Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4054/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 23 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRUYỀN THÔNG VỀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Căn cứ Quyết định số 534/QĐ-LĐTBXH ngày 07/5/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về ban hành Kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 270/QĐ-TCGDNN ngày 18/6/2021 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về việc xây dựng và phát triển không gian truyền thông giáo dục nghề nghiệp, hình thành hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tập trung xây dựng, phát triển không gian truyền thông giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh nhằm tiến tới xây dựng hệ sinh thái truyền thông GDNN để truyền tải đầy đủ, kịp thời đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người dân và toàn xã hội; lan toả sâu rộng hình ảnh, giá trị GDNN trong đời sống kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức người dân, xã hội, doanh nghiệp và cải thiện hình ảnh GDNN góp phần mở rộng quy mô, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN; tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) vào GDNN; hỗ trợ công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp.

2. Yêu cầu

- Quán triệt đầy đủ và cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, phổ biến đến người dân và xã hội; bám sát nội dung, yêu cầu của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Công tác truyền thông về GDNN phải được tổ chức rộng rãi, bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nội dung và đối tượng, đảm bảo yêu cầu thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; có sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ sở GDNN, các doanh nghiệp...

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động truyền thông; áp dụng mô hình truyền thông mới, có hiệu quả trong thực tiễn; hướng công tác truyền thông đến cơ sở GDNN, các bậc phụ huynh học sinh và các em học sinh THCS, THPT và doanh nghiệp.

- Ngân sách đảm bảo nguồn lực cần thiết thực hiện công tác truyền thông về GDNN; thực hiện xã hội hoá công tác truyền thông về GDNN.

II. ĐỐI TƯỢNG TUYÊN TRUYỀN

1. Người học tiềm năng: Học sinh THCS, THPT và gia đình; lao động nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã; bộ đội xuất ngũ; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an, nghĩa vụ quân sự...

2. Người học: Học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở GDNN; sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục đại học...

3. Doanh nghiệp, người sử dụng lao động: Các doanh nghiệp FDI, người sử dụng lao động, doanh nghiệp trong nền kinh tế.

4. Các cấp ủy; tổ chức đảng; chính quyền; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; các cơ quan quản lý: Cơ quan dân cử (Hội đồng nhân dân các cấp); cơ quan quản lý nhà nước về GDNN và các cơ sở GDNN; cơ quan chủ quản của các cơ sở GDNN.

5. Các tổ chức quốc tế: Các tổ chức quốc tế có hợp tác về GDNN với tỉnh Quảng Nam, đang hợp tác, đầu tư các chương trình; dự án phát triển kinh tế - xã hội.

6. Người dân và các đối tượng khác.

III. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG

Xác định rõ nhiệm vụ chính trị của GDNN là một nội dung trọng tâm trong khâu đột phá chiến lược về phát triển nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đặc biệt là đối với đào tạo nguồn lao động kỹ thuật chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công tác truyền thông giai đoạn 2022-2025 tập trung truyền tải về nội dung: Đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lan tỏa các thông điệp của GDNN: “Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”; “Giáo dục nghề nghiệp: Thực học, thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai”; “Tương lai tươi sáng cùng GDNN”...

1. Nâng cao nhận thức

- Chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GDNN.

- Đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN; đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, gắn với giải quyết việc làm; chuyển đổi nghề nghiệp trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư... góp phần ổn định và đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

- Công tác đào tạo nghề nghiệp thường xuyên, vừa học vừa làm; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người khuyết tật, người yếu thế.

- Về hoạt động cải cách hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực GDNN và các hoạt động khác liên quan.

- Quá trình chuyển đổi số của GDNN.

- Mô hình, kinh nghiệm trong phát triển GDNN.

- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chương trình đào tạo theo khu vực và quốc tế đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Các mô hình đào tạo mới, hiệu quả: Mô hình 9 , Mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN...

- Nâng cao nhận thức về nhu cầu việc làm, đào tạo nghề từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và của thị trường lao động.

2. Quảng bá hình ảnh

- Tuyên truyền quảng bá hình ảnh về GDNN, hỗ trợ công tác tuyển sinh - hướng nghiệp GDNN. Các mô hình mới, cách làm mới của GDNN.

- Về công tác đào tạo, hướng nghiệp và khởi nghiệp; phối hợp, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động GDNN, việc làm, thu nhập sau đào tạo.

- Đánh giá kỹ năng nghề, kiểm định GDNN, công tác học sinh, sinh viên...

- Tuyên truyền qua các sự kiện: Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia; Hội giảng nhà giáo GDNN; Hội thi thiết bị đào tạo tự làm; Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc...

- Các hoạt động, phong trào của nhà giáo, học sinh, sinh viên.

3. Tôn vinh các cá nhân, tập thể điển hình

- Tuyên truyền về mô hình phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN trong việc đào tạo, tuyển dụng, sử dụng học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.

- Các mô hình, các cá nhân/tập thể điển hình tiên tiến... trong GDNN.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Xây dựng và phát triển không gian truyền thông GDNN

a) Các nội dung xây dựng, phát triển không gian truyền thông GDNN

- Xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, địa điểm cho truyền thông

Trên các Website, Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, cơ sở GDNN.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan báo chí.....

Tại các khu vực đông dân cư, công viên, khu du lịch, đường giao thông, trên các phương tiện công cộng....

Trên hệ thống mạng xã hội.

- Xây dựng, phát triển đội ngũ cộng tác viên truyền thông từ cơ sở GDNN đến các cấp quản lý ở địa phương, doanh nghiệp và mở rộng ra các đối tượng ngoài hệ thống GDNN như nhà báo, phóng viên, học sinh và phụ huynh học sinh.

- Xây dựng, phát triển các nội dung truyền thông GDNN

Về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Về các nội dung, hoạt động chuyên môn của GDNN.

Các mô hình của GDNN.

Các cá nhân, tập thể tiêu biểu xuất sắc.

Các bộ nhận diện, logo, khẩu hiệu, biển quảng bá hình ảnh... về GDNN.

- Xây dựng, phát triển các hoạt động, sự kiện truyền thông: Tổ chức các hoạt động, sự kiện, hội nghị, hội thảo, các cuộc thi, vận động tìm hiểu, sáng tác, viết tin, bài ảnh, phóng sự,... về GDNN. Chú trọng đến các sự kiện, hoạt động chuyên môn sâu của GDNN như: Thi kỹ năng nghề, hội giảng nhà giáo, hội thi thiết bị GDNN, tuyên dương học sinh, sinh viên, cuộc thi khởi nghiệp từ học nghề, ngày hội hướng nghiệp,...

- Xây dựng, phát triển các sản phẩm truyền thông: Đa dạng hóa, đổi mới cách thể hiện về hình thức, nội dung các sản phẩm truyền thông, trong đó chú trọng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm số theo các thể loại như: các video, thơ, nhạc, kịch...

b) Các hình thức xây dựng và phát triển không gian truyền thông GDNN

- Trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan báo chí và trang thông tin/cổng thông tin điện tử: Là các sản phẩm truyền thông, các tác phẩm thuộc các thể loại báo chí phản ánh nội dung, hoạt động về GDNN được phổ biến, đăng tải, đưa tin trên các cơ quan báo, đài.

- Trên mạng internet và các trang mạng xã hội như Gapo, Zalo, Facebook, YouTube...: Là các sản phẩm, hình ảnh về GDNN được livestream, được số hóa và đăng tải, đưa tin trên các ứng dụng.

- Các gian hàng, cửa hàng, cửa hiệu GDNN tại các địa điểm vui chơi công cộng, trong các chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp...: Là các gian hàng, cửa hàng, cửa hiệu, phòng trưng bày và tổ chức các hoạt động về GDNN tại các địa điểm, nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện. Hoạt động trong các cửa hàng, gian hàng bao gồm:

Phát thanh: Các bài viết, ca khúc... về GDNN.

Trình chiếu trên màn hình Led, màn hình tivi, màn chiếu... bằng các thiết bị điện tử các bài viết, video clip... về GDNN.

Trình diễn, biểu diễn các nghề thuộc GDNN: Nấu ăn, chế biến món ăn, hội họa, biểu diễn các nghệ thuật...

Trưng bày, giới thiệu, bán, tặng... các sản phẩm của GDNN.

Các hoạt động thuyết minh, thuyết trình, giới thiệu trực tiếp về GDNN.

Các hoạt động khác thuộc về GDNN.

- Các màn hình Led, các biển quảng bá hình ảnh, khẩu hiệu tại các nơi công cộng, nơi đông người qua lại, trên các tuyến đường giao thông...

Quảng bá các hình ảnh về GDNN.

Đăng tải các khẩu hiệu, slogan truyền thông về GDNN: “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam - Skilling up Việt Nam”; “Kỹ năng nghề cho tương lai tươi sáng”; “Giáo dục nghề nghiệp: Thực học - Thực hành - Vững khởi nghiệp, Sáng tương lai”; “Tương lai tươi sáng cùng giáo dục nghề nghiệp”, Chào mừng/Hưởng ứng ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 04/10; Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11...

Trình chiếu các video clip về GDNN.

- Các chương trình, sự kiện

Các diễn đàn, hội nghị, hội thảo; các kỳ thi kỹ năng nghề; hội giảng nhà giáo GDNN các cấp; hội thi thiết bị dạy nghề tự làm; hội thao, hội diễn học sinh, sinh viên; lễ tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc; các chương trình, ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp; các chương trình từ thiện, thiện nguyện, tri ân nhà giáo...

Các chương trình, sự kiện, hội thảo, hội nghị do cơ sở GDNN thực hiện.

- Tham gia các cuộc thi, vận động viết, sáng tác, sản xuất các sản phẩm, chương trình về GDNN: Các cuộc thi viết, cuộc thi tác phẩm báo chí, cuộc thi xây dựng các video clip về GDNN, mô tả nghề, hướng nghiệp.

c) Một số hoạt động xây dựng, phát triển không gian truyền thông GDNN

- Tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam

Xây dựng và hình thành hệ thống các biển quảng bá hình ảnh, khẩu hiệu về GDNN tại các khu vực công cộng, các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức tập huấn phát triển đội ngũ cộng tác viên truyền thông.

Phối hợp mở các chuyên trang, chuyên mục về GDNN trên báo, đài.

Phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam triển khai các hoạt động tư vấn nghề nghiệp tại các tại các trường THCS, THPT.

Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, tổ chức chính trị triển khai các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp về GDNN.

- Tại các cơ sở GDNN

Chủ động triển khai các hoạt động truyền thông theo yêu cầu, nhiệm vụ. Xây dựng và phát triển không gian truyền thông trong khuôn viên của cơ sở GDNN.

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động và tham gia xây dựng các địa điểm, không gian truyền thông về GDNN trên địa bàn.

Trong năm 2022, mỗi cơ sở GDNN có ít nhất 01 biển quảng bá hình ảnh, khẩu hiệu về GDNN tại nơi đông dân cư, tuyến đường giao thông đông người qua lại. Hằng năm, tiếp tục xây dựng và bổ sung thêm các biển quảng cáo, các màn hình Led tại các địa điểm phù hợp.

Khuyến khích các cơ sở GDNN cùng liên kết, chung tay xây dựng triển khai các hoạt động, sự kiện để phát triển không gian truyền thông GDNN.

Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các cơ sở GDNN với các trường THCS, THPT để giới thiệu, quảng bá về GDNN giúp các em học sinh có nhận thức đúng và đăng ký tham gia GDNN.

Tăng cường sự tham gia của các cơ sở GDNN trong việc tham gia xây dựng chương trình, tài liệu giáo dục hướng nghiệp và cử giáo viên GDNN tham gia giảng dạy giáo dục hướng nghiệp trong trường THCS, THPT.

2. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái truyền thông GDNN

Xây dựng, phát triển không gian truyền thông GDNN cần kết hợp tới việc xây dựng hệ sinh thái truyền thông GDNN, trong đó chú trọng và quan tâm tới chủ thể tham gia của các hoạt động GDNN. Tăng cường đẩy mạnh các mối quan hệ thu hút được nhiều chủ thể tham gia và duy trì tính ổn định, thường xuyên, lâu dài.

a) Thu hút thêm các chủ thể tham gia

- Đẩy mạnh công tác truyền thông về GDNN để thu hút sự đồng thuận, tạo sự hiểu biết đầy đủ cho các tổ chức, cá nhân, của toàn xã hội tham gia vào hoạt động GDNN nói chung và truyền thông GDNN nói riêng.

- Phát triển không gian truyền thông GDNN, tăng cường các hoạt động về GDNN (như: Hội nghị, hội thảo, các kỳ thi, hội diễn) mời các tổ chức cá nhân tham gia, thu hút sự quan tâm của xã hội tới hoạt động của GDNN; qua đó, vừa tạo nên không gian truyền thông GDNN vừa thu hút và tạo ra các chủ thể cho hệ truyền thông GDNN.

b) Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ trong hệ thống GDNN

- Với mỗi cấp quản lý GDNN là một đầu mối chỉ đạo triển khai xây dựng hệ sinh thái truyền thông GDNN.

- Tăng cường sự kết hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở GDNN, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động, sự kiện và thực hiện công tác truyền thông về GDNN.

- Các cơ sở GDNN xây dựng cho mình một hệ thống tổ chức truyền thông riêng, tạo nên hình ảnh riêng của từng cơ sở GDNN, kết hợp và hòa chung vào không gian truyền thông GDNN để tạo thành những hạt nhân cơ sở thiết yếu cho hệ sinh thái truyền thông GDNN.

- Xây dựng, củng cố đội ngũ cộng tác viên truyền thông GDNN. Phấn đấu mỗi một cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên GDNN là một cộng tác viên, một hạt nhân cơ sở thực hiện công tác truyền thông và cấu thành nên hệ sinh thái truyền thông GDNN.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được bố trí từ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; các nguồn kinh phí hợp pháp khác, đồng thời lồng ghép kinh phí hoạt động của các chương trình khác (nếu có).

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch tuyên truyền về GDNN hằng năm.

- Chỉ đạo, hướng dẫn phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, các cơ sở GDND trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về GDNN.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động, nội dung tuyên truyền về GDNN, bám sát theo hoạt động chuyên môn về GDNN; phối hợp với các cơ quan, báo, đài tổ chức xây dựng phóng sự, tin, bài, ảnh, các ấn phẩm... về GDNN.

- Phối hợp với các Sở: Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng các biển thông tin, tuyên truyền về GDNN; tổ chức các gian hàng, quầy hàng, làm các biển quảng bá các thông điệp của GDNN... tại các địa điểm đông dân cư, đông người qua lại.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác truyền thông, hướng nghiệp, phân luồng sau THCS, THPT trong các trường THCS, THPT.

- Tăng cường công tác truyền thông về GDNN trong doanh nghiệp.

- Bố trí công chức theo dõi công tác truyền thông về GDNN.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai các hoạt động truyền thông GDNN, phân luồng sau THCS, THPT trong các trường THCS, THPT.

- Chỉ đạo, hướng dẫn phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố và các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh phối hợp với các cơ sở GDNN và doanh nghiệp tổ chức "Ngày hội Tuyển sinh - Hướng nghiệp"; "Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp", "Kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp" và triển khai ứng dụng "chọn Nghề - chọn Trường" lên webside của Sở và các trường THCS, THPT.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

Hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác truyền thông GDNN; phối hợp thực hiện việc xây dựng và số hóa các nội dung tuyên truyền.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

5. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt phân bổ dự toán để thực hiện Kế hoạch hằng năm theo quy định; theo dõi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.

6. Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam

Phối hợp với Sở, ngành, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về GDNN; chú trọng đến hoạt động, sự kiện nổi bật trong năm về GDNN. Mở các chuyên trang, chuyên mục về GDNN; chủ động viết bài, đưa tin về GDNN.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND cấp huyện xây dựng Kế hoạch truyền thông về GDNN giai đoạn 2022-2025 và hằng năm của địa phương.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GDNN; vai trò, vị trí của GDNN đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua các hội nghị, họp giao ban, các phương tiện thông tin đại chúng...

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp

Tích cực tham gia vào các hoạt động thông tin, tuyên truyền về GDNN đến các đối tượng và hội viên do mình quản lý.

9. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh

- Triển khai đồng bộ các giải pháp truyền thông về GDNN; phối hợp với các cơ quan báo, đài, địa phương, doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền về GDNN nhất là về quá trình đào tạo gắn với giải quyết việc làm… Xây dựng các nội dung tuyên truyền về GDNN phù hợp với địa bàn, đối tượng tuyển sinh; chú trọng tuyên truyền về các tấm gương điển hình tiên tiến trong học nghề - lập nghiệp, những tấm gương đạt giải trong các kỳ thi tay nghề, hội thi nhà giáo GDNN các cấp…

- Chủ động tham gia các hoạt động tư vấn tuyển sinh, ngày hội tuyển sinh, các hội nghị, hội thảo về GDNN.

- Chủ động bố trí nguồn lực, vận động tài trợ, tìm các nguồn kinh phí hợp pháp phục vụ công tác truyền thông về GDNN.

Trên đây là Kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện đảm bảo đạt mục đích, yêu cầu đề ra./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành và Hội, đoàn thể;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.
F:\An\2022\Lao dong-Thuong binh, Xa hoi\Co so giao duc nghe nghiep\thong tin, tuyen truyen GDNN 2022\220622-KH UBND tinh truyen thong ve giao duc nghe nghiep giai doan 2022-2025.doc

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 4054/KH-UBND năm 2022 truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025

  • Số hiệu: 4054/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 23/06/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Trần Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/06/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản