Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3448/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 25 tháng 8 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2017

Thực hiện Công văn số 5281/BKHĐT-HTX ngày 07/7/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận báo cáo tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm, dự kiến năm 2016 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2017 như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2016

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

1. Về số lượng, doanh thu và thu nhập của hợp tác xã, tổ hợp tác:

- Về hợp tác xã (HTX): Trong 6 tháng đầu năm có 01 HTX thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 10 tỷ đồng, ước đến cuối năm 2016 có 02 HTX thành lập mới, nâng tổng số HTX trên địa bàn tỉnh 78 HTX, bằng 90,7% kế hoạch. Doanh thu bình quân năm 2016 ước đạt 1.800 triệu đồng/HTX, đạt 100% kế hoạch; lợi nhuận bình quân ước đạt 160 triệu/HTX, bằng 100% kế hoạch; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX ước đạt 29 triệu đồng/năm, bằng 96,7% kế hoạch, tăng 7,4% so với năm 2015;

- Về Tổ hợp tác (THT): Trong 6 tháng đầu năm có 30 THT thành lập mới, ước thực hiện cả năm có khoảng 45 THT được thành lập mới, nâng tổng số THT đang hoạt động đến cuối năm 2016 là 1.205 THT, tăng 0,4% so kế hoạch, trong đó số THT có đăng ký hoạt động với UBND cấp xã là 590 THT, chiếm 49% tổng số THT; doanh thu bình quân của THT năm 2016 ước đạt 190 triệu đồng/năm, tăng 5,6% so với kế hoạch; lợi nhuận bình quân ước đạt 40 triệu đồng/năm, tăng 5,3% so với kế hoạch.

2. Về thành viên, lao động của hợp tác xã, tổ hợp tác:

- Thành viên HTX: Toàn tỉnh hiện có 30.155 thành viên, trong đó thành viên gia nhập mới trong 6 tháng đầu năm 2016 là 73 thành viên, dự kiến đến cuối năm có khoảng 30.250 thành viên, bằng 99% kế hoạch. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong các HTX ước đạt 430 lao động, trong đó có 300 lao động đồng thời là thành viên HTX;

- Thành viên THT: Tính đến 30/6/2016, có 11.500 thành viên, dự kiến 6 tháng cuối năm có khoảng 300 thành viên mới gia nhập, nâng tổng số thành viên THT đến cuối năm 2016 có khoảng 11.800, tăng 3% so với kế hoạch năm 2016.

3. Về trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác: Tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã tính đến 30/6/2016 là 390 người, trong đó: Số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ sơ cấp, trung cấp chuyên nghiệp là 97 người, chiếm 24,8%; trình độ cao đẳng, đại học là 45 người, chiếm 11,5% tổng số cán bộ quản lý.

II. ĐÁNH GIÁ THEO LĨNH VỰC:

1. Lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản:

- Toàn tỉnh hiện có 45 HTX đang hoạt động, trong đó có 44 HTX dịch vụ nông nghiệp và 01 HTX ngư nghiệp, với tổng số 14.805 thành viên, bình quân một HTX khoảng 329 thành viên, tập trung chủ yếu ở các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm về lúa, nho, rau củ các loại..., có khoảng 30-35% hộ nông dân, ngư dân là thành viên HTX;

- Hoạt động của các HTX nông nghiệp tiếp tục được duy trì và có bước phát triển, từng bước khẳng định HTX là vai trò nền tảng trong tổ chức lại sản xuất ở nông thôn theo hướng làm ăn mới, liên kết các HTX và các doanh nghiệp hình thành các liên minh sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh như: Sản xuất lúa giống, nho, táo, hành, tỏi, rau sạch; chăn nuôi dê, cừu...; hoạt động dịch vụ của các HTX ngày càng đa dạng, hiện nay có 21 loại dịch vụ mà các HTX tổ chức phục vụ cho xã viên1; một số HTX chủ động hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong việc ứng trước vật tư, phân bón, giống cây trồng, góp phần giảm bớt khó khăn về vốn đầu tư ban đầu cho các hộ thành viên;

- Doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp năm 2016 ước đạt 1.600 triệu đồng/năm, trong đó doanh thu đối với thành viên là 1.360 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân của HTX khoảng 164 triệu đồng/năm.

2. Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Hiện có 08 HTX, với trên 600 thành viên, bình quân một HTX có 75 thành viên, bao gồm: 02 HTX sản xuất và sửa chữa cơ khí phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và sửa chữa, hàn - tiện các thiết bị ô tô, xe máy; 03 HTX kinh doanh dịch vụ chế biến gỗ, đá mỹ nghệ, thêu ren, may công nghiệp, chế biến nước mắm, dệt chiếu cói; 02 HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làng nghề truyền thống (Dệt thổ cẩm Mỹ nghiệp và Gốm Bầu Trúc) và 01 HTX kinh doanh điện nông thôn, số lượng lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 369 lao động, trong đó có 257 lao động đồng thời là thành viên HTX.

Hoạt động của các HTX trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được duy trì và đang có chiều hướng phát triển, nhất là các HTX sản xuất các mặt hàng làng nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, gốm, gỗ mỹ nghệ, đá mỹ nghệ...; một số HTX đã tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể như: Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Gốm Bầu Trúc, nho Văn Hải..., góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên.

Doanh thu bình quân của HTX hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp năm 2016 ước đạt 1.800 triệu đồng, trong đó có doanh thu đối với thành viên là 1.260 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân một HTX khoảng 250 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 28 triệu đồng/người/năm.

3. Lĩnh vực xây dựng: Có 03 HTX hoạt động trong lĩnh vực xây dựng với 141 thành viên, trong đó có 12 lao động làm việc thường xuyên, đồng thời là thành viên. Doanh thu bình quân của HTX xây dựng năm 2016 ước đạt 1.000 triệu đồng/năm, trong đó doanh thu đối với thành viên là 700 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân của HTX 120 triệu/năm; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên, đồng thời là thành viên là 24 triệu đồng/năm.

4. Lĩnh vực tín dụng: Hiện có 03 tổ chức tín dụng là HTX hoạt động dưới hình thức Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), với tổng số 6.286 thành viên; tổng số lao động làm việc thường xuyên tại 03 QTDND là 27 người, trong đó có 15 lao động đồng thời là thành viên. Các QTDND đã có nhiều giải pháp linh hoạt, chủ động điều hành, cân đối nguồn vốn đảm bảo khả năng chi trả và kinh doanh có lãi, đáp ứng khá tốt nguồn vốn cho các thành viên.

Tính đến đến ngày 30/6/2016, tổng vốn hoạt động của 3 QTDND là 77.497 triệu đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 69.606 triệu đồng, trong đó chủ yếu là cho vay ngắn hạn đối với các thành viên là hộ nông dân sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, với dư nợ 65.235 triệu đồng, chiếm 93,7%; cho vay trung và dài hạn 4.371 triệu đồng, chiếm 6,3% tổng dư nợ; lợi nhuận bình quân năm 2016 ước đạt 350 triệu đồng, tăng 6,06% so với năm 2015; thu nhập bình quân lao động làm việc thường xuyên là 45 triệu đồng/người/năm, tăng 7,14% so với năm 2015.

5. Lĩnh vực vận tải: Hoạt động của các HTX kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa. Tính đến ngày 30/6/2016, có 02 HTX với 248 thành viên hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách; doanh thu bình quân của HTX vận tải năm 2016 ước đạt 600 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt 38 triệu đồng/năm, tăng 5,5% so với năm 2015.

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ:

1. Kết quả triển khai triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn của Trung ương:

Thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản2 chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; trọng tâm là Luật Hợp tác xã, Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật hợp tác xã; Quyết định số 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác. Kết quả, đến ngày 30/6/2016, có 61/61 HTX đã hoàn thành việc chuyển đổi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, UBND tỉnh đã tổ chức lại Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể tỉnh (tại Quyết định số 1004/QĐ-UBND ngày 25/4/2016, gồm 22 thành viên, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban) để chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế tập thể; hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh; phê duyệt Đề án kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Quyết định số 239/QĐ-UBND ngày 12/7/2016, trong đó thành lập mới Phòng Doanh nghiệp, kinh tế tập thể và tư nhân nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo tinh thần Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, UBND tỉnh quyết định thành lập các Tổ công tác liên ngành để rà soát, hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của HTX, nhất là vướng mắc trong tiếp cận tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.

2. Kết quả triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp tác xã:

- Về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX được quan tâm, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Lớp tập huấn nâng cao năng lực quản trị chất lượng sản phẩm cho 60 cán bộ quản lý của các HTX, với tổng kinh phí 50 triệu đồng; phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức 02 hội thảo chuyên đề về liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp; đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Vụ Hợp tác xã - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực về Quản trị hợp tác xã cho lãnh đạo các HTX, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 8/2016;

- Về chính sách đất đai: Tính đến nay, có 29 HTX được Ủy ban nhân dân tỉnh giao đất không thu tiền sử dụng đất để xây dựng văn phòng, nhà kho, sân phơi, cửa hàng kinh doanh, dịch vụ... với diện tích 31,4 ha; 17 HTX được thuê đất dự phòng, đất chưa sử dụng để xây dựng trại chăn nuôi, sản xuất lúa giống với tổng diện tích được thuê là 5,4 ha, góp phần tạo điều kiện cho các HTX ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh;

- Chính sách tài chính - tín dụng: UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho HTX trong việc tiếp cận chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, thông qua các cuộc họp chuyên đề, hoặc làm việc trực tiếp với Ngân hàng, HTX nhằm tạo thuận lợi hơn cho các HTX. Kết quả, đến ngày 30/7/2016, tổng dư nợ tín dụng khu vực kinh tế tập thể trên 1.520 triệu đồng, trong đó có 04 HTX được vay vốn trên 735 triệu đồng và có 03 HTX khác được Ngân hàng ký cam kết cho vay với tổng số tiền 950 triệu đồng, góp phần tạo điều kiện cho các HTX đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh;

- Chính sách hỗ trợ khoa học - công nghệ: Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ cho xây dựng nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tập thể cho 06 nhóm sản phẩm đặc thù của tỉnh gồm: Táo Ninh Thuận, Tỏi Phan Rang, Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Gốm Bàu Trúc, Rau an toàn An Hải, Rau an toàn Văn Hải, Măng khô Bác Ái;

- Chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại được quan tâm, đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho HTX Dịch vụ - Tổng hợp Phước Thắng đầu tư thiết bị sấy, chế biến nông sản và hỗ trợ 03 HTX tham gia các Hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại tại một số tỉnh ở khu vực Miền Trung và phía Nam. Qua đó, giúp các HTX tiếp cận thị trường, trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, thiết lập mối quan hệ kinh tế giữa các HTX với nhau và giữa HTX với doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.

3. Kết quả đăng ký lại, chuyển đổi HTX trên địa bàn tỉnh:

Tính đến 30/6/2016, có 61 HTX đang hoạt động đã hoàn thành chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động theo Luật Hợp tác xã 20123; 01 hợp tác xã HTX chuyển sang doanh nghiệp4 và 14 HTX đã ngừng hoạt động, chờ giải thể hoặc chuyển hoạt động sang hình thức khác. Vốn điều lệ bình quân của các HTX sau chuyển đổi khoảng 360 triệu đồng/HTX.

Nhìn chung, tổ chức bộ máy quản lý của các HTX sau chuyển đổi cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định Luật Hợp tác xã, gồm: Đại hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, Ban Kiểm soát, trong đó: Số lượng thành viên Hội đồng quản trị 03 người, phần lớn Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành, Ban Kiểm soát từ 01-03 thành viên; các HTX đều xây dựng lại Điều lệ, quy định rõ quyền và nhiệm vụ của thành viên trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hợp đồng, phân phối thu nhập, xác định lại giá trị vốn góp, huy động góp vốn bổ sung, tổ chức lại hoạt động các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ bảo đảm phục vụ thành viên,...; một số HTX thực hiện tốt việc hạch toán kế toán theo quy định.

IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

1. Kết quả đạt được: Trong 6 tháng đầu năm 2016, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng thông các cuộc họp chuyên đề hoặc làm việc trực tiếp với HTX, qua đó đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn cho HTX, THT phát triển; hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì ổn định và có bước phát triển; công tác chuyển đổi HTX đạt kết quả tốt; hoạt động của HTX sau chuyển đổi đã có những chuyển biến tích cực; một số mô hình HTX kiểu mới bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát kinh tế tập thể ngày càng phát triển, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của tỉnh.

2. Một số tồn tại, hạn chế: Ngoài những kết quả đạt được, tình hình hoạt động và công tác chỉ đạo trong lĩnh vực kinh tế tập thể còn một số mặt tồn tại, hạn chế, cụ thể:

- Năng lực quản trị của HTX nhìn chung còn hạn chế; hoạt động của HTX chủ yếu là làm dịch vụ trong nội bộ thành viên, giá trị gia tăng sản phẩm chưa nhiều, hiệu quả kinh doanh thiếu ổn định;

- Hầu hết HTX có quy mô nhỏ, mức vốn bình quân thấp, khả năng huy động vốn còn hạn chế; một số HTX thiếu vốn hoạt động, nhưng việc tiếp cận chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ còn nhiều khó khăn;

- Trong điều kiện ngân sách tỉnh khó khăn nên kinh phí để triển khai các hoạt động hỗ trợ cho HTX còn hạn chế (bình quân khoảng 100-120 triệu đồng/năm); các hoạt động hỗ trợ chủ yếu từ các chương trình của Bộ, ngành Trung ương như: Đào tạo nghề, khuyến công, xúc tiến thương mại...

- Việc triển khai quán triệt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể ở một số ngành, địa phương làm chưa thường xuyên, thiếu chiều sâu; nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa của HTX chưa đầy đủ, chưa thật sự tin tưởng vào mô hình HTX kiểu mới, có lúc, có nơi còn tư tưởng phân biệt và xem nhẹ vai trò của kinh tế tập thể.

3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:

- Về khách quan: Triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể năm 2016, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tình hình nắng hạn gay gắt kéo dài trên diện rộng, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh nói chung và hoạt động của kinh tế tập thể nói riêng; mặt khác, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về điều kiện, tiêu chí thụ hưởng, mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ hợp tác xã theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, nên việc tổ chức thực hiện ở địa phương còn lúng túng.

- Về chủ quan:

+ Việc triển khai quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể ở một số Sở, ngành, địa phương chưa tốt, còn mang nặng hình thức, thiếu chiều sâu;

+ Nhận thức của lãnh đạo một số Sở, ngành, địa phương về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể còn hạn chế, do đó chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể;

+ Công tác chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể chưa đồng bộ, có trường hợp còn chậm, thiếu kịp thời; công tác tổng kết và nhân rộng các mô hình sản xuất mới còn chậm,...

+ Bản thân các thành viên quản lý HTX thiếu sự chủ động trong quản lý điều hành, chưa khai thác có hiệu quả các nguồn nội lực để vươn lên; trong quá trình quản lý điều hành của HTX, có trường hợp chưa tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc hoạt động cũng như các quy định của Nhà nước về chế độ quản lý HTX, nhất là trong hạch toán kế toán.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2017

Trong năm 2017, dự báo tình hình kinh tế - xã hội sẽ có chuyển biến tích cực, cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo động lực thúc đẩy hoạt động của kinh tế tập thể có những chuyển biến tích cực hơn, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2017, với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như sau:

I. Định hướng phát triển kinh tế tập thể:

1. Tiếp tục củng cố, mở rộng và phát triển kinh tế tập thể trong các ngành, lĩnh vực, trong đó hình thức HTX là nòng cốt; khuyến khích phát triển HTX trong các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; từng bước hình thành các cụm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.

2. Chú trọng phát triển các HTX ở các xã theo chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 của tỉnh, nhằm đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện để các THT liên kết, phát triển thành HTX; các HTX liên kết, phát triển thành Liên hiệp HTX.

3. Khuyến khích phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, lồng ghép việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, mở rộng liên kết hợp tác, nhất là HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao như: Nho, táo, hành, tỏi, nha đam, rau sạch,... góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ thành viên.

II. Mục tiêu tổng quát: Đẩy mạnh xây dựng, củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển vững mạnh, đưa kinh tế tập thể trở thành thành phần kinh tế có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các thành viên và cộng đồng dân cư, nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi.

III. Mục tiêu cụ thể:

1. Giá trị gia tăng của khu vực kinh tế tập thể đóng góp vào GRDP của Tỉnh đạt 9-10%.

2. Phấn đấu số HTX thành lập mới khoảng 4 - 6 HTX và khoảng 45 - 50 THT thành lập mới.

3. Số lượng thành viên thu hút mới khoảng 1.000 - 1.200 thành viên, trong đó có khoảng 200 - 300 thành viên HTX và khoảng 800 - 900 thành viên THT.

4. Doanh thu bình quân của HTX đạt khoảng 1.800 - 1.900 triệu đồng/HTX/năm; doanh thu bình của THT đạt khoảng 200 - 250 triệu đồng/THT/năm.

5. Thu nhập bình quân của HTX khoảng 180 - 200 triệu đồng/HTX/năm, THT đạt khoảng 40 - 50 triệu đồng/THT/năm;

IV. Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

1. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật HTX năm 2012, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo tinh thần Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân hiểu đúng, đầy đủ hơn về bản chất và mô hình HTX kiểu mới, các quan điểm, chủ trương, chính sách và định hướng phát triển kinh tế tập thể, tạo đồng thuận cao trong tư tưởng và hành động của cán bộ và nhân dân trong tổ chức thực hiện.

2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể:

- Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể các cấp, bảo đảm đủ cán bộ để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh, cấp huyện; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp của các các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức đoàn thể trong hỗ trợ phát triển và quản lý kinh tế tập thể;

- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể từ tỉnh đến huyện, cơ sở;

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát, hỗ trợ hoạt động của HTX bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn của Trung ương.

3. Thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm 2016 - 2020 của tỉnh, trọng tâm là hỗ trợ thành lập mới HTX; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và thành viên HTX; hỗ trợ HTX tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, chế biến nông sản,... Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể năm 2017 khoảng 3.650 triệu đồng, trong đó Ngân sách Trung ương 3.020 triệu đồng và ngân sách địa phương 630 triệu đồng (Có biểu chi tiết đính kèm);

- Tranh thủ các nguồn lực từ các Chương trình, đề án của Chính phủ, nguồn vốn của các nhà tài trợ, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông đến vùng nguyên liệu tập trung,... để tạo động lực thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển; nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau và giữa các HTX với doanh nghiệp trong hợp tác sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh;

- Tổ chức tổng kết và nhân rộng các mô hình mới có hiệu quả, gắn với xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

4. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Liên minh HTX, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể:

- Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX tỉnh, bảo đảm thực hiện tốt vai trò là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành lập HTX, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, THT, nhằm nâng cao năng lực quản trị và tổ chức sản xuất, kinh doanh cho các HTX, THT;

- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, hội viên, thành viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế hợp tác, HTX; tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, Liên minh HTX tỉnh trong hỗ trợ, khuyến khích và giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.

V. Tổ chức thực hiện

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2017, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của Tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện;

- Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể; tham mưu, đề xuất các giải pháp hiệu quả để UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.

2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển HTX trong dự toán ngân sách của Tỉnh năm 2017 theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Các Sở quản lý ngành, UBND các huyện, thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quản lý của ngành, địa phương có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm báo cáo tình hình thực hiện về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

VI. Một số kiến nghị, đề xuất:

Nhằm tăng cường hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, để kinh tế tập thể thật sự trở thành thành phần kinh tế có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương:

1. Về thể chế: Sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã, nhất là các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về miễn tiền, giảm tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.

Hướng dẫn cụ thể về điều kiện, tiêu chí thụ hưởng, mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ thực hiện các Chương trình hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; về khoa học công nghệ và hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, liên hiệp HTX,... theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Về kinh phí hỗ trợ phát triển HTX: Ninh Thuận là Tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương, kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển HTX còn nhiều hạn chế. Để giúp địa phương có điều kiện triển khai các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong năm 2017, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính quan tâm, xem xét hỗ trợ 100% kinh phí để triển khai thực hiện./.

(Đính kèm các Phụ lục biểu Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2017)

 

 

Nơi nhận:
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính (b/c);
- Liên minh HTX Việt Nam (b/c);
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- CT, PCT. UBND tỉnh Trần Quốc Nam;
- Các Sở, ban, ngành, các Hội đoàn thể cấp tỉnh;
- Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUB: CVP, PVP (L.T.Dũng), KT, TH, VX;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Quốc Nam

 

PHỤ LỤC I

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2016 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2017
(Kèm theo Kế hoạch số 3448/KH-UBND ngày 25/8/2016 của UBND tỉnh Ninh Thuận)

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện năm 2015

Năm 2016

Kế hoạch năm 2017

Kế hoạch

Ước thực hiện 6 tháng

Ước thực hiện cả năm

I

Hợp tác xã

 

 

 

 

 

 

1

Tỷ trọng đóng góp vào GDP

%

7,9

10,0

 

9,0

9-10

2

Tổng số hợp tác xã

HTX

75

86

76

78

80

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Số hợp tác xã thành lập mới

HTX

8

5

1

3

4

 

Số hợp tác xã giải thể

HTX

0

2

0

2

4

 

Số hợp tác xã đã chuyển đổi theo Luật HTX 2012

HTX

0

61

61

61

0

3

Tổng số thành viên hợp tác xã

Người

30.082

30.300

30.155

30.255

30.405

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Số thành viên mới

Thành viên

157

218

73

100

150

4

Tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã

Thành viên

320

430

415

430

450

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Số lao động thường xuyên mới

Người

100

130

150

160

170

 

Số lao động là thành viên hợp tác xã

Người

220

300

290

300

320

5

Doanh thu bình quân một hợp tác xã

Triệu đồng/năm

1.712

1.800

900

1.800

1.900

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Doanh thu của HTX với thành viên

Triệu đồng/năm

1.150

1.200

1.200

1.200

1.300

6

Lãi bình quân một hợp tác xã

Triệu đồng/năm

140

160

150

160

180

7

Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã

Triệu đồng/năm

27

30

 

29

32

8

Tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã

Người

375

385

380

390

400

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ sơ, trung cấp

Người

80

97

 

97

110

 

Số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên

Người

38

45

 

45

50

II

Liên hiệp hợp tác xã

 

 

 

 

 

 

1

Tổng số liên hiệp hợp tác xã

LH HTX

-

-

 

-

 

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Số liên hiệp HTX thành lập mới

LH HTX

-

-

 

-

 

 

Số liên hiệp HTX giải thể

LH HTX

-

-

 

-

 

2

Tổng số hợp tác xã thành viên

HTX

-

-

 

-

 

3

Tổng số lao động trong liên hiệp HTX

Người

-

-

 

-

 

III

Tổ hợp tác

 

 

 

 

 

 

1

Tổng số tổ hợp tác

THT

1.160

1.200

1.180

1.205

1.255

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Số tổ hợp tác thành lập mới

THT

120

40

30

45

50

 

Số THT có đăng ký hoạt động với chính quyền xã/phường/thị trấn

THT

566

590

580

590

630

2

Tổng số thành viên tổ hợp tác

Thành viên

11.000

11.400

11.500

11.800

12.700

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Số thành viên mới thu hút

Thành viên

500

700

800

800

900

3

Doanh thu bình quân một tổ hợp tác

Triệu đồng/năm

150

180

 

190

210

4

Lãi bình quân một tổ hợp tác

Triệu đồng/năm

35

38

 

40

42

 

PHỤ LỤC II

SỐ LƯỢNG HỢP TÁC XÃ, LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC PHÂN LOẠI THEO NGÀNH NGHỀ NĂM 2016 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2017
(Kèm theo Kế hoạch số 3448/KH-UBND ngày 25/8/2016 của UBND tỉnh Ninh Thuận)

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện năm 2015

Năm 2016

Kế hoạch năm 2017

Kế hoạch

Ước thực hiện 6 tháng

Ước thực hiện cả năm

1

HỢP TÁC XÃ

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số hợp tác xã

HTX

75

78

76

78

80

 

Chia ra:

 

 

 

 

 

 

 

Hợp tác xã nông - lâm - ngư nghiệp

HTX

51

53

51

53

53

 

Hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

HTX

8

8

8

8

8

 

Hợp tác xã xây dựng

HTX

3

3

3

3

3

 

Hợp tác xã tín dụng

HTX

3

3

3

3

3

 

Hợp tác xã thương mại

HTX

0

0

0

0

0

 

Hợp tác xã vận tải

HTX

3

3

3

3

3

 

Hợp tác xã khác

HTX

7

8

8

8

10

2

LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ (LHHTX)

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số Liên hiệp Hợp tác xã

LHHTX

 

 

 

 

 

 

Chia ra:

 

 

 

 

 

 

 

LHHTX nông - lâm - ngư nghiệp

LHHTX

 

 

 

 

 

 

LHHTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp

LHHTX

 

 

 

 

 

 

LHHTX xây dựng

LHHTX

 

 

 

 

 

 

LHHTX tín dụng

LHHTX

 

 

 

 

 

 

LHHTX thương mại

LHHTX

 

 

 

 

 

 

LHHTX vận tải

LHHTX

 

 

 

 

 

 

LHHTX khác

LHHTX

 

 

 

 

 

3

TỔ HỢP TÁC

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số tổ hợp tác

THT

1.160

1.200

 

1.205

1.255

 

Chia ra:

 

 

 

 

 

 

 

Tổ hợp tác nông - lâm - ngư - diêm nghiệp

THT

892

930

 

935

950

 

Tổ hợp tác công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

THT

73

75

 

75

80

 

Tổ hợp tác xây dựng

THT

13

13

 

13

13

 

Tổ hợp tác tín dụng

THT

182

182

 

182

182

 

Tổ hợp tác thương mại

THT

 

 

 

 

 

 

Tổ hợp tác vận tải

THT

 

 

 

 

 

 

Tổ hợp tác khác

THT

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC III

TÌNH HÌNH ĐĂNG KÝ LẠI, CHUYỂN ĐỔI HỢP TÁC XÃ, LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ
(Kèm theo Kế hoạch số 3448/KH-UBND ngày 25/8/2016 của UBND tỉnh Ninh Thuận)

STT

Loại hình/lĩnh vực

ĐVT

Tổng số (thành lập trước ngày 01/7/2013)

Số hợp tác xã hoạt động chưa phù hợp với quy định của Luật HTX 2012

Trong đó

Đã đăng ký lại theo Luật HTX 2012

Đã chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác

Chưa đăng ký lại, chưa chuyển đổi theo Luật HTX 2012

Tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể

 

TỔNG SỐ HỢP TÁC XÃ

HTX

76

76

61

1

 

14

1

Hợp tác xã nông - ngư nghiệp

HTX

57

57

45

1

 

11

2

Hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

HTX

9

9

8

 

 

1

3

Hợp tác xã xây dựng

HTX

5

5

3

 

 

2

4

Hợp tác xã tín dụng

HTX

3

3

3

 

 

 

5

Hợp tác xã vận tải

HTX

2

2

2

 

 

 

6

Hợp tác xã thương mại

HTX

 

 

 

 

 

 

7

Hợp tác xã khác

HTX

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC IV

TÌNH HÌNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2016 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2017
(Kèm theo Kế hoạch số 3448/KH-UBND ngày 25/8/2016 của UBND tỉnh Ninh Thuận)

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện năm 2015

Năm 2016

Kế hoạch năm 2017

Kế hoạch

Ước thực hiện 6 tháng

Ước thực hiện cả năm

I

HỖ TRỢ CHUNG ĐỐI VỚI CÁC HTX

 

 

 

 

 

 

1

Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

 

 

 

 

 

 

 

- Số người được cử đi đào tạo

Người

 

20

 

 

20

 

Tổng kinh phí hỗ trợ

Triệu đồng

 

60

 

 

60

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Ngân sách Trung ương

Triệu đồng

 

60

 

 

60

 

Ngân sách địa phương

Triệu đồng

 

 

 

 

 

 

- Số người được tham gia bồi dưỡng

Người

100

200

60

200

300

 

Tổng kinh phí hỗ trợ

Triệu đồng

182

170

50

170

250

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Ngân sách Trung ương

Triệu đồng

182

170

50

170

250

 

Ngân sách địa phương

Triệu đồng

 

 

 

 

 

2

Hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

 

 

 

 

 

 

 

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

7

15

4

10

15

 

Tổng kinh phí hỗ trợ:

Triệu đồng

28

60

16

40

60

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Ngân sách Trung ương

Triệu đồng

28

60

16

40

60

 

Ngân sách địa phương

Triệu đồng

 

 

 

 

 

3

Hỗ trợ về ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới

 

 

 

 

 

 

 

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

 

2

 

1

2

 

Tổng kinh phí hỗ trợ

Triệu đồng

 

200

 

100

200

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Ngân sách Trung ương

Triệu đồng

 

200

 

100

200

 

Ngân sách địa phương

Triệu đồng

 

 

 

 

 

4

Hỗ trợ về tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã

 

 

 

 

 

 

 

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

 

20

 

 

20

 

Tổng số vốn được vay

Triệu đồng

 

3.000

 

 

3.000

5

Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế, xã hội

 

 

 

 

 

 

 

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

 

10

10

10

10

6

Hỗ trợ thành lập mới

 

 

 

 

 

 

 

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

15

8

3

3

8

 

Tổng kinh phí hỗ trợ

Triệu đồng

80

80

30

30

80

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Ngân sách Trung ương

Triệu đồng

80

 

 

 

 

 

Ngân sách địa phương

Triệu đồng

 

80

30

30

80

II

HỖ TRỢ RIÊNG ĐỐI VỚI HTX NÔNG, LÂM, NGƯ, DIÊM NGHIỆP

 

 

 

 

 

 

1

Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

 

 

 

 

 

 

 

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

 

4

 

 

4

 

Tổng kinh phí hỗ trợ

Triệu đồng

 

2.000

 

 

2.000

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Ngân sách Trung ương (80%)

Triệu đồng

 

1.600

 

 

1.600

 

Vốn đối ứng của HTX (20%)

Triệu đồng

 

400

 

 

400

2

Hỗ trợ giao đất, cho thuê đất

 

 

 

 

 

 

 

- Số hợp tác xã được hỗ trợ giao đất

HTX

29

10

 

10

10

 

Tổng diện tích đất được giao

m2

314.000

50.000

 

50.000

50.000

 

- Số hợp tác xã được hỗ trợ cho thuê đất

HTX

17

8

 

8

8

 

Tổng diện tích đất được cho thuê

m2

54.000

24.000

 

24.000

24.000

3

Ưu đãi về tín dụng

 

 

 

 

 

 

 

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

6

12

4

7

12

 

Tổng số vốn được vay ưu đãi

Triệu đồng

740

2.000

735

1.685

2.000

4

Hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh (theo Quyết định 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ)

 

 

 

 

 

 

 

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

0

5

 

 

5

 

- Tổng kinh phí được hỗ trợ

Triệu đồng

0

500

 

 

500

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Ngân sách Trung ương (70%)

Triệu đồng

 

350

 

 

350

 

Ngân sách địa phương

Triệu đồng

 

150

 

 

150

5

Hỗ trợ về chế biến sản phẩm (theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ)

 

 

 

 

 

 

 

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

0

5

 

 

5

 

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

0

500

 

 

500

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

Ngân sách Trung ương

Tr đồng

 

500

 

 

500

 

Ngân sách địa phương

Tr đồng

 

 

 

 

 

III

Tổng cộng (I: 1,2,3,6) + (II: 1,4,5)

Triệu đồng

290

3.570

96

340

3.650

 

Trong đó: Ngân sách Trung ương

Triệu đồng

290

2.940

66

310

3.020

 

Ngân sách địa phương

Triệu đồng

0

630

30

30

630

 



1 Gồm các dịch vụ: Cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, thú y; giống cây trồng; giống vật nuôi; vật tư phân bón; điện; tưới tiêu; phơi sấy; làm đất; thu hoạch; khuyến ngư; tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp; chế biến nông lâm thủy sản; tín dụng nội bộ; vận tải; vệ sinh môi trường; hàng hóa tiêu dùng; dịch vụ khác...

2 Tại các văn bản số 419/UBND-KTN ngày 03/2/2016; số 806/UBND-KTN ngày 10/3/2016; số 1074/UBND-KTN ngày 28/3/2016; số 1111/UBND-KTN ngày 30/3/2016; số 1620/UBND-KTN ngày 04/5/2016; số 1864/UBND-KTN ngày 18/5/2016; số 1161/VPUB-KTN ngày 22/6/2016.

3 Gồm: 45 HTX nông nghiệp, thủy sản; 08 HTX TTCN; 03 HTX XD; 02 HTX vận tải; 03 Quỹ TDND.

4 HTX Thái Thuận (Phước Thuận, Ninh Phước, Ninh Thuận)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3448/KH-UBND năm 2016 phát triển kinh tế tập thể năm 2017 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

  • Số hiệu: 3448/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 25/08/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Trần Quốc Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản