kịp thời giải quyết thủ tục hoàn thuế cho doanh nghiệp.
c) Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, kịp thời hướng dẫn, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại các Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT- NHNN.
Chỉ đạo, phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai quyết liệt chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ.
Phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận các khoản vay mới với lãi suất phù hợp để phục hồi sản xuất kinh doanh, đặc biệt quan tâm đến việc giảm lãi suất cho vay đối với các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 (như du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải ...).
d) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rút ngắn thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày; tham mưu kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan liên quan sớm cho phép doanh nghiệp dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023.
đ) Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương và nguồn huy động đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho phòng, chống dịch Covid-19, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định việc hỗ trợ một phần chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh thông qua các cơ sở xét nghiệm.
3.4. Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia
a) Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu, xử lý linh hoạt việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Tỉnh phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ.
Nghiên cứu có giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc trong các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản; chủ động xây dựng phương án hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động từ các địa phương khác trở về, góp phần đảm bảo an sinh cho người lao động và trật tự an toàn, xã hội.
b) Sở Y tế hướng dẫn quy trình về cách ly y tế an toàn, tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận lao động đến và trở về từ các địa phương khác trong tháng 9 năm 2021.
1. Tổ chức sản xuất an toàn, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19:
- Doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo đặc thù từng loại hình sản xuất, báo cáo UBND cấp huyện để theo dõi, giám sát; tự chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra lây lan dịch bệnh và chịu trách nhiệm chi trả các chi phí liên quan.
- Cho phép doanh nghiệp tự xét nghiệm nhanh sàng lọc theo mẫu gộp cho người lao động 1 lần/tuần cho những đối tượng nguy cơ cao (do doanh nghiệp tự quyết định về đối tượng và phần trăm, với mục tiêu tối thiểu là 20% tổng lao động đang làm việc theo quy định của Bộ Y tế), báo cáo kết quả xét nghiệm cho chính quyền địa phương và ngành y tế.
- Tiếp tục duy trì Ban kiểm soát dịch của doanh nghiệp và Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng tại cổng chính và từng phân xưởng, bộ phận sản xuất để tổ chức khai báo y tế, quét mã QR-Code, tuân thủ 5K tại nhà máy/nơi làm việc. Có kế hoạch kiểm tra, giám sát, tự đánh giá rủi ro theo định kỳ, thay đổi hoạt động khi cần thiết.
- Tăng cường kiểm soát ở những khâu có độ rủi ro cao, nhất là hệ thống hậu cần thuê ngoài phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (tài xế và đội ngũ nhà thầu cung cấp vật tư, thiết bị, hàng hóa, ...).
- Giao các Sở quản lý ngành phối hợp chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn sản xuất trong công tác phòng, chống dịch để có phương án điều chỉnh phù hợp.
(1) Đối với cơ sở sản xuất công nghiệp:
- Ưu tiên các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đang có đơn hàng sản xuất, hoạt động xuất, nhập khẩu (dệt, may mặc, chế biến nhân điều, tôm xuất khẩu) sử dụng nhiều lao động, được hoạt động 100% lao động.
- Đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp còn lại sắp xếp, bố trí phương án sản xuất bảo đảm phòng chống dịch theo từng giai đoạn quy định.
(2) Đối với lĩnh vực xây dựng:
- Ưu tiên các doanh nghiệp lĩnh vực hoạt động xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh, các công trình thi công dự án điện gió, điện mặt trời, các dự án đô thị, du lịch được hoạt động 100% lao động; Doanh nghiệp chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về phòng, chống dịch theo quy định.
- Đối với các doanh nghiệp lĩnh vực hoạt động xây dựng còn lại sắp xếp, bố trí phương án sản xuất bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo từng giai đoạn quy định.
(3) Đối với cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch:
- Các cơ sở kinh doanh thương mại, bán buôn, bán lẻ; sửa chữa điện tử, điện lạnh, ô tô, xe máy, in ấn, quảng cáo được hoạt động bình thường trở lại (trừ các khu vực có dịch theo bản đồ dịch tễ, khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ rất cao) và bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành chức năng theo quy định.
- Cho phép hoạt động các cơ sở lưu trú đăng ký phục vụ cách ly y tế tập trung có thu phí; các cơ sở còn lại chỉ được đón khách đã lưu trú đi công tác công vụ giữa các địa phương trong tỉnh. Các đoàn công tác, chuyên gia và người làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dự án từ các tỉnh, thành phố khác đến tỉnh lưu trú phải có ý kiến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh. Các cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch và điểm tham quan trên địa bàn tỉnh được mở cửa phục hồi theo điều kiện lộ trình, cấp độ dịch. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện cụ thể, đồng thời đề xuất phương án thu hút khách du lịch có thẻ xanh (đã tiêm vắc xin mũi 2, xét nghiệm âm tính có hiệu lực trong 72 giờ) trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với hoạt động vận tải: Ưu tiên doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa, vật tư, thiết bị, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản phục vụ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Riêng lĩnh vực vận tải hành khách: Giao Sở giao thông vận tải tham mưu hướng dẫn theo lộ trình phù hợp với điều kiện, tình hình dịch bệnh của Tỉnh và của các tỉnh trong khu vực.
- Đối với các nhà hàng, cơ sở phục vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh dịch vụ khác, giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có kế hoạch hướng dẫn cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tình hình kiểm soát dịch bệnh trong từng giai đoạn.
(4) Đối với cơ sở sản xuất nông nghiệp, thủy sản:
- Đối với cơ sở sản xuất nông nghiệp, thủy sản, sắp xếp, bố trí phương án sản xuất bảo đảm an toàn phòng chống dịch theo từng giai đoạn quy định.
- Đối với hoạt động khai thác hải sản trên biển được duy trì hoạt động, nhưng phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch khi trở lại bờ theo quy định của ngành Y tế.
2. Các điều kiện bảo đảm an toàn sản xuất phòng, chống dịch:
(1) Tại cơ sở sản xuất, kinh doanh:
- Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động ở các vùng xanh, không bắt buộc xét nghiệm; chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về phòng, chống dịch theo quy định.
- Đối với cơ sở có sử dụng lao động ở các vùng vàng, cam, phải tổ chức xét nghiệm sàng lọc theo mẫu gộp cho người lao động 1 lần/tuần, doanh nghiệp tự quyết định về đối tượng và phần trăm, với mục tiêu tối thiểu là 20% tổng lao động đang làm việc theo quy định của Bộ Y tế và báo cáo kết quả xét nghiệm cho chính quyền địa phương và ngành y tế.
- Thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh Covid-19 trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh hoặc thông qua ứng dụng Zalo - Chính quyền điện tử tỉnh Ninh Thuận, để có biện pháp bố trí lao động phù hợp; không bố trí làm việc đối với các lao động ở khu vực có có dịch theo bản đồ dịch tễ, khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ rất cao.
- Đối với lao động ở doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa (ngoài tỉnh) trở về phải có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực trong 72 giờ; thực hiện cách ly tại nơi nghỉ/lưu trú riêng, thực hiện khai báo y tế hàng ngày với chính quyền địa phương nơi lưu trú để giám sát, kiểm soát.
(2) Về đi lại: Người lao động di chuyển theo lộ trình duy nhất giữa nhà và nhà máy/nơi làm việc; thực hiện nghiêm giải pháp "một cung đường, hai điểm đến" để đảm bảo phòng dịch. Người lao động ký cam kết với chủ doanh nghiệp và UBND cấp xã nơi cư trú về việc chấp hành nghiêm quy định chỉ di chuyển trên một cung đường từ nhà đến nơi làm việc.
(3) Về nơi ở: Khi người lao động làm việc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trở về nơi cư trú phải tự giác tự theo dõi, cập nhật trình trạng sức khỏe trong các ứng dụng khai báo y tế điện tử, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
1. Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung quán triệt, khẩn trương xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương, doanh nghiệp để chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất giải pháp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp, tham mưu báo cáo theo quy định.
2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Báo Ninh Thuận, Đài Phát thành Truyền hình tỉnh, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thông tin, tuyên truyền kịp thời về tình hình dịch bệnh, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước và Kế hoạch của Tỉnh về phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất kinh doanh; nhân rộng những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, kinh nghiệm hay gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cập nhật kịp thời thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trên Cổng thông tin điện tử và ứng dụng chính quyền điện tử tỉnh Ninh Thuận.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ, các hội ngành nghề, các tổ chức chính trị xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hưởng ứng thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục khó khăn, sớm khôi phục và phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021.
4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, các Sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan kịp thời có văn bản gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
| CHỦ TỊCH |
1 Số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh: 13 doanh nghiệp với tổng số lao động: 1.233/2.374 người, chiếm 52%. Trong đó, số doanh nghiệp hoạt động với quy mô tối đa 50% trên tổng số người lao động hiện có của đơn vị gồm có: 10 doanh nghiệp với 966 người; Có 04 DN đang tiếp tục dừng hoạt động: Công ty TNHH Hoàng Bảo Tường (do khó khăn nguồn nguyên liệu hạt Điều thô); Công ty Bia Sài Gòn Ninh Thuận (do chưa được giao kế hoạch sản xuất); Công ty CP nhựa Ninh Thuận (Công ty thông báo tạm dừng hoạt động đến ngày 05/9/2021); Công ty CP Thương mại dịch vụ đô thị Nam Miền Trung (do Nhà máy Bia không hoạt động nên không có nguyên liệu sản xuất).
2 Công ty May Tiến Thuận: Có tổng số 1.746 lao động; Công ty Thông Thuận: Có tổng số 1.502 lao động; Công ty Long Sơn BLB 280 lao động; Công ty Phú Thủy: 105 lao động; Công ty May Tân Tiến, hiện nay công ty còn 120 lao động đang làm việc, tương ứng khoảng 52% lao động làm việc so với bình thường.
3 Trong đó: có khoảng 800 DN/1.220 doanh nghiệp đang vay vốn tại các TCTD; 20 HTX và khoảng 7.200 hộ kinh doanh/11.000 hộ kinh doanh bị ngừng hoạt động.
- 1Nghị quyết 214/2020/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 2Quyết định 2388/QĐ-UBND năm 2020 quy định hướng dẫn về thực hiện Nghị quyết 214/2020/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 3Kế hoạch 11102/KH-UBND năm 2021 về từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Đồng Nai trong tình hình mới
- 4Quyết định 3054/QĐ-UBND năm 2021 quy định về việc lưu thông, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp; phòng chống thiên tai trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 5Quyết định 2911/QĐ-UBND năm 2021 quy định về việc lưu thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, phòng chống thiên tai của các cơ sở trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 6Quyết định 2976/QĐ-UBND năm 2021 quy định việc lưu thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, phòng chống thiên tai của các cơ sở trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 7Kế hoạch 320/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg về phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 8Kế hoạch 171/KH-UBND năm 2021 về phục hồi sản xuất kinh doanh tỉnh Hậu Giang
- 1Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 2Chỉ thị 15/CT-TTg năm 2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2020 về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 214/2020/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 5Quyết định 2388/QĐ-UBND năm 2020 quy định hướng dẫn về thực hiện Nghị quyết 214/2020/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 6Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 7Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Nghị quyết 86/NQ-CP năm 2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 do Chính phủ ban hành
- 10Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 11Nghị quyết 105/NQ-CP năm 2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành
- 12Kế hoạch 11102/KH-UBND năm 2021 về từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Đồng Nai trong tình hình mới
- 13Quyết định 3054/QĐ-UBND năm 2021 quy định về việc lưu thông, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp; phòng chống thiên tai trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 14Quyết định 2911/QĐ-UBND năm 2021 quy định về việc lưu thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, phòng chống thiên tai của các cơ sở trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 15Quyết định 2976/QĐ-UBND năm 2021 quy định việc lưu thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, phòng chống thiên tai của các cơ sở trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 16Kế hoạch 320/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg về phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 17Kế hoạch 171/KH-UBND năm 2021 về phục hồi sản xuất kinh doanh tỉnh Hậu Giang
Kế hoạch 4886/KH-UBND năm 2021 về phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- Số hiệu: 4886/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 15/09/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Trần Quốc Nam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/09/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra