Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3961/KH-UBND

Lai Châu, ngày 21 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ Ở NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

Thực hiện Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ ở trên người trên địa bàn tỉnh Lai Châu, cụ thể:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát hiện sớm trường hợp bệnh Đậu mùa khỉ; xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong do bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phát hiện sớm trường hợp Đậu mùa khỉ ở người đầu tiên để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng.

- Tăng cường năng lực hệ thống giám sát, giám sát chủ động, phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ ở người tại các tuyến.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

- Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế về chủ động phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ; tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tất cả người dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung cho công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.

- Tùy tình hình thực tế, các đơn vị, địa phương có thể thành lập Ban chỉ đạo hoặc bổ sung nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ cho Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp. Ban Chỉ đạo các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong triển khai công tác phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án, tổ chức diễn tập theo các tình huống đáp ứng dịch, đảm bảo thích ứng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

- Tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.

- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ tuyến dưới. Ngành Y tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn các hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Song song với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

2. Công tác tuyên truyền

- Tăng cường truyền thông đến người dân và cộng đồng về phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ theo các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế, chú ý các nhóm đối tượng nguy cơ cao để vận động người dân chủ động, tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh.

- Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình bệnh Đậu mùa khỉ và các hoạt động phòng, chống; phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, khuyến cáo phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.

3. Công tác cách ly, giám sát, xử lý dịch

- Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống giám sát, bao gồm việc bố trí đủ, ổn định và nâng cao năng lực của các cán bộ y tế tham gia hệ thống, các quy trình, biểu mẫu thực hiện, phương tiện sử dụng phục vụ hoạt động giám sát bệnh từ tỉnh đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, điều tra, khoanh vùng thần tốc, chính xác, đúng diện và xử lý kịp thời dịch bệnh, không để dịch lan rộng. Chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng các trang thiết bị, vật tư, hóa chất xử lý dịch.

- Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình bệnh bệnh Đậu mùa khỉ trên thế giới, trong khu vực và trong nước.

- Tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm phát hiện sớm, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp ngay từ đầu, hạn chế việc xâm nhập, phát tán nguồn truyền nhiễm ra cộng đồng.

- Phát huy hiệu quả sự vào cuộc của các lực lượng đoàn thể, chính quyền cấp xã (Công an, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng thôn/bản…), mạng lưới y tế cơ sở, y tế cơ quan, y tế trường học, y tế tư nhân, đặc biệt mạng lưới nhân viên y tế thôn bản trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh để tổ chức xử lý dịch triệt để và huy động hiệu quả sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch.

- Thực hiện nghiêm công tác cách ly, điều trị, theo dõi sức khỏe phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ đối với người bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh và các trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.

4. Công tác thu dung, điều trị bệnh nhân

- Tăng cường năng lực theo dõi, quản lý, điều trị các tuyến, nâng cao năng lực theo dõi, quản lý điều trị tại tuyến cơ sở để hạn chế tỷ lệ bệnh nhân nặng. Tổ chức phân luồng, phân tuyến điều trị, thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo. Rà soát, củng cố năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh thông thường và điều trị, hồi sức tích cực trong tình hình dịch chồng dịch (COVID-19, Đậu mùa khỉ…).

- Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở điều trị và đơn vị dự phòng trong việc chia sẻ thông tin, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và phản hồi kết quả kịp thời.

- Củng cố, kiện toàn các đội đáp ứng nhanh/tổ cấp cứu, điều trị lưu động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi phát hiện ca mắc tại cộng đồng hay cơ sở y tế khi có yêu cầu.

- Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, phương tiện chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh nhân để giảm tử vong do bệnh dịch.

- Huy động sự tham gia của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia công tác quản lý, thu dung, điều trị người mắc bệnh Đậu mùa khỉ trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, lây lan rộng trong cộng đồng.

5. Công tác xét nghiệm

- Giai đoạn đầu, lấy mẫu và gửi mẫu về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khi có các trường hợp nghi ngờ.

- Tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh, hướng dẫn của Bộ Y tế để thực hiện việc triển khai, củng cố và nâng cao năng lực xét nghiệm, đặc biệt năng lực thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các đơn vị liên quan để chủ động triển khai giám sát dịch bệnh theo quy định.

6. Công tác đào tạo tập huấn

- Tổ chức tập huấn cho Ban chỉ đạo, các đơn vị liên quan các cấp, các ngành về những văn bản pháp luật trong công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.

- Tập huấn, cập nhật các kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tham gia công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn (bao gồm cả y tế tại các cơ quan, đơn vị, trường học, y tế tư nhân sẽ huy động khi cần thiết).

- Hướng dẫn cho đội ngũ cộng tác viên, nhân viên y tế thôn bản những kiến thức trong giám sát, phát hiện bệnh Đậu mùa khỉ; công tác khai báo, thông tin và báo cáo, trang bị kỹ năng truyền thông phòng, chống dịch cho cộng đồng.

- Thường xuyên cập nhật các quy định, quy trình, hướng dẫn về giám sát, xử lý dịch, chẩn đoán, phác đồ điều trị bệnh Đậu mùa khỉ và triển khai tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế.

7. Sẵn sàng nguồn lực

- Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, hóa chất, thuốc, vật tư… cho công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Xây dựng kinh phí đảm bảo hỗ trợ các lực lượng tham gia đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn.

8. Phối hợp liên ngành

- Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành trong công tác giám sát, quản lý người nhập cảnh theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, Sở Y tế.

- Các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương và các đơn vị liên quan chủ động triển khai công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ; phối hợp giám sát chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, Sở Y tế.

9. Tăng cường kiểm tra, giám sát

- Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ, thông báo dịch, kiểm dịch y tế biên giới trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, hội chẩn kỹ thuật cho các bệnh viện về phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, cách ly, triển khai các biện pháp phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

10. Thông tin báo cáo

- Các thành viên Ban chỉ đạo và các sở, ban, ngành triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ chủ động báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ với UBND tỉnh (qua Sở Y tế). Các thành viên Ban chỉ đạo có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch theo nhiệm vụ được phân công.

- Sở Y tế thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế và các văn bản hướng dẫn khác liên quan.

III. KINH PHÍ

- Từ nguồn kinh phí các chương trình mục tiêu y tế - dân số và các nguồn hợp pháp khác.

- Nguồn ngân sách địa phương được đảm bảo để chủ động phòng, chống dịch bệnh và các tình huống dịch bệnh xảy ra trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành chức năng liên quan.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh: Tổ chức họp định kỳ, họp đột xuất (khi cần thiết), nắm bắt thông tin về diễn biến của dịch để có chỉ đạo kịp thời.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch/phương án/kịch bản đáp ứng, tổ chức diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch: Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các lực lượng giám sát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh tại các cửa khẩu; giám sát chặt chẽ dịch tại cộng đồng, cơ sở y tế để kịp thời phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát.

- Các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện nghiêm việc phân luồng, kiểm soát người ra vào, đảm bảo công tác phòng hộ cho nhân viên y tế, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế chuẩn bị các khu cách ly, khu điều trị khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, ca mắc bệnh Đậu mùa khỉ. Sẵn sàng giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị cũng như nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân kịp thời.

- Khi có dịch bệnh xảy ra và có nguy cơ lây lan ra cộng đồng, Sở Y tế chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phương án chi tiết phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ theo từng cấp độ dịch; đề xuất các biện pháp can thiệp cụ thể, kinh phí, hóa chất, vật tư... với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong ở mức thấp nhất.

- Phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ kịp thời, hiệu quả và đầy đủ.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí địa phương và các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện khai báo, các biện pháp phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ khi phát hiện và thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh.

- Báo cáo UBND tỉnh khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, ca mắc bệnh Đậu mùa khỉ, các biện pháp chỉ đạo triển khai, hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.

- Kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ tại các đơn vị, địa phương.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các cơ quan liên quan trong việc giám sát, phòng, chống dịch bệnh từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ lây nhiễm cao với bệnh Đậu mùa khỉ.

- Kịp thời chia sẻ thông tin với ngành Y tế và chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức tập huấn và thực hiện công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ cho cán bộ, nhân viên nhất là các hướng dẫn viên du lịch; chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các phương án, điều kiện về công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ khi đón khách du lịch đến lưu trú nhất là khách quốc tế.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thông báo kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Đậu mùa khỉ và hành trình của các đoàn khách đến từ vùng có dịch cho cơ quan y tế địa phương để ngành Y tế chỉ đạo phối hợp giám sát và tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.

- Chỉ đạo các khách sạn tổ chức tiếp nhận và cách ly y tế đúng quy định đối với người nghi ngờ mắc bệnh Đậu mùa khỉ, thường xuyên liên hệ và báo cáo với y tế địa phương đế giám sát sức khỏe.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình bệnh Đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân chủ động, tích cực thực hiện phòng, chống, tránh gây hoang mang cho người dân trong công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.

5. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp cùng Sở Y tế và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.

- Hướng dẫn các địa phương xây dựng kinh phí phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ theo quy định.

6. Sở Ngoại vụ

- Phối hợp với ngành Y tế quản lý các trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ có yếu tố nước ngoài theo quy định.

- Phổ biến, tuyên truyền phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ đối với người nước ngoài cư trú/lưu trú trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Bảo đảm công tác an sinh xã hội cho những người trong khu vực có dịch bệnh, tham mưu hỗ trợ kịp thời đối với trường hợp tử vong do bệnh dịch theo quy định.

- Tuyên truyền, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ cho các đơn vị thuộc đối tượng quản lý của ngành.

8. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

- Triển khai các biện pháp, hoạt động phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ đến tất cả các doanh nghiệp có hoạt động giao thương với nước bạn Trung Quốc.

- Xây dựng các phương án, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh nhập cảnh qua Cửa khẩu Ma Lù Thàng và tại các khu vực trong phạm vi quản lý.

9. Công an tỉnh

- Cung cấp cho ngành Y tế thông tin về các trường hợp nhập cảnh từ các vùng có dịch trở về Việt Nam và lưu trú trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan y tế trên địa bàn quản lý các trường hợp nhập cảnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

- Tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không đúng về tình hình dịch bệnh gây hoang mang trong cộng đồng và các trường hợp không tuân thủ các biện pháp phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.

10. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.

- Sẵn sàng phương án triển khai khu vực cách ly và bệnh viện dã chiến chi viện cho ngành Y tế khi có yêu cầu.

11. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Phối hợp với ngành Y tế trong công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu, khu vực biên giới.

- Hướng dẫn người nhập cảnh thực hiện khai báo theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn nhập cảnh trái phép người và động vật vào địa phương, đảm bảo trật tự an ninh tại khu vực biên giới.

12. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu

Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan thường xuyên và ưu tiên đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ, thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến dịch và công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

13. Các sở, ban, ngành khác

Phối hợp với ngành Y tế trong công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

- Phối hợp với ngành Y tế và các sở, ban, ngành, địa phương để hướng dẫn các tổ chức thành viên triển khai công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.

- Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ và tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng.

- Tổ chức huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh khi cần thiết.

15. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Căn cứ điều kiện thực tế, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo hoặc bổ sung nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ cho Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và giao phụ trách đến từng thôn, bản, tổ dân phố.

- UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tổ chức chỉ đạo triển khai, phối hợp công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn quản lý.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động đáp ứng phòng, chống dịch trên địa bàn huyện, thành phố.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ; Chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cấp xã và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý kịp thời không để dịch bùng phát, lan rộng tại cộng đồng.

- Xây dựng và bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ theo quy định hiện hành.

- Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông để nhân dân biết cách tự phòng bệnh, chủ động khai báo khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, đến các cơ sở y tế khi có triệu chứng và tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ tại cộng đồng.

- Thực hiện quản lý, kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ tại các địa phương.

Căn cứ nội dung Kế hoạch này, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai, thực hiện. Kế hoạch này sẽ được cập nhật và điều chỉnh thường xuyên, kịp thời để đáp ứng hiệu quả với diễn biến của tình hình bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế; (b/c)
- TT: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; (b/c)
- UBND tỉnh: U;
- Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế;
- Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VP UBND tỉnh: V, C, CB, HC;
- Lưu: VT, VX1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Thanh Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3961/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ ở trên người trên địa bàn tỉnh Lai Châu

  • Số hiệu: 3961/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 21/10/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Người ký: Tống Thanh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản