Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/KH-UBND

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI - NĂM 2017

I. MỤC TIÊU

1. Sự cần thiết

Thành phố Hà Nội, với tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản là 30.840 ha. Năm 2016, diện tích nuôi trồng thủy sản là 21.300 ha; sản lượng đạt 110.000 tấn (tăng 9,7% so với năm 2015). Tuy nhiên, phát triển nuôi trồng thủy sản tại Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn về môi trường và dịch bệnh. Năm 2016, diện tích thủy sản bị chết do môi trường, dịch bệnh là 644,63 ha (tăng 51,9% so với năm 2015) gây thiệt hại 311,1 tấn cá các loại (tăng 6,25% so với năm 2015). Nguyên nhân chính: (1) một số vùng chuyển đổi diện tích nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản nhưng đầu tư chưa đồng bộ về cơ sở hạ tầng; (2) công tác cảnh báo môi trường dịch bệnh thủy sản chỉ thực hiện trên quy mô và diện tích nhỏ; (3) ý thức phòng chống dịch bệnh của người nuôi trồng thủy sản còn hạn chế; (4) một số UBND huyện, thị xã chưa có bộ máy quản lý thú y thủy sản đồng bộ.

Để hạn chế dịch bệnh xảy ra và khắc phục tồn tại trong phát triển thủy sản, UBND Thành phố ban hành “Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017”, cụ thể như sau:

2. Mục tiêu chung

Phòng, chống dịch bệnh thủy sản để phục vụ công tác quản lý, giám sát, chỉ đạo, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra, nhằm phát triển nuôi trồng động vật thủy sản bền vững, có hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội.

3. Mục tiêu cụ thể

a) Chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, góp phần thúc đẩy ngành thủy sản phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường sinh thái.

b) Giám sát, theo dõi, dự tính, dự báo, thông tin chính xác dịch bệnh để kịp thời phát hiện nhanh, bao vây, xử lý dịch triệt để các ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng tại 18 vùng nuôi trồng động vật thủy sản tập trung và 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.

c) Nâng cao nhận thức cho người nuôi trồng thủy sản về tác hại của dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trong quá trình nuôi trồng; trách nhiệm của người nuôi trồng, các cấp chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

d) Thiết lập được cơ sở dữ liệu về dịch bệnh động vật thủy sản, tiến tới xây dựng bản đồ dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật Thú y số 79/2015/QH13;

Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản và Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Giám sát dịch bệnh động vật thủy sản

Công tác giám sát dịch bệnh động vật thủy sản phải được thực hiện định kì hàng tháng, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh xảy ra.

a) Giám sát bị động:

Tăng cường hệ thống giám sát của các trạm Thủy sản, khai báo, thông tin tận ao nuôi, đảm bảo tất cả các đối tượng thủy sản nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh phải được phát hiện và báo cáo kịp thời. Trong trường hợp nghi mắc bệnh nguy hiểm cần thu mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh và có hướng xử lý phù hợp, hiệu quả.

b) Giám sát chủ động:

- Đối tượng: Cá giống và cá thương phẩm (cá rôphi, cá trắm, cá chép, ... các đối tượng nuôi chính trên địa bàn thành phố Hà Nội).

- Mục đích: Phát hiện sự lưu hành của mầm bệnh nguy hiểm như bệnh do virut mùa xuân, bệnh do vi khuẩn Steptococus, bệnh do vi khuẩn Aeromonas, Pseudomonas và một số bệnh có tần số xuất hiện nhiều như bệnh: kí sinh trùng, nấm... thông qua thu mẫu và xét nghiệm định kỳ ở vùng nuôi và các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống.

- Địa điểm thu mẫu: Tại 18 vùng nuôi trồng động vật thủy sản tập trung thuộc các huyện: Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín, Phúc Thọ, Ba Vì... và 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mỗi vùng nuôi trồng thủy sản chọn 05 hộ nuôi để lấy mẫu.

- Phương pháp lấy mẫu: Lấy mẫu ngẫu nhiên.

- Tần suất thu mẫu: 10 lần/năm.

2. Điều tra ổ dịch và xử lý dịch bệnh

a) Điều tra ổ dịch:

- Khi nhận thông tin thủy sản mắc bệnh, nghi mắc bệnh cán bộ Trạm thủy sản kết hợp với cán bộ thú y xã, phường, thị trấn đến ngay cơ sở để xác nhận thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời, hướng dẫn chủ cơ sở nuôi thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.

- Điều tra ổ dịch phải được thực hiện trong vòng 01 ngày đối với khu vực đồng bằng và 02 ngày đối với vùng rừng núi kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông tin thủy sản chết, có dấu hiệu mắc bệnh.

- Thông tin về ổ dịch phải được thu thập chi tiết, đầy đủ, chính xác và kịp thời, theo các nội dung điều tra quy định tại Khoản 2, Điều 13, Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, chú trọng các chỉ tiêu biến động môi trường; kiểm tra biểu hiện lâm sàng, số lượng, loài, lứa tuổi; ngày phát hiện thủy sản mắc bệnh, diện tích thủy sản mắc bệnh, diện tích nuôi, hình thức nuôi, tình trạng ao, hồ nuôi bị bệnh.

b) Xử lý dịch bệnh:

Khi xác định vùng nuôi bị dịch bệnh nguy hiểm phải tiến hành xử lý ngay không để lây lan trên diện rộng. Phương pháp xử lý:

- Tùy theo tình hình thực tế tại ao, hồ nuôi thủy sản bệnh có thể xử lý bằng thu hoạch, điều trị hoặc tiêu hủy (theo quy định tại các Điều: 15, 16, 17, 18, 19, Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

- Một số hóa chất sử dụng để xử lý ao nuôi thủy sản như Chlorine, Formol, thuốc tím, vôi bột.

- Yêu cầu:

Không xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý theo quy định ra ngoài môi trường. Không vứt thủy sản mắc bệnh, chết, nghi mắc bệnh ra môi trường.

Rải vôi quanh bờ ao để sát khuẩn, báo hiệu, hạn chế động vật gây hại. Việc thu hoạch thủy sản mắc bệnh, nghi mắc bệnh phải có sự hướng dẫn và giám sát của cơ quan chuyên môn.

Công tác xử lý tiêu hủy thủy sản mắc bệnh nguy hiểm phải đúng theo trình tự, hướng dẫn của tổ chống dịch tránh làm lây lan dịch bệnh. Sau khi xử lý, để có thể tiếp tục thả nuôi chủ cơ sở cần thực hiện vệ sinh khử trùng theo quy trình đảm bảo không còn mầm bệnh và vệ sinh tốt môi trường.

3. Kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển giống thủy sản

a) Thực hiện kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển theo quy định tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.

b) Kiểm soát chặt chẽ nguồn giống thủy sản bố mẹ nhập về ở các trại giống để sinh sản và kiểm dịch con giống thủy sản khi vận chuyển ra ngoài Thành Phố. Hướng dẫn chủ cơ sở sản xuất giống khai báo việc xuất nhập giống thủy sản, xét nghiệm bệnh của giống thủy sản theo quy định.

c) Kiểm tra nguồn giống thủy sản ngoại tỉnh nhập về thả nuôi trên địa bàn (giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy vận chuyển, phiếu kết quả xét nghiệm).

4. Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y thủy sản

Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản; cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật dùng trong thú y, thú y thủy sản thực hiện theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

5. Hỗ trợ thuốc sát trùng, hóa chất, chế phẩm xử lý môi trường

a) UBND các huyện, thị xã có vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong danh mục tại Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 của HĐND Thành phố; xác định địa điểm và diện tích hỗ trợ thuốc sát trùng, chế phẩm xử lý môi trường để phòng ngừa bệnh trong nuôi thủy sản trên địa bàn Thành phố.

b) Triển khai hỗ trợ thuốc, hóa chất, chế phẩm xử lý môi trường thực hiện theo quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

c) Chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

6. Tuyên truyền, tập huấn phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản

a) Đối tượng thực hiện, tham gia công tác tuyên truyền, tập huấn, bao gồm: Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến quan trắc cảnh báo môi trường, sản xuất, thu gom, ương dưỡng, nuôi trồng, buôn bán, vận chuyển, sơ chế, chế biến thủy sản, phòng chống dịch bệnh.

b) Nội dung: Chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

c) Hình thức: Bằng một hoặc nhiều hình thức khác nhau (tờ rơi, báo đài, hội thảo hướng dẫn, tập huấn...) nhưng phải đảm bảo thường xuyên, nhanh chóng và hiệu quả.

d) Thời điểm: Phải được thực hiện trước mùa vụ nuôi, trước thời điểm phát sinh nhiều dịch bệnh và khi có dịch bệnh xuất hiện.

7. Thanh tra, kiểm tra

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống, các cơ sở chuyên vận chuyển, buôn bán thủy sản qua địa bàn Thành Phố, các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.

8. Chế độ báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản

a) Báo cáo đột xuất ổ dịch:

- Chủ cơ sở nuôi, người hành nghề thú y thủy sản, người phát hiện động vật thủy sản mắc bệnh, chết nhiều hoặc có dấu hiệu mắc bệnh, bất thường có trách nhiệm báo cáo nhân viên thú y xã, phường, thị trấn (nhân viên thú y cấp xã) và UBND cấp xã hoặc trạm Thủy sản nơi gần nhất.

- Nhân viên thú y xã khi nhận được tin báo phải đến nơi có động vật thủy sản mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh để kiểm tra thông tin và báo cáo Trạm Thủy sản và Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Trạm Thủy sản thực hiện xác minh bệnh tại cơ sở và báo cáo kết quả xác minh về Chi cục thủy sản Hà Nội và UBND cấp huyện để phối hợp xử lý.

- Chi cục Thủy sản Hà Nội báo cáo tình hình dịch bệnh xảy ra về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Thành Phố, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y để đề xuất chỉ đạo thực hiện.

- Báo cáo về ổ dịch hoặc bệnh mới phải được thực hiện trong vòng 48 giờ kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông tin động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh.

- Báo cáo bằng điện thoại, gặp trực tiếp, gửi văn bản hoặc gửi thư điện tử (email).

b) Báo cáo cập nhật tình hình ổ dịch:

- Trước 12 giờ 00 hàng ngày, nhân viên thú y xã báo cáo trạm Thủy sản và UBND cấp xã về tình hình ổ dịch đã được trạm Thủy sản hoặc Chi cục Thủy sản Hà Nội xác nhận.

- Trước 16 giờ 00 hàng ngày, Trạm Thủy sản báo cáo Chi cục Thủy sản Hà Nội và UBND cấp huyện.

- Trước 15 giờ 00 thứ 6 hàng tuần, Chi cục Thủy sản Hà Nội tổng hợp báo cáo diễn biến dịch bệnh trong tuần gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Thành phố, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y.

- Báo cáo cập nhật tình hình ổ dịch được thực hiện cho đến khi kết thúc ổ dịch, kể cả ngày lễ, tết và ngày nghỉ.

c) Báo cáo kết thúc ổ dịch:

Trong thời gian 07 ngày kể từ khi kết thúc ổ dịch theo quy định của pháp luật, Chi cục Thủy sản có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tổng kết ổ dịch, đánh giá kết quả phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

d) Báo cáo điều tra ổ dịch:

- Báo cáo điều tra ổ dịch được áp dụng trong trường hợp ổ dịch đã được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thủy sản xác định là bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch hoặc bệnh mới.

- Chi cục Thủy sản Hà Nội có trách nhiệm báo cáo kết quả điều tra ổ dịch với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Thành phố, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y ngay sau khi kết thúc điều tra ổ dịch.

e) Báo cáo bệnh mới:

Chi cục Thủy sản Hà Nội báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Thành phố, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y về diễn biến lây lan dịch bệnh.

g) Báo cáo định kỳ:

- Báo cáo tháng: Số liệu để báo cáo được tính từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng. Báo cáo phải được thực hiện dưới hình thức văn bản và file điện tử, cụ thể như sau: Trạm Thủy sản báo cáo Chi cục Thủy sản Hà Nội trước ngày 10 của tháng tiếp theo; Chi cục Thủy sản Hà Nội báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y trước ngày 15 của tháng tiếp theo.

- Báo cáo 06 (sáu) tháng đầu năm được thực hiện trước ngày 15 tháng 7; Số liệu tổng hợp để báo cáo được tính từ ngày 01/01 đến ngày 30/6.

- Báo cáo năm được thực hiện trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo; Số liệu tổng hợp để báo cáo được tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12.

h) Báo cáo kết quả giám sát dịch bệnh và kết quả hỗ trợ thuốc, hóa chất, chế phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản:

- Chi cục Thủy sản Hà Nội báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Thành phố, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y kết quả giám sát, dự báo dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Thành phố.

- Hàng năm, UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo Chi cục Thủy sản Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực hiện và đánh giá hiệu quả công tác hỗ trợ thuốc sát trùng, hóa chất, chế phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quản lý để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.

9. Kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định hiện hành của Nhà nước. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã lập kế hoạch chi tiết, dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn Thành phố.

b) Chủ trì phối hợp với các cấp các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản ở các cấp, các ngành trên địa bàn Thành phố.

c) Theo dõi, kiểm tra, báo cáo tình hình dịch bệnh, đề xuất kịp thời các giải pháp chỉ đạo đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

d) Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch bệnh. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các hoạt động truyền thông về phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản.

e) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản hàng năm của các đơn vị thực hiện.

g) Chỉ đạo Chi cục Thủy sản Hà Nội thực hiện:

- Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã có diện tích nuôi trồng thủy sản tổng hợp, phân tích số liệu diện tích nuôi các động vật thủy sản chủ lực trên địa bàn Hà Nội.

- Hàng năm xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí tổ chức giám sát dịch bệnh thủy sản tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và các vùng nuôi trồng thủy sản có diện tích lớn, có nguy cơ ô nhiễm, có khả năng xảy ra dịch bệnh.

- Chỉ đạo và hướng dẫn các Trạm Thủy sản, nhân viên Thú y xã và chủ cơ sở nuôi thực hiện việc báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản theo biểu mẫu; chịu trách nhiệm cấp phát và hướng dẫn Trạm Thủy sản và người phụ trách công tác Thú y xã trong việc sử dụng các biểu mẫu báo cáo.

- Tổ chức tập huấn về phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật thủy sản.

- Hướng dẫn, kiểm tra chỉ đạo các Trạm Thủy sản tổ chức giám việc vận chuyển thủy sản được thu hoạch từ ổ dịch về cơ sở sơ chế, chế biến.

- Chi cục Thủy sản cung cấp thông tin dịch bệnh động vật thủy sản ở phạm vi Thành Phố cho chính quyền, người dân, cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.

2. UBND các quận, huyện, thị xã

a) Chỉ đạo, kiểm tra và giám sát các ban ngành liên quan của địa phương xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ thuốc sát trùng, hóa chất, chế phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản hàng năm để triển khai phù hợp với tình hình của địa phương.

b) Chỉ đạo thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, chính xác diễn biến dịch bệnh và biện pháp phòng chống trên hệ thống truyền thanh của địa phương để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản; hướng dẫn các biện pháp nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

d) Thanh, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

e) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn; tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn cá nuôi tới tận thôn, xóm, hộ gia đình, phát hiện sớm, kịp thời khống chế, không để bệnh lây lan ra diện rộng; tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường nước theo quy định. Chỉ đạo ban quản lý các chợ phân phối, kinh doanh các sản phẩm thủy sản cần xử lý nghiêm các sản phẩm nhập lậu, sản phẩm không rõ nguồn gốc, buôn bán không đúng nơi quy định.

g) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cấp phát thuốc sát trùng, chế phẩm xử lý môi trường phòng, trị bệnh thủy sản trên địa bàn theo quy định.

h) Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố nếu để dịch xảy ra trên địa bàn quản lý do lơ là, chủ quan, thiếu phối hợp trong công tác phòng, chống dịch.

i) Báo cáo cho Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện công tác hỗ trợ thuốc sát trùng, hóa chất, chế phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản (gửi báo cáo cho Chi cục Thủy sản Hà Nội tổng hợp).

3. Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan

a) Sở Tài chính:

Cân đối kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

b) Các sở: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên Môi trường, Giao thông Vận tải, Công an Thành phố và các đơn vị liên quan:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động phối hợp thực hiện Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật đảm bảo kịp thời, hiệu quả đặc biệt khi có dịch bệnh xảy ra.

UBND Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện Kế hoạch này; trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo về UBND Thành phố (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; để báo cáo
- T.T Thành ủy, T.T HĐND Thành phố; để báo cáo
- Chủ tịch UBND Thành phố; để báo cáo
- Các PCT UBND Thành phố;
- Các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Giao thông vận tải;
- Công an Thành phố;
- Các Chi cục: Thủy sản Hà Nội, Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, Quản lý thị trường Hà Nội;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, báo Hà Nội mới, Kinh tế và Đô thị;
- VPUB: CVP, các CPVP, các phòng CV, TKBT, TH;
- Lưu VT, KT (Túy, Hùng).
SĐ: 2825

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 25/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017

  • Số hiệu: 25/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 09/02/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Văn Sửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/02/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản