Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN TÂN BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 286/KH-UBND-VX

Tân Bình, ngày 05 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẬN TÂN BÌNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Quyết định số 6179/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”;

Căn cứ Quyết định số 2392/QĐ-UBND ngày 03 tháng 07 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 03 tháng 07 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Quyết định số 392/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Chương trình triển khai Đề án “Xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh đến năm 2025”;

Căn cứ Quyết định số 762/QĐ-UBND ngày 8 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng Tin học cho học sinh phổ thông Thành phố Hồ Chí Minh theo định hướng chuẩn quốc tế, giai đoạn 2021-2030”;

Căn cứ Thông báo số 178/TB-VP ngày 23 tháng 03 năm 2021 của Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025”;

Căn cứ Kế hoạch 1273/KH-SGDĐT ngày 04 tháng 5 năm 2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố về triển khai Chương trình chuyển đổi số của Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Kế hoạch 198/KH-UBND ngày 26 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban nhân dân quận về triển khai Đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” trên địa bàn quận;

Căn cứ Quyết định 1536/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân quận về Phê duyệt Đề án “Xây dựng quận Tân Bình trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025”;

Căn cứ Kế hoạch 71/KH-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân quận về triển khai Đề án “Xây dựng quận Tân Bình trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025” năm 2021;

Căn cứ Kế hoạch 72/KH-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân quận về triển khai Chương trình chuyển đổi số của quận Tân Bình năm 2021,

Ủy ban nhân dân quận ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Chuyển đổi số của Ngành Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình giai đoạn 2021 - 2025 với những nội dung cụ thể như sau:

I. TẦM NHÌN, MỤC TIÊU VÀ NGUYÊN TẮC

1. Tầm nhìn đến năm 2025

Chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Ngành Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, làm nền tảng cho quận phát triển bền vững, phát triển nền kinh tế số, tận dụng tốt thời cơ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ủy ban nhân dân quận Tân Bình xác định, chuyển đổi số giúp Ngành Giáo dục quận Tân Bình sẽ có những thay đổi cốt lõi sau:

- Thay đổi cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành, hướng đến cách thức quản lý công việc trên nền tảng công nghệ số.

- Tác động trực tiếp đến đối tượng và các dịch vụ cung cấp của Ngành; qua đó, thay đổi cách tiếp nhận các dịch vụ giáo dục truyền thống sang các dịch vụ giáo dục số mà nền tảng là dữ liệu số.

- Thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trên nền tảng dữ liệu số; thúc đẩy đầu tư vào số hóa dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông một cách mạnh mẽ.

- Đa dạng các hình thức, giải pháp tiếp cận nhu cầu “cần gì học nấy”, “học mọi lúc - mọi nơi” của người học, góp phần xây dựng hệ thống giáo dục bảo đảm mọi công dân đều được học tập suốt đời, hướng đến xây dựng xã hội học tập.

2. Mục tiêu chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục giai đoạn 2021 - 2025

2.1. Mục tiêu chung

Nâng cao nhận thức trong cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và toàn xã hội về các nội dung của chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, nhất là vai trò, ý nghĩa, các nhiệm vụ trọng tâm của chuyển đổi số, làm cơ sở để huy động sức mạnh tổng thể, giúp quá trình triển khai được thuận lợi, đồng bộ.

Chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục kế thừa, phát triển ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông trên nền tảng công nghệ số, góp phần xây dựng ngành Giáo dục và Đào tạo của quận chất lượng, hiệu quả; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận giáo dục và được học tập, nâng cao trình độ; góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực cho quận.

2.2. Mục tiêu cụ thể

Triển khai hệ thống thông tin quản lý Giáo dục quận Tân Bình, bao gồm: cơ sở dữ liệu kết nối, liên thông hệ thống thông tin các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận và sử dụng công cụ phân tích dữ liệu để quản lý hoạt động giáo dục trong quận và thành phố.

Đến năm 2025, 100% đơn vị, cơ sở giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị (từ quản lý học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý đến quá trình học tập, thời khóa biểu, cơ sở vật chất, thu học phí không dùng tiền mặt...) đồng bộ với hệ thống dữ liệu của Ngành giáo dục thành phố.

Đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin cho Giáo dục quận Tân Bình, thiết thực và hiệu quả. Đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục được kết nối đường truyền băng thông rộng đủ để triển khai hiệu quả các ứng dụng trực tuyến trên môi trường internet; 100% học sinh được tiếp cận Internet và kho học liệu trực tuyến; hoàn thành việc xây dựng cổng thư viện số (giáo trình, bài giảng, học liệu số).

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học (bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, giúp kết hợp học trên lớp và học trực tuyến), kiểm tra - đánh giá. Đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục có Trang thông tin điện tử, cung cấp đầy đủ thông tin (cơ sở vật chất, chương trình học, đội ngũ,...) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4 theo hình thức chuyển phát học bạ, bảng điểm, giấy chứng nhận tốt nghiệp, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung học cơ sở qua dịch vụ bưu chính công ích; đăng ký cấp phát bản sao văn bằng qua cổng thông tin điện tử https://tanbinh.hochiminhcity.gov.vn

3. Các nguyên tắc định hướng trong việc chuyển đổi số giáo dục

3.1. Nguyên tắc chung

Phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển chính quyền điện tử, chính phủ số và các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Thành phố và của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chú trọng ứng dụng các thành quả khoa học công nghệ, các công nghệ giáo dục thông minh,... góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục, nâng cao chất lượng dạy - học, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân học tập mọi lúc, mọi nơi.

Góp phần xây dựng hệ thống Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình là trách nhiệm của toàn Ngành nhằm cùng Thành phố thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số, kinh tế số Thành phố Hồ Chí Minh.

3.2. Nguyên tắc về công nghệ

Tận dụng tối đa các công nghệ hiện đại (tập trung công nghệ nền tảng; công nghệ cốt lõi) phù hợp với xu hướng phát triển cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: Internet vạn vật (IoT)... trên nguyên tắc bảo đảm tính trung lập về kỹ thuật công nghệ, ưu tiên áp dụng các tiêu chuẩn mở, công nghệ mở, mã nguồn mở. Có các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin đầy đủ cho các thành phần trong mô hình giáo dục thông minh, chuyển đổi số trong giáo dục theo lộ trình phù hợp.

Công nghệ đảm bảo tính linh hoạt và thích ứng cao; đảm bảo về mặt tư duy tổng thể, triển khai linh hoạt. Triển khai từng giai đoạn để đảm bảo các đơn vị, cơ sở giáo dục, người dân, doanh nghiệp thích ứng với thay đổi.

3.3. Nguyên tắc về Dữ liệu

Dữ liệu là nền tảng quyết định trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng giáo dục thông minh. Dữ liệu cần được kế thừa, phát triển và lưu trữ lâu dài, là tài nguyên cốt lõi để triển khai chuyển đổi số. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu.

Dữ liệu hình thành trong hoạt động của Ngành Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình là tài sản của Ủy ban nhân dân quận Tân Bình, đồng thời của Ngành giáo dục của Thành phố; được phân cấp quản lý bởi Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, được chia sẻ và dùng chung nhằm phục vụ các hoạt động của Ngành cũng như của cơ quan nhà nước hướng tới phục vụ người dân.

Đảm bảo tính linh hoạt và thích ứng cao: tuân thủ phương châm tư duy tổng thể, triển khai linh hoạt. Triển khai theo từng giai đoạn để đảm bảo người dân và chính quyền có thời gian thích ứng với thay đổi.

3.4. Huy động mọi nguồn lực

Chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục cần huy động mọi nguồn lực trong đó nguồn lực của từ quận là then chốt, là quyết định và nguồn lực xã hội hóa là động lực.

Luôn tạo cơ hội để khuyến khích hợp tác sáng tạo; đồng thời xây dựng cơ chế chính sách và hành lang pháp lý để triển khai các mô hình mới để cùng phát triển, ứng dụng chuyển đổi số giáo dục.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ

1.1. Chuyển đổi nhận thức

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở giáo dục (nhất là người đứng đầu của đơn vị), cộng đồng về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số, của công nghệ thông tin và truyền thông trong lĩnh vực giáo dục.

Tăng cường sự tham gia của người dân, tổ chức và doanh nghiệp cùng góp ý, giám sát và sử dụng các dịch vụ, tiện ích của chuyển đổi số. Triển khai các kênh hỗ trợ trực tiếp, trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi để phụ huynh học sinh, cộng đồng khi sử dụng các dịch vụ giáo dục trực tuyến.

Thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo, và thử nghiệm các công nghệ số trong giáo dục, tổ chức kết nối, tập hợp, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm ứng dụng, nền tảng giáo dục số.

Xây dựng quy định về đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo an ninh mạng trên phạm vi toàn ngành trên nền tảng chung chính sách của quận.

Biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục của quận.

1.2. Xây dựng các văn bản hướng dẫn, điều hành

Xây dựng các quy định về quản lý, thu thập dữ liệu giáo dục; các quy chuẩn, quy định về kết nối, liên thông dữ liệu trong ngành Giáo dục.

Hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hướng dẫn, quy định về xác thực điện tử trong ngành Giáo dục và Đào tạo.

1.3. Phát triển cơ sở dữ liệu giáo dục

Phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên nguyên tắc cơ sở dữ liệu tập trung được lưu giữ một cách có hệ thống và lâu dài. Cơ sở dữ liệu giáo dục do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận được phân công quản lý, vận hành và khai thác.

Ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu chuyên ngành và là nền tảng để triển khai các ứng dụng trực tuyến.

Phát triển nền tảng tích hợp cơ sở dữ liệu về giáo dục và đào tạo, kết nối giữa các cơ sở dữ liệu giáo dục và các hệ thống giáo dục chuyên ngành khác.

1.4. Xây dựng nền tảng số

Xây dựng, triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Ngành Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình gồm các thành phần chính như:

- Hệ thống Cơ sở dữ liệu giáo dục tập trung;

- Kết nối thanh toán điện tử;

- Kết nối dịch vụ bưu chính để chuyển phát hồ sơ;

- Cung cấp thông tin tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính;

- Tích hợp, cung cấp dữ liệu giáo dục;

- Liên thông các hệ thống thông tin.

Triển khai hệ thống chữ ký số, chữ ký điện tử trong toàn ngành. Phát triển các nền tảng siêu ứng dụng di động trong việc cung cấp các dịch vụ giáo dục, hướng tới mạng xã hội dịch vụ giáo dục.

Hoàn thành cơ sở dữ liệu giáo dục, ứng dụng các công nghệ thông minh để phân tích số liệu về hoạt động giáo dục kịp thời, chính xác, giúp báo cáo, dự báo chính xác từ đó có tham mưu xây dựng các chính sách giáo dục phù hợp.

1.5. Đảm bảo an toàn, an ninh mạng

Các cơ sở giáo dục triển khai đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống thông tin của đơn vị theo đúng quy định1. Triển khai hệ thống giám sát an toàn, an ninh thông tin.

Tiếp tục thực hiện hệ thống chữ ký số trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Phòng Giáo dục và Đào tạo (bao gồm việc xác thực trên thiết bị di động) tiến tới việc phát triển, hoàn thiện hệ thống xác thực chữ ký số tại các đơn vị.

1.6. Phát triển nguồn nhân lực

Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho giáo viên, cán bộ quản lý thông qua các khóa đào tạo, tập huấn thường xuyên.

Đào tạo bồi dưỡng nhân viên, giáo viên, chuyên viên chuyển đổi số về các công nghệ số áp dụng trong giáo dục và đào tạo gồm các tiêu chuẩn công nghệ thông tin giáo dục, các công nghệ số về dữ liệu lớn, di động... làm nòng cốt trong chuyển đổi số giáo dục.

2. Giải pháp

2.1. Xây dựng hệ sinh thái số ngành Giáo dục và Đào tạo

Hoàn thiện và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ngành, số hóa các dữ liệu chuyên ngành, liên thông, tích hợp với kho dữ liệu dùng chung của thành phố nhằm phục vụ công tác quản lý và khai thác, chia sẻ dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo.

Từng bước xây dựng hệ sinh thái giáo dục bao gồm 2 nhóm:

Nhóm 1: Thu thập dữ liệu các hệ thống, phần mềm, hệ thống phần mềm có chức năng tạo ra dữ liệu thô được sử dụng tại cơ sở (cấp thu thập dữ liệu thấp nhất) như các phần mềm quản lý trường học, hệ thống Camera trường học do các đơn vị hợp tác với Sở hoặc các phần mềm do Sở Giáo dục và Đào tạo phát triển.

Nhóm 2: Khai thác và chuẩn hóa dữ liệu bao gồm các phần mềm, hệ thống phần mềm sử dụng dữ liệu được thu thập để làm nền tảng định danh người dùng và tham số đầu vào. Nhóm này gồm: hệ thống họp trực tuyến, các hệ thống báo cáo chuyên môn, thống kê, hệ thống học tập, ôn luyện trực tuyến..., các phần mềm tạo hội thi, các chức năng quản lý, các phần mềm liên lạc giữa phụ huynh và nhà trường... thông qua việc sử dụng những dữ liệu thu thập được vào các hoạt động thường xuyên, liên tục, dữ liệu được rà soát, chuẩn hóa và giữ trong trạng thái dữ liệu sống.

Xây dựng phần mềm thống kê giáo dục triển khai toàn quận, tích hợp dữ liệu và khai thác sử dụng dữ liệu tại Trung tâm điều hành thông minh của quận Tân Bình.

Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, quản lý điểm, học bạ điện tử và phần mềm quản lý dạy - học, e-learning, e-library, quản lý các cơ sở giáo dục điện tử.

Xây dựng, hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lý, điều hành điện tử, hạn chế việc sử dụng giấy tờ. Phát triển kết nối thông tin điện tử, xác thực điện tử, trường học điện tử, quản lý hồ sơ học vụ điện tử ở các cơ sở giáo dục. Nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin cơ quan Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình.

2.2. Phát triển chính quyền số trong ngành Giáo dục và Đào tạo

Đẩy mạnh phát triển, nâng cấp các hệ thống thông tin giáo dục trên các nền tảng số mới nhất về truyền thông xã hội; cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công một cách đơn giản, thuận tiện trên di động toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành của Phòng Giáo dục và Đào tạo và cung cấp trải nghiệm tốt nhất, thân thiện nhất cho người dùng. Các hệ thống triển khai bao gồm:

- Triển khai, hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lý, điều hành điện tử, hạn chế việc sử dụng giấy tờ, ứng dụng phát triển giao dịch điện tử, xác thực điện tử, văn phòng điện tử; triển khai hệ thống chữ ký số, chữ ký điện tử.

- Triển khai hạng mục “Phần mềm một cửa điện tử - ISO điện tử” và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

- Số hóa các văn bản, tài liệu của ngành giáo dục; ưu tiên số hóa dữ liệu Tốt nghiệp Trung học cơ sở.

2.3. Đẩy mạnh triển khai Đề án “Trường học thông minh - Trường học không tiền mặt”

Tiếp tục triển khai “Phần mềm quản lý trực tuyến các nguồn thu” tại 100% trường học trên địa bàn quận nhằm liên thông dữ liệu, cha mẹ học sinh, học sinh thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn ngân hàng, công ty trung gian thanh toán triển khai các giải pháp thu học phí không dùng tiền mặt. Ứng dụng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thân thiện với người dùng trên internet, thiết bị di động và các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích của ngân hàng.

2.4. Tiếp tục triển khai Đề án xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại

Số hóa và xây dựng hệ thống dữ liệu liên thư viện tiên tiến, hiện đại, hỗ trợ giáo viên và học sinh chủ động về phương thức tìm kiếm thông tin, dữ liệu học tập nghiên cứu, dễ dàng truy cập từ xa.

Phối hợp hoạt động giảng dạy của giáo viên với việc tự học, tự nghiên cứu của học sinh, trao đổi các dữ liệu giảng dạy trong và ngoài nhà trường, giáo viên và các nhà quản lý giáo dục cũng có thể hỗ trợ chia sẻ nguồn tư liệu, tài liệu khoa học, tài liệu giảng dạy qua đó góp phần chuyển đổi số trong hoạt động của thư viện, hình thành hệ thống các thư viện tiên tiến, hiện đại cho các trường phổ thông trên địa bàn thành phố.

2.5. Xây dựng nền tảng số nâng cao hiệu quả dạy - học trực tuyến

Tập trung triển khai các nền tảng số để cung cấp các hình thức dạy học trực tuyến (E-Learning), dạy học từ xa cụ thể:

- Xây dựng nền tảng quản lý đào tạo trực tuyến (Learning Management System - LMS) nhằm quản trị, giám sát, báo cáo và phân phối các khóa học, chương trình đào tạo, học tập một cách đồng bộ và hiệu quả.

- Số hóa học liệu (hay học liệu điện tử) bao gồm: Giáo trình điện tử, sách giáo khoa điện tử, tài liệu tham khảo điện tử, kiểm tra, đánh giá điện tử, bản trình chiếu, bảng dữ liệu, các tệp âm thanh, hình ảnh, video, giáo trình điện tử, phần mềm dạy học, thí nghiệm mô phỏng và các học liệu được số hóa khác nhằm hình thành kho học liệu số.

2.6. Xây dựng các cơ sở dữ liệu giáo dục chuyên ngành giáo dục

Trong giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình tập trung chuyển đổi số trên cơ sở xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên nguyên tắc kế thừa đối với những cơ sở dữ liệu đã hình thành đồng thời phát triển các cơ sở dữ liệu mới nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố. Cụ thể:

- Cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành Giáo dục Mầm non.

- Cơ sở dữ liệu chuyên ngành tổ chức cán bộ: Quản lý nhân sự; quản lý, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên; tuyển dụng và chuyển công tác viên chức, công chức; công khai về các đơn vị, loại hình dịch vụ giáo dục.

- Cơ sở dữ liệu về quản lý và đánh giá công tác thi đua - khen thưởng.

- Cơ sở dữ liệu về công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

- Cơ sở dữ liệu về quản lý văn bằng, chứng chỉ.

- Cơ sở dữ liệu về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu và phát triển hệ thống thông tin quản lý trang thiết bị giáo dục (cơ sở vật chất), công tác kiểm tra và hoạt động giáo dục quận Tân Bình.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận

- Tham mưu Ủy ban nhân dân quận xây dựng kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số của ngành Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình giai đoạn 2021 - 2025; đảm bảo nguồn lực và tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn của quận.

- Triển khai kế hoạch chuyển đổi số của ngành Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình trong khuôn khổ lĩnh vực, cấp học; bậc học, chức năng, nhiệm vụ được phân công. Bên cạnh đó, thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Chủ trì, phối hợp xây dựng đề án giáo dục thông minh quận Tân Bình và các phần mềm trực tuyến hỗ trợ công tác quản lý, điều hành của Ngành.

- Báo cáo Ủy ban nhân dân quận kết quả thực hiện chuyển đổi số của Ngành Giáo dục và Đào tạo.

- Tổ chức Hội nghị triển khai và Hội nghị sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Giáo dục và Đào tạo.

- Đẩy mạnh việc thực hiện chương trình chuyển đổi số trong công tác cải cách hành chính của ngành Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình.

- Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chuyển đổi số của ngành Giáo dục và Đào tạo của các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận.

2. Phòng Tài chính - Kế hoạch

- Phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý về tài chính của các cơ sở giáo dục.

- Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện hướng dẫn và kiểm tra, giám sát các đơn vị trường học thu tiền cha mẹ học sinh qua phương thức không dùng tiền mặt (SSC).

- Tham mưu Ủy ban nhân dân quận đề xuất phân bổ nguồn vốn bảo đảm kinh phí để triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số của ngành Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình và kinh phí đầu tư giáo dục thông minh.

3. Phòng Nội vụ

- Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện các cơ sở dữ liệu về tuyển dụng giáo viên, nhân viên ngành giáo dục.

- Xây dựng đề án thực hiện cơ sở dữ liệu quản lý về nhân sự ngành giáo dục.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân quận hoàn chỉnh quy trình và bổ nhiệm cán bộ quản lý.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân quận đẩy mạnh việc quản lý việc bồi dưỡng nguồn nhân lực trong toàn quận.

4. Văn phòng Ủy ban nhân dân quận

- Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của ngành Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình.

- Tích hợp cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo, nền tảng số vào Đề án “Đô thị thông minh” quận Tân Bình.

- Triển khai hạng mục “Phần mềm một cửa điện tử - ISO điện tử” và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

5. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận

Xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ trong chương trình chuyển đổi số; trong đó, nhấn mạnh vai trò người đứng đầu của đơn vị.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ, ưu tiên bố trí các nguồn lực cho việc chuyển đổi số của đơn vị.

Trên đây là Kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số của ngành Giáo dục và đào tạo quận Tân Bình giai đoạn 2021-2025. Ủy ban nhân dân quận yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Sở GD&ĐT/TP;
- TTUB: CT, PCT/VX;
- P.GD&ĐT, P.TCKH, P.NV;
- Các cơ sở giáo dục quận;
- VPUB: CVP, PCVP/VX;
- Tổ TH: VX;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thị Thu Sương

 



1 Tại Quyết định 2453/QĐ-GDĐT-VP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Quy chế về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT của Ngành GD&ĐT Thành phố.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 286/KH-UBND-VX năm 2021 về triển khai Chương trình chuyển đổi số của Ngành Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 286/KH-UBND-VX
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 05/11/2021
  • Nơi ban hành: Quận Tân Bình
  • Người ký: Lê Thị Thu Sương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản