ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/KH-UBND | Lạng Sơn, ngày 30 tháng 01 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHĂM SÓC SỨC KHOẺ TÂM THẦN TRẺ EM, CHĂM SÓC TRẺ EM MỒ CÔI GIAI ĐOẠN 2024 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
Thực hiện Quyết định số 1591/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023 - 2030; Công văn số 23/LĐTBXH-TE ngày 03/01/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai Quyết định số 1591/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn tỉnh như sau:
Phần thứ nhất
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM
Trên địa bàn tỉnh hiện có 204.049 trẻ em, chiếm 26,85% dân số[1]. Toàn tỉnh có 04 cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc 112 trẻ em tập trung[2], 100% trẻ em bị tâm thần, thần kinh, trẻ em mồ côi… đủ điều kiện đều được hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng và hưởng trợ cấp chăm sóc nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Trong những năm qua, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên và kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng với sự phối hợp, ủng hộ của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo và giao các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, tổ chức thực hiện các chế độ chính sách về thực hiện quyền trẻ em theo lĩnh vực, ngành phụ trách. Chú trọng lồng ghép tuyên truyền, quán triệt các chính sách, pháp luật về quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trên phạm vi toàn tỉnh, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em, tạo mọi điều kiện để trẻ em được phát triển về mọi mặt, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; vận động toàn xã hội cùng thực hiện mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xem công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là việc làm thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đơn vị; thường xuyên theo dõi, kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm… góp phần đưa công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho trẻ em, tạo cơ hội cho trẻ em được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi nhận được sự chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên từ gia đình, người thân và cộng đồng, được giúp đỡ bằng các hình thức như trợ cấp, hỗ trợ theo chính sách, cấp học bổng, thăm hỏi tặng quà... Tổ chức chương trình khám sàng lọc cho trẻ em mắc các dạng bệnh dị tật bẩm sinh, khuyết tật trên địa bàn tỉnh tại các huyện, thành phố và chỉ định phẫu thuật. Phối hợp với Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E Hà Nội tổ chức chương trình khám sàng lọc tim mạch cho trên trẻ em... góp phần thực hiện tốt các Chương trình, kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe tâm thần và trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh.
Phần thứ hai
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHĂM SÓC SỨC KHOẺ TÂM THẦN TRẺ EM, CHĂM SÓC TRẺ EM MỒ CÔI GIAI ĐOẠN 2024 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ em mồ côi đều được chăm sóc sức khỏe tâm thần, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phù hợp nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.
2. Các mục tiêu cụ thể
- Phấn đấu 80% trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ cao rối loạn sức khỏe tâm thần được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng.
- Phấn đấu 100% trẻ em mồ côi được chăm sóc thay thế bởi người thân thích, cá nhân, gia đình không phải là người thân thích, được nhận làm con nuôi hoặc được chăm sóc nuôi dưỡng tạm thời tại các cơ sở trợ giúp xã hội, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ phù hợp.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI
1. Đối tượng
- Trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần; trẻ em mồ côi.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Thời gian thực hiện: từ năm 2024 đến năm 2030.
3. Phạm vi thực hiện: trên địa bàn toàn tỉnh.
III. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi với các hình thức, mô hình đa dạng, linh hoạt, trong đó chú trọng chăm sóc thay thế cho trẻ em tại gia đình. Thực hiện các chính sách, dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại các cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em tập trung.
2. Tăng cường phối hợp liên ngành, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi phù hợp với từng đối tượng. Đưa nhiệm vụ triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi vào nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo trẻ em, nhóm công tác liên ngành bảo vệ trẻ em các cấp.
3. Tăng cường truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, cơ sở giáo dục, cộng đồng về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, bảo vệ và chăm sóc trẻ em mồ côi, chú trọng cung cấp các thông tin về quyền trẻ em, kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức làm công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em về hỗ trợ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc nuôi dưỡng và chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi.
4. Quan tâm tạo điều kiện cử cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi đào tạo, nâng cao năng lực, phát triển đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành đặc biệt là cán bộ làm công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, giáo viên làm công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, đội ngũ nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội tại cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng về hỗ trợ, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc nuôi dưỡng và chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi.
5. Phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em toàn diện và liên tục:
a) Tăng cường các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em; tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu trong phòng ngừa và phát hiện sớm các rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ em; củng cố công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
b) Phát triển dịch vụ hỗ trợ phòng ngừa, phát hiện sớm, tư vấn tham vấn cho trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ rối loạn tâm thần tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng; xây dựng mạng lưới dịch vụ, kết nối, chuyển tuyến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em; phát triển chương trình tư vấn, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần.
c) Phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học; triển khai giáo dục sức khỏe tâm thần cho học sinh; phát triển mạng lưới giáo viên, nhân viên, cộng tác viên có kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh tại các các cơ sở giáo dục phổ thông.
6. Phát triển các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ em và dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi:
a) Trẻ em mồ côi được chăm sóc nuôi dưỡng, chăm sóc thay thế phù hợp và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu để phát triển toàn diện. Ưu tiên chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi tại gia đình bởi người thân thích, người không thân thích, nhận con nuôi.
b) Phát triển mạng lưới dịch vụ tìm gia đình chăm sóc thay thế, tư vấn, hỗ trợ các gia đình về chăm sóc thay thế. Tăng cường dịch vụ công tác xã hội triển khai chăm sóc thay thế trẻ em. Hướng dẫn tiêu chuẩn chăm sóc, nuôi dưỡng, cung cấp các dịch vụ cho trẻ em tại các các cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em tập trung theo quy định pháp luật.
c) Tăng cường chuyển trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em tập trung về các cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế, nhận con nuôi.
d) Phát động, duy trì phong trào xã hội tham gia chăm sóc, hỗ trợ trẻ em mồ côi, gia đình, cá nhân nhận chăm sóc thay thế, nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi.
7. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra theo dõi, đánh giá thực hiện Chương trình.
8. Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường hợp tác quốc tế, vận động mọi nguồn lực xã hội, kinh nghiệm, sáng kiến để chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc trẻ em mồ côi.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi ngân sách hằng năm của địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành.
2. Tài trợ, viện trợ quốc tế và vận động xã hội, cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Là cơ quan chủ trì thực hiện Kế hoạch, có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan trên cơ sở nội dung Kế hoạch này và tình hình thực tế của tỉnh, tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch hàng năm để chỉ đạo tổ chức thực hiện; tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh; tham mưu tổ chức sơ kết thực hiện Chương trình vào năm 2025 và tổng kết vào cuối năm 2030.
- Tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Chương trình trên phạm vi toàn tỉnh.
- Rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, chính sách về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em và chăm sóc trẻ em mồ côi.
- Truyền thông về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi. Hướng dẫn thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, chăm sóc thay thế cho trẻ em mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa theo chức năng nhiệm vụ được giao.
- Phát triển dịch vụ tư vấn, tham vấn cho trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ rối loạn tâm thần tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng; phát triển mạng lưới dịch vụ và kết nối chuyển tuyến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em; triển khai chương trình tư vấn, hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về chăm sóc sức khỏe tâm thần.
- Kiểm tra, theo dõi, thu thập số liệu, khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình. Tổ chức sơ kết, tổng kết và tham mưu xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn tiếp theo.
2. Sở Y tế
Chủ trì triển khai chỉ đạo củng cố công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em tại các cơ sở khám chữa bệnh; phát triển hệ thống dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em; hướng dẫn chuyên môn về phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng cho trẻ em có nguy cơ và có rối loạn tâm thần; quan tâm cử cán bộ tham gia các khoá nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên y tế, cộng tác viên y tế về chăm sóc sức khỏe tâm thần.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, học sinh trong trường học; triển khai giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh, dịch vụ công tác xã hội trong trường học; lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em trong các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh của các cơ sở giáo dục; hướng dẫn công tác chăm sóc, phục hồi khả năng học tập và học nghề cho học sinh có vấn đề sức khỏe tâm thần; hỗ trợ về giáo dục đối với trẻ em mồ côi.
4. Sở Tư pháp
Hướng dẫn, triển khai thực hiện chăm sóc thay thế bằng hình thức nhận con nuôi cho trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật.
5. Sở Tài chính
Trên cơ sở dự toán của các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ, căn cứ khả năng nguồn ngân sách theo phân cấp, chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định dự toán tham mưu trình UBND tỉnh cân đối kinh phí thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định.
6. Các sở, ban, ngành tỉnh liên quan
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả và báo cáo kết quả thực hiện theo yêu cầu.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh và các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các tổ chức xã hội vận động các cá nhân, tổ chức và quần chúng Nhân dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia, tổ chức thực hiện Chương trình chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2024 - 2030 của Kế hoạch này.
8. UBND các huyện, thành phố
- Căn cứ Kế hoạch này có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hàng năm, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu của Chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương về chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn; chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, lồng ghép kinh phí các chương trình, các đề án có liên quan trên địa bàn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
- Ưu tiên bố trí nguồn lực, nhân lực của địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa để thực hiện Chương trình theo đúng quy định của pháp luật.
- Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Chương trình. Định kỳ hằng năm, đột xuất báo cáo số liệu, tình hình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, trẻ em mồ côi, kết quả thực hiện Chương trình về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
9. Chế độ báo cáo: các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố định kỳ trước ngày 30/11 hằng năm gửi Báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch. Trong quá trình triển khai thực hiện có vấn đề vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để xem xét, chỉ đạo giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
[1] Trong đó: trẻ em dưới 06 tuổi là 74.739 trẻ, chiếm 9,35%; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 2.702 trẻ, chiếm 1,33%; người khuyết tật (NKT) nặng dưới 16 tuổi có 1.129 người chiếm 0,55% trẻ em toàn tỉnh; trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 40.857 trẻ, chiếm 20,03%, trong đó trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo là 29.912 trẻ, chiếm 73,21% số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; trẻ em mồ côi 382 trẻ, chiếm 0,187% số trẻ em toàn tỉnh, trong đó trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch COVID-19 là 48 trẻ; số trẻ em tâm thần, thần kinh, trí tuệ là 208 trẻ; số trẻ tự kỷ là 255 trẻ.
[2] Trong đó: 01 Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); 03 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập: (1) Cơ sở Mái ấm tình thương Vinh Sơn thuộc Giáo xứ Thất Khê, huyện Tràng Định quản lý; (2) Trung tâm Hy vọng huyện Lộc Bình; (3) Trung tâm Hy vọng Lạng Sơn tại huyện Hữu Lũng.
- 1Kế hoạch 811/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024-2030
- 2Kế hoạch 182/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 3Kế hoạch 75/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2024-2030
- 1Quyết định 1591/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 23/LĐTBXH-TE năm 2024 triển khai Quyết định 1591/QĐ-TTg do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 3Kế hoạch 811/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024-2030
- 4Kế hoạch 182/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 5Kế hoạch 75/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2024-2030
Kế hoạch 32/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2024-2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- Số hiệu: 32/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 30/01/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
- Người ký: Dương Xuân Huyên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/01/2024
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định