Hệ thống pháp luật

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3532/KH-BHXH

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, CÔNG TÁC THU VÀ KHAI THÁC, PHÁT TRIỂN NGƯỜI THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ PHÙ HỢP VỚI CẤP ĐỘ DỊCH BỆNH VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ QUYẾT SỐ 128/NQ-CP NGÀY 11/10/2021 CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ), để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao năm 2021, từng giai đoạn và mục tiêu theo lộ trình tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch về thực hiện nhiệm vụ công tác thu và phát triển người tham gia năm 2021 và từ năm 2022 đảm bảo phù hợp với cấp độ dịch và các hoạt động quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Thực hiện các nhiệm vụ, công tác về các giải pháp thu và khai thác, phát triển người tham gia BHXH (BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện), bảo hiểm y tế (BHYT) theo Kế hoạch số 2800/KH-BHXH ngày 06/9/2021 của BHXH Việt Nam trong năm 2021 và từ năm 2022 trở đi phù hợp với cấp độ dịch và các hoạt động quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch và nhiệm vụ được giao hằng năm và mục tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT theo lộ trình tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

2. Chuyển đổi nhanh, kịp thời trạng thái để thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ công tác thu, khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; thực hiện ngay việc điều phối, phân luồng những nhiệm vụ cần tập trung lực lượng công chức, viên chức trực tiếp, dịch vụ Công, hoặc điện tử, trực tuyến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố thay đổi cấp độ dịch bệnh theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế để thực hiện công tác thu, khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

3. Phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh), Giám đốc BHXH quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) trong việc phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất tổ chức, cá nhân có thẩm quyền các giải pháp về cung cầu lao động, giải pháp để người lao động (từ vùng dịch về quê thời gian qua) sớm quay trở lại khôi phục thị trường lao động nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội để từ đó gắn với khôi phục, phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT.

II. MỤC TIÊU

1. Đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch phát triển đối tượng, người tham gia BHXH, BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm, từng giai đoạn và mục tiêu theo lộ trình tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

2. Đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch số tiền thu BHXH, BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm, từng giai đoạn; chỉ tiêu, kế hoạch giảm nợ (chậm đóng) BHXH, BHYT được BHXH Việt Nam giao.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc

1.1. Đôn đốc thu

a) Đối với địa bàn, khu vực ở cấp độ dịch Cấp 1, Cấp 2 theo công bố của cơ quan có thẩm quyền và quyết định các biện pháp hành chính của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố

- Đối với đơn vị đang tham gia:

Kết xuất dữ liệu trên phần mềm Quản lý Thu - sổ, thẻ, phân loại đơn vị nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo thời gian nợ, thực hiện như sau:

+ Đơn vị nợ dưới 01 tháng: liên hệ qua điện thoại, zalo, email, gửi thông báo, tài liệu tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm của đơn vị trong việc đóng BHXH, BHYT, BHTN, các quy định liên quan đến việc phạt nộp chậm, xử lý đối với đơn vị nợ..., làm việc trực tiếp với đơn vị để đôn đốc đơn vị nộp tiền đóng kịp thời, không để phát sinh lãi chậm đóng.

+ Đơn vị nợ từ 01 đến dưới 03 tháng: trực tiếp đến đơn vị để đôn đốc, nhắc nhở, phổ biến, gửi tài liệu tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm của đơn vị trong việc đóng BHXH, BHYT, BHTN, các quy định liên quan đến việc phạt nộp chậm, xử lý trách nhiệm đối với đơn vị nợ,...; lập Biên bản làm việc yêu cầu đơn vị nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN kịp thời cho người lao động (Mẫu D04h-TS theo Quyết định số 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 của BHXH Việt Nam).

+ Đơn vị nợ từ 03 tháng trở lên: tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất đối với tất cả các đơn vị.

+ Đề xuất UBND tỉnh, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị nợ lớn, kéo dài.

+ Thực hiện xử phạt hành chính theo từng hành vi vi phạm; lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý hình sự đối với các đơn vị vi phạm theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.

+ Định kỳ hằng tháng báo cáo UBND tỉnh và các ngành chức năng các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời công khai danh tính các đơn vị này trên các phương tiện truyền thông.

- Đối với đơn vị đang thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Thường xuyên đôn đốc đơn vị đóng đầy đủ các quỹ ốm đau, thai sản, quỹ BHTN, BHYT và đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất khi hết thời hạn tạm dừng đóng theo quy định, không để phát sinh nợ.

- Đối với đơn vị giải thể, phá sản, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh: Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án, kế hoạch và đầu tư và các cơ quan liên quan đề xuất ưu tiên đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động để giải quyết quyền lợi hưởng chế độ cho người lao động từ nguồn kinh phí thanh lý tài sản.

- Đối với đơn vị chỉ tham gia BHYT từ nguồn ngân sách đóng: Hằng quý, thực hiện đối chiếu, gửi Bảng tổng hợp đối tượng và kinh phí do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT (Mẫu số 1 ban hành kèm theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ), Bảng tổng hợp đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, ngân sách nhà nước hỗ trợ (Mẫu B09-TS theo Quyết định số 505/QĐ-BHXH) đến cơ quan tài chính các cấp, cơ quan quản lý đối tượng tham gia BHYT để đôn đốc, yêu cầu chuyển tiền ngân sách đóng, hỗ trợ đóng BHXH, BHYT cho các đối tượng đảm bảo kịp thời, không để phát sinh nợ.

b) Đối với địa bàn khu vực ở cấp độ dịch ở mức Cấp 3 theo công bố của cơ quan có thẩm quyền và quyết định các biện pháp hành chính của UBND tỉnh, thành phố: thực hiện các hoạt động như tiết a điểm này, nhưng cần bố trí, phân công công chức, viên chức thực hiện các hoạt động nhiệm vụ trực tiếp đảm bảo phù hợp về số người, thời gian, không gian, địa điểm theo đúng quy định của Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố, kết hợp với thực hiện các nhiệm vụ theo hướng dẫn tại Quyết định số 688/QĐ-BHXH ngày 12/7/2021 của BHXH Việt Nam.

c) Đối với địa bàn khu vực ở cấp độ dịch Cấp 4 và quyết định các biện pháp hành chính của UBND tỉnh, thành phố

- Đối với đơn vị đang tham gia:

+ Đơn vị nợ dưới 01 tháng: liên hệ qua điện thoại, zalo, email, gửi thông báo, tài liệu tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm của đơn vị trong việc đóng BHXH, BHYT, BHTN, các quy định liên quan đến việc phạt nộp chậm, xử lý đối với đơn vị nợ, ..., đến tất cả đơn vị sử dụng lao động chưa đóng hoặc đóng thiếu BHXH, BHYT, BHTN qua dịch vụ công ích để đôn đốc đơn vị nộp tiền đóng kịp thời, không để phát sinh lãi chậm đóng.

+ Đơn vị nợ từ 01 đến dưới 03 tháng: Thực hiện việc đôn đốc, trao đổi, tiếp nhận thông tin phản hồi của đơn vị bằng các hình thức trực tuyến qua điện thoại, zalo, email, facebook, ..., đảm bảo thực hiện đầy đủ các công việc như đã nêu ở tiết a điểm 1.1 nêu trên; lập Biên bản làm việc yêu cầu đơn vị nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN kịp thời cho người lao động (Mẫu D04h-TS theo Quyết định số 505/QĐ-BHXH) gửi nhận văn bản qua dịch vụ công ích.

+ Đơn vị nợ từ 03 tháng trở lên: Thực hiện gửi văn bản đến tất cả đơn vị và yêu cầu đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (kèm theo mẫu 03 ban hành kèm theo quyết định 688/QĐ-BHXH ngày 12/7/2021 của BHXH Việt Nam) qua dịch vụ công ích.

Trường hợp đơn vị cố tình không nộp BHXH, BHYT, BHTN theo quy định, căn cứ yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19, BHXH tỉnh linh hoạt triển khai việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đóng đối với đơn vị nợ đóng bằng phương pháp kết hợp giữa thanh tra, kiểm tra trực tiếp và thanh tra, kiểm tra theo hình thức khác theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Thực hiện xử phạt hành chính theo từng hành vi vi phạm; lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý hình sự đối với các đơn vị vi phạm theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.

+ Định kỳ hằng tháng báo cáo UBND tỉnh và các ngành chức năng các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời công khai danh tính các đơn vị này trên các phương tiện truyền thông.

- Đối với đơn vị đang thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Thường xuyên đôn đốc, trao đổi, tiếp nhận thông tin phản hồi của đơn vị bằng các hình thức trực tuyến qua điện thoại, zalo, email, facebook, ... yêu cầu đơn vị đóng đầy đủ các quỹ ốm đau, thai sản, quỹ BHTN, BHYT và đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất khi hết thời hạn tạm dừng đóng theo quy định, không để phát sinh nợ.

- Đối với đơn vị giải thể, phá sản, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh: Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án, kế hoạch và đầu tư và các cơ quan liên quan đề xuất ưu tiên đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động để giải quyết quyền lợi hưởng chế độ cho người lao động từ nguồn kinh phí thanh lý tài sản.

- Đối với đơn vị chỉ tham gia BHYT từ nguồn ngân sách đóng: Thực hiện trao đổi qua điện thoại, zalo, email, facebook, ..., hằng quý gửi Bảng tổng hợp đối tượng và kinh phí do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT (Mẫu số 1 ban hành kèm theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP), Bảng tổng hợp đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, ngân sách nhà nước hỗ trợ (Mẫu B09-TS ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam) đến cơ quan tài chính các cấp, cơ quan quản lý đối tượng tham gia BHYT thông qua dịch vụ công ích để đôn đốc, yêu cầu chuyển tiền ngân sách đóng, hỗ trợ đóng BHXH, BHYT cho các đối tượng đảm bảo kịp thời, không để phát sinh nợ.

1.2. Phát triển người tham gia

a) Đối với địa bàn, khu vực ở cấp độ dịch Cấp 1, Cấp 2 theo công bố của cơ quan có thẩm quyền và quyết định các biện pháp hành chính của UBND tỉnh, thành phố

- Rà soát, điều tra dữ liệu người lao động quyết toán thuế thu nhập cá nhân do cơ quan Thuế cung cấp đảm bảo phấn đấu hoàn thành số lượng điều tra, rà soát, cụ thể:

+ Kết xuất dữ liệu trên phần mềm Quản lý thu - sổ, thẻ, phân loại, lập danh sách đơn vị chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (mẫu D04a-TS, mẫu D04b-TS theo Quyết định số 505/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam) cho người lao động.

+ Gửi thông báo kèm danh sách người chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN, tài liệu tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm của đơn vị trong việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, các quy định liên quan đến việc xử phạt nộp chậm, xử phạt vi phạm đối với đơn vị nợ... đến tất cả đơn vị sử dụng lao động chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

+ Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức làm việc với đơn vị; lập Biên bản làm việc (Mẫu số D04h-TS) yêu cầu đơn vị thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

+ Tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN đột xuất đối với các đơn vị không chấp hành đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động hoặc không ký biên bản làm việc; kiên quyết xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

+ Đề xuất UBND tỉnh thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động với số lượng lớn.

+ Lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý đối với đơn vị cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.

+ Lập danh sách đơn vị không có tại địa chỉ kinh doanh, đơn vị không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động qua kết quả điều tra, rà soát gửi cơ quan Thuế xử lý theo Quy chế phối hợp giữa hai Ngành.

- Rà soát nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT: Phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện việc rà soát, đối chiếu danh sách người được ngân sách nhà nước đóng BHYT (người nghèo, bảo trợ xã hội, cựu chiến binh, tham gia kháng chiến, trẻ em....) nhưng chưa được cấp thẻ BHYT để lập danh sách cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời, không bỏ sót đối tượng theo quy định.

b) Đối với địa bàn, khu vực ở cấp độ dịch Cấp 3 theo công bố của cơ quan có thẩm quyền và quyết định các biện pháp hành chính của UBND tỉnh, thành phố đối với cấp độ dịch ở mức Cấp 3 thì thực hiện các hoạt động như tiết a điểm này, nhưng cần bố trí, phân công công chức, viên chức thực hiện các hoạt động nhiệm vụ trực tiếp đảm bảo phù hợp về số người, thời gian, không gian, địa điểm theo đúng quy định của Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố, kết hợp với thực hiện các nhiệm vụ theo hướng dẫn tại Quyết định số 688/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam.

c) Đối với địa bàn khu vực ở cấp độ dịch Cấp 4 và quyết định các biện pháp hành chính của UBND tỉnh, thành phố

- Đối với việc điều tra, rà soát dữ liệu thuế:

+ Kết xuất dữ liệu trên phần mềm Quản lý thu - sổ, thẻ, phân loại, lập danh sách đơn vị chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN (mẫu D04a-TS, mẫu D04b-TS) cho người lao động.

+ Gửi thông báo kèm danh sách người chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN, tài liệu tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, các quy định liên quan đến việc xử lý nộp chậm, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý trách nhiệm hình sự đối với đơn vị nợ, ... đến tất cả đơn vị sử dụng lao động chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động qua dịch vụ công ích.

+ Thực hiện việc đôn đốc, trao đổi, tiếp nhận thông tin phản hồi của đơn vị thông qua hình thức trực tuyến như điện thoại, email, zalo, facebook, ..., đảm bảo thực hiện đầy đủ các công việc như đã nêu ở tiết a điểm 1.2 nêu trên.

+ Gửi văn bản cho đơn vị chưa thực hiện việc đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động yêu cầu báo cáo tình hình đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc (Mẫu 01, Mẫu 02 ban hành kèm theo Quyết định 688/QĐ-BHXH) qua dịch vụ công ích.

+ Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đóng đối với đơn vị trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, kết hợp linh hoạt các phương thức thanh tra, kiểm tra phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

+ Đề xuất UBND tỉnh thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với đơn vị trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, khi dịch bệnh được khống chế, các địa phương, đơn vị hoạt động trở lại.

- Đối với nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT (người nghèo, bảo trợ xã hội, cựu chiến binh, tham gia kháng chiến, trẻ em....): Thực hiện việc rà soát, đối chiếu thông qua việc gửi, nhận văn bản điện tử hoặc qua dịch vụ công ích để lập danh sách cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời, không bỏ sót đối tượng theo quy định.

2. Thu và phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng

2.1. Đôn đốc thu

a) Đối với địa bàn, khu vực ở cấp độ dịch cấp 1, cấp 2 theo công bố của cơ quan có thẩm quyền và quyết định các biện pháp hành chính của UBND tỉnh, thành phố:

- Thực hiện kiểm tra, hướng dẫn các đại lý thu và người tham gia tuân thủ quy định về việc đóng BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH. Khuyến khích người dân thực hiện gia hạn thẻ BHYT, đóng tiếp BHXH tự nguyện trên dịch vụ công quốc gia và dịch vụ công của ngành BHXH Việt Nam.

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính các cấp, cơ quan quản lý đối tượng tham gia BHYT đối chiếu, đôn đốc thực hiện việc chuyển tiền đóng BHYT kịp thời, không để nợ đọng.

b) Đối với địa bàn, khu vực ở cấp độ dịch Cấp 3 và quyết định các biện pháp hành chính của UBND tỉnh, thành phố đối với cấp độ dịch ở mức Cấp 3 thì thực hiện các hoạt động như điểm a khoản này, nhưng cần bố trí, phân công công chức, viên chức thực hiện các hoạt động nhiệm vụ trực tiếp đảm bảo phù hợp về số người, thời gian, không gian, địa điểm theo đúng quy định của Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố, kết hợp với thực hiện các nhiệm vụ như hướng dẫn tại tiết c điểm này.

c) Đối với địa bàn khu vực ở cấp độ dịch Cấp 4 và quyết định các biện pháp hành chính của UBND tỉnh, thành phố:

- Hướng dẫn các đại lý thu, người tham gia đóng tiền trên dịch vụ công Quốc gia và dịch vụ công của Ngành BHXH Việt Nam.

- Thực hiện việc đối chiếu, đôn đốc đóng tiền, làm việc, trao đổi thông tin, với cơ quan tài chính, cơ quan quản lý đối tượng bằng hình thức trực tuyến qua điện thoại, zalo, email, facebook, ...

2.2. Phát triển người tham gia

a) Đối với địa bàn, khu vực ở cấp độ dịch Cấp 1, Cấp 2 theo công bố của cơ quan có thẩm quyền và quyết định các biện pháp hành chính của UBND tỉnh, thành phố:

- Hằng tuần cơ quan BHXH, đại lý thu xây dựng kế hoạch về tuyên truyền, vận động duy trì, phát triển mới người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng trên cơ sở dữ liệu người chưa tham gia BHXH, BHYT tiềm năng theo địa bàn cấp xã và danh sách người tham gia đến hạn phải đóng BHXH tự nguyện, BHYT. Kế hoạch phải cụ thể về chỉ tiêu, số lượng, tần suất tuyên truyền, phân rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong tổ chức thực hiện.

- Triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia theo kế hoạch đã xây dựng:

+ Hằng ngày, cán bộ BHXH, nhân viên đại lý thu gặp gỡ từng người hoặc từng nhóm người tiềm năng chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng để tuyên truyền vận động tham gia BHXH, BHYT.

Việc tuyên truyền đa dạng, phù hợp, hiệu quả; phương pháp, tài liệu tuyên truyền phải phong phú, phù hợp về nội dung, hình ảnh, ngôn ngữ, ...

+ Tổ chức các hội nghị khách hàng đối với từng nhóm người tiềm năng hoặc các nhóm người tiềm năng để tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT, đảm bảo phấn đấu hoàn thành số lượng các cuộc hội nghị tuyên truyền.

Việc tổ chức hội nghị phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với từng nhóm đối tượng tiềm năng.

Tờ rơi, tờ gấp và các ấn phẩm tuyên truyền khác phải được phát đến tất cả người dân đến dự Hội nghị. Tài liệu tuyên truyền đảm bảo phù hợp về nội dung, hình ảnh, ngôn ngữ, ...

Nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức các hội nghị khách hàng được thực hiện linh hoạt, bám sát các nội dung tại Công văn số 2649/BHXH-BT ngày 20/8/2020 của BHXH Việt Nam về việc ban hành tài liệu tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.

- Dự kiến tổ chức lễ ra quân phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT học sinh, sinh viên hằng tháng.

- Thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo thiết thực, phù hợp, thông tin đến được với đông đảo người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền về lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT thông qua việc gửi các bản tin, thông điệp truyền thông... qua điện thoại, zalo, facebook,... qua hệ thống loa truyền thanh cấp xã để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.

b) Đối với địa bàn, khu vực ở cấp độ dịch Cấp 3 theo công bố của cơ quan có thẩm quyền và quyết định các biện pháp hành chính của UBND tỉnh, thành phố đối với cấp độ dịch ở mức Cấp 3 thì thực hiện các hoạt động như hướng dẫn tại tiết a điểm này, nhưng cần bố trí, phân công công chức, viên chức thực hiện các hoạt động nhiệm vụ trực tiếp đảm bảo phù hợp về số người, thời gian, không gian, địa điểm theo đúng quy định của Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố, kết hợp với thực hiện các nhiệm vụ như hướng dẫn tại tiết c điểm này.

c) Đối với địa bàn khu vực ở cấp độ dịch Cấp 4 theo công bố của cơ quan có thẩm quyền và quyết định các biện pháp hành chính của UBND tỉnh, thành phố:

- Hằng tháng, BHXH cấp tỉnh, huyện gửi danh sách người tiềm năng chưa tham gia, người đang tham gia đến hạn đóng bằng hình thức trực tuyến qua email, zalo, facebook... hoặc qua dịch vụ công ích đến từng đại lý thu.

- BHXH tỉnh, huyện và đại lý thu xây dựng kế hoạch hằng tuần tổ chức tuyên truyền, vận động để duy trì và phát triển mới người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hình thức trực tuyến:

+ Thực hiện việc gửi tin nhắn, gửi email, tài liệu tuyên truyền tới các nhóm người tiềm năng chưa tham gia, người đang tham gia đến hạn đóng để vận động tiếp tục tham gia.

+ Tổ chức các hội nghị trực tuyến, livestream trên mạng xã hội, trên fanpage,... với nhóm người tiềm năng chưa tham gia để tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT, phấn đấu hoàn thành số lượng các cuộc hội nghị, livestream...

Việc tổ chức hội nghị phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với từng nhóm người tiềm năng và yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19.

- Thực hiện các chuyên trang, chuyên mục, bài viết, bản tin, phóng sự, ... trên các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT đảm bảo thông tin đến được với đông đảo người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền về lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT thông qua việc gửi các bản tin, thông điệp truyền thông... qua điện thoại, zalo, facebook,... qua hệ thống loa truyền thanh cấp xã để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.

3. Nắm bắt thị trường lao động, khôi phục và phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT

3.1. BHXH tỉnh, thành phố nắm bắt thông tin về thị trường lao động khu vực chính thức để tham gia đề xuất các giải pháp về khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, gắn với khôi phục và phát triển người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT

a) Đối với các tỉnh, thành phố có nhiều người lao động di chuyển về các địa phương khác: Hằng tuần, chủ động liên hệ với doanh nghiệp nắm bắt tình hình nhu cầu lao động (thiếu hụt lao động). Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở, ngành liên quan báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nơi người lao động đã làm việc quyết định các giải pháp hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội gắn với phát triển người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT

b) Đối với các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận lao động từ địa phương khác: Hằng tuần, chủ động liên hệ với doanh nghiệp nắm bắt tình hình về nhu cầu lao động tại địa phương (phân theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động); phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cấp chính quyền địa phương tổ chức thông tin tuyên truyền về nhu cầu sử dụng lao động để người lao động biết và tham gia vào thị trường lao động chính thức gắn với phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT.

3.2. Tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 liên quan đến nhiệm vụ của Ngành.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Xây dựng kịch bản chi tiết, cụ thể để thực hiện và bố trí công chức, viên chức, phân công nhiệm vụ chuyển đổi ngay trạng thái các hoạt động khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi cấp độ dịch, đặc biệt đối với việc chuyển đổi từ cấp độ cao đến cấp độ thấp, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và đạt hiệu quả cao nhất.

- Bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam, xây dựng kế hoạch cụ thể hằng tuần, hằng tháng; huy động công chức, viên chức và người lao động để thực hiện các giải pháp về thu và khai thác, phát triển người tham gia đảm bảo phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, số lượng các cuộc hội nghị khách hàng, số đơn vị, người lao động cần điều tra, rà soát từ dữ liệu Thuế được giao... Tổ chức thực hiện phát triển đối tượng và chỉ tiêu thu theo Kế hoạch số 2800/KH-BHXH, Quyết định số 688/QĐ-BHXH, các quy trình, văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam trước đây và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Mục III Kế hoạch này.

- Gửi Danh sách nhu cầu số lượng lao động cần bổ sung do chủ sử dụng lao động đề xuất còn thiếu hụt, phân theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động về BHXH Việt Nam (Trung tâm Dịch vụ chăm sóc khách hàng) để cập nhật thông báo trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam về thông tin nhu cầu lao động.

- Báo cáo BHXH Việt Nam (qua Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ) những nội dung về công tác phát triển người tham gia vào ngày 15 và 30 hằng tháng theo Kế hoạch số 2800/KH-BHXH ngày 06/09/2021 và thu BHXH, BHYT, BHTN năm 2021.

- Báo cáo BHXH Việt Nam (qua Trung tâm Truyền thông) những kết quả về truyền thông phát triển người tham gia vào ngày 28 hằng tháng theo Kế hoạch số 2829/KH-BHXH ngày 09/09/2021 của BHXH Việt Nam.

2. Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam

2.1. Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ:

- Phân công cụ thể trách nhiệm cho từng công chức, viên chức và người lao động trực tiếp làm việc tại địa phương để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời.

- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng BHXH tỉnh, từng đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam được phân công tại Kế hoạch số 2800/KH-BHXH và Kế hoạch này với Lãnh đạo Ngành vào ngày 15 và ngày cuối cùng của tháng.

- Phối hợp với Vụ Thi đua - Khen thưởng và các đơn vị liên quan đề xuất khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các nội dung nhiệm vụ công tác thu và khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

2.2. Trung tâm Truyền thông:

- Tập trung sản xuất các ấn phẩm, clip, tài liệu ngắn gọn phù hợp với Kế hoạch này và chế độ, chính sách BHXH, BHYT để phát sóng, thông tin trên các Đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố.

- Căn cứ nội dung tại Kế hoạch số 2829/KH-BHXH ngày 09/09/2021 của BHXH Việt Nam và Mục III Kế hoạch này, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:

+ Hướng dẫn BHXH tỉnh triển khai thực hiện các hình thức truyền thông trực tiếp và trực tuyến theo Kế hoạch số 2829/KH-BHXH ngày 09/09/2021 và khung kịch bản đính kèm về truyền thông phát triển người tham gia BHXH, BHYT, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm chủ thể, từng vùng miền và quy định phòng chống dịch tại địa phương.

+ Hướng dẫn, đôn đốc BHXH tỉnh xây dựng tài liệu tuyên truyền (nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, ...) và việc phát tài liệu tuyên truyền, đảm bảo các đơn vị sử dụng lao động chưa tham gia, người tiềm năng chưa tham gia BHXH, BHYT cần khai thác được tiếp cận các thông tin tuyên truyền.

- Phối hợp với Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ đề xuất phân bổ dự toán kinh phí phục vụ các hoạt động tuyên truyền đối với BHXH các địa phương, đảm bảo các địa phương có đủ kinh phí để triển khai các hoạt động tuyên truyền phát triển người tham gia.

2.3. Vụ Tài chính - Kế toán:

- Trên cơ sở dự toán các nội dung chi các hoạt động tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH, BHYT của BHXH tỉnh, thành phố tổng hợp, Vụ Tài chính - Kế toán tổng hợp bố trí kinh phí vào dự toán chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN.

- Hướng dẫn nội dung chi, mức chi, thanh quyết toán đối với hoạt động Hội nghị khách hàng trực tuyến, chi phí truyền thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook...).

2.4. Vụ Thanh tra - Kiểm tra:

- Hướng dẫn BHXH tỉnh phương pháp, cách thức, quy trình tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất hình thức phù hợp đối với đơn vị vi phạm về trốn đóng và nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 03 tháng trở lên tại các BHXH tỉnh, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao tại Kế hoạch này.

- Hướng dẫn BHXH tỉnh phương pháp lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Phối hợp với Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ thành lập các đoàn thanh tra và trực tiếp thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất đơn vị có số tiền nợ lớn tại một số địa phương.

- Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện của các địa phương theo quy định.

- Trước ngày 15 và ngày cuối cùng của tháng, gửi kết quả thực hiện về Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (Mẫu 01 ban hành Kế hoạch số 2800/KH-BHXH của BHXH Việt Nam) để tổng hợp.

2.5. Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ chăm sóc khách hàng:

- Tổng hợp kết quả nhu cầu về lao động do BHXH tỉnh cung cấp để phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin cập nhật thông báo trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số, đồng thời gửi Trung tâm Truyền thông đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

- Thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ để vận động người dân quay trở lại làm việc, từ đó phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

2.6. Trung tâm Công nghệ thông tin: Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ chăm sóc khách hàng cập nhật thông tin nhu cầu lao động trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số.

2.7. Vụ Pháp chế:

- Thực hiện việc kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

- Hướng dẫn, đôn đốc BHXH tỉnh tiếp nhận, xử lý thông tin; lập hồ sơ kiến nghị khởi tố, gửi đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định.

2.8. Các đơn vị khác trực thuộc BHXH Việt Nam: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung theo Kế hoạch.

Yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời phản ánh BHXH Việt Nam (qua Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ) để nghiên cứu, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: LĐTBXH, YT;
- Tổng Giám đốc (để báo cáo);
- Các Phó Tổng Giám đốc;
- Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam;
- BHXH các tỉnh, tp trực thuộc TW;
- Lưu: VT, TST.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Trần Đình Liệu

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3532/KH-BHXH năm 2021 triển khai thực hiện nhiệm vụ, công tác thu và khai thác, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp với cấp độ dịch bệnh và các hoạt động quy định tại Nghị quyết 128/NQ-CP do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 3532/KH-BHXH
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 03/11/2021
  • Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
  • Người ký: Trần Đình Liệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/11/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản