Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2762/KH-UBND | Ninh Thuận, ngày 24 tháng 6 năm 2024 |
Thực hiện Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 25/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030, cụ thể như sau:
1. Mục đích
a) Cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 25/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030”.
b) Bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của quốc gia nói chung và của tỉnh Ninh Thuận nói riêng.
2. Yêu cầu
a) Bám sát các nhiệm vụ được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 25/01/2024; Kế hoạch số 1542/KH-UBND ngày 01/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh (viết tắt là UBND tỉnh) về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 895/KH-UBND ngày 24/02/2021 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, giai đoạn 2021 -2025.
b) Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với cơ quan, đơn vị mình.
II. MỤC TIÊU CỤ THỂ ĐẾN NĂM 2030
1. Mục tiêu chung: Bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của quốc gia và trên phạm vi quốc tế.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Mục tiêu 1: Tăng cường sự tham gia đầy đủ, bình đẳng, có ý nghĩa của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và xử lý, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; gìn giữ hòa bình, an ninh của địa phương và quốc gia.
- Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
+ Tăng cường số lượng, tỷ lệ cán bộ nữ trong tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, tại các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp và tập trung triển khai hiệu quả các chỉ tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị tại Kế hoạch số 1542/KH-UBND ngày 01/4/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025.
+ Tăng cường hơn nữa tiếng nói, chất lượng tham gia của phụ nữ trong các cơ chế quốc gia ứng phó với sự cố, thảm họa, các thách thức an ninh phi truyền thống.
- Phân công trách nhiệm: Sở Nội vụ chủ trì, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
b) Mục tiêu 2: Phòng ngừa và ứng phó tốt hơn với bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh sự cố, thảm họa và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
- Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
+ Nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng, nam giới, trẻ em trai; thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng nền văn hóa hòa bình, chú trọng nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi quý trọng hòa bình, phê phán và loại bỏ bạo lực, giải quyết các tranh chấp trong xã hội và gia đình trên cơ sở pháp quyền và tôn trọng lẫn nhau; phát huy vai trò của phụ nữ trong giáo dục, kiến tạo văn hóa hòa bình.
+ Phát triển và nhân rộng các chương trình, mô hình nhằm phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Rà soát, xác định một số mô hình, thực tiễn tiêu biểu về sự tham gia trực tiếp của phụ nữ trong cứu trợ và phục hồi trong bối cảnh khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống để phát triển, nhân rộng.
+ Nâng cao nhận thức, năng lực cho phụ nữ, trẻ em gái trong ứng phó với các thách thức trên không gian mạng; xây dựng và nhân rộng mô hình và cách làm tốt về hỗ trợ phụ nữ ứng phó với thách thức trên không gian mạng.
- Phân công trách nhiệm: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.
c) Mục tiêu 3: Tăng cường lồng ghép giới trong hoạt động cứu trợ phục hồi, bao gồm khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống.
- Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
+ Tăng cường lồng ghép giới trong các chương trình, kế hoạch cứu trợ và phục hồi, phát huy vai trò và khả năng đóng góp của phụ nữ trong công tác cứu trợ và phục hồi, bảo đảm triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, các biện pháp hỗ trợ về sinh kế, chăm sóc sức khỏe nhằm tăng cường vai trò, năng lực và sự tham gia của phụ nữ trong quản lý rủi ro, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống.
+ UBND các huyện, thành phố triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương.
+ Xây dựng, triển khai các chương trình thúc đẩy cán bộ nữ tham gia các hội nghị, tiến trình khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực về ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống.
- Phân công trách nhiệm: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.
d) Mục tiêu 4: Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Phụ nữ, hòa bình và an ninh.
- Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
+ Tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm của các đối tác quốc tế nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động.
+ Phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong đối ngoại, giao lưu nhân dân, hội nhập quốc tế, tham gia các cơ chế và diễn đàn quốc tế về phụ nữ nói chung và về Phụ nữ, hòa bình và an ninh nói riêng.
+ Tích cực thúc đẩy và tham gia các sáng kiến, giải pháp trong khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương về Phụ nữ, hòa bình và an ninh.
- Phân công trách nhiệm: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.
1. Kinh phí thực hiện Chương trình hành động được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, lồng ghép nhiệm vụ chi thường xuyên trong dự toán ngân sách nhà nước được giao nguồn vốn đầu tư, nguồn chi thường xuyên hàng năm; các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Căn cứ nhiệm vụ được giao trong Chương trình hành động, các Sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức lập dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện theo quy định của pháp luật.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối, chủ trì
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình hành động, đảm bảo hài hòa và phù hợp với các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra tại các chiến lược, chương trình liên quan trong lĩnh vực bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới;
- Chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chương trình hành động theo chức năng, thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế của ngành.
- Rà soát, hoàn thiện các hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới trong Công an nhân dân; tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách nhằm thúc đẩy sự tham gia và tạo điều kiện cho sự phát triển và cống hiến của phụ nữ trong Công an nhân dân;
- Phối hợp trong công tác giới thiệu và tiến cử cán bộ nữ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương, tổ chức, đoàn thể liên quan nghiên cứu bổ sung vào kế hoạch, phương án thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, khu vực xảy ra sự cố, thảm họa bom mìn các biện pháp về bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình;
- Xây dựng, củng cố và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới theo chức năng, nhiệm vụ được phân công;
- Lồng ghép các nội dung phù hợp về giới trong các chương trình đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức phù hợp trong lực lượng Công an nhân dân;
- Tổ chức thực hiện các kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chương trình hành động theo chức năng, thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế của ngành.
- Rà soát, hoàn thiện các hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới trong Quân đội nhân dân; tiếp tục hoàn thiện và ban hành chính sách, chế độ đặc thù, tạo điều kiện cho sự phát triển và cống hiến của phụ nữ trong Quân đội nhân dân;
- Phối hợp trong công tác giới thiệu và tiến cử cán bộ nữ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương, tổ chức, đoàn thể liên quan rà soát, bổ sung, ban hành các biện pháp, hướng dẫn về việc tăng cường lồng ghép giới, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, đáp ứng các nhu cầu cụ thể của phụ nữ, trẻ em gái, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong các chương trình, kế hoạch khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống;
- Lồng ghép các nội dung về giới trong các chương trình đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức cho lực lượng Quân đội nhân dân, các chương trình đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức phòng thủ dân sự cho lực lượng phòng thủ dân sự;
- Tổ chức thực hiện các kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chương trình hành động theo chức năng, thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế của ngành.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Tổ chức thực hiện các kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chương trình hành động theo chức năng, thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế của ngành;
- Rà soát, phát triển và nhân rộng mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới theo chức năng, nhiệm vụ được phân công;
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan bảo đảm việc thực hiện Chương trình hành động phù hợp với các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra tại các chiến lược, chương trình liên quan trong lĩnh vực phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình.
5. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Tài nguyên và Môi trường
- Rà soát, bổ sung các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, biện pháp trong lĩnh vực được phân công phù hợp với các mục tiêu tăng cường lồng ghép giới bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, đáp ứng các nhu cầu cụ thể của phụ nữ, trẻ em gái, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ;
- Tổ chức nghiên cứu và ban hành nội dung hướng dẫn, nâng cao năng lực về đánh giá tác động đặc thù về giới, thực hiện lồng ghép giới và các nguyên tắc bình đẳng giới trong bối cảnh phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống;
- Lồng ghép các nội dung về giới trong chương trình đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức phòng thủ dân sự cho lực lượng phòng thủ dân sự trong lĩnh vực được phân công;
- Tổ chức thực hiện các kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chương trình hành động theo chức năng, thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế của ngành.
6. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch trong dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện và phù hợp khả năng cân đối ngân sách địa phương”.
7. Các Sở, ban, ngành liên quan: tham gia, phối hợp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Kế hoạch theo chức năng, thẩm quyền của từng Sở, ban, ngành.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Rà soát, bổ sung, lồng ghép phù hợp các nội dung thực hiện Kế hoạch, bao gồm đánh giá tác động, trong các kế hoạch, chiến lược, chương trình của địa phương về khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương;
- Tổ chức thực hiện các kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chương trình hành động theo chức năng, thẩm quyền, điều kiện thực tế của địa phương;
- Cân đối, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình hành động do địa phương thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội khác: trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tham gia tổ chức, theo dõi, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương đánh giá hiệu quả việc triển khai Chương trình hành động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong nhân dân, cán bộ, công chức, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và thúc đẩy sự tham gia tích cực và có ý nghĩa của phụ nữ trong giải quyết các thách thức về hòa bình, an ninh; thực hiện việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chương trình hành động. Thực hiện giám sát và phản biện trong tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030.
1. Các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố định kỳ báo cáo hàng năm (trước ngày 10/12), đánh giá sơ kết vào năm 2027 và tổng kết Kế hoạch vào năm 2030, gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, cập nhật và tổng hợp báo cáo tình hình, tiến độ xây dựng, triển khai và tổ chức thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2024 - 2030./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Kế hoạch 895/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 3Kế hoạch 1542/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025
- 4Quyết định 101/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Kế hoạch 2762/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2024-2030
- Số hiệu: 2762/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 24/06/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Lê Huyền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra