Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 258/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 26 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT LẠNG SƠN NĂM 2023

Căn cứ Quyết định số 2386/QĐ-UBND ngày 08/12/2021 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt Đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025; căn cứ tiêu chí của UNESCO về công nhận CVĐC toàn cầu, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch triển khai hoạt động xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn năm 2023 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn, cụ thể hóa các nhiệm vụ của Đề án thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn giai đoạn 2021- 2025, đáp ứng các tiêu chí của UNESCO về xét công nhận CVĐC toàn cầu để từng bước hoàn thiện Hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu.

2. Yêu cầu

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ bám sát nội dung Đề án thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC tỉnh để tham mưu triển khai các nội dung kịp thời, hiệu quả. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong tham mưu, chỉ đạo, tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao. Đề cao tinh thần trách nhiệm trong triển khai, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về ý nghĩa, giá trị của CVĐC Lạng Sơn; công tác quản lý nhà nước trong bảo vệ di sản địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên và môi trường, phát huy giá trị của CVĐC nhằm phát triển ngành du lịch tỉnh theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. NỘI DUNG

1. Xây dựng và thực hiện chương trình tuyên truyền, xúc tiến quảng bá CVĐC Lạng Sơn

1.1. Tập trung tuyên truyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa của các di sản địa chất, di sản văn hoá, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái rừng trong CVĐC Lạng Sơn bằng nhiều hình thức, lồng ghép hiệu quả gắn với các hoạt động chương trình “Đại sứ du lịch Lạng Sơn”

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn, Cổng thông tin điện tử tỉnh, UBND các huyện trong vùng CVĐC Lạng Sơn, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

1.2. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, bài viết, tin ảnh, phóng sự, tài liệu tuyên truyền, phản ánh về CVĐC Lạng Sơn, về các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái; đưa tin về các chương trình liên hoan, hội thi, hội diễn theo kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản trong CVĐC Lạng Sơn.

- Đơn vị chủ trì: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn, Cổng thông tin điện tử tỉnh.

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện trong vùng CVĐC Lạng Sơn, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

1.3. Đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền về các hoạt động xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn.

- Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện trong vùng CVĐC Lạng Sơn, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

1.4. Xây dựng các trung tâm thông tin CVĐC Lạng Sơn tại thành phố Lạng Sơn, các huyện trong vùng CVĐC theo tiêu chí của UNESCO về CVĐC; xây dựng video clip về quá trình vận hành CVĐC Lạng Sơn để gửi kèm Hồ sơ trình UNESCO; thiết kế và sản xuất đồ lưu niệm, tặng phẩm; biên tập bài, ảnh về di sản địa chất và CVĐC đưa lên trang tin điện tử và các Fanpage CVĐC Lạng Sơn; xây dựng, chỉnh sửa bổ sung nội dung và tái bản các ấn phẩm đã xây dựng năm 2022; xây dựng các tour, tuyến du lịch địa chất, kết hợp tham quan, học tập, nghiên cứu khoa học... liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, hệ thống các trung tâm thông tin, cơ sở lưu trú, ăn uống, dịch vụ văn hóa trong vùng CVĐC.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đơn vị phối hợp: UBND các huyện trong vùng CVĐC Lạng Sơn, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

1.5. Nghiên cứu xây dựng nội dung và ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR- Tour 3D, 4D… trong các tour, tuyến du lịch địa chất tại Lạng Sơn tạo trải nghiệm mới với những địa danh đã số hóa, phản ánh nội dung và thể hiện đặc điểm độc đáo, đặc sắc, gắn liền với những địa danh và loại hình du lịch địa chất gắn với triển khai nền tảng ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Lạng Sơn.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện trong vùng CVĐC Lạng Sơn, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Xây dựng và triển khai chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản địa chất và CVĐC Lạng Sơn

2.1. Tổ chức tập huấn dành cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân về di sản, đặc biệt di sản địa chất, CVĐC; tổ chức Lớp tập huấn dành cho nhân viên nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, homestay; tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức tiếng Anh chuyên ngành ngắn hạn đáp ứng yêu cầu quản lý CVĐC và cho quản lý các cơ sở dịch vụ, hướng dẫn viên du lịch trong vùng CVĐC Lạng Sơn.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đơn vị phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ, UBND các huyện, các cơ sở giáo dục trong vùng CVĐC, tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn cầu Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

2.2. Triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cho học sinh tại các trường học trong vùng CVĐC Lạng Sơn: hoạt động ngoại khoá, xây dựng tổ chức Chương trình giảng dạy về di sản địa chất, CVĐC, trải nghiệm thực tế vùng CVĐC Lạng Sơn. Triển khai công tác giáo dục, phổ biến kiến thức về khoa học trái đất, khoa học địa chất, giá trị, vai trò CVĐC trong phát triển kinh tế xã hội.

- Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ, UBND các huyện, các trường học trong vùng CVĐC, các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan.

2.3. Khảo sát, làm việc tại các huyện trong vùng CVĐC Lạng Sơn nhằm tuyên truyền, điều tra về truyền thuyết, thực hành của nhóm tộc người trong vùng CVĐC, tham gia vào việc kiểm kê các địa điểm văn hóa và tự nhiên mới; tìm kiếm và đề xuất các địa điểm mới cần thiết phù hợp với “địa điểm nổi bật” của CVĐC toàn cầu UNESCO, phát triển các sản phẩm phụ CVĐC Lạng Sơn để có tác động kinh tế đến người dân địa phương, triển khai hoạt động chống biến đổi khí hậu (quản lý chất thải, sử dụng thay thế chai nhựa), xác định loại hạ tầng cơ bản tại điểm đến quan trọng trong toàn bộ lãnh thổ CVĐC Lạng Sơn, xây dựng không gian Công viên địa chất tại trường học, triển khai dự án cộng đồng về Công viên địa chất,…

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, các trường học trong vùng CVĐC, các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan.

3. Điều tra, khảo sát, nghiên cứu bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản (văn hóa, đa dạng sinh học, địa chất - địa mạo, địa văn hóa, khảo cổ học)

- Tổ chức khảo sát, thu thập cơ sở dữ liệu, đánh giá, xử lý các tài liệu hiện có về địa chất, khoáng sản, văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học, khảo cổ học... trong vùng CVĐC.

- Điều tra, khảo sát, nghiên cứu bổ sung về cấu trúc - kiến tạo, địa mạo, cổ sinh - địa tầng, magma, khoáng sản, tai biến địa chất; đánh giá, xếp hạng các loại hình di sản địa chất làm cơ sở để xác định ranh giới CVĐC Lạng Sơn, chuẩn bị hồ sơ và tiến hành các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của di sản địa chất.

- Điều tra, khảo sát, tổng hợp tài liệu, nghiên cứu bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản văn hóa, địa văn hóa (khảo cổ, lịch sử, phong tục tập quán, lễ hội, truyền thuyết, di sản phi vật thể, đa dạng sinh học...).

- Tổng hợp, lập các bản đồ chuyên môn.

- Phân tích ảnh viễn thám, ảnh hàng không (diện tích vùng nghiên cứu cần giải đoán).

- Thu thập, gia công và phân tích mẫu các loại.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đơn vị phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn cầu Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, UBND các huyện trong vùng CVĐC Lạng Sơn, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

4. Lập Kế hoạch quản lý CVĐC Lạng Sơn

- Khảo sát, thu thập số liệu trong vùng CVĐC Lạng Sơn (mời chuyên gia thực hiện).

- Xây dựng đề cương và dự thảo Kế hoạch quản lý CVĐC Lạng Sơn.

- Thuê tư vấn chuyên gia quốc tế xây dựng Kế hoạch quản lý CVĐC Lạng Sơn.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đơn vị phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Ngoại vụ; Tiểu ban chuyên môn về CVĐC Toàn cầu Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

5. Chuẩn bị Hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu Lạng Sơn

- Biên tập nội dung Hồ sơ CVĐC Lạng Sơn bằng tiếng Anh.

- Biên tập các phụ lục (annexes) bằng tiếng Anh.

- Thuê tư vấn quốc tế biên tập Hồ sơ (bằng tiếng Anh bản địa, làm việc trực tuyến).

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đơn vị phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Ngoại vụ; tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn cầu Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

6. Tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, tham gia các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO

- Tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế, lớp tập huấn, hội chợ, triển lãm và các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO (tham dự Hội nghị Quốc tế về Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO lần thứ 10 sẽ được tổ chức tại Ma-rốc). Mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Mạng lưới CVĐC toàn cầu Việt Nam.

- Tham gia các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn di sản, quản lý CVĐC với các Ban Quản lý CVĐC trong và ngoài nước.

- Xúc tiến, vận động các nguồn tài trợ, hỗ trợ trong nước và quốc tế cho việc xây dựng, vận hành, phát triển CVĐC Lạng Sơn; giới thiệu, quảng bá CVĐC Lạng Sơn thông qua các kênh ngoại giao và công tác thông tin đối ngoại.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đơn vị phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tiểu ban chuyên môn về CVĐC Toàn cầu Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, UBND các huyện trong vùng CVĐC Lạng Sơn, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

7. Mời chuyên gia tư vấn xây dựng, đánh giá, hoàn chỉnh Hồ sơ và triển khai công tác chuẩn bị đón đoàn thẩm định của UNESCO

- Tư vấn, xây dựng Chương trình hành động CVĐC Lạng Sơn năm 2023 - 2025.

- Phân tích thực trạng, đề xuất định hướng phát triển du lịch CVĐC Lạng Sơn giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030. Khảo sát, tư vấn xây dựng các tuyến du lịch địa chất và các tuyến đi bộ trong vùng CVĐC Lạng Sơn.

- Tư vấn xây dựng và triển khai quy trình bảo trì thống nhất các điểm di sản của CVĐC toàn cầu UNESCO.

- Tư vấn trưng bày Trung tâm thông tin và bảo tàng trong vùng CVĐC.

- Tư vấn xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng giai đoạn 2023 - 2025.

- Tư vấn xây dựng chương trình hội nhập quốc tế của CVĐC Lạng Sơn giai đoạn 2023 - 2025.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đơn vị phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Ngoại vụ, Tiểu ban chuyên môn về CVĐC Toàn cầu Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

8. Triển khai các hoạt động nghiên cứu, tôn tạo, bảo tồn, phục dựng, đầu tư trồng rừng, cải thiện vấn đề cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, bảo vệ hệ sinh thái rừng và động vật hoang dã trong vùng CVĐC

8.1. Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi thông tin, kết quả trong việc bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý di sản địa chất; điều tra, khảo sát, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa (tín ngưỡng thờ mẫu, lễ hội Ná Nhèm, sản xuất phim tư liệu về di sản văn hóa ...), các di tích lịch sử cách mạng thuộc cụm di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn; Khu di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử Chi Lăng.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đơn vị phối hợp: UBND các huyện trong vùng CVĐC Lạng Sơn, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

8.2. Tăng cường quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường ở một số khu vực trong phạm vi CVĐC Lạng Sơn

- Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện trong vùng CVĐC Lạng Sơn, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

8.3. Quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phong trào trồng rừng phủ xanh đồi trọc, cải thiện cảnh quan, xây dựng thương hiệu sản phẩm vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

- Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện trong vùng CVĐC Lạng Sơn, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

8.4. Hoàn thiện Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị một số loại hình di sản văn hoá phi vật thể trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn”

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đơn vị phối hợp: Sở Khoa học và Công nghệ và một số đơn vị, cá nhân, có liên quan.

8.5. Tiếp tục hợp tác với Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam triển khai Đề tài: “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương về vai trò và giá trị của di sản văn hoá trong CVĐC Lạng Sơn”.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đơn vị phối hợp: Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và một số đơn vị, cá nhân, cơ sở nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ có liên quan.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước; nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ nội dung Đề án thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025 và các nội dung nhiệm vụ giao tại Kế hoạch này, Ban Chỉ đạo xây dựng CVĐC toàn cầu tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng CVĐC toàn cầu tỉnh Lạng Sơn, Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn thực hiện hiệu quả Kế hoạch này; các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện, có vấn đề vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị có liên quan gửi đề xuất, kiến nghị về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ VHTT&DL (B/C);
- Bộ TN&MT (B/C);
- UBQG UNESCO (Bộ Ngoại giao) (B/C);
- Thường trực Tỉnh ủy (B/C);
- Thường trực HĐND tỉnh (B/C);
- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ;
- Tiểu ban chuyên môn về CVĐC Toàn cầu Việt Nam;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- C, PCVP UBND tỉnh, các phòng CM;
- BQL CVĐC Lạng Sơn;
- Lưu: VT, KGVX (NNK)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Xuân Huyên

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 258/KH-UBND năm 2022 triển khai hoạt động xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn năm 2023

  • Số hiệu: 258/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 26/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Dương Xuân Huyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản