Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 29 tháng 01 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM THANH TRA CHUYÊN NGÀNH AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI HUYỆN, THÀNH PHỐ VÀ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Thực hiện Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 09 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Gia Lai; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn được chọn thực hiện thí điểm; tạo sự chuyển biển tích cực về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

- Lựa chọn các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm nhằm góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn; kiểm soát nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm thực phẩm trên địa bàn.

- Tăng cường trách nhiệm của cấp huyện, cấp xã trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

- Đánh giá kết quả triển khai thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm làm cơ sở đề xuất Bộ Y tế, Chính phủ cho phép Thanh Hóa triển khai nhân rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên toàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Việc tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn được lựa chọn thí điểm phải tuân theo quy định của pháp luật; đảm bảo khách quan, tiết kiệm, hiệu quả, đúng nội dung và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; tránh chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra.

- Phân công nhiệm vụ, quy định tiến độ thực hiện một số nội dung của Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện.

II. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TRIỂN KHAI

1. Thời gian:

Thời gian thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm: 01 năm (12 tháng) kể từ ngày 10/7/2019.

2. Địa điểm: Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm được triển khai tại 06 huyện, thành phố và 30 xã, phường, thị trấn trực thuộc.

STT

HUYỆN/THÀNH PHỐ

XÃ/PHƯỜNG/THỊ TRẤN

1

Thành phố Thanh Hóa

07 xã, phường gồm: Xã Quảng Tâm và các phường: Ba Đình, Lam Sơn, Trường Thi, Tân Sơn, Đông Thọ, Điện Biên.

2

Thành phố Sầm Sơn

04 phường gồm: Trường Sơn, Bắc Sơn, Trung Sơn và Quảng Cư.

3

Huyện Nga Sơn

03 xã, thị trấn gồm: Nga Liên, Nga An và thị trấn Nga Sơn.

4

Huyện Hoằng Hóa

06 xã, thị trấn gồm: Hoằng Thanh, Hoằng Kim, Hoang Trường, Hoang Tiến, Hoàng Phụ và thị trấn Bút Sơn.

5

Huyện Thọ Xuân

04 xã, thị trấn gồm: Xã Xuân Bái và các thị trấn: Thọ Xuân, Lam Sơn, Sao Vàng.

6

Huyện Tĩnh Gia

06 xã, thị trấn gồm: Hải Bình, Mai Lâm, Hải Thượng, Hải Thanh, Hải Hòa và thị trấn Tĩnh Gia.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định giao thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn; giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho công chức, viên chức.

- Xây dựng Kế hoạch thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm.

- Tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn.

2. Công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

- Tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, thời gian và kết quả thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho cán bộ, công chức, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn.

- Công khai vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định.

- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm.

- Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra cho công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

3. Chế độ báo cáo

- Định kỳ 6 tháng, 12 tháng báo cáo tình hình triển khai, kết quả thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

- Tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn được lựa chọn thí điểm.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách cấp tỉnh: Chương trình Vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Ngân sách cấp huyện, xã: Do ngân sách địa phương bảo đảm, chủ động bố trí dự toán chi ngân sách hàng năm tương ứng với số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm phần ngân sách của từng cấp được hưởng theo quy định để khen thưởng, đầu tư trang thiết bị, tăng cường trang thiết bị kỹ thuật và công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn và các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác.

V. TRÁCH NHIỆM, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

a) Là cơ quan đầu mối tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Chủ trì, phối hợp với các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tư pháp, Nội vụ, Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh và các đơn vị liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định giao thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn; hoàn thành trong tháng 3/2019.

- Chủ trì, phối hợp với các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn.

b) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; hoàn thành trong tháng 4/2019.

c) Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra cho người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm theo thẩm quyền quản lý.

d) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trang bị trang phục cho công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo quy định.

e) Tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, thời gian và kết quả triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên trang thông tin điện tử của đơn vị và các hình thức truyền thông khác.

g) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm; định kỳ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

2. Các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương

a) Phối hợp với Sở Y tế trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch này.

b) Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra cho người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm theo thẩm quyền quản lý.

c) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện trang bị trang phục cho công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo quy định.

d) Tuyên truyền ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, thời gian và kết quả triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên trang thông tin điện tử của đơn vị và các hình thức truyền thông khác.

3. Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện thí điểm và các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, đảm bảo tiến độ theo Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 07/12/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2019; hoàn thành trong tháng 6/2019.

4. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn được lựa chọn thực hiện thí điểm

- Phối hợp với Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

- Xây dựng Kế hoạch thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn trong năm thí điểm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; hoàn thành trước tháng 7/2019.

- Tổ chức thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và xử phạt vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

- Tuyên truyền ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, thời gian và kết quả triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên trang thông tin điện tử của đơn vị và các hình thức truyền thông khác.

- Báo cáo định kỳ, đột xuất kết quả thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn với Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế) theo quy định.

- Bố trí nguồn lực, kinh phí phục vụ hoạt động thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn đạt hiệu quả.

Trên đây là Kế hoạch thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Y tế (qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Bộ Y tế (để b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở: Y tế, Công Thương, NN&PTNT (để t/h);
- Văn phòng điều phối về VSATTP tỉnh (để t/h);
- UBND các huyện, TP: TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Thọ Xuân (để t/h);
- Lưu: VT, NN.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Xứng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 26/KH-UBND năm 2019 triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 26/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/01/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đình Xứng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản