Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4003/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 24 tháng 07 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CẢI THIỆN, NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH TỈNH VĨNH PHÚC, GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

Ngày 23/7/2013, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1897/QĐ-UBND phê duyệt Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2013 - 2015. Để Đề án -được triển khai có hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH

Triển khai thực hiện Đề án vào thực tiễn; phát huy tính chủ động, xác định trách nhiệm của các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hình ảnh của Vĩnh Phúc trong cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và những năm tiếp theo.

II. YÊU CẦU

Đề án được triển khai, tổ chức thực hiện tới từng cán bộ, công chức trong tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp. Tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và việc làm của cán bộ công chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chỉ số PCI và trách nhiệm trong việc nâng cao thứ bậc xếp hạng PCI của tỉnh.

Các cấp, các ngành tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Đề án, tránh hình thức. Thường xuyên đôn đốc, nắm bắt và sơ kết, tổng kết thực tiễn, kịp thời phát hiện, đề xuất bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm thực hiện thành công Đề án.

III. NỘI DUNG

1. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng về Đề án

- Cơ quan thường trực theo dõi Đề án (Văn phòng UBND tỉnh) tổ chức đăng tải trên Cổng Thông tin và Giao tiếp điện tử tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Đài PTTH Vĩnh Phúc, Cổng thông tin điện tử của VCCI. Các sở, ban ngành, địa phương tổ chức đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình.

- Tổ chức hội nghị của tỉnh quán triệt việc triển khai Đề án vào tháng 8 năm 2013. Thành phần gồm: Lãnh đạo UBND tỉnh; các sở, ban, ngành; Thường trực huyện, thành, thị ủy; Thường trực HĐND thành, thị và Chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh và khoảng 500 doanh nghiệp (cơ cấu lĩnh vực hoạt động theo cơ cấu khảo sát PCI) và đại diện VCCI.

- UBND cấp huyện tổ chức quán triệt Đề án đến các bộ phận chuyên môn, đoàn thể cấp huyện, Bí thư, Chủ tịch UBND cấp xã. Thời gian hoàn thành trong tháng 8 năm 2013.

- Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh có trách nhiệm quán triệt, phổ biến Đề án đến cán bộ, công chức trong cơ quan mình. Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh, Hội Nữ doanh nhân tỉnh phổ biến Đề án tới hội viên và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thời gian hoàn thành trong tháng 8 năm 2013.

- Đài PTTH tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Cổng thông tin điện tử tỉnh có kế hoạch tuyên truyền về các nội dung của Đề án. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề,... tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh được nêu trong Đề án. Kịp thời biểu dương, khen ngợi những tập thể, cá nhân có nhiều cố gắng và phản ảnh, phê phán kịp thời các cơ quan, đơn vị, nhất là cá nhân của người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

2. Tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Đề án:

a) Các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện:

- Tổ chức họp, kiểm điểm lại công tác chỉ đạo, điều hành để xác định rõ những việc đã làm được, những việc còn hạn chế, yếu kém (cụ thể ở khâu nào, bộ phận nào, cán bộ nào trong cơ quan mình) và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, phòng, ban trực thuộc. Từ đó có biện pháp chấn chỉnh, cần thiết có các hình thức xử lý vi phạm hoặc điều động, luân chuyển các cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm, hiệu quả làm việc thấp; đồng thời phát hiện những cá nhân có tâm, có tầm để bồi dưỡng, đào tạo và đề bạt. Báo cáo kết quả về UBND tỉnh trong tháng 9 năm 2013.

- Xây dựng xong kế hoạch, giải pháp cụ thể về cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh của từng ngành, địa phương mình. Thời gian hoàn thành trong tháng 8 năm 2013.

- Triển khai quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thời gian đã nêu trong Đề án, được thể hiện tại phụ lục kèm theo và kế hoạch đã xây dựng của địa phương, đơn vị.

b) Hội doanh nghiệp tỉnh hoàn thành việc xây dựng mẫu phiếu khảo sát và tổ chức điều tra theo mẫu riêng của tỉnh để tổ chức điều tra thái độ làm việc của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện năm 2013 và các năm tiếp theo. Thời gian hoàn thành trong tháng 8 năm 2013, tổ chức khảo sát ngay trong tháng 9 và báo cáo kết quả trong tháng 11 năm 2013.

c) Ban chỉ đạo họp định kỳ để nắm bắt và có những chỉ đạo kịp thời nhằm thực hiện Đề án có hiệu quả.

3. Chế độ báo cáo, kiểm tra và giám sát:

- Các sở, ban, ngành, địa phương phải thực hiện Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh hàng quý, 6 tháng và hàng năm hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh.

Đối với báo cáo quý gửi vào ngày 25 tháng cuối quý, báo cáo 6 tháng gửi vào ngày 25 của tháng 6, báo cáo năm gửi vào ngày 20 tháng 12. Hàng năm, các cấp, ngành phải có báo cáo đánh giá về trách nhiệm của ngành, cấp mình, của người đứng đầu đối với các chỉ số năng lực cạnh tranh được công bố, nhất là các chỉ số sụt giảm. Cơ quan, đơn vị nào không thực hiện nghiêm túc thì người đứng đầu sẽ bị phê bình, nhắc nhở và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.

- Ban Chỉ đạo tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Đề án năm 2013 của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; mỗi quý kiểm tra ít nhất 05 sở, ngành và 03 UBND cấp huyện.

- UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Đề án tại các bộ phận trực thuộc; mỗi quý kiểm tra ít nhất 05 đơn vị.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở nhiệm vụ nêu trên, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện từng nội dung cụ thể theo đúng thời gian đã giao trong Đề án.

2. Việc tổ chức thực hiện Đề án có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải kiên trì, quyết liệt, có sự phối hợp toàn diện của các cấp, các ngành trong toàn tỉnh. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị phải nghiêm túc triển khai thực hiện. Các tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở phối hợp giám sát, kiểm tra việc thực hiện ở cấp mình. Đề nghị HĐND tỉnh có chương trình giám sát việc thực hiện Đề án.

3. Giao Văn phòng UBND tỉnh làm đầu mối theo dõi, đôn đốc và tổng hợp tình hình thực hiện các nhiệm vụ của Đề án được phân công cho các sở, ban, ngành, địa phương, báo cáo UBND tỉnh và Ban chỉ đạo.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy (B/c);
- TT HĐND tỉnh (B/c);
- CPCT, CPVP;
- Các Sở, Ban, Ngành, Tổ chức Đoàn thể;
- UBND các huyện, thị, thành phố;
- IPA;
- CVNCTH;
- Đài PTTH Vĩnh Phúc; Báo Vĩnh Phúc; Cổng thông tin - giao tiếp điện tử Vĩnh Phúc;
- Lưu: VT; (H-70b)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phùng Quang Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 4003/KH-UBND tổ chức thực hiện Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2013 - 2015

  • Số hiệu: 4003/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 24/07/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Phùng Quang Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/07/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản