Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4525/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 19 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG TẾT NGUYÊN ĐÁN QUÝ MÃO 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá; Quyết định số 21/QĐ-UBND ngày 10/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch bình ổn thị trường tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Trong 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế cả nước phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trong nước tăng lên, nhưng nhìn chung mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt. Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Trong tỉnh, tình hình thị trường, giá cả trong thời gian qua cũng có những biến động theo xu hướng chung của cả nước. Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất tăng; nhu cầu tiêu dùng, du lịch, dịch vụ phục hồi mạnh mẽ; nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức; các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng được các doanh nghiệp thương mại tích cực triển khai, đặc biệt vào các dịp Lễ, Tết đã góp phần làm sôi động thị trường nội tỉnh.

Dự báo trong thời gian tới, thị trường vào giai đoạn cuối năm sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hóa, đi tại tăng. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã cơ bản phục hồi, nguồn cung hàng hóa sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng; tuy nhiên, giá một số loại hàng hóa có thể biến động tăng do ảnh hưởng của giá thế giới và chi phí sản xuất, kinh doanh tăng.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết Nguyên đán; cung cấp đầy đủ, thường xuyên, đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc.

2. Yêu cầu:

- Hàng hóa tham gia chương trình bình ổn là hàng Việt Nam, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, có nhãn mác và giá bán ổn định; nguồn cung ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu và đáp ứng nhu cầu của nhân dân kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.

- Doanh nghiệp tham gia chương trình đảm bảo đầy đủ, thường xuyên số lượng hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa trên thị trường; phân phối bán lẻ các mặt hàng thiết yếu rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

- Các cấp, các ngành và địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ; phân công rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện công tác bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Hàng hóa thực hiện bình ổn Tết

a) Xác định nhóm hàng, dự báo lượng hàng:

STT

Nhóm hàng

DVT

Dự tính nhu cầu 30 ngày

1

Gạo, nếp

tấn

12.000

2

Thịt gia súc (heo, bò);

tấn

900

3

Thịt gia cầm (gà, vịt)

tấn

1.000

4

Trứng gia cầm (gà, vịt)

quả

10.000.000

5

Thực phẩm chế biến

tấn

350

6

Dầu ăn

lít

610.000

7

Đường

tấn

200

8

Rau, củ, quả tươi

tấn

10.000

b) Giá bán:

Doanh nghiệp, đơn vị tham gia Chương trình bình ổn gửi Thông báo giá bán của từng mặt hàng cụ thể thuộc nhóm hàng hóa thực hiện bình ổn thị trường gửi đến Sở Tài chính, Sở Công Thương khi đăng ký tham gia Chương trình.

Trường hợp thị trường biến động tăng hoặc giảm đối với giá nguyên liệu, chi phí đầu vào làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành, doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá bán theo quy định và gửi lại Thông báo giá bán có điều chỉnh đến Sở Tài chính, Sở Công Thương (trong đó nêu rõ nguyên nhân và thuyết minh cơ sở tính toán mức giá điều chỉnh). Các đơn vị chỉ thực hiện điều chỉnh tăng giá bán sau khi có ý kiến của Sở Công Thương.

2. Thời gian thực hiện: Thời gian để chuẩn bị nguồn hàng và tổ chức bản các mặt hàng thiết yếu bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh Tết Nguyên đán Quý Mão là 03 tháng, từ ngày 20/11/2022 đến hết ngày 20/02/2023.

3. Đối tượng tham gia:

a) Đối tượng: Các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế được thành lập, hoạt động theo quy định, có hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đáp ứng các yêu cầu, quy định của Chương trình và quy định của pháp luật có liên quan.

b) Quyền và nghĩa vụ của các đơn vị tham gia:

- Về quyền: Được xem xét tham gia các Chương trình hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa do các đơn vị sản xuất, cung ứng; hỗ trợ công tác giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị thương hiệu của đơn vị; được kết nối tham gia các chương trình vay vốn ưu đãi để dự trù hàng hóa; được xem xét ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lưu thông hàng hóa, đặc biệt trong thời gian sản xuất, cung ứng hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

- Về nghĩa vụ: Thực hiện đăng ký và gửi hồ sơ tham gia Chương trình bình ổn thị trường Tết gửi về Sở Công Thương; tổ chức sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và bán theo giá đã Thông báo; tích cực phát triển hệ thống phân phối, các điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn tỉnh; thực hiện đúng cam kết, quy định của Chương trình; chấp hành sự chỉ đạo, điều phối của cơ quan có thẩm quyền khi có dấu hiệu biến động thị trường và trong các trường hợp đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các địa phương.

c) Điều kiện tham gia

- Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa phù hợp với các nhóm hàng của Chương trình; có uy tín, năng lực, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh phù hợp với Chương trình; có khả năng khai thác nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng ổn định và xuyên suốt trong thời gian thực hiện Chương trình.

- Có hệ thống kho bãi, phương tiện vận chuyển, thiết bị... phục vụ trong trường hợp tổ chức các điểm bán cố định và bán hàng lưu động theo yêu cầu của Chương trình.

- Tuân thủ các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn mác hàng hóa; thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

4. Nguồn vốn thực hiện:

- Nguồn vốn tự chủ động của các doanh nghiệp, đơn vị;

- Nguồn vốn tín dụng từ các Ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi;

- Nguồn vốn tạm ứng ngân sách địa phương (lãi suất 0%);

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

5. Các nhiệm vụ triển khai:

a) Theo dõi diễn biến thị trường, giá cả:

- Đối với các nhóm, mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa: Theo dõi diễn biến giá, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp, đơn vị vận tải để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp các chi phí hình thành giá giảm, thì yêu cầu doanh nghiệp, đơn vị vận tải thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.

- Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu: Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường; tổ chức nắm tình hình hoạt động sản xuất, cung ứng của các tổ chức, cá nhân để có biện pháp điều hành phù hợp.

b) Công tác dự trữ hàng hóa:

Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối chủ động kế hoạch sản xuất phù hợp, thực hiện dự trữ hàng hóa đảm bảo cung ứng đầy đủ cho thị trường trong dịp tết Nguyên đán; ưu tiên khai thác nguồn hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh; chủ động khai thác hàng hóa của tỉnh bạn nhằm bù đắp lượng hàng thiếu của tỉnh.

c) Phát triển mạng lưới điểm bán hàng:

- Tổ chức, phát triển mạng lưới và đa dạng hóa loại hình điểm bán nhằm đảm bảo hàng hóa được phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng.

- Trong những trường hợp cần thiết, tổ chức các chuyển bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn phục vụ người dân tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc tại các huyện trên địa bàn tỉnh.

d) Hỗ trợ các đơn vị tham gia bình ổn thị trường:

- Giới thiệu, kết nối để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia Chương trình bình ổn của tỉnh được xem xét hỗ trợ vay vốn với hạn mức và lãi suất ưu đãi tại các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận để sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối phục vụ công tác bình ổn thị trường.

- Tạm ứng vốn ngân sách địa phương để hỗ trợ công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết.

Tổng vốn tạm ứng: 16 tỷ đồng, với lãi suất 0% để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đơn vị mua dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết.

Tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp, đơn vị được tạm ứng vốn ngân sách, vay với lãi suất 0%: Là doanh nghiệp, đơn vị phân phối, bán buôn, bán lẻ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết; đáp ứng điều kiện, yêu cầu của Chương trình bình ổn thị trường Tết Nguyên đán 2023; có uy tín, kinh nghiệm, năng lực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường; thực hiện thủ tục ứng vốn và hoàn trả vốn đảm bảo đúng thời hạn yêu cầu; sử dụng nguồn vốn tạm ứng đúng mục đích.

Thời gian tạm ứng vốn ngân sách: 03 tháng

Hồ sơ đề nghị tạm ứng vốn ngân sách: (1) Văn bản đăng ký tham gia Chương trình bình ổn; (2) Công văn đề nghị tạm ứng vốn; (3) Danh mục các mặt hàng thiết yếu đăng ký tham gia bình ổn; (4) Thông báo giá bán buôn, bán lẻ.

đ) Công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm:

- Tăng cường công tác quản lý thị trường; kiểm tra, kiểm soát buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại; các vi phạm về giá, an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

- Các đơn vị tham gia bình ổn thị trường nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về giá, về bình ổn thị trường thì áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với từng trường hợp vi phạm cụ thể theo quy định của pháp luật.

- Doanh nghiệp sử dụng vốn được tạm ứng, vốn vay ưu đãi không đúng mục đích, không thực hiện đúng cam kết về cung ứng lượng hàng bình ổn, thì doanh nghiệp phải hoàn trả toàn bộ phần vốn được hỗ trợ và bị áp dụng mức lãi suất theo quy định hiện hành. Nếu doanh nghiệp không thực hiện trả vốn vay đầy đủ và đúng hạn theo Kế hoạch sẽ phải chịu mức lãi suất nợ quá hạn (bằng 150% lãi suất cơ bản) theo quy định hiện hành và không được xem xét lựa chọn tạm ứng vốn ngân sách với lãi suất 0% cho những năm tiếp theo.

e) Công tác thông tin, tuyên truyền:

- Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương để thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền giúp người dân và doanh nghiệp hiểu, đồng thuận và tham gia hưởng ứng.

- Thực hiện treo biển nhận diện trong và ngoài các điểm bán hàng bình ổn, bao gồm các nội dung: đơn vị tham gia bình ổn, thời gian bình ổn, mặt hàng bình ổn và các thông tin liên quan.

- Thiết lập đường dây nóng tại Sở Tài chính, Sở Công Thương và UBND các huyện, thành phố để người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân... kịp thời phản ánh các thông tin liên quan.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện hoạch bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn tỉnh; theo dõi, nắm bắt diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa trên địa bàn, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu tham gia chương trình; hỗ trợ các doanh nghiệp trong khai thác nguồn hàng; kịp thời tham mưu các giải pháp điều tiết hàng hóa khi có dấu hiệu mất cân đối cung cầu cục bộ trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai đến các doanh nghiệp, đơn vị đăng ký tham gia Chương trình bình ổn. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xem xét, lựa chọn doanh nghiệp, đơn vị đáp ứng các tiêu chí để đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định tạm ứng vốn ngân sách với lãi suất 0% để hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị vay thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2023.

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố sắp xếp, bố trí điểm bán hàng bình ổn, bán hàng lưu động cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn nhằm đảm bảo bao phủ rộng khắp, phục vụ tốt nhu cầu hàng hóa của người dân trên địa bàn tỉnh; theo dõi, giám sát các doanh nghiệp tham gia chương trình trong việc chuẩn bị nguồn hàng, mạng lưới bán hàng và giá bán hàng bình ổn.

- Tổng hợp, thông báo danh sách các doanh nghiệp, đơn vị tham gia Chương trình bình ổn của tỉnh và danh sách, địa chỉ các điểm bán hàng bình ổn cho UBND các huyện, thành phố, các cơ quan Báo, Đài... để công bố rộng rãi cho các người dân trên địa bàn tỉnh biết, mua sắm.

- Phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về thực hiện cam kết, tình hình dự trữ, giá bán hàng hóa theo danh mục đã đăng ký bình ổn và các vi phạm liên quan bình ổn thị trường Tết.

- Công bố đường dây nóng của đơn vị để các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh các thông tin liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.

2. Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Công Thương xem xét, lựa chọn doanh nghiệp, đơn vị tham gia Chương trình; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định tạm ứng vốn ngân sách địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2023.

- Hướng dẫn hồ sơ đề nghị tạm ứng vốn của doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định tạm vốn ngân sách theo đúng quy định; đôn đốc các đơn vị hoàn trả vốn tạm ứng đúng thời hạn.

- Thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến giá cả thị trường của các mặt hàng tham gia bình ổn; chủ trì, phối hợp với Lực lượng quản lý thị trường, Sở Công Thương, các cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định về giá; kịp thời báo cáo, tham mưu các biện pháp bình ổn giá trên địa bàn tỉnh theo quy định.

- Công bố đường dây nóng của đơn vị để các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh các thông tin liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Rà soát, đánh giá tình hình sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh để kịp thời triển khai thực hiện các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp; tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và các tổ chức, cá nhân sản xuất, chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn trước mắt và lâu dài.

- Phối hợp triển khai, giới thiệu các doanh nghiệp, đơn vị chăn nuôi, sản xuất sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, có nguồn hàng ổn định để tham gia Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng và địa phương kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn hàng lương thực, thực phẩm tươi sống; kiểm tra các lò giết mổ gia súc, gia cầm nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu cho người dân trong dịp Tết.

4. Sở Y tế:

- Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý ngành.

- Chủ trì triển khai, hướng dẫn thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch trong quá trình thực hiện Chương trình bình ổn.

5. Sở Giao thông vận tải:

- Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá dịch vụ vận tải, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.

- Hướng dẫn thực hiện các quy định về vận tải, vận chuyển hàng hóa thiết yếu đảm bảo thông suốt nội tỉnh và liên tỉnh.

6. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp tuyên truyền chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh; thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác danh sách các doanh nghiệp, các điểm bán lẻ của các đơn vị tham gia chương trình, giá bán và các mặt hàng bình ổn cho nhân dân biết; đồng thời chấn chỉnh, xử lý những thông tin không chính xác, sai lệch làm ảnh hưởng đến chương trình trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công Thương và các cơ quan liên quan cập nhật thông tin về tình hình thị trường, giá cả; đưa tin các trường hợp vi phạm theo quy định.

7. Cục Quản lý thị trường:

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm và phối hợp đưa tin các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Tập trung, quyết liệt triển khai công tác quản lý địa bàn; thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống của người dân dịp Tết Nguyên đán; báo cáo ngay với UBND tỉnh tình trạng, nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý.

8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Ninh Thuận:

- Chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng chính sách cho vay vốn với hạn mức và lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan tổ chức kết nối các ngân hàng thương mại với các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia bình ổn thị trường để các đơn vị được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, đảm bảo cho công tác dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Theo dõi tình hình giá cả, cung cầu, dự trữ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; kịp thời báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Công Thương tổng hợp) các diễn biến bất thường và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.

- Đăng ký nhu cầu tổ chức các điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn gửi về Sở Công Thương để tổng hợp, điều phối; phối hợp với Sở Công Thương sắp xếp các chuyến bán hàng bình ổn; bố trí mặt bằng bán hàng phù hợp, thuận tiện mua bán; phối hợp tốt với các doanh nghiệp trong quá trình triển khai các điểm bán hàng bình ổn tại địa bàn; thông báo rộng rãi đến bà con nhân dân tại địa phương về thời gian và địa điểm bán hàng bình ổn nhằm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân.

- Chỉ đạo UBND cấp xã, các đơn vị trực thuộc, các Ban Quản lý chợ tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện bình ổn thị trường; vận động, khuyến khích các cơ sở, hộ kinh doanh cam kết thực hiện các biện pháp góp phần bình ổn thị trường hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn.

- Phối hợp với lực lượng chức năng, các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của nhà nước về kinh doanh hàng hóa thiết yếu, các mặt hàng bình ổn giá trên địa bàn. Công bố đường dây nóng của đơn vị để các tổ chức, cá nhân... kịp thời phản ánh các thông tin liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.

10. Các đơn vị đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh:

- Chủ động khai thác, thực hiện dự trữ hàng hóa theo kế hoạch đã đăng ký; đề xuất danh sách các điểm bán hàng bình ổn và tổ chức bán hàng bình ổn theo yêu cầu, điều phối của Sở Công Thương; thực hiện treo băng/biên nhận diện tại điểm bán hàng bình ổn.

- Thông báo giá bán các mặt hàng thuộc diện bình ổn và thời gian áp dụng giá bán bình ổn gửi về Sở Tài chính và Sở Công Thương cập nhật, theo dõi; thực hiện nghiêm túc giá bán và thời gian áp dụng giá bán bình ổn theo Thông báo.

- Hàng hóa tham gia bình ổn phải đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, có nhãn mác và giá bán ổn định; nguồn cung ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu và đáp ứng nhu cầu của người dân kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa trên thị trường. Đưa hàng hóa tham gia bình ổn đến tất cả các điểm bán đã đăng ký, phân phối bán lẻ các mặt hàng thiết yếu tại các huyện, vùng sâu vùng xa; niêm yết giá các mặt hàng đã đăng ký bình ổn giá.

- Thực hiện các thủ tục vay vốn, ứng vốn và đảm bảo hoàn trả vốn theo đúng quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu hoàn trả vốn vay, vốn tạm ứng không đúng theo cam kết.

- Báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình thực hiện Kế hoạch bình ổn thị trường gửi về Sở Công Thương, UBND huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan để cập nhật theo dõi, kịp thời tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các doanh nghiệp tham gia bình ổn báo cáo tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch bình ổn thị trường tết Nguyên đán Quý Mão 2023 về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Công Thương tổng hợp):

1. Báo cáo nhanh các nhiệm vụ chủ yếu

- Lần 1: Trước ngày 15/12/2022

- Lần 2: Trước ngày 16/01/2023

2. Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch: Trước ngày 20/02/2023

Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tốt các nội dung công việc được giao. Đồng thời, có trách nhiệm báo cáo định kỳ, đột xuất kết quả thực hiện Kế hoạch, các khó khăn vướng mắc gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Công Thương tổng hợp) theo yêu cầu./.

 


Nơi nhận:
- Như mục IV;
- Bộ Công Thương;
- Bộ Tài chính;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các cơ quan Báo, Đài thuộc tỉnh;
- Lưu: VT. KTTH Nam

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Tấn Cảnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 4525/KH-UBND năm 2022 về bình ổn thị trường tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 4525/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 19/10/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Phan Tấn Cảnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/10/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản