Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 02 tháng 02 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THU HÚT CÁC DOANH NGHIỆP CUNG CẤP NƯỚC SẠCH QUY MÔ LỚN VÀO ĐẦU TƯ KHU VỰC NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2017-2025

Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;

Căn cứ Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020; Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn;

Căn cứ Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 27/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 37/2014/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 31/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013; Thông tư số 76/2017/TT-BTC ngày 26/7/2017 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung;

Căn cứ Nghị quyết số 136/2016/NQ-HĐND ngày 22/8/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng về việc điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 25/8/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành quy định điều kiện, tiêu chí lựa chọn các tổ chức, cá nhân thực hiện Chương trình đầu tư, cải tạo, mở rộng dự án cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Căn cứ Thông báo số 11/TB-TU ngày 07/01/2016 của Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng;

Căn cứ Thông báo số 182/TB-HĐND ngày 19/12/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố về Kết luận của đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, Chủ tọa kỳ họp về nội dung chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố khóa XV.

Căn cứ Công văn số 9129/UBND-TH ngày 22/12/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện các nội dung cam kết và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố khóa XV,

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ CÁC NHÀ MÁY CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2003 ĐẾN NĂM 2016

1. Kết quả đạt được

Trong giai đoạn 2003 đến năm 2016 Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố, các ngành và các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, bố trí huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy cấp nước sạch nông thôn tập trung.

Hiện nay, toàn thành phố hiện có 215 nhà máy đang cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn trong đó:

- 205 Nhà máy được xây dựng theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và Nghị quyết số 51/2003/HĐNDTP của Hội đồng nhân dân thành phố Khóa XII (nhiệm kỳ 1999-2004) về Chương trình nước sạch nông thôn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2003 đến 2010; Theo Hồ sơ của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường cung cấp, toàn thành phố có 205 nhà máy nước sạch nông thôn. Kết quả kiểm tra thực tế có 45 nhà máy được ghép với các nhà máy khác. Vì vậy, thực tế 205 nhà máy được ghép thành 160 trạm cấp nước tập trung.

- 10 Nhà máy nước đô thị (Công ty Cổ phần cấp nước Hải Phòng có 07 nhà máy; Công ty Cổ phần cấp nước số 2 Hải Phòng có 01 nhà máy; Công ty Cổ phần Cấp nước xây dựng Hải Phòng có 02 nhà máy) và 01 Nhà máy xây dựng theo Chương trình hỗ trợ của Chính phủ Phần Lan cũng tham gia cấp nước sạch bổ sung cho khu vực nông thôn. Chất lượng nước từ 10 Nhà máy đều đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN01:2009/BYT, cung cấp bổ sung cho 57 xã và thị trấn khu vực nông thôn Hải Phòng (An Dương có 13 xã và thị trấn; An Lão có 8 xã và thị trấn; Kiến Thụy có 03 xã; Vĩnh Bảo có 9 xã và thị trấn; Cát Hải có 05 xã và thị trấn; Tiên Lãng có 01 thị trấn; Thủy Nguyên có 18 xã và thị trấn).

- Các nhà máy nước nông thôn đã góp phần hoàn thành cơ bản các mục tiêu cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố. Đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,6%, trong đó nước sạch đạt QCVN02:2009/BYT trở lên là 71,7% (QCVN02:2009/BYT là 47,8%, QCVN01:2009/BYT là 23,9%). Các chỉ tiêu đạt được đều vượt chỉ tiêu chung toàn quốc (khoảng 1,3 lần).

- Hiện nay, có một số doanh nghiệp đã chủ động đầu tư, nâng cấp, mở rộng địa bàn cấp nước nông thôn như: Công ty Cổ phần cấp nước Hải Phòng; Công ty Cổ phần cấp nước số 2 Hải Phòng; Công ty Cổ phần cấp nước xây dựng Hải Phòng, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thống Nhất, Công ty Cổ phần Môi trường nước sạch Đại Dương...với số vốn hàng trăm tỷ đồng.

2. Những tồn tại, hạn chế

- Nguồn nước cung cấp nước sạch nông thôn chủ yếu từ các công trình thủy lợi nên còn bị ảnh hưởng nhiều bởi tính thời vụ của sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt vào thời kỳ tháo ải, vào các tháng mùa khô, nguồn nước cấp cho các nhà máy nước sạch nông thôn còn khó khăn cả về chất lượng và trữ lượng nước đầu vào.

- Các nhà đầu tư khi tiến hành khảo sát vùng phục vụ nước sạch nông thôn đã gặp nhiều khó khăn do quy định tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch trong đó quy định “một đơn vị cấp nước có thể có một hoặc nhiều vùng phục vụ cấp nước khác nhau, mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước”. Do đó, các nhà đầu tư mới rất khó tiếp cận các thị trường đã có nhà đầu tư cũ.

- Các công trình cấp nước sạch nông thôn cần nguồn vốn lớn, thời gian triển khai và thời gian thu hồi vốn kéo dài.

- Thành phố đã có những chính sách thu hút đầu tư, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn chưa được tiếp cận để được hưởng ưu đãi theo quy định.

Như vậy, việc xây dựng xây dựng Kế hoạch thu hút các doanh nghiệp cung cấp nước sạch quy mô lớn vào đầu tư khu vực nông thôn giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn thành phố là cần thiết.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH THU HÚT CÁC DOANH NGHIỆP CUNG CẤP NƯỚC SẠCH QUY MÔ LỚN ĐẦU TƯ VÀO KHU VỰC NÔNG THÔN

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát

- Các hộ dân nông thôn trên địa bàn thành phố được cung cấp nước sinh hoạt có chất lượng như nước sinh hoạt đô thị vào năm 2020, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Thu hút các doanh nghiệp cung cấp nước sạch quy mô lớn đầu tư vào khu vực nông thôn đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí đã được Ủy ban nhân dân thành phố quy định tại Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 25/8/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Phù hợp với định hướng cấp nước nông thôn giai đoạn 2018-2025, hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở khai thác tối đa các nguồn lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch với chất lượng đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, phải đảm bảo khai thác sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Phân vùng cấp nước và giải pháp cấp nước cho từng khu vực, xác định vị trí, quy mô công suất các công trình đầu mối, các cụm công trình cấp nước đầu mối;

- Thu hút các doanh nghiệp tư cung cấp nước sạch quy mô lớn đầu tư vào khu vực nông thôn để đạt mục tiêu:

- Phân vùng cấp nước và giải pháp cấp nước cho từng khu vực, xác định vị trí, quy mô công suất các công trình đầu mối, các cụm công trình cấp nước đầu mối;

- Thu hút các doanh nghiệp tư cung cấp nước sạch quy mô lớn đầu tư vào khu vực nông thôn để đạt mục tiêu:

+ Đến năm 2020 đạt 100% người dân nông thôn được được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn nước sạch đô thị (QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế) với tiêu chuẩn cấp nước tính theo đầu người đạt 60 lít/người/ngày.

+ Đến năm 2025 người dân nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt theo QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế với tiêu chuẩn cấp nước tính theo đầu người đạt 150 lít/người/ngày.

2. Phạm vi các dự án thu hút đầu tư

Các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sạch nông thôn đảm bảo các điều kiện tiêu chí lựa chọn các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án cấp nước sạch nông thôn tại Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 25/8/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2018 đến 2025

4. Các giải pháp thực hiện

4.1. Giải pháp về tuyên truyền

- Tổ chức tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tích cực sử dụng các nguồn nước sạch; nâng cao nhận thức về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trách nhiệm bảo vệ nguồn nước và bảo vệ sức khỏe.

- Các hoạt động thông tin, giáo dục, tuyên truyền phải được thực hiện ở tất cả các cấp từ huyện đến các làng xã thôn xóm, bao gồm những thông tin về sức khỏe vệ sinh môi trường, các mô hình cấp nước và vệ sinh, các hệ thống hỗ trợ tài chính và nỗ lực cộng đồng.

- Thực hiện đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền về Chương trình nước sạch nông thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử thành phố, hệ thống thông tin cơ sở, các hình thức cổ động trực quan khác.

4.2. Giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước đầu vào

- Tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Tập trung xử lý những vi phạm pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước.

- Thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đặc biệt các nguồn nước cung cấp chủ yếu cho các nhà máy nước sạch nông thôn như: sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc, Kênh trục I, II Tiên Lãng.

- Xây dựng các trạm quan trắc cố định, quan trắc định kì, thường xuyên thông báo các thông tin, dữ liệu chính về chất lượng các nguồn nước trên địa bàn thành phố.

- Rà soát, quy định, phân công, phân cấp cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể đối với từng Sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị trong việc quản lý nguồn nước ngọt trên địa bàn thành phố.

4.3. Giải pháp công trình và cấp nước an toàn

- Rà soát, đánh giá chi tiết, thực trạng các công trình, hệ thống cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố, phân loại công trình đủ hoặc không đủ điều kiện nâng cấp, mở rộng; xây dựng cụm công trình cấp nước tập trung đáp ứng được điều kiện, tiêu chí quy định tại Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 25/8/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Xây dựng danh mục các dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng cấp nước sạch nông thôn.

- Xây dựng và thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn

4.4. Giải pháp về khoa học công nghệ

- Tăng cường nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ứng dụng trong hoạt động cấp nước sinh hoạt.

- Tiếp nhận các công nghệ xử lý nước, các thiết bị cấp nước tiên tiến, hiện đại.

- Quản lý thông qua các hệ thống quan trắc tự động phối hợp với thanh tra, kiểm tra đột xuất. Đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ phục vụ kiểm tra, giám sát nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực cấp nước sinh hoạt.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn về công nghệ xử lý nước hiện đại cho nhân lực tại các đơn vị cấp nước.

4.5. Cơ chế khuyến khích và thu hút đầu tư

a) Cơ chế xử lý đối với các nhà máy không đủ điều kiện, tiêu chí nâng cấp, mở rộng theo quy định

- Tổ chức định giá tài sản các nhà máy nước không đủ điều kiện, tiêu chí nâng cấp, mở rộng theo quy định.

- Vận động các đơn vị quản lý các nhà máy nước không đủ điều kiện, tiêu chí nâng cấp, mở rộng hợp tác (góp vốn hoặc chuyển nhượng) với nhà đầu tư mới đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí quy định tại Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 25/8/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố

b) Cơ chế khuyến khích và thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp cung cấp nước sạch quy mô lớn đủ điều kiện vào đầu tư khu vực nông thôn

- Ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp nước sạch quy mô lớn vào đầu tư khu vực nông thôn với các nội dung sau:

+ Hỗ trợ về đất đai: Được miễn tiền sử dụng đất, hoặc được cho thuê đất và được miễn tiền sử dụng đất xây dựng trạm cấp nước theo quy định.

+ Hỗ trợ chi trả 100% lãi suất vốn vay ưu đãi cho lĩnh vực ưu tiên (do Ngân hàng Nhà nước công bố) với mức tối đa không quá 70% vốn vay để doanh nghiệp thực hiện đầu tư, cải tạo, mở rộng Dự án cấp nước sạch nông thôn, thời gian hỗ trợ chi trả lãi suất theo thời gian trả nợ của khoản vay và không quá 10 năm; Dự án phải đảm bảo chất lượng nước cung cấp đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống theo QCVN01:2009/BYT của Bộ Y tế.

- Đảm bảo cạnh tranh trong kinh doanh nước sạch nông thôn. Ưu tiên các hệ thống quy mô lớn, bền vững, công nghệ hiện đại, chất lượng nước tốt, giá thành hợp lý.

- Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn nhằm đối phó với các sự cố bất thường và các nguy cơ, rủi ro có thể xảy trong quá trình sản xuất, cung cấp nước sạch từ nguồn đến khách hàng sử dụng nước.

5. Tổ chức thực hiện

5.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Rà soát, đánh giá chi tiết, thực trạng các công trình, hệ thống cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố, phân loại công trình đủ hoặc không đủ điều kiện nâng cấp, mở rộng; xây dựng cụm công trình cấp nước tập trung đáp ứng được điều kiện, tiêu chí quy định tại Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 25/8/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố (thực hiện trong năm 2017).

- Tổ chức xác định giá trị còn lại thực tế các nhà máy nước không đủ điều kiện, tiêu chí nâng cấp, mở rộng (không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất) theo quy định.

- Đề xuất các cụm công trình cấp nước tập trung đáp ứng được điều kiện, tiêu chí quy định tại Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 25/8/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Chủ trì hướng dẫn các chủ đầu tư lập hồ sơ, tổ chức thẩm định đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng.

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành hướng dẫn tạo sự đồng thuận giữa các doanh nghiệp trong việc xác định tài sản, bàn giao, tiếp nhận các nhà máy nước sạch nông thôn không đủ điều kiện, tiêu chí nâng cấp, mở rộng.

- Đầu tư hệ thống, thiết bị quản lý giám sát chất lượng nước; mua sắm trang thiết bị và các hoạt động phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng nước, điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh nước sạch nông thôn.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có nguồn thải gây ô nhiễm xả vào các nguồn nước ngọt trong công trình thủy lợi; tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng nước của các nhà máy cấp nước sinh hoạt nông thôn.

- Chủ trì xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn.

5.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì hướng dẫn lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các dự án cấp nước sạch nông thôn trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch.

5.3. Sở Tài chính

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan xác định giá trị tài sản còn lại của các nhà máy nước không đủ điều kiện, tiêu chí nâng cấp, mở rộng;

- Chủ trì thẩm định giá trị còn lại thực tế các nhà máy nước không đủ điều kiện, tiêu chí nâng cấp, mở rộng theo quy định.

- Hướng dẫn về trình tự, thủ tục hỗ trợ chi trả lãi suất vốn vay, hạn mức vay được hỗ trợ lãi suất và trình tự, thủ tục hỗ trợ chi trả lãi suất vốn vay đối với các doanh nghiệp đầu tư xây mới, nâng cấp mở rộng theo quy định.

5.4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các thủ tục, hồ sơ môi trường, khai thác và sử dụng nguồn nước theo quy định hiện hành;

- Đôn đốc các cơ sở lập hồ sơ xin khai thác nước mặt; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi;

- Kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất của các nhà máy cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố, đề xuất báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xử lý đất đối với các nhà máy nước không đủ điều kiện nâng cấp, mở rộng;

5.5. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất chất lượng nước tại các nhà máy nước, hệ thống cấp nước sạch nông thôn; đề xuất các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật những trường hợp không đảm bảo tiêu chuẩn vi phạm về an toàn vệ sinh, chất lượng nước cấp cho người dân trong quá trình thực hiện.

5.6. Sở Xây dựng

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố theo quy định.

5.7. Sở Thông tin và Truyền thông

Tổ chức tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tích cực sử dụng các nguồn nước sạch; nâng cao nhận thức về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trách nhiệm bảo vệ nguồn nước và bảo vệ sức khỏe.

5.8. Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư các công trình cấp nước về công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường về đất xây dựng công trình.

- Thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát chất lượng nước đối với các đơn vị cấp nước trên địa bàn theo quy định.

- Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan đề xuất các cụm công trình cấp nước tập trung đáp ứng được điều kiện, tiêu chí quy định tại Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 25/8/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố; kiểm tra, giám sát giám sát chất lượng nước đối với các đơn vị đơn vị cấp nước trên địa bàn.

- Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước sạch, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn nước.

5.9. Ủy ban nhân dân cấp xã

- Thỏa thuận, chấm dứt, điều chỉnh hợp đồng cung cấp nước; điều chuyển địa bàn phục vụ đối với các nhà máy nước xây mới, cải tạo, nâng cấp.

- Chỉ đạo các đơn vị cấp nước sinh hoạt trôn địa bàn:

+ Dừng việc nâng cấp, cải tạo, mở rộng các nhà nhà máy đối với các nhà máy không đủ điều kiện nâng cấp.

+ Bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn theo quy hoạch cấp nước đã được phê duyệt phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch nông thôn mới.

+ Phối hợp với các đơn vị trong quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để tổ chức thực hiện dự án cấp nước sạch nông thôn theo đúng quy định của nhà nước.

5.10. Trách nhiệm chủ đầu tư

- Điều tra, khảo sát lập chủ trương đầu tư dự án xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cấp nước sạch nông thôn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định chủ trương đầu tư.

- Lập hồ sơ xây mới, nâng cấp, mở rộng các công trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định theo quy định trước khi phê duyệt dự án đầu tư.

- Lập hồ sơ đề nghị vay vốn thực hiện chuyển đổi, xây mới, nâng cấp, mở rộng các công trình, hệ thống cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố theo quy định.

Trong quá trình thực hiện nếu có nội dung, nhiệm vụ không phù hợp, phát sinh các nội dung khác hoặc vướng mắc, đề nghị các Sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất ý kiến gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

 

 

Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND thành phố;
- CT, các PCT UBND thành phố;
- Các Sở NN&PTNT, KHĐT, TC, TN&MT, XD, YT, TT&TT;
- UBND các huyện;
- Các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi;
- Đài PTTHHP, Báo HP, ANHP;
- Cổng Thông tin điện tử TP;
- CVP, PCVP Bùi Bá Sơn;
- Các phòng NNTNMT, KTGSTĐKT;
- CV: MT,TL, NN;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 38/KH-UBND năm 2018 về thu hút doanh nghiệp cung cấp nước sạch quy mô lớn vào đầu tư khu vực nông thôn giai đoạn 2017-2025 do thành phố Hải Phòng ban hành

  • Số hiệu: 38/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 02/02/2018
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Phạm Văn Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/02/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản