Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4452/KH-UBND

Kon Tum, ngày 21 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 31 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Nghị quyết số 178/NQ-CP tới các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

b) Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 178/NQ-CP; xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của tỉnh, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời và thống nhất.

2. Yêu cầu

a) Việc xây dựng và ban hành Kế hoạch phải phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với Nghị quyết số 178/NQ-CP, các quy hoạch ngành giao thông vận tải, đồng thời phải có tính tổng thể, đồng bộ và có cách tiếp cận mở phù hợp với kết cấu hạ tầng hiện tại và xu hướng hình thành trong tương lai.

b) Chủ động tiếp cận, đón đầu, đảm bảo đủ năng lực, đạt mức độ sẵn sàng tiếp cận, triển khai Nghị quyết số 178/NQ-CP bằng những nhiệm vụ, giải pháp gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình, thời gian phù hợp.

c) Nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vận tải đường sắt. Đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong phát triển giao thông vận tải đường sắt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện phát triển đường sắt.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 178/NQ-CP, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt qua địa bàn tỉnh theo lộ trình, kết nối với mạng lưới đường sắt quốc gia, tạo động lực, đột phá quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

Hoàn thành Quy hoạch tỉnh, các quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất 05 năm (giai đoạn 2021 - 2025) để cụ thể hóa Nghị quyết số 178/NQ-CP và Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2021.

b) Đến năm 2030

- Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tổ chức khảo sát, xác định hướng tuyến cụ thể, cắm mốc quản lý quy hoạch tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh và bàn giao cọc mốc quy hoạch về địa phương quản lý.

- Kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đạt hiệu quả, làm tiền đề, bước đệm để nghiên cứu triển khai đầu tư sau năm 2030.

c) Giai đoạn 2030 - 2045

Kiến nghị cấp có thẩm quyền triển khai đầu tư tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh thuộc tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên: Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước dài 550km, khổ đường 1.435mm.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến

a) Nghiên cứu, quán triệt nội dung của Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 178/NQ-CP của Chính phủ ở tất cả các cấp, các ngành để tạo sự thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vận tải đường sắt đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, môi trường và đối ngoại.

b) Công tác tuyên truyền Kết luận số 49-KL/TW, Nghị quyết số 178/NQ-CP tiến hành với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng để tạo nhận thức sâu sắc về cơ hội, thuận lợi, thách thức, tiềm năng, lợi thế của vận tải đường sắt, đổi mới tư duy và đẩy mạnh quyết tâm của các cấp, các ngành về nhiệm vụ phát triển vận tải đường sắt, phát triển khoa học, công nghệ, nhân lực xây dựng hệ thống đô thị văn minh, hiện đại, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vận tải đường sắt.

2. Tham gia hoàn thiện thể chế, chính sách

a) Rà soát, tham gia ý kiến, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về đường sắt, đầu tư, xây dựng, ngân sách… theo hướng đẩy mạnh đầu tư phát triển; đa dạng hóa, huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển đường sắt; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thủ tục đầu tư.

b) Rà soát, tham gia ý kiến sửa đổi bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá về chuyên ngành đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia xây dựng, quản lý đường sắt.

3. Về lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch phát triển đường sắt.

Rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn, quy hoạch xây dựng khu chức năng đảm bảo liên kết, đồng bộ với Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; liên kết các đô thị, khu chức năng bằng hệ thống đường sắt hiện đại; khuyến khích đầu tư công trình kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng xung quanh các khu ga.

4. Huy động nguồn lực để đầu tư giao thông vận tải đường sắt

a) Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương có liên quan phân bổ ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt qua địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng một số quy định đặc thù để thu hút nhà đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt qua địa bàn tỉnh.

c) Bố trí, quản lý quỹ đất để xây dựng tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh khi nhận mốc quy hoạch; nghiên cứu, ưu tiên dành quỹ đất tại các khu vực quanh các khu ga đường sắt để phát triển các đô thị, khu chức năng.

5. Phát triển nguồn nhân lực đường sắt

Chủ động đào tạo, bố trí nguồn nhân lực có chuyên môn về đường sắt để chủ động tham mưu trong công tác xây dựng, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt.

6. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các địa phương khác trong công tác đầu tư, phát triển công nghiệp, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt

a) Học tập kinh nghiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác đầu tư, phát triển công nghiệp, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt.

b) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về trật tự, an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, dọc hành lang đường sắt.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện theo thẩm quyền hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp tại Kế hoạch này bảo đảm theo quy định; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện Kế hoạch; định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 01 tháng 12.

2. Các sở, ban ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ triển khai nhiệm vụ được giao tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch này.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giao thông vận tải tổng hợp, tham mưu) để kịp thời xem xét, giải quyết theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Giao thông vận tải (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (đ/b);
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh (t/h);
- UBND các huyện, thành phố (t/h);
- VP UBND tỉnh: CVP, các PCVP (đ/b);
- Lưu: VT, HTKT.CNA.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tháp

 

PHỤ LỤC

NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 178/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG SẮT
(Kèm theo Kế hoạch số 4452/KH-UBND ngày 21 tháng12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

NHIỆM VỤ

LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

CƠ QUAN CHỦ TRÌ THỰC HIỆN

CƠ QUAN PHỐI HỢP THỰC HIỆN

NGUỒN LỰC

I

CÔNG TÁC QUÁN TRIỆT, TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN

1

Tổ chức quán triệt Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 178/NQ-CP của Chính phủ

Thường xuyên

Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

 

Theo quy định Luật Ngân sách nhà nước

II

THAM GIA GÓP Ý HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH

1

Rà soát, tham gia ý kiến, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về đường sắt, đầu tư, xây dựng, ngân sách… theo hướng đẩy mạnh đầu tư phát triển; đa dạng hóa, huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển đường sắt; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thủ tục đầu tư.

2024 - 2030

Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài chính

Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Theo quy định Luật Ngân sách nhà nước

2

Rà soát, tham gia ý kiến sửa đổi bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá về chuyên ngành đường sắt

2023 - 2030

Sở Giao thông vận tải

Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

III

LẬP, RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÙ HỢP VỚI QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG SẮT

1

Lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch xây dựng khu chức năng đảm bảo liên kết, đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; khuyến khích đầu tư công trình kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng xung quanh các khu ga

2023 - 2025

Sở Xây dựng; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà và Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum

Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh

Theo quy định Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công

IV

HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC ĐỂ ĐẦU TƯ GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT

1

Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương có liên quan phân bổ ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt qua địa bàn tỉnh

Sau 2030

Sở Giao thông vận tải

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Theo quy định Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

2

Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng một số quy định đặc thù để huy động nguồn lực đầu tư đường sắt qua địa bàn tỉnh

Trong quá trình chuẩn bị đầu tư

Sở Giao thông vận tải

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

3

Bố trí, quản lý quỹ đất để xây dựng tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh khi nhận mốc quy hoạch; nghiên cứu, ưu tiên dành quỹ đất tại các khu vực quanh các khu ga đường sắt để phát triển các đô thị, khu chức năng.

Trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch, thu hút đầu tư

Ủy ban nhân dân các huyện: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà và Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum

Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

V

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC ĐƯỜNG SẮT

1

Chủ động đào tạo, bồi dưỡng, bố trí nguồn nhân lực có chuyên môn về đường sắt

Thường xuyên

Sở Giao thông vận tải

Các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Theo quy định Luật Ngân sách nhà nước

VI

TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP VỚI CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG TRONG CÔNG TÁC ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP; BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT

1

Học tập kinh nghiệm trong công tác đầu tư, quản lý, khai thác đường sắt

Sau 2025

Sở Giao thông vận tải

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Theo quy định Luật Ngân sách nhà nước

2

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức doanh nghiệp, người dân về trật tự an toàn giao thông đường sắt

Thường xuyên

Sở Giao thông vận tải

Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Theo quy định Luật Ngân sách nhà nước

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 4452/KH-UBND năm 2023 triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

  • Số hiệu: 4452/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 21/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Hữu Tháp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản