Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH THÁI BÌNH
BAN CHỈ ĐẠO 138
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 31/KH-BCĐ

Thái Bình, ngày 10 tháng 07 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN AN TOÀN VỀ MA TÚY

Năm 2013, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã xây dựng Kế hoạch thực hiện xây dựng thí điểm mô hình 1 số xã an toàn về ma túy tại huyện Quỳnh Phụ. Sau 1 năm thực hiện đã đạt nhiều kết quả như: Đã đấu tranh triệt xóa hết các tụ điểm, điểm phức tạp; bắt giữ hết các đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; không có người trồng cây có chứa chất ma túy; không có đối tượng điều chế, sản xuất trái phép chất ma túy. Đặc biệt, ở những xã xây dựng điểm, không phát sinh người nghiện ma túy mới, tội phạm và các vi phạm pháp luật khác giảm nhiều... góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, được cán bộ, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Thực hiện Quyết định 4060/QĐ-BCA-C41 ngày 26/7/2013 của Bộ Công an về việc Phê duyệt dự án "Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy", để làm tăng thêm số xã, phường, thị trấn an toàn về ma túy, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các xã, phường, thị trấn; phát huy vai trò và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, sự tích cực tham gia của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

2. Tiến hành đồng bộ các giải pháp để kiềm chế và làm giảm sự gia tăng của tội phạm và người nghiện ma túy, không để phát sinh người nghiện mới; đấu tranh, triệt xóa hết các tụ điểm, điểm; bắt giữ hết các đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn; tổ chức cai nghiện cho 100% số người nghiện ma túy tại các xã, phường, thị trấn; làm chuyển hóa địa bàn và tăng thêm số xã, phường, thị trấn an toàn về ma túy.

II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn về ma túy.

2. Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống ma túy với phương châm "phòng là chính"; kết hợp tuyên truyền trên diện rộng và tuyên truyền cá biệt theo hướng tập trung về cơ sở, đối tượng là nhóm có nguy cơ cao như thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; người đi lao động xa nhà.

Tăng thời lượng phát sóng, đưa nhiều tin bài tuyên truyền chuyên đề về phòng, chống ma túy trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thái Bình và hệ thống phát thanh, truyền thanh của các huyện, thành phố; của xã, phường, thị trấn. In tờ rơi, pa nô, áp phích, băng rôn, biểu ngữ tuyên truyền về phòng, chống ma túy tại các nơi công cộng. Chú trọng hoạt động truyền thông trực tiếp như nói chuyện chuyên đề, tọa đàm; thông qua xét xử lưu động các vụ án về ma túy; gặp gỡ, động viên, cảm hóa giáo dục các loại đối tượng.

Củng cố, xây dựng và nhân rộng các mô hình xã, phường, câu lạc bộ, thôn, tổ tự quản, dòng họ, họ giáo an toàn về ma túy; phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia phòng chống ma túy gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".

3. Phát huy vai trò của lực lượng chức năng, huy động đủ lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy tiến tới không còn tội phạm về ma túy. Huy động các lực lượng ở địa phương tổ chức quản lý chặt chẽ kiên quyết không để tái phức tạp trở lại.

Lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện vào giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ phạm tội về ma túy và đưa ra xét xử lưu động tại các xã được chọn xây dựng điểm, phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền và răn đe, trấn áp bọn tội phạm.

4. Rà soát, phân loại từng đối tượng nghiện ma túy có trên địa bàn; đưa hết các đối tượng nghiện nặng vào Trung tâm chữa bệnh - giáo dục, lao động xã hội của tỉnh; số còn lại tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

Phân công các tổ, hội, câu lạc bộ nhận cảm hóa, giáo dục giúp đỡ, quản lý người nghiện sau cai; chủ động phối hợp các doanh nghiệp bố trí tạo việc làm ổn định, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:

- Chọn từ 7 đến 10 xã, phường, thị trấn để xây dựng mô hình điểm an toàn về ma túy; trong đó, tập trung tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, có đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, có tụ điểm, điểm về ma túy. Riêng Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Phụ chọn các xã khác 6 xã đã tổ chức xây dựng mô hình điểm năm 2013.

- Ban hành chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai đến các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền cơ sở để thực hiện. Phân công lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện trực tiếp chỉ đạo, thực hiện các giải pháp xây dựng mô hình điểm về ma túy.

- Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức như tăng thời lượng phát sóng trên hệ thống phát thanh, truyền thanh ở cơ sở; tuyên truyền di động vào tận thôn, ngõ tổ dân phố, khu dân cư; căng treo băng giôn, khẩu hiệu; lồng gắn vào các chương trình giảng dạy, tập huấn của trung tâm học tập cộng đồng. Phát động sâu rộng phong trào toàn dân tham gia phòng chống ma túy ngay từ địa bàn cơ sở; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”;

- Công khai danh tính các đối tượng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng; công bố danh sách người nghiện ma túy trong các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học, thôn, tổ dân phố để nhân dân, theo dõi, giám sát;

- Chỉ đạo các phòng: Lao động Thương binh và Xã hội, Y tế phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tổ chức tư vấn, động viên, giúp đỡ những người cai nghiện tại gia đình và những người sau cai để họ từ bỏ ma túy, có công ăn việc làm ổn định. Lập hồ sơ đưa đối tượng vào giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện bắt buộc để làm giảm số người nghiện ở ngoài xã hội và giảm các loại tội phạm do người nghiện ma túy gây ra;

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, tập trung vào những người độ tuổi từ 18 đến 40 đi lao động làm xa ở tỉnh ngoài và số đến địa bàn tạm trú để học tập, lao động hoặc thăm bạn bè, người thân để đề phòng những người này mắc nghiện từ nơi khác về địa phương, làm lây lan người nghiện mới. Khi có người đến xin giấy tạm vắng, Công an phường, thị trấn, Ban Công an xã phải nhắc nhở, yêu cầu ký cam kết không được mắc tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy trong lúc xa gia đình, xa quê hương;

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo; duy trì, củng cố các mô hình tự quản về phòng, chống ma túy ở địa phương như mô hình thôn, dòng họ, họ giáo an toàn về ma túy; các câu lạc bộ về phòng chống ma túy; chú trọng, xây dựng mô hình tổ tự quản gia đình;

- Chỉ đạo thành lập các tổ công tác phòng, chống ma túy tại các thôn, tổ dân phố phối hợp với lực lượng công an tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý các đối tượng ma túy; giám sát, đẩy, đuổi các đối tượng từ nơi khác đến có biểu hiện hoạt động ma túy; bao vây, chốt chặn các điểm tụ, điểm ma túy; tiếp nhận, quản lý các điểm, tụ điểm đã bị lực lượng công an triệt phá, không để tái phức tạp trở lại.

2. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thái Bình: Có kế hoạch tăng thời lượng, đưa nhiều tin, bài, chuyên đề về phòng, chống ma túy; phản ánh các hoạt động phòng chống ma túy của tỉnh và địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp, hướng dẫn các ngành, đoàn thể, Đài Phát thanh và Truyền thanh huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn về hình thức, nội dung tuyên truyền để đạt hiệu quả cao.

3. Công an tỉnh: Chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với Công an huyện, thành phố khảo sát lên danh sách toàn bộ số đối tượng hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong các đường dây, điểm, tụ điểm ma túy; người nghiện ma túy tại địa bàn các xã, phường, thị trấn; trên cơ sở kết quả khảo sát, tiến hành phân loại, có đối sách đấu tranh hợp lý đối với từng loại đối tượng; cụ thể:

- Lập án đấu tranh, triệt xóa các đường dây mua bán, vận chuyển; các tụ điểm, điểm mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Kiên quyết bắt, xử lý bằng được các đối tượng phạm tội về ma túy; triệt xóa đến đâu, bàn giao cho chính quyền cơ sở tiếp tục quản lý không để tái phức tạp trở lại;

- Phối hợp lập hồ sơ đưa đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố đối với những đối tượng nghiện nặng, vi phạm pháp luật chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Trường hợp chưa đủ điều kiện thì lập hồ sơ đưa giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định;

- Chủ động phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ phạm tội về ma túy và đưa ra xét xử lưu động tại các địa bàn được chọn, phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền và răn đe, trấn áp bọn tội phạm;

- Phối hợp, hướng dẫn các ngành, đoàn thể xây dựng, nhân rộng các mô hình quần chúng tự quản về phòng chống ma túy ở địa bàn cơ sở.

4. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh: Hướng dẫn ngành dọc cấp dưới thực hiện xử phạt vi phạm hành chính và các Nghị định của Chính phủ về việc lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa người đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện bắt buộc đảm bảo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh tội phạm.

5. Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Đề án triển khai thực hiện Quyết định 1642/QĐ-LĐTBXH ngày 24/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2105; đa dạng hóa các hình thức cai nghiện; xây dựng các mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; tổ chức việc làm cho số người nghiện ở địa phương xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn về ma túy.

6. Sở Y tế:

Chủ trì, phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn xã, phường thị trấn tổ chức điều trị (cắt cơn, giải độc, phục hồi chức năng...) cho người nghiện cai tại gia đình và cộng đồng;

Tiếp tục triển khai chương trình điều trị nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại các huyện, thành phố;

Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thành lập tổ kiểm tra liên ngành, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng, buôn bán, kinh doanh các loại thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần ở các bệnh viện, trung tâm chữa bệnh, nhất là các cơ sở kinh doanh thuốc tân dược, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, kiên quyết không để bọn tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động trong lĩnh vực này.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đoàn Thanh niên, Hội liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tỉnh tổ chức rà soát, củng cố, xây dựng, phát triển các mô hình, loại hình tuyên truyền như trung tâm giáo dục cộng đồng, các câu lạc bộ thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh phòng chống ma túy...; in tờ rơi, pa nô, áp phích, băng rôn, biểu ngữ và tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho các thành viên, hội viên và mọi người dân, tích cực tham gia đấu tranh, quản lý, giáo dục giúp đỡ người nghiện, nhất là giai đoạn sau cai nghiện để họ từ bỏ ma túy, có việc làm ổn định.

IV. TIÊU CHÍ XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN AN TOÀN VỀ MA TÚY

1. 100% người nghiện ma túy phải được cai nghiện và được bố trí việc làm sau cai nghiện.

2. Không có đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy.

3. Không để phát sinh người nghiện ma túy.

4. Không có điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

5. Không có người trồng cây có chứa chất ma túy.

6. Không có đối tượng điều chế, sản xuất trái phép chất ma túy.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.

2. Căn cứ Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện. Trong đó: Thời gian thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo tỉnh, từ ngày 15/7/2014 đến 15/7/2015, sau 6 tháng triển khai thực hiện tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, sau 1 năm tổ chức tổng kết nhân rộng mô hình; kinh phí thực hiện, trích từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy năm 2014, năm 2015 và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

3. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan có trách nhiệm theo dõi, giúp Ban Chỉ đạo 138 của tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện Kế hoạch này.

4. Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện, thành phố thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này về Ban Chỉ đạo 138 của tỉnh (qua Công an tỉnh) để tập hợp báo cáo Chính phủ, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Bộ Lao động TBXH;
- Bộ Y tế;
- TT Tỉnh ủy;
- CT, các PCTUBND tỉnh;
- Các thành viên BCĐ 138 của tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Lưu VT, NC, TH.

TRƯỞNG BAN




PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH
Phạm Văn Xuyên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 31/KH-BCĐ năm 2014 xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn về ma túy do Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Thái Bình

  • Số hiệu: 31/KH-BCĐ
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 10/07/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Phạm Văn Xuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản