Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 265/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 27 tháng 12 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM PHÁT TRIỂN DU LỊCH - DỊCH VỤ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2018

Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 - 2020; Nghị quyết số 03- NQ/TU ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030; Kế hoạch số 127/KH-UBND ngày 29/5/2017 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy gắn với Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 42/2017/NQ-HĐND ngày 09/12/2017 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình trọng điểm phát triển du lịch - dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018 với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU:

1. Mục tiêu chung: tập trung phát triển ngành du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực, từng bước xây dựng thương hiệu Huế là kinh đô của lễ hội và ẩm thực, thành phố du lịch “sáng và sống”.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng gắn với các sự kiện, lễ hội được tổ chức định kỳ và xuyên suốt trong năm; xác định sản phẩm du lịch văn hóa - di sản là chủ đạo, hình thành không gian văn hóa, nghệ thuật gắn kết với không gian dịch vụ du lịch tại vùng trung tâm thành phố;

- Tăng trưởng ổn định chỉ tiêu về lượt khách, kéo dài thời gian lưu trú và tăng dần chi tiêu của khách du lịch thông qua các thị trường khách du lịch cao cấp, chi tiêu cao;

- Tập trung triển khai các dự án du lịch lớn, có thương hiệu đang đầu tư trên địa bàn tỉnh để tạo điểm nhấn và có sức lan tỏa đối với du lịch toàn tỉnh; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ và có trọng điểm.

3. Các chỉ tiêu:

- Phấn đấu năm 2018 đạt khoảng 4 - 4,2 triệu lượt khách, tăng khoảng 10-12% so với năm 2017 (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40% - 45%); khách lưu trú đạt khoảng 2,1 - 2,2 triệu lượt, tăng khoảng 17-19% so với cùng kỳ.

- Doanh thu du lịch dự kiến tăng khoảng 15-16% so với cùng kỳ năm 2017, đạt khoảng 4.000 - 4.200 tỷ đồng.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Phát triển đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phát triển du lịch:

- Quyết liệt đôn đốc triển khai để sớm đưa vào hoạt động một số dự án đầu tư chiến lược, mang tính đột phá, tạo ra các sản phẩm thực sự hấp dẫn như: triển khai giai đoạn 2 dự án Laguna, dự án khu thương mại, dịch vụ Vingroup, các dự án nghỉ dưỡng và sân golf của các tập đoàn Bitexco, BRG, Vingroup, My Way PSH... Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu khác nghiên cứu đầu tư các dự án du lịch có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ưu tiên hình thành một trung tâm đa năng phục vụ hội nghị, các sự kiện triển lãm, biểu diễn nghệ thuật có quy mô lớn; tập trung đẩy mạnh phát triển khu du lịch Cảnh Dương - Lăng Cô;

- Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt nâng cấp, mở rộng và đấu nối các con đường tiếp cận các điểm du lịch. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đoạn từ tỉnh lộ 10 đến Thuận An của tuyến đường Tự Đức - Thuận An nhằm kết nối giao thông đường bộ thành phố Huế về biển Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Xuân và một số bãi biển khác lân cận để gắn du lịch di sản với du lịch biển. Tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng du lịch khu du lịch quốc gia (đang lập quy hoạch) Lăng Cô - Cảnh Dương;

- Khởi công xây dựng dự án nâng cấp bến số 1 cảng Chân Mây phục vụ việc đón tàu du lịch cỡ lớn. Đầu tư một số hạng mục của sân bay quốc tế Phú Bài để từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ ngày càng tăng của hành khách đến Huế trong giai đoạn 2018-2021;

- Quy hoạch các tuyến đường phù hợp cho xe buýt mui trần, các tuyến đường dành riêng cho xe đạp và xe điện tự hành. Nghiên cứu tăng tần suất chuyến bay đang khai thác đến Huế và mở một số tuyến mới ở trong nước và quốc tế. Kêu gọi các nhà đầu tư phát triển các mô hình xe buýt 2 tầng mui trần, xe điện tự hành trên địa bàn thành phố Huế và phụ cận; mô hình trạm dừng chân phục vụ khách du lịch ở phía đầu phía bắc và phía nam trên tuyến quốc lộ;

- Trùng tu và nâng cấp các công trình di tích văn hóa, lịch sử như: cầu Ngói Thanh Toàn, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, đình làng Dương Nổ và các thiết chế liên quan đến thời niên thiếu của Bác Hồ, địa đạo khu ủy Trị Thiên, chiến Khu Dương Hòa... để sớm đưa vào phục vụ du khách;

- Tiếp tục hoàn thiện và mở rộng xây dựng các bảng chỉ dẫn, thông tin du lịch trong thành phố, phụ cận và các huyện, thị trên địa bàn tỉnh.

2. Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm:

Để tạo ra các sản phẩm mới, hấp dẫn, đặc biệt các sản phẩm thu hút khách du lịch về đêm, tăng sự chi tiêu của du khách và góp phần ổn định lượng khách đến Huế, năm 2018 cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ và chỉnh trang các hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại các khu phố đêm Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, Chu Văn An. Nghiên cứu mở rộng một số khu vực trên cầu Trường Tiền (sau khi được tu sửa xong) để biến khu vực này trở thành một không gian lễ hội, ẩm thực về đêm; hình thành không gian văn hóa nghệ thuật trên trục đường Lê Lợi để khai thác hiệu quả các thiết chế bảo tàng phục vụ khách du lịch và người dân; hình thành các khu ẩm thực kết hợp với các hoạt động nghệ thuật cộng đồng ở một số khu vực trên đường Lê Lợi, khu phố đêm; xây dựng đường đi bộ dọc bờ sông nối Đập Đá với công viên 3/2 theo dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do KOICA tư vấn. Triển khai khu Chợ Du lịch Huế (tại khu đài phát sóng Thủy Dương cũ); các khu giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm truyền thống Huế trên các trục du lịch lớn.

- Triển khai dự án Bảo tàng văn hóa ẩm thực Huế.

- Hợp tác với các đối tác nghiên cứu xây dựng Kế hoạch tổ chức các sự kiện hàng tháng tại Huế để thử nghiệm bước đầu trong năm 2018 và rút kinh nghiệm tiếp tục tổ chức thực hiện trong các năm về sau nhằm thu hút khách du lịch đến Huế đều vào các thời điểm trong năm. Các sự kiện sẽ diễn ra với chủ đề phù hợp theo từng thời điểm trong năm (ví dụ như lễ hội điều, lễ hội ẩm thực chay, lễ hội hoa đăng, lễ hoa sen, lễ hội múa lân, lễ hội bia...), một số cuộc thi thể thao quốc tế mang tính đại chúng kết hợp khám phá tuyến di sản, đầm phá, thiên nhiên (đua xe đạp, chạy Marathon,...), giao lưu biểu diễn nghệ thuật quốc tế (với một số thành phố kết nghĩa trên thế giới hoặc do một số tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước đăng cai).

- Thực hiện Chương trình “Mỗi năm một sản phẩm du lịch”. Khuyến khích, phát động các doanh nghiệp, địa phương tham gia xây dựng sản phẩm du lịch mới hàng năm trên cơ sở bình bầu, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch của tỉnh;

- Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, hoàn thiện dịch vụ và phát triển một số sản phẩm như:

+ Nâng cao chất lượng và tăng cường các sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa di sản kể cả những dịch vụ sử dụng công nghệ cao, nghiên cứu xây dựng các dịch vụ có tính tương tác cao giữa khách du lịch và điểm đến, cụ thể là tại Đại Nội và hệ thống lăng tẩm triều Nguyễn;

+ Nghiên cứu xây dựng các dịch vụ du lịch dành cho thị trường khách Hàn Quốc (là thị trường khách du lịch đến Huế lớn nhất hiện nay), Nhật Bản, châu Âu và Mỹ;

+ Khuyến khích các đơn vị lữ hành, các bộ, ngành Trung ương đưa các hội nghị, hội thảo chuyên đề, tổng kết, tập huấn về với Thừa Thiên Huế để thúc đẩy phát triển loại hình du lịch MICE;

+ Chấn chỉnh, khai thác có hiệu quả và chất lượng dịch vụ thuyền trên sông Hương cũng như hai bờ sông Hương bằng việc chuyên nghiệp hóa và giám sát kiểm tra thường xuyên về điều kiện thuyền phục vụ du lịch, tổ chức ca Huế và các dịch vụ bổ sung kèm theo. Tổ chức chỉnh trang cảnh quan và phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp ở tuyến sông Ngự Hà, Hộ Thành Hào;

+ Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đẩy mạnh phát triển khu vực Lăng Cô, Cảnh Dương để thu hút nguồn khách đến Đà Nẵng qua đường hàng không. Đẩy mạnh việc hoàn thiện dịch vụ và mở rộng khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng dựa vào suối thác, làng nghề, các làng văn hóa truyền thống, du lịch tâm linh,...

3. Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch:

- Xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp các doanh nghiệp du lịch và tranh thủ sự hỗ trợ của Tổng Cục Du lịch, sự hợp tác liên kết với các Sở Du lịch Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng và Quảng Bình để thực hiện công tác quảng bá du lịch có hiệu quả, chuyên nghiệp.

- Tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết, đặc biệt là với các đơn vị vận chuyển hàng không (Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar), với các đơn vị lữ hành hàng đầu ở Việt Nam (Vietravel, Saigon Tourist, Vitour, Đường mòn Đông Dương, Buffalo Tour - Thiên Minh,...) với các trang mạng chuyên cung cấp dịch vụ du lịch tầm cỡ quốc tế (Traveloka, Agoda, Tripadvisor Ivivu) để tranh thủ sự hỗ trợ về quảng bá giới thiệu hình ảnh điểm đến, mở thêm các chương trình tour đến Huế, gia tăng lượng khách và kéo dài thời gian lưu trú của khách ở Huế; đẩy mạnh công tác truyền thông về ẩm thực Huế với chủ đề Huế - Kinh đô ẩm thực - tận hưởng sự kỳ thú”.

- Thay đổi phương pháp, hình thức xúc tiến quảng bá du lịch cho phù hợp với thực tế chú trọng vào liên kết các đầu mối lữ hành lớn ở 02 đầu đất nước là thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh để tiếp tục thu hút khách từ các thị trường truyền thống (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản,… ); nghiên cứu tiếp cận khai thác ở đầu mối giao thông mới nổi là Đà Nẵng, để thu hút khách du lịch từ các chuyến bay quốc tế trực tiếp do Đà Nẵng khai thác, trong đó tập trung vào các thị trường khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...; có chiến lược và hình thức quảng bá riêng giới thiệu điểm đến cho đối tượng khách tàu biển.;

- Bên cạnh các các thị trường truyền thống, nghiên cứu mở rộng thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Đài Loan cũng như một số địa phương của Trung Quốc để tăng lượng khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế;

- Tuyên truyền quảng bá điểm đến du lịch thừa Thiên Huế và Festival Huế 2018 trên các trang mạng xã hội, đặc biệt các trang của Sở Du lịch như: fanpage, trang tiếng Nhật, trang web 2 thứ tiếng Anh - Việt, trên phần mềm ứng dụng dịch vụ du lịch... trong đo kết nối với các các doanh nghiệp du lịch và một số đơn vị liên quan nhằm cung cấp và giới thiệu đầy đủ và chi tiết các thông tin liên quan về du lịch Thừa Thiên Huế cũng như việc mua bán giữa khách du lịch với các doanh nghiệp; xây dựng ứng dụng trên điện thoại nhằm tăng cường tương tác với khách du lịch và cung cấp thông tin theo ngữ cảnh tới du khách, đồng thời giúp doanh nghiệp định vị được địa điểm của khách hàng, cho phép hành khách thuận tiện tương tác mạng xã hội, cập nhật trạng thái.... Xây dựng quảng bá hình ảnh điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch Thừa Thiên Huế trên hệ thống truyền hình của Việt Nam, tàu hỏa Bắc Nam để giới thiệu điểm đến về Huế;

- Phối hợp với Tổng cục Du lịch đón một số đoàn Famtrip, Presstrip dành cho các doanh nghiệp lữ hành, báo chí nước ngoài từ các thị trường trọng điểm và tiềm năng (Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Úc);

- Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng khi tham gia các hội chợ thường niên như: Hội chợ VITM Hanoi 2018, Hội chợ ITE HCMC, Hội chợ ITB Đức, IFTM Top Resa 2018 tại Pháp, Hanatour, Jata Nhật Bản... và một số hội chợ du lịch thường niên nổi bật của các tỉnh thành có hợp tác phát triển du lịch với Thừa Thiên Huế như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Lạt... Tham gia một số hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2018 diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh. Tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch theo chương trình liên kết “Ba địa phương - Một điểm đến” năm 2018 do Đà Nẵng chủ trì;

- Tổ chức ngày hội du lịch để tạo “sân chơi” cho các doanh nghiệp du lịch tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trao đổi thông tin và các hoạt động khác liên quan đến du lịch.

4. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch:

- Triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch đến năm 2020.

- Xây dựng và thực hiện Kế hoạch đào tạo cụ thể cho các nghiệp vụ, hoạt động du lịch, tập trung cho các khóa đào tạo bồi dưỡng kỹ năng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (CEO, sale marketing,..) các đối tượng phục vụ loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, các đội ngũ vận chuyển khách du lịch, tiểu thương; lưu ý hợp tác liên kết với các tổ chức quốc tế, các đơn vị lữ hành lớn có kinh nghiệm trong đào tạo ngành du lịch để tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên gia giảng dạy, tổ chức tập huấn đào tạo tại chỗ hoặc ngoài tỉnh;

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch, kiến thức đảm bảo an ninh, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy; các khóa tập huấn, đào tạo, nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm; bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát động phong trào phòng chống tội phạm, phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, bảo vệ chủ quyền Quốc gia... cho các chủ doanh nghiệp du lịch, người lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng như cộng đồng dân cư tại địa phương;

- Thực hiện Chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức và bồi dưỡng năng lực bảo tồn và quảng bá sản phẩm du lịch của cộng đồng nơi có sản phẩm du lịch với nhiều hình thức tuyên truyền với nội dung phong phú, các khóa tập huấn du lịch trách nhiệm cho cộng đồng dân cư đồng thời đẩy mạnh việc hỗ trợ xây dựng các khu du lịch cộng đồng, phát triển sản phẩm văn hóa tộc người.

5. Hoàn thiện môi trường du lịch và cải cách, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, dịch vụ:

- Triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, ngành, nghề du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đối với các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch;

- Thực hiện truyền thông bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú đa dạng như truyền hình, báo chí, các clip giới thiệu, ấn phẩm, truyền thanh...; triển khai các chương trình quảng bá, giới thiệu các giá trị tài nguyên du lịch nổi bật của tỉnh nhà để người dân tự hào và đồng hành cùng chính quyền địa phương, vận động đội ngũ cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng phong trào ứng xử lịch sự, mến khách, tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; tạo môi trường du lịch xanh, sạch, thân thiện, “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”;

- Xây dựng Hệ sinh thái du lịch thông minh với các giải pháp đồng bộ của các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, xây dựng chiến lược thương hiệu đô thị, xây dựng hệ thống thông tin du lịch thông minh, tạo không gian thông minh, là điểm đến trải nghiệm thân thiện, bền vững, hấp dẫn và tiện lợi hơn cho du khách;

- Xây dựng Kế hoạch triển khai Quyết định ban hành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của Thủ tướng chính phủ (dự kiến ban hành năm 2018); xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, mô hình homestay và du lịch nghề, làng nghề truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe;

- Triển khai các nghị định, thông tư hướng dẫn ban hành Luật Du lịch sửa đổi có hiệu lực đầu năm 2018; triển khai hoạt động tuyên truyền bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch bằng các hình thức khác và mở rộng thêm nhiều đối tượng.

- Tổ chức hoạt động tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp du lịch để động viên, khuyến khích sự đóng góp cho sự nghiệp phát triển du lịch; tổ chức định kỳ các kỳ họp, hội thảo đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch vơi các doanh nghiệp du lịch để trao đổi, lắng nghe và tháo gỡ những vướng mắc nhằm xây dựng phát triển du lịch tỉnh nhà.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác chống đeo bám, chèo kéo khách du lịch, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý trong và ngoài giờ hành chính, trên các tuyến đường chính các điểm du lịch tập trung đông khách. Yêu cầu 100% các đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn ký cam kết và treo công khai các bản cam kết không để các trường hợp bán hàng rong, bán vé số, ăn xin biến tướng, đeo bám, chèo kéo khách xảy ra tại cơ sở trên địa bàn quản lý. Hoàn thiện cơ cấu đơn vị liên ngành để giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch và hỗ trợ khách du lịch trong thời gian tham quan và lưu trú ở Huế.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh chịu trách nhiệm tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện Chương trình trọng điểm phát triển du lịch - dịch vụ năm 2018 của Tỉnh.

- Căn cứ vào nội dung, nhiệm vụ của Chương trình, Thủ trưởng các Sở, ban ngành, Hiệp hội Du lịch tỉnh và các địa phương liên quan tập trung triển khai thực hiện; định kỳ hàng quý báo cáo kết quả hoạt động (qua Sở Du lịch) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

- Sở Du lịch - cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm theo dõi đôn đốc, tổng hợp báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất những giải pháp để Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo, xử lý.

- Định kỳ 03 tháng, Ban chỉ đạo Phát triển Du lịch tổ chức họp để đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc và xác định công tác tập trung cho thời gian tiếp theo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL;
- Tổng cục Du lịch;
- TT.Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, TP Huế;
- BQL Khu KT, CN tỉnh;
- Hiệp hội Du lịch tỉnh;
- Các TV BCD Du lịch tỉnh;
- VP: CVP, PCVP Đ.T.Vinh;
- Lưu: VT, DL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC NHIỆM VỤ TRỌNG ĐIỂM PHÁT TRIỂN DU LỊCH - DỊCH VỤ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2018
(Kèm theo Kế hoạch số 265/KH-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2017của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

TT

Nhiệm vụ, hoạt động

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

Kinh phí (Triệu đồng)

Ghi chú

A. CÁC NHIỆM VỤ SỞ DU LỊCH CHỦ TRÌ THỰC HIỆN

 

Phát triển và đa dạng sản phẩm du lịch

 

1.

Kế hoạch xây dựng tour du lịch cộng đồng gắn với nghề/làng nghề truyền thống

Sở Du lịch

UBND các huyện, TX; Sở GTVT; Sở XD; Sở KHĐT; HHDL; DNDL

Quý II/2018

80

 

2.

Kế hoạch xây dựng tour du lịch cộng đồng gắn với nhà vườn Huế

Sở Du lịch

Sở VH&TT; UBND các địa phương; HHDL, DNDL và các đơn vị liên quan.

Quý III/2018

80

 

3.

Tổ chức các lễ hội văn hóa nghệ thuật, ẩm thực phục vụ du lịch

Sở Du lịch

Các Sở, ngành, địa phương liên quan, HHDL, Các DNDL.

2018

1.500

 

4.

Phát động phong trào xây dựng sản phẩm du lịch mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong Chương trình “Mỗi năm một sản phẩm du lịch”

Sở Du lịch

Sở KH&ĐT, UBND các huyện, Tx, Tp; HHDL, DNDL.

2018

 

 

Công tác xúc tiến quảng bá và truyền thông du lịch

 

5.

Kế hoạch triển khai chương trình ống kính du lịch

Sở Du lịch

Các đơn vị truyền thông, HHDL, DNDL.

2018

200

 

6.

Xây dựng các ứng dụng phục vụ việc thông tin, hỗ trợ du khách trên smartphone.

Sở Du lịch

Sở TTTT, HHDL, DNDL

2018

307

 

7.

Duy trì, cập nhật các trang mạng quảng bá, thông tin của Sở Du lịch.

Sở Du lịch

Sở Ngành, địa phương, HHDL, DNDL

2018

259

 

8.

Công tác xúc tiến quảng bá du lịch trong, ngoài nước và công tác thông tin tuyên truyền năm 2018.

Sở Du lịch

Các DNDL; HHDL; các đơn vị liên quan.

2018

4.990

 

9.

Kế hoạch truyền thông ẩm thực Huế “Huế - kinh đô ẩm thực - tận hưởng kỳ thú”.

Sở Du lịch

Các Sở, ngành, địa phương liên quan, HHDL, Các DNDL.

2018-2020

 

 

Phát triển nguồn nhân lực du lịch

10.

Kế hoạch tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng, nghiệp vụ về du lịch cho doanh nghiệp, cộng đồng và cán bộ quản lý nhà nước về du lịch.

Sở Du lịch

UBND các huyện, Tx, Tp Huế; HHDL; Các Trường đào tạo du lịch; DNDL; cộng đồng.

2018

599

 

Cải cách và tăng cường quản lý nhà nước về du lịch

11

Đề án xây dựng Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tỉnh Thừa Thiên Huế

Sở Du lịch

Sở KH&ĐT, Sở TC, UBND các huyện, Tx, Tp Huế.

Quý IV

126

 

12.

Đề án hệ sinh thái du lịch thông minh tỉnh TT Huế.

Sở Du lịch

Sở TTTT, TT CNTT tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan

2018-2019

 

 

13.

Kế hoạch Điều tra thị trường, nhu cầu khách du lịch đến Thừa Thiên Huế.

Sở Du lịch

Cục thống kê TT.Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các địa phương liên quan và doanh nghiệp du lịch

Quý IV

250

 

14.

Hoàn chỉnh, nhân bản Bộ tài liệu chuẩn hóa nội dung thuyết minh

Sở Du lịch

TT Bảo tồn Di tích cố đô Huế; Các Sở, ban ngành liên quan

Quý II

200

 

15.

Xây dựng nội dung thuyết minh các điểm di tích ở các huyện và vùng phụ cận TP.Huế

Sở Du lịch

Các Sở, ngành, địa phương liên quan, HHDL, DNDL.

Quý III

270

 

16.

Triển khai tuyên truyền bộ quy tắc ứng xử trong du lịch

Sở Du lịch

HHDL/DNDL và các đơn vị liên quan.

2018

200

 

17.

Tuyên truyền, phổ biến Bộ tài liệu chuẩn hóa nội dung thuyết minh

Sở Du lịch

Các Sở, ban ngành liên quan; Các DNDL, HDV

2018

50

 

18.

Kinh phí thực hiện các hoạt động của Ban chỉ đạo PTDL

Sở Du lịch

Thành viên BCĐPTDL

2018

110

 

19.

Kế hoạch triển khai Quỹ phát triển du lịch

Sở Du lịch

Sở Tài chính, HHDL, các DNDL

2018

 

 

Tổng cộng

 

 

9,121

 

 

B. CÁC NHIỆM VỤ CÁC CƠ QUAN, BAN NGÀNH KHÁC CHỦ TRÌ THỰC HIỆN

Đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất phát triển du lịch

20.

Đẩy nhanh triển khai xây dựng đoạn từ tỉnh lộ 10 đến Thuận An của tuyến đường Tự Đức - Thuận An nhằm kết nối giao thông đường bộ thành phố Huế về biển Hải Dương, Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Xuân và một số bãi biển khác lân cận để gắn du lịch di sản với du lịch biển.

Sở Giao thông Vận tải

Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, UBND các địa phương.

2018

 

 

21.

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các bãi đổ xe phục vụ du lịch ở khu vực TP Huế, trước mắt ở khu phía Nam TP.

UBND thành phố Huế

Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa & Thể thao

2018

 

 

22.

Tăng tần suất chuyến bay đang khai thác đến Huế và mở một số tuyến mới ở trong nước và quốc tế

Sở GTVT

Sở KH&ĐT; Sở DL; HHDL

2018

 

 

23.

Đầu tư một số hạng mục của sân bay quốc tế Phú Bài để từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ ngày càng tăng của hành khách đến Huế.

Sở GTVT

Sở KH&ĐT; Sở XD.

2018-2021

 

 

24.

Dự án nâng cấp bến số 1 cảng Chân Mây phục vụ đón tàu du lịch cỡ lớn.

BQL Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh

Sở GTVT

2018

 

 

25.

Kêu gọi các nhà đầu tư phát triển các mô hình xe citytour, xe điện, bus mui trần trên địa bàn thành phố Huế và phụ cận.

Sở GTVT

Sở Giao thông Vận tải, Sở Du lịch, UBND thành phố Huế

2018

 

 

26.

Xây dựng đường đi bộ dọc bờ sông nối Đập Đá với công viên 3/2 theo dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do KOICA tư vấn.

UBND thành phố Huế

Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng

2018-2020

 

 

27.

Phủ sóng Wifi và gắn camera ở thành phố Huế và một số điểm du lịch lân cận.

UBND TP Huế

CA tỉnh, Sở TTTT, Sở KH&ĐT.

2018

 

 

28.

Đầu tư nâng cấp bến thuyền du lịch Tòa Khâm

UBND thành phố Huế

Sở KH&ĐT, Sở GTVT, Sở XD, DL.

2018

 

 

29.

Phương án rà soát, quy hoạch luồng lạch, quy định mẫu thuyền phù hợp cho hoạt động du lịch đầm phá.

Sở GTVT

Sở Du lịch, Sở VH&TT, UBND các tx, huyện

2018

 

 

30.

Tiếp tục Chương trình đảm bảo hệ thống nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Tp Huế.

UBND TP Huế

Sở XD, KHĐT, TC, DL, HHDL, DNDL và các đơn vị liên quan.

2018

 

 

31.

Kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư các dự án trọng điểm và thúc đẩy các nhà đầu tư đang nghiên cứu đầu tư (tập trung vào các dịch vụ sân golf, casino, khu dịch vụ cao cấp) ở Mỹ An, Bạch Mã, Chân Mây Lăng Cô, Cồn Hến, Vinh Thanh, Vinh Xuân, Lập An, Lộc Bình, Hải Dương...

Sở Kế hoạch và Đầu tư/BQL Khu KT, CN tỉnh.

TT Xúc tiến Đầu tư tỉnh; Sở Du lịch

2018

 

 

32.

Nâng cấp, trùng tu cầu Ngói Thanh Toàn

UBND TX Hương Thủy

Sở KH&ĐT, Sở XD, TTBTDTCĐ Huế.

2018-2019

 

Đang đề nghị Bộ VHTTDL bố trí nguồn.

Phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch

33.

Duy trì mở cửa Đại nội về đêm và nghiên cứu đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ ở Đại Nội.

TBTDT Cố đô Huế

Sở KH&ĐT, HHDL, các DN du lịch

2018

 

 

34.

Hoàn thiện, điều chỉnh khu phố đêm Võ Thị Sáu, Chu Văn An, phạm Ngũ Lão đáp ứng nhu cầu du khách (có thể kéo dài cả tuần ở đường Phạm Ngũ Lão); nghiên cứu mở rộng ở cầu Tràng Tiền.

UBND thành phố Huế

Sở Du lịch, Sở Xây dựng, Hiệp hội Du lịch tỉnh

2018

 

 

35.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉnh trang và khai thác dịch vụ du lịch hai bờ sông Hương. Nghiên cứu khai thác sông Ngự Hà, Bạch Đằng, An Cựu vào phát triển du lịch.

UBND Tp Huế

Sở Du lịch, TTBTDTCĐ Huế, HHDL

2018

 

 

36.

Nâng cao chất lượng thuyền và ca Huế phục vụ du lịch trên sông Hương

UBND Tp Huế

Sở VH&TT, Sở DL, Sở GTVT

2018

 

 

37.

Tiếp tục triển khai Đề án Không gian văn hóa nghệ thuật trên trục đường Lê Lợi sớm đưa vào phục vụ khách du lịch.

Sở Văn hóa và Thể thao

Sở Du lịch, HHDL, DNDL và các đơn vị liên quan.

2018

 

 

38.

Hình thành trung tâm ẩm thực Huế

UBND TP Huế

Sở Du lịch, Sở VH&TT, HHDL, DNDL

2018

 

 

39.

Hình thành trung tâm mua sắm hàng lưu niệm, đặc sản Huế.

UBND TP Huế

Sở Công Thương, UBND các huyện, tx.

2018

 

 

40.

Xây dựng, nâng cấp các khu dịch vụ mua sắm, giải trí ăn uống tại cảng Chân Mây để phục vụ khách tàu biển.

Cảng Chân Mây

BQL Khu KT, CN; UBND huyện Phú Lộc, DNDL.

2018

 

 

41.

Tổ chức hiệu quả Festival Huế 2018

TT Festival Huế

UBND TP Huế; Sở VH&TT; Sở Du lịch; CA tỉnh; HHDL

Quý II

 

 

42.

Tổ chức giải đua xe đạp và chạy marathon quốc tế phục vụ, thu hút khách du lịch.

Sở Văn hóa & Thể thao

UBND Tp Huế, CA tỉnh, Sở DL, HHDL.

2018

 

 

43.

Hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sinh thái gắn với suối thác, đầm phá; nghề truyền thống; du lịch cộng đồng.

UBND các huyện, tx, tp Huế.

Sở Du lịch, HHDL, các DNDL

2018

 

 

44.

Xây dựng kế hoạch phát triển hàng lưu niệm và quà tặng tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sở Công Thương

UBND TP Huế

2018

 

 

Cải cách và tăng cường quản lý nhà nước về du lịch

45.

Phê duyệt Quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương.

BQL Khu KT, CN tỉnh.

Sở Du lịch; KH&ĐT; TC; UBND huyện Phú Lộc, Ban QL Khu KT, CN; HHDL; DNDL.

2018

 

 

46.

Quy hoạch chi tiết/phân khu các điểm du lịch sinh thái (suối, thác, hồ) và các bãi biển.

UBND các huyện, TX, Tp Huế

Sở Xây dựng/ Sở KH&ĐT/Sở Du lịch

2018-2020

 

 

47.

Kế hoạch/Đề án phát triển du lịch các huyện, thị xã, tp Huế

UBND các huyện, Tx, Tp Huế

Sở KH&ĐT/Sở Du lịch

2018-2019

 

 

48.

Đổi mới mô hình quản lý Trung tâm BTDT cố đô Huế; xã hội hóa trùng tu và khai thác Quần thể di tích Cố đô Huế.

TTBTDTCĐ Huế

Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, VP UBND tỉnh

2018-2019

 

 

49.

Đảm bảo trật tự, trị an, vệ sinh, môi trường các điểm tham quan du lịch, thương mại, khu vui chơi giải trí và khu vực công cộng.

UBND TP Huế, TX và các huyện.

Sở Du lịch, Công an Tỉnh, TTBTDTCĐ Huế, Sở Công Thương

Thường xuyên

 

 

50.

Triển khai bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại các địa phương, điểm du lịch

UBND các huyện, tx,Tp; TTBTDT;

HHDL, Các DNDL

2018

 

 

51.

Chương trình văn minh đô thị, xanh, sạch, đẹp góp phần cho môi trường du lịch hấp dẫn, lành mạnh, thân thiện.

UBND TP Huế

Sở VH&TT, DL, XD và các đơn vị liên quan.

Thường xuyên

 

 

52.

Tập huấn, đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề thuyền du lịch trên sông, hồ, đầm phá.

Sở GTVT

UBND các huyện, Tx, Tp; Sở Du lịch, HHDL, DNDL.

Thường xuyên

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 265/KH-UBND năm 2017 về triển khai Chương trình trọng điểm phát triển du lịch - dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018

  • Số hiệu: 265/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 27/12/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Cao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản