Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 47/KH-UBND | Thanh Hóa, ngày 24 tháng 03 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC HỘI CHỢ THƯƠNG MẠI MIỀN TÂY THANH HÓA 2016
I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU
1. Mục đích
- Phát triển giao thương giữa các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, tạo cầu nối giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết.
- Giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và những thành tựu kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh đã đạt được trong những năm qua; giới thiệu các tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương và các định hướng phát triển, các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trong thời gian tới.
- Góp phần tuyên truyền và đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các huyện miền núi, biên giới của tỉnh phục vụ tốt nhu cầu tham quan, mua sắm và vui chơi giải trí của nhân dân tại các huyện phía tây của tỉnh.
- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong vùng tiếp cận, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp khác.
2. Yêu cầu
- Hội chợ Thương mại miền Tây Thanh Hóa 2016 là sự kiện quan trọng của các huyện miền núi phía Tây của tỉnh nói riêng và của tỉnh Thanh Hóa nói chung vì vậy cần phải phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong việc phối hợp tổ chức và tham gia Hội chợ, phải tạo được sự gắn kết giữa xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch.
- Huy động tối đa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài khu vực tham gia.
- Tổ chức các hoạt động giao lưu, tư vấn, các dịch vụ lành mạnh, có chất lượng cao, thiết thực và hiệu quả.
- Đảm bảo an toàn, an ninh - trật tự, phòng chống cháy nổ trong và ngoài khu vực nơi tổ chức hội chợ; các gian hàng giới thiệu, mua bán phải đảm bảo giữ vệ sinh chung, không mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng v.v...
II. NỘI DUNG
1. Tên gọi, thời gian, địa điểm tổ chức Hội chợ:
1.1. Tên Hội chợ: Hội chợ Thương mại Miền Tây Thanh Hóa 2016
1.2. Thời gian tổ chức: Từ ngày 27/4 đến ngày 03/5 năm 2016.
1.3. Địa điểm tổ chức: Sân vận động thị trấn huyện Thường Xuân
1.4. Cơ quan chỉ đạo: UBND tỉnh Thanh Hóa.
1.5. Đơn vị thực hiện: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thường Xuân.
1.6. Đối tượng tham gia
- Các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đóng vai trò là nhân tố nòng cốt tham gia các gian hàng triển lãm; các huyện, thành phố còn lại của tỉnh tham dự các gian hàng nhằm giới thiệu tiềm năng của địa phương.
- Các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và thương mại trên địa bàn tỉnh và từ các địa phương trong cả nước.
- Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại các tỉnh bạn (Nghệ An, Ninh Bình,...).
- Doanh nghiệp từ nước bạn Lào.
1.7. Mặt hàng trưng bày
- Các sản phẩm nông sản, lâm sản, đặc sản của miền núi;
- Thực phẩm chế biến, thủy hải sản, đồ uống (rượu, bia, nước giải khát, nước trái cây các loại,...), gia vị;
- Máy móc công nghiệp, công cụ, phương tiện phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản; phương tiện vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch; phương tiện giao thông vận tải…;
- Đồ điện, thiết bị điện, máy tính và linh kiện điện tử; sản phẩm viễn thông; đồ gia dụng...
- Hàng dệt may, phụ kiện thời trang; sản phẩm giầy da, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân...
- Các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống sản xuất bằng mọi chất liệu: chế tác kim hoàn, vàng bạc, đá quý, đất nung, tre nứa, gỗ, lá, đay, cói, dừa, vải lụa, giấy và các ngành nghề thủ công truyền thống khác.
- Vật liệu xây dựng, đồ trang trí nội ngoại thất.
- Dịch vụ Ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, giới thiệu việc làm, khám chữa bệnh.
- Sản phẩm công nghiệp: máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, công nghiệp chế biến, tư liệu sản xuất.
- Sản phẩm nông nghiệp phục vụ phát triển nông thôn: máy móc, công cụ, thiết bị; Giống cây trồng, vật nuôi; Công nghệ sinh học; Phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc sát trùng.
2. Quy mô: 214 gian hàng, gồm:
+ Gian hàng của các doanh nghiệp Thanh Hóa | 66 gian |
+ Gian hàng các huyện miền núi phía Tây (11 huyện) | 22 gian |
+ Gian hàng làng nghề thủ công truyền thống | 30 gian |
+ Gian hàng của các Hiệp hội | 04 gian |
+ Gian hàng ẩm thực, chợ quê | 02 gian |
+ Gian hàng các doanh nghiệp huyện Thường Xuân | 04 gian |
+ Doanh nghiệp nước bạn Lào | 08 gian |
+ Khu Thương mại tổng hợp tỉnh ngoài | 74 gian |
+ Gian hàng tỉnh Nghệ An, Ninh Bình | 04 gian |
Tổng cộng | 214 gian |
3. Nội dung hoạt động của hội chợ
3.1. Ngày 27/4/2016
Tổ chức Lễ Khai mạc hội chợ (truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa).
- Đón tiếp khách: Bắt đầu từ 16h00.
- Tiệc chiêu đãi đại biểu: Từ 17h00 đến 18h30.
- Văn nghệ trước lễ khai mạc: Chương trình ca múa nhạc đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền núi và các nghệ sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp.
Thời gian: Từ 20h00 - 20h45, địa điểm: Sân khấu Hội chợ.
- Lễ khai mạc: Diễn văn khai mạc, phát biểu chào mừng, cắt băng; thời gian: Từ 20h45 - 21h00 .
- Tham quan gian hàng Hội chợ thời gian: 21h00 - 21h30
3.2. Các hoạt động từ ngày 28/4 đến 03/5/2016
- Chương trình giao lưu, quảng cáo giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, công nghệ mới, xúc tiến thương mại, bán buôn, bán lẻ, ký kết hợp đồng hợp tác, chuyển giao công nghệ, phân phối, đại lý của các doanh nghiệp.
- Tổ chức biểu diễn văn nghệ vào các buổi tối: Từ 20h đến 22h00 trong các ngày diễn ra Hội chợ, do các nghệ sỹ, ca sỹ đến Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn, đoàn chèo Thanh Hóa và các ca sỹ đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn.
3.3. Tổ chức lễ bế mạc và trao giải
Chương trình trao Bằng khen của UBND tỉnh Thanh Hóa cho các đơn vị tiêu biểu tham gia Hội chợ.
- Thời gian: Từ 20h00 - 21h00 ngày 03/5/2016
- Địa điểm: Sân khấu Hội chợ
III. TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI
1. Tháng 3 năm 2016
- UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch và Thư mời tham dự Hội chợ;
- Thành lập Ban Tổ chức, giao nhiệm vụ các thành viên BCT Hội chợ;
- Tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp tổ chức Hội chợ;
- Thiết kế và in ấn brochure, thư chào mừng và gửi các đơn vị tham gia hội chợ; thiết kế các băng rôn, cờ phướn, sân khấu, cổng, giấy mời...
- Vận động các huyện trong tỉnh, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp Lào tham gia gian hàng tại Hội chợ;
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin và quảng cáo (từ khi phát động đến ngày khai mạc Hội chợ);
2. Tháng 4, tháng 5 năm 2016
- Chuẩn bị cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ Hội chợ: mặt bằng, giàn dựng gian hàng, cổng, sân khấu;
- Treo gắn bandrol, cờ phướn, quảng cáo trên báo chí, truyền hình, phát thanh cổ động về Hội chợ;
- Họp Ban tổ chức Hội chợ kiểm tra công tác chuẩn bị cho Lễ khai mạc, Lễ Bế mạc Hội chợ;
- Tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh dành cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch năm 2016 và từ các nguồn xã hội hóa khác (nguồn thu quảng cáo, phí thuê gian hàng của doanh nghiệp tham gia Hội chợ...)
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các cấp địa phương và doanh nghiệp tổ chức Hội chợ triển khai các nội dung tại Kế hoạch; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia, đảm bảo đủ số lượng gian hàng; tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Ban tổ chức Hội chợ; chuẩn bị đầy đủ và cụ thể cơ sở vật chất để tổ chức thành công Lễ khai mạc và các sự kiện liên quan báo cáo UBND tỉnh trước ngày 18/4/2014.
- Kêu gọi kinh phí hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời, đề xuất các doanh nghiệp, tổ chức, các cá nhân có thành tích đóng góp cho Hội chợ, báo cáo Trưởng Ban tổ chức để trình Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng theo quy định.
- Căn cứ các nội dung đã phê duyệt tại Kế hoạch này, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh lập dự toán kinh phí thực hiện, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
- Thực hiện các nội dung khác được Ban Tổ chức giao.
2. UBND huyện Thường Xuân
- Chủ động thông báo phổ biến đến các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về Kế hoạch tổ chức Hội chợ cũng như các chính sách hỗ trợ của tỉnh; vận động, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các nghệ nhân làng nghề và các cơ sở sản xuất trong huyện tích cực hưởng ứng, tham gia Hội chợ.
- Các huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Bá Thước, Như Thanh, Như Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát: Tổ chức mỗi huyện 02 gian hàng tham gia Hội chợ để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu của địa phương; ưu tiên các sản phẩm là đặc sản của vùng như: hàng nông sản (các loại củ, quả, sắn dây, tinh bột sắn...), hàng lâm sản (mật ong, măng, mộc nhĩ, nấm các loại...), hàng dệt thổ cẩm, hàng may mặc, nông cụ cầm tay....Trong đó, cần chú trọng đến số lượng và chất lượng các mặt hàng trưng bày, đảm bảo phong phú về chủng loại và đầy đủ về số lượng các mặt hàng trưng bày, đảm bảo phong phú về chủng loại và đầy đủ về số lượng hàng hóa, đảm bảo chất lượng.
- UBND huyện Thường Xuân: Chủ động tích cực phối hợp với đơn vị trúng thầu và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh trong công tác chuẩn bị và tổ chức Hội chợ; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia 06 gian hàng. Chỉ đạo Công an huyện Thường Xuân và các ban ngành chức năng phối hợp với Ban tổ chức Hội chợ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; không để xảy ra tình trạng tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức trong khu vực diễn ra Hội chợ. Chủ trì công tác đón tiếp khách và tổ chức tiệc chiêu đãi. Bố trí tiết mục ca múa nhạc của đồng bào địa phương tham gia trình diễn tại Lễ Khai mạc Hội chợ.
3. Các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan
- Sở Tài chính thẩm định dự toán và nguồn kinh phí tổ chức Hội chợ trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Sở Công thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch vận động các doanh nghiệp tham gia gian hàng; chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh thực hiện công tác quản lý chất lượng hàng hóa trước và trong quá trình diễn ra Hội chợ.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện duyệt nội dung và cấp phép biểu diễn, quảng bá Hội chợ; tham gia xây dựng chương trình văn nghệ phục vụ Lễ Khai mạc Hội chợ; chỉ đạo Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn phối hợp tổ chức văn nghệ cho Lễ Khai mạc Hội chợ.
- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền về Hội chợ; vận động Viễn thông Thanh Hóa tài trợ đường truyền phục vụ đêm Khai mạc Hội chợ.
- Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch và doanh nghiệp trúng thầu hội chợ lên phương án cụ thể tuyên truyền cho công tác tổ chức Hội chợ trước và sau lễ khai mạc; tham gia xây dựng kịch bản khai mạc và tổ chức truyền hình trực tiếp Lễ Khai mạc trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa.
- Trên cơ sở đề nghị của Ban Tổ chức Hội chợ, Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước, tham mưu cho Chủ tịch UBND khen thưởng các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, đã có thành tích xuất sắc trong công tác chuẩn bị và tổ chức Hội chợ.
- Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng, Công an huyện Thường Xuân phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức trong việc bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian diễn ra Hội chợ.
- Điện lực Thanh Hóa chỉ đạo Chi nhánh điện Thường Xuân cung cấp ổn định nguồn điện phục vụ cho Hội chợ.
- Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Nữ doanh nhân, Hội doanh nghiệp trẻ và các hiệp hội ngành nghề tích cực kêu gọi, vận động hội viên tham gia Hội chợ.
Trên đây là kế hoạch tổ chức Hội chợ Thương mại miền Tây Thanh Hóa 2016. Yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương liên quan sớm triển khai thực hiện, đảm bảo Hội chợ được tổ chức thành công tốt đẹp./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 4670/2010/QĐ-UBND chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 2Quyết định 2869/QĐ-UBND năm 2014 Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Thanh Hóa
- 3Quyết định 3886/QĐ-UBND năm 2015 bổ sung Quy hoạch mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020
- 4Kế hoạch 13/KH-UBND tổ chức Hội chợ thương mại Khu vực Đồng bằng sông Hồng - Ninh Bình năm 2017
- 1Quyết định 4670/2010/QĐ-UBND chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 2Quyết định 2869/QĐ-UBND năm 2014 Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Thanh Hóa
- 3Quyết định 3886/QĐ-UBND năm 2015 bổ sung Quy hoạch mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020
- 4Kế hoạch 13/KH-UBND tổ chức Hội chợ thương mại Khu vực Đồng bằng sông Hồng - Ninh Bình năm 2017
Kế hoạch 47/KH-UBND tổ chức hội chợ thương mại miền Tây tỉnh Thanh Hóa năm 2016
- Số hiệu: 47/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 24/03/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Lê Thị Thìn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra